Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label xahoi. Show all posts
Showing posts with label xahoi. Show all posts

Thursday, September 10, 2015

NHỮNG VIỆC NHỎ CẦN LÀM ĐỂ HƯỚNG ĐẾN 1 XÃ HỘI VĂN MINH

NHỮNG VIỆC NHỎ CẦN LÀM ĐỂ HƯỚNG ĐẾN 1 XÃ HỘI VĂN MINH


Ai trong chúng ta cũng mong muốn sống trong 1 xã hội văn minh, tiến bộ. Nhưng, thế nào là 1 xã hội văn minh? Câu hỏi tuy đơn giản nhưng cũng thật khó để trả lời 1 cách đầy đủ. Tuy nhiên, có những điểm chung mọi người đều nhận thấy ở xã hội văn minh, đó là, môi trường sống luôn sạch sẽ, con người biết tôn trọng kỷ cương phép nước, ứng xử giữa con người với nhau thân thiện, mọi người có hiểu biết và có ý thức hướng đến lợi ích chung. Để đạt được một môi trường sống lý tưởng như trên, đòi hỏi cả 1 quá trình dài để thay đổi từ nhận thức của cá nhân, chỉnh sửa các thiết chế quản lý xã hội, đến hình thành thói quen và phong cách sống của cả xã hội. Bao giờ thì Việt Nam mới trở thành xã hội văn minh?

Khi quan sát hiện tình xã hội Việt Nam, tôi nhận thấy có nhiều vấn đề cần phải khắc phục để đất nước có thể phát triển và tiến gần hơn với mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội Công bằng, Văn minh. Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều có thể trở thành một nước văn minh được, nếu chúng ta không bắt tay vào việc thay đổi xã hội ngay từ bây giờ, và từ những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất. Vì vậy, thay vì kêu gọi, hô hào xuông, chúng ta hãy cùng nhau chọn ra những việc nhỏ, dễ thực hiện nhất để bắt đầu công cuộc cải cách đất nước theo chiều hướng tiến bộ.

Dưới đây là 1 số việc đơn giản, theo tôi, có thể thực hiện ngay, ở cả phạm vi cá nhân và tập thể, nhưng có tác dụng rất lớn đến tiến trình chuyển hóa tích cực của đất nước ta trong tương lai.

1/ Giữ gìn vệ sinh chung: Nhìn tấm gương của Singapore, ta thấy, họ rất quan tâm đến vấn đề này. Không những tác động vào ý thức người dân, mà họ còn chú trọng đến quá trình vận hành hệ thống thu gom, xử lý rác, cũng như việc phạt thật nặng những người xả rác bừa bãi. Tuy đây là việc nhỏ, nhưng nó rất quan trọng để giáo dục mọi người về ý thức tôn trọng môi trường sống, một tài nguyên chung của xã hội. Một người bỏ rác bừa bãi, tuy chẳng đáng kể, nhưng nhiều người cùng làm vậy, thì cả thành phố trở nên 1 thùng rác lớn, rất dơ và ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong thành phố đó. Để đạt được mục tiêu này, ta cần chú trọng giáo dục trẻ em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để việc bỏ rác đúng nơi quy định trở thành thói quen. Người lớn cần phải có ý thức làm gương, và đôi khi, cũng cần học tập từ trẻ em về thói quen giữ gìn vệ sinh chung. Cũng cần hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý rác thải. Lắp đặt thêm nhiều thùng rác ở các khu công cộng. Ngoài ra, cần vai trò của các tổ dân phố, CA. khu vực, dân phòng… trong việc nhắc nhở người dân bỏ rác đúng giờ giấc và đúng nơi quy định. Có hình thức xử phạt thật nặng đối với những người vi phạm nhiều lần. Ở Việt Nam, hiện nay, vẫn có những người cố ý bỏ rác sang nhà người khác, cho các loại thú cưng đi chơi và phóng uế trên đường phố, vất tàn thuốc lá bừa bãi, tiểu bậy, hoặc móc bọc làm vương vãi rác… đã góp phần làm bẩn môi trường sống và gây ảnh hưởng cho nhiều người xung quanh. Một hình thức phạt bằng đánh đòn đã được Singapore áp dụng, tuy chỉ có ý nghĩa biểu tượng, nhưng lại có tác dụng giáo dục khá tốt. Hình thức này cũng có thể xem xét để áp dụng ở Việt Nam.

2/ Biết quan tâm, chia sẻ với cộng đồng: Một xã hội văn minh đòi hỏi con người phải biết quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng, biết chia sẻ khó khăn của người khác. Ở nước ta, tinh thần tương thân, tương ái, và hỗ trợ cồng đồng đã có truyền thống từ lâu và cũng được xem là điểm tích cực gắn kết mọi người trong tình làng, nghĩa xóm. Tuy nhiên, với quá trình đô thị hóa, ý thức này đã mai một ở một bộ phận xã hội, đặc biệt là ở giới trẻ, cần phải được khôi phục lại. Những biểu hiện quan tâm đến mọi người và môi trường sống xung quanh sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, chẳng hạn như: cùng làm sạch đường phố, nhắc nhở mọi người không câu cá ở nơi công cộng, bảo vệ cây xanh, ngăn việc lấp sông, phá rừng, đóng góp cho việc xây cầu, cống, làm đường… Ở các nước phát triển, mọi người được khuyến khích tham gia vào các xã hội dân sự, là những hội, đoàn được lập ra 1 cách tự nguyện và tự vận hành mà không có sự can thiệp của nhà nước. Xã hội dân sự được xem là 1 trụ cột của các nước dân chủ vì nó góp phần ổn định và cân bằng các mối quan hệ trong xã hội: Nhà nước–Doanh nghiệp–Công dân. Để đạt mục tiêu này, cần có khung pháp lý về việc lập hội và gia nhập hội. Nhà nước cần góp phần thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức phi chính phủ, các đoàn thể quan tâm tới mục tiêu dân sinh, thiện nguyện, hoặc các hội nhóm sở thích… Các đoàn thể tôn giáo cũng có thể được xem là 1 phần của xã hội dân sự, nên được khuyến khích để tự do phát triển. Bên cạnh sự tham gia của các tổ chức đoàn thể dân sự, nhà nước cũng cần chú ý đến các chính sách hỗ trợ các đối tượng dễ tổn thương trong xã hội, như: người nghèo, già cả, neo đơn, khuyết tật… Ở Nhật Bản, có các phương tiện để hỗ trợ người tàn tật như: các đường phố đều có 1 làn gạch màu vàng đắp nổi dành cho người mù có thể tự đi lại ; các ngã tư đèn đỏ đều có thêm tín hiệu âm thanh ; các lối vào các tòa nhà, bến xe luôn có đường dành cho người đi xe lăn…

