Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label chinhluan. Show all posts
Showing posts with label chinhluan. Show all posts

Tuesday, October 15, 2024

Cuộc xâm lăng không tiếng súng

Cuộc xâm lăng không tiếng súng

Trong thời đại toàn cầu hóa, Internet và các tiến bộ công nghệ về thương mại điện tử (TMĐT) đã mở ra nhiều cơ hội cho việc kinh doanh xuyên biên giới. Ngày nay, mọi người không còn lạ gì với các nền tảng TMĐT như Amazon, Alibaba... Ở Việt Nam, việc mua sắm thông qua các nền tảng thương mại điện tử như: Shoppee, Tiktok, Lazada, Tiki... đã trở nên ngày càng quen thuộc với giới trẻ. Tuy nhiên, gần đây với sự trỗi dậy của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới như Taobao, Temu... với khả năng cung ứng hàng hóa với giá cực rẻ, thời gian và chi phí giao hàng được rút ngắn đáng kể khiến nhiều quốc gia lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh và đe dọa đối với các nhà sản xuất nhỏ ở trong nước. Bên cạnh việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ trong việc tiếp thị và quản lý chuỗi cung ứng, các nền tảng này có sự phát triển nhanh chóng còn nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc cho việc vận hành các tổng kho dọc biên giới các nước Đông Nam Á, sự lỏng lẻo trong cơ chế thu thuế của các quốc gia, và khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm kém của các quốc gia nhập khẩu.

Một vài con số thống kê (trích dẫn từ Dantri.com.vn) cho thấy sự tăng trưởng thần tốc của các nền tảng TMĐT xuyên quốc gia của Trung Quốc. Giá trị xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới tăng vọt lên 2.380 tỷ nhân dân tệ (336 tỷ USD), tăng 15,6% so với năm trước đó. Đáng chú ý là phân khúc xuất khẩu đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến 19,6%, vượt qua mức tăng 10,1% của năm 2022 và đạt tổng giá trị 1.830 tỷ nhân dân tệ (258 tỷ USD). Đến quý I năm 2024, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 577,6 tỷ nhân dân tệ (81,6 tỷ USD), tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu đạt 448 tỷ nhân dân tệ (63,3 tỷ USD), tăng 14%. Theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, tính đến cuối tháng 5/2024, quốc gia tỷ dân này có hơn 120.000 doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới, hơn 1.000 khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới. Các công ty Trung Quốc cũng đang sở hữu hơn 2.500 kho hàng ở nước ngoài với tổng diện tích 30 triệu m2. Trong đó, hơn 1.800 kho hàng chuyên phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới, với tổng diện tích 22 triệu m2.

Có thể so sánh sự trỗi dậy của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới này, đặc biệt với sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của Temu và các nền tảng tương tự của Trung Quốc là một cuộc xâm lăng mới của thế kỷ 21. Cuộc xâm lăng này không có tiếng súng, nhưng rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gục ngã vì không thể cạnh tranh với làn sóng hàng giá rẻ tràn ngập thị trường. Người tiêu dùng sẽ được lợi trong ngắn hạn, nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn trong tương lai như: hàng kém chất lượng, khó đổi trả, bị điều hướng bởi các trang mạng xã hội, ngày càng lệ thuộc vào các nền tảng này khi các sản phẩm tương tự trong nước không thể tồn tại được... Khi các doanh nghiệp nhỏ trong nước không thể tồn tại, thì số lượng doanh nghiệp đóng cửa/ phá sản ngày càng tăng, số người thất nghiệp cũng sẽ gia tăng và nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng. Đó là lý do vì sao nhiều quốc gia nhìn nhận sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới này là một mối đe dọa và cần phải tìm ra những giải pháp để bảo hộ các doanh nghiệp nhỏ trong nước.

