Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label nongsan. Show all posts
Showing posts with label nongsan. Show all posts

Tuesday, November 29, 2022

Làm sao để nông sản Việt Nam phát triển bền vững

Làm sao để nông sản Việt Nam phát triển bền vững

Việt Nam là một quốc gia đi lên từ nông nghiệp, phần lớn người dân sinh sống ở nông thôn và cuộc sống phụ thuộc vào nghề nông. Tuy nhiên, nông nghiệp lại là ngành có năng suất thấp nhất, đối diện với nhiều rủi ro nhất. Đến nay, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán phát triển bền vững, tránh điệp khúc “được mùa, mất giá, được giá, mất mùa”.

Trong thời gian qua, Cty TNHH XNK Mầm Xanh (Green Bud) rất hân hạnh được đồng hành cùng người nông dân đưa những nông sản Việt Nam chất lượng cao đến các thị trường thế giới. Từ kinh nghiệm thu mua và xuất khẩu nông sản của mình, đội ngũ của Cty Mầm Xanh đã nhận ra một số vấn đề cần cải thiện trong hoạt động trồng trọt, thu hoạch, chế biến, bảo quản, và xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới. Dưới đây là tóm tắt 1 vài điểm yếu cần khắc phục để ngành nông sản Việt Nam có thể phát triển bền vững.

1/ Phương thức trồng trọt và canh tác lạc hậu: Tư duy trồng trọt theo thói quen, kinh nghiệm, khiến nhiều nông dân lạm dụng thuốc trừ sâu và các loại phân bón hóa học. Điều này, chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ có tác hại đến độ màu mỡ của đất, chất lượng tăng trưởng của cây, và tăng khả năng trái cây thu hoạch sẽ bị vướng dư lượng các loại hóa chất độc hại, khiến không thể xuất khẩu đến các quốc gia phát triển, nơi có tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt. Vì vậy, người nông dân cần tự trang bị kiến thức, tìm kiếm các phương thức canh tác hữu cơ, thân thiện môi trường, giảm lượng thuốc trừ sâu sử dụng, thì mới hy vọng tăng năng suất, và tăng cơ hội đầu ra cho sản phẩm. 

2/ Thiếu khả năng dự báo và tư duy cộng tác dài hạn: Hầu hết các nông dân, hợp tác xã nông nghiệp và cả những DN tham gia trong chuỗi cung ứng nông sản ở Việt Nam đều chưa tận dụng được sức mạnh của CNTT-VN để hỗ trợ cho việc dự báo và lập kế hoạch dài hạn. Vì vậy, không thể đảm bảo độ ổn định của sản lượng và chất lượng các sản phẩm cung cấp trên thị trường. Điều này gây khó khăn cho tất cả các mắc xích trong chuỗi cung ứng. Vì mở rộng hay thu hẹp diện tích trồng trọt 1 loại cây trái nào đó sẽ có ảnh hưởng đến lượng cung cầu trên thị trường, nên cần phải dựa trên phân tích thấu đáo vào nhu cầu thị trường, năng lực cung cấp, điều kiện thời tiết… Trên thực tế, các hoạt động giữa nhà nông, hợp tác xã, DN xuất khẩu hiện vẫn rời rạc, thiếu sự cộng tác và định hướng dựa trên thông tin dự báo và tầm nhìn dài hạn. Chính phủ, các hiệp hội ngành nghề cần hỗ trợ xây dựng các CSDL dùng chung, thúc đẩy việc khai thác các nguồn thông tin công cộng như dự báo thời tiết, nhu cầu nông sản của thị trường thế giới theo thời gian… để có thể chuẩn bị nguồn lực và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường.

