Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label datnuoc. Show all posts
Showing posts with label datnuoc. Show all posts

Thursday, September 10, 2015

NHỮNG VIỆC NHỎ CẦN LÀM ĐỂ HƯỚNG ĐẾN 1 XÃ HỘI VĂN MINH

NHỮNG VIỆC NHỎ CẦN LÀM ĐỂ HƯỚNG ĐẾN 1 XÃ HỘI VĂN MINH


Ai trong chúng ta cũng mong muốn sống trong 1 xã hội văn minh, tiến bộ. Nhưng, thế nào là 1 xã hội văn minh? Câu hỏi tuy đơn giản nhưng cũng thật khó để trả lời 1 cách đầy đủ. Tuy nhiên, có những điểm chung mọi người đều nhận thấy ở xã hội văn minh, đó là, môi trường sống luôn sạch sẽ, con người biết tôn trọng kỷ cương phép nước, ứng xử giữa con người với nhau thân thiện, mọi người có hiểu biết và có ý thức hướng đến lợi ích chung. Để đạt được một môi trường sống lý tưởng như trên, đòi hỏi cả 1 quá trình dài để thay đổi từ nhận thức của cá nhân, chỉnh sửa các thiết chế quản lý xã hội, đến hình thành thói quen và phong cách sống của cả xã hội. Bao giờ thì Việt Nam mới trở thành xã hội văn minh?

Khi quan sát hiện tình xã hội Việt Nam, tôi nhận thấy có nhiều vấn đề cần phải khắc phục để đất nước có thể phát triển và tiến gần hơn với mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội Công bằng, Văn minh. Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều có thể trở thành một nước văn minh được, nếu chúng ta không bắt tay vào việc thay đổi xã hội ngay từ bây giờ, và từ những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất. Vì vậy, thay vì kêu gọi, hô hào xuông, chúng ta hãy cùng nhau chọn ra những việc nhỏ, dễ thực hiện nhất để bắt đầu công cuộc cải cách đất nước theo chiều hướng tiến bộ.

Dưới đây là 1 số việc đơn giản, theo tôi, có thể thực hiện ngay, ở cả phạm vi cá nhân và tập thể, nhưng có tác dụng rất lớn đến tiến trình chuyển hóa tích cực của đất nước ta trong tương lai.

1/ Giữ gìn vệ sinh chung: Nhìn tấm gương của Singapore, ta thấy, họ rất quan tâm đến vấn đề này. Không những tác động vào ý thức người dân, mà họ còn chú trọng đến quá trình vận hành hệ thống thu gom, xử lý rác, cũng như việc phạt thật nặng những người xả rác bừa bãi. Tuy đây là việc nhỏ, nhưng nó rất quan trọng để giáo dục mọi người về ý thức tôn trọng môi trường sống, một tài nguyên chung của xã hội. Một người bỏ rác bừa bãi, tuy chẳng đáng kể, nhưng nhiều người cùng làm vậy, thì cả thành phố trở nên 1 thùng rác lớn, rất dơ và ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong thành phố đó. Để đạt được mục tiêu này, ta cần chú trọng giáo dục trẻ em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để việc bỏ rác đúng nơi quy định trở thành thói quen. Người lớn cần phải có ý thức làm gương, và đôi khi, cũng cần học tập từ trẻ em về thói quen giữ gìn vệ sinh chung. Cũng cần hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý rác thải. Lắp đặt thêm nhiều thùng rác ở các khu công cộng. Ngoài ra, cần vai trò của các tổ dân phố, CA. khu vực, dân phòng… trong việc nhắc nhở người dân bỏ rác đúng giờ giấc và đúng nơi quy định. Có hình thức xử phạt thật nặng đối với những người vi phạm nhiều lần. Ở Việt Nam, hiện nay, vẫn có những người cố ý bỏ rác sang nhà người khác, cho các loại thú cưng đi chơi và phóng uế trên đường phố, vất tàn thuốc lá bừa bãi, tiểu bậy, hoặc móc bọc làm vương vãi rác… đã góp phần làm bẩn môi trường sống và gây ảnh hưởng cho nhiều người xung quanh. Một hình thức phạt bằng đánh đòn đã được Singapore áp dụng, tuy chỉ có ý nghĩa biểu tượng, nhưng lại có tác dụng giáo dục khá tốt. Hình thức này cũng có thể xem xét để áp dụng ở Việt Nam.

