Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label vandexahoi. Show all posts
Showing posts with label vandexahoi. Show all posts

Sunday, June 6, 2021

Tiến bộ công nghệ và những mặt trái

 


Tiến bộ công nghệ và những mặt trái

1.     Giới thiệu:

Ngày nay, với sự tiến bộ nhanh chóng của CNTT-VT và cuộc CMCN 4.0, mọi lĩnh vực từ công nghiệp đến đời sống đều chịu ảnh hưởng to lớn của các công nghệ mới này. Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà các công nghệ hiện đại như: di động, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo, robot, Internet vạn vật (IoT), blockchain, xe tự hành, máy in 3D... mang lại cho xã hội hiện đại như: tăng chất lượng cuộc sống, tăng năng suất, tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn, thông minh hơn... Chúng làm thay đổi đáng kể cách mọi người làm việc, học tập, giải trí, kể cả cách suy nghĩ và thói quen sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh những lợi ích, công nghệ cũng có nhiều mặt trái, tác động tiêu cực đến cuộc sống con người, mà nếu không được nhận diện và có giải pháp khắc phục ngay bây giờ thì hậu quả trong tương lai có khi còn to lớn hơn nhiều những lợi ích mà nó mang lại. Tuy khoa học đã đạt được những bước tiến lớn, nhưng công nghệ là con dao hai lưỡi, vì vậy chúng ta cũng cần thận trọng đối với tác động của nó trong tương lai. Khi đọc quyển sách “Muôn kiếp nhân sinh” của tác giả Nguyên Phong [1], trong đó có đoạn cảnh báo về tác hại của công nghệ đối với thế hệ tương lai, thậm chí nó có thể làm biến mất một nền văn minh nếu bị sử dụng sai mục đích, khiến tôi có cảm hứng viết về chủ đề này. Bài viết này sẽ tập trung phân tích những mặt trái của các công nghệ hiện đại đến cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, những người đang ngày càng trở nên lệ thuộc vào các phát minh công nghệ dễ gây nghiện như điện thoại thông minh, máy tính bảng và mạng xã hội.

Ở đây, đối tượng chịu tác động bởi công nghệ chính là con người, như là cá nhân hoặc tập thể (tổ chức, xã hội). Theo WHO [2], sức khỏe con người chịu ảnh hưởng bởi: môi trường, thể chất và tinh thần, trong đó, tinh thần bao gồm khả năng nhận thức và cảm xúc. Vì vậy, để bao quát hết các tác động tiêu cực của công nghệ đến con người và xã hội trong kỷ nguyên số, chúng ta sẽ xem xét tác động của công nghệ hiện đại đối với cá nhân, tổ chức và xã hội ở bốn khía cạnh sau: khả năng hiểu biết (nhận thức), khả năng cảm xúc (tâm lý), sức khỏe thể chất (vật lý), và môi trường xung quanh. Một số tác hại của các công nghệ mới đến cuộc sống đã được nhận diện trong một số nghiên cứu trước và có thể được tóm tắt trong bảng sau:

Bảng 1. Một số các hại của công nghệ đối với cá nhân, tổ chức và xã hội

 

Cá nhân

Tổ chức

Xã hội

Nhận thức/ Tri thức

giảm độ tập trung

không phân biệt được thật-ảo, đúng-sai

mất khả năng ra quyết định

 lệ thuộc giải thuật

thông tin giả lan tràn

hiện tượng thao túng dữ liệu/thông tin

Tâm lý/ Cảm xúc

hội chứng tự kỷ

khó kiểm soát cảm xúc

giảm tương tác người-người

xã hội bị cơ giới hoá

đạo đức suy giảm

Vật lý/    Thể chất

sức khỏe suy kiệt

tật về mắt

- mệt mỏi, uể oải

căng thẳng, stress

-  tỷ lệ thất nghiệp tăng

tội phạm tăng

Môi trường

ô nhiễm từ trường và sóng vô tuyến

cạnh tranh ngày càng khốc liệt

con người bị thống trị bởi máy móc

2.     Ảnh hưởng đến cá nhân:

Xét ví dụ về ảnh hưởng của điện thoại thông minh và máy tính bảng, trên phương diện công nghệ thì đó là một phát minh tuyệt vời, nhưng chúng ta cũng cần xét đến hệ quả của nó. Đối với giới trẻ, thay vì chú tâm vào việc học, chúng chỉ biết theo dõi mọi thứ qua điện thoại thông minh và bị “thôi miên” trong một “thế giới ảo” qua màn hình nhỏ bé này. Những người trẻ ngày nay như đều bị một loại “ma lực” hấp dẫn, rút hết sinh lực và trí thông minh của chúng. Các nhà sản xuất công nghệ thường tự hào coi đó là văn minh, là tiến bộ mà không biết rằng thế hệ tương lai sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho những phát minh mà họ coi là kỳ diệu này. Khi quan sát các lớp học ở các trường đại học, dễ dàng nhận thấy các sinh viên ngày nay không còn chăm chỉ học như trước, nhiều em đến lớp nhưng vẫn bị xao lãng bởi điện thoại thông minh, không chú tâm vào những điều đang được giảng dạy. Thầy/cô thường phải nhắc nhở họ chăm chú nghe bài giảng nhưng chỉ vài phút sau, một số sinh viên lại lén lút rút điện thoại thông minh ra, lướt Facebook, rồi gửi tin nhắn cho nhau.

Hiện nay, một số phụ huynh đã bắt đầu đặt vấn đề về việc trẻ em nghiện Internet, video game, làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và sự phát triển bình thường của trẻ [3]. Nhiều phụ huynh đã cho các bé tiếp xúc máy tính bảng từ rất sớm, với lý do giúp con học tiếng Anh và xem nó như một công cụ giữ trẻ thay mình. Điều này, vô hình chung đã gây tác hại rất lớn đến khả năng nhận thức, cảm xúc và tương tác của trẻ sau này. Tệ hơn nữa là những video game, và những video quảng cáo trên mạng đã dạy cho trẻ những hành vi kỳ lạ, khác thường, khó lòng tưởng tượng được. Chúng học cách bắn giết, cướp bóc trong những cuộc phiêu lưu của “thế giới ảo”, rồi về sau không còn biết rõ đâu là thật và đâu là ảo nữa. Do đó, chúng sẽ mất đi khả năng phân biệt đúng sai. Từ những đứa trẻ cho đến những thanh niên lớn tuổi, ai ai cũng say mê với những điều nguy hại này. Những người trẻ chưa biết phân biệt tốt xấu, chưa được dạy bảo cẩn thận nên dễ dàng trở thành nạn nhân của thứ “ma lực” này. Chúng dán tai, dán mắt vào chiếc điện thoại nhỏ bé và quên đi tất cả mọi sự xảy ra chung quanh, bởi vì chúng chỉ biết sống trong “thế giới ảo” mà thôi. Có những đứa trẻ quên ăn, quên ngủ và sống trong “thế giới ảo” này, do đó chúng không thể trưởng thành, không có trách nhiệm với thế giới chung quanh, trở nên dửng dưng vô cảm, vì đầu óc của chúng đã bị “thôi miên” rồi. Nếu việc tiếp xúc với các công nghệ này kéo dài sẽ gây tác hại cả về tâm lý và thể chất của trẻ. Thực tế, nhiều số liệu thống kê [4] cho thấy trong xã hội hiện đại, ngày càng nhiều trẻ mắc các chứng bệnh như: tự kỷ, béo phì, cận thị, tăng động… Mà một trong những nguyên nhân là sự tiếp xúc quá sớm và quá nhiều với những công nghệ có khả năng gây nghiện như trên.

