Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label phatgiao. Show all posts
Showing posts with label phatgiao. Show all posts

Saturday, November 25, 2023

Nhớ Thầy

Nhớ Thầy

Kính Dâng Giác Linh
Hoà Thượng Thích Đức Nhuận

Đất nước bây giờ mất một người con
Giáo hội bây giờ mất một người con
Chúng con mất một người thầy
Đất trời mất một vì sao sáng !

Thầy nằm xuống như lá rơi về cội,
Mà cõi lòng đau trải suốt Bắc Nam
Thầy nằm xuống như sớm chiều mưa nắng,
Sao tiếng kinh mầu còn mãi âm vang ?

Thầy đứng trên ngọn sóng Hải triều âm,
Vẫn rực rỡ một niềm tin mãi sáng
Vẫn tin tưởng tình thương tất thắng,
Hận thù kia đâu thể mãi trường tồn.

Thầy đứng thẳng trên đôi chân vững bước
Khi thong dong ra Bắc viếng Đền Hùng,
Vẫn vì người khơi dậy nghĩa sống chung
Vẫn kiến thiết một văn minh Phật giáo

Lòng thanh thản trước sóng đời cuồng bạo,
Tâm an nhiên tự tại, giảng Hoa Nghiêm,
Giữ tim trong, mắt sáng, vẻ oai nghiêm,
Cho chúng con Lời dạy cuối cùng Đức Phật

Thầy hiện hữu trong con như suối nguồn, mạch đất
Như âm thầm ngọn lửa giữa đền linh,
Sưởi ấm lòng người giữa đêm vô minh
Sưởi ấm tim chúng sinh muôn trùng giá lạnh,

Con khóc thầy giữa giòng đời cô quạnh,
Đêm ngàn sao thiếu mất một vì sao
Con khóc thầy bằng một tiếng kinh cầu:
Gaté, gaté, Paragaté, Parasamgaté, Bodhi Svaha!

PHẠM TRƯỜNG LINH 23/1/02

Thursday, August 31, 2023

Chim con về với Phật

 


Chim con về với Phật

 Chú tiểu Minh nhặt được chú chim con lúc chiều khi đang cúng thí thực. Con chim run rẩy sà xuống như chiếc lá khô rơi rụng trong buổi chiều tà. Nó cùng bầy với lũ chim được phóng sanh hồi sáng này. Nhưng lại quá kiệt sức nên không thể bay xa được. Động lòng, chú mang chim về liêu mình để chăm sóc và cho ăn.

Buổi tối lên ngồi học kinh trên giảng đường, chú tiểu mang chim để trên bàn, nơi có ngọn đèn ne-on toả sáng. Hơi ấm của ánh đèn làm cho bộ lông chim khô ráo, và ánh mắt của nó trở nên linh hoạt hơn đôi chút.

Chú tiểu nhìn vào quyển kinh ngâm nga đọc, nhưng mắt cứ cụp xuống, gật gù. Bỗng chú giật mình khi nghe có tiếng chim hót. Mà không, hình như chim đang nói. Một giọng nói thật nhỏ nhẹ mà rõ ràng:

- Chú tiểu ơi! Tôi là loài chim sẻ ra đời chưa bao lâu mà đã bị bắt lui bắt tới đã bao lần rồi. Sáng nay khi được thả, tôi yếu quá nên không thể bay ra khỏi cổng chùa. Nhưng ở đây tôi có thể an tâm vì không sợ bị bắt lại nữa.

Thấy chú tiểu có vẻ ngạc nhiên, chim lại nói tiếp:

- Chú tiểu ở chùa nên không hiểu hết mọi chuyện ở bên ngoài cuộc đời đâu. Tôi và các anh chị mình cùng được sanh ra bên bìa rừng, cạnh một làng quê yên ả. Khi chúng tôi vừa chập chững biết bay liền rơi ngay vào một mẻ lưới của mấy tay chuyên bẫy chim đem bán. Tôi may mắn trôi dạt về tận chợ chim trên thành phố. Sau nhiều ngày bị nhốt chật chội, một hôm có người đến mua chúng tôi đem về chùa nhờ mấy thầy tụng kinh chú nguyện. Sau đó thì được sổ lồng cho bay đi. Khi được tự do tung cánh trên bầu trời, tôi định bay về nơi cánh rừng xưa, để mong sống lại với những cảm giác thân thương của thuở mới lọt lòng. Nhưng trời đất bao la, giữa chốn thị thành muôn lối, tôi không còn tìm thấy đâu lối về quê cũ xa tít mù sương khói, nên đành ở lại làm một kẻ tha hương. Vậy mà…hỡi ơi! Dòng đời là một trò cạm bẫy khôn lường. Một sinh vật nhỏ bé lạc bước như tôi lại dễ dàng sa chân vào những chiếc lưới giăng ra cách sân chùa không bao xa. Tôi bị săn bắt đem bán, rồi được mang đến sân chùa nhiều lần làm vật phóng sanh cầu thọ cho người. Nhờ được nghe quý thầy tụng kinh thuyết giảng mà dần dần tôi thoáng hiểu ra rằng: Đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ. Phật vì muốn trừ tai ách cho chúng sanh nên dạy họ tu phước. Người có tín tâm thì hết lòng làm lành, cứu giúp sinh linh. Và cũng có những người chuyên lợi dung niềm tin của kẻ khác để mưu cầu lợi lộc cho mình. Vậy thì tôi xin hỏi chú tiểu câu này: Như tôi đây bỗng trở thành chiếc cầu nối cho người tu phước và tạo tội, vậy rốt cuộc tôi là kẻ có tội hay có phước?

Bị hỏi bất ngờ, tiểu Minh hơi lúng túng, giây lâu chú mới trả lời:

- À… điều này theo như tôi được biết thì… à... vào thời Phật chưa có tục phóng sanh, nên Phật chỉ nói đến việc giữ giới chớ nên giết hại sanh mạng dù là những loài vật nhỏ nhít. Làm việc phước lành không gì hơn là cứu độ muôn sinh. Và thế là lệ phóng sinh bỗng trở nên một nhu cầu cấp thiết cho người tu cầu phước thọ sau này. Làm phước thì được phước, tạo tội thì chịu tội. Chuyện nhân quả trong kinh Phật đều có nói rõ. Còn như chim nói mình có phước hay tội. Theo tôi nghĩ: khi thọ thân súc sanh là đã mang lấy tội nghiệp từ nhiều đời rồi. Nhưng nay chim được đến chùa, được nghe tụng kinh, lại hiểu rõ tội phước, đó cũng là gieo chút duyên lành giải thoát cho ngày sau. Tôi chỉ có hiểu chừng đó thôi… còn gì nữa thì để tôi đi hỏi sư phụ rồi sẽ trả lời cho chim sau nhé!

Chim thở dài, thều thào:

- Tôi đâu còn sống để đợi chú đi hỏi sư phụ. Có điều tôi cũng tự nhận biết rằng: Dù đời sống ngắn ngủi. Thân này lại mang nhiều tội nghiệp. Nhưng loài súc sanh như tôi vẫn có quyền và những giá trị riêng của nó. Ít nhiều chúng tôi đã khơi dậy chút từ tâm nơi lòng người và giúp họ có được một niềm tin sâu sắc vào những điều làm phước tu thiện. Còn với ai vì cuộc sống nên phải lợi dụng niềm tin của người cùng sự vụng dại của những con vật nhỏ bé này, thì tôi cũng có góp phần giúp họ trong việc tồn tại mưu sinh. Một bên vì đời sống tâm linh. Một bên vì nhu cầu hiện tại. Ai cũng tìm thấy mục đích thiết thực của mình. Như vậy tôi cũng làm được điều lợi ích cho đời, cho người. Tội phước dẫu vô hình. Nhưng tôi vẫn tin là phước này sẽ diệt được tội chướng kia. Thế nên hôm nay tôi mới được trở về nơi đây, được chết trong niềm tin chánh đạo.

Chú tiểu chợt tỉnh dậy khi nghe có tiếng động vang lên từ bên ngoài. Trời đêm tĩnh lặng. Ngọn đèn điện vẫn toả sáng một góc phòng. Và trên bàn học, chú chim sẻ đã chết tự bao giờ. Trong giấc chiêm bao chập chờn, câu chuyện về tội phước chưa cạn lời, nhưng chim ắt sẽ hài lòng ra đi trong sự nhẹ nhàng thanh thản. Chú chim con đã về với Phật. Tiểu Minh khẽ nói và thầm chú nguyện cho nó.

Những lời nói của chú chim con, dù chỉ thoáng qua trong giấc mộng, cũng giúp cho tiểu Minh hiểu sâu hơn về sự sống của muôn vật. Một sinh vật dù bé bỏng cũng mong muốn được sống chan hoà, cùng góp sức vươn lên một cách hoàn thiện. Khi lòng người luôn biết hướng đến những điều tốt đẹp vì hạnh phúc của muôn loài, thì thế giới này sẽ không còn cảnh nồi da nấu thịt, ỷ mạnh hiếp yếu, cậy lớn hiếp bé. Từ đó mà nhân sinh cùng vạn vật được chung sống trong niềm an lạc vô biên, đầy tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Bài học: Câu chuyện trên về tâm sự của chú chim phóng sinh giúp chúng ta hiểu về nhân quả tội phước trong cuộc đời. Nếu chúng ta làm việc gì với tâm ý trong sạch thì sẽ có phước báu, còn nếu làm việc gì với tâm ý nhiễm ô, sẽ mang lại tội về sau. Người phóng sinh được phước vì muốn mang lại tự do cho chim, còn người bẫy chim để bán thì mang tội vì sinh sống bằng nghề nghiệp không chơn chánh. Tuy nhiên, việc mua chim phóng sinh vô tình đã tạo ra nhu cầu, và động cơ cho người bẫy chim để bán. Vì vậy, cũng gián tiếp gây tội. Chính vì vậy, ngày nay, nhiều chùa không khuyến khích phóng sinh, mà khuyến khích Phật tử nên nuôi dưỡng sự sống. Chúng ta cần biết tôn trọng sự cân bằng sinh thái và yêu quý thế giới tự nhiên.

