Gia Tài Của Mẹ
Ba mẹ nào cũng từng thao thức làm sao để lại một cái gì cho con cái. Thông thường, đa số bậc cha mẹ muốn để lại một gia tài đồ sộ, nhiều nhà cửa, lắm ruộng đất và tiền bạc cho con cái. Họ không muốn con cái phải lâm vào tình trạng nghèo khổ, thiếu thốn trong tương lai. Bởi vậy, suốt một đời, ba mẹ chịu cực, chịu khổ lam lũ làm việc. Miễn sao xây dựng nên một cơ ngơi càng to lớn, càng nhiều tiền bạc trong ngân hàng càng tốt. Có lúc cũng vì con cái mà ba mẹ phải làm những nghề nghiệp không được lương thiện. Vậy, ta mới biết được tấm lòng hy sinh, thương yêu vô bờ bến của ba mẹ dành cho con cái.
Sau khi ba mẹ mất, đa số của cải không phải do các con làm ra bằng mồ hôi, nước mắt thì chúng tiêu xài thoải mái. Những đứa con nhà giàu thường nhác học, ỷ lại, tiêu tiền như nước, không thể chịu nổi cực khổ. Đã có nhiều trường hợp, con nhà giàu đi theo con đường chơi bời, trụy lạc.Vì vậy, dù của cải lớn cách mấy, cuối cùng các con cũng tiêu sạch hết trong một đời.
Cũng có các bậc cha mẹ không muốn để lại gia tài vật chất, mà muốn để lại cho con cháu phúc đức của mình. Họ thường nói: “Tôi sống là để phúc cho con cháu.” Những bậc cha mẹ này cố gắng sống đời lương thiện, làm phúc, tạo đức bằng cách giúp đỡ người nghèo, kẻ neo đơn, người bệnh tật, chăm nuôi trẻ mồ côi. Họ không phải là những người giàu có, nhưng có miếng ăn nào thì họ đều chia sẻ với những kẻ thiếu thốn, người bất hạnh. Họ ăn ở với nhau có tình có nghĩa. Bởi sẵn tấm lòng thương người, vợ biết lắng nghe chồng, chồng biết nâng đỡ cho vợ. Vợ chồng biết chấp nhận lỗi lầm của nhau. Mỗi khi chồng nóng giận lớn tiếng, thì vợ giữ im lặng. Mỗi khi vợ cằn nhằn thì chồng giữ nét bình tĩnh, vui vẻ. Vợ chồng để thật nhiều thì giờ chăm sóc, tâm tình, hướng dẫn cho con cái như tâm tình với những người bạn. Tình thương trong họ quá lớn, cho nên nó ảnh hưởng tới đời sống con cái. Sống gần ba mẹ, các con cảm nhận được tấm lòng độ lượng, thương người của ba mẹ, cái hạnh phúc của ba mẹ, sự bình tĩnh trong lúc hướng dẫn các con, vì vậy các con tự động biết thương người nghèo khổ và học những đức tính tốt kia của ba mẹ.
Một bên để lại tài sản vật chất, tiền bạc đồ sộ. Một bên để lại tình thương đối với người nghèo khổ, để lại hạnh phúc của chính ba mẹ, để lại những kỷ niệm trong những lúc chăm sóc, dạy dỗ, thương yêu các con. Tất cả đều là phát xuất từ tình thương bao la của ba mẹ. Nhưng, các bậc ba mẹ thử đặt lại câu hỏi: “Gia tài nào của ba mẹ là quí báu hơn? Món quà nào cho con từ ba mẹ là quan trọng hơn?”
Nếu ba mẹ để lại vừa một gia tài vật chất to lớn, vừa trao truyền lại tình thương với những giá trị tinh thần, thì phúc đức cho con cái biết mấy! Tiền bạc vật chất cũng cần thiết trong đời sống, nhưng con cái có thể tự xây dựng nên bằng hai bàn tay làm lụng của chúng. Nhưng tình thương, hạnh phúc gia đình không thể đi làm lụng ở các xưởng hãng mà có được. Tình thường phát xuất từ con tim của ba mẹ, hạnh phúc gia đình biểu lộ trong đời sống bằng lời nói, hành động và tư duy của ba mẹ và con cái. Trái tim ba mẹ rung động như thế nào, thì các con đều cảm nhận như thế. Ba mẹ thương người thì con cái cũng thương người. Ba mẹ keo kiệt thì con cái cũng keo kiệt. Ba mẹ nóng giận thì con cái cũng nóng giận. Ba mẹ thương nhau thì con cái cũng thương nhau. Ba mẹ cãi vã, làm khổ nhau thì lớn lên lập gia đình con cái cũng hành xử như thế.
Tóm lại, sự sống của ba mẹ sẽ được tiếp nối nơi sự sống của con cái. Đó là gia tài của mẹ để lại cho con. Tất cả đời sống vật chất tuy cần thiết, nhưng không có nghĩa lý gì nữa, sau khi ba mẹ nằm xuống trong lòng đất. Chỉ còn lại tình thương yêu trong tâm hồn của con cái sẽ tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác.
(Nguồn: trích trong Món Quà Nào Cho Con - Chân Pháp Đăng)