Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label VietNam. Show all posts
Showing posts with label VietNam. Show all posts

Saturday, September 29, 2018

HỌC TẬP ĐIỆN TỬ & CHUYỂN GIAO TRI THỨC O VN

E-learning ở một vài trường ĐH trong TP.HCM -
thuc trang va giai phap

1.    E-Learning tại trường ĐHBK

E-learning là sự ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ cách tân trên Internet vào giáo dục (dạy và học) nhằm làm cho công việc giáo dục trở nên dễ dàng, rộng rãi, và hiệu quả hơn. Ưu điểm của e-learning là tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, học mọi lúc mọi nơi, uyển chuyển – linh động, tối ưu, và hệ thống hoá. E-learning phù hợp với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi và nó thực sự nổi trội hơn các phương pháp đào tạo khác. Lợi ích của e-learning đã được công nhận, nhưng ảnh hưởng của nó lên hiệu quả học tập và chuyển giao tri thức từ thầy sang trò vẫn còn chưa được kiểm chứng một cách rõ ràng.
Đại học Bách khoa (ĐHQG-TP.HCM) đã xây dựng hệ thống e-learning (Sakai) để hỗ trợ chương trình đào tạo từ xa từ 2011. Ngoài ra, một hệ thống e-learning khác dựa trên Moodle (một nền tảng mã nguồn mở) cũng đã được cài đặt và triển khai cho các hệ đào tạo khác. Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng tỷ lệ sử dụng e-learning vẫn khá thấp, và hiệu quả thực sự của việc sử dụng e-learning lên học tập và chuyển giao tri thức vẫn chưa được đo lường.
Trên thực tế, số sinh viên đăng ký chương trình đào tạo từ xa giảm dần trong những năm gần đây. Liệu có thể tận dụng thế mạnh của e-learning để cải tiến chất lượng dạy và học và thu hút sinh viên cho chương trình đào tạo từ xa. Theo ban quản trị mạng của ĐHBK, khoảng 50% giảng viên vẫn chưa sử dụng hệ thống e-learning (2016). Điều này làm giảm mức độ tương tác trên hệ thống e-learning. Kết quả là hiệu quả dạy học của ĐHBK cũng bị ảnh hưởng và lợi ích thực sự của e-learning mang lại cũng giảm theo.
Thành quả học tập là kiến thức của học viên, những kỹ năng và thói quen học tập trong một khoá đào tạo và hiệu quả ứng dụng của họ lên công việc của họ. Học tập được xem là những kỹ năng của học viên và kiến thức có được qua trải nghiệm trong quá trình đào tạo. Chuyển giao tri thức là sự thay đổi thói quen của người học lên công việc thông qua kinh nghiệm trong quá trình đào tạo. Từ những nghiên cứu trước, nghiên cứu này muốn đo lường ảnh hưởng của các yếu tố như: Năng lực máy tính tự thân (Computer Self Efficacy), Tính dễ sử dụng (Ease of Use), Nhận thức tính hữu ích (Perceived Usefullnes), Tương tác mặt đối mặt (Face to Face Interaction), Tương tác qua email (Email Interaction) và Sự hiện diện tính xã hội (Social Presence) lên Hiệu quả học tập và Chuyển giao tri thức qua e-learning.
Kết quả nghiên cứu thể hiện 3 yếu tố Nhận thức tính hữu ích & dễ sử dụng, Tương tác mặt đối mặt, và Sự hiện diện tính xã hội có mối quan hệ tuyến tính với Thành quả học tập của sinh viên trong bối cảnh hệ thống e-learning của trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM đang trong tình trạng hoạt động kém hiệu quả.
Dựa trên kết quả nghiên cứu này, một số hàm ý quản lý và khuyến nghị để nâng cao chất lượng học tập và chuyển giao tri thức qua e-learning ở ĐHBK được đề xuất như sau:
·      Làm cho hệ thống e-learning trở nên dễ sử dụng và hữu ích: Bộ phận quản trị mạng và e-learning cần cải tiến các chức năng của hệ thống hiện tại. Một số tính năng nên được tích hợp, như: hỗ trợ trực tuyến, hướng dẫn qua video, giải đáp các câu hỏi thường gặp… Ngoài ra, nên tổ chức các buổi tập huấn sử dụng hệ thống e-learning, đặc biệt là đối với SV. năm nhất và GV. mới. ĐHBK cũng nên dựa vào các phản hồi về chất lượng hệ thống để cải tiến và nâng cấp hệ thống nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu sử dụng.
·      Gia tăng sự hiện diện xã hội trên hệ thống e-learning: BQL. nên áp dụng một vài phương pháp như: tổ chức các sự kiện mà đòi hỏi sự tương tác và chia sẻ trên e-learning, vd: bỏ phiếu, thi online…; gắn kết với forum và phân công admin phụ trách từng chủ đề; tích hợp với portal của ĐHBK & các trang mạng xã hội của trường… Ngoài ra, đưa thêm một vài tính năng tương tác của web 2.0 và hệ thống e-learning, như: blog, chia sẻ video, bình luận…, cũng giúp tang tính xã hội của hệ thống e-learning.
·      Gia tăng tương tác qua e-mail và kỹ năng máy tính của thầy và trò: BQL. cũng cần cung cấp cho SV. một địa chỉ e-mail lâu dài và khuyến khích dùng địa chỉ này để tương tác trên e-learning; tất cả các thông báo từ ĐHBK đến SV. cần gửi qua địa chỉ e-mail này. Tổ chức các khóa huấn luyện, các buổi seminar về nhiều chủ đề liên quan, như: kỹ năng sử dụng máy tính, khai thác hệ thống e-learning cho việc dạy và học, cách tìm kiếm thông tin khoa học, các công cụ/ công nghệ mới…   
·      Rèn luyện kỹ năng tự học cho SV.: Kỹ năng này rất quan trọng đối với SV. đã đi làm, thuộc các chương trình cao học, bằng 2, đào tạo từ xa. Đây cũng là một kỹ năng mềm khá cần thiết trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0. Tổ chức thành một khóa học riêng, hoặc lồng ghép các nội dung này vào các môn học đang có đều hữu ích. Ngoài ra, các kỹ năng này cũng có thể được truyền thụ trong các hoạt động ngoại khóa, như: buổi giới thiệu ngành, các dự án khởi nghiệp, cuộc thi… Việc cung cấp kỹ năng này cho SV. đòi hỏi người thầy cũng phải thay đổi phương pháp giảng dạy và đánh giá, trong đó cần chú trọng: cập nhật nội dung, lấy người học làm trung tâm, sử dụng bài học tình huống, tạo không gian tranh luận mở, học đi đôi với hành…

