Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label phanbien. Show all posts
Showing posts with label phanbien. Show all posts

Friday, June 15, 2018

THẾ NÀO LÀ MỘT CHÍNH SÁCH TỐT VỀ AN NINH MẠNG?


THẾ NÀO LÀ MỘT CHÍNH SÁCH TỐT VỀ AN NINH MẠNG?

TS. Phạm Quốc Trung, Khoa QLCN, ĐHBK Tp.HCM

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của CNTT-VT và mạng lưới Internet, các tổ chức, quốc gia đều nhận thấy những lợi ích mà hệ thống thông tin (HTTT) mang lại, như là giúp con người: làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn và thông minh hơn. Vì vậy, các tổ chức và quốc gia đều đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT-VT và Internet trong việc xây dựng các HTTT của mình, như hệ thống TMĐT hay chính phủ điện tử, xem đó như là chiến lược nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của tổ chức hay quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích mang lại, những vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh HTTT và dữ liệu cũng ngày càng trở nên quan trọng, bởi thông tin và HTTT đã trở thành 1 loại tài sản quý giá của tổ chức cần phải được bảo vệ. Ngày nay, các vấn đề về an toàn, an ninh HTTT có thể gặp ở khắp nơi, như: virus, trojan, tấn công mạng, tấn công từ chối dịch vụ, đánh cắp dữ liệu, thiết bị, xâm nhập CSDL trái phép, tiến hành các giao dịch trái phép… Tuy nhiên, làm thế nào để bảo vệ an toàn, an ninh HTTT, hay để đưa ra một chính sách tốt về an ninh máy tính giúp hạn chế đến mức tối thiếu các thiệt hại vẫn là 1 câu hỏi khó đối với các nhà quản lý. Bài viết này, dựa trên kinh nghiệm cá nhân của một người đang giảng dạy và nghiên cứu về lĩnh vực HTTT ở VN để đưa ra một số phân tích, nhận xét, góp ý cho các nhà quản lý về ANM. Hy vọng bài viết sẽ giúp những người ngoài ngành hiểu thêm về vấn đề khá mới và còn nhiều tranh cãi này.

Trước hết, để đơn giản, trong bài viết này, các khái niệm An ninh máy tính, An ninh thông tin, hay An ninh mạng… được xem là tương đồng nhau, cùng chỉ đến phương thức để bảo vệ sự an toàn, an ninh của các hạ tầng CNTT-VT, dữ liệu, thông tin, HTTT quan trọng… của tổ chức, đảm bảo tổ chức vận hành hiệu quả, ổn định và an toàn. Để có được chính sách an ninh thông tin tốt, người quản lý HTTT cần nhận diện các mối đe dọa đối với an toàn, an ninh của HTTT. Theo các tài liệu học thuật về HTTT (Kroenke, 2014), có ba nguồn đe dọa an ninh thông tin chính bao gồm:

-          Sai lầm hoặc vi phạm (không cố ý) của con người, hoặc bất kỳ ai khi sử dụng hệ thống.

-          Hành vi cố ý phá hoại của con người, chủ yếu là các hacker, hay nhân viên chống đối.

-          Thảm họa từ thiên tai, như: động đất, lũ lụt, hỏa hoạn, sóng thần, sét đánh…

Trong đó, hành vi cố ý phá hoại của hacker được xem là nguy hiểm nhất. Theo các thống kê về tình hình tội phạm máy tính và Internet, với xu hướng phát triển của các công nghệ phòng chống virus và ngăn ngừa tấn công phá hoại, ngày nay, số lượng các cuộc tấn công nhỏ lẻ từ các cá nhân đã giảm xuống, nhưng mức độ nghiêm trọng và tổn hại từ các vụ tấn công mang tính tổ chức lại tăng lên. Hơn nữa, các số liệu thống kê cũng cho thấy các vấn đề an ninh nghiêm trọng gần đây liên quan đến việc đánh cắp dữ liệu, gián điệp mạng, tấn công phá hoại, hoặc chiến tranh mạng… chủ yếu đến từ các tội phạm mạng có tổ chức, hoặc được tài trợ bởi các chính phủ độc tài hay được vận hành bởi các tổ chức khủng bố quốc tế. Vì vậy, mối quan tâm về an ninh mạng hiện nay trên thế giới tập trung vào bảo vệ an toàn HTTT trước mối đe dọa từ tội phạm mạng có tổ chức là trên hết. Hơn nữa, việc tấn công mạng ngày nay còn có chiều hướng mở rộng ra các lĩnh vực khác, gây xâm phạm chủ quyền quốc gia, và có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh mạng. Chính vì vậy, tổng thống Obama khi đến TQ đã đề cập bóng gió đến vấn đề này.