(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Friday, October 28, 2022

Sa di mê cọp

Sa di mê cọp 

Thuở xưa, có thầy tỳ kheo tu hành trong tịnh thất nhỏ trên núi, nơi xa xôi hẻo lánh, ít người lai vãng. Nếu có ai, cũng chỉ có các vị thợ rừng, thợ săn và tiều phu mà thôi.

Một hôm, thầy tỳ kheo xuống làng khất thực, lượm được một đứa bé trai kháu khỉnh dễ thương, bị người ta bỏ. Thầy đem về, xin sữa nuôi nấng cho đến lớn. Rồi thầy dạy tụng kinh, bái sám, công phu và cho thọ giới Sa di.

Năm ấy, chú Sa di được hai mươi tuổi, ngây thơ, hồn nhiên và chưa lần nào xuống nhân gian. Một hôm, thầy tỳ kheo có pháp sự cần có chú đi theo. Khi xuống làng xóm, chú thấy cái gì cũng lạ, chú liền đưa mắt nhìn say mê, tuy nhiên chú cũng phải đi theo thầy.

Khi pháp sự xong, hai thầy trò trở về tịnh thất. Trên đường tình cờ chú gặp một cô gái độ mười bảy, mười tám tuổi, thân thể dịu dàng, vẻ mặt xinh đẹp. Chú trân người mà nhìn, không chịu đi. Thầy tỳ kheo ngó lại biết việc nên nói, “Đi mau chớ cọp đồng nó bắt nó ăn mất hồn xác đó!”

Chú Sa di miễn cưỡng ra đi. Nhưng khi về tới tịnh thất thì quên ăn, biếng ngủ, vẻ mặt bơ phờ như người mất hồn. Thầy tỳ kheo thấy thế, hỏi, “Sa di, con sao như thế?”

Chú Sa di nước mắt ràn rụa nói rằng, “Con nhớ thương con cọp đồng quá! Thà con xuống núi cho cọp đồng nuốt xác, ăn hồn con cũng được chớ sống thế này khổ lắm thầy ơi!”

Thầy tỳ kheo biết Sa di này nghiệp ái quá nặng không thể tu được, thầy an ủi vỗ về và cho chú xuống núi.

Thế mới biết, nghiệp ái của con người rất là nặng. Người tu hành muốn thoát khỏi nghiệp này cũng thiên nan, vạn nan.

Kinh dạy: Người tu hành thoát khỏi ái dục, giới hạnh thanh tịnh, cho đến mãn tuổi thọ là vị xuất trần La Hán.

Tổ cũng dạy: “Ái bất trọng bất sanh Ta Bà. Niệm bất nhất bất sanh tịnh độ.” Nghĩa là: Ái không nặng nghiệp thì không sanh vào cõi Ta Bà. Niệm Phật không nhất tâm thì không sanh về Tịnh Độ.

Bài học: Người tu học cần tránh xa 5 món dục, là : tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn uống, và ngủ nghỉ. Câu chuyện trên nói đến lòng tham sắc đẹp (ái dục) của cậu sa di. Đây là thứ dễ cám dỗ nhất, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Người tu học cần rèn luyện hạnh « thiểu dục, tri túc », đồng thời, cần quán chiếu bản chất vô thường của cuộc đời, và bất tịnh của thân thể để đối trị lòng tham dục.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Friday, August 21, 2020

Má thằng Thệ

 Má thằng Thệ

Mọi người trong xóm tôi – xóm Bà Hạt – gọi chị là Má thằng Thệ, riết rồi quen miệng, ai cũng gọi chị bằng cái tên ấy nên không ai biết chị tên thật là gì nữa. Dạo ấy tôi hãy còn nhỏ, tôi rất thích chị vì chị đẹp lắm. Một cô gái lai Pháp chính cống. Sóng mũi cao Tây phương, đôi mắt không mang màu xanh mà màu nâu thẫm rất dễ thương, nước da trắng mịn màng khiến ai cũng khen thầm, đôi môi trái tim lúc nào cũng đỏ thắm, chực cười… mà đúng như thế, chị lúc nào cũng cười với mọi người một cách vui vẻ, thân thiện nên tuy có nhiều người không ưa chị vì cái nghề “không vốn”, cũng đôi khi đáp lại chị bằng một nụ cười gượng gạo, nhạt nhẻo. Chị biết, nhưng vờ như không biết để có thể tồn tại ở trong cái xóm nhỏ nầy. Nhà chị ở cách nhà tôi một con hẻm nhưng chị hay bồng con ra nhà tôi chơi, hoặc ăn cơm. Dạo ấy nhà tôi hãy còn là một quán cơm bình dân ở ngoài mặt đường nhưng khách thì toàn là dân trong xóm nhỏ ra mua, có khi họ mua chịu hoặc mua những thức ăn rẻ tiền về cho gia đình để đở tốn tiền chợ nhiều hơn. Má tôi rất thương họ nên thường là cho họ mua thiếu, bao giờ lãnh lương thì trả, có khi má tôi còn cho luôn khi thấy gia đình nào quá khó khăn. Họ biết điều đó nên cũng quí má tôi lắm. Có những buổi tối khi quán má tôi sắp đóng cửa, họ vẫn còn ra xem còn có gì ăn được thì xin về cho các con hoặc để dành ngày hôm sau. Má tôi cho hết chứ không ngại họ chê khen…vậy mà cũng đã có lần tôi thấy má thằng Thệ ra nhà tôi ăn cơm trong buổi tối như thế. Trong xóm, chị là người ăn mặc sang trọng nhất. Lúc nào cũng quần trắng, áo hoa sặc sở, môi son má phấn như sắp đi dự đám cưới của ai đó. Người trong xóm thầm thì chị ta sống nhờ vào cái “vốn trời cho” và họ cũng tỏ ra xem thường chị bỡi vì chị là một cô gái lai mồ côi. Chị là con rơi, con rớt của một tên thực dân Pháp nào đó còn sót lại trên đất nước nầy . Không ai biết mẹ chị là ai và người ta cũng không cần tìm hiểu để làm gì, chỉ biết chị sống một thân, một mình kể từ khi đến ở cái xóm nầy. Chị đã bốn mươi tuổi nhưng trông còn trẻ hơn tuổi rất nhiều. Nhà chị chỉ có hai mẹ con, thằng bé Thệ được hai tuổi. Nó cũng bụ bẫm, dễ thương như bất cứ đứa bé con nào ở tuổi đó. Căn nhà chị đang ở là của một người đàn bà làm nghề đi buôn hàng chuyến ở các tỉnh. Bà ta rất ít khi ở nhà nên cho chị thuê để vừa có tiền thu nhập lại vừa có người trông coi nhà cho mình mà không phải mướn người lạ. Nghe đâu chị cũng có bà con xa với bà ấy. Nhà chị lúc nào cũng tấp nập khách khứa, khách đàn ông có, đàn bà cũng có…họ ra vào thường xuyên như đi chợ…lúc đầu tôi cũng ngạc nhiên không hiểu sao chị có nhiều bà con đến thế, dần dà tôi cũng hiểu các loại khách thường lui tới nhà chị, bỡi bà con trong xóm ai cũng đàm tiếu mỗi khi gặp nhau ngoài chợ hay có dịp đi chung với nhau một đoạn đường…nhưng rồi mạnh ai nấy sống, không ai buồn bàn tán làm gì nữa.

Người ta mặc nhiên công nhận chị là thành viên của xóm với cái nghề tự do của mỗi người. Lúc khá, chị cũng thuê một cô bé giúp việc để bồng ẩm bé Thệ cho chị rảnh tay làm việc. Cô bé độ chừng mười tuổi, hay bồng bé Thệ sang chơi với tôi. Thằng bé kháu khỉnh, mái tóc hoe vàng con lai, đôi mắt to, tròn, cái mũi tây phương rất đẹp, giống mẹ y khuôn… tôi biết chị yêu nó lắm mới giữ nó lại bên mình chứ còn những đứa khác chị đều đem bán lúc vừa lên vài tháng tuổi. Chị làm cái nghề không được quyền có con vì như thế là sẽ mất khách, là sẽ đói mà không có ai giúp đỡ, cho nên các đứa con của chị, đều phải xa mẹ khi vừa chào đời. Tôi không hiểu tại sao chị lại có thể đem bán đi đứa con mới rứt ruột đẻ ra của mình. Chị không yêu nó chăng ? nó là chướng ngại của chị trong cuộc mưu sinh trên đường sinh, tồn ? Nếu vậy, chị sinh nó ra để làm gì ? Cái đầu óc mười hai tuổi của tôi lúc đó thật không thể nào hiểu nổi tại sao trên đời nầy lại có những người mẹ như thế ? Nhưng theo má tôi thì có lẽ là vì giòng máu lai của chị ít tình cảm hơn những người khác. Giòng máu đã pha trộn của hai dân tộc không mấy gì thương yêu nhau, thậm chí còn thù ghét nhau nữa là đằng khác. Trong lúc cả nước đều sôi sục lòng căm thù bọn thực dân Pháp đã đặt ách thống trị lên dân tộc mình thì thử hỏi có ai mà yêu được những đứa con lai, kết quả của những oan trái, nghiệt ngã mà người mẹ phải gánh chịu vì một nguyên do bất trắc nào đó. Chị không bao giờ tâm sự với ai, cũng không bao giờ kể với ai về mình, mặc ai muốn hiểu sao cũng được. Những người đàn ông đến với chị đều ra đi sau đó và không một lần trở lại. Họ cũng không hề biết những đứa con của họ đã từng bị người mẹ bán đi để đổi lấy một số tiền tạm giải quyết cái đói của bao tử trong những lúc cùng quẩn. Cứ thế chị sống không cần ngày mai, miễn là hôm nay không đói là được rồi… Bé Thệ đã biết đi lẫm chẫm, mỗi khi cô bé người làm bồng sang nhà tôi, nó nghịch ngợm và chơi đùa vô tư cũng như bất cứ một đứa trẻ nào trong xóm. Tôi cũng yêu nó lắm, trẻ con mà…! Đứa nào cũng đáng yêu như nhau cả. Chỉ có một vài bà mẹ khác trong xóm là hay nhìn thằng bé một cách soi mói rồi xúm lại thì thào, bàn tán to nhỏ với nhau chuyện gì tôi cũng không biết nữa, nhưng nhìn ánh mắt của họ tôi biết họ không ưa gì mẹ nó. Có lẽ má thằng Thệ cũng biết điều đó nên chị cũng không chơi thân với ai, chỉ lặng lẻ một mình với con, hoặc bồng con sang nhà tôi chơi mỗi khi nhà vắng khách. Má tôi có lẽ là người biết yêu thương, thông cảm với hoàn cảnh của chị nhiều hơn là soi mói, ghét bỏ như những người khác trong xóm. Có hôm, trời tối mịt, chị mới bồng cháu sang nhà tôi ăn cơm, mà lại ăn chịu nữa, chị có vẽ ngần ngại nói với má tôi :

