Lời tựa
Truyện “Nam Hải Quan Âm” diễn xuôi
Theo thế giới quan của đạo Phật thì tất cả nơi nào có sự sống, có chúng sinh (tất cả mọi loài từ vô tình đến hữu tình chúng sinh ) đều được làm nên từ 3 yếu tố: Thần lực của chư Phật, Nguyện lực của chư Bồ Tát và Nghiệp lực của chúng sinh. Nếu thiếu một trong 3 điều kiện trên thì khối vật chất kia hãy còn là 1 cõi hỗn mang, tăm tối. Chân lý đó con người sẽ lần lần chứng nghiệm trên lộ trình phát triển trí tuệ tột cùng nhờ trình độ tu chứng mỗi ngày một thăng hoa. Cho nên, chắc chắn sẽ không ai ngạc nhiên khi một ngày nào đó, họ khám phá ra rằng nơi chúng ta đang sống, đang sinh hoạt đây cũng chỉ là một cõi đang diễn ra trong thân của một vị Phật, hay tất cả thế giới mà chúng ta đang sống đây từ phần thô kệch đến phần cực kỳ vi tế đều mọc lên từ trong tâm của mỗi chúng ta: những chúng sinh có cùng tư tưởng, cùng ý thích, cùng mơ ước, cùng hoài bão, cùng cộng nghiệp như nhau. Còn chư Bồ Tát? Tuy là các ngài đã đạt đến trình độ gần như rốt ráo của con đường tu chứng nhưng vì bản nguyện độ sinh nên phải hóa thân bời bời để đi lại giữa thế gian, để dẫn dắt những kẻ còn quá tối tăm, mê muội. Bởi đại nguyện: “Bao giờ còn một chúng sinh chưa giác ngộ thì ta chưa vào niết bàn” nên các đại Bồ Tát vẫn luôn quan sát, lắng nghe và cứu giúp kịp thời. Điều đó được biểu hiện bằng tướng nghìn tay, nghìn mắt mà ta thường thấy dân gian tạc tượng các Ngài để thờ.
Khi một Bồ Tát thị hiện xuống thế gian, ít ai nhận ra hóa thân của Ngài, bởi vì lợi ích của chúng sinh mà Ngài cũng mang hình hài phàm tục, cũng làm việc, ăn uống, ngủ, nghỉ như bất cứ một người nào, chỉ khác là những việc làm của Ngài không phải vì lợi ích riêng của bản thân mà là vì chúng sanh, vì tha nhân, vì đại nguyện tế độ… và tùy căn cơ của mỗi chúng sinh mà hóa thân cho thích ứng. Trong tam thế Phật gồm 3 vị: Phật A Di Đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí thì Đức Quan Âm được xem là gần gũi với chúng sanh nhất. Ngài thường thị hiện dưới bất cứ hình thức nào để độ sinh, và nơi nào còn chúng sinh đau khổ Ngài đều có mặt. Trong dân gian, không ai là không thuộc lòng truyện “Quan Âm Thị Kính” hay “Nam Hải Quán Thế Âm” tức “Quan Âm Diệu Thiện” còn gọi là “Bà Chúa Ba” các vị đó đều là hóa thân của Đức Quán Thế Âm . Mỗi khi gặp hiễm nguy, nạn tai hay khổ đau ta thường niệm thầm danh hiệu của Ngài, sẽ thấy lòng bớt đi đau khổ, sợ hãi và an tâm hơn, đó là nhờ sức mạnh của đại nguyện “vô úy thí” mà Đức Quán Thế Âm thường dùng để độ sinh. “Quán Thế Âm” có nghĩa là quán xét và lắng nghe những âm thanh đau khổ, kêu cứu của mọi loài với lòng từ bi bình đẳng để ban vui, cứu khổ không từ một ai. Đọc truyện tiền thân hay hóa thân của Ngài cũng có nghĩa là chúng ta sẽ học hạnh từ bi đó để huân tập cho mình biết sống vì mọi người.
VÂN HÀ
(Trần Thị Hồng Anh)
(Nguồn: http://thovan.trungpham.dx.am/pmwiki.php/VH/L%e1%bb%9cIT%e1%bb%b0A)