3/ Thiếu khả năng đổi mới và sáng tạo: Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của thị trường thương mại quốc tế, ảnh hưởng của CMCN 4.0, đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam phải thích ứng bằng cách tăng cường năng lực đổi mới và sáng tạo. Cần phải dành nguồn lực để đầu tư cải tiến chất lượng giống cây trồng đạt năng suất cao hơn, cải thiện phương thức canh tác theo hướng thân thiện môi trường, xây dựng thương hiệu, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm… Đặc biệt, các viện nghiên cứu nông nghiệp, các hợp tác xã và DN thương mại cần phải chú trọng liên kết với nhau trong các dự án đổi mới sản phẩm, góp phần hình thành những sản phẩm mới, tạo nên thương hiệu mạnh của quốc gia. Chỉ có đầu tư đáng kể vào đổi mới sản phẩm, quy trình, thực hiện cải tiến liên tục mới có thể làm tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

4/ Thiếu liên kết giữa nhà máy chế biến, nhà XNK và công ty logistics: Để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng đòi hỏi một sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan trong việc kiểm soát chất lượng, nhiệt độ, phương thức bảo quản, vận chuyển, thủ tục thông quan… để đảm bảo duy trì được chất lượng sản phẩm lâu dài. Bởi vấn đề đối với nông sản là loại sản phẩm có thời hạn sử dụng ngắn, chất lượng giảm rất nhanh khi thay đổi nhiệt độ hoặc do vận chuyển quá lâu. Không những cộng tác trong từng đơn hàng riêng lẻ, mà cần hình thành những mối quan hệ chiến lược lâu dài để cùng chia sẻ lợi ích và giảm bớt rủi ro về giá, sản lượng và chất lượng của ngành hàng này.

5/ Thiếu sự hỗ trợ hiệu quả từ cơ quan quản lý nhà nước: Mặc dù chính phủ Việt Nam có một vài động thái hỗ trợ sự phát triển của ngành nông sản, như: liên kết ba nhà, khuyến khích nông nghiệp 4.0, thúc đẩy xuất khẩu 1 vài mặt hàng nông sản… Tuy nhiên, các hoạt động trên vẫn còn rời rạc và mang tính phong trào mà chưa đi vào hỗ trợ thực chất cho sự phát triển ngành nông sản. Cụ thể hơn, ngành nông sản cần sự hỗ trợ thông tin của chính phủ về các hiệp định tự do thương mại với các nước, các quy định về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc, các thông tin thống kê, dự báo về tình hình xuất nhập khẩu từng loại mặt hàng, các cơ quan ngoại giao cần tích cực vận động để ngày càng nhiều các mặt hàng có thể được xuất khấu đến các nước phát triển, giảm các thủ tục hành chính, miễn giảm các loại thuế và lệ phí liên quan đến việc cấp phép, kiểm dịch, thông quan… Cần tận dụng tối đa nền tảng CNTT-VT, chính phủ điện tử để cung cấp thông tin kịp thời đến người dân về các quy định, chính sách, tình hình thương mại quốc tế có liên quan, để người dân, doanh nghiệp có thể chủ động trong việc kết nối, tìm kiếm cơ hội và đối tác kinh doanh phù hợp.

Tóm lại, để nông sản Việt Nam có thể nâng cao giá trị, và vị thế trên thị trường thế giới, để ngành nông sản có thể phát triển bền vững, đòi hỏi các bên liên quan trong chuỗi cung ứng nông sản (bao gồm: người nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, nhà máy chế biến, nhà XNK, DN logistics…) cần phải cộng tác và thay đổi những điểm tồn tại đã được nhận diện trên. Cụ thể là: 1/ người nông dân phải thay đổi phương thức canh tác theo hướng hiện đại, sạch, an toàn, và ít sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học; 2/ cần sử dụng sức mạnh CNTT-VT để nâng cao năng lực dự báo, và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thu hoạch, kinh doanh một cách linh hoạt; 3/ cần đầu tư đổi mới sản phẩm và quy trình để tăng năng suất và giá trị sản phẩm; 4/ cần xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa các bên trong chuỗi cung ứng để gắn kết bền vững vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu; 5/ cơ quan quản lý nhà nước cần có nhiều chính sách cụ thể, thiết thực và hiệu quả để cải thiện chất lượng, giá trị và hình ảnh thương hiệu của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Hy vọng rằng, khi 5 vấn đề trên được nhận diện và giải quyết triệt để, sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho các bên trong chuỗi cung ứng ngành nông sản, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông sản Việt Nam nói riêng, và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung. 

Phạm Quốc Trung