Về mặt thói quen sinh hoạt, công nghệ cũng tạo ra những thói quen xấu, nhất là ở giới thanh thiếu niên, chẳng hạn như: thức khuya để tán gẫu, xem livestream/ video/ film online, sống trong thế giới ảo, dành nhiều thời gian để lên mạng xã hội, ít giao tiếp mặt đối mặt… Điều này, làm phá hủy đồng hồ sinh học bình thường do thói quen sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ. Chính thói quen đó đã lấy đi giấc ngủ yên bình, làm tổn hại sức khỏe, gây nguy cơ cao đối với các chứng bệnh thời đại, như: cận thị, béo phì, trầm cảm, hay nóng giận và suy giảm trí nhớ… Hơn nữa, tiếp xúc nhiều với sóng điện thoại vô tuyến cũng được cho là một trong các nguyên nhân gây các chứng bệnh như: mất ngủ, ung thư, vô sinh… [4]

3.     Ảnh hưởng đến tổ chức và xã hội:

Về mặt tổ chức, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau một cách khốc liệt trong việc đổi mới công nghệ, sản phẩm và mô hình kinh doanh. Sự cạnh tranh gay gắt này vừa là động lực cho sự phát triển, vừa là nguyên nhân cho sự đầu tư ồ ạt và thiếu thận trọng vào các công nghệ mới nhằm dành thế tiên phong. Việc này tạo ra những rủi ro lớn cho xã hội khi sử dụng các sản phẩm dựa trên những công nghệ bị lỗi hoặc chưa trưởng thành. Thử tưởng tượng, vì cạnh tranh mà các hãng dược đưa ra thị trường những loại thuốc có những tác dụng phụ chưa được kiểm định đầy đủ đối với sức khỏe con người, hay các xe hơi tự lái sử dụng các giải thuật AI có lỗi được bán rộng rãi thì hậu quả sẽ như thế nào. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp sẽ tạo áp lực ngày càng lớn lên đội ngũ quản lý và nhân viên, khiến họ thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mõi và dễ nổi giận. Điều này, lại làm giảm hứng thú trong công việc, kéo theo năng suất giảm, giảm khả năng đổi mới, sáng tạo. Hơn nữa, việc tương tác nhiều với máy móc cũng làm giảm tương tác trên thế giới thực, từ đó làm giảm sự gắn kết và niềm vui trong công việc. Việc ra quyết định được hỗ trợ rất lớn bởi các hệ thống thông tin kinh doanh dựa trên công nghệ data mining và khoa học dữ liệu vừa giúp nhà quản lý ra được các quyết định thông minh hơn, vừa khiến họ ngày các lệ thuộc vào các dữ liệu và báo cáo tạo sinh từ hệ thống. Tệ hơn nữa, một số nhà quản lý quá lệ thuộc vào máy móc đến nỗi mất khả năng ra quyết định khi không thể kết nối với hệ thống hoặc hệ thống gặp sự cố. Chất lượng báo cáo để ra quyết định còn lệ thuộc vào chất lượng dữ liệu đầu vào và giải thuật được nạp vào hệ thống, những thứ mà nhà quản lý không làm chủ được.

Về mặt xã hội, phân tích dữ liệu lớn đã giúp các doanh nghiệp trong việc hiểu rõ hơn khách hàng, đưa ra các chiến lược tiếp thị thu hút khách hàng tiềm năng và gia tăng doanh số bán hàng. Càng nhiều dữ liệu tổng hợp liên quan đến người dùng, họ càng dễ bị thuyết phục, chi phối và thâu tóm [5]. Điều này, sẽ khiến cho người dùng suy nghĩ, hành xử theo tác động của các công ty quảng cáo, tiêu thụ quá mức cần thiết mà không nhận thức được. Tuy nhiên, khi nhiều người biết rằng họ đang bị theo dõi, họ sẽ bắt đầu thay đổi hành vi của bản thân. Đó là lý do tại sao, ngày nay, lòng tin của người dùng đối với các hệ thống thương mại điện tử sụt giảm đáng kể. Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tin giả hơn, thông tin ít tin cậy hơn, và người dùng cũng trở nên thận trọng hơn trên Internet. Bên cạnh đó, sự tiến bộ của công nghệ tự động hóa và robot sẽ dẫn đến nguy cơ thất nghiệp, thiếu việc làm. Ở nhiều nước, số lượng công nhân bị cắt giảm ngày càng tăng, tỷ lệ thất nghiệp tăng, kéo theo các bất ổn về mặt xã hội, như: tỷ lệ nghèo đói và tội phạm tăng, làn sóng bất mãn cũng ngày càng tăng nếu không được giải quyết một cách ổn thỏa. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra ở các quốc gia kém phát triển khác, khi máy móc sẽ dần thay thế lao động chân tay. Không chỉ ở lĩnh vực sản xuất mà còn ở các lĩnh vực dịch vụ và trong đời sống hàng ngày, ví dụ như: robot giúp việc nhà, xe không người lái, máy bán hàng, máy thu tiền… Tất cả các công việc thủ công có thể dần được thay thế bằng công nghệ vừa giúp tăng sự tiện nghi của đời sống hiện đại, vừa làm ảnh hưởng đến cuộc sống của một bộ phận lao động. Không có việc làm đồng nghĩa với việc không kiếm được tiền để trang trải cuộc sống, chất lượng cuộc sống đối với họ sẽ giảm [8]. Điều này, đòi hỏi nổ lực chuyển đổi công việc của từng người lao động và sự hỗ trợ của các chính phủ qua các chính sách như: đào tạo lại, cơ cấu lại lao động, thông tin dự báo, cải cách bảo hiểm xã hội, phân bổ lại dân cư…

Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học sinh học và điện tử, người ta có thể ghép những tế bào của động vật vào cơ thể con người, hay đặt vào cơ thể con người những thiết bị gọi là “trí tuệ nhân tạo” khiến họ phát triển những khả năng mà người thường không thể làm được. Về mặt nào đó, có thể coi những việc làm đó là tạo ra “nửa người, nửa siêu nhân” (cyborg) cũng được. Điều này sẽ tạo ra những thách thức to lớn vượt qua khả năng nhận thức của con người. Nếu như robot hoặc cyborg trong tương lai có khả năng thông minh hơn con người, thì việc con người bị thống trị bởi những cổ máy siêu nhiên do chính mình tạo ra không còn là chuyện khoa học viễn tưởng nữa. Và khi đó, hậu quả sẽ thế nào chúng ta sẽ không thể lường trước được. Trong cuộc nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) trong phòng thí nghiệm tại Đại học Carnegie Mellon, những con robot “vô tri giác” lại có thể tìm cách lừa nhau để thắng cuộc – không phải bằng việc đoán trước nước cờ của đối thủ, mà tìm cách lừa bịp lẫn nhau và đây là điều các nhà khoa học không hề lập trình cho chúng [6]. Chắc mọi người vẫn còn nhớ về robot Sophia, robot đầu tiên được Ả rập cấp quyền công dân, đã trả lời phỏng vấn thông minh như thế nào và đã đưa ra lời nói đùa là “sẽ tiêu diệt loài người” [7]. Với đà tiến bộ của công nghệ robot và AI, việc robot sẽ trở nên phổ biến và ảnh hưởng đáng kể đến xã hội loài người là điều sẽ xảy ra. Khi đó, việc xã hội bị thống trị bởi robot vô cảm hoặc thiểu số người thiếu đạo đức có khả năng điều khiển robot là một viễn cảnh cần phải nghĩ đến. Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến biết bao nền văn minh đã bị lụi tàn vì những tiến bộ về mặt công nghệ vật chất, mà thiếu sự dẫn dắt của đạo đức, tâm linh và cảm xúc.