2/ Biết quan tâm, chia sẻ với cộng đồng: Một xã hội văn minh đòi hỏi con người phải biết quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng, biết chia sẻ khó khăn của người khác. Ở nước ta, tinh thần tương thân, tương ái, và hỗ trợ cồng đồng đã có truyền thống từ lâu và cũng được xem là điểm tích cực gắn kết mọi người trong tình làng, nghĩa xóm. Tuy nhiên, với quá trình đô thị hóa, ý thức này đã mai một ở một bộ phận xã hội, đặc biệt là ở giới trẻ, cần phải được khôi phục lại. Những biểu hiện quan tâm đến mọi người và môi trường sống xung quanh sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, chẳng hạn như: cùng làm sạch đường phố, nhắc nhở mọi người không câu cá ở nơi công cộng, bảo vệ cây xanh, ngăn việc lấp sông, phá rừng, đóng góp cho việc xây cầu, cống, làm đường… Ở các nước phát triển, mọi người được khuyến khích tham gia vào các xã hội dân sự, là những hội, đoàn được lập ra 1 cách tự nguyện và tự vận hành mà không có sự can thiệp của nhà nước. Xã hội dân sự được xem là 1 trụ cột của các nước dân chủ vì nó góp phần ổn định và cân bằng các mối quan hệ trong xã hội: Nhà nước–Doanh nghiệp–Công dân. Để đạt mục tiêu này, cần có khung pháp lý về việc lập hội và gia nhập hội. Nhà nước cần góp phần thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức phi chính phủ, các đoàn thể quan tâm tới mục tiêu dân sinh, thiện nguyện, hoặc các hội nhóm sở thích… Các đoàn thể tôn giáo cũng có thể được xem là 1 phần của xã hội dân sự, nên được khuyến khích để tự do phát triển. Bên cạnh sự tham gia của các tổ chức đoàn thể dân sự, nhà nước cũng cần chú ý đến các chính sách hỗ trợ các đối tượng dễ tổn thương trong xã hội, như: người nghèo, già cả, neo đơn, khuyết tật… Ở Nhật Bản, có các phương tiện để hỗ trợ người tàn tật như: các đường phố đều có 1 làn gạch màu vàng đắp nổi dành cho người mù có thể tự đi lại ; các ngã tư đèn đỏ đều có thêm tín hiệu âm thanh ; các lối vào các tòa nhà, bến xe luôn có đường dành cho người đi xe lăn…

3/ Tôn trọng pháp luật: Đây là 1 điểm quan trọng để đánh giá mức độ trưởng thành của 1 cộng đồng, xã hội. Ở xã hội phát triển, pháp luật khá hoàn thiện và được cả xã hội tuân theo như là 1 khế ước tập thể, nó góp phần điều chỉnh hành vi của mọi người trong xã hội. Ở 1 quốc gia kém phát triển, luật pháp thường không đầy đủ và không được tuân thủ nghiêm ngặt bởi mọi người trong xã hội. Nhìn lại nước ta, truyền thống “phép vua thua lệ làng” từ xưa đã cho thấy sự thiếu tuân thủ chặt chẽ pháp luật. Một câu nói nổi tiếng vẫn thường được nhắc đến để mô tả thực trạng pháp luật không được tôn trọng ở nước ta, đó là “nước ta có 1 rừng luật, nhưng thực tế chúng ta vẫn dùng luật rừng”. Nhìn vào xã hội, ta thấy rất nhiều hiện tượng vi phạm kỷ luật chung xảy ra hằng ngày, như: không chịu xếp hàng, vượt đèn đỏ, chạy trường, chạy công việc, chạy dự án, và cả chạy án… Vì vậy, để nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, chúng ta cần thực hiện song song 2 việc: (1) Cần cải cách hoạt động lập pháp, rà soát và hoàn thiện khung pháp lý, sao cho, các vấn đề phát sinh có thể được xử lý 1 cách công bằng, minh bạch, đúng người, đúng tội, và (2) Cần hoàn thiện cơ chế, và xây dựng đội ngũ hành pháp và tư pháp đủ năng lực, và công chính trong việc thực thi pháp luật. Ngoài ra, các bộ phận lập pháp, hành pháp, và tư pháp cần độc lập với nhau, để đảm bảo tính khách quan và công bằng của pháp luật. Cần xây dựng ý thức tôn trọng kỷ cương, phép nước trong mọi người dân, bất kể địa vị, chức vụ. Công chức nhà nước nếu phạm pháp cần phải xử phạt nặng hơn người thường. Để khôi phục kỷ cương phép nước, cần tạo dựng niềm tin của công chúng vào tính công bằng của pháp luật, và sự liêm chính của đội ngũ thực thi pháp luật. Ngoài ra, cũng cần phổ biến kiến thức pháp luật sâu rộng trong mọi công dân, bằng các bài học ở trường lớp, các phim truyện về tình huống pháp luật, các trung tâm tư vấn pháp luật miễn phí, và các cổng thông tin pháp luật…

4/ Biết cách thể hiện quan điểm, ý kiến: Ở xã hội văn minh, mọi người được quyền bày tỏ ý kiến của mình một cách tự do, miễn là không xúc phạm đến người khác. Chỉ có bằng việc trao đổi, thảo luận 1 cách công khai, tự do, thì các sáng kiến, ý tưởng hay mới có dịp được thể hiện và áp dụng. Ở nước ta, do truyền thống văn hóa và do cách giáo dục, nên khi được mời phát biểu ý kiến, nhiều học sinh, sinh viên không biết cách thể hiện quan điểm của mình. Điều này, có nguyên nhân từ thói quen ít được phát biểu trong những năm học phổ thông và tâm lý sợ sai. Để khắc phục, cần phải bắt đầu từ việc giáo dục ở nhà trường, các thầy/cô phải tập cho các em thói quen phát biểu và trình bày ý tưởng của mình, phải xem đây là 1 trong các mục tiêu giáo dục và cần được đánh giá sự tiến bộ sau mỗi cấp học. Việc tôn trọng quan điểm, ý kiến khác biệt là rất cần thiết để tạo ra sự tự tin ở người phát biểu. Nếu thầy/cô la rầy, hay không chấp nhận những ý kiến khác biệt, lâu dần, sẽ làm học trò sợ sai và không dám phát biểu ý kiến. Cũng vậy, nếu xã hội thiếu khoan dung với những ý kiến, tư tưởng khác biệt, cấm đoán hoặc bỏ tù những người nói trái quan điểm của nhà cầm quyền, lâu dần, xã hội sẽ mất khả năng sáng tạo, và người dân sẽ không dám bày tỏ ý kiến phản biện hay phê phán để góp phần cải thiện xã hội. Một xã hội mà người dân sợ sệt, không dám bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình, là một xã hội bất an, và không thể phát triển được, bởi xã hội đó đã không tận dụng được trí tuệ tập thể. Nếu nhà cầm quyền chỉ dựa trên sức mạnh để trấn áp những tiếng nói khác biệt sẽ tạo nên nhiều chia rẽ và xung đột ẩn tàng bên trong xã hội. Những mâu thuẫn đó nếu không được giải tỏa, nó sẽ có nguy cở trở thành tác nhân gây bất ổn xã hội.