– Cháu xin thiếu bác vài hôm thôi, khi nào có tiền cháu sẽ đem qua trả ngay…

Má tôi không hề ngạc nhiên :

– Không sao đâu, má thằng Thệ cứ qua đây ăn bao giờ trả cũng được, đừng ngại…

Rồi má tôi lấy cơm dĩa cho chị ăn, không quên một chén cơm nhỏ cho bé Thệ. Nhìn hai mẹ con ngồi ăn ngon lành, má tôi an ủi :

– Ai mà chẵng có lúc buôn bán ế ẩm. Nhà bác đây cũng vậy, có những lúc ế đến độ muốn nghĩ bán luôn… nhưng nghĩ thì làm gì khác được đây… mà thôi, cháu đừng buồn, đừng nghĩ ngợi gì cả, khi nào kẹt cứ qua đây ăn cơm, bao giờ trả cũng được, bác không có đòi đâu…

Chị ứa nước mắt nắm tay má tôi :

– Cháu cám ơn bác nhiều lắm, nếu không có bác cháu cũng không biết phải nhờ ai, ai cũng ghét cháu hết, có lẽ là do cái nghề…nhưng cháu biết làm gì bây giờ…không học hành, không nghề nghiệp, không gia đình…

Má tôi an ủi :

– Con người ai cũng có số cả, đó là nghiệp quả đã an bày từ trước, có chăng là ngay từ bây giờ cháu hãy cố gắng sửa đổi bằng cách làm nhiều việc thiện để cải nghiệp dần dần thôi cháu ạ, có thế cuộc sống mới thay đổi tốt hơn sau nầy…

– Cám ơn bác, bác chẳng khác nào người mẹ thứ hai của cháu, mà cháu cũng chẳng biết mẹ đẻ của mình là ai nữa…

Chị rưng rưng nước mắt, những lúc như thế nầy, tôi thấy chị thật tội nghiệp, cứ như là một đứa trẻ con. Chị nắm lấy tay má tôi xoay xoay rồi ấp lên má mình, mĩm cười mà hai giòng nước mắt cứ chãy ra ràn rụa…Má tôi nắm tay chị không nói gì nhưng tôi biết má đang xúc động nói chẳng nên lời. Những gì má tôi đối xử với chị chẳng khác nào mẹ con.

Có một buổi sáng, má thằng Thệ vừa mở cửa ra thì bị một toán người lạ mặt xông vào túm đầu, túm cổ đánh cho một trận tơi bời. Cả xóm ra xem nhưng không ai dám bênh vực chị cả bởi chỉ là một vụ đánh ghen. Chúng xé quần, xé áo chị tơi tả, mặt mày bầm tím, sưng vù… rồi cũng có một người đàn ông, sau đó đã dìu chị đi bệnh viện băng bó lại các vết thương, và ông ta đã ở lại với chị dăm ba ngày chừng như để an ủi sự cố không may đó. Mọi việc qua đi trong sự khinh bỉ của những người đàn bà sống hạnh phúc trong xóm, bỡi đối với họ chị là tượng trưng cho sự đe dọa hạnh phúc của mọi người . Họ không thích giao du với chị vì hình ảnh của chị đã gợi cho họ những cuộc đánh ghen khủng khiếp mà họ luôn luôn đứng về phe của những người bị cướp hạnh phúc. Họ có biết đâu rằng chị cũng chính là nạn nhân của chồng họ, của những người đàn ông háo sắc tham lam, bất chính đó… cuộc đời vẫn cứ bình lặng trôi, cuốn theo nó là tuổi xuân, là lý tưởng, là hoài bảo, là mơ ước, là hi vọng và cả … tham vọng của chị, của mọi người trong xóm…bây giờ chị không còn trẻ nữa nhưng một mái ấm gia đình cũng không có, chỉ có bé Thệ là nguồn hi vọng duy nhất để chị cố gắng sống, tồn tại trên cõi đời nầy. Một hôm, tôi thấy chị bồng bé Thệ qua chơi với má tôi rất lâu, nước mắt chan hòa, chị nói với má tôi :

– Chắc cháu không giữ được thằng Thệ nữa rồi bác ơi…

– Sao vậy cháu ?

– Cháu thiếu nợ người ta nhiều quá, chắc không trả nổi. Họ cũng thích thằng bé, cứ đòi bắt con cháu để trừ nợ…

– Rồi cháu tính sao ?

– Chắc cháu phải xa con một thời gian đi kiếm tiền về chuộc nó lại bác ơi…

– Không còn cách nào khác sao cháu ?

Má tôi hỏi thế nhưng cũng thừa biết câu trả lời của chị, nhìn chị ôm bé Thệ trong tay mà nước mắt ràn rụa, tôi cũng muốn khóc theo chị. Tôi bế thằng bé để chị rảnh tay nói chuyện, tâm sự với má tôi. Đôi mắt nó tròn xoe nhìn tôi, miệng bi bô nói đủ thứ chuyện rất dể thương, nhưng tôi còn bận hóng chuyện của má nó nên chẳng hiểu nó nói gì. Chị nghẹn nào nói với má tôi :

– Bác ơi, cháu chỉ còn có nó là nguồn an ủi duy nhất, xa con chắc cháu chết mất…

– Hay là… cháu gửi nó ở đâu đó một thời gian để có thể đi làm kiếm thêm tiền mà trả cho người ta

– Cháu cũng nghĩ vậy, nhưng… biết làm gì bây giờ hả bác ? Có ai muốn mượn người làm đâu trong cái xóm lao động nầy ? Còn những chỗ khác, cháu đã hỏi nhiều chỗ rồi nhưng có ai muốn mượn một đứa con lai làm người giúp việc bao giờ…

Chị thở dài:

– Đời cháu sao khổ quá, mẹ cha chẳng có, gia đình cũng không, chẳng có ai là người thân hết bác ơi…

Chị khóc với má tôi hồi lâu. Má tôi cũng chẳng biết làm gì để an ủi chị bỡi má tôi cũng nghèo, con lại đông, ba tôi thì đang không có ở nhà…mấy mẹ con buôn bán để chờ ba về cũng đủ chật vật lắm rồi, làm sao mà dám cưu mang thêm ai nữa. Tuy thế má tôi cũng chia sẽ với chị :

– Cháu cứ tìm chỗ gửi bé Thệ đi, bao giờ không được thì gửi đây bác giữ cho một thời gian rồi sẽ tính tiếp…

Chị nắm chặt tay má tôi, nói trong nước mắt :

– Cháu vô cùng biết ơn bác, nhưng chắc là… cháu sẽ cố gắng để không làm phiền bác…

Rồi chị bồng bé Thệ ra về, má tôi nhìn theo ái ngại. Tôi cũng đưa chị đến đầu xóm mới trở lại.Kể từ hôm ấy , không ai nhìn thấy chị ở nhà đó nữa, chị đã trả nhà cho người chủ rồi bồng bé Thệ đi đâu không rõ. Vài năm sau, xóm tôi có người đi làm ở tận Vũng Tàu trở về kể rằng đã gặp chị, má thằng Thệ đang làm ở đó nhưng không thấy có bé Thệ bên cạnh. Ai cũng nghỉ rằng chắc chị đang gởi bé ở đâu đó để rảnh tay mà làm việc. Tôi và má tôi cũng nghĩ vậy, thế nhưng, sự việc không đơn giản như thế. Một hôm, vào khoảng mười giờ hơn, quán má tôi sắp đóng cửa thì má thằng Thệ ở đâu đó xuất hiện, đầu tóc rối bù, đôi mắt sưng húp, hai má bầm tím, người phờ phạc…chị hỏi má tôi có còn cơm không?má tôi lấy cho chị một dĩa cơm như thường khi, và nhìn chị ngồi ăn lặng lẻ không nói gì, thỉnh thoảng nhìn má tôi với đôi mắt ráo hoảnh, không một giọt lệ, nhưng má tôi biết khi nỗi đau khổ đến cùng cực thì người ta không thể khóc được nữa…ăn hết dĩa cơm, chị định cho tay vào túi lấy tiền nhưng chợt nhớ ra điều gì đó lại thôi, má tôi hiểu ý bảo chị :

– Thôi cháu, bác không lấy tiền đâu, cháu dạo nầy làm ăn thế nào ?…

Chị chợt òa lên khóc, nắm tay má tôi nghẹn ngào:

– Người ta bắt con cháu rồi bác ơi !

– Bao giờ ? bác cứ tưởng hai mẹ con đã được yên thân rồi chứ

– Cháu cố gắng hết sức vẫn không làm sao đủ tiền trả cho người ta, mẹ con cháu phải trốn ra tận Vũng Tàu, nào ngờ vẫn không được yên thân với họ… vừa rồi họ tìm thấy nên cho người đến đánh dằn mặt cháu một trận như thế nầy, họ bắt mất thằng Thệ rồi, chắc cháu chết mất bác ơi…!