Trước bối cảnh xâm nhập và phát triển nhanh chóng của Temu và các nền tảng TMĐT xuyên biên giới tương tự, các quốc gia Đông Nam Á đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để ứng phó với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, đặc biệt là những mặt hàng được kinh doanh thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Ví dụ: Malaysia đã áp dụng thuế bán hàng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu được mua trực tuyến với giá dưới 500 ringgit (116 USD) vào tháng 1/2024. Tương tự, từ tháng 5/2024, Thái Lan áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1.500 baht (44,76 USD). Đồng thời, thủ tướng Thái Lan cũng chỉ đạo Bộ Thương Mại có biện pháp để hạn chế tình trạng hàng giá rẻ tràn ngập thị trường thông qua TMĐT xuyên biên giới. Chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với nhiều loại hàng hóa bao gồm hàng dệt may, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử... Bộ trưởng Thương mại Indonesia, cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng 7/2024 "Nếu Indonesia tràn ngập hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể sẽ phá sản".

Trong khi đó, dường như Việt Nam chưa có động thái gì để đối phó với làn sóng xâm nhập mới của hàng giá rẻ qua các nền tảng TMĐT như Temu. Mọi người vẫn hào hứng với những chủ đề vĩ mô như Chuyển đổi số, CMCN 4.0 hay AI, mà chưa mấy ai nhận ra hiểm họa to lớn đến từ những nền tảng TMĐT xuyên biên giới này. Nhiều đại biểu quốc hội vẫn loay hoay thảo luận những vấn đề dường như chẳng liên quan trực tiếp đến số mệnh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất nhỏ lẻ. Đã đến lúc cần phải gióng lên tiếng chuông cảnh báo trước hiểm họa xâm lăng mới, mà cực kỳ nguy hiểm đối với nền kinh tế quốc gia. Ít nhất chúng ta cũng cần nhận thấy hiểm họa và cần có những chính sách ngăn chặn làn sóng hàng giá rẻ tràn ngập thị trường, và bảo hộ các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất nhỏ trong nước. 

Hãy học những gì các nước bạn trong khu vực Đông Nam Á đã làm trong việc dựng lên các tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào thuế quan, hỗ trợ các DN nhỏ trong nước với những điều kiện thuận lợi trong việc xuất nhập khẩu và khai thác các nền tảng công nghệ mới để cải thiện hiệu quả vận hàng, giảm các chi phí thủ tục về hải quan, logistics... Muốn phát triển kinh tế đất nước, muốn dân giàu, nước mạnh thì các quan chức, viên chức cần phải tận tụy với trách nhiệm của mình, bảo hộ và hỗ trợ các DN trong nước tồn tại và phát triển, sửa chữa những bất cập về chính sách. Hy vọng chúng ta sẽ có được những lãnh đạo thật sự vì dân, vì nước để có thể tìm được giải pháp đối phó với cuộc xâm lăng không tiếng súng này. Mong lắm thay!

PQ. Trung


Wednesday, March 27, 2024

Sống có lý tưởng - Nền tảng cho một cuộc đời ý nghĩa

Sống có lý tưởng - Nền tảng cho một cuộc đời ý nghĩa

Lý tưởng là ngọn đèn soi đường cho hành động. Có một lý tưởng cao đẹp sẽ giúp mình có một đời sống đẹp đẽ. Người trẻ cần xây dựng cho mình một lý tưởng sống cao đẹp. Ngày nay, chúng ta hay dùng từ “mục tiêu sống”, cũng có ý nghĩa tương tự như vậy. Nhưng lý tưởng thì thường chỉ đến những gì cao rộng, bay bổng, và thường chỉ đến mục tiêu dài hạn của đời người hơn.

Thế nào là sống có lý tưởng?

Lý tưởng là mục tiêu cao đẹp mà con người hướng đến trong cuộc sống. Nó là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ, hành động và giúp ta có định hướng rõ ràng trong tương lai. Sống có lý tưởng không chỉ giúp ta sống tốt hơn mà còn góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Vì vậy, mỗi người cần xác định cho mình một lý tưởng sống, một mẫu hình đê noi theo, một phương thức sống và một mục tiêu hành động của đời mình.

Tại sao cần sống có lý tưởng?

