Image via Wikipedia
Obon (お盆) hay Bon (盆), còn được biết đến như là "Ngày của người chết", là một phong tục của người Nhật theo Phật giáo để tưởng niệm những người thân đã qua đời. Phong tục Phật giáo này đã phát triển thành ngày lễ đoàn tụ gia đình, là thời điểm mọi người trở về quê cha đất tổ để thăm viếng và chăm sóc, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên. Đây cũng là thời điểm mà linh hồn của các người đã mất được phép trở về thăm con cháu. Lễ hội này, còn được gọi là Lễ hội của những con thuyền, đã được tổ chức ở Nhật hơn 500 năm và thường gắn liền với 1 điệu múa dân gian, có tên là Bon-Odori.
Lễ hội Obon kéo dài trong 3 ngày, tuy nhiên ngày bắt đầu có khác biệt đôi chút ở những vùng khác nhau của Nhật Bản. Khi người Nhật bỏ âm lịch để chuyển sang sử dụng dương lịch vào đầu thời kỳ Minh Trị, việc điều chỉnh tương ứng ở các địa phương có sự khác biệt, dẫn đến 3 thời điểm khác nhau cho ngày Obon. "Shichigatsu Bon" (Bon tháng bảy) thì tổ chức vào ngày 15 tháng 7 dương lịch ở các vùng như Tokyo, Yokohama và Tohoku. "Hatchigatsu Bon" (Bon tháng tám) thì tổ chức vào ngày 15 tháng 8 dương lịch, và là thời điểm chung nhất ở khắp nước Nhật. "Kyu Bon" (Bon cũ) được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch ở các vùng như phía bắc Kanto, Chugoku, Shikoku, và các đảo ở phía tây nam. Những ngày này không được xem là ngày nghỉ lễ chính thức ở Nhật Bản, nhưng theo phong tục người dân vẫn được cho phép nghỉ.
Obon là dạng viết tắt của Ullambana (Japanese: 于蘭盆會 or 盂蘭盆會, urabon'e). Nó có nguồn gốc từ tiếng Sanskrit có nghĩa là "treo ngược lên" và chỉ đến một sự giải thoát to lớn. Người Nhật tin rằng ngày này những người chết có thể được thoát khỏi cảnh khổ của việc bị treo ngược trong địa ngục do những tội ác từ đời trước.
Bon Odori bắt nguồn từ câu chuyện về Mục Kiền Liên (Mokuren), một đệ tử của đức Phật, người đã sử dụng thần thông của mình để tìm kiếm mẹ của mình. Ông đã nhìn thấy mẹ mình bị rơi vào cảnh giới quỷ đói và đang chịu khổ. Rất đau khổ, ông tìm đến Phật và hỏi ngài cách để cứu mẹ khỏi địa ngục. Phật đã hướng dẫn ông dâng cúng lễ vật lên chư tăng, những vị vừa hoàn tất 3 tháng an cư kiết hạ, vào ngày 15 tháng 7. Vị đệ tử đã làm theo và nhờ đó, đã nhìn thấy mẹ mình được giải thoát. Ông cũng thấy được bản chất rộng rãi thật sự của mẹ mình và những hy sinh to lớn mà bà đã dành cho ông. Ông cảm thấy hạnh phúc vì mẹ mình đã được giải thoát và biết ơn công lao của mẹ mình nên đã nhảy múa một cách vui mừng. Điệu múa Bon Odori bắt nguồn từ hành động nhảy múa vui vẻ này, đó là thời điểm mà những tổ tiên và sự hy sinh của họ được tưởng nhớ và trân trọng. Xem thêm: Kinh Vu Lan Bồn (Ullambana Sutra)
Vì lễ hội Obon thường diễn ra trong cái nóng của mùa hè, những người tham dự thường mặc trang phục truyền thống yukata, một loại kimono với chất liệu vải mỏng và mát. Có rất nhiều hoạt động trong lễ hội Obon, như là: các cuộc đi chơi ngoài trời, các trò chơi dân gian, và nhiều món ăn mùa hè, đặc biệt là dưa hấu.
(Nguồn: wikipedia.org)