3/ Tôn trọng pháp luật: Đây là 1 điểm quan trọng để đánh giá mức độ trưởng thành của 1 cộng đồng, xã hội. Ở xã hội phát triển, pháp luật khá hoàn thiện và được cả xã hội tuân theo như là 1 khế ước tập thể, nó góp phần điều chỉnh hành vi của mọi người trong xã hội. Ở 1 quốc gia kém phát triển, luật pháp thường không đầy đủ và không được tuân thủ nghiêm ngặt bởi mọi người trong xã hội. Nhìn lại nước ta, truyền thống “phép vua thua lệ làng” từ xưa đã cho thấy sự thiếu tuân thủ chặt chẽ pháp luật. Một câu nói nổi tiếng vẫn thường được nhắc đến để mô tả thực trạng pháp luật không được tôn trọng ở nước ta, đó là “nước ta có 1 rừng luật, nhưng thực tế chúng ta vẫn dùng luật rừng”. Nhìn vào xã hội, ta thấy rất nhiều hiện tượng vi phạm kỷ luật chung xảy ra hằng ngày, như: không chịu xếp hàng, vượt đèn đỏ, chạy trường, chạy công việc, chạy dự án, và cả chạy án… Vì vậy, để nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, chúng ta cần thực hiện song song 2 việc: (1) Cần cải cách hoạt động lập pháp, rà soát và hoàn thiện khung pháp lý, sao cho, các vấn đề phát sinh có thể được xử lý 1 cách công bằng, minh bạch, đúng người, đúng tội, và (2) Cần hoàn thiện cơ chế, và xây dựng đội ngũ hành pháp và tư pháp đủ năng lực, và công chính trong việc thực thi pháp luật. Ngoài ra, các bộ phận lập pháp, hành pháp, và tư pháp cần độc lập với nhau, để đảm bảo tính khách quan và công bằng của pháp luật. Cần xây dựng ý thức tôn trọng kỷ cương, phép nước trong mọi người dân, bất kể địa vị, chức vụ. Công chức nhà nước nếu phạm pháp cần phải xử phạt nặng hơn người thường. Để khôi phục kỷ cương phép nước, cần tạo dựng niềm tin của công chúng vào tính công bằng của pháp luật, và sự liêm chính của đội ngũ thực thi pháp luật. Ngoài ra, cũng cần phổ biến kiến thức pháp luật sâu rộng trong mọi công dân, bằng các bài học ở trường lớp, các phim truyện về tình huống pháp luật, các trung tâm tư vấn pháp luật miễn phí, và các cổng thông tin pháp luật…

4/ Biết cách thể hiện quan điểm, ý kiến: Ở xã hội văn minh, mọi người được quyền bày tỏ ý kiến của mình một cách tự do, miễn là không xúc phạm đến người khác. Chỉ có bằng việc trao đổi, thảo luận 1 cách công khai, tự do, thì các sáng kiến, ý tưởng hay mới có dịp được thể hiện và áp dụng. Ở nước ta, do truyền thống văn hóa và do cách giáo dục, nên khi được mời phát biểu ý kiến, nhiều học sinh, sinh viên không biết cách thể hiện quan điểm của mình. Điều này, có nguyên nhân từ thói quen ít được phát biểu trong những năm học phổ thông và tâm lý sợ sai. Để khắc phục, cần phải bắt đầu từ việc giáo dục ở nhà trường, các thầy/cô phải tập cho các em thói quen phát biểu và trình bày ý tưởng của mình, phải xem đây là 1 trong các mục tiêu giáo dục và cần được đánh giá sự tiến bộ sau mỗi cấp học. Việc tôn trọng quan điểm, ý kiến khác biệt là rất cần thiết để tạo ra sự tự tin ở người phát biểu. Nếu thầy/cô la rầy, hay không chấp nhận những ý kiến khác biệt, lâu dần, sẽ làm học trò sợ sai và không dám phát biểu ý kiến. Cũng vậy, nếu xã hội thiếu khoan dung với những ý kiến, tư tưởng khác biệt, cấm đoán hoặc bỏ tù những người nói trái quan điểm của nhà cầm quyền, lâu dần, xã hội sẽ mất khả năng sáng tạo, và người dân sẽ không dám bày tỏ ý kiến phản biện hay phê phán để góp phần cải thiện xã hội. Một xã hội mà người dân sợ sệt, không dám bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình, là một xã hội bất an, và không thể phát triển được, bởi xã hội đó đã không tận dụng được trí tuệ tập thể. Nếu nhà cầm quyền chỉ dựa trên sức mạnh để trấn áp những tiếng nói khác biệt sẽ tạo nên nhiều chia rẽ và xung đột ẩn tàng bên trong xã hội. Những mâu thuẫn đó nếu không được giải tỏa, nó sẽ có nguy cở trở thành tác nhân gây bất ổn xã hội.

