Bồ-tát Di Lặc
Trong vô số kiếp trước, có Đức Phật ra đời hiệu là
Đại Thống Trí Như Lai thì lúc bấy giờ Đức Di Lặc (tiền thân) và Đức Phật Thích
Ca (tiền thân) đồng phát tâm Bồ-đề. Đến khi Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh ra
đời thì Đức Di Lặc (tiền thân) mới phát tâm xuất gia. Mặc dầu đã xuất gia nhưng
tánh Ngài lại hay cẩu thả và quen theo lối phong lưu đài các. Cộng thêm tính
phóng túng cũng như chẳng chịu chú tâm tu hành nên Ngài thành Phật trễ sau Đức
Thích Ca gần mười tiểu kiếp. Về sau, nhờ Đức Phật Thích Ca dạy cho pháp tu Duy
Thức nên Ngài mới chứng được “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”.
Vì nhận thấy giàu sang phú quý, danh vọng quyền
tước đều như chiếc bóng trong gương, như trăng dưới nước nên Ngài tận diệt hết
vọng tưởng say mê và hư vọng giả cảnh. Bởi thế Ngài được Phật Thích Ca thọ
ký cho Ngài sau sẽ thành Phật ở thế giới Ta bà nầy.
Khi Đức Phật Thích Ca giáng sinh ở Ấn Độ cách đây
trên 2500 năm thì Ngài hiện thân vào gia đình của người Bà-la-môn tên là Ba Ba
Lợi ở về phía Nam Ấn Độ nhằm ngày mùng một tháng giêng âm lịch. Vì vậy, ngày mùng
một tết thường được xem là ngày vía Bồ tát Di Lặc. Họ của Ngài là A Dật Đa
(không ai hơn) và tên là Di Lặc (từ thị). Tên họ nầy tiêu biểu cho lòng từ bi
hỷ xả vô biên của Ngài. Từ bao nhiêu kiếp cho đến ngày thành Phật, Ngài vẫn lấy
hiệu là Di Lặc.
Kinh Di Lặc thượng sanh có nói: Ngày rằm tháng hai
sau khi giảng kinh nầy 12 năm thì Ngài nhập diệt nơi Ngài sinh trưởng. Sau đó,
Ngài sẽ sanh lên cõi trời Đầu suất để chờ khi tuổi thọ của con người trên thế
gian nầy giảm rồi tăng trở lại. Trong khoảng kiếp tuổi thọ tăng thì loài người
sẽ sống đến tám vạn tuổi. Và đến bấy giờ thì Ngài mới giáng sinh xuống cõi nầy.
Sau đó Ngài đến cây Long Hoa tu thành ngôi Chánh Giác. Khi Ngài thành Phật thì
Ngài sẽ hóa độ chúng sinh vô lượng đến sáu vạn năm mới nhập diệt.
Ngài đã hiện ra thành nhiều hóa thân để lẫn lộn với
loài người ngõ hầu có cơ hội hóa độ chúng sinh. Trong các hóa thân của Ngài thì
Phật tử ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam biết và thờ nhiều hơn hết là Bố Đại Hòa
thượng. Chính Ngài đã hiện thân làm một vị Hòa thượng tại đất Minh châu huyện
Phụng Hóa bên Trung Hoa. Ngài thường quẩy cái đãy bằng vải và đi khắp chợ búa
xóm làng. Ngài thường tụ hợp các trẻ con lại rồi phân phát cho chúng bánh kẹo.
Ngài giảng dạy Phật pháp và nói chuyện rất vui thú nên Ngài đi đến đâu thì các
em tụ họp đông đảo đến đó. Ngài thường giảng kinh cho người nghèo và làm nhiều
điều mầu nhiệm lạ thường. Lúc bấy giờ không ai biết Ngài là người như thế nào
cả, do đó họ chỉ cùng nhau kêu là Bố Đại Hòa thượng (ông Hòa thượng mang đãy
bằng vải).
Vì căn cứ theo ứng thân nầy nên trong các chùa ở
Trung Hoa thường thờ tượng Ngài Bố Đại Hòa thượng với vẻ mặt hiền hòa hân hoan.
Miệng thì cười vui vẻ và đó là tượng trưng cho đức hoan hỷ. Ngài thì người béo,
bụng to và tay cầm cái đảy. Chung quanh có sáu em bé đang leo trèo trên mình
Ngài. Đó là tượng trưng cho lục tặc khi đã bị Ngài hàng phục. Sự hóa thân nầy
là một trong trăm ngàn hóa thân của Đức Di Lặc.
Bài học: Đức Di Lặc là một vị
Bồ-tát đang ở trên cung trời Đầu suất. Ngài đợi đến khi thế giới nầy hết kiếp
giảm thứ 9 rồi đến kiếp tăng thứ 10, khi đó con người sẽ hưởng thọ được trên
tám vạn tuổi, thì Ngài mới giáng sinh xuống cõi nầy, mở pháp hội Long Hoa, độ
cho vô số người. Bồ tát Di Lặc là biểu tượng của sự từ bi, hỷ xả. Ngày xuân đi
chùa, mọi người thường chúc nhau “mùa xuân Di Lặc”, để nhắc đến câu chuyện này,
và cùng hẹn nhau ở một pháp hội Long Hoa trong tương lai, nơi có đức Phật Di
Lặc hạ sanh.
(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - Đức Kiên - tập 3)