Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label mauchuyenPGchoTN. Show all posts
Showing posts with label mauchuyenPGchoTN. Show all posts

Thursday, August 29, 2024

Chuyện tiền thân Bồ tát Địa tạng

 


Chuyện tiền thân Bồ tát Địa tạng

Khoảng thời gian mà đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương giáo hóa chúng sanh có thể gọi là dài nhất so với các đức Phật khác. Đức Phật ấy thọ mạng bốn vạn ức A tăng kỳ kiếp. Trong thời tượng pháp của Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, có một người nữ dòng Bà la môn, trang nghiêm đoan chánh, siêng tu phước thiện, cứu người nghèo đói, được mọi người ngưỡng mộ kính phục. Cha cô đã mất, chỉ còn bà mẹ. Rất tiếc, người mẹ lại tin theo tà giáo, xem thường chánh giáo, làm cho cô gái cảm thấy vô cùng sầu khổ. Cô gái cũng thường khuyên mẹ làm thiện, cải tà quy chánh. Lần lần, bà mẹ cũng sanh khởi một chút lòng tin. Rủi thay, chưa kịp hưởng được ánh sáng lợi ích của chánh pháp, thì bà đột nhiên bị bệnh qua đời.

Cô gái Bà la môn biết rằng mẹ mình lúc còn sống không tin nhơn quả, tạo nhiều nghiệp sát sanh, ác khẩu, v.v… ắt sẽ bị đọa vào ba đường ác. Cô bèn bán tất cả tài sản, lấy tiền mua các loại danh hương, hoa quả, phẩm vật, v.v… đem đến các chùa bố thí cúng dường. Đến một chùa nọ, thấy trong chùa thờ tượng Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, vô cùng trang nghiêm, tướng hảo phi phàm, càng thêm kiền thành cung kính, bèn chí thành đảnh lễ, trong lòng nghĩ thầm: “Đức Phật là bậc thánh đại giác ngộ, có trí tuệ bất khả tư nghì. Nếu như đức Phật còn tại thế gian, con đến hỏi ngài về việc đầu thai của mẹ, ắt ngài sẽ biết rõ.” Nghĩ như thế xong, cô bèn bất giác rơi lệ.

Cô gái đứng trước tượng Phật chiêm ngưỡng rất lâu, bổng nhiên từ trên không trung có âm thanh vọng xuống: “Này hiếu nữ đang khóc kia! Con không nên bi ai quá lắm. Ta sẽ chỉ chỗ sanh của mẹ con.” Vừa xong, không còn nghe âm thanh nào khác. Cô gái cảm thấy rất phấn khởi, vui mừng chắp tay hỏi vọng lên: “Vị thánh nào có lòng thương tưởng đến con như vậy! Từ khi mẹ con mất đến nay, ngày đêm con thương nhớ vô vàn, nhưng không biết đi hỏi ai chỗ đầu thai của mẹ con!”

Lúc đó, trên không lại có âm thanh vang lên: “Hiếu nữ! Ta là Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương mà con đang đảnh lễ. Nhân vì thấy con thương tưởng đến mẹ tha thiết, quá hơn người thường, cho nên ta đến bảo cho con biết.”

Cô gái Bà la môn nghe âm thanh từ bi của đức Phật, cảm động đến đỗi ngã quỵ trên mặt đất, giống như núi đổ. Những người chung quanh bèn đỡ cô dậy, một lúc lâu sau mới tỉnh. Lúc đó, cô gái lại ngước mặt lên không trung thưa rằng: “Nguyện Phật từ bi thương xót! Xin hãy cho biết mẹ con sanh về chỗ nào. Hiện nay, mạng sống của con cũng chẳng còn bao lâu nữa. Xin Phật từ bi thương xót!”

– Hiếu nữ! Con hãy an tâm. Sau khi cúng dường xong, con hãy về nhà, ngồi ngay thẳng, niệm danh hiệu ta, liền có thể biết được mẹ con sanh về chốn nào.

Cô gái cúng dường xong, tuân theo lời đức Phật, bèn trở về nhà, dùng lòng hiếu thảo tha thiết nhớ mẹ, ngồi ngay ngắn, niệm danh hiệu của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Trải qua một ngày đêm, bổng nhiên cảm thấy thân mình đến một bờ biển. Nước trong biển sôi sùng sục. Trên mặt biển có nhiều ác thú, chó sắt, rắn sắt, v.v…, đang chạy tới lui, rượt đuổi vô số nam nữ đang trồi hụp. Lại có những quỷ dạ xoa nhiều tay, nhiều mắt, nhiều đầu, răng nanh chỉa ra như gươm, hành hạ tội nhân làm cho họ cực kỳ thống khổ! Cảnh tượng hãi hùng, không ai dám nhìn lâu. Đang lúc cô gái chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp xảy ra, bổng có một quỷ vương tên là Vô Độc đến gần cung kính vái chào: “Thánh nữ! Cô vì cớ gì mà đến nơi này?”

Cô gái cảm thấy rất kỳ quái, bèn hỏi quỷ vương: “Xin hỏi đây là chốn nào?”

– Đây là tầng biển thứ nhất ở phía tây núi Đại Thiết Vi.

– Nghe nói trong núi Thiết Vi có địa ngục, điều này có đúng không?

– Dạ đúng như thế!

– Nếu vậy, tại sao hiện nay tôi lại đến đuợc chốn này?

– Có hai nguyên nhân đến được địa ngục. Nếu không nhờ uy đức thần lực của chư Phật Bồ tát, thì phải do ác nghiệp lực chiêu cảm. Ngoài ra, không cách nào đến được chốn này.

– Nước trong biển tại sao lại sôi sùng sục? Những kẻ kia vì cớ gì mà bị ác thú rượt đuổi như vậy?

– Đây là những chúng sanh tạo ác ở cõi Nam Diêm Phù Đề, vừa mới chết trong vòng bốn mươi chín ngày, không có bà con thân thuộc tu tập công đức để cứu vớt khổ nạn cho họ. Bọn họ lúc sống cũng không tích tập thiện nhân, căn cứ vào những ác nghiệp mà họ đã tạo, chiêu cảm quả báo địa ngục, tự nhiên trước tiên phải đến biển này. Tại phía đông biển này, cách đây khoảng mười vạn do tuần, lại có một biển nữa, những điều thống khổ phải chịu lại còn gấp bội. Qua phía đông nữa, lại có một biển, sự khổ ở đó lại tăng gấp bội. Đây gọi là nghiệp hải, do thân, khẩu, ý tạo nghiệp ác chiêu cảm.

– Như vậy, địa ngục còn ở nơi nào nữa?

– Địa ngục ở trong ba biển vừa nói. Mỗi biển đều có trăm ngàn đại địa ngục khác nhau. Trong mỗi đại địa ngục có mười tám đại địa ngục, hình phạt thống khổ nhất, lại có năm trăm trung địa ngục và trăm ngàn tiểu địa ngục. Trong mỗi ngục đều có vô lượng sự thống khổ.

– Mẹ tôi mới chết chưa được bao lâu, không rõ thần hồn hiện ở chốn nào?

– Thánh nữ! Mẹ cô tên họ là gì?

– Cha mẹ tôi dòng dõi Bà la môn. Cha tôi tên Thi La Thiện Hiện, mẹ tôi tên Duyệt Đế Lợi.

Vô Độc nghe đến tên Duyệt Đế Lợi, bèn vội chắp tay thưa: “Thánh nữ! Xin cô hãy an tâm trở về, không cần phải lo lắng nữa. Tội nhân Duyệt Đế Lợi đã được sanh lên trời ba ngày rồi. Nghe nói nhờ cô tu phước cúng dường chùa tháp thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Ngày hôm đó không những bà ấy được thoát khổ, mà nhiều tội nhân trong địa ngục cũng được sanh lên trời ».

Vô Độc nói xong, bèn chắp tay cáo từ. Cô gái Bà la môn dường như tỉnh mộng. Nhớ lại câu chuyện trong giấc chiêm bao, bèn đến trước tháp thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, thành kính phát nguyện: « Nguyện cho đến cùng tận đời vị lai, con sẽ thiết lập mọi phương tiện, cứu độ tất cả tội khổ chúng sanh đều được giải thoát ». Sau khi phát nguyện, cô ta bèn chuyên tâm tinh tiến tu tập phước đức. Người con gái ấy chính là một tiền thân của đức Bồ Tát Địa Tạng. Còn quỷ vương Vô Độc là tiền thân của Bồ Tát Tài Thủ.

Bài học: Bồ Tát Địa Tạng chính là biểu tượng của lòng đại bi, ngài có đại nguyện cứu khổ tội nhân trong địa ngục : « Địa ngục chưa trống không, ta quyết không thành Phật ! ». Nhiều tiền thân của ngài đều thể hiện lòng hiếu thảo rất lớn. Đó là tấm gương mà người con Phật cần noi theo. Theo truyền thuyết, ngài cũng thường bảo hộ trẻ nhỏ, và các bà mẹ khi sanh nở.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên)

Wednesday, May 29, 2024

Phú Lâu Na

Hình ảnh vị sư Minh Tuệ đi khất thực với hạnh dầu đà khắp nước Việt Nam đã thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian gần đây. Khi nghe một đoạn ngài trả lời phỏng vấn về liệu có những trở ngại gì trên bước đường hành đạo, ngài cho biết sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn như: không có ai cúng dường, bị cản trở, phỉ báng, đánh đập, thậm chí cả việc có thể mất mạng ở đâu đó trên hành trình. Thật cảm phục và chợt nhớ đến câu chuyện về ngài Phú Lâu Na khi quyết tâm lên đường hành đạo ở một xứ sở hung bạo. Xin mời mọi người cùng đọc lại để thêm hiểu và tin tưởng vào con đường mà thầy đã chọn.

Phú Lâu Na

Mùa Ðông đã tàn, khí trời dần dần ấm áp. Dưới ánh sáng bình minh, muôn cánh hoa đang vươn mình phô sắc. Trên cành, chim chóc đã rời tổ cất tiếng hát trong trẻo, như để chào mừng ánh sáng đã trở về, hay để tiễn chân nhà Ðạo sĩ sắp lên đường quên mình vì Ðạo.

Trong thành Ba La Nại ngôi Tịnh xá Trúc Lâm kiến trúc trên một canh đồi rộng rãi, cây cối um tùm tĩnh mịch dần dần hiện rõ trong đám sương mù.

Lúc bây giờ Ðức Thế Tôn đang an tọa trong Tịnh xá Trúc Lâm, dùng đạo nhãn thấy dân chúng ở nước Rô Na Ba Răn Ta đang chịu nhiều điều thống khổ dưới quyền thống trị của nhà cầm quyền Kê Hoa Ðà người Bà La Môn giáo. Người ấy đã dùng bạo thế lực sẵn có trong tay, ép buộc dân chúng phải tôn thờ Phạm Thiên và ngược đãi bắt bớ những người chống đối lại.

Trước hành động bạo ác và bất công ấy, Ðức Thế Tôn thương hại cho Kê Hoa Ðà là một nhà trí thức mà hiện tại không có người hướng dẫn sáng suốt tương lai không tránh khỏi ác báo trong ba đường.