Bảng dưới đây tóm tắt một số vấn đề về an toàn, an ninh HTTT mà các tổ chức thường gặp, như là: rò rỉ dữ liệu, chỉnh sửa sai dữ liệu, dịch vụ báo lỗi, từ chối dịch vụ, và mất mát thiết bị... Kết nối các vấn đề này với ba nguồn đe dọa đã được nhận diện trên đây sẽ giúp mọi người dễ hình dung hơn về các vấn đề mà một chính sách an toàn, an ninh HTTT nên chú ý.

Bảng 1. Các vấn đề an ninh HTTT và những nguồn đe dọa

Theo Viện Quốc gia về Chuẩn và Công nghệ (NIST) của Mỹ (https://www.nist.gov/), một chính sách an ninh thông tin tốt cần có các đặc tính sau:

1.      Cần hỗ trợ nhiệm vụ, mục tiêu của tổ chức

2.      Cần tích hợp chặt chẽ với các hoạt động quản trị khác

3.      Cần tiết kiệm chi phí

4.      Trách nhiệm và tính giải trình cần được chỉ rõ

5.      Cần xem xét tính liên đới với an toàn an ninh bên ngoài hệ thống

6.      Cần một cách tiếp cận tích hợp và toàn diện

7.      Cần được tái đánh giá theo định kỳ

8.      Cần tuân theo các ràng buộc và quy chuẩn xã hội

Từ những thông tin trên, hãy cùng nhìn lại luật An ninh mạng (ANM) mà Quốc hội Việt Nam vừa thông qua 12/6/2018, và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019 để xem đó có phải là 1 chính sách tốt về an ninh thông tin hay không. Đầu tiên, cần nhận thấy luật an ninh mạng vừa được thông qua chưa thể xem là tốt bởi nó chưa đáp ứng đầy đủ các đặc tính trên. Cụ thể là, luật ANM của Việt Nam đã không thỏa mãn các đặc tính: 3 (tiết kiệm), 4 (trách nhiệm và giải trình), 6 (tiếp cận toàn diện), và 8 (tuân theo các ràng buộc xã hội). Hãy cùng tìm hiểu vì sao nhé!

-          Về chi phí triển khai: Theo nhiều phân tích trong và ngoài nước, khi triển khai luật này, chi phí cho các DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT-VT và các tổ chức kiểm tra, giám sát sẽ tăng lên rất lớn khi phải trang bị các hạ tầng phần cứng, phần mềm, CSVC liên quan và con người để có thể lưu trữ dữ liệu, quản lý vận hành hệ thống ở Việt Nam. Đó là chưa kể đến chi phí của các DN ngoài ngành có sử dụng các phần mềm, ứng dụng do các DN nước ngoài cung cấp. Theo luật này, họ sẽ phải chuyển đổi sang nhà cung cấp khác, nếu các DN phần mềm nước ngoài không đáp ứng các yêu cầu đặt ra của luật an ninh mạng của VN. Nhìn chung, chi phí (cả vô hình và hữu hình) của DN và các cơ quan nhà nước sẽ tăng vọt khi triển khai. Theo tôi được biết, luật ANM ở Trung Quốc tuy đã được thông qua, nhưng vẫn chưa thể đi vào triển khai trên thực tế, chính vì yêu cầu kỹ thuật về việc dời các trung tâm lưu trữ dữ liệu và kiểm tra, giám sát một lượng lớn dữ liệu là không thể đáp ứng được và làm phát sinh chi phí quá lớn khi đi vào vận hành thực tế. Điều này, trái với nguyên tắc tiết kiệm, và các nhà quản lý ANM phải cân nhắc đánh đổi giữa an ninh và hiệu quả/ thuận tiện khi vận hành. Đôi khi, để tiết kiệm chi phí, DN cần phải chấp nhận 1 mức độ rủi ro ở chừng mực nào đó, chứ không thể đảm bảo an toàn, an ninh 100%.