5/ Tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình: Đây là mục tiêu rất quan trọng của một xã hội dân chủ, văn minh. Ở đó, mọi người biết cách ra quyết định đối với những việc quan trọng của xã hội và tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Chính việc tự quyết và tự chịu trách nhiệm thể hiện người dân có quyền làm chủ đối với đất nước và vận mệnh của họ. Ví dụ: quyết định của người dân Đông Timor để tách khỏi Indonesia, quyết định của người dân Scotland khi tiếp tục là 1 phần của nước Anh… Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi người dân phải có mức độ hiểu biết nhất định về luật pháp, tổ chức xã hội, biết cách sử dụng các công cụ như bỏ phiếu, bất tuân dân sự, biểu tình… để thể hiện quan điểm, quyết định của mình đối với các vấn đề chung của xã hội, và cũng chịu trách nhiệm với những quyết định đó. Ở nước ta, một bộ phận dân chúng vẫn có thói quen thờ ơ với việc chung, không dám quyết định chuyện gì, nhất là chuyện chính trị, hay việc chung của cả nước, vì họ nghĩ “mọi chuyện đã có đảng và nhà nước lo”. Đây là 1 thái độ thiếu trưởng thành, lệ thuộc, thể hiện tâm thế của kẻ nô lệ hơn là của người công dân trong 1 đất nước tự do. Điều này có thể do hệ quả của chiến tranh, do người dân thiếu kiến thức, hoặc do chưa quen với việc ra quyết định và chịu trách nhiệm với các quyết định của mình. Vì vậy, giờ là lúc để mọi người phải trưởng thành hơn lên, phải biết cách ra những quyết định liên quan tới cuộc sống của mình, thay vì ngồi đó than vãn về môi trường sống ô nhiễm, thực phẩm thiếu vệ sinh, giáo dục xuống cấp, y tế quá tải, công chức làm việc kém, tham nhũng… Hãy cùng nhau quyết định cải tạo vệ sinh chung, yêu cầu thay đổi những chính sách sai lầm, đòi cách chức các công chức kém hiệu quả, cùng tạo ra những thiết chế xã hội lành mạnh, tích cực… để thấy rằng mình chính là người chủ thật sự của đất nước và chịu một phần trách nhiệm đối với đất nước này.

Trên đây là tóm tắt một vài điều, tuy nhỏ nhặt, có thể chưa đầy đủ, nhưng nếu mọi người cùng nhau thực hiện, thì nó sẽ có tác dụng lan tỏa, tạo ra sự thay đổi rất lớn đối với tương lai đất nước. Như sự vỗ cánh của một con bướm, tuy nhỏ bé, nhưng nếu gặp điều kiện thích hợp và có sự cộng hưởng, thì có thể tạo nên 1 cơn bão lớn quét sạch những rác rưới ở một nơi rất xa. Do đó, nếu mọi người đồng lòng, cùng thực hiện được những điều trên đây, Việt Nam đã có thể chuyển hướng và bước vào lộ trình phát triển vững chắc trên con đường tiến đến mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội Công bằng, Dân chủ, Văn minh. Vấn đề đặt ra là sự thay đổi nào cũng cần phải có can đảm và quyết tâm. Phải biết vượt qua những trở ngại, dị biệt lúc ban đầu, biết đoàn kết, gạt bỏ những điều tệ xấu hiện tại, can đảm phá bỏ những gì cản trở đất nước tiến triển theo chiều hướng tiến bộ, để thực hiện ước vọng của toàn dân.

Liệu lúc này, mọi người đã sẳn sàng đồng lòng, chung tay góp sức cho một nước Việt Nam giàu mạnh, tiến bộ, dân chủ và văn minh trong tương lai hay chưa? Câu hỏi đó đặt ra cho tất cả chúng ta, những người Việt Nam ở trong và ngoài nước, công chức hay dân thường, những người còn biết lo lắng cho vận mệnh của đất nước và con cháu chúng ta, trước hiểm họa ngoại xâm, và lệ thuộc đang đến rất gần. Tiến lên một xã hội văn minh, phát triển hay mãi mãi dậm chân ở vũng lầy kém cõi và lệ thuộc là do chính chúng ta quyết định.

Tp.HCM, Tháng 9/ 2015
TS. Phạm Quốc Trung

Thursday, February 24, 2011

THỰC TÂM


THỰC TÂM
Tặng những nhà độc tài,
những người chỉ muốn cai trị dân chúng bằng sự giả dối và bạo lực

Nửa cái bánh cũng ăn đỡ đói
Sự thật kia, chỉ nói nữa câu
Cũng như giả dối khác đâu
Tiếng là nói thật, mà màu khác xa

Lời nói thật, người ta mở trí
Nói lời gian, không khí nghi ngờ
Giả chân phân biệt xưa giờ
Sự thật soi tỏ, mê mờ phải tan.

