Miên man về "Sắc tức thị không"
Bài kinh Bát nhã được xem là một trong những bài kinh quan trọng nhất của Phật giáo. Chính vì vậy nó thường được gọi là tâm kinh, hay kinh nằm lòng, và được đọc tụng trong hầu hết các khoá lễ hằng ngày và các nghi lễ quan trọng của đạo Phật Việt Nam.
Ai trong chúng ta nếu đã từng nghe qua bài kinh này đều thường nhớ được những đoạn điệp khúc khá ấn tượng : "Xá lợi tử ơi, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc ...", hay "...tướng không của các pháp không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt...". Đọc xuông thì dễ, nhưng hiểu được ý nghĩa của nó đòi hỏi chúng ta phải suy tư và thực hành kỹ lưỡng. Hiểu được ý nghĩa của tâm kinh cũng tức là hiểu được tinh ba giáo lý của Phật. Dưới đây tôi xin chia sẻ đôi điều suy nghĩ của cá nhân về những câu kinh trên. Hy vọng những suy nghĩ này phù hợp với giáo nghĩa của chư Phật và giúp ích chút đỉnh cho những ai hữu duyên, và muốn hiểu thêm về Bát nhã tâm kinh.
Trước hết, có lẽ tôi đặc biệt lưu tâm đến các đoạn trên của Bát nhã tâm kinh khi học đến định luật bảo toàn năng lượng trong chương trình vật lý bậc phổ thông. Khi đọc thuộc lòng đoạn "năng lượng không mất đi mà cũng không tự sinh ta, nó chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác, hoặc truyền từ vật này sang vật khác", tự nhiên tôi cảm thấy có sự tương đồng rất lớn giữa định luật này và những câu kinh Bát nhã ở trên.
Phải chăng "tướng không của các pháp" trong đoạn kinh trên là tên gọi khác của năng lượng? Nếu nhìn bằng con mắt của vật lý học, vạn vật trong thế giới này đều gồm 2 phần là : vật chất hữu hình và năng lượng vô hình. Khi chưa khám phá ra thuyết tương đối, con người cho rằng vật chất và năng lượng là khác nhau và tách rời nhau. Nhưng dưới ánh sáng của thuyết tương đối, chúng ta biết rằng năng lượng và vật chất là 2 mặt biểu hiện của cùng 1 sự vật. Với công thức E=Mc^2, Einstein đã chứng minh mối quan hệ giữa vật chất và năng lượng một cách hùng hồn. Phần hữu hình của vạn vật được biểu diễn bằng khối lượng M trong công thức trên, còn phần vô hình hay tướng không của vạn pháp được biểu diễn bởi năng lượng E trong công thức trên. Nói cách khác, công thức trên chính là diễn tả ý nghĩa "sắc tức thị không" trong câu kinh Bát nhã. Sắc chính là phần vật chất hữu hình, còn không chính là phần năng lượng vô hình của vạn pháp. Đó chính là 2 mặt của cùng sự vật, hiện tượng. Vật chất khi tích tụ năng lượng thì hữu hình, khi giải phóng năng lượng thì trở thành vô hình. Nó không mất đi, vẫn còn đó, đợi nhân duyên đầy đủ lại biểu hiện dưới dạng vật chất trở lại. Và nếu đọc lại định luật bảo toàn năng lượng thì nó hoàn toàn trùng khớp với đoạn "thị chư pháp không tướng bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm..." trong tâm kinh. Ôi quả thật là chân lý! Điều mà đến nay các nhà khoa học mới thấy, thì cách nay 2500 năm Đức Phật đã phát biểu một cách rõ ràng như vậy. Ngài quả là một nhà khoa học vĩ đại!
Như vậy, điều Phật nói rất tương đồng với những gì mà khoa học hiện đại phát hiện được. Đó phải chăng là lý do mà nhà vật lý học nổi tiếng của TK 20 Einstein đã hết lời ca ngợi Phật giáo. Ông đã xem Phật giáo như tôn giáo của khoa học. Bát nhã tâm kinh vì vậy xứng đáng được gọi là bài kinh của trí tuệ, bởi nó giúp chúng ta thấy được chân lý như thật về vũ trụ vạn pháp.
