Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label xaloiphat. Show all posts
Showing posts with label xaloiphat. Show all posts

Thursday, December 8, 2022

XÁ LỢI PHẤT

 XÁ LỢI PHẤT
(Trí huệ đệ nhất)

 

VÂN HÀ (TTHA)

 


 

Xứ Nam An cách thành Vương Xá

Mấy dặm đường có một thôn trang

Gia tư quý cách giàu sang

Luận tài, đức độ thuộc hàng quốc sư

 

Tuổi niên thiếu thường khi đàm đạo

Bạn tâm giao thông thạo võ, văn

Mục Liên tài trí sánh bằng

Luận sư trong khắp mọi đàng chúng sinh

 

Xá Lợi Phất cũng hàng sĩ tử

Vốn môn đồ cư sĩ bàng môn

Phụ thân Đề Xá - tiếng đồn

Luận sư nổi tiếng như cồn, khắp nơi

 

Ai cũng biết, nhiều người ca tụng

Bà la môn, Thánh chúng đều khen

Thiên nhơn xuống thế mấy phen

Thử lòng tâm đạo, ngợi khen đúng người148

 

Quy y Phật, một đời hành đạo

Chứng quả thành am thảo khai nguyên

Lục thông, trí huệ vô biên

Bao phen chuyển Pháp mấy miền giới xa

 

Nơi tịnh xá Kỳ Hoàn thuở ấy

Đức Thế Tôn gặp phải chướng ma

Tranh quyền đoạt chức, Đề Bà

Muốn thay Đức Phật để mà hơn, thua

 

Xá Lợi Phất ngăn ngừa khuyên giải

Hiển thần thông hoán cải tâm người

Đề Bà kinh sợ đành thôi

Không còn kiêu hãnh đổi ngôi, thay người

 

Nhóm Lục quần cả cười khiêu khích

Đoạt Kỳ Hoàn tịnh xá chư tăng

Xá Lợi Phất cố cản ngăn

Nhẫn, nhường thuyết phục: ăn năn kịp thời

 

Đức đại trí người người kính trọng

Quy phục Ngài nào khác Thế Tôn

Vào ra giữa chốn Bàng môn

Khác nào tịnh giữa Thiền môn Niết bàn

 

Xá Lợi Phất đúng hàng đệ tử

Đại môn đồ Thích tử Thiền gia

Khai thông Pháp Bảo Phật Đà

Sen vàng trổ giữa Ta bà thế gian.

Saturday, May 1, 2021

Xá Lợi Phất

 


Xá Lợi Phất

Trong kinh tạng Pàli, Tôn giả Xá Lợi Phất chiếm địa vị quan trọng hàng đầu, chỉ đứng sau Phật. Nhiều kinh được mở đầu với câu cổ điển “Như vậy tôi nghe”, mà người thuyết kinh thay vì đấng giác ngộ, thì lại chính là bậc Thánh đệ tử uyên bác ấy giảng thay cho Ngài. Có khi đức Ðạo Sư thăng pháp tòa, chỉ trình bày một bài kệ ngắn gọn, rồi lui về am thất của Ngài. Trong những dịp như vậy, chúng ta thường gặp Tôn giả Xá Lợi Phất xuất hiện khai diễn ý nghĩa lời dạy súc tích của Phật và cuối cùng, chính Phật đã xác chứng cho lối giải thích của Tôn giả bằng một câu còn giá trị hơn tất cả những lời khen tặng : “Nếu các ông hỏi ta, ta cũng giải thích như Xá Lợi Phất!”.

Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputra, dịch nghĩa là Thu Tử) là con trưởng trong một gia đình thuộc thế cấp Bà La Môn giàu nhất làng Upatissa, gần Nàlanda ngày nay. Upatissa cũng là tên được đặt cho Ngài khi sơ sinh. Mẹ Ngài tên Sarì. Trong bốn người con trai Ngài được mang tên của mẹ, trong khi một người em của Ngài lại có tên của cha là Vagantaputra. Tôn giả có ba em trai và ba em gái, về sau đều theo Ngài xuất gia đắc quả A La Hán.

Thông thường, những người quá thông minh xuất chúng phải trả giá thiên tài của họ bằng nỗi cô đơn. Nhưng Tôn giả Xá Lợi Phất lại là một ngoại lệ. Ngài có rất nhiều bạn, có thể nói Ngài là bạn của tất cả, kể từ Ðức Phật trở xuống.

Nhiều kinh điển Pali đã ghi lại những cuộc luận đàm kỳ thú giữa Tôn giả Xá Lợi Phất với những bực Thánh đệ tử khác. Chính đức Ðạo sư dường như cũng ưa nói chuyện với Tôn giả hơn với những người khác. Ngài thường gọi: “Này Xá Lợi Phất” mỗi khi thuyết pháp. Thật là một địa vị đáng thèm.

Một đức tính khác làm cho Tôn giả Xá Lợi Phất được tất cả đồ chúng của Phật yêu kính là Ngài biết tôn trọng ý kiến của mọi người. Ngài không bao giờ tự cho là trí tuệ đệ nhất để áp đảo kẻ khác bằng lý luận. Trong những cuộc luận đàm Tôn giả thường hỏi ý kiến từng người, để họ tự do phát biểu, và khi có sự bất đồng Ngài rủ mọi người cùng đi đến yết kiến Phật để xin đức Ðạo sư giải quyết, chứ không bao giờ tự cho ý kiến mình đúng, thiên hạ đều sai.