5/ Tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình: Đây là mục tiêu rất quan trọng của một xã hội dân chủ, văn minh. Ở đó, mọi người biết cách ra quyết định đối với những việc quan trọng của xã hội và tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Chính việc tự quyết và tự chịu trách nhiệm thể hiện người dân có quyền làm chủ đối với đất nước và vận mệnh của họ. Ví dụ: quyết định của người dân Đông Timor để tách khỏi Indonesia, quyết định của người dân Scotland khi tiếp tục là 1 phần của nước Anh… Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi người dân phải có mức độ hiểu biết nhất định về luật pháp, tổ chức xã hội, biết cách sử dụng các công cụ như bỏ phiếu, bất tuân dân sự, biểu tình… để thể hiện quan điểm, quyết định của mình đối với các vấn đề chung của xã hội, và cũng chịu trách nhiệm với những quyết định đó. Ở nước ta, một bộ phận dân chúng vẫn có thói quen thờ ơ với việc chung, không dám quyết định chuyện gì, nhất là chuyện chính trị, hay việc chung của cả nước, vì họ nghĩ “mọi chuyện đã có đảng và nhà nước lo”. Đây là 1 thái độ thiếu trưởng thành, lệ thuộc, thể hiện tâm thế của kẻ nô lệ hơn là của người công dân trong 1 đất nước tự do. Điều này có thể do hệ quả của chiến tranh, do người dân thiếu kiến thức, hoặc do chưa quen với việc ra quyết định và chịu trách nhiệm với các quyết định của mình. Vì vậy, giờ là lúc để mọi người phải trưởng thành hơn lên, phải biết cách ra những quyết định liên quan tới cuộc sống của mình, thay vì ngồi đó than vãn về môi trường sống ô nhiễm, thực phẩm thiếu vệ sinh, giáo dục xuống cấp, y tế quá tải, công chức làm việc kém, tham nhũng… Hãy cùng nhau quyết định cải tạo vệ sinh chung, yêu cầu thay đổi những chính sách sai lầm, đòi cách chức các công chức kém hiệu quả, cùng tạo ra những thiết chế xã hội lành mạnh, tích cực… để thấy rằng mình chính là người chủ thật sự của đất nước và chịu một phần trách nhiệm đối với đất nước này.

Trên đây là tóm tắt một vài điều, tuy nhỏ nhặt, có thể chưa đầy đủ, nhưng nếu mọi người cùng nhau thực hiện, thì nó sẽ có tác dụng lan tỏa, tạo ra sự thay đổi rất lớn đối với tương lai đất nước. Như sự vỗ cánh của một con bướm, tuy nhỏ bé, nhưng nếu gặp điều kiện thích hợp và có sự cộng hưởng, thì có thể tạo nên 1 cơn bão lớn quét sạch những rác rưới ở một nơi rất xa. Do đó, nếu mọi người đồng lòng, cùng thực hiện được những điều trên đây, Việt Nam đã có thể chuyển hướng và bước vào lộ trình phát triển vững chắc trên con đường tiến đến mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội Công bằng, Dân chủ, Văn minh. Vấn đề đặt ra là sự thay đổi nào cũng cần phải có can đảm và quyết tâm. Phải biết vượt qua những trở ngại, dị biệt lúc ban đầu, biết đoàn kết, gạt bỏ những điều tệ xấu hiện tại, can đảm phá bỏ những gì cản trở đất nước tiến triển theo chiều hướng tiến bộ, để thực hiện ước vọng của toàn dân.

Liệu lúc này, mọi người đã sẳn sàng đồng lòng, chung tay góp sức cho một nước Việt Nam giàu mạnh, tiến bộ, dân chủ và văn minh trong tương lai hay chưa? Câu hỏi đó đặt ra cho tất cả chúng ta, những người Việt Nam ở trong và ngoài nước, công chức hay dân thường, những người còn biết lo lắng cho vận mệnh của đất nước và con cháu chúng ta, trước hiểm họa ngoại xâm, và lệ thuộc đang đến rất gần. Tiến lên một xã hội văn minh, phát triển hay mãi mãi dậm chân ở vũng lầy kém cõi và lệ thuộc là do chính chúng ta quyết định.

Tp.HCM, Tháng 9/ 2015
TS. Phạm Quốc Trung

Saturday, November 30, 2013

Quản lý quy trình từ góc nhìn thực tế


Quản lý Quy trình từ góc nhìn thực tế

Quản lý quy trình kinh doanh (business process management) là một vấn đề rất quan trọng đối với các tổ chức muốn chuẩn hóa quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng như ISO, hay chuẩn bị điều kiện cho việc triển khai các hệ thống thông tin quản lý. Sâu xa hơn, việc quản lý quy trình có thể giúp nhà quản lý hiểu được toàn bộ chuỗi giá trị của tổ chức mình, xác định các khuyết điểm và vấn đề tồn đọng, qua đó thiết kế/ cải tiến các quy trình đang có theo hướng tối ưu hóa, mang lại giá trị nhiều hơn cho khách hàng (đối tượng phục vụ). Khi giảng về vấn đề này, tôi thường tập trung nói về các bước thực hiện và các kỹ thuật để quản lý quy trình, như: các công cụ mô hình hóa, cách phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình, cách áp dụng CNTT để giải quyết 1 số vấn đề của quy trình hiện tại..., nhưng chưa chú trọng đến tinh thần của việc cải tiến quy trình, là hướng tới khách hàng, mục tiêu là làm tăng giá trị của sản phẩm/ dịch vụ cung cấp và làm cho khách hàng hài lòng hơn. Mọi đề xuất cải tiến quy trình đều phải lấy khách hàng làm điểm tham chiếu chính, đây mới là tinh thần cốt lõi của việc quản lý quy trình.

Trên thực tế, ta thấy nhiều quy trình được thiết kế chỉ nhằm mang lại thuận lợi cho nhà cung cấp dịch vụ, hay nhiều tổ chức vì quá tự tin vào các hệ thống thông tin áp dụng, mà lại không nhận ra rằng nó có những quy trình gây phiền hà cho khách hàng, làm giảm hiệu quả của hệ thống. Gần đây, khi quan sát một số vấn đề trong cuộc sống thực tế liên quan đến thiết kế và vận hành quy trình, tôi càng thấy rõ hơn điều cốt lõi trong quản lý quy trình chính là làm sao có thể mang lại giá trị nhiều hơn cho khách hàng, chứ không phải chỉ là vấn đề mô hình hóa và cải tiến mô hình như mình đã giảng cho SV.