4.     Một số giải pháp hạn chế tác hại của công nghệ:

Mặc dù một số người đã nhận thức được các mặt trái của công nghệ đến bản thân, gia đình, tổ chức, xã hội và môi trường mình đang sống, nhưng chưa ai tìm được giải pháp hợp lý cho các vấn đề nêu trên, như: sự nghiện smartphone của giới trẻ, sự phát triển nhanh chóng của AI và robot, sự suy giảm về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, sự gia tăng của các chứng bệnh thời đại, sự dẫn dắt của xã hội vật chất, tiêu thụ quá mức… Để hạn chế một số tác hại của công nghệ, và hướng tới một xã hội tương lai phát triển bền vững, lành mạnh trên nền tảng của công nghệ điều trước tiên cần phải giúp mọi người nhận thức một cách đầy đủ về lợi ích và tác hại của công nghệ lên mọi mặt của đời sống. Trên cơ sở nhận thức đó, mọi người từ các doanh nghiệp, chính phủ, người dân cần phải chủ động thay đổi hành vi, thói quen của mình một cách phù hợp theo hướng cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, để có thể khai thác lợi ích của công nghệ và hạn chế các tác hại của nó đến bản thân, tổ chức và môi trường xung quanh mình. Điều cần thiết là phải đảm bảo con người làm chủ được công nghệ, phải hiểu được mục tiêu tối thượng của mọi tiến bộ công nghệ là để phục vụ đời sống hướng thượng của con người và mang lại một xã hội yên bình, hạnh phúc.

Từ phân tích trên, một vài đề nghị ở phạm vi cá nhân, gia đình có thể thực hiện như sau: 

-          Hạn chế việc sử dụng thiết bị thông minh của bản thân và con em trong nhà, cần có thời gian biểu và nguyên tắc sử dụng thiết bị công nghệ một cách hợp lý.

-          Nên dành nhiều thời gian để sinh hoạt chung, chơi thể thao, ngồi thiền, dã ngoại…

-          Cẩn trọng khi chia sẻ thông tin trên Internet và mạng xã hội, cần lọc lựa thông tin và rèn luyện các kỹ năng tìm kiếm và đánh giá độ tin cậy của các thông tin nhận được.

-          Cập nhật các thông tin về tiến bộ công nghệ và các cảnh báo về rủi ro, an toàn thông tin nhằm bảo vệ bản thân và gia đình khỏi các tác hại của công nghệ.

Một vài gợi ý chính sách cho chính phủ có thể tóm tắt như sau: 

-    Tăng cường đào tạo về an toàn, rủi ro trong ứng dụng công nghệ và hệ thống thông tin.

-      Có các chính sách đảm bảo sự phát triển cân bằng về trí dục, thể dục và đạo đức.

-   Khuyến khích các đầu tư ứng dụng công nghệ hướng tới sự phát triển bền vững: giảm khí thải, giảm các vấn đề xã hội, nhiên liệu mới, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng sống…

-        Hạn chế hoặc đánh thuế cao đối với các dịch vụ dễ gây nghiện/ có nhiều rủi ro như: game online, video chat, truyền thông xã hội...

-       Có chính sách quản lý về an toàn, an ninh và đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu người dùng.

-    Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới.

5.     Kết luận:

Tóm lại, tiến bộ nhanh chóng của công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích cho xã hội hiện đại, nhưng cũng có nhiều mặt trái, thách thức cần phải nhận diện khắc phục. Sự hiểu biết và tự nhận thức một cách cân bằng về lợi ích và hạn chế của công nghệ sẽ giúp mỗi người có thể tự tin trong việc tận dụng các lợi thế của công nghệ, và hạn chế các rủi ro của nó. Điều này giúp đảm bảo công nghệ được khai thác một cách phù hợp nhằm phục vụ cho lợi ích lâu dài của con người.

Tiến bộ công nghệ cần gắn liền với tiến bộ về nhận thức, cảm xúc và chất lượng môi trường sống. Không thể vì quá say sưa với những thành tựu của công nghệ mang lại cho đời sống vật chất, mà quên đi những tác hại của nó đối với đời sống tinh thần, trí tuệ, cảm xúc và sự phát triển cân bằng của thế hệ tương lai. Đối mặt với đà phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ kỹ thuật số, con người càng cần phải tỉnh táo, nhận thức rõ mình cần phải làm gì ở phạm vi cá nhân, gia đình, tổ chức và xã hội. Những hành động hay chính sách hợp lý vào lúc này sẽ giúp hạn chế được các mặt trái của công nghệ, và khai thác được thế mạnh của nó nhằm nâng cao chất lượng sống và mang lại cho chúng ta một đời sống viên mãn cả về vật chất và tinh thần.

Rất mong bài viết này như một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh về các tác hại của công nghệ đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con em mình, để có những thay đổi phù hợp nhằm hạn chế tác hại của công nghệ mới. Qua đó, tác giả cũng mong muốn cả xã hội hãy cùng chung tay để tìm giải pháp nhằm hướng sự phát triển của công nghệ đến một tương lai xán lạn và bền vững hơn. Nếu không nhận thức được hết các mặt trái của công nghệ mới thì những tiến bộ về mặt vật chất hiện nay chỉ là sự phát triển thiếu định hướng dưới sự dẫn dắt của những nhà tư bản tham lam và các chuyên gia công nghệ thiếu hiểu biết về nền tảng tâm linh, điều đó sẽ dẫn đến các rủi ro rất lớn cho xã hội loài người trong tương lai khi chẳng may công nghệ nằm trong tay của những thế lực hắc ám. Mong sao trong tương lai, loài người có thể cùng chung sống yên bình ở một xã hội tươi đẹp, ở đó con người có thể nắm tay robot như những người bạn trong xứ sở thần tiên như trong Doraemon!

Sài Gòn, 5/6/2021  

PGS. TS. Phạm Quốc Trung – Khoa QLCN, ĐHBK HCM

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyên Phong (2020), Muôn kiếp nhân sinh, NXB. Tổng hợp TP.HCM

[2] WHO, Định nghĩa sức khỏe, nguồn: https://www.who.int/about/who-we-are/frequently-asked-questions

[3] Những tác nhân lợi và hại của thiết bị công nghệ đối với trẻ em, nguồn: https://vnreview.vn/tu-van-may-tinh/-/view_content/content/1217706/nhung-tac-nhan-loi-va-hai-cua-thiet-bi-cong-nghe-doi-voi-tre-em

[4] Tác hại của công nghệ đối với sức khỏe, nguồn: https://suckhoedoisong.vn/tac-hai-cua-cong-nghe-doi-voi-suc-khoe-n124698.html

[5] Ảnh hưởng của AI và công nghệ đối với đời sống xã hội, nguồn: https://tinhte.vn/thread/anh-huong-cua-ai-va-cong-nghe-doi-voi-xa-hoi.3094799/

[6] Các bài viết về KH-CN của GS. John Vũ, nguồn: https://science-technology.vn/

[7] The world’s most viral robot issues new warning: Tech, nguồn: https://finance.yahoo.com/news/

[8] Các xu hướng công nghệ trong CMCN 4.0 và Khuyến nghị chính sách, nguồn: http://trungpham.ultimatefreehost.in/

Thursday, July 21, 2016

Học cách cùng chung sống

Học cách cùng chung sống


Với sự phát triển của Internet và xu hướng toàn cầu hóa, thế giới ngày càng trở nên nhỏ lại và sự gắn kết giữa các cộng đồng, quốc gia, khu vực càng trở nên chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, công nghệ hay tự do hóa thương mại không tự nhiên mang lại lợi ích và không thể phát huy tác dụng nếu con người không biết cách cùng chung sống hòa bình với nhau. Nhìn vào bức tranh thế giới ngày nay, chúng ta thấy những khác biệt về tôn giáo, sắc tộc, quan điểm chính trị, văn hóa... ở nhiều mức độ và phạm vi khác nhau vẫn còn hiện diện, đôi khi dẫn đến xung đột, và nguy cơ chiến tranh, khủng bố, loạn lạc vẫn có khả năng tiếp diễn. Điều này khiến con người chưa thể chung sống an lạc với nhau. Những thách thức này đòi hỏi con người hiện đại phải học và trang bị cho mình một kỹ năng rất quan trọng, đó là kỹ năng cùng chung sống hòa bình với mọi người xung quanh.

