Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Thursday, September 10, 2015

NHỮNG VIỆC NHỎ CẦN LÀM ĐỂ HƯỚNG ĐẾN 1 XÃ HỘI VĂN MINH

NHỮNG VIỆC NHỎ CẦN LÀM ĐỂ HƯỚNG ĐẾN 1 XÃ HỘI VĂN MINH


Ai trong chúng ta cũng mong muốn sống trong 1 xã hội văn minh, tiến bộ. Nhưng, thế nào là 1 xã hội văn minh? Câu hỏi tuy đơn giản nhưng cũng thật khó để trả lời 1 cách đầy đủ. Tuy nhiên, có những điểm chung mọi người đều nhận thấy ở xã hội văn minh, đó là, môi trường sống luôn sạch sẽ, con người biết tôn trọng kỷ cương phép nước, ứng xử giữa con người với nhau thân thiện, mọi người có hiểu biết và có ý thức hướng đến lợi ích chung. Để đạt được một môi trường sống lý tưởng như trên, đòi hỏi cả 1 quá trình dài để thay đổi từ nhận thức của cá nhân, chỉnh sửa các thiết chế quản lý xã hội, đến hình thành thói quen và phong cách sống của cả xã hội. Bao giờ thì Việt Nam mới trở thành xã hội văn minh?

Khi quan sát hiện tình xã hội Việt Nam, tôi nhận thấy có nhiều vấn đề cần phải khắc phục để đất nước có thể phát triển và tiến gần hơn với mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội Công bằng, Văn minh. Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều có thể trở thành một nước văn minh được, nếu chúng ta không bắt tay vào việc thay đổi xã hội ngay từ bây giờ, và từ những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất. Vì vậy, thay vì kêu gọi, hô hào xuông, chúng ta hãy cùng nhau chọn ra những việc nhỏ, dễ thực hiện nhất để bắt đầu công cuộc cải cách đất nước theo chiều hướng tiến bộ.

Dưới đây là 1 số việc đơn giản, theo tôi, có thể thực hiện ngay, ở cả phạm vi cá nhân và tập thể, nhưng có tác dụng rất lớn đến tiến trình chuyển hóa tích cực của đất nước ta trong tương lai.

1/ Giữ gìn vệ sinh chung: Nhìn tấm gương của Singapore, ta thấy, họ rất quan tâm đến vấn đề này. Không những tác động vào ý thức người dân, mà họ còn chú trọng đến quá trình vận hành hệ thống thu gom, xử lý rác, cũng như việc phạt thật nặng những người xả rác bừa bãi. Tuy đây là việc nhỏ, nhưng nó rất quan trọng để giáo dục mọi người về ý thức tôn trọng môi trường sống, một tài nguyên chung của xã hội. Một người bỏ rác bừa bãi, tuy chẳng đáng kể, nhưng nhiều người cùng làm vậy, thì cả thành phố trở nên 1 thùng rác lớn, rất dơ và ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong thành phố đó. Để đạt được mục tiêu này, ta cần chú trọng giáo dục trẻ em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để việc bỏ rác đúng nơi quy định trở thành thói quen. Người lớn cần phải có ý thức làm gương, và đôi khi, cũng cần học tập từ trẻ em về thói quen giữ gìn vệ sinh chung. Cũng cần hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý rác thải. Lắp đặt thêm nhiều thùng rác ở các khu công cộng. Ngoài ra, cần vai trò của các tổ dân phố, CA. khu vực, dân phòng… trong việc nhắc nhở người dân bỏ rác đúng giờ giấc và đúng nơi quy định. Có hình thức xử phạt thật nặng đối với những người vi phạm nhiều lần. Ở Việt Nam, hiện nay, vẫn có những người cố ý bỏ rác sang nhà người khác, cho các loại thú cưng đi chơi và phóng uế trên đường phố, vất tàn thuốc lá bừa bãi, tiểu bậy, hoặc móc bọc làm vương vãi rác… đã góp phần làm bẩn môi trường sống và gây ảnh hưởng cho nhiều người xung quanh. Một hình thức phạt bằng đánh đòn đã được Singapore áp dụng, tuy chỉ có ý nghĩa biểu tượng, nhưng lại có tác dụng giáo dục khá tốt. Hình thức này cũng có thể xem xét để áp dụng ở Việt Nam.