Ví dụ thực tế đầu tiên, đó là khi đọc trên báo chí về phát biểu của một số quan chức về tình trạng xả lũ của các thủy điện ở miền Trung là "đúng quy trình", mặc dù hậu quả nhãn tiền là quy trình đó đã gây ngập lụt nghiêm trọng, dẫn đến chết nhiều mạng người. Khi phát biểu câu này, có lẽ giả định trong đầu của các vị quan chức này là mọi quy trình đã được thiết kế là đúng. Chính vì vậy, họ cho rằng không có gì sai khi thực hiện theo đúng quy trình, dù cho kết quả có dẫn đến lụt lội, chết người đi chăng nữa. Điều này xuất phát từ 1 giả định sai, bởi vì không có quy trình nào là đúng/ sai tuyệt đối, mà chỉ có quy trình tốt/ không tốt theo nghĩa mang lại lợi ích/ giảm thiểu thiệt hại cho người dân (đối tượng lãnh hậu quả do việc xả lũ của các hồ thủy điện). Hiện nay, chính phủ cũng có 1 vài biện pháp như là cứu trợ đồng bào lũ lụt, khắc phục hậu quả, hạn chế việc xây dựng thủy điện mới..., đó là những biện pháp đúng nhưng chưa đủ. Điều cần thiết hiện nay là chính quyền các cấp cần nhận ra là quy trình xả lũ hiện nay của các hồ thủy điện là 1 quy trình không tốt, bởi nó gây ra thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng của người dân, và cần phải gấp rút cải tiến quy trình xả lũ hiện tại, sao cho, những lần xả lũ tới sẽ không gây ra thiệt hại như thế nữa.

Khó khăn của việc quản lý quy trình đó là cần phải nhìn thấy sự liên quan với nhau của nhiều bộ phận trong cùng 1 quy trình, chứ không phải chỉ giải quyết bài toán trong 1 phạm vi hẹp của 1 hồ thủy điện. Cụ thể, ở đây, quy trình xả lũ tốt cần sự phối hợp của tất cả các nhà máy thủy điện trên cùng 1 con sông, các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các cấp quản lý ngành, chính quyền địa phương, và người dân ở khu vực đó. Vấn đề xả lũ hiện nay đòi hỏi phải có 1 cơ quan làm nhiệm vụ điều phối hoạt động xả lũ dựa trên thông tin về mực nước của các hồ thủy điện, thông tin dự báo về lượng mưa, thông tin về mực nước sông và nhu cầu sử dụng nước của người dân. Dựa trên các thông tin này, cơ quan điều phối sẽ lập kế hoạch xả lũ tối ưu, đồng thời sẽ là đầu mối thông tin đến chính quyền và người dân ở khu vực bị ảnh hưởng để biết về kế hoạch này. Ngoài ra, về lâu dài, cơ quan này cũng phải làm nhiệm vụ đưa ra các nguyên tắc, quy định chung và các giải pháp để đảm bảo an toàn các hồ chứa, giảm thiểu thiệt hại của việc xả lũ, kiểm tra việc tuân thủ các quy định vận hành an toàn, và xử phạt các đơn vị vi phạm các quy tắc đó. Theo tôi nghĩ, nếu các quan chức thực lòng lo cho an nguy và tính mạng của người dân, thì không nên có những phát biểu theo kiểu chối bỏ trách nhiệm như trên, mà nên có những kế hoạch và hành động thiết thực để mùa lũ sang năm sẽ không có những cảnh thiên tai và nhân tai song hành như hiện tại.

Ví dụ thứ hai, đó là kinh nghiệm đi cắt Internet MegaVNN của gia đình. Số là, trước đây tôi đăng ký sử dụng dịch vụ MegaVNN với gói khuyến mãi giảm giá 20%, nhưng phải sử dụng trong 1 năm rưỡi. Tuy nhiên, hiện nay, gia đình tôi đã đăng ký 1 gói dịch vụ khác với tốc độ nhanh hơn. Vì vậy, dư ra 1 đường Internet cần phải bỏ bớt. Thế nhưng khi tôi yêu cầu hủy bỏ dịch vụ MegaVNN, công ty VNPT yêu cầu tôi phải trả lại số tiền khuyến mãi của 15 tháng đã sử dụng, còn không thì phải đợi đến hết 18 tháng mới được cắt. Tôi đề nghị cho tôi đóng tiền 3 tháng còn lại rồi cắt hợp đồng, thì cô nhân viên trả lời quy trình của HTTT hiện tại không cho phép làm như vậy. Vấn đề đặt ra ở đây là, quy trình hiện tại của HTTT của VNPT đã thiết kế thiếu chức năng kết thúc hợp đồng trước thời hạn của khách. Khách hàng phải có 2 chọn lựa kết thúc: (1) đóng nốt số tiền còn lại cho hết hợp đồng, và (2) đền trả số tiền đã được khuyến mãi. Đây là nhu cầu có thực của khách hàng, và HTTT cần phải thiết kế để đáp ứng nhu cầu này, chứ không phải bắt khách hàng chịu khó đóng tiền thêm vài tháng nữa cho hết hạn rồi mới được cắt hợp đồng. Khi tôi giải thích vấn đề này và yêu cầu cô nhân viên tư vấn góp ý lại với bộ phận IT để cải tiến hệ thống, thì cô không hiểu vấn đề và cho tôi là một khách hàng khó tính (chắc cô cũng nghĩ rằng cô đang làm đúng quy trình). Có lẽ xuất phát từ giả định sai lầm là HTTT cô đang sử dụng là 1 hệ thống rất hiện đại, và mọi quy trình thiết kế là đúng, và cô chỉ cần làm theo quy trình là xong. Nhưng giả định đó là sai, vì quy trình thiết kế hiện tại không hướng tới việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng, và không tạo ra sự thuận tiện cho khách hàng. Mặc dù, sau 3 tháng đóng tiền, cuối cùng tôi cũng cắt được hợp đồng, nhưng vì sự bất tiện này, có lẽ VNPT đã mất đi 1 khách hàng, và sẽ mất thêm nhiều khách hàng nữa nếu không cải tiến quy trình. Đó là thiệt hại rất lớn, mà nhân viên phục vụ và người thiết kế quy trình của VNPT không nhận thấy được.