Chị khóc như chưa bao giờ được khóc. Má tôi cũng chãy nước mắt theo chứ không còn biết dùng lời an ủi nào hơn. Đối với chị lúc nầy, mọi lời an ủi đều trở thành sáo rỗng, vô nghĩa mà thôi. Thấy chị đau khổ quá, má tôi bảo chị nghĩ lại một đêm ở nhà tôi vì má tôi biết chị cũng không có ai là người thân ở cái xóm nầy cả… để an ủi chị, má tôi kể cho chị nghe câu chuyện tiền thân của một người mẹ có hoàn cảnh giống như chị : vào thời Đức Phật còn tại thế…thuở ấy, có một gia đình mẹ góa ,con côi, nhưng rất khá giả. Cậu con trai tuy lớn tuổi nhưng vẫn ở một mình. Mẹ già thấy vậy khuyên con nên lập gia đình nhưng cậu vẫn chối từ, cậu ta vốn là một đứa con hiền lành và đạo đức. Nghe mẹ khuyên lơn mãi nên cậu ưng thuận, vâng lời, cưới một cô gái trong xóm. Nhưng hai, rồi ba năm trôi qua mà nàng cũng chẳng sanh nở gì. Người vợ bèn bàn với con cưới thêm vợ lẽ, kẽo sợ bị tuyệt tự vì cậu cũng đã khá lớn tuổi. Người vợ tình cờ nghe thấy, nàng nổi giận nhưng cố nén để suy tính thiệt hơn. Sự việc đã như thế thì nàng cũng chiều theo duyên số, nhưng nàng chủ động tìm người hiền lành rồi đứng ra xin cưới cho chồng. Nàng dự tính sau nầy, khi người vợ nhỏ sinh con thì với ân nghĩa đó nàng vẫn sẽ làm chủ gia đình, làm chủ cái gia tài kha khá của nhà chồng và nhất là quyền làm lớn để có thể chi phối mọi việc trong gia đình. Dần dần nàng hình thành một kế hoạch tinh vi hơn để trả thù lòng bội bạc của gia đình nhà chồng cùng người vợ nhỏ từ đâu bỗng dưng chen vào hạnh phúc của nàng. Nàng thường xuyên lui tới thăm nom lo lắng, đối với cô ta như một người chị ruột đối với đứa em gái. Nhất nhất mọi điều nàng ấy đều tâm sự với nàng vì nghĩ rằng được nàng thương yêu thật sự, nên cũng rất mến lại nàng, không hề dấu diếm điều gì. Khi có thai lần đầu đã mừng rở báo tin cho nàng hay, thế là nàng bí mật bỏ thuốc trụy thai vào thực phẩm mang sang bồi dưỡng cho thai nhi, và kết quả là nàng bị hư thai.

Lần thứ hai cũng tái diễn y như lần trước. Có lần, người vợ nhỏ tâm sự với các bạn gái của nàng về lòng tử tế của người vợ lớn và những lần hư thai của mình. Các bạn cô đồng loạt kết tội người vợ lớn và khuyên cô chớ nên tin vào lòng tử tế của bà ấy. Cho nên lần có thai thứ ba, cô âm thầm giử kín, không tiết lộ với bất cứ ai đến khi bụng cô khá lớn không thể che dấu được nữa. Bấy giờ người vợ lớn luôn ở cạnh cô giả vờ trách yêu tại sao không cho hay để tìm dịp hạ cái bào thai lần nữa. Lần nầy sự thành công của bà ta đã dẫn đến sự thiệt mạng của cả hai mẹ con bởi cái bào thai đã quá lớn rồi. Trước khi chết, người vợ nhỏ ráng thều thào vào tai người vợ lớn: nhà ngươi là con ác quỉ dã man đã hại chết ba con ta, giờ thì lại giết cả ta nữa. Thù nầy, ta quyết theo ngươi để báo oán tới cùng. Nguyền rủa xong, nàng tắt thở mang theo mối hận ngập lòng nên không đi đâu xa, chỉ quanh quẩn ở lại trong gia đình đó để chờ dịp trả thù. Nàng đầu thai vào con mèo cái trong nhà. Còn người vợ lớn bị gia đình nhà chồng phát hiện đưa lên quan, bị khảo tra đánh đập nàng đã nhận tội và bị kết án tử hình sau đó. Do ác nghiệp đã gieo, nàng sinh vào kiếp cầm thú, làm con gà mái cũng trong gia đình đó.

Với kiếp tái sinh mới, cả hai đều trở thành thú, nhưng vì tâm sân hận hãy còn, con mèo cái vốn có tiền thân của người vợ nhỏ, và con gà mái, vốn là hậu thân của người vợ lớn, vẫn tìm cách trả mối thâm thù từ tiền kiếp. Khi gà mái đẻ trứng thì con mèo rình ăn sạch, cả ba lứa trứng đều bị như thế, nên con gà mái sinh lòng thù oán và trước khi chết cũng thề sẽ trả thù lại y như thế.

Chúng lại tái sinh trong kiếp thú rừng : Một con beo và một con nai. Cả hai cùng ở chung trong một khu rừng để theo sát nhau mà trả thù. Con nai ba lần sinh con đều bị con beo bắt ăn thịt đủ cả ba lần, nên trước lúc nhắm mắt nó nguyền sẽ trả thù tới cùng. Lần nầy con nai cái đầu thai làm nữ ác quỉ chuyên ăn thịt người. Con beo cái tái sinh làm một thiếu nữ, con gái một triệu phú gia ở vùng ngoại thành Xá vệ. Trong một buổi đi săn gặp nạn được quỉ cứu giúp, người cha đã lở hứa sẽ hi sinh đứa cháu ngoại còn sơ sinh để đổi mạng cho mình. Thế là, trước vẻ kinh sợ của đứa con gái, ông vẫn khăng khăng giữ ý định trao cháu cho quỉ dữ mặc cho con gái khóc lóc van xin thế nào cũng không được. Cuối cùng, cô đánh bạo bồng con chạy thẳng đến Kỳ Viên Tịnh Xá của Đức Thế Tôn, nhờ Ngài cứu giúp. Sau khi thuyết pháp và soi rõ tiền căn, nghiệp chướng của hai người Đức Thế Tôn đã hóa giải được mối hận thù của hai người đàn bà trong bao nhiêu kiếp. Từ đó, con quỉ dữ trở vào hang động tu hành không ăn thịt người nữa, sau khi được Phật thu phục cảm hóa. Nó đã ý thức được thế nào là điều phục tâm ý lại cho thiện lành để chuyển nghiệp…

Câu chuyện tiền thân là như thế, má tôi đã kể cho má thằng Thệ nghe để an ủi chị, để chị bớt đau khổ khi bị người ta bắt mất con, để chị thấy được một phần nào nhân quả nghiệp báo của mỗi người. Đó là biệt nghiệp của từng người khác nhau trong cái cộng nghiệp làm người giống nhau ở hiện kiếp. Tôi không hiểu chị có hiểu điều má tôi muốn nói với chị không nhưng tôi thấy chị đã bớt khóc khi má tôi kể xong câu chuyện tiền thân đó, rồi chị từ biệt má tôi ra đi….

Cho đến bây giờ, đã ba mươi năm trôi qua, tôi đã có chồng, có con đều lớn cả rồi, vậy mà chưa bao giờ tôi có dịp gặp lại má thằng Thệ để hỏi thăm xem bây giờ chị sống ra sao? chị có chuộc lại được con không? Nếu gặp lại, cho dù chị có thay hình đổi dạng như thế nào, thì tôi cũng sẽ nhìn ra ngay được chị cho mà xem…

Vân Hà (TTHA)

(Nguồn: thovan.ultimatefreehost.in)

Monday, February 24, 2020

Tưởng niệm

Tưởng niệm

Kính dâng tất cả quý thầy đã hy sinh vì Quốc gia, Dân tộc và Đạo pháp

Gió vẫn vô tình, mây vẫn bay
Nghìn thu không gặp nữa thầy ơi
Không gian ủ rũ chim ngừng hót
Nhân thế sầu đau bặt tiếng cười

Thầy đã ra đi... đi thật rồi
Như áng mây trời tan biến thôi
Ai đem giông tố làm rơi rụng
Những đóa sen gầy tan tác trôi

Người ta sao chẳng biết thương nhau
Lại nỡ gieo chi cảnh máu đào
Chinh chiến còn gây bao thảm họa
Từ đây và mãi đến ngàn sau

Thầy đã ra đi... đi thật rồi
Khung trời xao xác, lá vàng rơi
Con nghe đau xót dâng đầy mắt
Bao giờ hội ngộ nữa... thầy ơi!

Thầy đi cho trọn cuộc hành trình
Kiếp người từ thuở chớm bình minh
Nguyện lành cứu độ bao sanh chúng
Giúp người phá bỏ lưới vô minh

Con khóc nhìn theo tận cuối đường
Lòng con rào rạt nỗi buồn thương
Trầm lan theo gió lên cao ngất
Xe tang còn thoảng lại mùi hương

Thầy đi... đi mất biết về đâu?
Xa hẳn trần gian chốn khổ đau
Siêu thoát đài sen cao chín phẩm
Ray rứt lòng con, luống nghẹn ngào

Cố nén đau buồn lúc tiễn đưa
Vùi chôn kỷ niệm những ngày xưa
Con về cõi tạm đầy giông tố
Thầy đến nơi hoa nở bốn mùa

Nghiệp trần rũ sạch kể từ đây
Thanh thoát hồn thiêng lơ lửng bay
Nhìn xuống thế gian mờ mịt khói
Con mơ thầy ngự giữa liên đài

Vân Hà (TTHA)

Monday, February 10, 2020

Đức Phật độ đệ tử bệnh

Đức Phật độ đệ tử bệnh

Có một thầy Tỳ-kheo bị bệnh lâu ngày không thuyên giảm, thân thể lở loét, hôi hám khó chịu. Ban đầu có nhiều Tỳ-kheo khác chăm sóc, giúp đỡ, nhưng rồi ai cũng ngán ngẩm vì hôi tanh. Vì vậy, Thầy được dời ra ở một nơi cách xa Tịnh xá.