2.    E-Learning ở một vài trường ĐH trong TP.HCM

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội cho việc học tâp trực tuyến và cũng dẫn đến nhu cầu học tập, giải trí và làm việc mọi lúc mọi nơi. Gần đây, hệ thống e-learning là rất quan trọng đối với bất kỳ đại học nào để nâng cao chất lượng giáo dục và cung cấp cho sinh viên các nguồn học liệu hữu ích và chất lượng cao. Tuy nhiên, làm sao để khuyến khích việc sử dụng e-learning và cải thiện chất lượng học tập thông qua hệ thống e-learning vẫn còn là một thách thức đối với các trường Đại học. Mục đích chính của nghiên cứu này là nhằm tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng e-learning và thành quả học tập của sinh viên các Trường đại học tại TP.HCM.
Từ các nghiên cứu trước, một mô hình nghiên cứu đã được đề xuất, và kiểm định bằng các phương pháp như: phân tích Cronbach alpha, EFA, CFA, và mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) trên phần mềm SPSS và AMOS. Dựa trên phân tích định lượng từ 356 bảng trả lời hợp lệ, kết quả kiểm định mô hình cho thấy 5 nhân tố có tác động tích cực đến việc sử dụng e-learning gồm: hỗ trợ từ Đại học (0.367), kỹ năng máy tính của SV. (0.274), hạ tầng (0.195), nội dung và thiết kế khóa học (0.145), và sự cộng tác của SV. (0.118). Ngoài ra, hiệu quả học tập còn chịu ảnh hưởng của 2 nhân tố là: việc sử dụng e-learning (0.446), và cộng tác của SV. (0.129).
Từ kết quả trên, một vài hàm ý quản lý được đề xuất để cải tiến hiệu quả sử dụng e-learning và gia tăng chất lượng học tập của SV. Đại học qua e-learning như sau:
·      Sự hỗ trợ từ nhà trường có vai trò quan trọng ảnh hưởng mạnh đến việc sử dụng hệ thống e-learning. Nhà trường, cụ thể làm phòng quản lý mạng hay phòng đào tạo chuyên trách phải làm tốt các công việc hỗ trợ sinh viên càng nhiều thì sẽ làm tăng việc sử dụng hệ thống, làm tăng hiệu quả của hệ thống. Điều này sẽ góp phần ảnh hưởng đến thành quả học tập thu được của sinh viên.
·      Kỹ năng máy tính của sinh viên, kinh nghiệm sử dụng máy tính trước kia, sự thành thạo các phần mềm máy tính có ảnh hưởng tích cực lên việc sử dụng hệ thống e-learning. Kỹ năng sử dụng vi tính có thể có được thông qua học tập và thực hành, do vậy nhà trường cần có các buổi hướng dẫn sử dụng các hệ thống thông tin trong nhà trường có liên quan đến sinh viên chi tiết hơn, cụ thể hơn, nhiều hơn,… nhằm đảm bảo tất cả sinh viên đều được trang bị tốt các kỹ năng máy tính cần thiết.
·      Nội dung và thiết kế của các khóa học có ảnh hưởng khá mạnh đến việc sử dụng hệ thống e-learning. Do vậy, việc chuẩn bị các nội dung, thiết kế chương trình học cần được chú trọng đầu tư nhiểu hơn và cung cấp các nội dung học tập đến sinh viên một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác sẽ góp phần làm tăng chất lượng học tập, tăng hiệu quả của hệ thống và thành quả học tập của sinh viên.
·      Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin có ảnh hưởng đến việc sử dụng hệ thống e-learning là điều dễ nhận thấy. Một hạ tầng công nghệ thông tin mạnh, phần cứng máy chủ mạnh, phần mềm an toàn, tin cậy hoạt động ổn định sẽ giúp người dùng sử dụng hệ thống được thuận lợi, nhanh chóng, an tâm khi sử dụng. Do vậy, việc đầu tư nâng cấp các hệ thống máy chủ, phần mềm cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể nhằm đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin của nhà trường luôn luôn phù hợp với xu hướng phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin.
- Nhu cầu tương tác, làm việc cộng tác của các sinh viên với nhau là một nhu cầu thể hiện tính xã hội trong một hệ thống công nghệ thông tin. Ngày nay, nhu cầu này được chứng minh rất rõ với sự bùng nổ của các mạng xã hội với số lượng thành viên cực lớn. Các công cụ tích hợp và hệ thống e-learning hỗ trợ cho sự tương tác, làm việc cộng tác của các sinh viên sẽ giúp giải quyết được nhu cầu cấp thiết này. Trên thị trường có nhiều ứng dụng như Teams của Microsoft hay Hangout của Google hỗ trợ rất mạnh cho điều này với chi phí rất rẽ thậm chí miễn phí nếu sử dụng cho trường học. Việc tăng cường hơn nữa các tính năng hỗ trợ sự tương tác, cộng tác của sinh viên như diễn đàn, hộp chat… trên các hệ thống e-learning hiện nay cần được quan tâm nhiều hơn vì điều này sẽ giúp làm tăng việc sử dụng và hiệu quả hệ thống đồng thời cũng góp phần làm tăng thành quả học tập của sinh viên.