Từ một số ví dụ trên, ta cần thấy ra bản chất của việc quản lý quy trình, phải xem đó là 1 cách tiếp cận có tính hệ thống, nhằm nắm bắt được bản chất và mối quan hệ của các quy trình nghiệp vụ hiện tại, giúp nhà quản lý học tập về hệ thống và tìm ra những khuyết điểm của quy trình hiện tại, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp cải tiến quy trình, nhằm mang lại giá trị nhiều hơn cho đối tượng phục vụ. Ta cũng có thể áp dụng nguyên tắc này khi xem xét cải tiến, thay đổi quy trình ở bối cảnh vĩ mô, như là: tái cấu trúc nền kinh tế, hay là sửa đổi luật pháp, hiến pháp... Nếu ta chỉ đề xuất thay đổi chung chung, mà không xác định chính xác điểm tham chiếu của những thay đổi chính sách vĩ mô là người dân, thì có khi những thay đổi đề xuất lại gây ra bất lợi cho người dân, dẫn đến những "lỗi cơ chế" hay "lỗi hệ thống", làm người dân thêm bất mãn và hạn chế sự phát triển của đất nước, mà nguyên nhân phần lớn do việc thiết kế quy trình không tốt hay chỉ xuất phát từ lợi ích của nhà quản lý, hay các nhóm lợi ích, mà quên mất điểm tham chiếu là sự hài lòng của khách hàng (người dân).

Trên thực tế, có nhiều chính sách quản lý của nhà nước, hay nhiều điều luật trong bộ luật, hay hiến pháp rất bất cập, gây nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong khi thực hiện, và cũng được người dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học phản ánh rất nhiều, nhưng vẫn chưa được khắc phục. Ví dụ: luật đất đai quy định về "sở hữu toàn dân" là nguyên nhân gây ra hiện tượng dân oan ngày càng tăng trong cả nước, luật quy định doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo là nguyên nhân cho việc đối xử bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế... Tuy nhiên, những quy định sai lầm này sẽ không thể được sửa chữa nếu cơ quan hành pháp và lập pháp không nhận ra những giả định sai lầm bấy lâu nay. Giả định đó là, mọi quy trình hiện có là đúng, và chỉ cần thực hiện theo đó là hết trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Để sửa chữa sai lầm này, nhà nước cần phải thấy mình là 1 đơn vị cung cấp dịch vụ công, và mọi quy định của nhà nước phải làm hài lòng người dân, chính là khách hàng, người đã đóng thuế nuôi dưỡng guồng máy nhà nước để phục vụ cho mình. Vì vậy, các nhân viên công quyền cần phải nhận ra giả định sai lầm trên, các cơ quan nhà nước cần phải rà soát lại các quy trình của các dịch vụ công hiện có, phải nhận ra những quy trình tốt để phát huy (theo nghĩa là mang lại giá trị nhiều hơn cho người người dân, làm người dân hài lòng hơn) và những quy trình không tốt để cải tiến (tức là gây thiệt hại cho người dân, làm họ bất mãn). Và như vậy, khi sửa đổi quy trình, quy định, luật lệ hay hiến pháp cần phải lấy thước đo là sự hài lòng của người dân, chứ không phải là sự hài lòng của nhà nước hay của đảng cầm quyền. Vì vậy, khi đọc bài báo hôm qua cho thấy quốc hội đã bấm nút thông qua hiến pháp sửa đổi với những quy định gây nhiều bất lợi cho dân vẫn chưa được sửa, bài báo dùng những cụm từ "hân hoan", "thành công tốt đẹp", nhưng sao tôi vẫn cảm thấy không vui vì biết rằng "lỗi cơ chế" hay "lỗi hệ thống" vẫn còn đó.

Mong rằng, những thay đổi sắp tới liên quan đến quy trình, chính sách, quy định của nhà nước sẽ áp dụng tốt việc quản lý quy trình và khắc phục được khuyết điểm hiện nay. Sao cho, mọi cơ quan công quyền đều biết lấy người dân làm mốc tham chiếu cho mọi cải tiến chính sách. Được như vậy, thì những cụm từ "hân hoan" không phải chỉ được nói ra từ cửa miệng của các quan chức, mà sẽ là niềm vui thực sự của người dân có liên quan đến chính sách đó.

TS. Phạm Quốc Trung

Sunday, July 1, 2012

LÀM THẾ NÀO ĐỂ XÂY DỰNG MỘT XÃ HỘI BÌNH ĐẲNG

LÀM THẾ NÀO ĐỂ XÂY DỰNG MỘT XÃ HỘI BÌNH ĐẲNG

Qua bài viết trước đây của tôi, “Bình đẳng – lý tưởng chung của mọi xã hội”, chúng ta đã biết được bình đẳng là mơ ước và mục tiêu chung của mọi xã hội. Qua đó, ta cũng thấy rằng bình đẳng chính là thước đo trình độ văn minh và tiến bộ của một đất nước, một xã hội. Về nghĩa đen, bình đẳng có nghĩa là ngang bằng, còn về nghĩa mở rộng, bình đẳng là lý tưởng xem mọi người đều có giá trị như nhau bất kể sự khác biệt về màu da, sắc tộc, nguồn gốc, tôn giáo, địa vị, sở hữu… Chính nhờ lý tưởng này mà chúng ta thấy rằng mọi người sinh ra trên trái đất này cần được hưởng những quyền lợi và cơ hội thăng tiến như nhau trong xã hội (quyền được mưu cầu hạnh phúc). Tuy vậy, nhìn vào thế giới ngày nay, ta thấy rằng vẫn còn nhiều nước mà lý tưởng này vẫn chưa hiện thực được, người dân ở đó vẫn còn phải chịu nhiều oan khuất, bất công. Tại sao việc xây dựng một xã hội bình đẳng lại quá khó khăn? Phải chăng có sự khác biệt lớn giữa nhận thức và hành động của chúng ta? Vấn đề đặt ra là làm sao để xây dựng một cơ chế để đảm bảo sự bình đẳng giữa mọi người.