Bấy giờ Ðức Thế Tôn thấy trong hàng đệ tử, chỉ có Tôn giả Phú Lâu Na là người có thiện duyên với dân chúng xứ ấy nên sai đến đó để giáo hóa.

Ðức Thế Tôn biết rằng: Trên con đường truyền bá Chánh Pháp dắt người trở về con đường tươi sáng của ánh đạo Từ bi, tôn giả Phú lâu Na sẽ gặp nhiều trở ngại thử thách của đối thủ.

Biết vậy, nên Ðức Thế Tôn gọi Tôn giả Phú lâu Na đến dạy rằng: “Dân xứ ấy và Kê Hoa Ðà độc ác lắm, ta sợ ngươi không đủ can đảm để chịu đựng”

- Tôn giả Phú lâu Na đáp: “Bạch Thế Tôn, con nguyện đem hết năng lực để làm tròn sứ mạng”.

- Nếu đến đó bị chửi mắng, thì ngươi nghĩ sao?

- Con nghĩ, những lời chửi mắng kia cũng như những tặng phẩm nếu họ đem đến tặng cho con, con không nhận, họ sẽ mang về. Và con nghĩ rằng, những người ấy còn hiền từ lắm, vì họ chỉ chửi mắng mà không nhận nước con.

- Nếu họ đem nhận nước ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ là những người tối dạ, và chỉ nhận nước mà không lấy đá ném vào đầu con.

- Nếu họ dùng đá ném vào đầu ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ rất tốt vì chỉ lấy đá ném vào đầu mà không dùng gậy đập con.

- Nếu họ dùng gậy đập ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ rất hiền từ vì chỉ dùng gậy đập mà không giam cầm, ngăn cản bước đường truyền đạo của con.

- Nếu họ giam cầm ngươi?

- Con nghĩ rằng, những người ấy rất tử tế, vì họ giúp con có thời gian tịnh dưỡng để nung luyện thêm ý chí, mà không dùng gươm đâm chém con.

- Nếu họ lấy gươm đâm chém ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ rất tốt bụng, vì chỉ đâm chém mà không giết chết con.

- Nếu họ giết chết ngươi?

- Bạch Thế Tôn, con rất vui mừng, vì những người kia đã dùng tâm từ bi giúp cho con sớm thoát khỏi tấm thân giả tạm đau khổ này, để chóng thành quả vị Vô Thượng Giác.

Ðức Thế Tôn dạy: “Hay thay! Hay thay! Phú Lâu Na ngươi đã có một ý chí mạnh mẽ. Ngươi đã biết khinh thường thân mạng để phụng sự chân lý. Ngươi thật là một người đệ tử trung kiên của ta, đáng thay ta đến xứ ấy truyền bá Chánh pháp hướng mọi người trở về con đường sáng đầy an lạc và giải thoát”.

Tôn giả Phú Lâu Na đảnh lễ, vâng lời Phật dạy rồi từ giã lên đường sang xứ Rô Na Ba Răn Ta.

Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi- tập 2-Đức Kiên

Tuesday, February 27, 2024

Quốc vương Hữu Đức

 

Quốc vương Hữu Đức


Trong thời quá khứ vô lượng kiếp xa xưa, có đức Phật ra đời hiệu là Hoan-Hỷ Tăng-Ích Như-Lai. Lúc bấy giờ đất nước thái bình thạnh trị, dân chúng ấm no hạnh phúc an vui vô cùng, chẳng khác hạnh phúc của chư Bồ-Tát cõi nước Cực-Lạc. Ðức Phật Hoan-Hỷ Tăng-Ích trụ ở đời rất lâu, đến khi cơ duyên độ sanh viên mãn, Ngài nhập Niết-bàn ở thành Câu-Thi-Na, rừng Ta-La Song-Thọ. Sau khi Phật Tăng-Ích nhập Niết-bàn, chánh pháp còn ở đời rất lâu đến vô lượng ức năm. 

Vào lúc chánh pháp chỉ còn 40 năm cuối, bấy giờ có vị tỳ-kheo tên là Giác-Ðức trì giới thanh tịnh, đồ chúng dự nghe đông đảo. Tỳ-kheo Giác-Ðức khuyên cấm các tỳ kheo không được chứa nuôi tôi tớ, trâu bò, heo dê cùng những vật phi pháp. Ðiều nầy khiến cho các tỳ-kheo phá giới oán ghét tìm cách phá phách hãm hại tỳ-kheo Giác-Ðức. Lúc bấy giờ Quốc-vương Hữu-Ðức biết được sự việc như vậy. Vì lòng hộ trì chánh pháp, nên nhà vua đem quân lính đến bảo vệ tỳ-kheo Giác-Ðức an toàn thoát khỏi nạn.

Bọn tỳ-kheo phá giới kia tức giận gây chiến với nhà vua, làm cho nhà vua bị thương nặng. Thấy cảnh đau lòng, tỳ-kheo Giác-Ðức an ủi nhà vua rồi khen: "Lành thay! Lành thay! Vua vì hộ trì chánh pháp mà không tiếc thân mạng. Ðời sau thân vua sẽ là vô lượng pháp khí". Nghe xong lời tán thán ấy, nhà vua hoan hỷ thân tâm nhẹ nhàng, rồi tắt thở, thần thức sanh về cõi Phật A-Súc làm đệ tử thứ nhất của Phật nầy. 

Quân lính theo vua chiến đấu với bọn ác tăng và những người tùy hỷ khen ngợi tinh thần vị pháp vong thân của nhà vua đều được tâm Bồ-đề bất thối chuyển, sau khi chết đều được sanh về cõi Phật A-Súc. Còn tỳ-kheo Giác-Ðức sau khi mạng chung cũng được sanh về cõi Phật A-Súc làm đệ tử thứ hai trong chúng Thanh-văn của đức Phật nầy".

Khi thuật câu chuyện trên đây xong, đức Thích-Ca Như-Lai gọi ngài Ca-Diếp nói: "Nầy Ca-Diếp! Vị Quốc-vương Hữu-Ðức kia chính là tiền thân của ta. Còn tỳ-kheo Giác-Ðức chính là tiền thân của Ca-Diếp đó vậy.

Bài học: Ở thời mạt pháp, nơi mà ma chướng nhiều hơn thuận duyên, người tu cần nổ lực tinh tấn trong việc tu tập đạo pháp và bảo vệ chánh pháp. Trong câu chuyện này, nhà vua Hữu Đức vì hộ pháp mà phải mất mạng, nhưng đó là cái chết đẹp, mang lại sự tái sanh ở cảnh giới tốt lành. Tỳ kheo Giác Đức là biểu tượng đáng khen ngợi cho người tu hành, vì đã khéo léo hộ trì, giữ gìn chánh pháp cho đời sau. Chúng ta đang sống trong thời mạt pháp, cần nổ lực tu tập, vượt qua chướng duyên, để có thể hoằng pháp, lợi sanh và tránh những ma lực, chướng ngại của thời đại.


(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Thursday, August 31, 2023

Chim con về với Phật

 


Chim con về với Phật

 Chú tiểu Minh nhặt được chú chim con lúc chiều khi đang cúng thí thực. Con chim run rẩy sà xuống như chiếc lá khô rơi rụng trong buổi chiều tà. Nó cùng bầy với lũ chim được phóng sanh hồi sáng này. Nhưng lại quá kiệt sức nên không thể bay xa được. Động lòng, chú mang chim về liêu mình để chăm sóc và cho ăn.

Buổi tối lên ngồi học kinh trên giảng đường, chú tiểu mang chim để trên bàn, nơi có ngọn đèn ne-on toả sáng. Hơi ấm của ánh đèn làm cho bộ lông chim khô ráo, và ánh mắt của nó trở nên linh hoạt hơn đôi chút.

Chú tiểu nhìn vào quyển kinh ngâm nga đọc, nhưng mắt cứ cụp xuống, gật gù. Bỗng chú giật mình khi nghe có tiếng chim hót. Mà không, hình như chim đang nói. Một giọng nói thật nhỏ nhẹ mà rõ ràng:

- Chú tiểu ơi! Tôi là loài chim sẻ ra đời chưa bao lâu mà đã bị bắt lui bắt tới đã bao lần rồi. Sáng nay khi được thả, tôi yếu quá nên không thể bay ra khỏi cổng chùa. Nhưng ở đây tôi có thể an tâm vì không sợ bị bắt lại nữa.

Thấy chú tiểu có vẻ ngạc nhiên, chim lại nói tiếp:

- Chú tiểu ở chùa nên không hiểu hết mọi chuyện ở bên ngoài cuộc đời đâu. Tôi và các anh chị mình cùng được sanh ra bên bìa rừng, cạnh một làng quê yên ả. Khi chúng tôi vừa chập chững biết bay liền rơi ngay vào một mẻ lưới của mấy tay chuyên bẫy chim đem bán. Tôi may mắn trôi dạt về tận chợ chim trên thành phố. Sau nhiều ngày bị nhốt chật chội, một hôm có người đến mua chúng tôi đem về chùa nhờ mấy thầy tụng kinh chú nguyện. Sau đó thì được sổ lồng cho bay đi. Khi được tự do tung cánh trên bầu trời, tôi định bay về nơi cánh rừng xưa, để mong sống lại với những cảm giác thân thương của thuở mới lọt lòng. Nhưng trời đất bao la, giữa chốn thị thành muôn lối, tôi không còn tìm thấy đâu lối về quê cũ xa tít mù sương khói, nên đành ở lại làm một kẻ tha hương. Vậy mà…hỡi ơi! Dòng đời là một trò cạm bẫy khôn lường. Một sinh vật nhỏ bé lạc bước như tôi lại dễ dàng sa chân vào những chiếc lưới giăng ra cách sân chùa không bao xa. Tôi bị săn bắt đem bán, rồi được mang đến sân chùa nhiều lần làm vật phóng sanh cầu thọ cho người. Nhờ được nghe quý thầy tụng kinh thuyết giảng mà dần dần tôi thoáng hiểu ra rằng: Đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ. Phật vì muốn trừ tai ách cho chúng sanh nên dạy họ tu phước. Người có tín tâm thì hết lòng làm lành, cứu giúp sinh linh. Và cũng có những người chuyên lợi dung niềm tin của kẻ khác để mưu cầu lợi lộc cho mình. Vậy thì tôi xin hỏi chú tiểu câu này: Như tôi đây bỗng trở thành chiếc cầu nối cho người tu phước và tạo tội, vậy rốt cuộc tôi là kẻ có tội hay có phước?

Bị hỏi bất ngờ, tiểu Minh hơi lúng túng, giây lâu chú mới trả lời:

- À… điều này theo như tôi được biết thì… à... vào thời Phật chưa có tục phóng sanh, nên Phật chỉ nói đến việc giữ giới chớ nên giết hại sanh mạng dù là những loài vật nhỏ nhít. Làm việc phước lành không gì hơn là cứu độ muôn sinh. Và thế là lệ phóng sinh bỗng trở nên một nhu cầu cấp thiết cho người tu cầu phước thọ sau này. Làm phước thì được phước, tạo tội thì chịu tội. Chuyện nhân quả trong kinh Phật đều có nói rõ. Còn như chim nói mình có phước hay tội. Theo tôi nghĩ: khi thọ thân súc sanh là đã mang lấy tội nghiệp từ nhiều đời rồi. Nhưng nay chim được đến chùa, được nghe tụng kinh, lại hiểu rõ tội phước, đó cũng là gieo chút duyên lành giải thoát cho ngày sau. Tôi chỉ có hiểu chừng đó thôi… còn gì nữa thì để tôi đi hỏi sư phụ rồi sẽ trả lời cho chim sau nhé!