2/ Biết quan tâm, chia sẻ với cộng đồng: Một xã hội văn minh đòi hỏi con người phải biết quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng, biết chia sẻ khó khăn của người khác. Ở nước ta, tinh thần tương thân, tương ái, và hỗ trợ cồng đồng đã có truyền thống từ lâu và cũng được xem là điểm tích cực gắn kết mọi người trong tình làng, nghĩa xóm. Tuy nhiên, với quá trình đô thị hóa, ý thức này đã mai một ở một bộ phận xã hội, đặc biệt là ở giới trẻ, cần phải được khôi phục lại. Những biểu hiện quan tâm đến mọi người và môi trường sống xung quanh sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, chẳng hạn như: cùng làm sạch đường phố, nhắc nhở mọi người không câu cá ở nơi công cộng, bảo vệ cây xanh, ngăn việc lấp sông, phá rừng, đóng góp cho việc xây cầu, cống, làm đường… Ở các nước phát triển, mọi người được khuyến khích tham gia vào các xã hội dân sự, là những hội, đoàn được lập ra 1 cách tự nguyện và tự vận hành mà không có sự can thiệp của nhà nước. Xã hội dân sự được xem là 1 trụ cột của các nước dân chủ vì nó góp phần ổn định và cân bằng các mối quan hệ trong xã hội: Nhà nước–Doanh nghiệp–Công dân. Để đạt mục tiêu này, cần có khung pháp lý về việc lập hội và gia nhập hội. Nhà nước cần góp phần thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức phi chính phủ, các đoàn thể quan tâm tới mục tiêu dân sinh, thiện nguyện, hoặc các hội nhóm sở thích… Các đoàn thể tôn giáo cũng có thể được xem là 1 phần của xã hội dân sự, nên được khuyến khích để tự do phát triển. Bên cạnh sự tham gia của các tổ chức đoàn thể dân sự, nhà nước cũng cần chú ý đến các chính sách hỗ trợ các đối tượng dễ tổn thương trong xã hội, như: người nghèo, già cả, neo đơn, khuyết tật… Ở Nhật Bản, có các phương tiện để hỗ trợ người tàn tật như: các đường phố đều có 1 làn gạch màu vàng đắp nổi dành cho người mù có thể tự đi lại ; các ngã tư đèn đỏ đều có thêm tín hiệu âm thanh ; các lối vào các tòa nhà, bến xe luôn có đường dành cho người đi xe lăn…