Một hôm, đức Phật và các thầy Tỳ-kheo trên đường du hóa ngang qua, đức Phật ghé vào thăm và nhờ thầy A-nan nấu nước để đức Phật đích thân tắm rửa, mặc y áo cho thầy Tỳ-kheo bị bệnh.

Thầy Tỳ-kheo bị bệnh đang đau khổ, bỗng nhiên hôm nay được Như Lai ghé thăm lại đích thân tắm rửa, thay y khiến Thầy cảm thấy phấn khởi, an lạc không chi bằng. Thầy sung sướng như đứa con thơ nhiều năm lưu lạc gặp lại mẹ cha, thầy cảm nhận được niềm phúc lạc vô biên chưa từng có trong cuộc đời.

Nhân đó, Như Lai Thế Tôn khai thị pháp môn quán về bệnh khổ thân này không thực có: “Thân đau nhưng tâm không đau.” Sau khi nghe bài pháp của đức Phật, thầy Tỳ-kheo thực hành ngay pháp quán sát tường tận này, Ngài liền chứng quả A-la-hán và thị tịch một cách an lành, thanh thản.

Thật khác với chúng ta, có người tu tập nhiều năm, đến khi đổ bệnh không làm chủ được bản thân, đau đớn, rên xiết vô cùng, người nhà thấy vậy đau lòng khuyên niệm Phật hay thiền quán cho bớt khổ đau, nhưng người ấy không thể làm được.

Qua đó, ta mới thấy việc thực hành các pháp môn không phải là việc dễ làm. Có người còn cho rằng, bây giờ còn trẻ, ta ăn chơi, bay nhảy cho thỏa thích, đến lúc tuổi già hãy tu cũng không sao. Nên nhớ rằng, khi có phước duyên gặp Tam Bảo, mà không tinh tấn tu hành theo lời Phật dạy, lúc bệnh đến không biết cách hóa giải lại than thân, trách khổ như khát nước chờ đào giếng thì làm sao cho kịp.

Là người con Phật, chúng ta phải cố gắng tu hành lúc còn trẻ, còn mạnh khỏe, không nên chờ đến tuổi già mới tu, e đến lúc đó, thân không còn khỏe, chân đau, gối mỏi, bệnh tật tấn công, thân chịu không nỗi, lấy đâu mà tu luyện, thực hành. Người thiếu phước, không có trí tuệ, khi đối diện với tuổi già bệnh hoạn sẽ lo âu, sợ hãi, bất an, đâu có còn bình tĩnh, sáng suốt để tu hành.

(Nguon: https://phatgiao.org.vn/cau-chuyen-duc-phat-do-de-tu-benh-d37038.html)

Thursday, January 2, 2020

Mừng ngày Đức Phật thành đạo



Mừng ngày Đức Phật thành đạo

Hôm nay ngày Phật đạo thành
Chúng con quy ngưỡng ân lành chở che,
Mở ra ánh sáng bốn bề
Chúng sinh độ thoát đưa về nẻo chơn.

Từ ngài từ bỏ cung son
Bao năm khổ hạnh héo hon hình hài,
Hôm nay vừa chớm sao mai
Lục thông chứng đạt, tỏ bày nguồn cơn.

Bồ đề đạo quả vuông tròn
Chân như đã chứng, Niết bàn ngay đây
Rừng nai đạo pháp hiển bày
Tứ chúng tu tập, lối này mở ra.

Nhân gian mừng đạo Thích Ca
Tứ đế, Bát đạo… vườn hoa vẫn còn
Người là thầy dẫn chúng con
Thoát qua nẻo khổ, lối mòn thế gian…

Đạo vàng người chứng huy hoàng
Cầu vồng tỏa sáng, hào quang chói lòa
Hai ngàn năm đã trôi qua
Bóng bồ đề vẫn một tòa uy nghi.

Chắp tay con nguyện khắc ghi
Những lời pháp bảo, chứng tri đạo mầu
Ơn người xin học đạo sâu
Cùng nhau tu tiến, nghìn sau đạo còn…

PQT (ngày 8-12 al, Kỷ Hợi)

Sunday, March 24, 2019

Đức Quán Thế Âm Bồ Tát

Đức Quán Thế Âm Bồ Tát

Giữa không gian sóng mê dâng cuồn cuộn
Thuyền Từ Bi đang dạo chốn phong ba
Tỏa hào quang rực sáng cõi ta bà
Giông tố bỗng lặng im không cuồng nữa

Tự tại thanh cao viên dung ngự giữa
... Chốn vô minh, phiền não phủ muôn người
Vẫn dịu dàng môi nở nụ cười tươi
Ngài thương mến đưa tay và tiếp độ

Ôi ! trần gian bao nhiêu người đang khổ
Với tịnh bình ngài vẫy xuống niềm tin
Ban nguồn vui cho cùng khắp chúng sinh
Và cứu độ bao người về Cực Lạc

Hình ảnh ngài tựa như luồng gió mát
Con khát khao và vui sướng được nhìn
Hình ảnh ngài rạng rỡ tựa bình minh
Con chiêm ngưỡng trong niềm vui giải thoát

Con mong ước rằng sau khi đã thác
Xin được về nơi Phật địa xa xôi
Đảnh lễ ngài uy nghi ngự trên ngôi
Cao chín phẩm và ban lời thuyết pháp

Ôi ! thế gian đầy sương sa, bão táp
Xin ngài ban vô úy thí cho con
Mong tương lai thiện quả được vuông tròn
Con đảnh lễ cúi xin ngài thọ ký

Vân Hà (TTHA)

Monday, August 13, 2018

CÂU CHUYỆN NGHIỆP BÁO

CÂU CHUYỆN NGHIỆP BÁO


Không hiểu sao, dạo nầy Lâm bỗng dưng lầm lầm lì lì không nói chuyện huyên thuyên như trước nữa. Nó đột nhiên hay cau có như muốn gây sự với bất cứ ai đến gần hỏi han nó. Nó cũng không buồn ăn hay tắm rửa, mỗi lần má nó nhắc nó đi tắm đi là nó gây sự rồi bỏ ra đầu ngỏ ngồi đến chặp tối mới trở vào nhà. Người ngợm dơ bẩn nhưng nó chẳng quan tâm chải chuốt như trước nữa. Nó dường như trở thành một người khác hẳn, dạo trước nó rất diện, tuy không đẹp hơn ai nhưng nó luôn chăm chút đầu tóc rất kỹ. Nó hay buột tóc đuôi gà rồi cài một cái bông thật to lên trên trông cũng hay hay. Trong xóm, mỗi lần gặp nó, bọn con trai hay hát ghẹo: Kìa, cô bé, có mái tóc đuôi gà…,để được nó nguýt cho một cái rồi cả bọn cười ré lên thích thú bàn tán lung tung về nó… vậy đó, mà bây giờ gặp nó ai cũng ngạc nhiên không hiểu sao nó hoàn toàn thay đổi đến như vậy. Có người bảo con bé bị điên rồi, chắc là trong giòng họ nhà nó có gien của người điên nên bây giờ mới phát… Năm nay, nó cũng đã mười bảy tuổi rồi, cái tuổi được coi là đẹp nhất, vậy mà nó phát điên, nghĩ thật tội nghiệp cho nó.