Chim thở dài, thều thào:

- Tôi đâu còn sống để đợi chú đi hỏi sư phụ. Có điều tôi cũng tự nhận biết rằng: Dù đời sống ngắn ngủi. Thân này lại mang nhiều tội nghiệp. Nhưng loài súc sanh như tôi vẫn có quyền và những giá trị riêng của nó. Ít nhiều chúng tôi đã khơi dậy chút từ tâm nơi lòng người và giúp họ có được một niềm tin sâu sắc vào những điều làm phước tu thiện. Còn với ai vì cuộc sống nên phải lợi dụng niềm tin của người cùng sự vụng dại của những con vật nhỏ bé này, thì tôi cũng có góp phần giúp họ trong việc tồn tại mưu sinh. Một bên vì đời sống tâm linh. Một bên vì nhu cầu hiện tại. Ai cũng tìm thấy mục đích thiết thực của mình. Như vậy tôi cũng làm được điều lợi ích cho đời, cho người. Tội phước dẫu vô hình. Nhưng tôi vẫn tin là phước này sẽ diệt được tội chướng kia. Thế nên hôm nay tôi mới được trở về nơi đây, được chết trong niềm tin chánh đạo.

Chú tiểu chợt tỉnh dậy khi nghe có tiếng động vang lên từ bên ngoài. Trời đêm tĩnh lặng. Ngọn đèn điện vẫn toả sáng một góc phòng. Và trên bàn học, chú chim sẻ đã chết tự bao giờ. Trong giấc chiêm bao chập chờn, câu chuyện về tội phước chưa cạn lời, nhưng chim ắt sẽ hài lòng ra đi trong sự nhẹ nhàng thanh thản. Chú chim con đã về với Phật. Tiểu Minh khẽ nói và thầm chú nguyện cho nó.

Những lời nói của chú chim con, dù chỉ thoáng qua trong giấc mộng, cũng giúp cho tiểu Minh hiểu sâu hơn về sự sống của muôn vật. Một sinh vật dù bé bỏng cũng mong muốn được sống chan hoà, cùng góp sức vươn lên một cách hoàn thiện. Khi lòng người luôn biết hướng đến những điều tốt đẹp vì hạnh phúc của muôn loài, thì thế giới này sẽ không còn cảnh nồi da nấu thịt, ỷ mạnh hiếp yếu, cậy lớn hiếp bé. Từ đó mà nhân sinh cùng vạn vật được chung sống trong niềm an lạc vô biên, đầy tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Bài học: Câu chuyện trên về tâm sự của chú chim phóng sinh giúp chúng ta hiểu về nhân quả tội phước trong cuộc đời. Nếu chúng ta làm việc gì với tâm ý trong sạch thì sẽ có phước báu, còn nếu làm việc gì với tâm ý nhiễm ô, sẽ mang lại tội về sau. Người phóng sinh được phước vì muốn mang lại tự do cho chim, còn người bẫy chim để bán thì mang tội vì sinh sống bằng nghề nghiệp không chơn chánh. Tuy nhiên, việc mua chim phóng sinh vô tình đã tạo ra nhu cầu, và động cơ cho người bẫy chim để bán. Vì vậy, cũng gián tiếp gây tội. Chính vì vậy, ngày nay, nhiều chùa không khuyến khích phóng sinh, mà khuyến khích Phật tử nên nuôi dưỡng sự sống. Chúng ta cần biết tôn trọng sự cân bằng sinh thái và yêu quý thế giới tự nhiên.

(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Wednesday, March 22, 2023

Bốn cửa thành

Bốn cửa thành

 

Càng lớn lên, Tất Đạt Đa càng thông minh, học giỏi, và thương yêu mọi người, kể cả những con vật nhỏ bé. Tuy nhiên, lòng tốt và lòng thương người của thái tử làm nhà vua bối rối, luôn nghĩ đến lời tiên đoán của A Tư Đà. Nhà vua quyết định bằng mọi cách không để thái tử nhìn thấy những hình ảnh không vui, có thể làm thái tử từ bỏ những hoa lệ của cung đình vào ngày nào đó.

 

Nhà vua làm  mọi thứ để thái tử hạnh phúc, nhà vua nói với Hòang hậu Ba Xà Ba Đề,― Ta sẽ xây ba cung điện cho thái tử. Cái thứ nhất được làm bằng gỗ thơm, nó sẽ ấm cúng vào mùa đông. Cái thứ hai sẽ được xây bằng đá cẩm thạch, được dùng vào mùa hè. Cái thứ ba sẽ được xây bằng gạch, dùng cho mùa mưa. 

 

Để cuộc sống thoải mái, nhà vua ra lệnh làm một công viên đẹp có hồ nước dễ thương, có thiên nga và cá bơi tung tăng và hoa sen nở rộ. Nhà vua bảo người hầu ― Dọn sạch tất cả những bông hoa héo úa và những chiếc là rụng trong vườn. Nhà vua không muốn thái tử nhìn thấy bất kỳ điều không hài lòng nào. Tất cả người hầu trong cung điện đều trẻ, khỏe và đẹp. Những người phục vụ giải trí trong cung điện được lệnh ca hát và nhảy múa suốt ngày. Họ không được biểu lộ sự mệt mỏi hoặc buồn rầu. Không một người nào nói chuyện về bệnh tật và đau ốm. Vua ra lệnh xây các bức tường quanh cung điện. Lệnh cho lính canh chừngkhông để thái tử Tất Đạt Đa rời khỏi cung điện mà không có lệnh của vua.

Vào năm 16 tuổi, Thái tử tất Đạt Đa lập gia đinh với công chúa trẻ đẹp có tên là Da Du Ða  La. Công chúa yêu thương và chăm sóc cho thái tử. Thái tử tiếp tục sống cuộc sống vương gia gần 13 năm sau khi lập gia đình. Thái tử đã được bảo bọc để không biết được những khó khăn trong cuộc sống ở ngòai cung thành. Thái tử hoàn tòan hài lòng với cuộc sống tráng lệ của ngài. 

 

Sống trong thế giới không có gì ngoài hạnh phúc và tiếng cười. Tuy nhiên, một ngày kia, thái tử muốn khám phá những gì đang diễn ra bên ngoài cung điện. 

 

Khi nghe tin như vậy, nhà vua ra lệnh cho mọi người trong thành phố,― Tất cả nhà cửa dọc hai bên đường phải dọn dẹp và trang hoàng. Mọi người đốt trầm thơm và mặc áo quần màu sắc rực rỡ. Tất cả người xin ăn, người già và người ốm phải ở trong nhà cho đến khi thái tử trở về cung điện.

 

Người đánh xe trung thành của thái tử tên là Cha- Nac, đưa thái tử đi ra ngòai cung điện từ cổng phía Nam. Khi đám đông thành kính nhìn thấy thái tử yêu mến của họ, họ rải hoa và tung hô ngưỡng mộ. Tất Đạt Đa đã vui mừng thấy họ được hạnh phúc. 

 

Ngay lúc đó, một người già xuất hiện bên đường. Thái tử ngạc nhiên khi nhìn thấy một người già. Thái tử hỏi người đánh xe của mình, “Người gì mà tóc trắng và lưng gù như vậy? Mắt của ông ta lim dim, cơ thể của ông ta run lẩy bẩy. Ông ta bước đi bằng cách lê những bước chân khó nhọc theo cái gậy. Thân hình của ông ta bị thay đổi hay ông ta luôn có hình dạng như vậy? Hãy nói cho ta nghe, Cha-Nac”.

 

Cha-Nac tránh trả lời sự thật, “Đây không phải là việc của thái tử. Xin đừng bận tâm về chuyện đó”.

 

Thái tử vẫn khăng khăng hỏi Cha-Nac – “Chỉ có mỗi ông ấy như vậy? hay  tất cả chúng ta đều  như vậy?”

 

Lúc này, Cha-Nac chân thành trả lời, “Thưa ngài, chúng ta đều như vậy. Một khi thái tử còn trẻ, tóc sẽ đen và răng trắng. Thời gian trôi đi, thân thể sẽ già nua. Nó xảy ra với mọi người”. 

 

Nghe những lời này, thái tử giật bắn người. Tóc thái tử dựng ngược lên. Thái tử run vì sợ hãi, như con thú hoảng sợ khi thấy sấm chớp. Thái tử lắc đầu,― “Làm sao con người có thể vui sướng khi tuổi già hủy hoại tất cả?’ Thái tử nói với người đánh xe,― “Nhanh quay trở lại cung điện, biết rằng tuổi già sẽ gọi đến ta, làm sao ta có thể vui với núi rừng được”.

 

Vâng lệnh thái tử, Cha-Nac đánh xe nhanh như gió trở về cung điện.

 

Tất Đạt Đa không thể quên hình ảnh người già. Thái tử suy nghĩ suốt ngày đêm và không thể tìm ra đựoc sự thanh thản trong tâm hồn. Thái tử nói suy nghĩ của mình với Da Du Đa La, “Khi nhìn người già, tất cả những điều tốt đẹp trong thành phố dường như biến mất. Những nét đẹp và nụ cười trong cung điện không thực sự tồn tại với ta. Ta muốn đi thăm thành phố lần nữa để xem nó thực sự như thế nào. Để thấy người bình thường sống như thế nào”. 

 

Nhà vua không thể chịu nổi khi nhìn thấy con mình không vui, ngài đồng ý cho thái tử ra ngoài thành một lần nữa. Tất Đạt Đa và Cha-Nac đóng giả thành một thương nhân đánh xe đi vào thành phố theo hướng Đông. Lần đầu tiên thái tử thấy người bình thường sống thế nào trong vương quốc của mình. Thái tử thanh thản quan sát những người thợ rèn và những người làm đố sành sứ đang làm việc. Thái tử nói chuyện với với các thương nhân giàu có trong cửa hàng nguy nga của họ. Thái tử nói chuyện với những người thợ làm bánh mì. Đột nhiên, thái tử thấy nhìn thấy một người bị bệnh đang nằm dưới đất rên la và cúi gập người vì đau đớn. Thái tử đến bên ông ta và nâng đầu người đàn ông bị đau vào lòng, ― “Cha-Nac, chuyện gì đã xảy ra với người đàn ông này?”

Cha-nac vội vàng ― “Thưa ngài, đừng chạm vào ông ta! Ông ta bị bệnh truyền nhiễm. Hãy đặt ông ta nằm xuống nếu không thái tử sẽ bị nhiễm bệnh”. 

Thái tử lại hỏi ― “Chỉ có người đàn ông này bị bệnh hay tất cả mọi người đều bị bệnh như vậy, Cha-Nac? Vợ ta và cha ta cũng sẽ bị bệnh ư? »

 

Cha-Nac trả lời ― « Thưa Ngài, đó là điều tất nhiên xảy ra với mọi người. Mọi người trong thế gian đôi lần bị ốm. Bệnh tật xảy ra bất kỳ lúc nào trong cuộc đời ».