-          Về trách nhiệm và giải trình: luật ANM cũng trao quyền rất lớn cho các cơ quan an ninh trong việc thu thập dữ liệu khách hàng từ các DN, mà không có các yêu cầu tương ứng về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, điều này sẽ dẫn đến sự lạm quyền, và có khả năng chồng chéo, và vi phạm đến các quyền riêng tư, và tự do kinh doanh, tự do ngôn luận đã được quy định trong các bộ luật khác. Ngay cả ở phạm vi tổ chức, chính sách an ninh tốt cần ngăn ngừa cả sự lạm quyền của người quản trị mạng, admin… để tránh việc vi phạm quyền riêng tư của nhân viên. Điều này đã được thảo luận và gây tranh cãi trong nhiều tình huống, bởi có những hành vi có thể không vi phạm quy định về an toàn an ninh nhưng sẽ vi phạm vấn đề đạo đức, và xâm phạm quyền riêng tư, tự do cá nhân. Các bộ luật tương tự ở các nước phát triển đều nhấn mạnh đến trách nhiệm bảo vệ an toàn dữ liệu và đảm bảo quyền riêng tư, và tự do truy cập của người sử dụng. Ở đây, cần nhấn mạnh sự cân bằng giữa an ninh và an toàn dữ liệu/ thông tin. Luật ANM của VN quá chú trọng vào an ninh, tính dễ kiểm soát, mà xem nhẹ tính an toàn, riêng tư, và thuận tiện của người sử dụng.

-          Về tiếp cận tích hợp và toàn diện: luận ANM của VN chưa xem xét vấn đề an toàn an ninh thông tin dưới nhiều góc nhìn của các bên liên quan, mà chỉ quan tâm đến góc nhìn của cơ quan quản lý, mà cụ thể là Bộ Công An. Điều này, sẽ bỏ qua những góc nhìn khác cũng rất quan trọng trong tổng thể bức tranh về an ninh mạng, như: cá nhân, nhà kỹ thuật, nhà khoa học, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, Bộ Công thương (Cục TMĐT), Bộ KH-CN (Cục SHTT)… Theo cá nhân tôi, bộ luật này đòi hỏi sự hiểu biết sâu về CNTT-VT, một lĩnh vực có sự thay đổi rất nhanh chóng, vì vậy, cần có sự tham gia ý kiến, tư vấn và phối hợp của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ KH-CN, hiệp hội CNTT, doanh nghiệp và người tiêu dùng… thì mới đảm bảo tính tích hợp và toàn diện của các chính sách đề ra, cũng như hạn chế sự chồng lấn của luật ANM với các bộ luật hiện hành có liên quan.

-          Về tuân theo các ràng buộc xã hội: bất kỳ luật mới nào được ban hành cũng cần phù hợp với các ràng buộc đã có trước đây, và phải tương thích với các thỏa thuận VN đã ký với quốc tế. Trái với tinh thần hội nhập quốc tế và tự do hóa thương mại, luật ANM của VN đã hạn chế sự tự do kinh doanh, tự do biểu đạt và tự do truy cập, mà LHQ đã xem là những quyền căn bản của con người. Chính vì vậy, các tổ chức quốc tế và chuyên gia về an ninh mạng cũng đã có những kiến nghị với chính phủ VN về khả năng vi phạm các cam kết quốc tế khi VN thông qua luật ANM. Vừa rồi, chúng ta đã thấy các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân ở cả 3 miền đất nước để phản đối luật đặc khu và an ninh mạng, điều này phản ánh mối quan tâm rất lớn của xã hội đối với 2 vấn đề này. Đặc biệt, cả 2 vấn đề đều ít nhiều liên quan đến Trung Quốc, một thế lực đang gây đe dọa cho thế giới về an ninh cả trên thế giới thực và thế giới ảo. Luật ANM này được cho là bản sao chép từ luật ANM của Trung Quốc, bởi sự giống nhau đến kinh ngạc của 2 bộ luật. Không lo sao được khi cả Mỹ và Úc đều chỉ ra các thiết bị viễn thông sản xuất bởi Huawei (TQ) là có chip gián điệp, trong khi hầu hết các thiết bị ở VN đều sử dụng linh kiện của Huawei. Các trung tâm phân tích dữ liệu từ các cuộc tấn công mạng, lấy cắp dữ liệu… gần đây đều cho thấy chúng được thực hiện từ TQ bởi các tổ chức thân chính phủ hoặc được tài trợ bởi chính phủ TQ. Cần phải xem xét những quan tâm của người dân, xã hội trong việc ban hành và xây dựng luật ANM thì nó mới có thể đi vào cuộc sống, giúp đảm bảo mọi người tuân theo và đạt được mục tiêu của bộ luật ANM là xây dựng 1 không gian mạng an toàn, lành mạnh.