Một kinh của Trung bộ III kể, vào một đêm rằm, trăng sáng vằng vặc chiếu xuống khu vườn cây Sa La nơi Tôn giả đang trú ngụ. Ðêm khuya, trăng tỏ, hương hoa đang mùa rộ nở cùng với sương đêm tỏa ngát không gian. Cảnh thật xứng với người: một cuộc hội kiến giữa những bậc thượng thủ đến thăm Tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả mở màn cho cuộc pháp thoại bằng một câu hỏi, cũng vừa là một lời chào:

- Ðêm thanh, trăng tỏ, vườn Sa La khả ái thơm nức một mùi hương như thiên giới, chư Hiền nghĩ sao, vị Tỳ kheo nào, theo ý chư Hiền, sẽ là người làm sáng chói khu vườn (tức một mẫu Tỳ kheo lý tưởng trong Phật giáo phải như thế nào?)

Tôn giả A Nan đáp:

- Theo tôi, một vị Tỳ kheo làm sáng chói khu vườn là vị nào đa văn đệ nhất.

Tôn giả Ca Diếp:

- Vị Tỳ kheo sáng chói khu vườn là vị trì khổ hạnh đầu đà đệ nhất.

Tôn giả Mục Kiền Liên:

- Tôi thì cho rằng vị Tỳ kheo làm sáng chói khu vườn, chính là vị nào thành tựu biện tài số một.

Tôn giả Ly Bà Ða:

- Ý kiến của tôi thì, vị Tỳ kheo làm sáng chói khu vườn phải là người thiền định bậc nhất.

Khi tất cả mọi người đều cho ý kiến, Tôn giả Mục Kiền Liên giục bạn:

- Hiền giả nghĩ sao? Ý kiến của người nào đúng? Và ý Hiền giả như thế nào về một vị Tỳ kheo làm sáng chói khu vườn?

Tôn giả Xá Lợi Phất đáp:

- Vị Tỳ kheo nào chế phục được tâm, không bị tâm chế phục. Vị Tỳ kheo nào, buổi sáng muốn trú tâm như thế nào, có thể an trú tâm như thế ấy vào buổi sáng. Buổi trưa vị ấy muốn an trú tâm nào vị ấy cũng có thể làm như ý muốn vào buổi trưa. Buổi chiều, buổi tối cũng vậy.

Như một vị vua hay đại thần có một tủ đầy áo đẹp, và khi vị ấy sáng muốn mặc áo nào, trưa muốn mặc áo nào, chiều muốn mặc áo nào đều có thể làm theo ý muốn của mình. Cũng thế, đối với một vị Tỳ kheo đã chế phục được tâm ý, không bị tâm chế phục, vị Tỳ kheo như thế sẽ làm sáng chói khu vườn Sa La khả ái này. Nhưng này chư Hiền, chúng ta hãy đi đến đảnh lễ đấng Ðạo sư để thỉnh giáo về vấn đề này nhé.

Khi Ðức Phật nghe thuật lại ý kiến của từng vị. Ngài dạy rằng mọi người đều trả lời đúng theo địa vị khả năng của mình. Tuy nhiên, Ngài thêm ý kiến của Ngài theo đó:

- Vị Tỳ kheo sáng chói khu vườn chính là vị nào sau khi đi khất thực về, sau khi chánh niệm thọ thực xong, rửa chân rồi trải tọa cụ ngồi thiền cho đến khi nào không còn lậu hoặc mống khởi.

Ðiểm lý thú trong câu chuyện này là ở chỗ khi mới nghe qua, chúng ta thấy dường như mỗi vị tự đề cao cá nhân vậy, song kỳ thật không thế. Mỗi người phát biểu cái lý tưởng mình muốn đạt, cho nên ngài A Nan, con người ưa đa văn, tôn trọng học vấn, đương nhiên phải cho đa văn là nhất. Ngài Ca Diếp cho hạnh đầu đà là lý tưởng của xuất gia, nên Ngài mới chuyên môn hạnh ấy. Mục Kiền Liên yêu thích biện tài, muốn phát triển mặt ấy, nên cho rằng thành tựu biện tài là nhất. Ly Bà Ða chú trọng thiền định cũng thế, vì cho thiền định là lý tưởng. Câu đúc kết của Phật rất ý vị ở chỗ, cái điều Ngài cho là lý tưởng chính là những việc làm rất thường, không có gì quái dị phức tạp, thế mà lại rất khó, chỉ có Phật mới thành tựu trọn vẹn được. Ðó là những việc thường ngày như ăn cơm, rửa chân, trải tọa cụ ra ngồi... Như vậy, ta thấy rõ Phật muốn ám chỉ đạo là rất giản dị, đó là cái tâm bình thường (bình thường tâm thị đạo), nhưng đồng thời quả thật cái việc “thường” ấy lại khó khăn gấp bội những việc “phi thường” của các bậc đa văn, biện tài, trí tuệ.

Tôn giả Xá Lợi Phất cũng là một người con rất hiếu thảo. Biết mẹ mình không tin Phật pháp, nên ông đã xin phép Phật về quê hóa độ mẹ, trước khi nhập Niết Bàn. Khi thấy con mình trở về, bà rất vui. Đêm đó, nhìn thấy các vị trời Phạm thiên mà bà thường tôn thờ, đến đảnh lễ tôn giả Xá Lợi Phất, bà mới biết đạo đức và trí tuệ của con mình còn cao vượt hơn cả những vị trời. Từ đó, bà phát sinh lòng tin tưởng vào Phật, và nghe theo những lời thuyết pháp của tôn giả Xá Lợi Phất để có thể đi trên con đường sáng hướng tới an lạc, hạnh phúc tối thượng. Hoàn tất việc hóa độ mẹ, tôn giả an nhiên nhập Niết Bàn ngay tại quê nhà của ngài.

(Nguồn: Những mẫu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên - NXB. Hồng Đức)