A virtual world for sharing my knowledge, feeling and other meaningful things in my life.
Lời Phật dạy
Saturday, August 29, 2009
Ơn Nghĩa Sinh Thành
Sáng tác: Dương Thiệu Tước
Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Em ơi hãy nhớ năm xưa
Những ngày còn thơ
Công ai nuôi dưỡng.
Công đức sinh thành
Người hỡi đừng quên
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra.
Người ơi, làm người ở trên đời
Nhớ công người sinh dưỡng
Đó mới là hiền nhân.
Vì đâu, anh nên người tài ba
Hãy nhớ công sinh thành
Vì ai, mà có ta?
Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra
Friday, August 21, 2009
Vài suy nghĩ nhân mùa Vu Lan báo hiếu
Hằng năm, cứ vào dịp rằm tháng 7 (15/7 âm lịch), là mùa lễ hội Vu Lan, là dịp để những người con hiếu thảo tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Lòng hiếu thảo có thể được thể hiện bằng nhiều cách, nhưng phổ biến nhất vẫn là đến chùa thắp hương, lễ Phật và cầu mong mọi điều an lành đến cho cha mẹ hiện tiền cũng như đã quá vãng. Đây là 1 phong tục rất hay của người Phật tử ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước châu Á khác.
Ở nhiều nước, họ có những ngày riêng để tưởng nhớ về công ơn cha mẹ, như là ngày Mother’s Day hoặc ngày Father’s Day. Ở nước ta, hình như chưa có một ngày lễ chính thức để thể hiện lòng biết ơn với cha mẹ, vì vậy nên chăng, chúng ta hãy dựa vào ngày Vu Lan báo hiếu của đạo Phật để phát triển thành ngày tưởng nhớ công đức cha mẹ cho tất cả mọi người Việt Nam. Thiết nghĩ, điều này cũng phù hợp với truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay, vì việc nhớ ơn, báo hiếu là một truyền thống tốt đẹp không chỉ của những người con Phật mà còn là của chung toàn thể dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam, dù thuộc truyền thống tôn giáo nào hoặc không có tôn giáo, thì đều xem việc thờ cúng ông bà tổ tiên là một nghĩa cử cần thiết để thể hiện lòng hiếu thảo. Chính vì thế, một số người còn gọi đó là Đạo Ông Bà, hay là một truyền thống tâm linh gốc của dân tộc Việt Nam gắn liền với chữ Hiếu.
Để ngày Vu Lan có thể trở thành ngày Hiếu thảo của dân tộc, ngày nhớ ơn công đức sinh thành dưỡng dục cho đúng nghĩa, chúng ta cần một cái nhìn rộng hơn và một ít điều chỉnh về những thói quen và suy nghĩ của mọi người về ngày lễ này:
1/ Tục lệ bông hồng cài áo: đây là 1 tục lệ rất đẹp được du nhập từ truyền thống của người Nhật Bản, vào ngày Mother’s Day, những người còn mẹ thường được cài lên áo một bông hoa đỏ, những người mất mẹ thì cài lên áo bông hoa trắng để mỗi người nhận thấy được sự có mặt của mẹ trên đời là rất thiêng liêng. Thế nhưng, nếu áp dụng rập khuôn như thế, chúng ta vô tình quên mất rằng, để có mặt trên đời này thì không chỉ có mẹ mà còn cần phải có người cha nữa, vì vậy nên chăng, tục lệ này nên điều chỉnh một chút để thể hiện được sự cân bằng này. Chẳng hạn, hoa hồng đỏ chỉ cài lên ngực áo những người con mà cha mẹ vẫn còn sống, và hoa hồng trắng dành cho những người con mà cha hoặc mẹ đã qua đời. Làm như vậy để lòng hiếu được thể hiện trọn vẹn y nghĩa của nó, bởi vì công cha hay nghĩa mẹ đều to lớn và cao cả như nhau, nếu chẳng may mất cha hay mẹ thì đều là mất mát to lớn cả.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
2/ Nên hướng tới người sống nhiều hơn người chết: có lẽ vì ngày lễ Vu Lan bắt nguồn từ truyền thuyết ngài Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ chịu tội khổ trong địa ngục, nên ngày lễ này thường gắn liền với việc cầu siêu, cúng cô hồn, và chăm lo cho người thân đã mất nhiều hơn. Tuy nhiên, ta biết rằng, sự hiếu thảo của người con đối với cha mẹ cần phải được thể hiện qua những lời nói, hành động cụ thể, đặc biệt là khi cha mẹ còn sống, để người vui lòng và cảm nhận được lòng biết ơn của con cái đối với mình. Những việc làm hiếu thảo cụ thể như: thường xuyên quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ cha mẹ về vật chất và tinh thần, chăm sóc những lúc đau ốm bệnh tật… Tôi còn nhớ một bài thơ dịch từ tiếng Anh nói lên mong muốn của người mẹ được đón nhận tình cảm yêu thương từ người con, như sau:
Thì hãy yêu khi mẹ còn đây
Còn biết được những lời tình cảm
Ngọt ngào êm dịu đến cuồng say
*
Hãy yêu đi khi mẹ còn biết
Đừng để đến lúc mẹ ra đi
Ghi lời yêu dấu lên bia đá
Mỹ từ lên phiến đá vô tri
*
Hãy nói lên lời con muốn nói
Đừng để đến lúc mẹ ngủ say
Một giấc ngủ chẳng bao giờ dậy
Ngàn năm ngăn cách chẳng ngày mai…”
Đó là vài suy nghĩ về y nghĩa cao đẹp của ngày Vu Lan báo hiếu trong đạo Phật, và mong rằng ngày này sẽ trở thành một ngày lễ chung để tưởng nhớ công ơn cha mẹ cho mọi người Việt Nam. Sao cho, cứ đến ngày này, mỗi người Việt Nam đều lắng lòng để tưởng nhớ đến cha mẹ mình, những gian lao vất vả của hai đấng sinh thành, đã cho ta có mặt trên cuộc đời này, nuôi ta lớn khôn, dạy ta nên người và sẳn sàng hy sinh cả cuộc đời vì tương lai và sự nghiệp của chúng ta. Ơn đức ấy, công lao ấy rất to lớn, rất cần được trân trọng và tưởng nhớ, dù chỉ một ngày trong năm. Để mỗi người con có dịp biểu hiện lòng hiếu kính của mình đối với cha mẹ, nếu cha mẹ còn sống thì chăm lo thăm hỏi, hoặc nếu chẳng may cha mẹ đã qua đời, thì hãy làm những việc công đức để hồi hướng và cầu mong cha mẹ siêu sanh vào những cảnh giới an lạc. Mỗi chúng ta hãy cùng thắp nén tâm hương trong mùa vu lan cho hoa hiếu thảo được ngát hương và truyền thống Hiếu đạo của dân tộc được bảo tồn và phát triển.
