Em hãy im lặng
Năm xửa năm xưa, gần mấy mươi triệu năm về
trước, trái đất còn chưa có loài người, chỉ có cầm thú sinh sống bên nhau hài
hòa, dễ thương. Lúc ấy, trái đất còn nguyên vẹn sự tinh khôi, không bị ô nhiễm
một chút nào cho nên cỏ rất ngọt, lá rất ngon. Các loài thú này ưa ăn cỏ, ăn
rong rêu, ăn lá non ở các bụi cây.
Do bao nhiêu trận động đất dữ dội, do núi lửa
bùng nổ liên miên và do sự va chạm của những tảng đá trời khổng lồ nên trái đất
như một cơ thể non nớt của một em bé đang lớn lên để trưởng thành. Bởi vậy,
trái đất chưa có nhiều cây cối to lớn mà chỉ toàn là cỏ non, hoa dại, rong rêu
và bụi nhỏ. Thế mà, không hiểu vì sao lại có một cây sồi thật to lớn, che rộng
mấy mươi mẫu đất. Hồi đó, vòm khí quyển vừa mới hình thành cho nên trái đất còn
lạnh lắm, nhất là vào lúc ban đêm. Cái lạnh băng giá tê buốt thấu xương! Các
loài thú vật thường nương náu, sinh sống bên nhau cho ấm áp ở dưới gốc cây cổ
thụ này. Con nai nằm ngủ một bên con cọp. Con thỏ ngủ trên vai con chó sói. Con
chim đậu trên thân hình con rắn. Nghĩa là tất cả mọi loài thú vật sống chung
hoà hợp bên nhau như anh em ruột thịt.
Cạnh bên cây sồi vĩ đại lại có một tảng đá
cổ, chỉ lớn bằng con sư tử nhưng hình thù kỳ lạ, dung mạo khả ái, đoan nghiêm.
Không ai biết rõ tảng đá này có mặt từ lúc nào? Có thể nó ngồi dưới gốc cây cổ
thụ này không biết bao nhiêu triệu năm rồi. Có thể tuổi đá cũng là tuổi của
trái đất. Mỗi buổi sáng tinh sương, tảng đá thường phát ra ba âm thanh kỳ diệu.
Đó là “hãy im lặng”, “hãy bình tĩnh”, “hãy bên nhau”. Âm thanh vang dội đầm ấm
và thiêng liêng đến mức nào! Mỗi lúc như thế, các loài thú thức dậy lắng lòng
để nghe tiếng đá. Chẳng ai bảo ai, tất cả loài thú ngồi yên vừa theo dõi hơi
thở, vừa nhìn mặt trời lên, vừa nghe tiếng đá thì thầm. Ngày nào cũng như ngày
nào, chúng thức dậy đúng lúc âm thanh kỳ diệu ấy vang lên. Nhờ thế, tâm hồn
loài thú trở nên hiền lành và hồn nhiên như tuổi thơ.
Sau khi ông mặt trời vừa ló ra khỏi dãy núi,
bọn thú cùng nhau đi tìm thức ăn ở các ngọn đồi xa xa, ở nơi các con sông và
nơi các bến nước. Thỉnh thoảng dừng lại, chúng vui chơi, đùa giỡn, đuổi bắt với
nhau một cách thích thú, hồn nhiên, vô tư như các em thiếu nhi bây giờ. Con sư
tử đuổi theo con nai. Con thỏ ngồi trên lưng con cọp. Con sóc đu nơi hai chân
của con chim đại bàng để bay lên cao. Bọn thú chơi đùa với nhau thật vui vẻ và
hạnh phúc. Tiếng cười, tiếng nói vang lên đến tận trời xanh. Chúng yêu thương
nhau, bảo hộ cho nhau, ăn chung, ngủ chung thật là dễ thương.
Một hôm, con nai ham chơi, chạy nhanh quá nên
bị trượt chân chảy máu, vì vậy nó phải cà nhắc cà thọt đi tìm một nơi yên tĩnh
để trị thương.