  • Có lý tưởng giúp ta có mục tiêu phấn đấu: Khi có mục tiêu rõ ràng, ta sẽ có động lực để học tập, rèn luyện và không ngừng hoàn thiện bản thân.
  • Có lý tưởng giúp ta vượt qua khó khăn: Khi gặp khó khăn, thử thách, lý tưởng sẽ là nguồn sức mạnh giúp ta đứng lên và tiếp tục tiến bước.
  • Có lý tưởng giúp ta sống có ích cho xã hội: Khi ta sống vì một mục tiêu cao đẹp, ta sẽ cống hiến hết mình cho cộng đồng và tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Làm thế nào để sống có lý tưởng?

  • Xác định lý tưởng phù hợp với bản thân: Lý tưởng phải xuất phát từ chính trái tim và khả năng của mỗi người. Hãy tự hỏi bản thân mình muốn làm gì, có thể làm gì và có giá trị gì cho xã hội. Hãy đọc nhiều câu chuyện về các tấm gương danh nhân, anh hùng, các nhà khoa học, các bậc đạo sư… để tạo cảm hứng lý tưởng cho bản thân.
  • Lập kế hoạch và hành động: Sau khi xác định được lý tưởng, hãy lập kế hoạch cụ thể để thực hiện. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất và kiên trì thực hiện mỗi ngày. Nếu không có kế hoạch và ý chí thực hiện kế hoạch, mọi lý tưởng cao đẹp có khả năng mãi mãi chỉ là ước mơ viễn vông, và không thể trở thành hiện thực.
  • Học hỏi và rèn luyện: Để đạt được lý tưởng, ta cần học hỏi không ngừng và rèn luyện bản thân ngày càng hoàn thiện. Để hiện thực hóa lý tưởng, con người phải hoàn thiện bản thân và vươn lên theo mục tiêu đã chọn. Học hỏi liên tục chính là chìa khóa để mở cánh cửa tri thức và khai phá những tiềm năng bên trong của mỗi người. Nhờ học hỏi, một người có thể tiến bộ hơn và làm được nhiều việc mà trước đây không thể.
  • Kiên trì và không ngừng nỗ lực: Con đường đến với lý tưởng không hề bằng phẳng. Sẽ có những lúc ta gặp khó khăn, thử thách và muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, hãy kiên trì và không ngừng nỗ lực, bạn sẽ đạt được thành công. Kiên trì và nhẫn nại là chìa khóa cho mọi thành công. Người có ý chí và quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu mình đã chọn sẽ xứng đáng được nhận phần thưởng cho những nổ lực mình đã bỏ ra.

Tóm lại, sống có lý tưởng là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Hãy tìm cho mình một lý tưởng cao đẹp và nỗ lực hết mình để thực hiện. Chắc chắn bạn sẽ có một cuộc sống ý nghĩa và thành công. Chúc các bạn trẻ Việt Nam luôn giữ cho mình ngọn lửa nhiệt huyết và sống có lý tưởng!

Tuesday, March 3, 2020

VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC, GIÁO DỤC VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG NỀN KINH TẾ TRI THỨC

VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC, GIÁO DỤC VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG NỀN KINH TẾ TRI THỨC