Tuesday, August 2, 2011

Việt Nam Sử Lược

Vừa rồi, nhân đọc bài báo "Điểm thi môn sử thấp không ngờ" trên Tuổi Trẻ Online (26/7/2011) lòng chợt buồn nhưng không quá ngạc nhiên. Bài báo nói về tỷ lệ cao bất thường của thí sinh có điểm dưới trung bình môn Sử trong kết quả thi tuyển sinh Đại Học năm nay. Qua bài báo, ta biết được "nhiều trường ĐH có trên 98% bài thi môn sử dưới điểm trung bình. Thậm chí có trường chỉ một thí sinh đạt điểm trung bình môn sử". Đó là một kết quả bất thường phản ánh việc giáo dục môn Lịch sử ở nước ta đang có vấn đề nghiêm trọng.
Sở dĩ, vấn đề này không gây bất ngờ cho tôi bởi nó đã được cảnh báo bởi nhiều nhà giáo dục có tâm huyết từ nhiều năm nay. Đó là thực trạng học sinh thờ ơ với môn Sử, kiến thức về lịch sử nước nhà thì mơ hồ trong khi lịch sử Tàu thì lại rất rõ, việc phân phối chương trình giáo khoa Sử không phù hợp với các cấp lớp... Trong khi đó những nhà quản lý giáo dục của ta mãi chạy theo những phong trào này nọ, đề ra những chỉ tiêu xa vời thiếu thực tế, trong khi đời sống nhà giáo không được cải thiện, việc xã hội hóa giáo dục gắn liền với việc tăng thu từ phụ huynh hay đẩy gánh nặng trách nhiệm về phía người dân... Vì vậy, kết quả trên chính là phản ánh một thực tế hiển nhiên, như có nhân ắt có quả. Nó cho thấy một góc nhìn về thực trạng giáo dục của Việt Nam đang xuống cấp như thế nào.
Tuy nhiên, có một điều làm tôi buồn và ngạc nhiên hơn đó là khi đọc bài trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ GDĐT trên báo SGGP (30/7/2011), ông xem kết quả trên là bình thường, và nước nào mà chẳng vậy. Điều này, có nghĩa là đối với ông, người đứng đầu ngành giáo dục, thì vấn đề trên chẳng có gì là nghiêm trọng, và không có gì cần phải chỉnh sửa, thay đổi cả.
Buồn vì thấy rằng thực trạng "dốt sử" ở nước ta đã được cụ Trần Trọng Kim nói đến trong Việt Nam Sử Lược từ rất lâu rồi, nhưng xem ra những lời nhắc nhở của cụ vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.
Chép lại lời tựa trong cuốn Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim, để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc học và hiểu lịch sử nước nhà, hiểu được giá trị của môn lịch sử đối với việc giáo dục lòng yêu nước, đến sự tồn vong và phát triển của cả dân tộc và đất nước.