 

Nghe điều này, thái tử cảm thấy đau xót trong tim,― “Bệnh tật có thể đến bất cứ lúc nào. Như vậy chưa có ai có thể hạnh phúc và vui sướng”. Rồi thái tử vào xe ngựa, ra lệnh cho Cha-Nac quay trở về nhà. 

 

Tất Đạt Đa trở về cung điện với cảm giác nặng trĩu của sự thất vọng trong lòng. Khi thấy con trai buồn bã như vậy, nhà vua cho thái tử đi thăm công viên ở bên ngoài cung điện ở hướng Bắc. Trong lúc này, Tất Đạt Đa nhìn thấy một xác chết. Từ trước đến nay, Tất Đạt Đa không bao giờ nhìn thấy người chết, thái tử hỏi Cha-Nac, “Có gì bất thường với người này?”

Cha-nac đáp: “Thưa ngài, ông ấy đã chết. Ông ấy không còn cảm nhận điều gì nữa”.

Tất Đạt Đa hỏi, “Ta cũng như vậy? Con trai của nhà vua cũng sẽ chết như người đàn ông này?”

Cha-Nac trả lời ― “Vâng, mọi sinh  vật  đều phải chết. Không một người nào có thể tránh cái chết”.

Tất Đạt Đa vô cùng sửng sốt, thở dài, “Tất cả mọi người biết rằng họ sẽ chết, họ chưa bao giờ có cuộc sống bình yên”.

 

Thái tử ra lệnh người đánh xe trở về nhà. Đây không phải là lần đi chơi thoải mái. Cuộc sống có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào. Làm sao ta có thể vui sướng cho bản thân ta.

 

Tại cung điện, Tất Đạt Đa suy ngẫm về những điều đã thấy. Thật khủng khiếp để biết rằng mọi người sẽ chết vào ngày nào đó và không một người nào có thể tránh khỏi.

 

Bấy  giờ,  Tất Đạt Đa đã  biết con người bên ngoài cung điện sống thế nào. Những người ăn xin nằm dọc đường, xin thức ăn. Trẻ em  mặc những cái áo rách bươm đang rên la trên đường  phố. Người già, người bị bệnh và người nghèo đang chờ cái chết hiu quạnh. Trong khi, người giàu sống trong những ngôi nhà đẹp mà không chăm sóc cuộc sống người

nghèo.

 

Tất Đạt Đa tự hỏi, ― “Những người này có hy vọng gì khi sống? Thậm chí người giàu cũng đau khổ vì tuổi già, bệnh tật và cái chết. Mọi người sinh ra trong thế giới này đều phải đau khổ như vậy. Đau khổ của họ bắt đầu ngay từ lúc mới sinh. Ta phải tìm ra con đường để giúp họ ».

 

Trong chuyến đi thăm bên ngoài cung điện lần thứ tư, thái tử và Cha-Nac cưỡi ngựa đi qua cổng phía Tây. Họ đi ngang qua vị đạo sĩ mặc áo choàng rách rưới.  Nhìn thấy sự tỉnh lặng và thanh bình của đạo sĩ, thái tử hỏi, « Người này là ai? ».

Cha-Nac giải thích với thái tử, « Ông ta là một đạo sĩ đang hành đạo. Ông ta bỏ nhà cửa và nông trại và sự giàu có, Ông ta theo cuộc sống đơn giản và thanh bình cho bản thân ông ta. Ông ta hy vọng sẽ tìm ra chân lý và vượt qua những đau khổ trong thế giới này ».

Tất Đạt Đa, mỉm cười. ― « Ta sẽ trở thành tu sĩ  như ông ta. Đột nhiên, họ nhận được tin từ cung điện ― Công chúa vừa sinh hạ con trai cho thái tử! ». Tất Đạt Đa rất hạnh phúc khi nghe công chúa sinh hạ con trai, nhưng giờ đây, thái tử sẽ khó khăn hơn để thực hiện ước mơ trở thành đạo sĩ. Tên của người con trai là La Hầu La.


(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên - NXB. Hồng Đức)

Saturday, January 7, 2023

Sự tích quả dưa hấu

 

Sự tích quả dưa hấu

 

Ngày xưa có một người trẻ tuổi tên là Mai An Tiêm. Chàng là người ở một nước đâu tận vùng biển phía Nam, bị bán làm nô lệ. Một hôm, chàng bị bọn lái buôn chở đến bán cho Hùng Vương. Mai An Tiêm học nói tiếng Việt rất chóng. Chàng nhớ nhiều chuyện, biết nhiều điều thường thức, lại lắm tài nghề. Càng ngày vua càng yêu dấu, không lúc nào rời.

Năm ba mươi lăm tuổi, chàng làm quan hầu cận, có một ngôi nhà riêng ở gần cung vua. Vợ Mai An Tiêm là con gái nuôi của vua đã sinh được một trai lên năm tuổi. Mai An Tiêm có đủ mọi người hầu hạ, trong nhà của ngon vật lạ không thiếu thứ gì. Tuy oai quyền không lớn lắm nhưng chàng được mọi người sợ phục. Nhiều kẻ vẫn thường lui tới cầu cạnh. Nhưng thấy Mai An Tiêm có địa vị cao, cũng không hiếm gì những kẻ sinh lòng ghen ghét.

Một hôm, trong một bữa tiệc đãi các quan khách, giữa lúc mọi người không ngớt lời xưng tụng mình, Mai An Tiêm nhún nhường bảo họ:

- Có gì đâu ! Tất cả mọi thứ trong nhà này đều là phước báo kiếp trước của tôi cả !

Mai An Tiêm nói rất tự nhiên. Bởi vì tôn giáo xứ sở chàng bảo rằng cái sướng cái khổ hiện tại là kết quả của sự ăn ở tốt hay xấu của tiền kiếp. Nhưng trong số người dự tiệc có mấy viên quan hầu gần vua, vốn ghét chàng từ lâu. Chụp lấy câu nói mà họ cho là ngạo mạn đó, họ bèn vội vàng về tâu cho vua biết.

Vua Hùng nghe nói vô cùng giận dữ. Vua gầm lên:

- Chà! Thằng láo! Hôm nay nó nói thế, ngày mai nó còn tuôn ra những lời bất kính đến đâu. Quân nô lệ phản trắc! Giam cổ nó lại cho ta!

Buổi chiều hôm ấy, Mai An Tiêm bị bắt bỏ vào ngục tối. Bấy giờ chàng mới hiểu chàng lỡ lời. Mai An Tiêm tự bảo: "Nếu từ nay trở đi ta bị đày đọa là vì kiếp trước ta đã cư xử không phải".

Trong khi đó thì ở triều, các quan họp bàn để xử án Mai An Tiêm. Nhiều người đề nghị xử tử. Có người đề nghị cắt gót chân. Nhưng lời tâu của một ông quan già làm cho Hùng Vương chú ý:

- Hắn bị tội chết là đúng. Nhưng trước khi hắn chết ta nên bắt hắn phải nhận ra một cách thấm thía rằng những của cải của hắn đây là do ơn trời biển của bệ hạ chứ chả phải là vật tiền thân nào cả. Tôi nghe ngoài cửa Nga-sơn có một hòn đảo. Cho hắn ra đấy với một hai tháng lương để hắn ngồi ngẫm nghĩ về "phước báo kiếp trước" của hắn trước khi tắt thở.

Vua Hùng gật đầu chấp thuận. Nhưng sau khi ra lệnh, vua còn dặn: "Cho hắn lương vừa đủ dùng trong một mùa, nghe không".

Hôm đi đày, tuy ai nấy hết lời can ngăn nhưng vợ Mai An Tiêm vẫn nhất quyết theo chồng ra hải đảo. Nàng bồng cả con trai đi theo. Tất cả mọi người đều cho là việc rồ dại. Còn nàng thì tin ở lời chồng:  "Trời sinh voi trời sinh cỏ. Lo gì!".

Nhưng khi bước chân lên bãi cát hoang vu mịt mù, người thiếu phụ đó cũng không ngăn nổi cảm giác tủi thân, nức nở gục vào vai chồng:

- Chúng ta đành chết mất ở đây thôi.

Mai An Tiêm ôm con, bảo vợ:

- Trời luôn luôn có con mắt. Cứ phấn chấn lên. Đừng lo!

Hơn một tháng đầu, đời sống của vợ chồng đã tạm ổn. Nhà ở thì chui trong hốc đá đã được đan phên che sương gió. Nước uống thì đã có suối. Muối không có thì đã có nước biển. Nhưng còn việc kéo dài sự sống? Hai vợ chồng nhìn vào bồ gạo đã vơi:  "Nếu chúng ta có được một nắm hạt giống thì quyết không lo ngại gì cả".

Tự nhiên, một hôm có một đàn chim lớn bay từ phương Tây lại, đậu đen ngòm cả một bãi cát. Rồi chúng bay đến trước mặt hai vợ chồng kêu váng cả lên, thả xuống năm sáu hạt. Ít lâu sau từ những hạt ấy mọc ra một loại cây dây bò lan xanh um cả bãi. Dây bò đến đâu, những quả xanh non mơn mởn nhú ra đến đấy. Ít lâu sau nữa, vợ chồng ra xem thì quả nào quả ấy đã lớn lên như thổi, da xanh mượt, tròn to bằng đầu người. Mai An Tiêm trẩy một quả, bổ ra thấy ruột đỏ hồng, hạt đen nhánh. Vợ chồng con cái cùng nếm thấy vị thanh thanh dịu ngọt. Càng ăn càng mát đến ruột gan. Mai An Tiêm reo lên:

- Ồ! đây là thứ dưa lạ, chưa từng thấy bao giờ. Hãy gọi nó là dưa Tây, vì thứ dưa này được bầy chim đưa từ phương Tây lại, từ đất liền ra cho chúng ta. Trời nuôi sống chúng ta rồi!

Từ hôm đó hai vợ chồng cố trồng thêm cho thật nhiều dưa. Họ trù tính ăn dưa thay cơm để đỡ phải dùng số gạo đã gần kiệt.

Một hôm vợ chồng Mai bắt gặp một chiếc thuyền đánh cá đi lạc ra đảo. Sau khi giúp họ sửa buồm lái để trở về đất liền, Mai còn đưa biếu một số dưa để họ đưa về cho mọi người nếm thử. Mai bảo họ chở gạo ra đổi lấy dưa. Chỉ cách mấy ngày, con thuyền thứ nhất đã đến cắm neo ở bến, chở ra cho hai vợ chồng khá nhiều gạo. Hai bên y ước: một bên nhận lấy số gạo còn một bên xếp dưa xuống thuyền.

Từ đó trở đi, bữa ăn của họ đã khác trước. Ngồi bên nồi cơm trắng hơi lên nghi ngút, vợ Mai An Tiêm ôm lấy con, lẩm bẩm: "Trời nuôi sống chúng ta thực!". Cũng từ hôm đó, hai vợ chồng trồng thêm nhiều dưa nữa. Kết quả là thuyền buôn có, thuyền chài có, lũ lượt ra đỗ ở hải đảo đưa gạo, áo quần, gà lợn, dao búa, lại có cả các thứ hạt giống khác, để đổi lấy dưa.