Đầu tiên, chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc của sự bất bình đẳng. Nhìn vào hiện tượng bất bình đẳng trong xã hội, ta thấy nguyên nhân nằm ở ý thức của những người sống trong xã hội đó. Chẳng hạn, có những nhóm người tự cho mình ở vị trí cao hơn kẻ khác và, vì vậy (theo họ nghĩ) đương nhiên họ được hưởng những quyền lợi cao hơn kẻ khác. Ví dụ: ở xã hội chiếm hữu nô lệ, người chủ nô nghĩ rằng họ có vị trí cao hơn những người nô lệ, cho nên họ thiết lập những điều luật để đảm bảo quyền lợi của mình bằng cách bóc lột và hạn chế quyền tự do của nô lệ; ở xã hội phong kiến, vua được cho là có vị trí cao nhất trong xã hội, vì vậy những quy định trong xã hội đó nhằm đảm bảo quyền lợi tối thượng của vua, và người dân ở vị trí thấp nhất phải tuân thủ những quy định do vua đặt ra cho dù quy định đó có bất công đến đâu. Ta thấy rằng, sự phát triển của xã hội loài người đi cùng với sự thay đổi nhận thức của họ, theo hướng loại bỏ dần những hiện tượng bất bình đẳng này. Chính nhận thức của con người là nguyên nhân căn bản khiến họ chấp nhận những hiện tượng bất công trong xã hội. Vì vậy, ngày nay nhận thức của chúng ta mở rộng, những kiểu đối xử kỳ thị giữa chủ nô và nô lệ, hay kiểu quan hệ “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” giữa vua-tôi trong thời phong kiến không còn đất tồn tại nữa. Chính vì vậy, vấn đề căn bản để xây dựng xã hội bình đẳng là nuôi dưỡng ý thức yêu chuộng sự công bằng ở mọi người dân, và xây dựng thiết chế xã hội để đảm bảo quyền bình đẳng và cơ hội phát triển như nhau giữa mọi người trong xã hội.

Trong quá khứ, chúng ta thấy có nhiều chủ thuyết đưa ra nhằm xây dựng một xã hội bình đẳng, trong đó gần đây nhất có chủ thuyết về đấu tranh giai cấp. Chủ thuyết này cho rằng trong xã hội luôn tồn tại 2 giai cấp là giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, từ đó dẫn đến những vấn đề bất bình đẳng giữa 2 giai cấp đó, giải pháp cho vấn đề là dùng đấu tranh cách mạng để lật đổ giai cấp thống trị và xây dựng một xã hội đại đồng không còn giai cấp nữa. Nhưng thật tế cho thấy rằng giải pháp này gặp thất bại vì không thể xây dựng được 1 xã hội không giai cấp. Bởi vậy, sau khi lật đổ giai cấp thống trị, họ vẫn không thể xóa bỏ ranh giới giai cấp, mà lại xây dựng nên 1 giai cấp thống trị mới, và như thế vòng luẩn quẩn của đấu tranh giai cấp sẽ không bao giờ chấm dứt. Vì vậy, ta cần phải chấp nhận một thực tế, đó là xã hội loài người luôn đa dạng, gồm nhiều thành phần, giai cấp khác nhau. Vấn đề chính trong việc xây dựng xã hội bình đẳng là làm sao để mọi người có thể chung sống hòa bình, an lạc và tôn trọng lẫn nhau. Muốn được như vậy, ta cần phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của mỗi người trong xã hội, sao cho ai cũng biết yêu chuộng sự công bằng, biết nhìn mọi người bằng con mắt bình đẳng, biết hành xử và tôn trọng quy tắc bình đẳng này để có thể sống chung an lạc với mọi người xung quanh. Ngoài ra, ta cũng cần những luật định để nghiêm phạt những ai vi phạm và áp dụng hình phạt một cách đồng đều. Hơn nữa, ta cũng cần những người lãnh đạo gương mẫu, đi tiên phong trong việc xây dựng xã hội bình đẳng.

Nhìn vào lịch sử, ta thấy việc thay đổi ý thức xã hội và xây dựng cơ chế cho 1 xã hội bình đẳng phát triển là có thể thực hiện được, chỉ cần sự quyết tâm và tài lãnh đạo. Cách đây hơn 2 thiên niên kỷ, ở xứ sở Ấn Độ đầy ý thức phân biệt giai cấp, chính Đức Phật Thích Ca là người đầu tiên đã tuyên bố 1 cách rõ ràng và mạnh mẽ về lý tưởng bình đẳng này qua phát biểu “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, dòng máu cùng đỏ”. Lý tưởng này đến nay ngày càng chứng tỏ giá trị của nó trong một xã hội hiện đại. Để hiện thực lý tưởng đó, Đức Phật đã bắt đầu từ việc chuyển đổi ý thức của các đệ tử, bằng việc giảng dạy và huân tập ý thức về “Vô Ngã, Vị Tha”, luôn tôn trọng sự sống của mọi người, mọi loài. Bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức sai lầm về mối quan hệ giữa mình và người để có được chánh kiến về sự bình đẳng, đi dần đến việc mở rộng lòng yêu thương để có thể cảm thông, chia sẻ nỗi khổ của người khác. Từ đó, làm cơ sở để phát triển một cộng đồng tu học đầy tình yêu thương, nhân ái và bình đẳng. Không những bằng lời giảng, mà chính trong hành động của Ngài cũng thể hiện lý tưởng đó, như nhận vào giáo đoàn tất cả mọi người từ đủ mọi giai cấp, ngành nghề. Đây có thể được xem là kiểu mẫu để xây dựng 1 xã hội bình đẳng trong tương lai.