=========================

Lời Tựa Việt Nam Sử Lược

Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này.

Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình mới có lòng yêu nước yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng, để vun đắp thêm vào cái nền xã hội của tiên tổ đã xây dựng nên mà để lại cho mình. Bởi những lẽ ấy cho nên phàm dân tộc nào đã có đủ cơ quan và thể lệ làm cho một nước độc lập, thì cũng có sử cả. Nước Việt ta khởi đầu có sử từ đời nhà Trần, vào quãng thế kỷ thứ XIII. Từ đó trở đi nhà nào lên làm vua cũng trọng sự làm sử. Nhưng cái lối làm sử của ta theo lối biên niên của Tàu, nghĩa là năm nào tháng nào có chuyện gì quan trọng thì nhà làm sử chép vào sách. Mà chép một cách rất vắn tắt cốt để ghi lấy chuyện ấy mà thôi, chứ không giải thích cái gốc ngọn và sự liên can việc ấy với việc khác là thế nào.

Nhà làm sử lại là người làm quan, vua sai coi việc chép sử, cho nên dẫu thế nào sự chép sử cũng không được tự do, thường có ý thiên vị về nhà vua, thành ra trong sử chỉ cần chép những chuyện quan hệ đến nhà vua, hơn là những chuyện quan hệ đến sự tiến hóa của nhân dân trong nước. Vả, xưa nay ta vẫn chịu quyền chuyên chế, vẫn cho việc nhà vua là việc nước. Cả nước chỉ cốt ở một họ làm vua, cho nên nhà làm sử cứ theo cái chủ nghĩa ấy mà chép sử, thành ra sử đời nào cũng chỉ nói chuyện những vua đời ấy mà thôi. Bởi vậy xem sử ta thật là tẻ, mà thường không có ích lợi cho sự học vấn là mấy.

Sử của mình đã không hay, mà người mình lại không mấy người biết sử. Là vì cái cách học tập của mình làm cho người mình không có thể biết được sử nước mình. Bất kỳ lớn nhỏ, hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu,chứ không học sử nước nhà. Rồi thơ phú văn chương gì cũng lấy điển tích ở sử Tàu, chứ chuyện nước mình thì nhất thiết không nói đến. Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ mọn không cần phải biết làm gì. Ấy cũng là vì xưa nay mình không có quốc văn, chung thân chỉ đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm hóa, chứ tự mình thì không có cái gì là cái đặc sắc, thành ra thật rõ như câu phương ngôn: "Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng!" Cái sự học vấn của mình như thế, cái cảm tình của người trong nước như thế, bảo rằng lòng vì dân vì nước mở mang ra làm sao được?

Nhưng dẫu thế nào mặc lòng, nước ta đã có sử ta thì cũng có thể bởi đó mà biết được những sự đã qua ở nước ta, và có thể bởi đó mà khảo cứu được nhiều việc quan hệ đến vận mệnh nước mình từ xưa đến nay xoay vần ra làm sao. Hiềm vì sử nước ta thì làm bằng chữ Nho cả, mà chữ Nho thì từ rày trở đi chắc rồi mỗi ngày một kém đi. Hiện nay số người đọc được chữ Nho còn nhiều, mà trong nước còn không có mấy người biết được chuyện nước nhà, huống chi mai sau này chữ Nho bỏ không học nữa, thì sự khảo cứu về những việc quan hệ đến lịch sử nước mình sẽ khó biết bao nhiêu!

Nay nhân sự học ở nước ta đã thay đổi, chữ quốc ngữ đã phổ thông cả trong nước, chi bằng ta lấy tiếng nước nhà mà kể chuyện nước nhà, ta soạn ra bộ Việt Nam Sử Lược, xếp đặt theo thứ tự, chia ra từng thời đại, đặt thành chương, thành mục rõ ràng, để ai ai cũng có thể xem được sử, ai ai cũng có thể hiểu được chuyện, khiến cho sự học sử của người mình được tiện lợi hơn trước.

Bộ Việt Nam Sử Lược này, soạn giả chia ra làm 5 thời đại:

Thời đại thứ nhất là Thượng Cổ thời đại, kể từ họ Hồng Bàng cho đến hết đời nhà Triệu. Trong thời đại ấy, từ chương thứ III, bàn về xã hội nước Tàu trước đời nhà Tần, phần nhiều là những chuyện hoang đường, huyền hoặc cả. Những nhà chép sử đời trước cũng theo tục truyền mà chép lại, chứ không có di tích gì mà khảo cứu cho đích xác. Tuy vậy, soạn giả cũng cứ theo sử cũ mà chép lại, rồi cũng phê bình một đôi câu để tỏ cho độc giả biết rằng những chuyện ấy không nên cho là xác thực.