PGS.TS. Phạm Quốc Trung
  

1.      Công nhân tri thức – nguồn tài nguyên vô giá

Khái niệm công nhân tri thức (knowledge worker) hay còn gọi là công nhân cổ trắng, để chỉ đến những người lao động trí óc nói chung, như là: nhân viên văn phòng, quản lý, chuyên gia… Khái niệm này đã được Peter Drucker, cha đẻ của quản trị học hiện đại, đề cập đến từ rất sớm (1960), để phân biệt với công nhân cổ xanh hay người lao động chân tay. Điểm khác biệt chủ yếu của công nhân tri thức là công cụ lao động chính là kiến thức nằm trong đầu và năng lực tư duy của họ. Theo dự báo của ông, lực lượng công nhân tri thức sẽ ngày càng tăng về số lượng và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới.
Ngày nay, khi kinh tế thế giới chuyển dịch sang nền kinh tế tri thức (hậu công nghiệp), cùng với đà phát triển của công nghệ và mức độ toàn cầu hóa, thì những dự báo trên là hoàn toàn chính xác. Trong nền kinh tế tri thức, các quốc gia cạnh tranh với nhau một cách gay gắt trong việc thu hút lực lượng công nhân tri thức, hay đội ngũ chất xám đến làm việc và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế nước mình. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, do môi trường lao động chưa phù hợp, nên thường có hiện tượng chảy máu chất xám, tức là sự ra đi của lực lượng lao động có tay nghề và trình độ cao.
Về định nghĩa, có một khái niệm gần gũi hơn để chỉ người công nhân tri thức đối với người Việt Nam, đó là kẻ sĩ, hay các nhà trí thức. Trí thức là tầng lớp mà nhà cầm quyền nào cũng phải xem trọng, vì ngoài việc tốn công phu đào tạo dài ngày (tốn kém ngân sách nhà nước, ngân sách gia đình, mỗi cá nhân…) còn là bộ mặt ngoại giao, chính trị… của một đất nước. Muốn biết chính sách hoặc tiềm năng một quốc gia như thế nào, người ta cũng quan tâm đến sự đãi ngộ hoặc việc sử dụng tầng lớp trí thức ra sao ?
Do đó vai trò của người trí thức hết sức quan trọng đối với xã hội, một phần của khuôn mặt bang giao quốc tế. Mặt khác, xã hội ta, từ xưa rất chuộng sự học, nó trở thành truyền thống, đạo thống của dân ta. Ngày xưa các cụ trọng sự học đến nỗi thấy tờ giấy có viết chữ (chữ nho), dặn con cháu không được buớc qua, bước qua là bất kính là không bao giờ học giỏi được… Kẻ sĩ còn sống trong lòng người dân, cầm nắm thế đạo nhân tâm, là khuôn vàng thước ngọc của sự mẫu mực, là người âm thầm lãnh đạo cả một mặt trận văn hoá từ các tác phẩm lớn của nền văn chương bác học, đồng thời cũng là đồng tác giả các truyện khuyết danh, vô danh, văn chương bình dân… thẩm thấu trong mọi tầng lớp nhân dân. Trừ những người đã nổi tiếng, phần lớn họ là những chiến sĩ vô danh, sống âm thầm trong bóng tối, nhưng nuôi dưỡng cho dân chúng bao tình cảm cao đẹp, lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần cách mạng…
·        Về định nghĩa trí thức