Nhìn vào hiện trạng nước ta, lý tưởng bình đẳng đã được thực hiện tới đâu? Liệu người dân có hưởng được quyền và lợi ích bình đẳng trước pháp luật như hiến pháp nước ta vẫn thừa nhận? Nhìn chung, mức độ bình đẳng ở nước ta còn thấp và mới dừng nhiều ở lý thuyết mà chưa đi vào thực tiễn cuộc sống. Có thể kể ra 1 số điển hình của bất bình đẳng như: giữa nông thôn & thành thị, giữa đảng viên & người ngoài đảng, chính quyền & nhân dân, người giàu & người nghèo… Dựa vào các nghiên cứu kinh tế gần đây, một hiện tượng nổi bật ở nước ta là sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, kéo theo nó là sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo. Trong khi người giàu được tự do chọn lựa các dịch vụ giáo dục, y tế, giải trí… thì người nghèo chỉ có thể tiếp cận những dịch vụ giáo dục, y tế rẻ tiền nhất (và nếu không có tiền thì bị loại ra khỏi hệ thống). Ngoài ra, một hiện tượng bất bình đẳng cũng đang gia tăng là giữa công chức nhà nước và dân thường trong việc tiếp cận thông tin và việc bào chữa. Khi đối diện với cùng 1 tội trạng thì công chức nhà nước thường được xử nhẹ, còn dân thường thì phải chịu án nặng (vd. công an đánh dân & dân đánh công an). Một hiện tượng cũng được nói tới nhiều trong những năm vừa qua là sự bất bình đẳng giữa công nhân và chủ nước ngoài (thể hiện ở tỷ lệ gia tăng số cuộc đình công ở các khu công nghiệp). Trong khi việc đình công thường bị xem là bất hợp pháp và đầy rủi ro đối với công nhân, thì các chủ tư bản nước ngoài vẫn được các chính quyền địa phương chào đón và tạo nhiều thuận lợi. Đặc biệt nghiêm trọng là sự liên kết giữa chủ dự án đầu tư nước ngoài với chính quyền địa phương trong việc cưỡng chế đất đai của nông dân, dẫn tới tỷ lệ gia tăng của số lượng dân oan và những khiếu kiện dai dẳng liên quan đến đất đai vì mâu thuẫn quyền lợi giữa một bên là người nông dân mất đất và bên kia là chủ đầu tư + chính quyền. Tất cả các hiện tượng trên, cho thấy đã đến lúc chúng ta phải hành động để thay đổi hiện trạng xã hội, theo hướng bình đẳng hơn, giảm bớt bất công, để có thể mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân như mục tiêu xưa giờ của mọi lực lượng lãnh đạo đất nước.

Như vậy, để thay đổi hiện trạng xã hội theo hướng bình đẳng hơn, ta cần phải tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính: (1) giáo dục ý thức yêu chuộng sự công bằng ở mọi người dân, bắt đầu từ giáo dục ở cấp tiểu học; (2) sửa đổi hiến pháp và pháp luật sao cho phản ánh được tiếng nói của mọi thành phần trong xã hội, đảm bảo sự giám sát chéo, hạn chế sự lạm quyền, cho phép sự chỉnh sửa hệ thống theo hướng tiến bộ hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần 1 nhà lãnh đạo biết yêu chuộng sự công bằng, có tài lãnh đạo và quyết tâm thay đổi xã hội theo hướng tiến bộ hơn, công bằng hơn.

Liên quan đến giải pháp (1), chúng ta cần sửa đổi chương trình và phương pháp giảng dạy để giúp các em học sinh có ý thức yêu chuộng sự công bằng. Không những bằng bài giảng, mà phải áp dụng trong các công việc cụ thể, như: biết xếp hàng chờ đến lượt mình, biết dừng đèn đỏ, có quy định phạt đối với những em vi phạm tính công bằng, như chen ngang, vượt đèn đỏ… Phụ huynh cũng phải góp phần vào công tác giáo dục này, bằng cách không chạy trường, chạy điểm, cho con em học thêm… Muốn giáo dục các em về sự công bằng, chính thầy cô, nhà trường, và phụ huynh phải là những tấm gương tôn trọng nề nếp, kỷ luật chung, không vì lợi mình mà vi phạm tới lợi ích của người khác. Liên quan đến giải pháp (2), chúng ta cần xây dựng một xã hội pháp trị, trong đó cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp có vai trò giám sát lẫn nhau, đồng thời có sự giám sát của người dân thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí độc lập. Trước mắt, cần xây dựng được một quốc hội đúng nghĩa, gồm những người đại diện xứng đáng của dân, có tâm, có tầm là bước cơ bản để thay đổi các thiết chế sai lầm hiện tại, đề ra các quy định hợp lý, đảm bảo quyền lợi của mọi người dân, hạn chế sự lạm quyền của cơ quan hành pháp. Từ đó, làm cơ sở để xây dựng 1 hệ thống pháp luật vững mạnh, phù hợp với thông lệ quốc tế, nêu cao tính gương mẫu của pháp luật, công bằng với mọi đối tượng, có chiếu cố đến những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Bằng việc thực hiện 2 nhóm giải pháp trên, cùng với thời gian, ta sẽ chọn ra được những người lãnh đạo có tài có tâm để dẫn dắt công cuộc thay đổi xã hội thật sự hướng về mục tiêu Công bằng, Dân chủ, Văn minh. Đó là mơ ước của tôi về một nước Việt Nam bình đẳng, phú cường. Hy vọng rằng ước mơ này sẽ trở thành hiện thực trong 1 ngày không xa.

Sài Gòn, 7/2012
TS. Phạm Quốc Trung

Friday, March 12, 2010

BÌNH ĐẲNG – LÝ TƯỞNG CHUNG CỦA MỌI XÃ HỘI


BÌNH ĐẲNG – LÝ TƯỞNG CHUNG CỦA MỌI XÃ HỘI

Ngay trong câu đầu tiên của Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng", chúng ta đã gặp ngay hai chữ “bình đẳng”. Ý tưởng về sự bình đẳng này được trích dẫn từ tuyên ngôn độc lập của Mỹ, và cũng được nhắc đến trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp, cho thấy “bình đẳng” là một nguyên lý căn bản được chấp nhận bởi mọi quốc gia, mọi dân tộc. Như vậy, “bình đẳng” là một khái niệm chung của cả nhân loại, nó hướng đến việc khẳng định quyền lợi ngang nhau của mọi người, mọi đối tượng, mọi nhóm người trong xã hội. Nó chính là mục tiêu phấn đấu của mọi dân tộc, mọi xã hội tiến bộ, và là lý tưởng chung của mọi cuộc cách mạng trên thế giới.