Thời đại thứ nhì là Bắc Thuộc thời đại, kể từ khi vua Vũ Đế nhà Hán lấy đất Nam Việt của nhà Triệu, cho đến đời Ngũ Quí, ở bên ta có họ Khúc và họ Ngô xướng lên sự độc lập. Những công việc trong thời đại ấy, thì sử cũ của nước ta chép rất là sơ lược lắm. Vì rằng trong thời đại Bắc Thuộc, người mình chưa được tiến hóa, sự học hành còn kém, sách vở không có, cho nên về sau những nhà làm sử của ta chép đến thời đại này cũng không kê cứu vào đâu được, chỉ theo sử Tàu mà chép lại thôi. Vả, người Tàu lúc ấy vẫn cho mình là một xứ biên địa dã man, thường không ai lưu tâm đến, cho nên những chuyện chép ở trong sử, cũng sơ lược lắm, mà đại để cũng chỉ chép những chuyện cai trị, chuyện giặc giã, chứ các công việc khác thì không nói đến.

Thời đại Bắc Thuộc dai dẳng đến hơn một nghìn năm, mà trong thời đại ấy dân tình thế tục ở nước mình thế nào, thì bấy giờ ta không rõ lắm, nhưng có 1 điều ta nên biết là từ đó trở đi, người mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách rất sâu xa, dẫu về sau có giải thoát được cái vòng phụ thuộc nước Tàu nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh hưởng của Tàu. Cái ảnh hưởng ấy lâu ngày đã trở thành ra cái quốc túy của mình, dẫu ngày nay có muốn trừ bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy gội cho sạch được. Những nhà chính trị toan sự đổi cũ thay mới cũng nên lưu tâm về việc ấy, thì sự biến cải mới có công hiệu vậy.

Thời đại thứ ba là thời đại Tự Chủ, kể từ nhà Ngô, nhà Đinh cho đến sơ-diệp nhà Hậu Lê. Nước mình từ thời đại ấy về sau là một nước dộc lập, tuy đối với nước Tàu vẫn phải xưng thần và chịu cống, nhưng kỳ thực là không ai xâm phạm đến cái quyền tự chủ của mình. Buổi đầu, nhà Đinh, nhà Lê mới dấy lên; còn phải xây đắp cái nền tự chủ cho vững bền, phải lo sửa sang việc võ bị để chống với kẻ thù nghịch, cho nên sự văn học không được mở mang lắm. Về sau đến đời nhà Lý, nhà Trần, công việc ở trong nước đã thành nền nếp, kẻ cừu địch ở ngoài cũng không quấy nhiễu nữa, lại có nhiều vua hiền tôi giỏi nối nhau mà lo việc nước, cho nên từ đó trở đi việc chính trị, việc tôn giáo và việc học vấn mỗi ngày một khai hóa ra, làm cho nước ta thành một nước có thế lực, bắc có thể chống được với Tàu, nam có thể mở rộng thêm bờ cõi. Nhà Lý và nhà Trần lại có công gây nên cái quốc hồn mạnh mẽ, khiến cho về sau đến đời Trần mạt, nhân khi họ Hồ quấy rối, người Tàu đã toan đường kiêm tính, người mình biết đồng tâm hiệp lực mà khôi phục lại giang sơn nhà. Kế đến nhà Lê, trong khoảng một trăm năm về buổi đầu, nước mình cũng có thể gọi là thịnh trị, nhất là về những năm Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497), thì sự văn trị và võ công đã là rực rỡ lắm. Nhưng về sau gặp những hôn quân dung chúa, việc triều chính đổ nát, kẻ gian thần dấy loạn. Mối binh đao gây nên từ đó, người trong nước đánh giết lẫn nhau, làm thành ra nam bắc chia rẽ, vua chúa tranh quyền. Ấy thật là một cuộc biến lớn ở trong nước vậy.

Thời đại thứ tư là Nam Bắc phân tranh, kể từ khi nhà Mạc làm sự thoán đoạt cho đến nhà Tây Sơn. Trước thì nam Lê, bắc Mạc, sau thì Nguyễn nam, Trịnh bắc, sự cạnh tranh càng ngày càng kịch liệt, lòng ghen ghét càng ngày càng dữ dội. Nghĩa vua tôi mỏng mảnh, đạo cương thường chểnh mảng: nước đã có vua lại có chúa. Trong Nam ngoài Bắc mỗi nơi một giang sơn, công việc ở đâu, chủ trương ở đấy. Tuy vậy việc sửa đổi ở ngoài Bắc cũng có nhiều việc hay, mà việc khai khẩn trong Nam thật là ích lợi. Nhưng cuộc thành bại ai đâu dám chắc, cơn gió bụi khởi đầu từ núi Tây Sơn, làm đổ nát cả ngôi vua cùng nghiệp chúa. Anh em nhà Tây Sơn vẫy vùng không được 20 năm, thì bản triều nhà Nguyễn lại trung hưng lên, mà đem giang sơn về một mối, lập thành cái cảnh tượng nước Việt Nam ta ngày nay vậy.