Trí thức hay intellectuel (Pháp) hay intellectual (Anh) trong từ điển vốn là một tính từ, còn danh từ gốc của nó là intellect (trí tuệ, trí thông minh). Theo lịch sử, danh từ “trí thức” ra đời sau, gắn liền với một sự kiện chống bất công, còn “người trí thức” ra đời khi xã hội thừa nhận danh từ này.
Có nhiều định nghĩa trí thức, rất dễ tìm trên internet. Do vậy, khi bàn về trí thức thường người ta phải xác định khái niệm trước khi bàn tiếp. Dẫu vậy, vẫn có thể phân chia các định nghĩa hiện hành thành 2 nhóm: nhóm chặt chẽ (rất hữu dụng khi bàn vấn đề ở bình diện triết lý, gồm cả thiên chức, nhiệm vụ trí thức đối với nhân quần, xã hội) và nhóm thông dụng (để dùng rộng rãi trong đời sống, dễ hiểu với trình độ chung). Một cách chặt chẽ, trí thức phải là người: (1) Sáng tạo những giá trị tinh thần. Mức độ sáng tạo cho phép tách ra những trí thức lớn, tầm cỡ nhân loại; và (2) Chỉ tôn thờ những giá trị tinh thần vĩnh hằng: Chân, Thiện, Mỹ. (Nguồn : http://chungta.com/)
·        Đặc tính của trí thức
Từ cái gốc này, do đặc trưng lao động, trí thức có những phẩm chất, tính cách nhất định – không bẩm sinh và cũng không phải là độc quyền của trí thức. Ví dụ, để sáng tạo, trí thức phải có một cái vốn tri thức cao hơn mặt bằng chung (đã đành) nhưng quan trọng là phải bổ sung suốt đời (để sáng tạo tiếp). Điều này rất tương đối, vì mặt bằng dân trí mỗi thời một khác. Hơn nữa, trí thức phải là người ham học hỏi và xem việc tiếp nhận, chia sẻ và đóng góp vào kho tri thức của nhân loại là công việc và bổn phận của mình. Việc tiếp thu kiến thức/thông tin mới phải gắn liền với khả năng suy nghĩ và nghiên cứu độc lập của mỗi người. Người trí thức là người có khả năng tiếp cận và áp dụng tri thức một cách tích cực, chủ động và hiệu quả trong từng phạm vi hoạt động cụ thể của mình.
Do tôn thờ chân lý, trí thức chỉ tin những gì đã được chứng minh đầy đủ và do đó bảo vệ sự thật đến cùng. Khám phá ra chân lý là hạnh phúc cao nhất, do vậy họ có yêu cầu bức xúc công bố và đòi hỏi được công bố (Galilê bị cấm công bố “quả đất tròn”). Tuy quyết bảo vệ kết quả nghiên cứu bằng tranh luận, nhưng trí thức cũng sẵn sàng nhận sai lầm, từ bỏ niềm tin, nếu có chứng minh đầy đủ – từ đó họ đòi hỏi tự do tư tưởng, tự do ngôn luận… Tôn thờ cái tốt (thiện), trí thức rất nhậy cảm khi cái xấu lộng hành (ví dụ bất công, áp bức, hạn chế tự do, dân chủ giả hiệu…). Can đảm là một tính cách của trí thức: dám nói ra và dám bảo vệ chân lý. Khổng Tử nói nho sĩ phải là người đủ ba phẩm chất: có trách nhiệm cao, có lòng tự trọng và dũng cảm. Ngoài tài năng, giới trí thức xưa còn được ca ngợi là “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang không làm mê muội, nghèo khổ không làm lay chuyển, bạo lực không khuất phục nổi).
Chính do được tôn vinh, trí thức cũng có “thật” và “giả” vì có những người muốn được tôn vinh bằng công sức tối thiểu. Một xã hội có quá nhiều trí thức “giả” là xã hội thoái hoá và hỗn loạn, vì thứ “giả” này sẽ chiếm những địa vị cao, ảnh hưởng lớn, kể cả có quyền cho phép nhiều loại “giả” khác phát triển.