Khi bàn đến mục tiêu của việc học, mọi người thường nghĩ đến 4 mục tiêu mà tổ chức Unesco đã nêu ra, đó là: Học để biết, Học để làm, Học để thành người, và Học để cùng chung sống. Quả nhiên, bốn mục tiêu này rất tổng quát và đã bao quát toàn bộ những gì mà một người nên học. Lúc trước, tôi thường nghĩ rằng "Học để thành người" là khó nhất và phải là mục tiêu sau cùng của việc học, nhưng Unesco lại sắp "Học để cùng chung sống" ở vị trí sau cùng, phải chăng đây mới là mục tiêu khó nhất mà việc học cần hướng tới. Sau này, càng suy ngẫm, tôi càng thấy việc sắp xếp này thật hay và ý nghĩa. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, việc học để thành người đúng nghĩa đã khó, mà việc học để có thể chung sống hòa bình với mọi người xung quanh lại càng khó hơn, và nó mới đúng là mục đích sau cùng của một đời người, và mới làm cho sự hiện diện của chúng ta trong cuộc đời này thêm phần ý nghĩa. Trong bài viết này, chúng ta cùng bàn luận về 2 mục tiêu sau cùng của việc học theo phân loại trên, và phân tích vì sao học để cùng chung sống lại khó khăn và quan trọng hơn đối với xã hội hiện đại ngày nay.

Trước tiên, cùng tìm hiểu về mục tiêu "học để thành người". Rõ ràng đây là một mục tiêu rất quan trọng của việc học, bởi suy cho cùng, mọi kiến thức học được đều giúp chúng ta trưởng thành về mặt tư duy, hiểu biết và hoàn thiện về mặt nhân cách. Một người đúng nghĩa là người biết phân biệt phải trái, đúng sai, có tư duy độc lập, và tự chịu trách nhiệm về những lời nói, hành động của mình. Như vậy, mục tiêu quan trọng của việc học là để con người có thể trở thành phần Người (viết hoa), và khác biệt với phần Con, chỉ biết sống theo bản năng, của các loài vật. Để trở thành con người đúng nghĩa, đòi hỏi 1 cá nhân phải có hiểu biết nhất định, có óc tư duy đánh giá về sự vật hiện tượng, biết cách ứng xử cho phù hợp với vị trí của mình trong xã hội. Nói chung, ngoài kiến thức và khả năng tư duy, người đó phải biết cách đối nhân, xử thế, tuân thủ những quy định về pháp luật, và không vi phạm những quy tắc đạo đức cơ bản... Để đạt được mục tiêu này, nhà trường không chỉ cung cấp cho người học tri thức chuyên môn, mà còn phải dạy dỗ cho học trò về lễ nghi, quy tắc, và rèn luyện đạo đức của người học theo một chuẩn mực chung. Đó là lý do vì sao ở các trường học thường gặp khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" là vậy. Ngày nay, các trường phổ thông ở Việt Nam có vẻ xem nhẹ việc dạy lễ (cách ứng xử), mà đặt nặng việc dạy văn (kiến thức), nên nhiều học sinh dù đã tốt nghiệp phổ thông vẫn chưa được coi là trưởng thành, đạo đức, nhân cách chưa hoàn thiện, và cách ứng xử còn nhiều khiếm khuyết. Điều này khiến cho mục tiêu "học để trở thành người" chưa được thực hiện trọn vẹn. Chính vì vậy, các phong trào đổi mới, cải cách giáo dục gần đây thường đòi hỏi các trường phải chú trọng giảng dạy nhiều hơn các kỹ năng sống, thái độ ứng xử, quy tắc đạo đức, khả năng tư duy, suy nghĩ phê phán... Bởi đó chính là những yếu tố rất quan trọng cho bài học làm người.

Học để trở thành một người đúng nghĩa đã khó, nhưng học để biết cách cùng chung sống hòa bình với mọi người xung quanh còn khó hơn gấp bội. Bởi, ngày nay, con người không thể sống độc lập 1 mình, mà cuộc sống hiện đại đòi hỏi phải tương tác, làm việc với rất nhiều người khác nhau trong xã hội. Chính vì vậy, mỗi người cần phải trang bị cho mình những hiểu biết về thế giới xung quanh, biết công việc của mình và của người khác, biết cách phối hợp, cộng tác với nhau trong công việc. Nói chung, để có thể chung sống an lạc, hài hòa với mọi người xung quanh, mỗi người phải biết tôn trọng sự khác biệt, và phải biết cách ứng xử linh hoạt, phù hợp với mỗi người, mỗi hoàn cảnh. Điểm then chốt của việc chung sống an lạc là phải biết cố gắng tránh gây tổn hại đến môi trường, hay người khác, vì ai trong cuộc sống cũng mong muốn có cuộc sống an lành, hạnh phúc. Hơn nữa, không những hạn chế hành động, lời nói gây tổn hại đến mọi người, mà cần phải còn cố gắng tập nói lời ái ngữ, và nếp sống vị tha, để mang lại an vui, lợi lạc cho những người xung quanh. Như vậy, ta thấy rằng học cách cùng chung sống khó hơn học để trở thành người bởi nó không chỉ đòi hỏi khả năng tư duy, và chịu trách nhiệm với bản thân, mà nó còn đòi hỏi mỗi người phải rèn luyện một đầu óc cởi mở, biết chấp nhận sự khác biệt, có năng lực phán đoán và ứng xử phù hợp với quy chuẩn của cộng đồng mà mình sống, để tránh/ hạn chế gây tổn hại đến người khác. Đương nhiên, để chung sống hài hòa với mọi người và với môi trường xung quanh, một người trước tiên cần phải học để trở thành người đúng nghĩa. Bởi vì, một người phải biết sống có trách nhiệm với bản thân mình trước thì mới có thể chung sống một cách có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Do đó, học cách cùng chung sống với mọi người trong xã hội mới là cái học khó khăn nhất.

Ngoài ra, nếu nhìn sâu vào ý nghĩa của một đời người, ai cũng thấy rằng con người không nên chỉ sống ích kỷ một mình, mà cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người biết đóng góp cho sự an lạc, yên vui và hạnh phúc của gia đình và xã hội. Học kỹ năng cùng chung sống an lạc với mọi người và biết tôn trọng, giữ gìn môi trường sống sẽ giúp con người cảm thấy đời sống của mình có ý nghĩa hơn. Trong nhà Phật, có khái niệm tương sinh, tương tức (interbeing), có nghĩa là cuộc sống của mỗi người đều có mối tương quan và liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự an lạc, hạnh phúc của một người sẽ ảnh hưởng và chịu chi phối bởi sự yên bình và hạnh phúc của cộng đồng và xã hội xung quanh. Cái thấy này giúp mỗi người hiểu được sự liên đới giữa mọi người, mọi vật, và vì vậy, cần phải cẩn trọng trong lời nói, hành động của mình để tránh gây tổn hại đến người khác hay môi trường xung quanh. Cở sở quan trọng cho việc chung sống hạnh phúc theo nhà Phật chính là sự thấu hiểu và cảm thông. Có thấu hiểu những khổ đau, bất hạnh của con người, thì mình mới dễ dàng cảm thông, tha thứ, và bỏ qua những lỗi lầm, những lời nói khó nghe mà người kia đã nói/ gây ra cho mình. Để hiểu được hoàn cảnh và cách ứng xử của người khác, ta cần phải hiểu về nền văn hóa, truyền thống tâm linh, lý tưởng mà họ theo đuổi... Hơn nữa, không những hiểu mà còn phải biết chấp nhận và dung hòa sự khác biệt. Ai cũng thường cho rằng tôn giáo của mình là nhất, chủ nghĩa mà mình tin tưởng là số một... và như thế, mình sẽ không thể hiểu và chấp nhận được tôn giáo khác, chủ nghĩa khác. Đây chính là nền tảng của tư tưởng dân chủ trong xã hội hiện đại. Muốn chung sống an lạc, cần phải biết xã hội là đa dạng, phải biết yêu cái đẹp của tự nhiên với muôn loài, vạn sắc. Phải thấy rằng bông hoa dù xanh, đỏ, tím, vàng... đều đẹp và đều mang lại hương thơm cho đời. Tôn giáo nào cũng hướng con người đến điều thiện, chủ thuyết nào cũng chỉ nhằm xây dựng xã hội tốt đẹp hơn... vậy tại sao không thể có cái nhìn bao dung với nhau hơn? Ngày xưa, có 1 người hỏi đức Phật, tôn giáo nào cũng nói mình là số 1, vậy con biết tin theo ai đây? Phật bèn trả lời, con hãy khoan vội tin mà hãy tự dùng trí tuệ của con để đánh giá và phán đoán về sự hay dỡ, tốt xấu của 1 tôn giáo, nếu nó dạy những điều tốt đẹp và mang lại sự an vui, hạnh phúc thì con hãy tin theo. Chính vì tinh thần cởi mở và không cố chấp mà các quốc gia theo Phật giáo đều có sự hòa hợp giữa các tôn giáo.