Những người trong thuyền nói với Mai An Tiêm:

- Thật quả từ xưa chưa hề có loại dưa nào quý đến thế.  Ở vùng chúng tôi ai cũng ao ước được nếm một miếng thứ "dưa hấu" này dù phải đổi bao nhiêu gạo cũng không tiếc.

Ngày ấy người ta tranh nhau mua dưa lấy giống cho nên chỉ trong vài ba năm giống dưa lan tràn khắp nơi. Tên tuổi vợ chồng Mai An Tiêm được truyền đi xa rộng. Dân gọi tôn là "Bố cái dưa Tây".

Lại nói chuyện vua Hùng, một hôm la rầy viên quan hầu đã vì dốt nát để thợ dựng hỏng một ngôi nhà. Vua buột miệng than thở : "Phải chi có Mai An Tiêm thì đâu đến nỗi". Ngày hôm đó vua nhắc mãi đến chàng. Đã hai lần vua cho hỏi Lạc hầu xem hiện giờ Mai An Tiêm đang làm gì ở đâu. Lạc hầu đáp liều: "Chắc hắn không còn nữa!".

Nhưng vua không tin. Vua sai ngay một tên nô khác cấp cho lương ăn và thuyền để hắn vào châu Ái tìm Mai An Tiêm. Một tháng sau, hắn ta mang về cho vua một thuyền đầy dưa Tây và nói:

- Đây là lễ vật của ông bà Mai An Tiêm dâng bệ hạ.

Hắn kể cho vua biết rõ những ngày tân khổ và tình trạng hiện nay của hai vợ chồng Mai An Tiêm. Rồi hắn tâu tiếp:

- Bây giờ, ông bà Mai An Tiêm đã có nhà cửa ở ngoài ấy khá đẹp, có đến hơn mười người hầu hạ, có bãi dưa, có ruộng lúa và rất nhiều lợn gà...

Vua Hùng càng nghe càng sửng sốt. Vua chắt lưỡi bảo mấy viên quan hầu cận ngày nọ đã tố cáo Mai An Tiêm:

- Hắn bảo là vật tiền thân của hắn, thật đúng chứ không sai!

Vua bèn sai một đoàn lính hầu đi đón hai vợ chồng về, cho Mai trở lại chức cũ. Vua lại ban cho hai người con gái hầu để an ủi chàng.

Bây giờ chỗ hải đảo, người ta còn gọi là bãi An Tiêm. Những người kế tiếp công việc của hai vợ chồng Mai An Tiêm trên đảo vẫn còn dòng dõi đông đúc. Họ lập thành làng gọi là làng Mai-An. ở ngôi nhà cũ của Mai An Tiêm thì họ lập đền thờ hai vợ chồng chàng. Nhân dân gọi là "ông bà tổ dưa Tây (hay dưa hấu)".

Bài học : Theo đạo Phật, những gì ta được hưởng trong đời là do phước báo (thiện nghiệp) của ta đã tạo trong quá khứ, những khó khăn ta gặp phải cũng là do nghiệp báo của các hành động xấu trong quá khứ. Vì vậy, cần phải làm việc lành, tránh việc dữ để tạo ra những hoàn cảnh tốt, và được an vui, hạnh phúc trong tương lai.

Friday, October 28, 2022

Sa di mê cọp

Sa di mê cọp 

Thuở xưa, có thầy tỳ kheo tu hành trong tịnh thất nhỏ trên núi, nơi xa xôi hẻo lánh, ít người lai vãng. Nếu có ai, cũng chỉ có các vị thợ rừng, thợ săn và tiều phu mà thôi.

Một hôm, thầy tỳ kheo xuống làng khất thực, lượm được một đứa bé trai kháu khỉnh dễ thương, bị người ta bỏ. Thầy đem về, xin sữa nuôi nấng cho đến lớn. Rồi thầy dạy tụng kinh, bái sám, công phu và cho thọ giới Sa di.

Năm ấy, chú Sa di được hai mươi tuổi, ngây thơ, hồn nhiên và chưa lần nào xuống nhân gian. Một hôm, thầy tỳ kheo có pháp sự cần có chú đi theo. Khi xuống làng xóm, chú thấy cái gì cũng lạ, chú liền đưa mắt nhìn say mê, tuy nhiên chú cũng phải đi theo thầy.

Khi pháp sự xong, hai thầy trò trở về tịnh thất. Trên đường tình cờ chú gặp một cô gái độ mười bảy, mười tám tuổi, thân thể dịu dàng, vẻ mặt xinh đẹp. Chú trân người mà nhìn, không chịu đi. Thầy tỳ kheo ngó lại biết việc nên nói, “Đi mau chớ cọp đồng nó bắt nó ăn mất hồn xác đó!”

Chú Sa di miễn cưỡng ra đi. Nhưng khi về tới tịnh thất thì quên ăn, biếng ngủ, vẻ mặt bơ phờ như người mất hồn. Thầy tỳ kheo thấy thế, hỏi, “Sa di, con sao như thế?”

Chú Sa di nước mắt ràn rụa nói rằng, “Con nhớ thương con cọp đồng quá! Thà con xuống núi cho cọp đồng nuốt xác, ăn hồn con cũng được chớ sống thế này khổ lắm thầy ơi!”

Thầy tỳ kheo biết Sa di này nghiệp ái quá nặng không thể tu được, thầy an ủi vỗ về và cho chú xuống núi.

Thế mới biết, nghiệp ái của con người rất là nặng. Người tu hành muốn thoát khỏi nghiệp này cũng thiên nan, vạn nan.

Kinh dạy: Người tu hành thoát khỏi ái dục, giới hạnh thanh tịnh, cho đến mãn tuổi thọ là vị xuất trần La Hán.

Tổ cũng dạy: “Ái bất trọng bất sanh Ta Bà. Niệm bất nhất bất sanh tịnh độ.” Nghĩa là: Ái không nặng nghiệp thì không sanh vào cõi Ta Bà. Niệm Phật không nhất tâm thì không sanh về Tịnh Độ.

Bài học: Người tu học cần tránh xa 5 món dục, là : tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn uống, và ngủ nghỉ. Câu chuyện trên nói đến lòng tham sắc đẹp (ái dục) của cậu sa di. Đây là thứ dễ cám dỗ nhất, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Người tu học cần rèn luyện hạnh « thiểu dục, tri túc », đồng thời, cần quán chiếu bản chất vô thường của cuộc đời, và bất tịnh của thân thể để đối trị lòng tham dục.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Wednesday, September 28, 2022

Ca Chiên Diên

Ca Chiên Diên

Vâng theo lời dạy của đức Phật, tôn giả Ca Chiên Diên, vị "luận nghị đệ nhất" trong hàng tăng chúng đã tuyên dương chủ trương "bốn tính bình đẳng". Nhưng rất đông Bà La Môn biết được, không ai tin phục tôn giả. Hễ có cơ hội là họ tìm đến Ca Chiên Diên để bài bác, vấn nạn ngài. Họ nghĩ rằng, nếu không đánh ngã những biện luận của tôn giả thì từ đây về sau, Bà La Môn sẽ có hy vọng không ngước đầu lên được nữa. Tuy nhiên, ngài Ca Chiên Diên rất giỏi biện luận, khi gặp một vị Bà La Môn, dẫu quyền uy tới đâu đến vấn nạn ngài, ngài chỉ cần dùng một vài câu ngắn gọn và đơn giản, thế là vị Bà La Môn nọ cuối cùng cũng phải vui vẻ mà thuần phục.

Có một hôm, tôn giả cùng các vị tỳ kheo bạn đồng tu, sắp bước vào trai đường bên cạnh hồ Ô Nê nước Ba La Nại dùng cơm, thì có một vị Bà La Môn lớn tuổi tìm đến khiêu chiến với ngài. Vị Bà La Môn già chống cây gậy, im lặng đứng bên cạnh tôn giả Ca Chiên Diên, những tưởng rằng khi nào Ca Chiên Diên nhìn thấy ông thì nhất định sẽ đứng dậy nhường chỗ cho ông ngồi. Nhưng nào có ngờ đâu, Ca Chiên Diên chẳng thèm ném cho ông một cái nhìn nữa. Ông kiên nhẫn đứng một hồi lâu, cuối cùng lớn tiếng trách mắng rằng :

-   Mấy ông nghĩ sao mà thấy một vị trưởng giả lớn tuổi như tôi đến, lại không biết đứng lên mà nhường chỗ ngồi ?

Các vị tỳ kheo nghe thế thì giật mình, nhiều người còn vội vàng đứng dậy nhường chỗ ngồi cho vị Bà La Môn già, duy chỉ có Ca Chiên Diên là chẳng chút động lòng, còn hỏi lại rằng :

-    Ông là ai mà tới đây la hét ầm ĩ như vậy ? Chúng tôi ở đây tôn kính phụng hành giáo pháp, nhưng tại chỗ này không có ai là trưởng giả hay là tiền bối  của chúng tôi cả.

Vị Bà La Môn già nọ giận dữ đưa cây gậy đang cầm trong tay lên chỉ vào đầu tóc bạc phơ của mình mà hỏi :

-    Số tuổi đã cao của ta không đủ cho ông tôn làm trưởng giả hay sao ? Không đủ cho các ông cung kính tôn trọng hay sao ?

-  Ông không thể tự xưng là trưởng giả, và cũng không thể chờ đợi chúng tôi cung kính tôn trọng.

Ca Chiên Diên trả lời bằng một giọng nói nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Vị Bà La Môn già giận dữ đến cực điểm, dùng cây gậy chỉ vào mặt Ca Chiên Diên mà mắng.

-    Ông ? Tại sao ông lại khinh người đến thế ?

Ca Chiên Diên điềm nhiên trả lời rằng :

-    Qua âm thanh, giọng nói của ông, và qua những cử chỉ thô bạo của ông, tôi nhận thấy rằng ông không xứng đáng được tôn làm trưởng giả, cũng không xứng đáng được người khác cung kính. Bởi vì cho dầu ông có là một vị Bà La Môn 80, 90 tuổi, tóc bạc răng long, nhưng nếu không hề tu hành một cách chân chính, còn đam mê sắc thanh hương vị xúc, chưa xả bỏ được những phiền não như tham, sân và ganh ghét, thì ông vẫn bị coi như trẻ nít. Còn giả sử ông là một thanh niên 20 tuổi, da dẻ chưa nhăn, đầu tóc đen nhánh, mà đã giải thoát được sự trói buộc của ái dục, đối với thế gian không có sự tham cầu, không có chút niệm tưởng bất bình nào, thì chúng tôi có thể xưng tán ông là trưởng giả, xem ông là người già dặn, xứng đáng cho chúng tôi thân tâm cung kính.

