Sa di mê cọp
Thuở xưa, có thầy tỳ kheo tu hành trong tịnh thất nhỏ
trên núi, nơi xa xôi hẻo lánh, ít người lai vãng. Nếu có ai, cũng chỉ có các vị
thợ rừng, thợ săn và tiều phu mà thôi.
Một hôm, thầy tỳ kheo xuống làng khất thực, lượm được
một đứa bé trai kháu khỉnh dễ thương, bị người ta bỏ. Thầy đem về, xin sữa nuôi
nấng cho đến lớn. Rồi thầy dạy tụng kinh, bái sám, công phu và cho thọ giới Sa
di.
Năm ấy, chú Sa di được hai mươi tuổi, ngây thơ, hồn
nhiên và chưa lần nào xuống nhân gian. Một hôm, thầy tỳ kheo có pháp sự cần có
chú đi theo. Khi xuống làng xóm, chú thấy cái gì cũng lạ, chú liền đưa mắt nhìn
say mê, tuy nhiên chú cũng phải đi theo thầy.
Khi pháp sự xong, hai thầy trò trở về tịnh thất. Trên
đường tình cờ chú gặp một cô gái độ mười bảy, mười tám tuổi, thân thể dịu dàng,
vẻ mặt xinh đẹp. Chú trân người mà nhìn, không chịu đi. Thầy tỳ kheo ngó lại
biết việc nên nói, “Đi mau chớ cọp đồng nó bắt nó ăn mất hồn xác đó!”
Chú Sa di miễn cưỡng ra đi. Nhưng
khi về tới tịnh thất thì quên ăn, biếng ngủ, vẻ mặt bơ phờ như người mất hồn.
Thầy tỳ kheo thấy thế, hỏi, “Sa di, con sao như thế?”
Chú Sa di nước mắt ràn rụa nói
rằng, “Con nhớ thương con cọp đồng quá! Thà con xuống núi cho cọp đồng nuốt
xác, ăn hồn con cũng được chớ sống thế này khổ lắm thầy ơi!”
Thầy tỳ kheo biết Sa di này
nghiệp ái quá nặng không thể tu được, thầy an ủi vỗ về và cho chú xuống núi.
Thế mới biết, nghiệp ái của con
người rất là nặng. Người tu hành muốn thoát khỏi nghiệp này cũng thiên nan, vạn
nan.
Kinh dạy: Người tu hành thoát
khỏi ái dục, giới hạnh thanh tịnh, cho đến mãn tuổi thọ là vị xuất trần La Hán.
Tổ cũng dạy: “Ái bất trọng bất
sanh Ta Bà. Niệm bất nhất bất sanh tịnh độ.” Nghĩa là: Ái không nặng nghiệp thì
không sanh vào cõi Ta Bà. Niệm Phật không nhất tâm thì không sanh về Tịnh Độ.
Bài học: Người tu học cần tránh xa 5 món dục,
là : tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn uống, và ngủ nghỉ. Câu chuyện trên nói đến lòng tham sắc
đẹp (ái dục) của cậu sa di. Đây là thứ dễ cám dỗ nhất, đặc biệt là đối với
những người trẻ tuổi. Người tu học cần rèn luyện hạnh « thiểu dục, tri
túc », đồng thời, cần quán chiếu bản chất vô thường của cuộc đời, và bất
tịnh của thân thể để đối trị lòng tham dục.
(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)