Nhân cuối năm, muốn post gì đó trên blog để đỡ bị móc meo, nhân tiện, copy 1 đoạn trong cuốn sách này về đổi mới & nghiên cứu khoa học để chia sẻ với mọi người về công việc đang làm.
Bài viết thay cho lời chúc mừng năm mới thành công, hạnh phúc đến mọi người. Chúc những ai đang làm NCKH một năm mới nhiều năng lượng, ý tưởng mới và sáng tạo thêm nhiều tri thức mới, để đóng góp vào việc cải tiến xã hội !
30-12-2015
PQT
===
Đổi mới & Nghiên cứu khoa học
Như đã trình bày ở trên, sáng chế không phải là kết quả
ngẫu nhiên mà là thành quả của một quá trình lao động trí óc nghiêm túc. Vì vậy,
để thúc đẩy hoạt động đổi mới và sáng tạo, các tổ chức cần đầu tư vào hoạt động
nghiên cứu & phát triển của mình. Ở đó, hoạt động nghiên cứu khoa học là hoạt
động trực tiếp tạo ra tri thức mới và là cách thức duy nhất để tạo ra giá trị
cho các tổ chức dựa trên tri thức.
Nghiên cứu khoa học đòi hỏi một quy trình chặt chẽ và một
phương pháp làm việc khoa học, bắt đầu từ việc xác định vấn đề, thu thập và
phân tích dữ liệu, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất giải pháp cho các vấn đề. Một
số nghiên cứu, còn đòi hỏi phải đánh giá và thử nghiệm giải pháp. Trong nghiên
cứu khoa học, nhà nghiên cứu phải hiểu được cách tiếp cận phù hợp với vấn đề của
mình, chọn lựa công cụ và phương pháp thích hợp, phân tích kỹ lưỡng và tuân thủ
tính logic trong các lập luận để tìm ra giải pháp tối ưu cho vấn đề cần nghiên
cứu. Các công cụ hỗ trợ cho mô hình hóa bài toán, phân tích dữ liệu bao gồm:
công cụ mô hình hóa, định lượng, thống kê, phân tích tối ưu, phân tích chuyện
gì-nếu (what-if) , mô phỏng…
Thông thường, có 2 cách tiếp cận đối với hoạt động
nghiên cứu khoa học là: nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu
định tính phù hợp với các vấn đề mới, chưa có nhiều dữ liệu và cơ sở để phân
tích. Nghiên cứu định lượng là cần thiết đối với các vấn đề đã được biết nhiều,
có các lý thuyết và cần tìm hiểu sâu hơn dựa trên số liệu. Ngoài ra, cũng có thể
kết hợp 2 cách tiếp cận trên cho từng giai đoạn hoặc từng bộ phận của vấn đề. Trong
lập luận, có 2 phương pháp thường dùng là: diễn dịch (thiên về định lượng, xuất
phát từ lý thuyết, thu thập dữ liệu, và kiểm định lý thuyết ở bối cảnh mới), và
quy nạp (thiên về định tính, bắt đầu từ tổng hợp lý thuyết, thu thập & phân
tích dữ liệu, và phát triển lý thuyết mới).
Bởi vì tính chặt chẽ, nghiêm ngặt của hoạt động nghiên cứu
khoa học, đôi khi, người ta có cảm giác nó làm hạn chế hoạt động sáng tạo và đổi
mới trong tổ chức. Thật ra, hai hoạt động nghiên cứu và sáng tạo đòi hỏi 2 loại
tư duy khác nhau, nhưng không nhất thiết loại trừ nhau. Tư duy khoa học đòi hỏi
tính chặt chẽ và logic, trong khi tư duy sáng tạo đòi hỏi sự cởi mở và vượt ra
ngoài khuôn khổ cũ. Tuy vậy, 2 loại hình tư duy này không loại trừ, mà chúng hỗ
trợ lẫn nhau trong hoạt động tri thức của mỗi người, bao gồm: phân tích, tổng hợp,
suy luận và tạo ra tri thức mới. Vì vậy, các tổ chức hiện đại cần bổi dưỡng và
phát huy đồng thời cả 2 loại tư duy này cho nhân viên của mình để giúp họ vừa
có khả năng nhìn nhận vấn đề theo chiều sâu, và mở rộng góc nhìn theo chiều rộng,
từ đó, có thể tìm ra những giải pháp mới, vừa có tính sáng tạo, vừa mang tính hệ
thống, và có cơ sở lập luận chặt chẽ. Gần đây, một loại kỹ năng mới, được gọi
là kỹ năng hình chữ T (T-shaped skill), nó chỉ đến khả năng hiểu biết vấn đề cả
theo chiều sâu và chiều rộng, được cho là rất quan trọng, vì nó giúp nhân viên
có thể phát huy tốt cả 2 loại hình tư duy khoa học và sáng tạo.