3/ Tôn trọng pháp luật: Đây là 1 điểm quan trọng để đánh giá mức độ trưởng thành của 1 cộng đồng, xã hội. Ở xã hội phát triển, pháp luật khá hoàn thiện và được cả xã hội tuân theo như là 1 khế ước tập thể, nó góp phần điều chỉnh hành vi của mọi người trong xã hội. Ở 1 quốc gia kém phát triển, luật pháp thường không đầy đủ và không được tuân thủ nghiêm ngặt bởi mọi người trong xã hội. Nhìn lại nước ta, truyền thống “phép vua thua lệ làng” từ xưa đã cho thấy sự thiếu tuân thủ chặt chẽ pháp luật. Một câu nói nổi tiếng vẫn thường được nhắc đến để mô tả thực trạng pháp luật không được tôn trọng ở nước ta, đó là “nước ta có 1 rừng luật, nhưng thực tế chúng ta vẫn dùng luật rừng”. Nhìn vào xã hội, ta thấy rất nhiều hiện tượng vi phạm kỷ luật chung xảy ra hằng ngày, như: không chịu xếp hàng, vượt đèn đỏ, chạy trường, chạy công việc, chạy dự án, và cả chạy án… Vì vậy, để nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, chúng ta cần thực hiện song song 2 việc: (1) Cần cải cách hoạt động lập pháp, rà soát và hoàn thiện khung pháp lý, sao cho, các vấn đề phát sinh có thể được xử lý 1 cách công bằng, minh bạch, đúng người, đúng tội, và (2) Cần hoàn thiện cơ chế, và xây dựng đội ngũ hành pháp và tư pháp đủ năng lực, và công chính trong việc thực thi pháp luật. Ngoài ra, các bộ phận lập pháp, hành pháp, và tư pháp cần độc lập với nhau, để đảm bảo tính khách quan và công bằng của pháp luật. Cần xây dựng ý thức tôn trọng kỷ cương, phép nước trong mọi người dân, bất kể địa vị, chức vụ. Công chức nhà nước nếu phạm pháp cần phải xử phạt nặng hơn người thường. Để khôi phục kỷ cương phép nước, cần tạo dựng niềm tin của công chúng vào tính công bằng của pháp luật, và sự liêm chính của đội ngũ thực thi pháp luật. Ngoài ra, cũng cần phổ biến kiến thức pháp luật sâu rộng trong mọi công dân, bằng các bài học ở trường lớp, các phim truyện về tình huống pháp luật, các trung tâm tư vấn pháp luật miễn phí, và các cổng thông tin pháp luật…

4/ Biết cách thể hiện quan điểm, ý kiến: Ở xã hội văn minh, mọi người được quyền bày tỏ ý kiến của mình một cách tự do, miễn là không xúc phạm đến người khác. Chỉ có bằng việc trao đổi, thảo luận 1 cách công khai, tự do, thì các sáng kiến, ý tưởng hay mới có dịp được thể hiện và áp dụng. Ở nước ta, do truyền thống văn hóa và do cách giáo dục, nên khi được mời phát biểu ý kiến, nhiều học sinh, sinh viên không biết cách thể hiện quan điểm của mình. Điều này, có nguyên nhân từ thói quen ít được phát biểu trong những năm học phổ thông và tâm lý sợ sai. Để khắc phục, cần phải bắt đầu từ việc giáo dục ở nhà trường, các thầy/cô phải tập cho các em thói quen phát biểu và trình bày ý tưởng của mình, phải xem đây là 1 trong các mục tiêu giáo dục và cần được đánh giá sự tiến bộ sau mỗi cấp học. Việc tôn trọng quan điểm, ý kiến khác biệt là rất cần thiết để tạo ra sự tự tin ở người phát biểu. Nếu thầy/cô la rầy, hay không chấp nhận những ý kiến khác biệt, lâu dần, sẽ làm học trò sợ sai và không dám phát biểu ý kiến. Cũng vậy, nếu xã hội thiếu khoan dung với những ý kiến, tư tưởng khác biệt, cấm đoán hoặc bỏ tù những người nói trái quan điểm của nhà cầm quyền, lâu dần, xã hội sẽ mất khả năng sáng tạo, và người dân sẽ không dám bày tỏ ý kiến phản biện hay phê phán để góp phần cải thiện xã hội. Một xã hội mà người dân sợ sệt, không dám bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình, là một xã hội bất an, và không thể phát triển được, bởi xã hội đó đã không tận dụng được trí tuệ tập thể. Nếu nhà cầm quyền chỉ dựa trên sức mạnh để trấn áp những tiếng nói khác biệt sẽ tạo nên nhiều chia rẽ và xung đột ẩn tàng bên trong xã hội. Những mâu thuẫn đó nếu không được giải tỏa, nó sẽ có nguy cở trở thành tác nhân gây bất ổn xã hội.