Trong lịch sử loài người, sau mỗi cuộc cách mạng thì xã hội trở nên bình đẳng hơn về một phương diện nào đó. Chẳng hạn, cách mạng giải phóng nô lệ xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa chủ và nô lệ, cách mạng công nghiệp và nền cộng hòa xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa tầng lớp vua chúa và thường dân, cách mạng thuộc địa xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa các nước thuộc địa và thực dân… Bên cạnh những thay đổi lớn mang tính cách mạng đó, trong suốt quá trình phát triển xã hội, cũng có rất nhiều những phong trào nhỏ hơn đóng góp vào mục tiêu làm cho xã hội trở nên bình đẳng hơn, tiến bộ hơn, như : phong trào nam nữ bình quyền ; đòi bình đẳng trong việc bỏ phiếu, tranh cử ; bảo vệ quyền lợi của những người thiểu số, khuyết tật ; tranh đòi bình đẳng trong lập hội, làm báo, truyền tin… ; thúc đẩy giảm bớt khoảng cách giữa người giàu - người nghèo, chủ - thợ, nước giàu – nước nghèo, nông thôn – thành thị…

Tuy nhiên, để thực hiện được lý tưởng bình đẳng xã hội, điều đầu tiên là chúng ta phải hiểu đúng khái niệm này. Nhiều người hiểu lầm bình đẳng là san bằng, làm cho ai cũng như ai, nên dẫn đến những chính sách xã hội sai lầm, mang tính quá khích, mà chúng ta đã từng thấy trong quá khứ. Điều đầu tiên cần phải khẳng định, bình đẳng ở đây có nghĩa là bình đẳng về cơ hội, nghĩa là mọi người đều được tạo một cơ hội như nhau để phấn đấu và vươn lên trong xã hội, nếu ai nổ lực nhiều hơn, học giỏi hơn, làm việc hiệu quả hơn, tất nhiên sẽ thu hoạch được nhiều lợi ích hơn. Chẳng hạn, như xã hội Mỹ đã tạo được điều kiện bình đẳng để một người da đen, nếu có tài năng, cũng có thể được bầu làm tổng thống, như trường hợp của tổng thống Obama hiện tại. Hơn nữa, bình đẳng cũng nhắm đến việc chiếu cố cho những nhóm người có điều kiện khó khăn hơn những người khác, chẳng hạn: người nghèo, người già, trẻ em, người tàn tật, dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu vùng xa… sao cho giảm bớt những khó khăn của họ.

Lý tưởng bình đẳng dựa trên nguyên lý căn bản là con người sinh ra đều như nhau, đều có chung dòng máu đỏ và nước mắt mặn, và đều xứng đáng được hưởng quyền lợi như nhau. Mọi ranh giới như: giai cấp, màu da, chủng tộc, giới tính, trình độ, địa vị… không thể quyết định và thay đổi bản chất bình đẳng giữa mọi người.

Từ nguyên lý này, mọi quy định, luật lệ, thiết chế xã hội đều nhằm mục tiêu đảm bảo sự bình đẳng giữa mọi người trong xã hội. Xã hội càng tiến bộ thì tính bình đẳng giữa mọi công dân càng cao. Chẳng hạn, trong một xã hội dân chủ pháp trị, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, kể cả tổng thống, nếu vi phạm pháp luật cũng phải ra tòa như một thường dân. Chính vì vậy, trong xã hội hiện đại ngày nay, vai trò của quốc hội, cơ quan lập pháp, thường trở nên rất quan trọng, bởi nhiệm vụ chính của nó là thiết lập nên những quy định, điều luật nhằm đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong xã hội. Ở đó, phải tập hợp những người đại diện cho đủ mọi thành phần trong xã hội, họ có nhiệm vụ đề xuất và bỏ phiếu thông qua những điều luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho địa phương hoặc thành phần mà họ đại diện. Hiện nay, ở nước ta, đại biểu quốc hội đa phần là đảng viên cộng sản, vì vậy chưa thể đảm bảo được sự bình đẳng giữa những đảng viên đảng cộng sản và những người ngoài đảng. Điều này cần phải được điều chỉnh để lý tưởng bình đẳng ở nước ta được thực hiện tốt hơn.

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế, sự bất bình đẳng giữa người giàu - người nghèo đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, cần phải sớm khắc phục để đảm bảo xã hội phát triển bền vững và ổn định. Hơn nữa, một số quan niệm phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại, như: giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, quan chức chính phủ và thường dân, đảng viên và người ngoài đảng… cũng làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Để khắc phục điều này, cần phải xây dựng một nền tảng dân chủ pháp trị vững mạnh, dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Đặt quốc hội, cơ quan lập pháp lên vị trí cao nhất, xây dựng cơ chế bầu cử quốc hội sao cho tập hợp được tiếng nói của tất cả mọi thành phần của đất nước. Mọi công dân, tổ chức nhà nước hay tư nhân đều phải hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật và hiến pháp do quốc hội xây dựng. Tăng cường vai trò của báo chí trong việc phản ánh các sự việc bất công. Phải có cơ chế kiểm tra, giám sát và đảm bảo minh bạch thông tin. Người dân thuộc mọi thành phần phải được quyền biết và góp phần vào việc ra những quyết định quan trọng liên quan đến đất nước và quyền lợi của mình.

Ngoài ra, cũng cần xây dựng chế độ bảo hiểm, phúc lợi, an sinh xã hội hiệu quả, sao cho đảm bảo được quyền lợi của mọi người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo ổn định cuộc sống của những nhóm người dễ bị tổn thương, như: người già, trẻ em, tàn tật, dân tộc thiểu số, người thất nghiệp…

Nói tóm lại, bình đẳng là mục tiêu ban đầu và lâu dài của mọi nổ lực xây dựng xã hội. Nó chính là thước đo trình độ văn minh và tiến bộ của một đất nước. Trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam ngày nay, mục tiêu bình đẳng cũng cần đặt lên hàng đầu, bởi xét cho cùng, việc phát triển đất nước là nhằm mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân, và điều này sẽ không thể nào đạt được nếu thiếu sự bình đẳng. Mong rằng, lý tưởng bình đẳng sẽ trở thành ngọn đèn soi sáng cho các chính sách phát triển đất nước và xã hội bình đẳng sớm trở thành hiện thực trên quê hương Việt Nam.

PQT - 3/2010