Xã hội vững, bởi càng tin cậy
Muốn tin nhau, phải lấy thực tâm
Lời ngay, tin tưởng nảy mầm
Đồng lòng, đồng sức, ngàn năm thái bình

Nói sự thật, giữ mình ngay thật
Sống thành tâm, đánh bật gian tham
Việc nhân, việc nghĩa, thường làm
Nước nhà mong lắm, hoa đàm nở bông…

Thursday, September 30, 2010

4 NGÀN NĂM VĂN HIẾN


"Lịch sử Việt Nam 4000 năm văn hiến" là câu chúng ta thường rất hay nghe. Nhưng nhiều người không biết tại sao gọi là văn hiến mà không phải là văn hóa. Bởi vì, văn hóa được chia cụ thể hơn thành 2 phần là văn hóa tinh thần hay còn gọi là văn hiến và văn hóa vật chất hay còn gọi là văn vật. Do đó, người ta thường nói "Hà Nội ngàn năm văn vật". Tiếc thay, cái văn hóa vật chất ít ỏi đó đã bị mai một dần đi, không chỉ do chiến tranh trong suốt 1000 năm đó, mà còn do chính bàn tay của thế hệ sau phá hủy bởi vì thiếu hiểu biết.

Trước đây cả ngàn năm, một trong những mục tiêu lớn nhất của người Trung Quốc khi muốn thôn tính Việt Nam, đó là tiêu diệt văn hóa. Và họ đã thành công phần nào đối với văn hóa vật chất, nhưng vẫn chưa thể xâm phạm được đến văn hóa tinh thần. Bởi vẫn còn đó lũy tre làng, mái đình, cây đa, làn quan họ... Ông cha ta còn cố gắng để làm rõ thêm văn hóa Việt, bằng những sự khác biệt ở chữ viết, cách mặc áo, để tóc, nhuộm răng... Đó là lý do mà dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại và phục quốc sau 1000 năm bị đô hộ. Nhờ đó mà việc xây dựng đất nước và khôi phục văn hóa vật chất đã được các triều đại Lý, Trần khôi phục một cách nhanh chóng.

Thế mà, ngày nay, thành trì kiên cố của nền văn hiến 4000 năm sắp bị lung lay, bởi những thế hệ con cháu ngu dốt và yếu hèn. Một vài dẫn chứng, như việc làm các bộ phim mừng đại lễ "sặc mùi Tàu", các đài truyền hình thi nhau chiếu phim Tàu, các viện Khổng Tử được mọc lên tại các đại học, học sinh không hiểu biết và hứng thú đối với lịch sử đất nước, báo chí VN đăng lại các bài cổ vũ sự bành trướng của TQ, cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ văn hóa lại tiếp tay cho việc quảng bá văn hóa Tàu...

Càng nhìn vào thực trạng đất nước hiện nay, lại càng buồn! Nếu con cháu ngày nay, không biết thức tỉnh, cùng nhau bảo vệ nền văn hóa tinh thần của dân tộc, thì việc mất nước chỉ là một sớm một chiều mà thôi. Đó là lý do tại sao tôi không thể vui trước thềm kỷ niệm sự kiện ngàn năm một thuở này.

4 NGÀN NĂM VĂN HIẾN

Tổ quốc Việt Nam bốn ngàn năm
Sáng soi lịch sử những thăng trầm
Thái bình – ước vọng ông cha đó
Còn mãi lòng ta, ánh trăng rằm…

Văn hiến từ xưa đã dựng xây
Văn Lang, Âu Lạc - máu xương dầy
Một giọt máu hồng nòi Bách Việt
Chảy từ quá khứ đến ngày nay…

Trãi bao tàn phá bởi ngoại xâm
Văn hóa Việt Nam vẫn âm thầm
Sáng soi đốm lửa trong đêm tối
Để một ngày mai lại nảy mầm...

Còn nhớ truyện xưa thuyết Tiên Rồng
Trăm nòi Bách Việt, giống Lạc Hồng
Văn minh lúa nước, cùng vui sống,
Trống đồng, cung nỏ - vững non sông.

Ngày nay, chinh chiến đã sạch rồi
Hãy cùng dựng lại núi sông thôi
Con cháu gắng lòng, quê hương đó,
Văn hiến Việt Nam mãi sáng ngời…

(Quốc Trung)

Wednesday, September 15, 2010

ĐẤT NƯỚC NGÀN NĂM


ĐẤT NƯỚC NGÀN NĂM

Đất nước Việt Nam, đất nước tôi
Mỗi lần nghĩ đến lại bồi hồi
Bao nhiêu lịch sử oai hùng đó
Giờ chỉ còn trong sách vở thôi

Đất nước còn đây – quê ta đây
Chiến chinh đã hết biết bao ngày
Mà sao dân tộc còn đau khổ
Chia rẽ, nghèo nàn – do ai gây ?

Vong thân, vọng ngoại mất tự do
Một thời oanh liệt – hóa thành tro
Bao nhiêu lý tưởng, giờ đâu mất
Con đường phía trước, thấy mà lo ?

Đất nước này đâu của mình ai
Của chung dân tộc - “lắm người tài”
Cùng chung nỗi khổ, cùng ao ước
Sao chẳng cùng nhau - đắp, dựng, xây ?

Lắng nghe tiếng gọi của non sông,
Nghe dòng máu chảy, máu Tiên Rồng.
Quên đi danh lợi, quên thù hận
Sáng mãi ngàn năm – nước Lạc Hồng.