Vị Bà La Môn già nghe Ca Chiên Diên nói thế, không có lời lẽ nào để đối đáp, bèn lặng lẽ bỏ đi.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi, tập 2 - Đức Kiên)

Tuesday, May 3, 2022

Bồ-tát Hộ-Minh

 


Bồ-tát Hộ-Minh

Ðến lúc Phật Ca-Diếp ra đời, nhằm Hiền-kiếp thứ chín, Bồ-tát Thiện-Huệ tái sanh làm thái tử Hộ Minh, chuyên thực hành hạnh bố thí từ lúc ấu thơ; khi lớn lên làm vua, rồi xuất gia theo Phật Ca-Diếp và trở thành Bồ-tát Hộ Minh. Nhờ công hạnh đầy đủ nên khi lâm chung Bồ-tát Hộ Minh được sanh về cõi trời Ðâu-Suất làm Bồ-tát bổ-xứ, lãnh đạo chư Thiên cõi này và diễn thuyết pháp mầu cho Thiên chúng nghe. Ngài ở Ðâu-Suất bốn ngàn năm, dùng pháp tướng để giáo-hóa chúng sinh. Một hôm ngài nhìn xuống thế-gian thấy chúng sinh phần nhiều chỉ đua nhau tạo ác, chìm đắm trong tà-kiến, không biết tin nhân quả tội phước, sống đau khổ về thể-xác lẫn tinh-thần, chết bị đọa trong ba đường ác. Ngài phát tâm từ-bi, nguyện giáng thế để giáo-hóa chúng sinh, mang đến ánh sáng chân-lý để cứu chúng sinh thoát khỏi sanh già bệnh chết, chứng được đạo quả niết-bàn, an lạc thanh tịnh.

Ngay lúc đó toàn thân ngài phóng đại-quang-minh, đại địa mười tám tướng động, ma cung ẩn náu, mặt trời mặt trăng hết tinh quang, chấn động tất cả trời rồng tám bộ. Ngài liền quan sát năm việc dưới đây:

1- Quan sát thời kỳ, ngài thấy tuổi thọ con người lúc bấy giờ khoảng 100 năm, rất thuận lợi; vì với thọ mạng quá dài con người không ý thức được thế nào là già chết, với thọ mạng quá ngắn thì không có đủ thời gian tu tập.

2- Quan sát lục địa, ngài chọn bán đảo Ấn-độ vì lúc bấy giờ ngôn ngữ và tư tưởng triết học nơi đây được phát triển hơn hết.

3- Quan sát quốc độ, ngài chọn Vùng Trung Ấn, (thung lũng sông Hắng) vì nơi đây có nhiều nhà hiền triết và minh quân xuất hiện.

4- Quan sát chủng tộc, ngài chọn dòng dõi Thích-Ca với vua Tịnh Phạn là người có tâm đạo nhất. Theo kinh Lalitavistara thì dòng họ này có 64 đức tính cần thiết.

5- Quan sát người có đủ đức tính làm mẹ vị Phật tương lai, ngài chọn hoàng hậu Maha-Maya; biết rằng bà chỉ còn sống thêm 10 tháng 7 ngày nữa. Theo kinh Lalitavistara thì bà Maha-Maya có 32 đức tính cần thiết.

Khi thấy cơ duyên đã đến, Bồ-tát Hộ-Minh bèn phó chúc ngôi vị lãnh đạo chư Thiên lại cho ngài Di-Lặc làm Bồ-tát bổ xứ, rồi từ cung trời Ðâu-Suất  giáng trần, thị hiện nhập thai tại thành Ca Tỳ La Vệ, gần chân núi Himalaya, thuộc vùng biên giới đông bắc nước Ấn-độ và Nepal ngày nay, làm con trai của vua Tịnh-Phạn, và hoàng hậu Maha-Maya. Hoàng tộc xứ này đều thuộc dòng dõi Thích-Ca.

Bài học: Đây là tiền thân gần nhất của Đức phật Thích Ca. Qua đây ta biết được lý do ngài chọn Ấn Độ, và dòng họ Thích ca để đản sinh. Cần nhớ rằng, tất cả các đức Phật ra đời đều vì nhân duyên lớn, đó là : « khai thị chúng sinh ngộ, nhập Phật tri kiến » (giúp cho chúng sanh thấy và thể nhập với sự hiểu biết của chư Phật).

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Wednesday, April 13, 2022

Chim Phượng hoàng

Chim Phượng hoàng

Thuở quá khứ xa xưa, có một kiếp nọ Như-Lai làm chim Phượng-hoàng chúa với năm trăm người vợ đẹp theo hầu hạ, cuộc sống vinh hoa phú quý quyền uy hạnh phúc như thế, tưởng đã êm đềm với ngày tháng trôi qua. Nhưng bỗng một ngày kia Phượng-hoàng chúa bay dạo trên khu rừng già để thưởng ngoạn những hoa thơm trái lạ, chợt thấy một nàng Phượng-hoàng trẻ đẹp sắc xanh da trời với bộ lông tuyệt mỹ, dáng bay dịu dàng, tiếng hót thanh tao, khiến cho Phượng-hoàng chúa khởi tâm đắm sắc, mê mẩn dục tình, bỏ năm trăm vợ hiền trẻ đẹp để theo nàng Phượng-hoàng yêu kiều diễm lệ kia. Nàng Phượng-hoàng trẻ đẹp mới nầy khó tánh, kén ăn kén ở lại thích chiều chuộng, làm cho Phượng-hoàng chúa phải chiều lòng để cho đẹp dạ nàng. Vì thế, ngày ngày Phượng-hoàng chúa phải bay đi khắp đó đây để tìm những trái cây ngon ngọt thơm tốt đem về để làm đẹp lòng nàng Phượng-hoàng tình nhân. 

Lúc bấy giờ Hoàng-hậu thành Vương-Xá đau nặng, nhà vua đã mấy phen cho mời các ngự y, danh y trong nước đến xem bệnh hốt thuốc, nhưng bệnh tình Hoàng-hậu vẫn không thuyên giảm chút nào. Một hôm, Hoàng-hậu bị cơn bệnh hoành hành mê sảng thiếp đi, trong cơn mê sảng chiêm bao thấy có người đến mách rằng, bệnh của lệnh bà chỉ có ăn thịt Phượng-hoàng chúa mới hết, bằng không thì chẳng bao lâu nữa sẽ phải chết. Khi thức giấc, Hoàng-hậu lo sợ khóc lóc đem điềm chiêm bao tâu cho vua nghe. Vua lấy làm lo âu liền triệu tập quần thần để đoán mộng. Các thầy đoán mộng tâu vua rằng: "Nếu căn cứ vào điềm chiêm bao của Hoàng-hậu, thì chỉ còn có cách là ăn thịt chim Phượng-hoàng chúa, hoàng hậu mới hết bệnh". 
Thế rồi, nhà vua truyền lệnh rằng: "Ai bắt được chim Phượng-hoàng chúa về dâng lên vua thì sẽ được trọng thưởng ngàn lượng vàng và gả công chúa làm vợ". 

Khi lệnh nhà vua vừa truyền ra, các người thợ săn vội vã thi đua nhau đi khắp núi rừng để tìm bắt chim Phượng-hoàng chúa với hy vọng được trọng thưởng và được làm chồng công chúa. Những thợ săn không quản ngại ngày đêm đi lùng tìm, họ dùng đủ trăm phương ngàn kế bủa vây khắp nơi để tìm cách bắt cho được Phượng-hoàng chúa. Chẳng bao lâu, một trong số những thợ săn đã theo dõi biết được tông tích nơi ẩn trú của Phượng-hoàng chúa và nàng Phượng-hoàng tình nhân. 

Gã thợ săn này biết rằng con Phượng-hoàng chúa không dễ gì bắt được. Trong lúc suy tư tìm phương cách, thì anh ta nghĩ ra một diệu kế, lấy mật và bánh bột nhồi trộn lẫn nhau rồi tự trét lên thân mình anh ta. Ðồng thời chọn mua trái cây thơm ngọt gắn dính lên khắp mình anh nhìn như một đống trái cây. Xong rồi, gã thợ săn giả trang ngồi yên bất động trên một cành cây cổ thụ, kiên nhẫn đợi chờ mấy ngày liền. 

Bỗng vào một buổi mai khi ánh bình minh vừa rạng chiếu chân trời, chim chóc khắp nơi trên cành cây kẽ lá reo hò thi đua nhau bay đi tìm mồi, thì Phượng-hoàng chúa cũng như mọi ngày bay đi tìm trái cây ngon ngọt cho tình nhân. Khi Phượng-hoàng chúa bay qua đám rừng già, thoạt ngửi thấy mùi thơm ngọt thoảng trong gió, liền tìm bay đến chỗ phát ra mùi thơm, lượn mấy vòng trên không quan sát kiếm tìm. Phượng-hoàng nhìn kỹ thì thấy trên cây cổ thụ một đống trái cây thơm tốt, nên lòng rất mừng rỡ tự nhủ rằng: "Ðỡ quá! Sao mà nhiều trái cây ngon ngọt thế nầy! Từ đây ta sẽ không còn phải mất thì giờ khổ công ngày ngày tìm kiếm trái cây cho người yêu quý của ta nữa!" 

Chẳng ngần ngại, Phượng-hoàng đáp nhanh xuống cây cổ thụ quán sát một hồi thấy rõ một khối trái cây tươi tốt thơm ngọt. Tin chắc không còn ngại ngùng e sợ, Phượng-hoàng liền bay đến đậu trên đống trái cây, đúng ngay vị trí bả vai của gã thợ săn ngụy trang kia, miệng vừa cắn trái cây, chân dính mật. Nhanh như chớp, gã thợ săn chụp lấy. Phượng-hoàng kinh hãi thét lên mấy tiếng vùng vẫy. Nhưng đã quá chậm rồi. Phượng-hoàng run rẩy van xin: "Ông ơi! Chắc ông đã phải khổ cực lắm mới bắt được tôi. Vì tôi mà ông đã phải ngồi bất động cực nhọc như thế nầy. Chắc là để đổi lấy điều gì lợi ích lớn lao lắm đây, nên ông mới tốn hao khổ công thế nầy? Nếu ông chịu thả tôi ra, tôi sẽ dẫn chỉ cho ông một núi vàng. Nơi đó, ông sẽ lấy được nhiều vàng, trở thành giàu sang triệu phú. Còn mạng tôi đây có đáng gì đâu! Xin ông thương xót tha cho". 

Gã thợ săn đáp: "Sao lại không đáng? Nhà vua đã hứa rằng, hễ ai bắt được ngươi đem nộp, thì sẽ được thưởng ngàn lượng vàng và được gả công chúa làm vợ. Còn núi vàng kia làm sao bằng công chúa? Bộ ngươi muốn đùa với ta sao chớ?" 

Nói xong, kẻ thợ săn trói chặt Phượng-hoàng đem về dâng nạp lên vua. Ðược chim Phượng-hoàng chúa, nhà vua rất đỗi vui mừng, liền truyền lệnh làm thịt nấu cho Hoàng-hậu ăn để hết bệnh. 
Phượng-hoàng chúa thưa:

"Muôn tâu Thánh-thượng! Thánh thượng là bậc chí tôn trong thiên hạ, ân đức trùm khắp cả bốn phương. Nay vì cứu mạng sống của Hoàng-hậu mà tôi phải hy sinh, thì tôi cũng không lấy gì làm tiếc cái thân mạng hèn hạ nầy. Nhưng tâu Thánh-thượng, tôi vốn biết bùa phép linh thiêng kỳ diệu, có thể cứu Hoàng-hậu ra khỏi ngặt nghèo mà không cần phải ăn thịt tôi. Nếu Thánh-thượng tin thương, thì xin cho một thau nước, tôi sẽ vẽ thần chú linh phù trong nước rồi đem dâng cho Hoàng-hậu uống và tắm thì bệnh hết ngay. Nhược bằng không hiệu nghiệm, tôi xin chịu tội mất mạng cũng chẳng muộn. Còn nếu Hoàng-hậu lành bệnh, xin Ngài thả tôi về lại với núi rừng".

