Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label thongtin. Show all posts
Showing posts with label thongtin. Show all posts

Monday, October 6, 2008

PHÂN BIỆT ĐÚNG – SAI, THẬT – GIẢ

Trong thời đại thông tin ngày nay, một nhu cầu không thể thiếu được của mọi người là được tiếp cận các nguồn thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời… Với sự tiến bộ của KHKT[1], đặc biệt là cuộc cách mạng CNTT[2] và Internet đã mở ra cơ hội rất lớn cho mọi người có cơ hội bình đẳng tiếp cận với mọi nguồn thông tin từ khắp nơi trên thế giới.

Mặc dù vậy, ở một số nơi trên thế giới hiện nay, việc kiểm soát, hạn chế thông tin vẫn còn tồn tại, vì sự hẹp hòi, cố chấp của chính quyền. Nhưng nguy hiểm hơn, không những chỉ bị hạn chế về mặt thông tin, người dân ở những nơi đó lại đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng hơn, đó là sự bóp méo thông tin, hoặc dùng các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, đưa các tin tức sai lệch, một chiều… nhằm phục vụ cho một ý đồ, chủ trương, tham vọng vô minh nào đó. Điều này, dẫn đến một việc vô cùng tai hại là khiến cho người dân ở các nơi đó không phân biệt được Đúng – Sai và Thật – Giả, vì thiếu những thông tin cần thiết cho việc phán xét và nhận định khách quan. Do đó, vấn đề chính mà bài viết này muốn đề cập đến là tìm ra một số phương cách để giúp mọi người phân biệt Đúng-Sai, Thật-Giả. Đây là một nhu cầu rất to lớn trong kỷ nguyên thông tin và tri thức ngày nay. Đặc biệt là khi lượng thông tin sẽ trở nên ngày càng lớn và quá tải, việc chọn lọc và tìm ra được thông tin khách quan, công bằng là một việc cực kỳ quan trọng và cấp thiết.

Để nhận định một thông tin là Đúng hay Sai quả là một công việc khó khăn. Khó bởi chính khái niệm đúng-sai cũng đã rất khó định nghĩa một cách rõ ràng, huống nữa xác định những thông tin mình nhận được đâu đúng, đâu sai. Ở đây, khái niệm đúng và thật gắn liền với nhau, để chỉ cho những thông tin phản ánh trọn vẹn bản chất sự vật, hiện tượng, một cách khách quan, không bị xuyên tạc, bóp méo. Mặc dù, việc đúng sai, thật giả có tính tương đối và đôi khi tùy thuộc vào góc nhìn, nhưng vẫn có một số tiêu chí chung để đánh giá, đó là dựa vào mục đích của việc truyền tin, tính khách quan, công bằng của người đưa tin, sự thống nhất trong nội dung và hình thức truyền tin, để đảm bảo luôn tôn trọng và đề cao tính Chân, Thiện và Mỹ trong cuộc sống.

Điều đầu tiên, ta có thể nhận thấy đó là, mục đích của việc truyền tin, đưa tin, nếu đó là mục đích tốt, hướng đến đại chúng, cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, tôn trọng tính chính xác, đầy đủ, thì đó có thể là nguồn thông tin đúng, còn ngược lại thì chắc chắn là thông tin không đúng. Thứ hai là, tính độc lập, khách quan của người, cơ quan đưa tin, nếu người, cơ quan đó bị lệ thuộc hoặc bị chi phối bởi một quyền lực hay lợi ích nào đó, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính khách quan của thông tin mà họ cung cấp, vì thế khó đảm bảo sự công bằng khách quan, không vụ lợi. Thứ ba là, nội dung tin tức có đề cao giá trị đạo đức tốt đẹp và hướng thiện hay không? Đây là một tiêu chí để đánh giá tính đúng sai của một thông tin, bởi vì việc truyền thông là nhằm hướng đến con người, và xây dựng xã hội người ngày một tốt đẹp hơn. Nếu một thông tin đi ngược lại tiêu chí này, chẳng hạn: kích động hận thù, bạo lực, tham dục… thì đó không thể là thông tin đúng được. Cuối cùng, hình thức của tin phải thể hiện sự nghiêm túc, tôn trọng độc giả, có chỉ dẫn nguồn tham khảo, có trình bày rõ ràng, khoa học. Vì không thể có một nội dung nghiêm túc, đúng đắn trong một hình thức trình bày cẩu thả, tùy tiện, sai chính tả và thiếu khoa học được.