Má tôi với má nó cũng có chút bà con xa, nên má tôi cũng thương yêu nó không khác gì chúng tôi. Má tôi gặp ai cũng kể về tình trạng bệnh tật của nó để may ra gặp đúng thầy, đúng thuốc chữa cho con bé khỏi căn bệnh quái ác kia. Dạo trước, nó ở dưới nhà quê, từ nhỏ tới lớn chỉ biết đi học ở trường làng mà trường thì cách nhà hai quãng đường khá xa, ngang một nghĩa địa và phải qua một giòng sông không có cầu bắt qua, chỉ có một con đò nhỏ của ông lão chèo đò hàng ngày kiếm sống bằng cách đưa dùm mọi người qua sông…từ ngày nó phát điên, không chịu đi học nữa, má nó tìm cách đưa nó lên thành phố để chữa bệnh, và thế là hai mẹ con tá túc ở nhà tôi.
Lúc đầu, bác sĩ cho điều trị ngoại trú, cứ mỗi đầu tuần là hai mẹ con vào bệnh viện tâm thần Chợ Qúan để chạy điện, lấy thuốc điều trị rồi trở về nhà tôi tạm trú.Hơn nữa năm trời, bệnh cũng không thuyên gỉam chút nào mà càng lúc càng tăng. Lâm trở nên hung dữ, hay phá phách lúc về đêm nhiều hơn. Các em tôi rất sợ, chiều đến là chúng rút hết lên lầu không dám ở cạnh chị Lâm nữa. Chỉ còn tôi thỉnh thoảng trông chừng không để chuyện đáng tiếc xãy ra. Tôi dấu hết mọi thứ đồ vật có thể gây nguy hiểm như dao, kéo, kềm, búa….v.v…vì lúc lên cơn Lâm bất kể cả người thân….má Lâm không chịu đựng nổi nên bỏ về quê và thay vào đó là người cha quê mùa, mộc mạc lúc nào cũng đi chân đất lên ở lâu dài để chăm con.
Một năm sau, má tôi khuyên chú nên đưa Lâm vào nhập viện để tập thể bác sĩ, y tá ở trong bệnh viện chăm sóc cho Lâm sẽ hiệu quả hơn. Thế là Lâm vào ở hẳn trong bệnh viện tâm thần Chợ Qúan. Mỗi ngày có Ba vào thăm, nuôi. Thỉnh thoảng, má Lâm mới lên thay cho Ba về quê coi sóc ruộng vườn ít bửa, rồi lại trở lên Sài Gòn nuôi con gái. Chiều thứ bảy, má tôi cũng thường bảo chú ấy đưa Lâm về nhà chơi cho khuây khoã và cũng để theo dõi xem bệnh tình của Lâm tiến triễn có tốt không? Thế nhưng, mọi cố gắng của người cha gần như vô vọng. Chẳng những Lâm không thuyên giảm mà còn có vẽ như nặng hơn…mỗi lần về nhà, Lâm chẳng nói chẳng rằng, cứ ngồi im thin thít ở trong một xó tối. Cặp mắt lạc thần cứ nhìn trừng trừng vào khoảng không trước mặt như đang phải đối diện với một ai đó. Thỉnh thoảng buông một tràng cười man dại… má tôi dỗ dành cách nào cũng không chịu nói chuyện hay ăn uống chi cả. Riết rồi má tôi và ba Lâm cũng quyết định để mặc cho cô gái với số phận không may đó. Ba Lâm chuyển cho con gái lên Biên Hòa và ở luôn trong bệnh viện cho tiện việc điều trị, rồi ông về Cần Thơ và không lên nữa. Má tôi, thỉnh thoảng có nhớ đến cô cháu tội nghiệp lại nấu nướng các món ăn ngon rồi sai tôi đi thăm nuôi…mỗi lần như thế, tôi sợ muốn chết nhưng không dám cải cũng vì tội nghiệp và thương cho số phận không may của Lâm.
Sáng nay, má tôi sắp sẳn đồ ăn, thức uống cho Lâm, bảo tôi đi sớm rồi về sớm cho kịp chuyến xe buýt buổi chiều. Tôi đến nơi hãy còn sớm lắm, mọi người trong bệnh viện còn đang tập thể dục ngoài sân. Không khó chút nào, tôi tìm thấy Lâm đang đứng thơ thẩn ở một góc sân cỏ. Lâm vẫn còn nhận ra tôi, cô gái cười nói tíu tít:
– Trời ơi ! chị Sáu, em mừng quá, em cứ tưởng hôm nay chị không lên, ba má em có lên thăm em không ?
Tôi an ủi :
–Đừng buồn, Lâm, chắc chú thím bận công việc ở quê nên không lên được, má chị bảo cứ để ở trên nầy gia đình chị chăm sóc cho em cũng được. Bao giờ ở dưới rảnh rỗi sẽ thu xếp để lên thăm em mà…
–Em biết rồi…chắc là ba má thấy em điên khùng nên không thương nữa, bỏ rơi luôn…
Nói xong, cô gái ôm lấy tay tôi, khóc òa như đứa trẻ con. Tôi cũng cuống quít, dỗ dành:
– Thôi nào, đừng khóc nữa, giống con nít quá, người ta cười Lâm kìa…
Lâm ngồi bệch xuống gốc cây cạnh đấy, nước mắt vẫn chan hòa nhưng không khóc lớn tiếng nữa. Tôi dở gào mên thức ăn ra, bảo Lâm :
– Thôi, đói chưa ? ăn chút gì đi nhé, hôm nay má chị làm thức ăn ngon lắm đó…
– Em không muốn ăn đâu, em chỉ muốn về nhà thôi, chị nhắn dùm ba má lên rước em về đi…
– Ờ, để từ từ rồi chị nhắn cho, nhưng em phải ngoan, uống thuốc đều đặn, nghe lời bác sĩ một thời gian, khi nào bác sĩ cho phép ba má mới lên đây rước em về được….
–Em hết điên rồi mà chị… không tin, chị vào hỏi bác sĩ thử xem…
– Chị tin chứ, nhưng phải ở lại dưỡng bệnh một thời gian nữa mới chắc ăn, bác sĩ nói vậy mà…
– Chị chưa gặp bác sĩ, sao chị biết ?
Tôi cười trừ :
– Ờ…chị có người bạn cũng bệnh giống em vậy đó, nhưng giờ chị ấy hết bệnh rồi, đã được ba má đón về rồi. Em ráng ở trong nầy thêm một thời gian nữa thôi rồi chú, thím sẽ lên đón em về dưới mà….
– Em mong từng ngày để được về lại dưới quê, ở trên đây em thấy khó chịu quá…tại sao ba má không để em ở dưới cũng được, không phải tốn tiền đi xe đò, không phải tốn tiền nằm bệnh viện? Chị nhắn ba má lên rước em về đi, em hết chịu nổi rồi…
Nói xong, Lâm lại khóc nức nở, không chịu ăn. Tôi thương Lâm vô cùng nhưng không làm sao giúp được cô gái. Tôi chỉ biết dỗ dành Lâm như một đứa trẻ con :
– Thôi nào, nín đi, đừng khóc nữa, không chị về liền cho xem, chị lên thăm thì phải vui lên chứ, khóc hoài chị không dám lên nữa à…
Bấy giờ Lâm mới cuống qúit ;
– Đừng…chị đừng về…đừng bỏ em một mình trong đây nữa…em sợ lắm, mấy người đó dữ lắm…họ muốn giết em chết đó…họ cứ trói tay chân em lại hoài, rồi họ còn cho điện giựt em nữa, chị ơi…nói ba má rước em về lẹ lẹ lên nha, em sợ ở trong nầy lắm rồi…
Tôi trấn an :
– Ờ …để chị nhắn chú thím lên gấp đón em, bây giờ thì ăn đi để chị còn về cho kịp chuyến xe buýt…
Nhìn cô gái ngoan ngoãn ăn cơm, tôi thấy xót xa trong lòng làm sao. Lâm bây giờ không giống như Lâm trước kia tôi biết. Trước kia, Lâm xinh đẹp, yêu đời, lanh lợi bao nhiêu thì bây giờ tàn tạ như đóa hoa buổi chiều, Lâm héo hắt, ngơ ngác, đôi mắt lạc thần nhìn vào khoảng hư vô như đang đối diện với một ai đó vô hình…người ngợm dơ bẩn vì không chịu tắm. Riết rồi, cáu bẩn bám đầy không còn ra dáng một cô gái nũa, lúc nào đầu tóc cũng bù xù, rối bời như mớ bòng bong…chỉ có khi nói chuyện với tôi là có vẻ tỉnh táo đôi chút, có lẽ do nhớ nhà, nhớ cuộc sống tự do, nhớ những kỹ niệm với bạn bè dưới quê cùng bắt cua, bắt ốc bên nhau lúc nhỏ nên Lâm không thể chịu được cuộc sống bẩn chật nơi cái bệnh viện tâm thần nầy. Chung quanh chẳng có một ai thân quen, chỉ toàn là những người cùng bệnh như nhau. Nhìn họ, tôi thấy là Lâm hãy còn bình thường lắm vì còn nhìn ra người quen, người thân, còn biết nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ những người bạn ở cùng quê… còn họ, những người bạn trong bệnh viện tâm thần nầy của Lâm, chẳng còn ra con người nữa. Họ đi thơ thẩn khắp nơi, người thì ca hát cuồng loạn, người thì khóc la thảm thiết, người thì xé quần, xé áo, trần truồng đi lang thang như người mộng du, có người còn đánh đấm, cắn nhau đến nổi bác sĩ phải nhốt họ riêng một phòng. Họ không còn nhìn ra người thân của họ nữa. Những con người khác lạ hoàn tòan, dường như là không còn dính dáng gì với thế giới loài người nữa. Họ sinh hoạt trong cái thế giới hoang tưởng của họ, một thế giới rất riêng của những người bị bệnh tâm thần với nhau. Họ không hề sợ bất cứ điều gì, bất cứ ai. Bác sĩ, y tá, bác bảo vệ…và cả những người thân của họ. Bỏ họ ở lại bệnh viện luôn hay đón họ về với gia đình cũng thế thôi. Họ không còn phân biệt nổi đang ở nhà hay đang ở bệnh viện tâm thần nữa. Họ chẳng buồn ăn uống, người gầy rộc chỉ còn da bọc xương , nước da xanh rớt như người chết, nói năng lảm nhảm, đôi mắt ngơ ngáo, nhìn vào cõi riêng của họ, thậm chí, có người thân ở kế bên, họ cũng không còn nhận biết nữa. Còn Lâm thì không thế, Lâm hãy còn nhận biết mình đang bị mọi người thân bỏ rơi dần dần, còn thấy nhớ nhà, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ người thân ở dưới quê lâu rồi không gặp mặt. Những lúc tỉnh táo bất chợt như thế Lâm chỉ biết khóc mà thôi. Lâm rất sợ bị bác sĩ và các cô y tá la rầy. Có lẽ trong số bệnh nhân tâm thần ở đây chỉ có Lâm là ngoan nhất. Lâm vừa ăn vừa năn nỉ tôi:
– Chị Sáu nhớ nhắn ba má dùm em nha, em hết bệnh rồi, không tin chút nữa chị hỏi bác sĩ coi…
–Ờ…để rồi chị nhắn dùm cho, ráng ở đây uống thuốc thêm ít hôm cho khoẽ hẵn đã, không thôi về dưới bệnh lại, mất công trở lên bác sĩ không nhận đâu…
Tôi cứ hứa bừa như thế cho cô gái yên tâm mà trong lòng tôi thừa biết cả nhà Lâm gần như tuyệt vọng hoàn toàn. Đã hơn nữa năm trôi qua, ba má Lâm gần như bỏ hẳn không lên thăm con nữa, một phần là vì ở dưới quê lên tận Biên Hòa để thăm con thật không đơn giản, nào tiền xe, tiền ăn , tiền thuốc thang…rồi còn không có chổ ở lâu dài nữa, phải ở lang thang trong bệnh viện mất mấy ngày mới trở về nhà tôi tận Sài Gòn, rồi lại phải mua vé xe trở về Cần Thơ, tận chốn miệt vườn sông nước mênh mông, bốn bề vắng vẻ, không một bóng người láng giềng ở cạnh, có chăng chỉ là những mái nhà thấp thoáng xa thật là xa, muốn gặp nhau nói câu chuyện phải đi đò qua một con sông khá rộng và sâu. Vậy đó, mà gia đình Lâm ở đấy đã lâu lắm rồi, nghe nói từ đời ông nội của Lâm. Ngày trước, ông bà của Lâm cũng thuộc hàng khá giả, có của ăn của để, có ruộng vườn cho người làm công, có tiền của cho vay lãi và đối đãi với người ăn kẻ ở rất là khe khắt…nếu có ai vi phạm điều gì là trừng trị thẳng tay, không hề biết thương hại một ai, ngay cả đối với bà con, họ hàng gần cũng như xa, ông đều không nương tay …riết rồi mọi người đều xa lánh không ai muốn ở gần ông nũa. Từ khi lớn lên, Lâm chỉ nghe kể về ông, chứ không nhìn thấy vì lúc ấy ông mất đã lâu lắm rồi. Tôi cũng đã có lần nghe má của Lâm kể về ông, về những lần ông trừng phạt những người làm công có lỗi, trong đó có một người vì uất hận quá nên sinh bệnh mà chết. Trước khi chết ông ta tìm đến ông nội của Lâm nói những lời nguyền rủa rất độc địa, có lẽ vì thế mà bây giờ con cháu của ông gặp phải những điều không may chăng? Má của Lâm chỉ biết than vắn, thở dài mỗi khi nhìn thấy con gái trở nên điên loạn như thế. Bà là chị dâu họ của má tôi. Khi bà về làm dâu nhà ấy, bà mới biết chuyện trong gia đình nhà chồng có những uẩn khúc mà người ngoài không bao giờ biết được. Bà thường nói với má tôi :
– Có lẽ ông bà nội nó thiếu âm đức cho nên con cháu không được may mắn như con người ta, chứ nó có tội tình gì đâu.Con gái mới lớn mà như thế là hết đời, em không biết làm cách nào để chữa trị cho cháu bây giờ…
– Thím đừng nghĩ ngợi nhiều quá.Nghiệp báo của ai người đó phải gánh chịu chứ ông bà thì có lỗi gì? Trừ khi cộng nghiệp của cháu và ông bà giống nhau, nên mới có chuyện trùng hợp như thế thôi…
Má tôi an ủi :
– Thím nên mang cháu vào chùa thử xem. Tôi nghe nói ở bên Linh Quang tịnh xá có sư thầy chữa bệnh nghiệp chướng hoặc ma quỉ ám rất hay, nếu như cháu có người cõi âm theo hay nghiệp chướng nặng nề thì thầy cũng đều chữa được hết. Chẵng những thế, mà thầy còn độ cho biết bao bệnh nhân sau khi hết bệnh, có được cuộc sống bình thường, biết làm việc tốt để tạo phước báo sau nầy…
Má Lâm gật đầu như cái máy:
– Để hôm nào thuận tiện khi ba cháu lên thăm, em sẽ dẫn cháu lên chùa một lần cho biết. Nếu như cháu còn chút phước báu thì may ra… chứ em tuyệt vọng lắm rồi chị ơi… Thím vừa nói vừa khóc trông rất tội nghiệp. Má tôi nhận lời trông nom cho Lâm ở Sài Gòn để ba má Lâm trở về quê lo công việc dưới ấy, thỉnh thoảng, độ vài ba tháng mới lên thăm một lần…và thế là má giao cho tôi đảm trách việc thăm nuôi thường xuyên cô em gái không bình thường nầy. Mỗi tuần một lần, tôi đều đặn lên Biên Hòa thật sớm để thăm và mua quà vào cho Lâm…Lần nào cũng vậy, hễ gặp tôi là Lâm đều khóc lóc, năn nỉ bảo tôi xin bác sĩ cho về vì Lâm chẳng có bệnh gì cả. Có lần, má tôi tội nghiệp bèn xin với bác sĩ cho về nhà chơi ít bữa, đêm đó, cả nhà phải một phen khiếp vía vì sự lên cơn của Lâm. Nữa đêm, Lâm không chịu ngủ, la hét um sùm, cầm dao chém lung tung như đang chiến đấu với một kẻ vô hình….thế là sáng hôm sau má tôi lại nhắn ba má Lâm đưa cô gái trở lại bệnh viện tâm thần…
Trước khi vào viện, chú thím cũng nghe lời má tôi đưa Lâm lên chùa để điều trị thử xem, Lâm nhất quyết không chịu đi, cứ đến cửa chùa là không chịu vào, nhất quyết đòi về cho bằng được đến nổi sư thầy phải ra tận bên ngoài đón vào… có lẽ do thần lực của sự chú nguyện của thầy nên Lâm đột nhiên trở nên ngoan ngoản lạ thường. Cô gái bước vào chánh điện có vẻ rụt rè, sợ sệt…đôi mắt ngơ ngác nhìn lên Phật, chắp tay với vẻ khuất phục, cô quì xuống, khóc nức nở…giọng thầy trầm, đều đều:
–Con có điều gì oan ức chưa giải tỏa được, hãy cứ nói thầy nghe, có thể thầy sẽ giúp được cho con…
Đột nhiên, Lâm quay người lại, chỉ thẳng vào chú, giọng nói lạ hẳn đi :
– Cha của người nầy đã ức hiếp con, đã đánh con chết ở ngay tại gốc xoài phía sau nhà…con tức lắm, con không đi được, con phải ở lại để trả thù con cháu của ông ta….
–Thôi nào…tội người nào làm người ấy chịu, sao lại trả thù con cháu người ta, cho thầy xin đi, ở lại chùa với thầy, thầy sẽ độ cho…
– Không được, con không chịu…con phải trả thù…
Lâm gào lên, rồi khóc nức nở như uất ức…thầy không nói gì nữa, chỉ lầm thầm niệm chú, Lâm ngồi yên lặng một chút rồi thiếp đi…Thầy đứng lên nói với chú thím tôi :
– Chắc là người đó đã đi rồi, hoặc ở lại chùa với tôi, ông bà cứ đưa cháu về, không sao đâu…
Chú thím tôi cảm ơn thầy, nhìn nhau. Tôi thấy ánh mắt của họ có một cái gì đó hơi lạ, họ cũng không buồn hỏi thầy là ai đã nhập vào Lâm để có những lời nói lạ lùng đó nhưng tôi nghĩ – trong thâm tâm của chú thím, chắc là họ hiểu điều gì đã xãy ra đối với con gái mình – rồi chú thím không đưa con vào bệnh viện tâm thần nữa mà quyết định đưa Lâm về Cần Thơ, cho Lâm ở nhà tự điều trị bằng thuốc nam…
Kể từ dạo ấy tôi ít khi được gặp lại Lâm vì không có dịp về Cần Thơ thường hơn, chỉ những dịp hè tôi mới về được ít ngày nhưng lại không có thì giờ về tận nhà của Lâm ở tuốt trong vàm, xa xôi cách trở nhiêu khê…rồi tôi lập gia đình… không có dịp về quê thường hơn… cho đến bây giờ…Một hôm, đi dự đám cưới của người em chú bác, tôi có nghe được tin tức của Lâm… càng buồn hơn nữa… Lâm về quê được ít lâu thì bệnh tái phát, lần nầy nghe nói nặng hơn trước rất nhiều đến nỗi Lâm không còn nhận ra người thân. Lâm luôn gào thét, không chịu ăn uống, tắm rữa…Ba Má của Lâm cũng quá mệt vì con, phần tuổi cao, sức yếu nên không còn nghĩ đến việc đưa con lên Sài Gòn chữa trị nữa. Lâm cứ sống cuộc sống điên loạn như thế cho đến một hôm người ta nhìn thấy cô gái nằm gục bên bờ sông nhưng đã chết tự bao giờ… Tôi lặng người… không buồn cho Lâm mà còn cảm thấy mừng vì Lâm đã thoát khỏi kiếp sống đọa đày… Nghiệp báo của mỗi người không giống nhau vì sự tạo nghiệp của mỗi người khác nhau nhưng tôi nghĩ rằng trên cả sự vay trả, trả vay là lòng tha thứ, bao dung của con người. Nó có thể cắt đứt giòng nghiệp báo triền miên đã làm cho kiếp người vốn khổ đau lại càng đau khổ hơn nầy…
Mỗi lần nghĩ về Lâm tôi luôn cầu nguyện cho Lâm có được kiếp sống khác tốt đẹp hơn, an vui hơn, hạnh phúc hơn kiếp nầy… bởi vì Lâm đã trả nghiệp xong rồi…
Vân Hà (TTHA)