Kinh Bát nhã còn viết "Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách". Nếu thực hành thâm sâu trí tuệ đáo bỉ ngạn này, sẽ soi thấy 5 uẩn cấu tạo nên thân tâm của chúng ta (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều là không, nhờ đó mà vượt qua hết mọi khổ đau, ách nạn. Tại sao chúng ta ngày nào cũng đọc Bát nhã mà khổ đau vẫn còn nhiều, ách nạn vẫn ngập tràn, vẫn chưa thể vượt qua để đến bờ an vui? Có lẽ lý do chính là chúng ta mới đọc trên miệng mà chưa thực hành thâm sâu bài kinh này. Như vậy làm sao để "hành thâm Bát nhã" đây?
Đây chính là quá trình tu học của mỗi người trong cuộc sống, bởi từ hiểu đến hành là một khoảng cách. Phật dạy pháp của ngài như là thuốc chữa lành bệnh khổ của chúng sanh, nhưng nếu chỉ cầm thuốc trong tay mà không uống thì không hết bệnh được. Cũng vậy, nếu chúng ta hiểu Bát nhã, mà không thực hành thì cũng không thể vượt thoát khổ đau, đến bờ hạnh phúc được. Thực hành Bát nhã đòi hỏi chúng ta hiểu được tánh không và tướng không của vạn pháp trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Khi đối diện với khổ đau, cần quán chiếu bản chất sâu xa của khổ: khổ từ đâu mà có? Ai khổ? Nếu thấy rõ "sắc tức thị không" thì sẽ thấy người đang đau khổ cũng là không, mà cái tâm niệm khổ đau cũng không nốt. Người chịu khổ đã không thì nổi khổ cũng không, vậy là vượt qua mọi khổ ách rồi còn gì. Bởi thấy được tính vô ngã của vạn pháp, nên ngay đó không còn sợ hãi, khổ đau nữa.
Sở dĩ con người thấy khổ là chắc thực và triền miên là bởi không thấy được cái tôi là giả tạm, hư dối. Họ cho rằng thân ta là chắc thật, tâm ta là thường còn, mà không biết lẽ vô thường. Cần nhìn thấy mọi thứ là do duyên sinh, và cũng do duyên mà tan biến. Sắc và không là 2 mặt của một đồng tiền, nhìn sắc phải thấy không, nhìn không cần biết sắc. Nếu thấy được như vậy thì không đau khổ khi đối diện với sống chết, không còn sợ hãi nữa. Bởi sống và chết là 2 mặt biểu hiện của cùng thực tại, chết không phải là mất, bởi năng lượng không sinh ra cũng không mất đi, nó chỉ tạm ẩn để chờ đợi nhân duyên và biểu hiện ở một dạng khác mà thôi. Nếu luôn duy trì được cái thấy như vậy về vô ngã, vô thường, duyên sinh của vạn pháp trong cuộc sống, tức là đã có thể hành thâm bát nhã, đã có đức tính của ngài Quán tự tại Bồ tát, và có thể thong dong dạo chơi trong cõi ta bà rồi vậy.
Hy vọng, mỗi chúng ta hãy học và hành Bát nhã tâm kinh bằng tinh thần của nhà khoa học vật lý. Để hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu kinh "Sắc tức thị không" trong bài kinh trí tuệ đáo bỉ ngạn, và áp dụng nó một cách thường xuyên khi đối diện với mọi hoàn cảnh trong cuộc đời, để có thể vượt thoát khổ ách, nếm được hương thơm của đóa hoa giải thoát, giác ngộ ngay trong đời sống hiện tại. Nào, hãy cùng tôi tụng đọc tâm kinh Bát nhã mỗi ngày bạn nhé!
Gate, gate, paragate, parasangate, bodhi, svaha!
(Đức Kiên)
(Đức Kiên)