PQT

Friday, August 27, 2010

TÂM SỰ NÀNG MỴ CHÂU


Đọc truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy, ai cũng kết tội nàng Mỵ Châu, bởi đó là người có tội rất lớn để mất nước vào tay giặc Tàu.
Nghĩ cũng phải, nếu không có Mỵ Châu trao nỏ thần, một bí mật quân sự quan trọng của đất nước, vào tay Trọng Thủy thì cơ sự đâu đến nỗi. Nếu khi chiến tranh xảy ra, Mỵ Châu biết thức tỉnh và không rắc lông ngỗng chỉ đường, thì hai cha con đâu phải cùng đường và cơ đồ nước Việt đâu có tiêu tan nhanh như vậy. Đến khi bị thần Kim Quy phán là có tội, thì Mỵ Châu cũng bị cha xử chết mà không có được một lời phân giải nào cả. Nghĩ cũng tội nghiệp! Bài thơ dưới đây, đặt mình vào tâm trạng của nàng Mỵ Châu, để nói lên những tâm sự thay cho nàng.
Có lẽ tội lớn nhất phải kể đến vua cha, đã xem thường quân giặc, đã tin vào những lời lẽ tốt đẹp của kẻ thù mà không thấy được tâm địa cay độc của bọn chúng. Nàng Mỵ Châu là con, ở thời đó, thì chỉ được nghe lời cha, nên đã vô tình trở thành thủ phạm bán nước.
Giá như, nàng Mỵ Châu biết nghĩ đến họa mất nước, không nghe lời cha kết hôn cùng Trọng Thủy, hoặc giá như, khi đã kết hôn, biết cảnh giác bảo vệ bí mật quốc gia, hoặc giá như, khi chiến tranh xảy ra, biết thức tỉnh nhận ra kẻ thù, thì 1000 năm Bắc thuộc có thể đã không xảy ra. Nhưng lịch sử thì không có chữ "Nếu".
Hy vọng "Tâm sự nàng Mỵ Châu" sẽ là lời nhắn nhủ đến những người đang nắm vận mệnh quốc gia, cần tỉnh táo, để không biến mình trở thành những nàng Mỵ Châu của thế kỷ 21. Mong rằng, nhờ bài học này, đất nước sẽ tránh được những hiểm họa xâm lăng mới từ kẻ thù phương Bắc.

TÂM SỰ NÀNG MỴ CHÂU

“Phải chi anh là người Việt
Cùng em kháng cự giặc Tàu
Phải chi anh là người Việt
Cho đời em bớt khổ đau…

Tình em trao anh trọn vẹn
Chẳng hề suy tính thiệt sâu
Sao anh nỡ đành lỗi hẹn
Can qua – gây chuyện khổ sầu ?”

Tình yêu là không biên giới
Yêu nhau chẳng kể bắc nam
Quê hương - em quên nghĩ tới
Đành ôm mối hận ngàn năm !

Tình em sáng trong như ngọc
Nghe cha, em thiệt yêu anh
Khiến em trở thành kẻ ngốc
Nước tan – em sống sao đành

Mai sau, ai ơi nhớ mãi
Mối tình Trọng Thủy – Mỵ Châu
Quê hương, nếu em chẳng đoái
Tình yêu - đâu khỏi bể dâu…

PQT

Saturday, June 12, 2010

TIẾNG VỌNG LƯƠNG TÂM


TIẾNG VỌNG LƯƠNG TÂM

Có ai nghe chăng từ quê hương Việt Nam
Những tiếng vọng…
Từ lương tâm của bao người yêu nước
Của các nhà trí thức
Của những bậc trung thần
Của những người còn lương tâm

Để cản ngăn bàn tay tội ác
Của kẻ bán nước
Của bọn tham nhũng
Của những kẻ bán rẻ lương tâm
Đang ngày đêm… đục khoét thân thể Mẹ Việt Nam

Từ vùng núi Tây Nguyên
Đến các khoảnh rừng phòng hộ
Từ biên cương phía Bắc
Đến những ruộng cày phía Nam
Từ thượng nguồn các con sông
Đến các hải đảo ngoài khơi
Đều thấy “bàn tay lông lá” của kẻ lạ và kẻ không lạ
Đang ngày đêm… vơ vét cho thỏa lòng tham

Đạo đức suy đồi, tài nguyên cạn kiệt
Những siêu dự án - che khuất những giọt máu và nước mắt
Của người dân nghèo đang bật khóc
Những tiếng lòng… chìm vào hư không… vô vọng
Chỉ còn tiếng quạ kêu quang quác
Những cặp mắt ngơ ngác của trẻ thơ
Nhìn đời - tự hỏi…
Tương lai sẽ ra sao?

Quốc Trung - 6/2010

Friday, March 12, 2010

BÌNH ĐẲNG – LÝ TƯỞNG CHUNG CỦA MỌI XÃ HỘI


BÌNH ĐẲNG – LÝ TƯỞNG CHUNG CỦA MỌI XÃ HỘI

Ngay trong câu đầu tiên của Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng", chúng ta đã gặp ngay hai chữ “bình đẳng”. Ý tưởng về sự bình đẳng này được trích dẫn từ tuyên ngôn độc lập của Mỹ, và cũng được nhắc đến trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp, cho thấy “bình đẳng” là một nguyên lý căn bản được chấp nhận bởi mọi quốc gia, mọi dân tộc. Như vậy, “bình đẳng” là một khái niệm chung của cả nhân loại, nó hướng đến việc khẳng định quyền lợi ngang nhau của mọi người, mọi đối tượng, mọi nhóm người trong xã hội. Nó chính là mục tiêu phấn đấu của mọi dân tộc, mọi xã hội tiến bộ, và là lý tưởng chung của mọi cuộc cách mạng trên thế giới.