Friday, August 14, 2009
Vài nét về lễ hội Obon của Nhật Bản
Image via Wikipedia
Obon (お盆) hay Bon (盆), còn được biết đến như là "Ngày của người chết", là một phong tục của người Nhật theo Phật giáo để tưởng niệm những người thân đã qua đời. Phong tục Phật giáo này đã phát triển thành ngày lễ đoàn tụ gia đình, là thời điểm mọi người trở về quê cha đất tổ để thăm viếng và chăm sóc, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên. Đây cũng là thời điểm mà linh hồn của các người đã mất được phép trở về thăm con cháu. Lễ hội này, còn được gọi là Lễ hội của những con thuyền, đã được tổ chức ở Nhật hơn 500 năm và thường gắn liền với 1 điệu múa dân gian, có tên là Bon-Odori.
Lễ hội Obon kéo dài trong 3 ngày, tuy nhiên ngày bắt đầu có khác biệt đôi chút ở những vùng khác nhau của Nhật Bản. Khi người Nhật bỏ âm lịch để chuyển sang sử dụng dương lịch vào đầu thời kỳ Minh Trị, việc điều chỉnh tương ứng ở các địa phương có sự khác biệt, dẫn đến 3 thời điểm khác nhau cho ngày Obon. "Shichigatsu Bon" (Bon tháng bảy) thì tổ chức vào ngày 15 tháng 7 dương lịch ở các vùng như Tokyo, Yokohama và Tohoku. "Hatchigatsu Bon" (Bon tháng tám) thì tổ chức vào ngày 15 tháng 8 dương lịch, và là thời điểm chung nhất ở khắp nước Nhật. "Kyu Bon" (Bon cũ) được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch ở các vùng như phía bắc Kanto, Chugoku, Shikoku, và các đảo ở phía tây nam. Những ngày này không được xem là ngày nghỉ lễ chính thức ở Nhật Bản, nhưng theo phong tục người dân vẫn được cho phép nghỉ.
Obon là dạng viết tắt của Ullambana (Japanese: 于蘭盆會 or 盂蘭盆會, urabon'e). Nó có nguồn gốc từ tiếng Sanskrit có nghĩa là "treo ngược lên" và chỉ đến một sự giải thoát to lớn. Người Nhật tin rằng ngày này những người chết có thể được thoát khỏi cảnh khổ của việc bị treo ngược trong địa ngục do những tội ác từ đời trước.
Bon Odori bắt nguồn từ câu chuyện về Mục Kiền Liên (Mokuren), một đệ tử của đức Phật, người đã sử dụng thần thông của mình để tìm kiếm mẹ của mình. Ông đã nhìn thấy mẹ mình bị rơi vào cảnh giới quỷ đói và đang chịu khổ. Rất đau khổ, ông tìm đến Phật và hỏi ngài cách để cứu mẹ khỏi địa ngục. Phật đã hướng dẫn ông dâng cúng lễ vật lên chư tăng, những vị vừa hoàn tất 3 tháng an cư kiết hạ, vào ngày 15 tháng 7. Vị đệ tử đã làm theo và nhờ đó, đã nhìn thấy mẹ mình được giải thoát. Ông cũng thấy được bản chất rộng rãi thật sự của mẹ mình và những hy sinh to lớn mà bà đã dành cho ông. Ông cảm thấy hạnh phúc vì mẹ mình đã được giải thoát và biết ơn công lao của mẹ mình nên đã nhảy múa một cách vui mừng. Điệu múa Bon Odori bắt nguồn từ hành động nhảy múa vui vẻ này, đó là thời điểm mà những tổ tiên và sự hy sinh của họ được tưởng nhớ và trân trọng. Xem thêm: Kinh Vu Lan Bồn (Ullambana Sutra)
Vì lễ hội Obon thường diễn ra trong cái nóng của mùa hè, những người tham dự thường mặc trang phục truyền thống yukata, một loại kimono với chất liệu vải mỏng và mát. Có rất nhiều hoạt động trong lễ hội Obon, như là: các cuộc đi chơi ngoài trời, các trò chơi dân gian, và nhiều món ăn mùa hè, đặc biệt là dưa hấu.
(Nguồn: wikipedia.org)