Ngoài ra, tính đúng sai còn thể hiện ở chính giá trị của thông tin đó. Thông tin tốt là thông tin mang đến cho người tiếp nhận thông tin nhiều hiểu biết về vấn đề, sự kiện trong thực tế, trong cuộc sống một cách chính xác, kịp thời và đầy đủ.

- Chính xác : là phản ánh trọn vẹn sự kiện, hiện tượng mà không thêm bớt, không bình luận, không đưa vào đó quan điểm, tình cảm của người đưa tin. Thông tin phải được kiểm chứng và có thể truy xuất một cách dễ dàng đến nguồn thông tin gốc của nó. Thông tin chính xác là thông tin không dối gạt, bóp méo sự thật vì mục đích cá nhân hay vụ lợi. Đây là cơ sở để xây dựng nên uy tín của cá nhân, đơn vị đưa tin. Nói rộng hơn, nó là cơ sở để xây dựng chữ TÍN hay niềm tin của xã hội. Niềm tin này phải được xây dựng lâu dài dựa trên một quá trình liên tục đưa tin chính xác, chỉ một lần đưa tin dối gạt cũng sẽ đánh mất uy tín này.

- Kịp thời : thông tin phải được cung cấp càng nhanh càng tốt. Ngày nay, với sự phát triển của mạng lưới Internet, các tờ báo lớn trên thế giới đều có khả năng cập nhật tin tức hằng giờ, thậm chí là trực tiếp. Những sự kiện quan trọng xảy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới, chỉ vài phút vài giờ sau là khắp nơi đều biết được. Chính sự kịp thời của các thông tin này, đã giúp ích rất nhiều cho các cộng đồng trên thế giới ngày nay. Chẳng hạn nhờ những tin tức cập nhật kịp thời về thiên tai, như : sóng thần, bão lũ, động đất… mà các cơ quan cứu trợ kịp thời có mặt để giúp đỡ và hỗ trợ các nạn nhân. Chính nhờ tính kịp thời này mà con người có thể phản ứng một cách chủ động với các hiện tượng, sự kiện, và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra. Dưới các chế độ độc tài, thường những việc mà dư luận quốc tế biết đến và lên tiếng thì đã quá chậm trễ, và việc đã xảy ra rồi, hậu quả là to lớn.

- Đầy đủ : là sự phản ánh thông tin một cách nguyên vẹn, không thiếu xót. Đôi khi có một số nguồn tin chỉ cung cấp tin tức một phần nhằm phân tích theo một chủ đích nào đó, thông tin như thế không thể được xem là đúng đắn. Có một câu nói mà mọi người thường dùng để nhắc nhở về tính đầy đủ của thông tin là “một nửa cái bánh vẫn là cái bánh, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Thông tin đầy đủ giúp người tiếp nhận có được cái nhìn toàn diện về vấn đề, để từ đó có những nhận định, đánh giá khách quan và xác thực hơn.

Từ cơ sở của những tính chất cần thiết của một thông tin tốt, cũng như các tiêu chí để đánh giá đúng sai ở trên, bài viết cố gắng chỉ ra một số kinh nghiệm, phương pháp giúp mọi người dễ dàng hơn trong việc phân định được tính đúng/sai, thật/giả của các thông tin tiếp nhận.

- Thu thập càng nhiều nguồn thông tin liên quan đến vấn đề càng tốt : bằng cách này chúng ta có cơ hội đối chiếu, so sánh các nguồn tin khác nhau về cùng một vấn đề. Điều này giúp người tiếp nhận thông tin có cái nhìn toàn diện và bao quát, tạo cơ hội để hiểu sâu hơn vấn đề hoặc phát hiện được nguồn thông tin nào không đúng. Ở một số nơi, việc tiếp cận với nhiều nguồn thông tin còn rất khó khăn, nên tham khảo thêm ý kiến từ những người lớn tuổi để có thêm cơ sở cho sự đánh giá chính xác. Hy vọng với sự phát triển của KHKT, và toàn cầu hóa, mọi người ở khắp nơi trên thế giới sẽ sớm có cơ hội được bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn thông tin, tri thức.

