Càng đọc, càng hiểu vì sao ông được coi là người đặt nền tảng cho nước Nhật hiện đại, và rất được tôn trọng khi hình ông được in trên đồng tiền Yên có mệnh giá cao nhất.
Trong sách, không chỉ khuyến khích người Nhật học hỏi văn minh, kỹ thuật phương Tây để thoát khỏi sự lạc hậu, và tránh họa ngoại xâm, mà quyển sách còn giới thiệu những khái niệm rất căn bản về: Bình đẳng, Tự do, Độc lập, Trí thức chân chính, Pháp trị, Thượng tôn pháp luật, Quan hệ giữa chính phủ và người dân, Quyền và trách nhiệm của công dân... Những suy nghĩ lệch lạc của người Nhật thời đó về sự học, nghĩa khí, sùng bái Tây phương, vai trò phụ nữ, đẳng cấp... cũng được phân tích rất thấu đáo và cặn kẽ. Đặc biệt là phần bàn về quan hệ giữa Chính phủ và Người dân càng cho thấy sự tiến bộ trong tầm nhìn của ông. Ông là người lập ra trường Đông kinh nghĩa thục, mà cụ Phan đã viếng thăm, học hỏi và dự định áp dụng mô hình tương tự ở Việt Nam. Rất tiếc, phong trào Duy Tân này đã không thành công!
Gần đây, thỉnh thoảng ta vẫn nghe các quan chức ở Việt Nam có những phát biểu xem chính quyền như cha mẹ, còn người dân như con cái (ngụ ý: phải biết vâng lời, con cái làm sao thay đổi được cha mẹ, làm sao thông thái hơn cha mẹ, dân trí ta còn thấp...). Đọc xong quyển sách này, tôi ước gì các quan chức và 4 triệu công chức, đảng viên ở Việt Nam nên đọc kỹ quyển sách này, sẽ thấy rằng những quan niệm đó là vô cùng trái tự nhiên và lạc hậu. Xin trích lại một đoạn dưới đây.
Mong sao, những bài viết và những tư tưởng tiến bộ của ông và những quan điểm tương tự sẽ được lan truyền trong xã hội Việt Nam ta, để làm nền tảng cho công cuộc "nâng dân trí và chấn dân khí" của nước ta trong thời hiện đại.
---
VÌ SAO CỨ MUỐN QUAN HỆ NGOÀI XÃ HỘI PHẢI NHƯ QUAN HỆ CHA CON TRONG GIA ĐÌNH?
Tôi lấy việc nuôi dạy một đứa con khoảng chín, mười tuổi làm ví dụ.
Khi nuôi con, cha mẹ thường không để ý xem chúng cần cái gì và suy nghĩ ra sao. Cho ăn, cho mặc thế nào hoàn toàn dựa theo cảm tính. Miễn là con cái ngoan ngoãn biết vâng lời, không làm trái ý mình thì trời lạnh sẽ cho mặc ấm, bụng đói sẽ cho ăn no. Thức ăn, manh áo, chỗ ở giống như của Trời cho, cần lúc nào có lúc đó, con cái không phải lo nghĩ.
Đối với người làm cha làm mẹ, con cái là thứ quý giá nhất. Nếu có chiều chuộng, có yêu thương hay mắng mỏ, có cho roi cho vọt, cũng đều là hành vi xuất phát từ tình thương chân thực.
Hình ảnh cha mẹ với con cái là một như vậy mới đẹp làm sao! Đương nhiên, trong mối quan hệ này, trên (cha mẹ) vẫn ở trên, và dưới (con cái) vẫn ở dưới. Hoàn toàn không có bất cứ một sự lẫn lộn nào.
Những người chủ trương một xã hội phân thành đẳng cấp, có trên có dưới, luôn ước ao quan hệ xã hội cũng được như quan hệ cha con trong một nhà. Mong ước đó rất hay. Nhưng có một vấn đề lớn phải suy nghĩ.
Thực ra, mối quan hệ cha con chỉ hình thành trong điều kiện cha mẹ là những người lớn, chín chắn và con cái
là những đứa trẻ còn non dại. Mà phải là con đẻ mới được. Nhưng cho dù là con mình đẻ ra, khi tới độ tuổi
nhất định thì người cha, người mẹ nào cũng cảm thấy chúng bắt đầu khó bảo. Và mối quan hệ cha con bất hoà
dần theo thời gian.
Với con cái nhà mình còn khó, huống chi là với con cái nhà người. Bởi thế, quan hệ ở ngoài đời giữa những
người lạ - mà đều là trường thành - lại còn khó gấp bội. Vậy phải làm sao để có thể hình thành được mối quan
hệ giữa người với người trong xã hội giống như quan hệ cha con trong gia đình? Biến lý tưởng tành hiện thực
quả là không dễ.
Hơn nữa, một đất nước, một làng, một chính phủ, một công ty... tất cả những gì mà người ta gọi là "xã hội loài người" cũng đều là xã hội của những người đã trưởng thành, xã hội của những người không có quan hệ huyết thống với nhau. Trước một thật tế như vậy, mà lại mong ước áp đặt quan hệ cha con trong một nhà vào quan hệ người với người ngoài đời thì thậy là ảo tưởng.