Trong nghiên cứu khoa học, có 2 loại hình nghiên cứu
chính là: nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Trong khi nghiên cứu cơ bản
chỉ nhắm vào mục tiêu tri thức, thì nghiên cứu ứng dụng có động cơ chính là ứng
dụng tri thức, cải tiến phương pháp, hay giải quyết một vấn đề thực tế. Do đó,
sản phẩm của nghiên cứu cơ bản là tri thức mới mang tính lý thuyết, nhưng đối với
nghiên cứu ứng dụng, sản phẩm là những kết quả ứng dụng tri thức cơ bản để giải
quyết một vấn đề cụ thể. Vì vậy, nghiên cứu cơ bản có thể xem là nền tảng của
nghiên cứu ứng dụng. Ở các nước phát triển, nghiên cứu cơ bản được ưu tiên phát
triển, bởi nó được xem là động lực cho sự tiến bộ xã hội về lâu dài. Còn ở các
nước đang phát triển, nghiên cứu ứng dụng được chú trọng nhiều hơn, vì nó mang
lại giá trị nhanh chóng, giúp ứng dụng tri thức để giải quyết những vấn đề gặp
phải trong cuộc sống.
Việc nghiên cứu ở các doanh nghiệp thường thiên về
nghiên cứu ứng dụng, vì nó giúp tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới hoặc cải tiến quy
trình công nghệ, những thứ có ý nghĩa đối với nhà đầu tư. Đối với các doanh
nghiệp lớn, ngoài việc đầu tư vào bộ phận nghiên cứu & phát triển để thúc đẩy
các sáng chế mới, họ còn chú trọng tăng cường hoạt động hợp tác nghiên cứu và
chuyển giao công nghệ với các trường đại học, viện nghiên cứu, hoặc các đối tác
trong và ngoài nước. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì hạn chế về nguồn lực,
nên việc tự nghiên cứu có phần khó khăn hơn, họ thường phải dựa vào nguồn lực
bên ngoài, như hỗ trợ từ chính phủ, các kết quả khoa học được công bố đại
chúng, các bằng phát minh sáng chế đã hết hạn độc quyền, hoặc dựa vào sự hợp
tác, hỗ trợ từ các trường đại học và hiệp hội ngành nghề. Ngoài ra, một số kỹ
thuật/ công cụ cũng có thể được vận dụng để giúp tăng cường tính sáng tạo, và
năng lực nghiên cứu ở cả 2 loại hình doanh nghiệp, bao gồm: não công
(brainstorming), hoạt động nhóm (teamwork), dịch vụ hỗ trợ (helpdesk), thư viện
(library), dịch vụ tư vấn (consulting), kho/ cổng tri thức (knowledge
repository/ portal), phần mềm hỗ trợ mô hình hóa, mô phỏng (simulation, business
analytic…).
Trong nền kinh tế tri thức ngày nay, các doanh nghiệp
không chỉ nhận thấy tầm quan trọng của nghiên cứu phát triển, mà họ còn thấy rằng
việc đưa các sản phẩm mới ra thị trường còn quan trọng hơn nhiều. Vì vậy, để nhấn
mạnh sự kết nối giữa hoạt động nghiên cứu khoa học (tìm ra tri thức mới) và hoạt
động sản xuất kinh doanh (biến tri thức thành sản phẩm trên thị trường), các tổ
chức đã đặt lại tên của bộ phận Nghiên cứu & Phát triển (R&D) thành
Nghiên cứu, Phát triển & Thương mại hóa (R&D&C), hoặc Khoa học,
Công nghệ & Dự án (S&T&P). Sự chuyển đổi này càng cho thấy tốc độ
ngày càng tăng của việc tạo ra tri thức mới và đưa tri thức vào hoạt động sản
xuất kinh doanh. VD: Theo phát biểu của Gordon Moore (1965), người sáng lập tập
đoàn Intel, vòng đời phát triển các chip vi tính mới của Intel thường là 1,5
năm. Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ, và yêu cầu cạnh tranh của thị trường
toàn cầu, tốc độ đưa ra thị trường của các thế hệ phần cứng, phần mềm mới được
rút xuống còn 1 năm, hoặc thậm chí là ngắn hơn nữa.
Trong tác phẩm “Crossing the chasm” (Vượt qua hố thẳm) của
Geoffrey A. Moore, tác giả đã chỉ ra có một khoảng trống rất lớn từ quá trình tạo
ra tri thức mới (sáng chế), đến việc biến nó thành sản phẩm được tiêu thụ rộng
rãi trên thị trường (sáng kiến). Vì vậy, những nhà đổi mới thường không vượt
qua được khoảng trống này, và chịu thiệt khi thành quả từ những sáng kiến của
mình lại rơi vào tay các đối thủ đến sau, nhưng có khả năng đáp ứng được nhu cầu
với quy mô lớn của thị trường. Điều này được gọi tên là “nghịch lý của nhà đổi
mới”. Cuốn sách cũng chỉ ra rằng, để vượt qua khoảng trống này, đòi hỏi doanh
nghiệp phải chuẩn bị sẳn sàng cho việc chuyển đổi nhanh chóng về quy mô, cách
thức kinh doanh để có thể thu lợi từ những sáng chế của mình.