Thời đại thứ năm là Cận Kim thời đại, kể từ vua Thế Tổ bản triều cho đến cuộc Bảo Hộ bây giờ. Vua Thế Tổ khởi đầu giao thiệp với nước Pháp Lan Tây để mượn thế lực mà đánh Tây Sơn. Nhưng về sau vì những vua con cháu Ngài đổi chính sách khác, nghiêm cấm đạo Thiên Chúa và đóng cửa không cho ngoại quốc vào buôn bán. Những đình thần thì nhiều người trí lự hẹp hòi, cứ nghiễm nhiên tự phụ, không chịu theo thời mà thay đổi. Đối với những nước ngoại dương, thì thường hay gây nên sự bất hòa, làm cho nước Pháp phải dùng binh lực để bênh vực quyền lợi của mình. Vì những chính sách ấy cho nên mới thành ra có cuộc Bảo Hộ. (?)

Đại khái đó là những mục lớn trong những phần mà soạn giả đã theo từng thời đại để đặt ra. Soạn giả đã cố sức xem xét và góp nhặt những sự ghi chép ở các sách chữ Nho và chữ Pháp, hoặc nhữNg chuyện rải rác ở các dã sử, rồi đem trích bỏ những sự huyền hoặc đi mà soạn ra bộ sách này, cốt để người đồng bang ta biết được chuyện nước nhà mà không tin nhảm những sự huyễn hoặc. Thời đại nào nhân vật ấy và tư tưởng ấy, soạn giả cứ bình tĩnh cố theo cho đúng sự thực. Thỉnh thoảng có một đôi nơi soạn giả có đem ý kiến riêng của mình mà bàn với độc giả, thí dụ như chỗ bàn về danh hiệu nhà Tây Sơn thì thiết tưởng rằng sử là của chung cả quốc dân, chớ không phải riêng cho một nhà một họ nào, cho nên mới phải lấy công lý mà xét đoán mọi việc và không vị tình riêng để phạm đến lẽ công bằng vậy.

Độc giả cũng nên biết cho rằng bộ sử này là bộ Sử Lược chỉ cốt ghi chép những chuyện trọng yếu để hãy tạm giúp cho những người hiếu học có sẵn quyển sách mà xem cho tiện. Còn như việc làm thành ra bộ sử thật là đích đáng, kê cứu và phê bình rất tường tận, thì xin để dành cho những bậc tài danh sau này sẽ ra công mà giúp cho nước ta về việc học sử. Bây giờ ta chưa có áo lụa, ta hãy mặc tạm áo vải, tuy nó xấu xí nhưng nó có thể làm cho ta đỡ rét. Nghĩa là ta hãy làm thế nào cho những thiếu niên nước ta ngày nay ai cũng có thể biết một đôi chút sự tích nước nhà, cho khỏi tủi quốc hồn. Ấy là cái mục đích của soạn giả, chỉ có thế thôi. Nếu cái mục đích ấy mà có thể tới được thì tưởng bộ sách này là bộ sách có ích vậy.

Trần Trọng Kim

Friday, August 6, 2010

Vietnam competitiveness in 2009



Compared with last year (2008), Vietnam competitiveness has been improved in most factors. The overall mark of Vietnam in 2009 increases to 38.2 (rank 42) from 34.5 (rank 48) of 2008. However, 2 lowest factors fall into Education (rank 48) and Science&Technology (rank 49). This trend shows an unsustainable development of Vietnam. So that, the most important problem for Vietnam at this time is how to improve the quality of education and scientific research.

(Data source: Japan Center for Economic Research - http://www.jcer.or.jp/eng/pdf/potential2009appendix.pdf)

Saturday, May 1, 2010

Bài toán nhân sự Việt Nam và kinh nghiệm Nhật Bản


Bài toán nhân sự Việt Nam và kinh nghiệm Nhật Bản

Một trong những vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là thiếu lực lượng lao động có kỹ năng và tình trạng hay di chuyển của lực lượng lao động. Bài viết này góp phần giải quyết bài toán nhân sự của các doanh nghiệp Việt Nam bằng cách trình bày một số kinh nghiệm khi quan sát quá trình tìm việc và tuyển dụng ở Nhật Bản.