Trong lịch sử loài người, sau mỗi cuộc cách mạng thì xã hội trở nên bình đẳng hơn về một phương diện nào đó. Chẳng hạn, cách mạng giải phóng nô lệ xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa chủ và nô lệ, cách mạng công nghiệp và nền cộng hòa xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa tầng lớp vua chúa và thường dân, cách mạng thuộc địa xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa các nước thuộc địa và thực dân… Bên cạnh những thay đổi lớn mang tính cách mạng đó, trong suốt quá trình phát triển xã hội, cũng có rất nhiều những phong trào nhỏ hơn đóng góp vào mục tiêu làm cho xã hội trở nên bình đẳng hơn, tiến bộ hơn, như : phong trào nam nữ bình quyền ; đòi bình đẳng trong việc bỏ phiếu, tranh cử ; bảo vệ quyền lợi của những người thiểu số, khuyết tật ; tranh đòi bình đẳng trong lập hội, làm báo, truyền tin… ; thúc đẩy giảm bớt khoảng cách giữa người giàu - người nghèo, chủ - thợ, nước giàu – nước nghèo, nông thôn – thành thị…

Tuy nhiên, để thực hiện được lý tưởng bình đẳng xã hội, điều đầu tiên là chúng ta phải hiểu đúng khái niệm này. Nhiều người hiểu lầm bình đẳng là san bằng, làm cho ai cũng như ai, nên dẫn đến những chính sách xã hội sai lầm, mang tính quá khích, mà chúng ta đã từng thấy trong quá khứ. Điều đầu tiên cần phải khẳng định, bình đẳng ở đây có nghĩa là bình đẳng về cơ hội, nghĩa là mọi người đều được tạo một cơ hội như nhau để phấn đấu và vươn lên trong xã hội, nếu ai nổ lực nhiều hơn, học giỏi hơn, làm việc hiệu quả hơn, tất nhiên sẽ thu hoạch được nhiều lợi ích hơn. Chẳng hạn, như xã hội Mỹ đã tạo được điều kiện bình đẳng để một người da đen, nếu có tài năng, cũng có thể được bầu làm tổng thống, như trường hợp của tổng thống Obama hiện tại. Hơn nữa, bình đẳng cũng nhắm đến việc chiếu cố cho những nhóm người có điều kiện khó khăn hơn những người khác, chẳng hạn: người nghèo, người già, trẻ em, người tàn tật, dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu vùng xa… sao cho giảm bớt những khó khăn của họ.

Lý tưởng bình đẳng dựa trên nguyên lý căn bản là con người sinh ra đều như nhau, đều có chung dòng máu đỏ và nước mắt mặn, và đều xứng đáng được hưởng quyền lợi như nhau. Mọi ranh giới như: giai cấp, màu da, chủng tộc, giới tính, trình độ, địa vị… không thể quyết định và thay đổi bản chất bình đẳng giữa mọi người.

Từ nguyên lý này, mọi quy định, luật lệ, thiết chế xã hội đều nhằm mục tiêu đảm bảo sự bình đẳng giữa mọi người trong xã hội. Xã hội càng tiến bộ thì tính bình đẳng giữa mọi công dân càng cao. Chẳng hạn, trong một xã hội dân chủ pháp trị, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, kể cả tổng thống, nếu vi phạm pháp luật cũng phải ra tòa như một thường dân. Chính vì vậy, trong xã hội hiện đại ngày nay, vai trò của quốc hội, cơ quan lập pháp, thường trở nên rất quan trọng, bởi nhiệm vụ chính của nó là thiết lập nên những quy định, điều luật nhằm đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong xã hội. Ở đó, phải tập hợp những người đại diện cho đủ mọi thành phần trong xã hội, họ có nhiệm vụ đề xuất và bỏ phiếu thông qua những điều luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho địa phương hoặc thành phần mà họ đại diện. Hiện nay, ở nước ta, đại biểu quốc hội đa phần là đảng viên cộng sản, vì vậy chưa thể đảm bảo được sự bình đẳng giữa những đảng viên đảng cộng sản và những người ngoài đảng. Điều này cần phải được điều chỉnh để lý tưởng bình đẳng ở nước ta được thực hiện tốt hơn.

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế, sự bất bình đẳng giữa người giàu - người nghèo đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, cần phải sớm khắc phục để đảm bảo xã hội phát triển bền vững và ổn định. Hơn nữa, một số quan niệm phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại, như: giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, quan chức chính phủ và thường dân, đảng viên và người ngoài đảng… cũng làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Để khắc phục điều này, cần phải xây dựng một nền tảng dân chủ pháp trị vững mạnh, dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Đặt quốc hội, cơ quan lập pháp lên vị trí cao nhất, xây dựng cơ chế bầu cử quốc hội sao cho tập hợp được tiếng nói của tất cả mọi thành phần của đất nước. Mọi công dân, tổ chức nhà nước hay tư nhân đều phải hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật và hiến pháp do quốc hội xây dựng. Tăng cường vai trò của báo chí trong việc phản ánh các sự việc bất công. Phải có cơ chế kiểm tra, giám sát và đảm bảo minh bạch thông tin. Người dân thuộc mọi thành phần phải được quyền biết và góp phần vào việc ra những quyết định quan trọng liên quan đến đất nước và quyền lợi của mình.