Sunday, December 24, 2017

Đạo Phật giữa lòng người Việt

Đạo Phật giữa lòng người Việt

(Lời bạt Sách Kiến Thiết Văn Minh Phật Giáo)

Đạo Phật với tâm hồn người dân Việt chúng ta đã bao đời gắn bó, như tế bào, như hơi thở, là tình tự dân tộc, từng chia ngọt sẻ bùi trong mọi bước thăng trầm lịch sử. Mỗi khi vận nước nguy nan, sóng to gió lớn, thì tinh thần bất khuất quật khởi của dân tộc lại như ngọn thủy triều dâng lên, thể hiện lòng yêu nước mà chiến đấu, đó cũng chính là tinh thần vô úy của đạo Phật; mỗi khi gặp nghịch cảnh, không thuận lợi cho việc phát triển đất nước và đạo pháp, thì đạp Phật vẫn tùy duyên bất biến, giữ vững niềm tin và đức vô úy, cũng như dùng trí tuệ Bát Nhã, xóa bỏ vô minh thù hận tham si, để cứu độ chúng sinh vượt khỏi sông mê.

Có khi, gặp thuận cảnh, thì đạo Phật lại tham gia triều chính, quốc sự... tùy duyên hóa độ, mở ra những trang sử vừa rực rỡ của chiến công, vừa đầy lòng nhân ái của tình người và đại nghĩa. Triều Lý nước ta đã có những vị chân tu làm quốc sư, các vị quan lại là Phật tử, kiến thiết đất nước, xây dựng nhân sinh quan trên tư tưởng đạo Phật làm cho đất nước được phú cường, nhân dân hạnh phúc. Triều Trần, nước ta có vị anh hùng, Trần Nhân Tông lại là một thiền sư đắc đạo, mở ra cả một giòng thiền... Văn hóa của đạo Phật và văn hóa của dân tộc ta gắn bó với nhau hơn bao giờ hết.