Hơn nữa, một chính sách đầy đủ về an toàn an ninh máy tính trong 1 tổ chức thường bao gồm 3 thành phần như sau:

1.      Một phát biểu chung về chương trình an ninh máy tính của tổ chức.

2.      Các chính sách gắn với từng vấn đề cụ thể.

3.      Các chính sách gắn với từng hệ thống thông tin cụ thể.

Luật ANM hiện nay của VN vừa được thông qua dường như chưa đi vào các vấn đề cụ thể đang còn gây tranh cãi, hay các hệ thống cụ thể. Điều này có lẽ do nhóm soạn thảo cũng chưa có đủ thông tin về các vấn đề ANM mà VN đang gặp phải, hoặc phải cần thêm nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn đi kèm. Để có thể đưa ra được các chính sách cho từng vấn đề cụ thể, đòi hỏi nhóm soạn thảo luật ANM cần phải phân tích dữ liệu về các vấn đề an toàn, an ninh thông tin hiện nay ở VN và trên thế giới một cách kỹ lưỡng. Trên cơ sở đó, mới có được các chính sách phù hợp với bối cảnh VN, và đảm bảo theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của lĩnh vực này. Chỉ có trên cơ sở phân tích các vấn đề rủi ro có thể gặp, các thành phần của HTTT dễ bị tổn thương, tần suất xuất hiện, mức độ nghiêm trọng, chi phí cài đặt các giải pháp ngăn ngừa… nhà quản lý mới sắp được thứ tự ưu tiên của các vấn đề cần quan tâm, từ đó, hình thành nên các chính sách chung và riêng phù hợp, giúp đảm bảo sự phát triển lành mạnh của không gian mạng, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và xã hội trong thời đại kỹ thuật số.

Hơn nữa, luật hay chính sách cần phải đi kèm với các biện pháp kỹ thuật phần cứng, phần mềm, con người và hạ tầng phù hợp. Với đà tiến triển như vũ bão của CMCN 4.0, chúng ta cần những chuyên gia am hiểu về các khái niệm mới, như: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet của vạn vật, thực tại ảo, kinh tế số… Trong thời đại kỹ thuật số, luật ANM là rất cần thiết, và nên được xây dựng một cách kỹ lưỡng bởi những người am hiểu. Nếu những người đề xuất và bấm nút thông qua luật ANM mà thiếu sự am hiểu cần thiết về lĩnh vực này, thì đó sẽ là một sự rủi ro rất lớn cho đất nước về an toàn, an ninh mạng trong tương lai. Hy vọng, bài viết này sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu thêm về một số khái niệm liên quan và nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề ANM. Nếu may mắn, thì biết đâu những góp ý này sẽ góp phần giúp VN có được một bộ luật ANM tốt hơn cho đất nước. Mong lắm thay!

Friday, October 23, 2009

Nhớ cụ Chu Văn An

Lang thang trên mạng Internet, vô tình đọc được bài này (http://vietbao.vn/Xa-hoi/Nho-cu-Chu-Van-An/30145393/126/) đăng trên vietbao.vn cách đây hơn 3 năm, nhưng đến nay vẫn còn tính thời sự. Vì vậy, copy và post lại để mọi người cùng đọc.
Nhớ về cụ Chu Văn An của ngày xưa với thất trảm sớ, lại chợt nghĩ đến các nhà khoa học ở viện IDS ngày nay với những lời phản biện thẳng thắn nhưng 'dễ mất lòng'. Có thể so sánh việc cáo quan về hưu của cụ Chu Văn An với quyết định tự giải thể của các nhà khoa học ngày nay. Rất may, ngày xưa vua Trần Dụ Tông tuy không nghe lời cụ chém đầu 7 tên gian thần, nhưng cũng không dám vô lễ yêu cầu cấp dưới 'xem xét xử lý những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng' của cụ! :)
Chuyện tuy xa xưa, nhưng ngẫm kỹ thì vẫn rất gần vậy!