2.      Vai trò giáo dục & NCKH trong nền kinh tế tri thức

·        Giáo dục & NCKH trong nền kinh tế thế giới
Theo Stiglitz, một nhà kinh tế lớn của World Bank, tri thức đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo phúc lợi xã hội. Ông còn đề nghị cần phải xem xét các vấn đề phát triển kinh tế dưới góc nhìn tri thức, ở đó, giáo dục đóng một vai trò dẫn dắt cho sự phát triển. Trong nền kinh tế tri thức đó, sáng tạo là cực kỳ quan trọng, vì vậy các doanh nghiệp nhỏ có thể cung cấp những nền tảng cho sự đổi mới của xã hội tốt hơn nhiều so với các doanh nghiệp to lớn cồng kềnh.
Trong nền kinh tế tri thức, các doanh nghiệp không chỉ nhận thấy tầm quan trọng của nghiên cứu phát triển, mà họ còn thấy rằng việc nhanh chóng đưa các sản phẩm mới ra thị trường còn quan trọng hơn nhiều. Vì vậy, để nhấn mạnh sự kết nối giữa hoạt động nghiên cứu khoa học (tìm ra tri thức mới) và hoạt động sản xuất kinh doanh (biến tri thức thành sản phẩm trên thị trường), các tổ chức đã đặt lại tên của bộ phận Nghiên cứu & Phát triển (R&D) thành Nghiên cứu, Phát triển & Thương mại hóa (R&D&C), hoặc Khoa học, Công nghệ & Dự án (S&T&P). Sự chuyển đổi này càng cho thấy tốc độ ngày càng tăng của việc tạo ra tri thức mới và đưa tri thức vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ, và yêu cầu cạnh tranh của thị trường toàn cầu, tốc độ đưa ra thị trường của các thế hệ công nghệ mới được rút ngắn một cách đáng kể.
·        Giáo dục trong bối cảnh Việt Nam
Ngày nay, nước ta đang tiến hành công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước để theo kịp đà phát triển của thế giới, việc nâng cao vị thế đất nước để hội nhập với xu hướng phát triển chung của nhân loại trong nền kinh tế tri thức là một nhu cầu vô cùng cấp bách. Điều này, đòi hỏi những chính sách đúng đắn của chính phủ trong việc phát huy các điểm mạnh hiện tại, khắc phục những yếu kém, bất cập trong hai lĩnh vực Giáo dục và KHKT, tiếp tục phát triển hơn nữa hạ tầng cơ sở và CNTT để tạo thuận lợi cho các yếu tố khác phát triển.
Trong thời đại tri thức, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần phải tạo được môi trường thuận lợi cho Giáo dục đào tạo và NCKH, để từ đó nâng cao trình độ giáo dục chung của toàn dân. Chính phủ và ngành giáo dục cần chú trọng vào việc tạo ra và đáp ứng đủ nhu cầu về đội ngũ kỹ sư, công nhân tri thức, khoa học gia có đủ chất lượng, có khả năng tiếp thu tri thức của thế giới, ứng dụng vào thực tiễn công việc, sáng tạo và đóng góp và kho tàng tri thức chung của nhân loại.
Nền giáo dục đại học ở nước ta đã trải qua nhiều lần cải cách, tuy nhiên các mô hình và phương pháp giáo dục vẫn chưa có nhiều thay đổi mang tính đột phá. Người ta vẫn thấy hình ảnh ông thầy đến lớp, làm nhiệm vụ truyền bá kiến thức, và sinh viên đến lớp lắng nghe, ghi chép… Những hoạt động này lặp đi lặp lại như một cái máy, khiến cho việc dạy và học thiếu hẳn tính sáng tạo, sinh động cần có. Mặc dù, người thầy có chú trọng sử dụng những kỹ thuật truyền thụ nhằm tạo ra những phản ứng tích cực nơi người học, và sinh viên cố gắng đến lớp đầy đủ để tiếp thu kiến thức, nhưng hiệu quả đạt được vẫn không cao, vì cả thầy và trò đều tách rời những gì được học, được dạy ra khỏi thực tế sinh động của cuộc sống. Thậm chí có những môn học mang tính chất lý thuyết đơn thuần, hoặc nội dung quá lạc hậu so với thực tế, khiến cho người học không thấy được những ứng dụng và ý nghĩa thực tiễn của môn học.
Gần đây, nhiều trường đại học đã và đang cố gắng tìm ra những hướng đi mới dựa theo các phương pháp giáo dục ở các nước tiên tiến, chẳng hạn : tăng các giờ trao đổi, thực tập ngoại khóa, các buổi seminar về những đề tài có liên quan đến môn học, cho sinh viên đi khảo sát thực tế rồi báo cáo, sử dụng phương tiện Internet trong tìm kiếm thông tin, tri thức… Những chuyển biến này làm phong phú hơn các nguồn cung cấp tri thức cho sinh viên, tạo được hứng thú trong công tác học tập, giảng dạy… mặc dù chưa nhiều và chưa phổ biến, nhưng đã phần nào tích lũy các thay đổi về lượng, tạo những tiền đề cơ bản để chuẩn bị cho những thay đổi về chất của giáo dục đại học ở nước ta sau này. Tuy nhiên để có những thay đổi tích cực và mạnh mẽ hơn đòi hỏi phải có một sự định hướng rõ rệt từ phía nhà nước, sự thay đổi trong nhận thức của các nhà làm công tác giáo dục, và ý thức của tất cả mọi người về một nhu cầu đổi mới toàn diện, để có một phương pháp giáo dục đại học tiến bộ, phù hợp với hoàn cảnh nước ta, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