- Xác định uy tín của người, cơ quan cung cấp thông tin : đây là một phương pháp dựa trên chữ TÍN. Mặc dù điều này không phải luôn đúng, nhưng nếu một người, cơ quan có uy tín, có quá trình lâu dài trong việc cung cấp thông tin trung thực, khách quan, thì đây có thể là một cơ sở để có thể tin là nguồn tin hiện tại là đúng.

- Xem xét mục đích của việc đưa tin : để tìm ra mục đích của một bản tin cũng cần phải có một cái nhìn tinh tế. Tuy nhiên, nếu khéo léo, người tiếp nhận tin có thể biết được ý đằng sau của một bản tin, nếu đó là một mục đích tốt đẹp, vị tha, có tính xây dựng… thì có thể tin tưởng phần nào ở bản tin. Nhưng cái khó là phân biệt giữa mục đích tốt và xấu, vì đôi khi cái mục đích xấu vẫn có những diện mạo tốt đẹp và ngược lại.

- Xác định tính khách quan, công bằng của thông tin : để biết một thông tin là khách quan, công bằng, người tiếp nhận thông tin phải loại bỏ những nhận định, bình luận mang tính chủ quan, để giữ lại nội dung chính của thông tin. Ngoài ra, phải xem thông tin đó có được thu thập, kiểm chứng một cách khoa học không? Các phân tích có dựa trên một định kiến, chấp trước nào hay không? Người đưa tin có tôn trọng và yêu thích sự công bằng không?

- Đánh giá hình thức trình bày và thể hiện thông tin : qua hình thức trình bày của thông tin, người tiếp nhận thông tin có thể thấy được phần nào giá trị của nó. Khi xem xét một thông tin có trình bày rõ ràng hay không, có tính hệ thống hay không, có nhất quán hay không, có sai lỗi chính tả hay không, người tiếp nhận thông tin cũng đánh giá được mức độ nghiêm túc, cẩn thận của người đưa tin, từ đó quyết định xem có nên tin hay không.

- Đối chiếu với tiêu chí Chân, Thiện, Mỹ để đánh giá thông tin : nếu chưa thể xác định được một thông tin là đúng-sai, thật-giả dựa trên các biện pháp trên, cách cuối cùng là phải tự phán xét dựa trên hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân. Một nguyên tắc chung của những điều đúng là phải phù hợp với chân lý, bao gồm tính đúng, tốt và đẹp. Một thông tin phản ánh được sự thật, hay nhằm hướng xã hội, thế giới đến gần hơn với những tiêu chuẩn đạo đức tốt đẹp, phù hợp với luân lý và khát vọng của nhân loại thì có thể được xem là đúng, còn ngược lại là không đúng.

Tóm lại, những chỉ dẫn trên đây chỉ là một vài gợi ý và phương pháp để nhận định đúng-sai, thật-giả, điều này chỉ hữu ích phần nào chứ không phải là nguyên lý bất di bất dịch. Hiểu được tính tương đối của đúng-sai và sự giới hạn của phán đoán và trí tuệ thế gian, nên quan trọng là người tiếp nhận thông tin cần phải suy xét kỹ lưỡng, nhận định dựa trên chính sự hiểu biết của mình một cách khoa học, đối chiếu nghiêm túc, cởi mở, thì mới xác định được một thông tin là đúng hay không. Để kết thúc bài viết, xin nhắc một lời dạy của Đức Phật với các đệ tử[3]: “Các thầy đừng tin vào một điều vì truyền thống, vì nghe người ta nói, vì điều đó được tuyên thuyết bởi một đạo sư có uy tín, vì điều đó được mọi người tin tưởng và chấp nhận… mà hãy tin vào những gì mà các thầy đã suy xét kỹ lưỡng, những gì thật sự mang lại an vui và hạnh phúc cho chúng sanh”.


[1] Khoa học kỹ thuật
[2] Công nghệ thông tin
[3] Kinh Kalamasutta (Tăng I, 213-216)