Ngoài ra, cũng cần xây dựng chế độ bảo hiểm, phúc lợi, an sinh xã hội hiệu quả, sao cho đảm bảo được quyền lợi của mọi người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo ổn định cuộc sống của những nhóm người dễ bị tổn thương, như: người già, trẻ em, tàn tật, dân tộc thiểu số, người thất nghiệp…

Nói tóm lại, bình đẳng là mục tiêu ban đầu và lâu dài của mọi nổ lực xây dựng xã hội. Nó chính là thước đo trình độ văn minh và tiến bộ của một đất nước. Trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam ngày nay, mục tiêu bình đẳng cũng cần đặt lên hàng đầu, bởi xét cho cùng, việc phát triển đất nước là nhằm mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân, và điều này sẽ không thể nào đạt được nếu thiếu sự bình đẳng. Mong rằng, lý tưởng bình đẳng sẽ trở thành ngọn đèn soi sáng cho các chính sách phát triển đất nước và xã hội bình đẳng sớm trở thành hiện thực trên quê hương Việt Nam.

PQT - 3/2010

Sunday, December 20, 2009

THỐNG NHẤT SƠN HÀ


THỐNG NHẤT SƠN HÀ

Nước nhà gặp buổi phân ly
Mười hai sứ loạn, kinh kỳ đau thương
Lòng dân ôi nỗi đoạn trường
Quê hương, dân tộc, máu xương chia lìa
Núi sông, quyền lực phân chia
Mỗi người một cõi, nước thì ra sao ?
Hỡi đâu là đấng anh hào,
Ra tay dẹp loạn, đồng bào chịu ơn
Trước là tài, trí phải hơn
Sau là xóa sạch nỗi hờn chiến tranh,
Trẻ thơ mà đã khôn lanh
Bông lau tập trận, đều dành chiến công
Đinh Tiên Hoàng Đế một lòng
Dẹp tan loạn lạc, non sông thu về
Sơn hà thống nhất, vui ghê !
Người dân bớt khổ, đồng quê lại vàng
Lập công, ca khúc khải hoàn
Quê hương xây đắp, lại càng hơn xưa…

Saturday, July 4, 2009

Giá trị của niềm tin trong việc xây dựng xã hội VN ngày nay

Giá trị của niềm tin trong việc xây dựng xã hội VN ngày nay

Xã hội VN ngày nay có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhiều vấn nạn cần phải khắc phục để đất nước có thể phát triển bền vững trong lộ trình đi lên và hòa nhập với thế giới. Vậy thì trong các vấn đề đó, đâu là vấn đề nghiêm trọng nhất cần phải tập trung cải thiện trong việc xây dựng đất nước hiện nay? Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất đó là vấn đề khủng hoảng niềm tin.

Tại sao tôi lại cho là việc thiếu niềm tin là vấn đề nghiêm trọng nhất? Bởi nhìn vào xã hội ngày nay, ta thấy rất nhiều lo lắng, bất an, sợ hãi, nghi kỵ, ngờ vực, đề phòng… Mà tất cả những điều đó đều là biểu hiện của 1 nguyên nhân chung, đó là thiếu niềm tin lẫn nhau, thiếu niềm tin vào một giá trị đạo đức vĩnh hằng. Xin các bạn đừng nghĩ tôi muốn nói đến niềm tin tôn giáo ở đây, đơn giản chỉ là niềm tin vào con người, niềm tin vào một lí tưởng cao đẹp mà thôi.

Trước tiên, niềm tin là sự tin tưởng vào một ai đó, một việc gì đó, và cho rằng ai đó, việc gì đó là đúng bất chấp những lung lạc bên ngoài. Như vậy, khi nói đến niềm tin, chúng ta thấy có 2 đối tượng: người tin, và đối tượng được tin, nếu đối tượng được tin là con người thì đó phải là niềm tin 2 chiều, khi A tin B và B cũng tin A thì giá trị niềm tin mới được thiết lập.

Nhìn trong gia đình, nếu vợ chồng tin tưởng nhau, anh em tin tưởng nhau, cha con tin tưởng nhau… thì gia đình đó êm ấm biết mấy, hạnh phúc biết mấy. Rộng ra ngoài xã hội, nếu người chủ - người lao động tin tưởng nhau, xóm giềng tin tưởng nhau, nhà nước – nhân dân tin tưởng nhau thì xã hội thái bình, ai nấy cũng yên tâm làm việc, không còn những nghi ngờ, sợ hãi, lo lắng nữa.

Khi ta đã tin vào ai đó hay điều gì đó thì rất khó ai có thể thay đổi niềm tin này. Vì vậy điều quan trọng là cần phải đặt niềm tin đúng người và đúng chỗ. Niềm tin nếu đặt đúng đối tượng có thể là động lực để chúng ta hành động và vượt qua nhiều khó khăn trở ngại. Tuy nhiên, nếu niềm tin đặt sai chỗ, có thể khiến chúng ta trở nên mù quáng và hành động sai lầm hoặc suy sụp một khi nhận ra mình đã tin tưởng không đúng. Lịch sử đã từng chứng minh điều này, chẳng hạn: trong cuộc kháng chiến chống Mông Cổ dưới thời nhà Trần, nhờ tin tưởng vào tài lãnh đạo quân sự của Trần Hưng Đạo và sức mạnh kháng chiến của toàn dân, mà quân dân Đại Việt đã 3 lần đánh thắng đội quân hung hãn Nguyên Mông lúc bấy giờ; ngược lại, trong thời cận đại, triều đình nhà Nguyễn đã không tin vào khả năng chiến đấu của dân chúng, không tin rằng nước mình vào thời điểm đó đã quá lạc hậu về KHKT cũng như quân sự, cần phải thay đổi, học tập, phát triển, nên đã dẫn đến hậu quả là 100 năm Pháp thuộc.