Nhớ cụ Chu Văn An

Sự nghiệp văn chương của cụ Chu Văn An để lại không nhiều, chỉ còn 12 bài thơ của cụ nằm rải rác ở nhiều bộ sách khác của đời sau. Những tác phẩm của cụ viết như Tứ thư thuyết ước, Tiều ẩn thi tập, Quốc ngữ thi văn thì đều đã thất lạc, không còn. Người đời sau chỉ còn biết đến tên các tác phẩm đó, chứ nội dung ra sao thì không biết. Nhưng tại sao người đời vẫn luôn luôn nhớ đến tên cụ, với lòng kính trọng sâu sắc?

Chính bởi vì cụ Chu Văn An là tác giả của bản Thất Trảm Sớ, tờ sớ xin chém 7 tên gian thần thời vua Trần Dụ Tông. Bản Thất Trảm Sớ đó ngày nay cũng không còn, người đời không biết nội dung của tờ Sớ ra sao. Nhưng người đời biết được tên của bản Thất Trảm Sớ đó, và chỉ riêng cái tên đó thôi, với nội dung xin chém 7 tên gian thần, cũng đủ để nhân dân nhớ mãi đến tên cụ Chu Văn An.

Nhà Trần trải qua 12 đời vua, từ vua đầu tiên Trần Thái Tông năm 1225, đến vua cuối cùng là Trần Thiếu Đế năm 1400. Như vậy nhà Trần kéo dài được 175 năm. Sau đó vào năm 1400 bị Hồ Quý Ly cướp ngôi. Cụ Chu Văn An sinh ra vào thời vua thứ 6 của nhà Trần, tức vua Trần Minh Tông, trải qua đời vua Trần Dụ Tông, và mất vào đời vua thứ 8 của nhà Trần, tức vua Trần Nghệ Tông, năm 1370.

Thời vua Trần Dụ Tông là thời kỳ bắt đầu suy sụp của nhà Trần, và cũng là khi cụ Chu Văn An dâng Sớ xin vua Trần Dụ Tông chém 7 tên gian thần, để mong cứu vãn nhà Trần. Nhà Trần đã lập được chiến công lừng lẫy 3 lần đánh tan quân Nguyên, với các tên tuổi vua quan, tướng lĩnh Việt Nam tài ba, đức độ, anh hùng như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Trần Bình Trọng…

Thế nhưng những con cháu nhà Trần, những người nối nghiệp Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo… đã dần dần phá hoại sự nghiệp cha ông để lại. Vua quan bắt đầu ăn chơi, tham nhũng, đục khoét của dân, dân thì nghèo lầm than, vua quan thì sung sướng, sa đọa. Vua Trần Dụ Tông lúc đầu lên nối ngôi vua, cũng tỏ vẻ là vị vua hiền, nói điều hay, chăm lo cho dân. Đại việt sử ký toàn thư viết rằng vua Trần Dụ Tông lúc đầu biết “chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di đều thần phục… Nhưng về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó”.

Cụ Chu Văn An khi đó là Tư nghiệp Quốc tử giám, tức là Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc Tử Giám như cách nói ngày nay. Trường Đại học Quốc Tử Giám là nơi dạy dỗ các con vua, nên chức Tư nghiệp rất có uy tín và uy thế trong triều. Cụ Chu Văn An, cũng như các đại thần liêm khiết, tài giỏi thời đó như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh… đều cảm thấy sót xa trước cơ nghiệp lừng lẫy của nhà Trần đang có nguy cơ ngày càng lụn bại bởi vua ham chơi, bởi bọn tham quan, nịnh thần. Nhiều người muốn lên tiếng khuyên can vua để cứu vãn cơ nghiệp ông cha để lại, một cơ nghiệp đã phải đổi bằng xương máu của biết bao nhiêu người trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xưa. Nhưng ai cũng sợ mất ghế, sợ bị chụp mũ là phản động, chống lại triều đình. Nên không có ai dám nói gì, chỉ hèn nhát ấm ức trong lòng.

Chỉ có cụ Chu Văn An dám nói. Cụ không sợ mất ghế, không sợ bị chụp mũ là phản động, chống lại triều đình. Cụ viết Thất Trảm Sớ, gửi lên vua Trần Dụ Tông. Vua Trần Dụ Tông xem tờ sớ xong, rồi ỉm đi. Cho đến tận bây giờ, đã hơn 600 năm trôi qua, không ai biết nội dung cụ thể tờ Sớ khủng khiếp đó nói gì, chỉ biết rằng tờ Sớ đó xin chém những kẻ tham nhũng, nịnh thần trong triều, những kẻ sẽ làm sụp đổ cơ nghiệp đã hơn 100 năm của nhà Trần.