Nhà vua lấy làm ngạc nhiên, nhưng vẫn nhận lời và ra lệnh cận thần bưng thau nước đến. 

Quả đúng như vậy. Sau khi Hoàng-hậu uống và tắm nước linh phù xong, thì cảm thấy mạnh khỏe và sắc diện Hoàng-hậu trở nên trẻ đẹp hơn trước. Nỗi sầu lo ưu buồn của nhà vua và của cả hoàng triều cũng liền theo đó không còn nữa. Ðược tin Hoàng-hậu bình phục như thường, từ trong thành nội cho đến ngoài nhân gian, khắp mọi cõi lòng tràn ngập nguồn vui. 

Sau khi Hoàng-hậu trở nên mạnh khỏe trẻ đẹp hơn xưa, nhà vua vô cùng mừng rỡ và thầm khen tài nghệ thần bí của Phượng-hoàng. Nhà vua muốn giữ Phượng-hoàng ở lại hoàng cung. Nhưng trước đó nhà vua đã hứa thả Phượng-hoàng về với núi rừng, khi Hoàng-hậu lành bệnh. Trong lúc đó, Phượng-hoàng để thử ý nhà vua, xem có con thiết tha cần mình nữa không, nên xin nhà vua giữ lời hứa. Riêng về nhà vua lúc nầy thì mãi bận vui với Hoàng-hậu, nên chẳng còn để ý tới Phượng-hoàng nữa. 

Trước khi rời khỏi cung vua để bay về núi rừng sống lại cuộc đời mây nước trời cao rừng thẳm bao la, Phượng-hoàng còn tâu với vua lần chót rằng: "Muôn tâu Bệ-hạ! Ðể trả ơn Bệ-hạ tha sống, xin Bệ-hạ cho phép tôi được đáp xuống hồ sen bán nguyệt đọc thần chú linh phù, để nhân dân trong nước của Ngài nếu ai có bệnh tật mà uống nước hồ nầy thì cũng sẽ được tiêu trừ". Nhà vua cả mừng bằng lòng ngay. Từ đấy, nhân dân trong nước, hễ ai có bệnh tật gì đến xin lấy nước hồ sen uống thì đều được lành bệnh ngay. 

Phượng-hoàng bay đậu trên nóc cung điện bái chào nhà vua và hoàng triều lần cuối trước khi từ biệt. Từ trên nóc cung điện, Phượng-hoàng nói lớn lên rằng:

"Trên đời nầy có ba kẻ điên: Kẻ thứ nhất là tôi, kẻ thứ nhì là gã thợ săn, và kẻ thứ ba là Bệ-hạ". 

Nói xong thấy nhà vua và cả hoàng triều nhìn chim Phượng-hoàng với dáng điệu ngơ ngác ngạc nhiên, Phượng-hoàng liền nói tiếp:

"Chư Phật đã từng nói, nữ sắc cắt giết mạng người. Tôi vì mê sắc đẹp của tình nhân mà bội bạc bỏ năm trăm người vợ hiền chung tình ngày đêm săn sóc cho tôi. Tôi vốn là vua của loài Phượng-hoàng, trời cao mây nước vốn là giang sơn của tôi. Thế mà vì nữ sắc, tôi phải ngày ngày đem thân làm tôi mọi đi kiếm tìm thức ăn ngon ngọt để về cung phụng cho một con Phượng-hoàng mái, để đến nỗi phải rơi vào tay gã thợ săn xuýt nữa toi mạng. Ấy là tôi điên. 

Còn gã thợ săn kia, tôi đã thật tình khẩn khoản chỉ núi vàng cho gã để đổi lấy mạng sống của tôi, để gã trở nên người giàu sang triệu phú. Nhưng gã vì quá ước mơ được lấy công chúa. Lời hứa của đàn bà chẳng khác sương sáng cành hoa, mây chiều lãng đãng, có chắc gì đâu? Nghe thì hay ho êm dịu, thấy thì đẹp như hoa nở bướm lượn, nhưng tất cả đều là ảo tưởng huyễn mộng, không có gì thật cả. Sự nghiệp danh giá của kẻ nam nhi sẽ lại tan tành trong nháy mắt vì nữ sắc. Như gã thợ săn kia, vì nghe lời hứa của nhà vua, say sưa sẽ được công chúa, mà mất cả núi vàng, mất cả giàu sang và mất cả công chúa. Ấy là kẻ điên thứ hai. 

Còn Bệ-hạ được một danh y cứu sống Hoàng-hậu, cứu bệnh tật muôn dân, đem lại sự an lành cho thiên hạ. Ấy thế mà Bệ-hạ để cho danh y ấy ra đi không một lời khẩn khoản nài nỉ, không một chút tiếc nuối. Bệ-hạ chỉ biết vui với Hoàng-hậu, sẵn sàng chém đầu bất cứ ai, miễn là được Hoàng-hậu vui vẻ bên vua. Nếu tôi không có thần chú linh phù thì chắc cái đầu tôi cũng bay đi rồi, và giờ nầy thân tôi đã vào bụng Hoàng-hậu. Thế có phải Bệ-hạ là kẻ điên thứ ba không?"

Nói xong, Phượng-hoàng cất cánh bay cao vào khoảng trời mây bao la cao rộng xanh biếc. 

Thuật câu chuyện xong, đức Phật nói với đại chúng rằng: "Người thợ săn trong mẩu chuyện mà ta mới vừa kể chính là tiền thân của Ðề-Bà Ðạt-Ða. Còn Hoàng-hậu đòi ăn thịt chim Phượng-hoàng kia chính là tiền thân vợ của Ðề-Bà Ðạt-Ða ngày nay. Nhà vua thuở đó chính là tiền thân của Xá-Lợi-Phất. Chim Phượng-hoàng chính là tiền thân của Như-Lai đây vậy". 

Ðức Phật còn nói tiếp, thuở ấy, tuy đọa làm thân súc sanh, nhưng ta đã phát tâm tu Bồ-Tát hạnh, hành Bồ-Tát đạo với tâm từ bi hỷ xả cứu độ thế nhân. Chẳng qua vì một niệm mê đắm sắc dục mà ta đã phải lụy thân làm kiếp con Phượng-hoàng.

Bài học: Không nên đắm mê sắc dục, bởi đó là nguyên nhân của khổ đau và nhiều tai nạn trong cuộc sống. Ái dục dễ làm con người mê đắm và sa đọa, trôi lăn trong nhiều kiếp luân hồi. Nhưng bản chất của ái dục thì vui ít, khổ nhiều, và chẳng mấy khi được thỏa mãn. Người tu học cần “thiểu dục, tri túc”, tránh xa các cám dỗ của ái dục để có thể an ổn, và đạt được chân hạnh phúc, giải thoát. Trong câu chuyện trên, cả chim Phượng hoàng, gã thợ săn và nhà Vua đều là nạn nhân của ái dục, dẫn đến trí tuệ mê mờ và hành động không sáng suốt (được chim Phượng hoàng ví như 3 kẻ điên). Vì vậy, người tu cần tránh xa ngũ dục (tài, danh, sắc, thực, thùy), đặc biệt là sắc dục là thứ dễ khiến con người ta điên đảo và trầm luân sanh tử.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Sunday, December 26, 2021

Bồ-tát Di Lặc


Bồ-tát Di Lặc

Trong vô số kiếp trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Đại Thống Trí Như Lai thì lúc bấy giờ Đức Di Lặc (tiền thân) và Đức Phật Thích Ca (tiền thân) đồng phát tâm Bồ-đề. Đến khi Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh ra đời thì Đức Di Lặc (tiền thân) mới phát tâm xuất gia. Mặc dầu đã xuất gia nhưng tánh Ngài lại hay cẩu thả và quen theo lối phong lưu đài các. Cộng thêm tính phóng túng cũng như chẳng chịu chú tâm tu hành nên Ngài thành Phật trễ sau Đức Thích Ca gần mười tiểu kiếp. Về sau, nhờ Đức Phật Thích Ca dạy cho pháp tu Duy Thức nên Ngài mới chứng được “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”.

Vì nhận thấy giàu sang phú quý, danh vọng quyền tước đều như chiếc bóng trong gương, như trăng dưới nước nên Ngài tận diệt hết vọng tưởng say mê và hư vọng giả cảnh. Bởi thế Ngài được Phật Thích Ca thọ ký cho Ngài sau sẽ thành Phật ở thế giới Ta bà nầy.

Khi Đức Phật Thích Ca giáng sinh ở Ấn Độ cách đây trên 2500 năm thì Ngài hiện thân vào gia đình của người Bà-la-môn tên là Ba Ba Lợi ở về phía Nam Ấn Độ nhằm ngày mùng một tháng giêng âm lịch. Vì vậy, ngày mùng một tết thường được xem là ngày vía Bồ tát Di Lặc. Họ của Ngài là A Dật Đa (không ai hơn) và tên là Di Lặc (từ thị). Tên họ nầy tiêu biểu cho lòng từ bi hỷ xả vô biên của Ngài. Từ bao nhiêu kiếp cho đến ngày thành Phật, Ngài vẫn lấy hiệu là Di Lặc.

Kinh Di Lặc thượng sanh có nói: Ngày rằm tháng hai sau khi giảng kinh nầy 12 năm thì Ngài nhập diệt nơi Ngài sinh trưởng. Sau đó, Ngài sẽ sanh lên cõi trời Đầu suất để chờ khi tuổi thọ của con người trên thế gian nầy giảm rồi tăng trở lại. Trong khoảng kiếp tuổi thọ tăng thì loài người sẽ sống đến tám vạn tuổi. Và đến bấy giờ thì Ngài mới giáng sinh xuống cõi nầy. Sau đó Ngài đến cây Long Hoa tu thành ngôi Chánh Giác. Khi Ngài thành Phật thì Ngài sẽ hóa độ chúng sinh vô lượng đến sáu vạn năm mới nhập diệt.

Ngài đã hiện ra thành nhiều hóa thân để lẫn lộn với loài người ngõ hầu có cơ hội hóa độ chúng sinh. Trong các hóa thân của Ngài thì Phật tử ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam biết và thờ nhiều hơn hết là Bố Đại Hòa thượng. Chính Ngài đã hiện thân làm một vị Hòa thượng tại đất Minh châu huyện Phụng Hóa bên Trung Hoa. Ngài thường quẩy cái đãy bằng vải và đi khắp chợ búa xóm làng. Ngài thường tụ hợp các trẻ con lại rồi phân phát cho chúng bánh kẹo. Ngài giảng dạy Phật pháp và nói chuyện rất vui thú nên Ngài đi đến đâu thì các em tụ họp đông đảo đến đó. Ngài thường giảng kinh cho người nghèo và làm nhiều điều mầu nhiệm lạ thường. Lúc bấy giờ không ai biết Ngài là người như thế nào cả, do đó họ chỉ cùng nhau kêu là Bố Đại Hòa thượng (ông Hòa thượng mang đãy bằng vải).