5/ Tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình: Đây là mục tiêu rất quan trọng của một xã hội dân chủ, văn minh. Ở đó, mọi người biết cách ra quyết định đối với những việc quan trọng của xã hội và tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Chính việc tự quyết và tự chịu trách nhiệm thể hiện người dân có quyền làm chủ đối với đất nước và vận mệnh của họ. Ví dụ: quyết định của người dân Đông Timor để tách khỏi Indonesia, quyết định của người dân Scotland khi tiếp tục là 1 phần của nước Anh… Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi người dân phải có mức độ hiểu biết nhất định về luật pháp, tổ chức xã hội, biết cách sử dụng các công cụ như bỏ phiếu, bất tuân dân sự, biểu tình… để thể hiện quan điểm, quyết định của mình đối với các vấn đề chung của xã hội, và cũng chịu trách nhiệm với những quyết định đó. Ở nước ta, một bộ phận dân chúng vẫn có thói quen thờ ơ với việc chung, không dám quyết định chuyện gì, nhất là chuyện chính trị, hay việc chung của cả nước, vì họ nghĩ “mọi chuyện đã có đảng và nhà nước lo”. Đây là 1 thái độ thiếu trưởng thành, lệ thuộc, thể hiện tâm thế của kẻ nô lệ hơn là của người công dân trong 1 đất nước tự do. Điều này có thể do hệ quả của chiến tranh, do người dân thiếu kiến thức, hoặc do chưa quen với việc ra quyết định và chịu trách nhiệm với các quyết định của mình. Vì vậy, giờ là lúc để mọi người phải trưởng thành hơn lên, phải biết cách ra những quyết định liên quan tới cuộc sống của mình, thay vì ngồi đó than vãn về môi trường sống ô nhiễm, thực phẩm thiếu vệ sinh, giáo dục xuống cấp, y tế quá tải, công chức làm việc kém, tham nhũng… Hãy cùng nhau quyết định cải tạo vệ sinh chung, yêu cầu thay đổi những chính sách sai lầm, đòi cách chức các công chức kém hiệu quả, cùng tạo ra những thiết chế xã hội lành mạnh, tích cực… để thấy rằng mình chính là người chủ thật sự của đất nước và chịu một phần trách nhiệm đối với đất nước này.

Trên đây là tóm tắt một vài điều, tuy nhỏ nhặt, có thể chưa đầy đủ, nhưng nếu mọi người cùng nhau thực hiện, thì nó sẽ có tác dụng lan tỏa, tạo ra sự thay đổi rất lớn đối với tương lai đất nước. Như sự vỗ cánh của một con bướm, tuy nhỏ bé, nhưng nếu gặp điều kiện thích hợp và có sự cộng hưởng, thì có thể tạo nên 1 cơn bão lớn quét sạch những rác rưới ở một nơi rất xa. Do đó, nếu mọi người đồng lòng, cùng thực hiện được những điều trên đây, Việt Nam đã có thể chuyển hướng và bước vào lộ trình phát triển vững chắc trên con đường tiến đến mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội Công bằng, Dân chủ, Văn minh. Vấn đề đặt ra là sự thay đổi nào cũng cần phải có can đảm và quyết tâm. Phải biết vượt qua những trở ngại, dị biệt lúc ban đầu, biết đoàn kết, gạt bỏ những điều tệ xấu hiện tại, can đảm phá bỏ những gì cản trở đất nước tiến triển theo chiều hướng tiến bộ, để thực hiện ước vọng của toàn dân.

Liệu lúc này, mọi người đã sẳn sàng đồng lòng, chung tay góp sức cho một nước Việt Nam giàu mạnh, tiến bộ, dân chủ và văn minh trong tương lai hay chưa? Câu hỏi đó đặt ra cho tất cả chúng ta, những người Việt Nam ở trong và ngoài nước, công chức hay dân thường, những người còn biết lo lắng cho vận mệnh của đất nước và con cháu chúng ta, trước hiểm họa ngoại xâm, và lệ thuộc đang đến rất gần. Tiến lên một xã hội văn minh, phát triển hay mãi mãi dậm chân ở vũng lầy kém cõi và lệ thuộc là do chính chúng ta quyết định.

Tp.HCM, Tháng 9/ 2015
TS. Phạm Quốc Trung