Không chỉ dừng lại trong hạnh từ bi hay lòng nhân nghĩa, mà tinh thần vô úy, đại hùng đại lực còn kết hợp với tình yêu đất nước đã khiến các triều đại này lập nên bao chiến công hiển hách, để lại cho con cháu niềm kiêu hãnh ngàn đời : đánh Tống bình Chiêm, mở mang bờ cõi... Ba lần phá tan đạo quân Nguyên hung hãn và tàn bạo bậc nhất trong lịch sử chiến tranh xâm lược của loài người.

Cũng từ cái nôi của thời văn hóa thăng hoa Lý Trần mà các trào lưu tư tưởng đã ra đời : Sự xuất hiện của hai phái Thiền Thảo Đường (dưới triều Lý), Thiền Trúc Lâm (dưới triều Trần)... cùng với các tác phẩm văn hóa tiêu biểu, như : Chiếu Dời Đô, Nam Quốc Sơn Hà, Hịch Tướng Sĩ, Khóa Hư Lục, Lĩnh Nam Chích Quái, Việt Điện U Linh Tập, Thiền Uyển Tập Anh... đã đánh dấu thời kỳ sáng tạo rực rỡ của văn hóa Việt. Không chỉ trên lĩnh vực tư tưởng, mà cả các tác phẩm binh thư võ công kiệt xuất, như : An Nam Hành Quân Pháp (đời Lý), Vạn Kiếp Bí Truyền Thư, Binh Thư Yếu Lược... (Trần Hưng Đạo), thể hiện sự độc sáng của dân Việt trên cơ sở tư tưởng đạo Phật, kết hợp cùng tinh thần Khổng và Lão giáo.

Thế cho nên không ai còn hoài nghi về sự gắn bó, thủy chung giữa tư tưởng đạo Phật và văn hóa Việt. Nó hòa quyện, chia sẻ với nhau trên suốt hành trình lịch sử, lúc nào đạo Phật hưng vượng thì đất nước được thái bình thịnh trị, lúc nào đạo Phật suy vi, gặp pháp nạn... thì vận nước cũng đảo điên.
Về nền văn học dân gian, chỉ xem qua kho tàng cổ tích Việt Nam (1), chắc không ai ngạc nhiên về hình ảnh của ông Bụt xuất hiện ở khắp mọi nơi, như một cái gì gần gũi gắn bó với tâm hồn Việt Nam từ rất sớm... Chỉ mỗi khi nguy nan, nhọc nhằn đau khổ, ức hiếp, bất công và tai nạn... thì ngọn gió từ bi trong lành, giọt nước cành dương tươi mát, lại xuất hiện trong mỗi hoạn nạn nhân gian để cứu khổn phò nguy, trừ tai giải họa... qua hình ảnh ông Bụt. Bụt trong Tấm Cám, Cây Tre Trăm Đốt, trong Chử Đồng Tử... và hầu hết các truyện cổ tích Việt Nam. Bụt khắp mọi nơi, trong nỗi đau khổ của nhân gian đều chờ đợi Bụt hiện ra... thật kỳ diệu lạ lùng...

Trong kho tàng ca dao có vô số câu dẫn chứng tư tưởng đạo Phật, về thuyết nhân quả, ở hiền gặp lành, làm ác gặp dữ, quả báo nhãn tiền, tu là cội phúc... chỉ cần dẫn một vài câu cũng chứa đủ cả triết lý thâm sâu lẫn thực hành ứng dụng:
Dẫu xây chín vạn phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người
hoặc:
Không thờ lạy Phật trong nhà,
Lại đi thờ những quỷ ma ngoài đường.
hoặc:
Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa...

Theo các tài liệu nghiên cứu lịch sử gần đây, thì Đạo Phật đã đến với người Âu Lạc từ 240 năm trước Tây Lịch, vào thời đại Hùng Vương, qua các thương nhân Ấn Độ, Trung Á... bằng "con đường đồng cỏ", và các giòng sông Cửu Long (phát nguyên từ Tây Tạng), Hồng Hà, Hắc Giang... tiếp đó lại với "con đường hồ tiêu", trục lộ giao thông đường biển của các thương nhân vùng Địa Trung Hải, Trung Cận Đông, Ấn Độ sang buôn bán với Champa và người Giao Chỉ, sau đó đạo Phật mới đến bằng con đường lục địa từ Trung Quốc truyền sang... (2)

Thế cho nên, tư tưởng Phật đã mọc mầm bén rễ từ rất lâu đời, là nguồn trợ duyên đắc lực cho sự phát triển mọi mặt của nước ta.

Nhưng giòng sống Việt không phải lúc nào cũng thăng hoa, thuận lợi cho sự phát triển, mà bản thân xã hội ta, từ sau thế chiến, đang rơi vào một tình trạng phân hóa, diễn biến phức tạp. Qua bao biến chuyển của thời đại, giờ đây một thứ văn minh hình thức đang ngự trị : tư tưởng thực dụng chủ nghĩa, mâu thuẫn giữa các ý thức hệ ngoại lai, sự sùng bái đồng tiền và vật chất nói chung, lòng ham mê hư danh bổng lộc, sự đảo lộn cương thường, phong hóa, sự phủ nhận các giá trị truyền thống, sự tha hóa của cá nhân, xuống cấp nhân cách của con người thời đại... tất cả thực trạng đó, đòi hỏi mỗi người dân Việt phải tìm hiểu lại cội gốc tư tưởng tinh hoa Việt, uống lại suối nguồn của lòng yêu thương vô ngã, của tinh thần từ bi trí tuệ, xây dựng nhân cách cao thượng của đạo Phật, đạo lý Đông Phương... để tu dưỡng mình và nhập thế trong hoàn cảnh hiện tại, làm những nhân tố phát triển cho thời đại mới, thức tỉnh lòng người, và đốt lên ngọn lửa tâm trong lành tươi mát... cho đất nước, giang sơn Việt, để mong còn có cơ hội thịnh vượng, thăng hoa...

Điều đó, ta sẽ tìm thấy trong tập tiểu luận Kiến Thiết Văn Minh Phật Giáo của Thiền sư Thích Đức Nhuận.

Phạm Văn Cảnh, M.A.


Chú thích: (1) Kho tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam - Nguyễn Đổng Chi, NXB. KHXH, Hà Nội, 1972. (2) A Correlated History of The Far East - Maria Penkala - Tokyo, 1966.

Thursday, October 5, 2017

Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3



LỜI NÓI ĐẦU

Sau khi xuất bản tập 1 và 2 « Những mu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi », tác giả đã nhận được nhiều phản hồi, góp ý tích cực và khuyến khích tiếp tục mở rộng các câu chuyện Phật giáo hướng tới các đối tượng thanh thiếu niên, những đối tượng rất quan trọng trong việc truyền bá Phật pháp. Nhận thấy, tác dụng tích cực của những mẫu chuyện này không những đối với các em ở lứa tuổi mầm non, thiếu nhimà còn có tác dụng tích cực đối với các vị phụ huynh trong công tác giáo dục con trẻ, tác giả đã mạnh dạn tiếp tục sưu tầm và hoàn thiện tập 3, với mong muốn bổ túc những câu chuyện hay còn thiếu ở các tập trước, đề cập nhiều hơn đến các chuyện tiền thân của Đức Phật, việc học, hiểu và ứng dụng Phật pháp ở tuổi thanh thiếu niên, cũng như các bài học ứng dụng gắn liền với cuộc sống học tập và vui chơi của các em.
Trung thành với mục tiêu ban đầulà giáo dục trẻ, nên các câu chuyện được chọn lọc trong tuyển tập này tiếp tục dựa trên tiêu chí ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với tâm lý thanh thiếu niên.Đồng thời, thông qua những câu chuyện trong tập 3 này, các khái niệm Phật học căn bản cũng sẽ được giới thiệu, như : Vô thường, Vô ngã, Nhân quả, Nghiệp báo, Bố thí, Ngũ giới, Tịnh độ… Cuối mỗi câu chuyện đều có phần Bài học liên hệ với những giáo lý căn bản của đạo Phật, sẽ giúp trẻ nhớ, hiểu rõ và có thể áp dụng những bài học này vào cuộc sống. Từ hiểu biết này, hy vọng trẻ có thể tự mình tìm đọc để hiểu thêm về Phật pháp và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày của mình ở trường và ở nhà.
Cấu trúc tập 3 được chia thành 4 phần, gồm: Chuyện tiền thân Đức Phật, Phật pháp và tuổi trẻ, Chuyện loài vật, và Phật pháp ứng dụng. Bên cạnh các câu chuyện gắn liền với Đức Phật và Phật pháp, một số truyện về loài vật, cổ tích Việt Nam cũng được đưa vào nhằm giúp các em cảm thấy vui thích qua các hình ảnh thân thương của các loài vật, giúp các em hiểu hơn về thế giới tự nhiên, cũng như phát triển lòng yêu thiên nhiên, và biết bảo vệ môi trường sống. Chúc các em nhỏ và các bậc phụ huynh có những niềm vui khi đọc cuốn sách này, và ứng dụng được những điều Phật dạy trong cuộc sống để gia đình luôn an lạc và hạnh phúc !
Nhân đây, cũng xin bày tỏ lòng biết ơn đối với các tác giả, tác phẩm, hình vẽ đã được sử dụngtrong tuyển tập này, mà tác giả không có điều kiện liên lạc và xin phép. Xin gửi tặng món quà này đến mẹ, bà xã và các con, những người luôn bên cạnh động viên, và khuyến khích tôi hoàn thành tập sách này. 
Mong tiếp tục nhận được sự hưởng ứng từ các em thiếu nhi và các bậc phụ huynh đối với Những mu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi tập 3 này. Rất mong nhận được các góp ý để bổ khuyết cho lần tái bản sau được hoàn thiện hơn. Mọi góp ý xin gửi về địa chỉ e-mail: pqtrung@gmail.com

Tác giả kính bút,
Đức Kiên (Phạm Quốc Trung)


MỤC LỤC