Vì căn cứ theo ứng thân nầy nên trong các chùa ở Trung Hoa thường thờ tượng Ngài Bố Đại Hòa thượng với vẻ mặt hiền hòa hân hoan. Miệng thì cười vui vẻ và đó là tượng trưng cho đức hoan hỷ. Ngài thì người béo, bụng to và tay cầm cái đảy. Chung quanh có sáu em bé đang leo trèo trên mình Ngài. Đó là tượng trưng cho lục tặc khi đã bị Ngài hàng phục. Sự hóa thân nầy là một trong trăm ngàn hóa thân của Đức Di Lặc.

Bài học: Đức Di Lặc là một vị Bồ-tát đang ở trên cung trời Đầu suất. Ngài đợi đến khi thế giới nầy hết kiếp giảm thứ 9 rồi đến kiếp tăng thứ 10, khi đó con người sẽ hưởng thọ được trên tám vạn tuổi, thì Ngài mới giáng sinh xuống cõi nầy, mở pháp hội Long Hoa, độ cho vô số người. Bồ tát Di Lặc là biểu tượng của sự từ bi, hỷ xả. Ngày xuân đi chùa, mọi người thường chúc nhau “mùa xuân Di Lặc”, để nhắc đến câu chuyện này, và cùng hẹn nhau ở một pháp hội Long Hoa trong tương lai, nơi có đức Phật Di Lặc hạ sanh.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - Đức Kiên - tập 3)

Tuesday, November 2, 2021

CHIẾC CẦU MUÔN THUỞ

 

CHIẾC CẦU MUÔN THUỞ   

Đây là một khu rừng xanh tươi trong dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, lòng sông Hằng từ ngàn cao đổ về, chầm chậm chảy như muốn nghỉ ngơi sau khi đã vượt qua nhiều đoạn thác ghềnh. 

Bên bờ sông phía Nam, vượt lên trên muôn ngàn cây lá xanh tốt, có một cây xoài khổng lồ. Thân cây vút tận trời. Cành xoài đâm ngang che cả một vùng trời rộng lớn. Nhiều nhánh ngã ngang trên giòng sông, soi hình xuống đáy nước, trái xoài mập mạp, to trĩu cả cây.

Cây xoài là nơi tụ họp của một đoàn vượn đông đúc. Tám ngàn con, chúng họp thành một quốc gia hẳn hoi đứng đầu là một vượn chúa, thân hình cao đẹp, sức khỏe phi thường. Nguồn lợi thiên nhiên đủ cung cấp cho toàn đoàn lương thực trong suốt cả một mùa. Nhưng phải cẩn thận, không được để trái nào chín tới, phải ăn quả lúc còn xanh. Đó là lịnh của vượn chúa biết lo xa, và bầy vượn ngoan ngoãn làm theo. 

Một hôm, một điều không may xảy đến. Một trái xoài che khuất bởi một tổ kiến to, dần dà chín mùi, chín mùi, rơi xuống dòng sông. Trái xoài bị nước cuốn đi, trôi dạt vào bể bơi của vua xứ Ba La Nại vừa đúng lúc nhà vua đang tắm. Trái xoài to một cách khác thường, mập mạp và thơm tho. Nhà vua bèn với nhặt lên bóc ra ăn thử, ngài không đợi ý kiến của viên cận thần. Chưa khi nào vua được ăn một trái cây ngon như thế. 

Thế là sau đó, các người thợ rừng được gọi đến hỏi ý kiến. Mọi người đều trả lời là họ chưa thấy cây xoài nào trái to như vậy. Nhưng nhà vua đã quyết định sẽ tìm cho kỳ được cây xoài quý giá kia. Và ngày hôm sau cả một đội binh thuyền được huy động để vượt dòng sông, họ chuẩn bị rất nhiều lương thực, quyết dừng lại khi nào đến được dưới gốc xoài.

Sau ba ngày đường, một buổi chiều kia, người ta tìm thấy trên một triền núi xa, một cây xoài cao lớn. Tin vui mừng truyền đi rất nhanh. Cánh tay được chuyền thêm sức mạnh. Người ta chèo suốt đêm ấy và cả ngày hôm sau. 

Đến chiều người ta đã gần đến được dưới cây xoài. Không thể tả hết nỗi ngạc nhiên của quân binh và vua quan. Họ chưa bao giờ thấy một cây to như thế. Đứng trước cảnh núi non hùng vĩ, con người thấy mình bé nhỏ quá. Ai nấy đều có ít nhiều lo ngại. Mà hình như trên cây có những con vật đang chuyển động. Không phải một vài chục, một vài trăm mà hàng ngàn. Đoàn thuyền đến gần. Người ta nhận ra đó là một thế giới vượn đang chiếm cứ cả cây xoài và sinh sống ở đấy. Nhà vua đứng ở mũi thuyền cũng vừa nghiệm thấy như thế. Quả là một sự khinh mạn lớn vì tất cả những trái xoài ngon từ trước đến giờ đều bị loài vượn đáng ghét kia ăn trước hết cả. Lịnh truyền ra cho tất cả quân lính phải bao vây chặt chẽ, và chuẩn bị sẵn sàng cung tên chờ ngày mai, khi mặt trời trở dậy,bắt đầu tàn sát tất cả đoàn vượn kia!

Về phía đoàn vượn, tất cả đều tỏ vẻ hoảng sợ. Chúng đoán biết có một tai nạn không tiền khoáng hậu sẽ xảy đến với chúng, mặc dầu vượn chúa đã tìm cách làm an lòng. 

Trong đêm ấy, vượn chúa băn khoăn nát óc nghĩ cách cứu đoàn. Rồi thình lình, vượn chúa vụt trèo ra đầu cành ngả sang sông. Từ đây qua bờ bên kia còn xa lắm. Sông rộng, nước sâu khó có một con vượn nào có thể thoát được sang ngã này. Bỗng vượn chúa nhún mình lấy hết sức mạnh, đánh một cái nhảy sang bên kia bờ. Rồi vượn chúa đi tìm những sợi mây dài, nối liền lại và loay hoay cột một đầu dây vào thân cây, còn đầu dây kia cột vào thân mình, xong xuôi, vượn chúa lại lấy hết sức để nhảy trở về cây xoài. Vượn chúa định làm một chiếc cầu bằng dây để cứu thoát cho cả đoàn mình chuyển sang bên kia bờ. Nhưng, nguy thay! Sợi dây bị hụt đoạn chừng một sải tay và vừa đúng khi hai tay vượn chúa nắm được cành xoài đâm ra sông là sợi dây vừa căng thẳng, kéo chân vượn ra phía sau. Không còn có thể chậm trễ một giây lát nữa. Tám ngàn vượn phải chuyền sang sông đêm nay. Cho nên vượn chúa nằm ngay trong thế đó, hai tay vượn nắm kỹ nhánh xoài, chân vượn nối dài thêm sợi dây để làm cầu, vượn chúa ra lịnh cho toàn đoàn qua sông. Bầy vượn ngần ngừ. Phải bước lên mình vượn chúa? Phải chuyền mình trên sợi dây đang kéo nặng thân vượn chúa? Trước sự đau lòng ấy, nhiều con đã nức nở, chảy nước mắt. Nhưng không còn chậm trễ được. Hoặc xót thương để ngày mai phải tiêu diệt cả? Hoặc phải cứu sống cả đoàn.

Và lịnh được lập lại một lần nữa trước sự cương quyết của vượn chúa. Bầy vượn chuyền sang sông. Con nào con nấy đều cố sức đi thật nhẹ nhàng. Chúng cảm thấy như đang dày vò lên một cái gì quí, một trái tim đã hết mức hy sinh cho chúng. 

Vượn chúa đã ngất đi nhiều lần, nhưng lại cố trấn tĩnh ngay để nắm vững thân cây. Bầy vượn qua gần hết. Con vượt qua cuối cùng là con vượn Devadatta. Đây là con vượn xấu xa nhất, đã nhiều lần tỏ lòng ganh ghét vượn chúa và tìm cách ám hại. Nó cho là cơ hội đã đến. Nó nhảy mạnh lên mình vượn chúa với tất cả sức mạnh của nó và nhún thật mạnh trên cầu dây. Vượn chúa tưởng chừng như dập cả buồng gan, nhưng vẫn cố ráng sức nắm chặt thân cây để nó sang sông được an toàn. Rồi vượn chúa mệt lả đi. Qua bên kia bờ sông, con vượn Devadatta quay nhìn lại. Trong ánh lờ mờ của ngày sắp dậy, nó thấy thân hình vượn chúa lông lá phờ phạc, im không cử động. Tự nhiên nó cuối mặt xuống, rơi hai hàng lệ nóng, nó hối hận, nó cảm phục đức độ bao dung của vượn chúa.

Sáng hôm sau, vua Ba Tư Nại truyền tiến quân. Nhưng một ngạc nhiên lớn! Toàn thể bầy vượn đông đảo đang đêm đã trốn đi ngã nào hết. Quan quân đang đứng dưới gốc cây xoài. Người ta nhìn lên. Cảnh tượng thật là cảm động. Một con vượn to lớn khác thường đang nối mình với một sợi dây to bắt từ bên này sang bên kia bờ sông.Vượn nằm im không cử động, hình như mệt ngất đi. Theo nhiều người thợ săn cho biết thì đây là con vượn đầu đàn. Lúc bấy giờ nhà vua rõ đầu đuôi. Thì ra con vượn đầu đàn đã lấy thân mình nối thành cầu để cứu thoát cho cả bầy của mình. Vượn đầu đàn đã nêu gương hy sinh cao cả làm nhà vua cảm phục lắm. Ngài đột nhiên tỉnh ngộ, nghĩ đến việc làm ích kỷ và thấp hèn của mình: Chỉ vì muốn có những trái xoài ngon ngọt mà ngài đã dùng uy quyền huy động nhiều người đến đây. Chỉ vì một ý muốn tầm thường nếu không muốn nói là sai lầm, một sự tức giận nhỏ nhen mà ngài suýt gây nên một sự tàn sát thảm khốc. Rồi ngài quay sang bọn thợ săn đang đứng yên, không còn hăm hở giết hại như trước. Ngài nói to để chỉ cho họ một bài học và lập tức truyền lịnh lui quân, sau khi đã sai đưa vượn chúa xuống và tự tay ngài vuốt ve săn sóc cho vượn chúa tỉnh lại.

Vượn chúa đã nêu lòng hy sinh cao cả để cứu đoàn một cách cảm động trên đây, chính là tiền thân Đức Phật Thích Ca.

Bài học: Muốn là người lãnh đạo tốt, cần phải học hạnh của vượn chúa trong câu chuyện, phải biết quên mình để lo cho sự an vui của tập thể, biết hy sinh để cứu sống bầy đàn.

(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 1 - Đức Kiên)