Biết rằng niềm tin là vô cùng quan trọng để tạo nên sức mạnh thần kỳ, phi thường, điều này rất cần thiết trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình như hiện nay. Nhưng điều khó khăn nhất đó là làm sao để thiết lập niềm tin của xã hội? Làm sao biết nên tin vào ai hay vào điều gì trong cái xã hội đảo điên, nhiều dối trá, lừa lọc này?

Vấn đề này đòi hỏi một nỗ lực mạnh mẽ và lâu dài của cả xã hội, nhưng việc dù khó mấy, nếu quyết tâm thì cũng có thể thực hiện được, chỉ cần có phương pháp đúng đắn. Giải pháp có vẻ cũng rất đơn giản, đó là đặt mọi giá trị trên nền tảng của Sự Thật, những giá trị đạo đức chung nhất phải được khôi phục, xây dựng, đề cao những tấm gương đạo đức trong xã hội. Cụ thể là: phải tôn trọng sự thật, mọi việc phải có luật lệ rõ ràng cụ thể, nhìn vào đó có thể dễ dàng phân biệt đúng sai, thật giả; dùng thật tâm để giải quyết công việc, không dối trá, quanh co, trách nhiệm và quyền lợi phải đi đôi, khi phát hiện giả dối phải nghiêm phạt; đề cao phẩm chất đạo đức, và những con người biết tôn trọng các giá trị và phẩm chất chung ấy, phát huy vai trò của các tổ chức dân sự, tôn giáo, phi chính phủ trong việc nêu cao tấm gương đạo đức, vì luật pháp chỉ ngăn được cái xấu ở bên ngoài, còn ‎niềm tin vào đạo đức có thể ngăn được cái ác bên trong mỗi con người.

Để làm được việc này, trước tiên đòi hỏi quyết tâm của toàn xã hội, kế đến là việc cụ thể hóa quyết tâm này bằng những chính sách, quy định của nhà nước và cuối cùng là những con người cụ thể, những nhà lãnh đạo có tài có đức, những công dân ở đủ mọi tầng lớp, ngành nghề… là những tấm gương sáng cho cả xã hội noi theo.

Xã hội vững, bởi càng tin cậy

Muốn tin nhau, phải lấy thực tâm

Lời ngay, tin tưởng nảy mầm

Đồng lòng, đồng sức, ngàn năm thái bình…

Vì vậy, để khắc phục những vấn nạn của xã hôi trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay, đòi hỏi một quyết tâm to lớn nhằm khôi phục lại niềm tin giữa mọi người trong xã hội, niềm tin vào 1 lí tưởng cao đẹp và tương lai tươi sáng của đất nước. Niềm tin đó phải được đặt trên cơ sở đề cao sự thật, lời nói và việc làm phải thực tâm và trân trọng các giá trị đạo đức cao đẹp trong xã hội.

Trước khi kết thúc bài viết, xin mời các bạn hãy cùng tôi đọc 1 bài thơ với tựa đề “Sáng một niềm tin” và mong rằng đất nước VN sẽ mau chóng cất cánh khi giá trị niềm tin được khôi phục trong lòng mỗi con người.

Sáng Một Niềm Tin


Giữa bể khổ trần gian

Giữa gian trá muôn vàn

Niềm tin luôn tỏa sáng

Sưởi ấm cõi mênh mang

*

Niềm tin vào lẽ phải

Vào chân lý không hai

Thiện phải luôn thắng ác

Niềm tin đó không lay

*

Dẫu muôn ngàn gian khổ

Dầu gian hiểm rình vồ

Chẳng làm sao lay chuyển

Niềm tin giữa hư vô

*

Niềm tin còn sáng mãi

Vượt qua nỗi đau dài

Thời gian như đọng lại

Nở bừng trong sớm mai.

Thursday, April 2, 2009

Tinh Dan Toc


TÌNH DÂN TỘC

(Ky niem ngay Gio To Hung Vuong - 10/3al Ky Suu)


“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Quê hương đất nước của chung
Con Hồng cháu Lạc đều chung một nhà
Thương yêu, giúp đỡ dân ta
Đạo tình xưa ấy, tuy xa mà gần
Làm người quý nhất chữ Nhân
Nước nhà trọng nhất tinh thần quê hương
Đi đâu cũng nhớ cũng thương
Quê cha đất tổ, cội nguồn ông cha
Cùng trong một trứng mà ra
Đồng bào, chung một mẹ cha Tiên Rồng
Nhắc chuyện xưa để cùng mong
Thương nhau, con cháu Tiên Rồng hôm nay
Quê hương nhắc nhở hằng ngày
Cùng nhau chia sẻ đắng cay ngọt bùi
Chớ vì danh lợi ngựợc xuôi
Gây ra nỗi khổ, ngậm ngùi dân ta
Chớ vì cuộc sống xa hoa
Quên đi lời dặn ông cha thuở nào
Chớ vì tranh thấp tranh cao
Nước nhà xem nhẹ, đồng bào coi khinh
Chỉ lo lợi ích riêng mình
Quên tình dân tộc, nhẹ tình quê hương
Lời xưa ngẫm nghĩ, tỏ tường
Quốc gia làm trọng, quê hương yên bình
Giúp người, như giúp chính mình
Đồng bào, dân tộc – sáng tình quê hương…