TẠI SAO LŨ CHÍ SĨ RỞM LẠI CỨ HOÀNH HÀNH MĂI VẬY?
Trào lưu quyền lợi phụ thuộc
vào đẳng cấp địa vị, hành xử công việc theo lợi ích riêng, đang lan rộng. Nó cũng
là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mưu mô, dối trá, lừa đảo đầy rẫy trong xã hội
hiện nay. Tôi gọi những kẻ hùa theo trào lưu này là "chí sĩ rởm".
Ví dụ, các thuộc hạ của các lãnh chúa dưới thời phong kiến là một minh chứng
tốt.
Bọn này, kẻ nào người nấy đều tỏ ra trung thành. Ngoài mặt luôn tỏ vẻ biết
thân biết phận, lúc nào cũng khúm núm, cúi rạp mình. Trong ngày giỗ chạp, lễ tết,
thanh minh, không bao giờ thiếu mặt. Hễ mở miệng là đều có cùng giọng điệu
"trung thần báo quốc", hoặc là "thân này sẵn sàng chết vì chủ".
Người thường dễ bị lừa phỉnh bằng vẻ bề ngoài của chúng. Kỳ thực, bọn chúng đều
là một lũ chí sĩ rởm cả.
Được cất nhắc vào chức vụ cao một chút, ngoài lương bổng, phụ cấp quy định
ra, không hiểu sao tiền cứ vào như nước. Hóa ra, kẻ trông coi việc xây cất thì luôn thúc giục chủ thầu cống lễ. Kẻ trông coi ngân khố thì đợi thị dân phải biếu
xén quà cáp mới cho vay tiền. Những chuyện như vậy diễn ra như cơm bữa đến độ
trở thành lệ. Ngay cả những Võ sĩ vốn được mệnh danh là trung nghĩa luôn trong
tư thế chết thay cho chủ thì cũng tìm cách nâng giá trang phục để kiếm chênh lệch.
Tất cả cái lũ này phải được gọi là "chí sĩ rởm chính hiệu" mới phải.
Họa hoằn lắm mới có một ông quan chính trực. Không một lời đồn nào về ông ta
nhận hối lộ cả. Và thế là người đời ra sức khen ngợi. Nhưng ông ấy cũng chỉ là
người không ăn cắp tiền của công quỹ mà thôi. Chẳng lẽ cứ phải khen người ta vì ở họ không có lòng dạ tham lam hay sao? Chẳng qua, vì có quá nhiều các chí sĩ rởm,
nên ông ấy mới nổi đình nổi đám như vậy.
Vì sao lũ chí sĩ rởm lại nhiều đến thế? Nếu tra kỹ ngọn nguồn, thì đó là kết
quả của ảo tưởng mù quáng luôn coi dân chúng là ngu muội, hiền lành và dễ trị.
Kết cục là tác hại đó đưa tới cách đối xử độc đoán, đẻ ra sự áp chế đối với
người dưới. Có thể nói không có gì vô trách nhiệm hơn là cách hành xử dựa vào đẳng
cấp, địa vị, tự cho mình là cha là mẹ của dân.
(Nguồn: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)