Ở phạm vị cá nhân, việc học cách cùng chung sống giúp con người có thể sống an vui, hòa hợp, và cộng tác hiệu quả với mọi người xung quanh. Đây chính là những kỹ năng rất quan trọng trong xã hội hiện đại, bởi xã hội đang chuyển dần sang xã hội tri thức, ở đó, công nghệ và tính chất công việc ngày càng phức tạp, đòi hỏi mọi người phải cộng tác với nhau mới có thể giải quyết được. Đó là lý do vì sao, ở các trường Đại học ngày nay, kỹ năng cộng tác và làm việc nhóm ngày càng được đề cao và đưa vào chương trình giảng dạy, bởi nó rất cần thiết cho sự thành công của một cá nhân trong xã hội tri thức hiện đại. Một trong những yêu cầu quan trọng để có thể cộng tác, làm việc nhóm hiệu quả đó là phải biết lắng nghe, đặc biệt là biết lắng nghe những ý kiến khác biệt, trái chiều. Con người ta thường chỉ thích nghe những gì thuận tai, phù hợp với quan điểm của mình, hoặc là lời khen ngợi... mà khó có khả năng nghe những lời nghịch nhĩ, những quan điểm, ý kiến khác biệt, trái chiều hay phê phán. Chính vì vậy, để có thể chung sống hòa hợp và cộng tác tốt với mọi người xung quanh, điều đầu tiên cần học tập chính là rèn luyện khả năng lắng nghe, và biết chấp nhận những quan điểm khác biệt. Trên cơ sở lắng nghe, thảo luận và tranh luận thẳng thắn, những chân lý, sự hiểu biết đúng đắn mới có thể đạt được, từ đó, mọi người mới có thể hiểu rõ vấn đề, và cộng tác cùng nhau để làm cho xã hội ngày một tiến bộ hơn. Đó chính là cơ sở bền vững của việc chung sống an lạc và xây dựng một cộng đồng biết sống an bình, hạnh phúc. Gần đây, một môn học mới là "Giao tiếp trong môi trường đa văn hóa" được giới thiệu và bổ sung thêm vào chương trình của các trường ĐH, để cung cấp cho SV. hiểu biết về cách ứng xử và suy nghĩ trong những nền văn hóa khác nhau, từ đó, có thể thích nghi và cộng tác hiệu quả trong môi trường làm việc toàn cầu ngày nay.

Ở phạm vi quốc gia/cộng đồng, việc sống chung an lạc đòi hỏi mọi quốc gia/cộng đồng phải tuân theo những quy tắc, luật pháp chung. Chẳng hạn, những hiệp ước thương mại quốc tế, những bộ quy tắc ứng xử, công pháp quốc tế... là những tiêu chuẩn mà các quốc gia, cộng đồng có thể dựa vào đó mà vận hành. Nếu có bất đồng thì cần dựa vào các cơ chế trọng tài, tòa án quốc tế tương ứng để phân xử. Điều quan trọng là các quốc gia/ cộng đồng cần phải tôn trọng những cam kết đã ký và không nên có những hành động đơn phương gây tổn hại đến các quốc gia/cộng đồng khác. Gần đây, tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á đang là tâm điểm chú ý của thế giới. Rõ ràng, mâu thuẫn giữa các quốc gia càng dâng cao khi Trung Quốc đơn phương cải tạo các bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà Trung Quốc đã chiếm được từ tay Việt Nam và Phillipin trong những năm trước đó. Ngạo mạn hơn, Trung Quốc còn vạch ra đường 9 đoạn để xác nhận phần biển và đảo bên trong là thuộc về chủ quyền của mình. Phán quyết của tòa trọng tài PCA bác bỏ tính hợp pháp của đường lưỡi bò 9 đoạn, cũng như bác bỏ các tuyên bố chủ quyền và đặc quyền kinh tế đối với các mõm đá mà Trung Quốc chiếm được và ra sức cải tạo gần đây, đã chứng minh tính vô lý của các tuyên bố đó. Thực trạng này cho thấy thách thức rất lớn đối với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á khi muốn chung sống hòa bình với người hàng xóm hung hăng và không biết lý lẽ. Có lẽ, Trung Quốc nên học lại bài học về cùng chung sống, nếu không, thì cộng đồng quốc tế cần phải dạy cho Trung Quốc để hiểu về nguyên tắc này. Người TQ cần phải học cách "sống và để người khác sống với". Nếu anh ỷ mạnh hiếp yếu, bất chấp công pháp quốc tế, bất chấp lý lẽ để gây ra tổn hại cho môi trường và bất ổn cho cộng đồng xung quanh, trước sau gì anh cũng sẽ lãnh hậu quả. Cộng đồng quốc tế và các quốc gia Đông Nam Á cần liên kết lại để bắt buộc TQ tuân theo luật chơi chung của thế giới, nếu không thì cần phải đi học phổ cập lại về cách phân biệt đúng sai, và học cách cùng chung sống. Một mình Việt Nam hay Philipin thì không đủ sức để đối chọi với 1 nước TQ hung hăng, bạo ngược, nhưng cộng đồng các quốc gia ĐNÁ cùng với sự hỗ trợ của các nước tiến bộ trên thế giới thì hoàn toàn có thể dạy cho TQ 1 bài học làm người tử tế, biết chung sống hòa bình trong cộng đồng thế giới ở thế kỷ 21 này.

Như vậy, rõ ràng việc học cách cùng chung sống là một mục tiêu quan trọng và cực kỳ quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Xu thế công nghệ và tự do thương mại đang làm cho thế giới trở nên nhỏ hơn, con người ở nhiều nền văn hóa khác nhau có thể đến gần nhau và làm việc cùng nhau trên nền tảng Internet. Chính vì vậy, các trường học ngày nay nên chú trọng tới việc dạy cho học sinh, sinh viên các kỹ năng để có thể chung sống với mọi người xung quanh. Để đạt được mục tiêu này, mỗi cá nhân cần phải là người đúng nghĩa, tức là có tư duy độc lập, biết nhận định đúng sai và có trách nhiệm với bản thân mình. Kế đó, mỗi người cần phải có hiểu biết về cộng đồng xung quanh và có ý thức sống có trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên, tránh gây tổn hại đến mọi người, và mang lại an vui, hạnh phúc cho xã hội. Nếu một quốc gia mà mọi công dân đều thấm nhuần bài học làm người và biết cách cùng chung sống thì quốc gia đó cũng sẽ trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng động thế giới. Ngoài ra, thế giới cũng phải đoàn kết với nhau để trừng trị kẻ xấu, và dạy cho những quốc gia chưa biết sống chung về bài học quan trọng này. Nếu làm được như vậy, cảnh chiến tranh sẽ sớm tắt và viễn cảnh một cộng đồng thế giới chung sống hòa bình, an lạc là có thể hiện thực. Mong sao mọi nơi trên thế giới đều hưởng được cảnh thái bình, và mọi người đều có thể chung sống an vui, hạnh phúc!