Tờ Sớ đó liệt tên những kẻ gian thần nào, không ai biết, nhưng nhân dân thì biết thời đó, có những tên tham quan, nịnh thần nổi tiếng như Trâu Canh, Bùi Khoan, Trần Ngô Lang… Thật ra kẻ đáng phải chém, phải lật đổ để cứu dân đen khỏi lầm than, cứu sự nghiệp của nhà Trần, chính là Trần Dụ Tông, vì ông vua này về cuối đời vô cùng ăn chơi sa đọa.

Tên Trâu Canh khuyên ông vua đó uống mật trẻ con, và thông dâm với chị gái của ông ta, để chữa bệnh liệt dương. Và ông vua Trần Dụ Tông đã làm như thế. Nhưng ông vua này là biểu tượng của nhà Trần, biểu tượng của 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên anh hùng xưa. Hơn nữa ông ta lại là kẻ đang có quyền lực trong tay. Chưa thể đụng vào ông vua sa đọa ấy được. Có lẽ vì thế mà cụ Chu Văn An chỉ xin ông vua đó chém những tên vây cánh gian tham của vua, để mong vua tỉnh ngộ.

Vua Trần Dụ Tông đã ỉm tờ Sớ đi, và im lặng đáng sợ, không trả lời gì cụ Chu Văn An, vốn là thầy giáo của nhiều vị vua nhà Trần.

“Ông không thèm chơi với chúng mày nữa”, cụ Chu Văn An khảng khái tuyên bố, và cụ treo mũ, từ quan, trả lại chức Tế tửu đầy quyền lực, bổng lộc. Cụ về núi Chí Linh, Hải Dương, làm nhà giữa hai ngọn núi Kỳ Lân và Phượng Hoàng để ở ẩn.

Nhưng thời đó vẫn còn nhiều “lễ, nghĩa, trí, tín”, nên vua Trần Dụ Tông mặc dù là ông vua chơi bời, sa đọa, nhưng không chụp mũ cho cụ Chu Văn An là bất mãn, làm loạn, chống lại triều đình. Có lần vua còn định mời cụ ra làm quan lại. Vợ vua cũng là người biết lẽ cương thường, nên đã khuyên vua: “Ông ấy là người không thể bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ấy”. Thỉnh thoảng vua Trần Dụ Tông còn về núi Chí Linh thăm cụ Chu Văn An. Các học trò của cụ như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát làm Hành khiển, giống như Bộ trưởng bây giờ, vẫn hàng năm lặn lội về thăm cụ, khi nói chuyện vẫn giữ đạo thầy trò, quỳ nghe cụ răn dạy.

Nhưng thời đó không có Sổ hộ khẩu như bây giờ, quyền tư hữu ruộng đất cũng vẫn có, không bị tước đoạt. Nên cụ Chu Văn An treo mũ, từ quan về làm nhà ở ẩn ở núi Chí Linh cũng không có ai hoạnh họe gì về giấy tờ nhà đất, về hộ khẩu gì… cả. Giả sử nếu bây giờ có vị quan chức cao cấp nào từ quan vì “không muốn chơi với bọn tham nhũng”, về núi Chí Linh ở ẩn, thì chắc cũng khó vì các thứ giấy tờ đủ loại. Đó là chưa kể còn có thể bị chụp mũ này nọ.

Có thể có người sẽ chê cụ Chu Văn An là sao lại tiêu cực, hèn nhát về ở ẩn, mà không ở lại tiếp tục chiến đấu với bọn tham quan?

Đừng nên anh hùng rơm như thế. Dám treo mũ từ quan, dám không màng danh lợi, dám từ bỏ cái ghế đầy bổng lộc, quyền thế, dám không sợ bị vùi dập, để tỏ rõ cái khí tiết của người có đạo đức trong sạch, đó là rất dũng cảm đấy.

Nhớ đến cụ Chu Văn An, để thấy rằng ngày nay, những người dũng cảm và trong sạch như cụ Chu Văn An còn hiếm lắm.

Minh Tuấn
(Từ Tokyo)