Thị trường lao động Nhật Bản hoạt động theo một quy trình khép kín của một chuỗi cung ứng lao động, từ nguồn cung là các cơ sở đào tạo, cho đến nguồn cầu là các nhà tuyển dụng. Các doanh nghiệp Nhật Bản nổi tiếng với một quy trình tuyển dụng chặt chẽ, chế độ luân chuyển công việc thường xuyên, và đảm bảo phúc lợi lâu dài cho người lao động. Người lao động, chủ yếu là các sinh viên, cũng rất năng động trong việc rèn luyện kỹ năng và tích cực tìm việc. Dưới đây là một số kinh nghiệm rút ra trong quá trình học tập và làm việc ở Nhật của bản thân, khi quan sát thị trường lao động Nhật Bản, từ cả 2 phía: nhà tuyển dụng và người đi xin việc.

1. Về phía nhà tuyển dụng Nhật Bản:
- Các doanh nghiệp Nhật chủ động tiếp cận thị trường lao động, qua việc thông báo rộng rãi thông tin tuyển dụng trên các website, các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi quảng cáo, tổ chức rất nhiều ngày hội việc làm tại các đại học, trung tâm dạy nghề vào thời điểm trước khi sinh viên tốt nghiệp.
- Doanh nghiệp thường có kế hoạch tuyển dụng khá sớm và định kỳ (thường trùng với giai đoạn tốt nghiệp của sinh viên). Ở các doanh nghiệp Nhật, mỗi năm thường có 1 mùa tuyển dụng, cũng trùng với mùa tốt nghiệp/ nhập học của các trường (tháng 4). Chính vì vậy, tận dụng được nguồn cung cấp lao động dồi dào từ các sinh viên mới ra trường và đang đi tìm việc làm. Ngoài ra, có những doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng sớm trước 1 năm, nghĩa là phỏng vấn và quyết định tuyển dụng những sinh viên còn 1 năm nữa mới tốt nghiệp.
- Doanh nghiệp thường tổ chức luân chuyển nhân viên từ chi nhánh này sang chi nhánh khác một cách định kỳ (tùy công việc, thường 2 hoặc 3 năm 1 lần). Quy định này có lẽ nhằm giúp cho nhân viên có cái nhìn toàn diện về công việc ở công ty, giảm bớt sự nhàm chán, tăng cường sự giao lưu và cũng giúp chia sẻ/ học tập kinh nghiệm giữa các chi nhánh, đơn vị trong toàn công ty.
- Doanh nghiệp có tiêu chuẩn rõ ràng cho việc tuyển dụng và thường ưu tiên chọn các ứng viên tốt nghiệp từ các đại học lớn, có uy tín. Rõ ràng, các sinh viên tốt nghiệp từ các đại học lớn, nổi tiếng, như: Tokyo hay Kyoto, là ưu tiên số 1 khi chọn ứng viên của các doanh nghiệp, tổ chức chính phủ cũng như tư nhân. Đó là lý do việc trúng tuyển vào các đại học lớn ở Nhật là rất khó, và việc trúng tuyển đại học cũng đồng nghĩa với việc có 1 công việc tốt trong tương lai.
- Nhân viên mới tuyển dụng thường có 1 giai đoạn ngắn được đào tạo cho hòa nhập với môi trường làm việc. Doanh nghiệp ở Nhật thường chú trọng đến tính cách và tiềm năng của người lao động khi tuyển dụng. Họ có 1 chính sách đào tạo ban đầu và lâu dài để đảm bảo người được tuyển đáp ứng được các yêu cầu công việc của công ty. Tinh thần kỷ luật, tính tự giác, ý thức trách nhiệm và các yếu tố văn hóa công ty rất được chú trọng lúc ban đầu, và các kỹ năng và yêu cầu chuyên môn sẽ được bổ sung và đào tạo thêm trong quá trình làm việc của nhân viên.
- Đảm bảo chế độ lương bổng và phúc lợi lâu dài cho nhân viên. Trước đây, công ty Nhật thường nổi tiếng với chế độ tuyển dụng suốt đời, tuy nhiên với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh và toàn cầu hóa, chế độ này giảm dần, nhưng quy định đãi ngộ theo thâm niên vẫn còn phổ biến và tạo sự yên tâm cho người lao động. Bảng mô tả công việc rõ ràng, quy định về phúc lợi và thang lương được chuẩn hóa, đảm bảo sự công bằng và cơ hội phát triển lâu dài, giúp tăng sự thỏa mãn của nhân viên và tăng cường sự ổn định của đội ngũ.