7/ 2016 - PQT

Friday, July 27, 2012

12 Vấn đề xã hội dưới cái nhìn Phật giáo

12 Vấn đề xã hội dưới cái nhìn Phật giáo

Trong một cuộc đàm thoại giữa thính chúng thuộc nhiều thành phần xã hội, là nhà truyền thông, nhà giáo dục, chính khách, …Đức Lạt Lai Lạt Ma đã trả lời các câu hỏi về nhiều vấn đề đời sống xã hội tham của người tham dự một cách thẳng thắn và có duyên. Với phong thái gần gũi, chân thật và giản dị, và qua những câu trả lời này, phần nào đó trả lời câu hỏi: tại sao Đức Đạt Lai Lạt Ma được nhiều người, đặc biệt là ở các nước phương Tây yêu mến đến thế.

1.Kính thưa Ngài, khi còn bé Ngài đã tỏ ra phi thường. Những trẻ em lo âu cho tương lai của tinh cầu đã thành lập một hội đoàn. Ngài có đều gì muốn nói với trẻ em ngày nay?
Tương lai là cái gì ở trước mặt chúng ta, và vì vậy, nó rất quan trọng. Trẻ em có trách nhiệm về tương lai ấy. Vì rằng bản tính con người căn bản là tốt, nên trẻ em, khi còn rất nhỏ, không phân biệt lắm giữa người này và người nọ. Các em có một tình thương và lòng nhân tự nhiên. Ví dụ đối với các em, nụ cười của người đối diện quan trọng hơn chủng tộc, quốc tịch hay văn hóa của họ. Điều này, theo tôi rất đáng quý và nó khiến tôi hy vọng ở tương lai. Nhưng mặt khác thì tôi lại thấy hơi lo: trẻ em đương nhiên có tâm hồn cởi mở và tốt bụng, nhưng một vài khía cạnh của nền giáo dục mà các em hấp thụ làm tăng thêm mối chia rẽ giữa các em, điều này chung cục sẽ tạo nên hố ngăn cách giữa trẻ em và những người khác.
Vì vậy,tôi thấy là song song với giáo dục, điều tối cần là phải phát triển lòng nhân mà bẩm sinh các em vốn có. Nghĩa là giáo dục phải hòa hợp với bản chất nhân hậu của trẻ. Điều chính là nuôi dạy nó trong một môi trường thương yêu và trìu mến. Mặc dù, lý tưởng mà nói rằng, nếu phải lựa chọn nhiều đức tính rất quý khác và lòng nhân, chắc chắn tôi sẽ chọn lòng nhân.
Thật vậy, giáo dục cùng với trí thông minh bẩm sinh của con người, dù quan trọng cách mấy cũng không đủ để tạo dựng tương lai. Tâm hồn chúng ta phải thấm nhuần đức vị tha, bằng cách cảm nhạn giá trị nhân bản nòng cốt như tình thương đồng loại. Hãy tự tạo cho mình lòng nhân và tinh thần khoan dung; hãy cho trí thông minh của ta phong phú lên nhờ đức tính ấy, và khai thác những đức tính có được giáo dục, để cả chúng ta và xã hội quanh ta đều được mãn nguyện và hạnh phúc.

2. Tại sao ở phương Tây cha mẹ và con cái lại “thường bất hòa” nhu vậy?
Tôi cũng chẳng biết nữa. Có nhiều yếu tố và đều kiện như: thói quen, phong tục và tấm gương cho trẻ noi theo. Điều có thể tạo nên xung đột trong gia đình. Dĩ nhiên thật đáng buồn khi mà giữa cha mẹ và con cái, tình thương yêu không còn nữa. Tôi không thể giải thích những mối bất hòa như vậy bằng một nguyên nhân duy nhất nào. Vì có nhiều nguyên nhân, nên khi tìm cách giải quyết văn đề, phải nhận định chúng một cách bao quát, toàn diện.

3. Những quan điểm chính trị và kinh tế của các nước phương Tây đã vận hành tương đối tốt trong thập niên 1960, nhưng mọi sự không ổn trong thập niên này. Người ta không còn thấy bằng lòng nữa. Làm sao chỉnh đốn lại tình thế?
Từ lúc hãy còn rất bé, tôi đã ham thích kỹ thuật. Một số người cho rằng chính việc phát triển kỹ thuật đã không hoàn toàn đáng mong muốn. Tôi thì không nghĩ vậy. Tôi nghĩ rằng tất cả điều do ở thái độ chúng ta, và chúng ta có quyền sử dụng nó và điều tốt hay điều xấu. Vậy nên, tất cả đều tùy thuộc vào động cơ thúc đẩy chúng ta, vào cách chúng ta áp dụng kỹ thuật. Tôi nghĩ hiện nay chúng ta đang chứng kiến một sự tăng gia kiến thức sâu rộng, nhưng người ta lại không quan tâm phát triển lòng tốt, thiện tâm và tình thương yêu đồng loại cho bằng quan tâm đến kiến thức.
Tuy vậy, tôi nghĩ rằng hiện nay mọi sự đã rất rõ ràng. Con người không phải là sản phẩm của máy óc. cho nên không mong gì có được hạnh phúc thật sự nếu chỉ tùy thuộc vào ngoại cảnh. Dĩ nhiên, chúng ta cần có một tối thiểu tài sản vật chất, nhưng nó không phải là nguyên nhân mang lại hạnh phúc. Những nguyên nhân thật sự để được hài lòng mãn nguyện phải tìm trong nội tâm ta. Tôi nghĩ đều ấy rất rõ.
Mặc dù khó giải thích tiêu này, tôi xin cố gắng diễn tả ý nghĩa của lời giải quyết ấy. Trước hết phải nhìn nhận hạnh phúc thể hiện trong tâm hồn chúng ta. Những kẻ chỉ suy nghĩ bằng khoa học kỹ thuật, với chủ trương là có thể giải quyết và hoàn tất mọi chuyện nhờ có tiến bộ, đều là cực đoan. Tôi phải nhìn nhận đâu là giới hạn của một lối nhìn như vậy. Khởi đầu bằng cách định đường ranh này khiến chúng ta khỏi phải ngỡ ngàng khi gặp những trở lực ngoại giới. Theo ý tôi, khi gặp khó khăn chúng ta đừng nên quá gần mà quan sát chúng. Ngược lại, hãy đứng xa ra một chút, nhìn với một tam hồn cởi mở hơn, trong một bối cảnh bao quát hơn; khi ấy chúng ta sẽ tìm ra được giải pháp dễ dàng hơn. Ví dụ chúng ta đang gặp vấn đề nan giải. Nếu cứ đứng thật gần mà nhìn, ta sẽ thấy khổ đến không chịu nỗi, vì vậy cứ phải suy gẫm toàn những mặt tiêu cực. Ngược lại, quan sát vấn đề từ một khoảng cách, biểu lộ một cung cách thoải mái hơn, và xét vấn đề dưới những góc độ khác nhau, thì giúp chúng ta tìm được những khía cạnh tích cực của tình huống. Tôi thấy là cần phải kết hợp trí thông minh tự nhiên của mỗi người với lòng can đảm, để tạo ra niềm tin thật sự. Kinh nghiệm riêng đã dạy tôi rằng nhờ có thái độ này mà ta để đạt đến sự yên tĩnh của tâm hồn.