Các bạn khác vẫn còn tiếp tục chơi các trò
chơi hấp dẫn. Chỉ có con cọp cảm thấy bất an trong lòng. Lần đầu tiên, cọp ngửi được mùi tanh của máu, và cơ
thể của nó chuyển biến, rung động dữ dội, có một sự thèm khát mãnh liệt đang
xảy ra trong lòng. Tự nhiên, nó muốn vồ lấy con nai đang bị thương. May quá, nó
dừng lại được cái ý tưởng ấy. Con nai là bạn thân của nó mà. Con cọp không thể
nào hiểu nổi cái cảm giác quái lạ này. Con cọp đang đau khổ bởi sự thèm khát
mạnh mẽ này, do đó nó tìm một nơi yên tĩnh để ôm ấp để chở che. Nó đi đến bên
bờ hồ vừa ngồi xuống vừa thở để xét lại lòng mình. Hơi thở tuy có phần hổn hển
nhưng cũng đủ làm cho nó bình an trở lại. Nó nhớ tới những ngày anh em sống bên
nhau, chơi đùa với nhau, ngủ chung dưới gốc cây, thương yêu nhau như thể tay
chân. Nó sực hiểu ra rằng tại sao tảng đá thường phát ra ba âm kỳ diệu là “hãy
im lặng”, “hãy bình tĩnh”, “hãy bên nhau”. Hãy bình tĩnh! Đúng rồi. Hãy bên
nhau bởi vì nó thương con nai lắm. Tuy hiểu như thế, nhưng sự thèm thuồng này
sao mà mạnh quá! Con cọp tiếp tục ngồi yên theo hơi thở để làm lắng xuống cảm
xúc thèm thuồng này. Cọp đâu có ngờ rằng tâm trạng của báo, hổ, gấu, rắn cũng
như thế. Các bạn hình như cũng đang ngồi im lặng, bình tĩnh mà ôm ấp cảm xúc
như con cọp.
Lần đầu tiên ngửi được mùi máu, các loài thú
này đều cảm thấy nong nóng trong cơ thể, có một sự chuyển động âm thầm trong
xương thịt. Bọn thú răng nhọn này bắt đầu cảm thấy ngờ ngợ mỗi khi tới gần
nhau, có một chút gì bất an, sợ hãi, lo âu trong lòng đối với các con thú khác.
Đặc biệt, chúng cảm thấy có một sự thèm khát đang sôi sục trong thân thể cho
nên nước miếng cứ tuôn trào ra.
Cũng vậy, các con thú nhỏ bé hiền lành cảm
thấy sờ sợ các bạn to lớn hơn. Không biết tại sao cái nhìn của anh cọp sao hung
dữ quá. Cái nhìn của chó sói sao mà đáng nghi quá. Do vậy, các con thú bé nhỏ,
hiền lành này bắt đầu lánh xa các bạn to lớn kia.
Một hôm, tụi nai, sóc, thỏ tìm thấy một con
cá bị ai ăn hết thịt chỉ còn bộ xương sườn. Chúng cảm thấy tội nghiệp cho con
cá! Lá non trên các bụi cây cũng thiếu người hái ăn. Bãi cỏ non chẳng còn ai
vui chơi như ngày trước nữa. Cái hồ mát mẻ bên kia đồi cũng ít người bơi lội
hoặc qua lại. Không khí quanh đây có vẻ không được an ổn lắm.
Từ đó, chúng bắt đầu lánh xa, không còn trở
về ở bên cội cây cổ thụ nữa. Các con thú dữ khác như cọp, beo, gấu, chó sói bắt
đầu rình bắt các con thú bé nhỏ, hiền lành. Họ bị cơn thèm khát chinh phục và
quên đi tình bạn bè, nghĩa anh em. Họ nghe theo tiếng gọi của bản năng, tập khí
của chủng loại để rình bắt các bạn hiền lành, yếu đuối đã một thời sống bên
nhau dưới gốc cây cổ thụ.
Cây sồi vẫn còn đó đang dang rộng tàng cây
che chở cho muôn thú. Tảng đá cổ vẫn đứng yên bất động và mỗi buổi sáng vẫn
thường phát ra ba âm thanh vi diệu, nhưng các con thú kia không còn có khả năng
để lắng nghe các âm thanh ấy nữa. Một bên sợ hãi cố xa lánh, một bên thèm
thuồng rình rập đã chi phối hết tâm hồn của họ.Từ đây, trái đất xinh đẹp này
không còn nghe tiếng cười đùa, vui chơi của các loài thú nữa, thay bằng những
tiếng kêu la, than khóc của sự tàn nhẫn bởi lòng tham lam.
Bài học: Loài người ngày nay cần trở
về với thiên nhiên, để thấy mình và muôn loài là cùng một bản thể, để có thể
lắng nghe tiếng của đá “hãy im lặng, hãy
bình tĩnh, hãy bên nhau”. Phật đã dạy, trong vạn kiếp luân hồi, chúng ta đã
từng là anh em, cha mẹ, bằng hữu với muôn loại chúng sinh. Vì vậy cần biết yêu
thương, ngừng giết hại, tàn phá môi sinh, và hãy học lại bài học “cùng chung
sống”.
(Nguồn: Những mẫu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3)