Quốc vương Hữu Đức
Trong thời quá khứ vô lượng kiếp xa xưa, có đức Phật ra đời hiệu là Hoan-Hỷ
Tăng-Ích Như-Lai. Lúc bấy giờ đất nước thái bình thạnh trị, dân chúng ấm no
hạnh phúc an vui vô cùng, chẳng khác hạnh phúc của chư Bồ-Tát cõi nước Cực-Lạc.
Ðức Phật Hoan-Hỷ Tăng-Ích trụ ở đời rất lâu, đến khi cơ duyên độ sanh viên mãn,
Ngài nhập Niết-bàn ở thành Câu-Thi-Na, rừng Ta-La Song-Thọ. Sau khi Phật
Tăng-Ích nhập Niết-bàn, chánh pháp còn ở đời rất lâu đến vô lượng ức năm.
Vào lúc chánh pháp chỉ còn 40 năm cuối, bấy
giờ có vị tỳ-kheo tên là Giác-Ðức trì giới thanh tịnh, đồ chúng dự nghe đông
đảo. Tỳ-kheo Giác-Ðức khuyên cấm các tỳ kheo không được chứa nuôi tôi tớ, trâu
bò, heo dê cùng những vật phi pháp. Ðiều nầy khiến cho các tỳ-kheo phá giới oán
ghét tìm cách phá phách hãm hại tỳ-kheo Giác-Ðức. Lúc bấy giờ Quốc-vương
Hữu-Ðức biết được sự việc như vậy. Vì lòng hộ trì chánh pháp, nên nhà vua đem
quân lính đến bảo vệ tỳ-kheo Giác-Ðức an toàn thoát khỏi nạn.
Bọn tỳ-kheo phá giới kia tức giận gây chiến
với nhà vua, làm cho nhà vua bị thương nặng. Thấy cảnh đau lòng, tỳ-kheo
Giác-Ðức an ủi nhà vua rồi khen: "Lành thay! Lành thay! Vua vì hộ trì
chánh pháp mà không tiếc thân mạng. Ðời sau thân vua sẽ là vô lượng pháp
khí". Nghe xong lời tán thán ấy, nhà vua hoan hỷ thân tâm nhẹ nhàng, rồi
tắt thở, thần thức sanh về cõi Phật A-Súc làm đệ tử thứ nhất của Phật
nầy.
Quân lính theo vua chiến đấu với bọn ác tăng
và những người tùy hỷ khen ngợi tinh thần vị pháp vong thân của nhà vua đều
được tâm Bồ-đề bất thối chuyển, sau khi chết đều được sanh về cõi Phật A-Súc.
Còn tỳ-kheo Giác-Ðức sau khi mạng chung cũng được sanh về cõi Phật A-Súc làm đệ
tử thứ hai trong chúng Thanh-văn của đức Phật nầy".
Khi thuật câu chuyện trên đây xong, đức
Thích-Ca Như-Lai gọi ngài Ca-Diếp nói: "Nầy Ca-Diếp! Vị Quốc-vương Hữu-Ðức
kia chính là tiền thân của ta. Còn tỳ-kheo Giác-Ðức chính là tiền thân của
Ca-Diếp đó vậy.
Bài học: Ở thời mạt pháp, nơi mà ma
chướng nhiều hơn thuận duyên, người tu cần nổ lực tinh tấn trong việc tu tập
đạo pháp và bảo vệ chánh pháp. Trong câu chuyện này, nhà vua Hữu Đức vì hộ pháp
mà phải mất mạng, nhưng đó là cái chết đẹp, mang lại sự tái sanh ở cảnh giới
tốt lành. Tỳ kheo Giác Đức là biểu tượng đáng khen ngợi cho người tu hành, vì
đã khéo léo hộ trì, giữ gìn chánh pháp cho đời sau. Chúng ta đang sống trong
thời mạt pháp, cần nổ lực tu tập, vượt qua chướng duyên, để có thể hoằng pháp,
lợi sanh và tránh những ma lực, chướng ngại của thời đại.
(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)