Nhưng dù biết là khó song ai cũng đều muốn biến trí tưởng tượng thành hiện thực. Con người là vậy. Và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới đẳng cấp, địa vị trên dưới trong quan hệ giữa người với người, cũng chính là nguyên nhân sinh ra nền chính trị chuyên chế tàn bạo trong xã hội.
Vì thế, tôi mới viết ở đoạn trên rằng: Nguyên nhân chính đẻ ra đẳng cấp, địa vị không xuất phát từ sự ác ý mà xuất phát từ trí tưởng tượng của con người.
Tại các quốc gia Á châu, người ta gọi quân chủ là "vua cha", gọi dân chúng là "thần dân", "con đỏ". Ngoài ra, người ta còn gọi công việc của chính phủ là "mục dân" (chăn dắt, trông coi dân). Ở Trung Hoa, người ta còn đặt tên cho các quan cai trị địa phương là "quan châu mục".
Thực ra, chữ "mục" ở đây, có nghĩa là chăn nuôi gia súc. Tức là đàn bò, bầy cừu được người ta chăn dắt vỗ về ra sao thì dân chúng trong vùng cũng được chăn dắt như vậy. Họ công nhiên tán dương "chiêu bài" này. Đối xử với người dân như lũ ngựa con, bầy nai tơ. Cách làm vô cùng thất đức, ngạo mạn.
Tuy vậy, như tôi đã trình bày ở đoạn trước, việc họ coi dân chúng như lũ trẻ con dại, như bầy cừu, như đàn bò cũng không phải do có ác ý gì. Chẳng qua họ cố gắn việc trị vì một đất nước theo kiểu cha mẹ chăm sóc, nuôi nấng con cái.
Để làm được như vậy, trước hết họ tự tôn quân chủ là "vua cha" vừa có đức vừa có tài. Tiếp đến, bên dưới lại có các quan đại thần anh minh sáng suốt giúp sức. Họ ra sức truyền bá trong dân chúng, rằng đấng quân chủ và các đại thần có tấm lòng trong như nước, ngay thẳng như "mũi tên", không tham lam hay vụ lợi. Đấng quân chủ yêu dân với tình thương bao la, lo cho dân từng bát cơm, manh áo, từng chốn nương thân. Dân đói thì cho gạo, gặp hoả hoạn thì cho tiền bạc...
Cứ như thế, ơn đức của đấng quân chủ như luồng gió nam mát rượi thổi vào dân chúng. Còn dân chúng tuân phục đáng quân chủ như cờ phướn cuộn bay theo gió, nhũn như con chi chi, vô cảm như sỏi đá. Đấng quân chủ và thứ dân hoà quyện vào nhau. Thế gian yên ổn thanh bình.
Nghe họ ca tụng mà cứ ngỡ là quang cảnh trên thiên đường đang hiện ra trước mắt!
Tuy vậy, thử suy ngẫm hiện thực xã hội sẽ rõ. Quan hệ giữa chính phủ và nhân dân vốn là mối quan hệ giữa
những người xa lạ với nhau, không phải là quan hệ máu mủ ruột thịt. Quan hệ giữa người lạ với người lạ, nhất
thiết phải ràng buộc nhau bằng khế ước, hợp đồng. Cả hai phía cùng phải tôn trọng hợp đồng, điểm nào chưa
được thì phải tranh luận dàn xếp rồi thống nhất thực hiện. Luật pháp của một quốc gia cũng được hình thành
trên cơ sở đó.
Trên thế gian này, có quốc gia nào có được đấng quân chủ nhân đức, có được các quan đại thần sáng suốt anh minh, có được lũ thần dân nhu mì dễ bảo... không? Đó chỉ là giấc mộng ảo tưởng.
Có trường học nào đảm bảo sẽ đào tạo ra toàn là các bậc thánh nhân, toàn là người tài đức? Có cách giáo dục nào chắc chắn sẽ sản sinh ra thần dân dễ sai bảo?
Ngay cả Trung Hoa, từ thời nhà Chu, các nhà cai trị đã bao lần đau đầu khổ sở vì ước nguyện đó. Và đã có lần nào họ trị vì dân chúng được đúng như ý nguyện không? Nếu được như thế thì đâu đến nỗi giờ đây cả quốc gia rộng lớn này đang bị ngoại bang giày xéo?
Vậy mà họ vẫn cứ rao giảng ra rả lòng dạ quân chủ như biển Thái Bình v.v. Mà họ có muốn ca ngợi thì cứ việc ca ngợi lấy một mình. Bị ngoại xâm giày xéo mà vẫn cứ tiếp tục ca ngợi nền chính trị nhân từ của quân chủ. Cứ cho đó là chuyện của người ta, nhưng mù quáng đến như vậy thì chỉ tổ cho thiên hạ chê cười.
(Trích: Khuyến Học - Fukizawa Yukichi)