4. Các chính tri gia có thể có biện pháp nào để cho người dân được sung sướng hơn?
Tôi nghĩ vai trò này không chỉ giới hạn cho các chính trị gia mà thôi. Nó liên quan đến mọi người, những nhà giáo dục, khoa học gia, những người thiết lập các lý thuyết chính trị, các nhà tâm lý học, những người chuyên về khoa học tâm linh, những nhà trí thức. Tóm lại, việc tìm kiếm những phương thức cho sự bình an nội tâm là công việc của mỗi người. Ví dụ ngành y khoa ngày càng khám phá thêm nhiêu tương quan giữa sự thanh thản tâm hồn và sự lành mạnh thể xác. Đó là những công trình nghiên cứu đáng được phát triển thêm về chiều sâu.
Tôi phải nói rằng, quý vị trong hệ thống thông tin báo chí ở thời điểm này đóng vai trò rất quan trọng. Hệ thống thông tin báo chí hiện nay thuộc về một thời đại tân tiến và trong một phương diện, tôi tin ngành báo chí hành động như một nhà giáo dục, như một nhân tố kích thích tâm hồn con người. Như vây quý vị có một vai trò rất đặc biệt. Về điều này, tôi xin trình bày với quý vị một vài ý kiến: Tôi có cảm tưởng là ngành báo chí thông tin chú ý quá nhiều đến mặt xấu của những hoạt động của con người, khiến cho quần chúng có cảm tưởng là bản tính con người hoàn toàn xấu. Khi nghĩ như thế, tự nhiên người ta chán nản và thật sự có nguy cơ mất hết hy vọng. Loài người có bao nhiêu chuyện để đau khổ, dù chỉ trong phạm vi hạn hẹp của gia đình. Dù có muôn vàn vấn đề mà con người gặp phải, vẫn có một tiềm năng để biến đổi: vẫn có thể làm cho hoàn cảnh đó tốt đẹp hơn, vì thương cảm và từ bi ở trong bản tính của chúng ta. Bằng cách liên kết thông minh của con người với một động cơ thúc đẩy tốt lành, chúng ta có thể thay đổi cuộc đời của chúng ta, và cải tạo xã hội. Đối với tôi, đây là điều then chốt. Vì vậy tôi nghĩ rằng khi trình bày những vấn đề có quan hệ đến con nguồn thì quý vị nên trình bày một cách quân bình hơn. Dĩ nhiên tất cả những mặt xấu này của cuộc đời cũng đều quan trọng, chúng cho báo chí những chất liệu tốn nhưng cúng đừng quên đưa ra những mặt tốt của cuộc đời, căn bản trên bản chất con người và trí thông minh của ta.
Gần đây, trong một số quốc gia người ta bàn cãi nhiều về vai trò của báo chí. Có nên nói hoạch toẹt hết mọi chuyện không? Phải nói cách nào? Chỗ nào trong đời tư, báo chí không được đụng đến? Tôi có vài ý kiến về vấn đề này, nhất là đối với những nhân vật lãnh đạo. Có trường hợp mà một số vị này không cư xử đúng đắn trong cương vị của họ, không tỏ ra có nguyên tắc hay kỷ luật tự giác. Trường hợp này tôi nghĩ rằng chỉ có báo chí mới có quyền năng kiểm điểm, và đưa ra ánh sáng, những cung cách hành động như vậy; do đó, tôi ủng hộ hành động của nhà báo và đánh giá cao khía cạnh lục lọi dò xét. nơi nào cũng xen vào của họ. Không nên có khoảng cách chênh lệch giữa thể thống bên ngoài và đời tư của một người lương thiện. Tôi nghĩ báo chí phải cho công chúng thấy rằng một số khía cạnh hấp dẫn khác hẳn. Chính trong chiều hướng đó mà tôi hơi khuynh về sự can thiệp vào đời tư của người ta, nhưng không phải vì vậy mà quên rằng chủ đích chung của chúng ta là phục vụ con người để kiện toàn xà hội. Đừng hành động sai lạc, do những động cơ xấu thúc đẩy. Tôi tin là, nếu người ta không phơi trần hết thảy những tệ nạn xã hội như nghiện thuốc, giết người, hãm hiếp và lạm dụng trẻ em, thì những kẻ vô tội sẽ cứ hàng ngày chịu khổ. Nếu báo chí giải thích rõ ràng, công chúng rốt cục phải chú ý và tìm ra cách giảm bớt khổ đau.
Tôi cũng nghĩ rằng, khi nói đến luân thường đạo lý thường thì người ta gắn liền với nó với những khái niệm tôn giáo. Theo tôi, tách rời hai khái niệm luân lý và tôn giáo là điều quan trọng. Tôn giáo, lẽ di nhiên giúp chúng ta hiểu được đạo đức theo chiều sâu duy trì và phát triển nó, nhưng khi nói đến lòng vị tha hay tình thương yêu đồng loại chẳng hạn, phải biết tha thứ đạo đức này tự nó mà có. Không phụ thuộc vào tôn giáo, vì nó bắt nguồn từ bản tính thâm sâu của con người, đó là lòng nhân và tình thương yêu.

5. Ngài có thể nói khái niệm nghiệp tập thể, nghiệp chung của một quốc gia? Nghiệp chung này mô tả cái gì ?
Nói về nghiệp chung của một quốc gia là một đều dễ hiểu. Tuy nhiên, mặc dù sự chín muồi nghiệp quả của những người trong cùng một nhóm được gánh chịu trong cùng một lúc, điều này không có nghĩa là những nghiệp này được tích lũy trong cùng một thời gian. Tôi không tin là những duyên của một nghiệp chung được tạo ra cùng một lúc, mà chúng được tạo ra trong từng cá thể vào những thời đềm khác nhau. Sức mạnh của những hành động này và nhiều yếu tố khác nữa có thể tạo nên một sự nghiệp chung mà một nhóm người hay cả một nước phải gánh chịu.

6. Những tội nhân chiến tranh trong phần gương những xứ Âu Châu, Đông âu, và những quốc gia khác tại Á Châu như Cam Bốt và Việt Nam đã không hề được xét xử, và có khi còn được ân xá ngay cả trước khi được xét xử. Ngài nghĩ thế nào về việc này?
Thật đáng buồn, trong nhiều nước vừa mới thoát khỏi chế độ đàn áp, người ta thường biểu lộ lòng căm hờn và ý muốn trả thù trong khi đáng lẽ phải biết tha thứ và chấp nhận. Đây không phải là lúc trả thù và thanh toán trong những nước đã được dân chủ này. Ngược lại, đây là lúc tái thiết quốc gia, xã hội. Tôi đã bày tỏ điều này khi được viếng thăm một số trong những nước đó.
Tôi rất quý trọng và ngưỡng mộ những nghĩa cử của các tổ chức như cơ quan ân xá Quốc tế, họ làm việc một cách chân thành, có hiệu năng và tích cực trong lĩnh vực vi phạm nhân quyền.

7. Ngài nói đến sự giải giới nội tại mà phải kèm theo giải giới ngoại tại. Xin Ngài nói rõ thêm giải giới nội tại là gì trước thù hận của kẻ địch, trước lòng căm hận của chính mình. Trong tác phẩm Les Voies du Coeur, Ngài cho thấy có thể thành lập trong tương lai mộ đạo quân quốc tế. Vì Ngài chủ trương bất bạo động, thì họ sẽ hoạt đóng cách nào đây? Họ sẽ được vũ trang không?
Ai cũng biết ràng khả năng chém giết vẫn tồn tại chừng nào người ta còn vung gươm múa kiếm trong những bang giao quốc tế, hay cả trong phạm vi mỗi quốc gia. Mặt khác, phải xét lại vấn đề mua bán vũ khí vì tình thế hiện nay vừa khủng khiếp vừa vô trách nhiệm. Chúng ta suy nghĩ rất nghiêm chỉnh đến vấn đề vũ trang mà, một khi đã phân tích cặn kẽ, cho thấu rõ cơ chế quân đội là yếu tố chính dẫn đến tình trạng suy thoái của tình trạng hiện nay, mà nạn khủng bố là do vũ khí mà có. Vì vậy nguy cơ chiến tranh vẫn còn tồn tại ngày nào mà những cơ chế quân đội vẫn còn, ở phe này cũng như phe kia. Thế nên, cần phải dẹp bỏ quân đội, từ từ thôi. Dĩ nhiên, bắt đầu là giải giới nguyên tử, tiếp theo loại bỏ khí giới hóa học và vũ khí vi trùng, cuối cùng dẹp luôn vũ khí thông thường. Trước hết cần có sự bảo đảm quốc tế cho công cuộc giải giới này, nó cũng kiểm soát việc mua bán vũ khí, mà một số người đại diện là kẻ bất lương. Để giám sát việc giải giới này, có thể đưa vào những lực lượng nho nhỏ giống như một loại cảnh sát quốc tế. Liên Hiệp Quốc đã tham gia rất nhiều trong hành động quân sự để giải phóng; chúng ta có thể một lực lượng đa phương hay quốc tế giám sát một nước đã hoàn toàn giải giới, ý chính tôi muốn đưa ra, là những lực lượng tập thể này sẽ hoạt động như những lực lượng bảo vệ trị an. Lúc ấy mọi người sẽ thành Bồ tátm, chẳng cần vũ trang gì nữa! Nhưng tôi chắc là sẽ khó thực hiện.
Một số người có lẽ không biết giải giới nội tại là gì? Tôi cho rằng căm hận là kẻ thù độc địa nhất. Đó là kẻ thù của sự thanh thản tâm hồn, tình hữu nghị và sự hòa hợp, ba yếu tố then chốt cho một sự phát triển tích cực để thực hiện một thế giới tốt đẹp hơn. Vậy phải tiết giảm hận thù và phát huy đức từ bi, lòng thương cảm. Đó chính là điều mà tôi gọi là giải giới nội tại.