·        Tự do học thuật để thúc đẩy NCKH ở Việt nam
Tinh thần cốt lõi của Tự do học thuật là biến Đại học trở thành một môi trường lý tưởng cho học tập và nghiên cứu, ở đó chỉ có tri thức được tôn thờ. Mọi quan điểm, học thuyết, tư tưởng đều được nghiên cứu và trao đổi một cách nghiêm túc, thẳng thắn, cởi mở để tìm ra được những tri thức đúng đắn, nhằm ứng dụng vào cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Ở đó, không có khái niệm gọi là vùng cấm hay nhạy cảm không được đụng đến. Mọi tri thức đều phải được kiểm chứng và đánh giá dưới nhãn quan khoa học.
Từ định nghĩa trên, đối chiếu với bối cảnh Việt Nam, ta nhận thấy nhiều quy định hiện nay của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục Đại học ở Việt Nam chưa đảm bảo nguyên tắc Tự do học thuật này. Tư duy quản lý ở Việt Nam từ trung ương đến cơ sở vẫn còn nặng về thủ tục hành chính theo kiểu "xin cho". Đại học ở Việt Nam chưa được xem là một đơn vị độc lập có quyền tự chủ về hoạt động giáo dục và nghiên cứu như ở các nước phát triển. Mọi vấn đề của đại học từ tuyển sinh, mở ngành, công nhận kết quả, cấu trúc chương trình, giáo trình, cách đánh giá, ngân sách hoạt động... đều phải thông qua Bộ GD-ĐT & các cơ quan quản lý nhà nước.
Trên thực tế, mô hình quản lý trói buộc như trên đã tỏ ra thiếu hiệu quả, và kiềm hãm sự phát triển của hoạt động giáo dục và NCKH. Điều này thể hiện cụ thể ở nhiều mặt, như: GV. không có hứng thú làm NCKH, chất lượng đào tạo thấp, năng lực của SV. tốt nghiệp không đáp ứng nhu cầu xã hội, và sản phẩm giáo dục thường bị đánh giá thấp bởi các doanh nghiệp sử dụng lao động... Hiện tượng thiếu tin tưởng của các bậc phụ huynh đối với hệ thống giáo dục trong nước khi cho con em đi "tỵ nạn giáo dục" ngày càng phổ biến, các biểu hiện tiêu cực trong ngành giáo dục ngày càng nhiều về số lượng và càng nghiêm trọng về bản chất... đều là những chỉ dấu cho thấy giáo dục Đại học Việt Nam hiện có quá nhiều vấn đề, và rơi vào tình trạng khủng hoảng toàn diện. Chính vì vậy, hiện nay đã có sự đồng thuận rất lớn trong xã hội là cần phải có một cuộc cải cách toàn diện ngành Giáo dục. Phải thay đổi toàn bộ, từ triết lý giáo dục, tư duy quản lý, giáo trình, cách đánh giá, cho đến các chính sách cụ thể... mới mong có thể cải thiện chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, điểm then chốt nhất của đợt cải cách giáo dục này là phải tạo điều kiện để đảm bảo môi trường tự do học thuật cho các trường Đại học. Có như vậy, mới tạo ra những tiền đề căn bản và điều kiện cần thiết cho những thay đổi sâu rộng hơn trong ngành Giáo dục.
Để phát triển trong nền kinh tế tri thức, Đại học cần phải là thành trì vững chắc nhất cho những tâm hồn khát khao chân lý và là nơi bất khả xâm phạm để các nhà trí thức có thể yên tâm nghiên cứu, sáng tạo mà không lo sợ "phạm húy" hay bị đem ra "đấu tố" một ngày nào đó. Nếu thực trạng thiếu tự do học thuật vẫn còn duy trì, thì mọi nổ lực cải cách giáo dục đại học Việt Nam sẽ không đạt được kết quả như kỳ vọng của xã hội. Bởi, bỏ qua tự do học thuật, mọi vấn đề cải cách chỉ giải quyết được phần ngọn mà không chạm đến được phần gốc rễ, hay nguyên nhân cốt lõi của nó.
Chỉ có một môi trường Tự do học thuật thật sự mới có thể đảm bảo Đại học làm tốt vai trò của nó trong thời đại tri thức, là cái nôi ươm mầm cho những đóa hoa tri thức, cho sự sáng tạo các tư tưởng mới và cho khát vọng vươn tới những chân trời tri thức. Nếu muốn thay đổi, chúng ta phải biết vượt qua những rào cản hiện tại, để có thể hái được trái cấm trên cây tri thức của nhân loại. Có như thế, Đại học mới có thể tạo ra những người trí thức đúng nghĩa, có năng lực sáng tạo, tự tin trong việc tìm kiếm tri thức và giải quyết các vấn đề đầy khó khăn và phức tạp mà thời đại đang đặt ra.