2. Về phía người lao động Nhật:
- Các sinh viên Nhật nắm rõ các yêu cầu ngành nghề và mục tiêu công việc nhắm tới sau khi tốt nghiệp. Khi đăng ký học một ngành nào đó, sinh viên thường biết rất rõ những dạng công việc nào mình sẽ có thể làm sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, họ rất chủ động trong việc chọn ngành, đăng ký môn học và rèn luyện các kỹ năng liên quan đến công việc mà mình nhắm đến. Các thông tin này cũng được nhà trường cung cấp rất đầy đủ, khi giới thiệu về các ngành học mà trường/ khoa giảng dạy.
- Các sinh viên có thói quen đi tìm việc từ năm cuối (1 năm trước khi tốt nghiệp). Ở Nhật, các sinh viên thường chủ động tìm việc từ rất sớm. Ngay từ những năm cuối Đại học, họ đã thường xuyên tham gia các ngày hội việc làm và theo dõi các thông tin tuyển dụng từ các kênh thông tin trong trường và ngoài xã hội. Nhờ chính sách tuyển dụng trước 1 năm của nhiều công ty, nên nhiều sinh viên có thể đăng ký xin việc, tham gia phỏng vấn và được tuyển dụng từ trước khi tốt nghiệp.
- Sự chia sẻ/ học hỏi kinh nghiệm giữa sinh viên khóa trước và khóa sau rất chặt chẽ. Các sinh viên năm 3 và 4 của Nhật thường được gắn với 1 chuyên ngành do 1 giáo sư phụ trách, và sinh hoạt chung với nhau trong 1 lab (phòng thí nghiệm/ phòng học). Việc này giúp sinh viên khóa sau có thể học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các sinh viên khóa trước qua các hoạt động như: kỹ năng làm việc tập thể, quá trình thực hiện 1 công việc, đề tài trong thực tế, tham gia các buổi thảo luận (workshop) với các sinh viên khác, kể cả học viên cao học và nghiên cứu sinh… Từ đó, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về chuyên ngành của mình, các hướng nghiên cứu chuyên sâu và các kinh nghiệm thực tế khi đi làm sau này… Những kinh nghiệm này, giúp sinh viên có thể quyết định sẽ làm ở đâu hay sẽ học tiếp lên bậc cao hơn sau khi tốt nghiệp.

Qua các nhận xét trên, ta rút ra những khác biệt cơ bản của thị trường lao động Việt Nam so với Nhật Bản, và đó cũng chính là những khuyết điểm quan trọng mà Việt Nam cần khắc phục:
- Doanh nghiệp Việt Nam thiếu chủ động trong việc tiếp cận thi trường lao động (ít công khai nhu cầu tuyển dụng, ít tham gia các ngày hội việc làm, không biết đối tượng tuyển dụng chính ở đâu), chưa có kế hoạch tuyển dụng định kỳ và lâu dài (thường chỉ tuyển dụng khi nào cần và chỉ giải quyết yêu cầu trước mắt hơn là kế hoạch phát triển lâu dài), yêu cầu công việc chưa rõ và chưa đặt yếu tố chuyên môn lên hàng đầu (thường bị chi phối bới yếu tố quen biết hơn là ưu tiên chọn người giỏi, tốt nghiệp từ các đại học lớn), chưa có chế độ lương thưởng, đãi ngộ phù hợp và chuẩn hóa (mô tả công việc không rõ ràng nên không đảm bảo công bằng trong đãi ngộ, thiếu quy trình đào tạo, tăng lương và đảm bảo phúc lợi lâu dài).
- Người lao động Việt Nam chưa nắm rõ yêu cầu và tính chất công việc mình nhắm tới (việc đào tạo không gắn với mục tiêu cụ thể, dẫn đến làm trái ngành nghề, thiếu kỹ năng cần thiết), chưa chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng và tiếp cận nhà tuyển dụng (khá nhiều sinh viên năm cuối vẫn chưa biết mình học ra sẽ làm gì, đa số chỉ bắt đầu quá trình tìm việc 3-6 tháng trước khi tốt nghiệp), không có sự gắn kết và chia sẻ kinh nghiệm giữa sinh viên khóa trước và khóa sau (đây là vấn đề mà các trường Đại học cần phối hợp với các trung tâm, cơ sở dạy nghề, tổ chức hội, đoàn ở Việt Nam nên tìm ra một mô hình phù hợp để khắc phục yếu điểm này)

Những kinh nghiệm trên đây giúp ta thấy được phần nào tính hiệu quả của thị trường lao động Nhật Bản và những khuyết điểm của thị trường lao động Việt Nam. Từ đó rút ra những bài học cho Việt Nam, đó là: phải hoàn thiện quy trình tìm việc và tuyển dụng theo 1 chu trình khép kín từ đào tạo đến tuyển dụng, tăng cường tính chủ động của người tìm việc và nhà tuyển dụng, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy giữa phía cung và cầu lao động bằng nhiều kênh thông tin. Bài toán lao động của Việt Nam phải được giải quyết một cách tổng thể, từ cả 2 phía người lao động và nhà tuyển dụng. Giải quyết được bài toán lao động này, sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp phát triển ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động. Từ đó, thúc đẩy quá trình phát triển hơn nữa của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Pham Quoc Trung