8. Giận và ghét khác nhau thế nào?
Riêng tôi thường phân biệt hai loại tâm lý vẫn đục này như sau. Ghét gắn liền với sự oán hận người khác, không bao giờ có động lực là lòng xót thương. Vậy cần phải hủy diệt nó hoàn toàn. Giận bộc lộ một phản ứng cảm xúc tức thì, mà trong Mật tông, có thể sử dụng được để tu hành. Cũng có khi vì thương mà người ta nổi giận. Ví dụ như để thúc giục kẻ khác phải tiến hành một hành động khẩn trương.

9. Xin Ngài định nghĩa thế nào là một kẻ thù ?
Khi thấy mình giận ai đến tím mặt, thì biết ngay kẻ thù là gì. Chương bàn về lòng khoan dung và sự kiên nhẫn trong Bồ tát hạnh của Shantideva định nghĩa kẻ thù là người hăm dọa mạng sống ta hay bạn hữu ta, của cải ta hay của cải họ v.v… Bạn của kẻ thù được xem như kẻ thù. Trong pháp môn chuyển hóa tư tưởng (Tạng ngữ Iodjong) có mục quan sát tính bình đẳng giữa mình và người, dẫn đến ý niệm không còn thù hay bạn. Không phải phủ nhận sự hiện hữu của họ: kẻ thù và bạn vẫn còn đó; đúng hơn, sự tu tập này cho thấy không có lý do nào để giận những kẻ xem mình là thù, hay quyến luyến một số người vì họ là bạn hay bà con ta, nhưng từ một góc độ khác nhau, có thề xem kẻ ấy là bạn, vì đã cho ta cơ hội để tập tính nhẫn nhục, khoan dung. Nếu nhìn ở khía cạnh này thì anh ta không còn là kẻ thù nữa, mà thật hữu ích và có lợi.

10. Một người Tây Tạng giết chết một con trâu để nuôi sống gia đình có hành động tiêu cực không? Câu hỏi cũng đặt ra nhu vậy đối với những người cận vệ, vì để bảo vệ tính mạng cho Ngài, phải biết giết người?
Chúng ta phải biết hiểu những trường hợp này như thế nào? Dĩ nhiên đây là những hành động tiêu cực. Cường độ tạo nghiệp của mỗi hành động tùy thuộc vào nhiều yếu tố như ý định thúc đẩy hành động, ngay chính hành động và suy nghĩ tiếp theo sau hành động.

11. Trong lúc theo giáo lý nhà Phật, làm sao sống trong nhũng biến cố tàn bạo như chiến tranh ?
Điều quan trọng hơn hết phải tránh chém giết: tự cho mình có quyền cướp mạng sống của ai là một điều dứt khoát không bao giờ chúng ta được nghĩ đến.

12. Không bám víu khác với thờ ơ lãnh đạm như thế nào?
Rất khác: lãnh đạm là hoàn toàn không quan tâm đến đối tượng đang đề cập, trong khi không bám víu hàm ý còn có một liên hệ.
Để sáng tỏ ý tôi nói, hãy xét sự bám víu là gì? Nó có hai loại: loại thứ nhất cần từ bỏ, đó là khi sự bát víu phát sinh do tâm trí bị khuấy động vì nỗi thèm muốn hay do bất kỳ động cơ tâm lý tiêu cực, loại thứ hai là tình cảm hướng đến những đối tượng đáng thương khuynh hướng này không xuất phát từ những xúc động tiêu cực thì phải được đào sâu và tăng trưởng.
Khi quán tưởng tính Không (vacuité) chúng ta được thúc đẩy phải nới rộng sự bám giữ sai lạc các hiện tượng và sự cố, tưởng rằng chúng có một sự hiện hữu chắc chắn, biệt lập. Buông thả sự bám giữ sai lầm đều thiết yếu, nhưng vẫn phải có ý thức phân biệt cái gì phải vun trồng cái gì nên từ bỏ, và cố gắng phát huy tiềm năng của những đức tính lành mạnh và tích cực đồng thời dẹp bỏ sức mạnh của những khuynh hướng tiêu cực và độc hại. Khả năng phân biệt của ta vẫn còn nguyên vẹn. Trong cùng chiều hướng suy nghĩ đó. Bồ tát phải hủy tận gốc sự kiêu ngạo, tự hào, Tính khiêm cung tự nhiên đặt vị ấy ở sau mọi người. Tuy nhiên, điều này không thể ảnh hưởng đến niềm tin vô song và lòng can đảm tuyệt vời của Bồ tát khi dấn thân giải thoát chúng sinh khỏi khổ ách. Gương từ bi rộng lớn không lẫn bám víu tiêu cực nào, chứng tỏ rằng trọng hạnh phúc người khác hơn hạnh phúc riêng
Chính nhờ trí tuệ và sự tu tâm luyện tính trong trong phương tiện khéo léo cũng như khả năng sáng tạo của tâm hồn điều cần thiết mà ta có thể thấy sự khác biệt rất vi tế giữa yếu tố nuôi dưỡng bản ngã, tức sự bám víu, và những đức tính tích cực lợi tha. Chỉ có sự kết hợp phương tiện và trí tuệ mới phân biệt đúng được. Tôi thường nói rằng nhắc đến cái "tôi" đương hàm một ý thức mạnh mẽ về tự ngã. Một trong những hình thức biểu lộ bản ngã là không cần để ý đến kẻ khác, không đếm xỉa đến hạnh phúc của họ, thậm chí có thể vì tư lợi mà khai thác bất kỳ điều gì làm cho mình sung sướng. Thái độ tâm lý là rất tiêu cực cần phải đánh đổ. Ngược lại một khía cạnh khác của cái "tôi" có thể biểu thị bằng lòng tự tin rộng lớn, khiến ta có thể nói: "Mình có thể hoàn tất điều này điều nọ. Mình có thể làm việc cho mọi người được sung sướng. Mình sẽ đạt đến toàn giác (eveil parfait) để làm lợi cho chúng sinh”. Cảm thức ấy thì đừng dẹp bỏ mà ngược lại, phát huy nó, tăng cường nó! Trên con đường tu tập, tâm trí ta bề ngoài vẫn thảnh thơi, thoải mái, nhưng tự thẳm sâu trong tâm hồn phải thật minh mẩn tỉnh giác, luôn sử dụng một cách sáng suốt sự phản tỉnh và chú tâm.

Nguyễn Thị Phương Thanh dịch (Lược theo Au de là des dogmes)
Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo – Số 48