Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label duckien. Show all posts
Showing posts with label duckien. Show all posts

Thursday, October 31, 2024

LẮNG LÒNG NGHE PHÁP

LẮNG LÒNG NGHE PHÁP

“Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu, đưa về nhất tâm”
Lắng lòng nghe diệu pháp âm
Lời kinh, tiếng kệ – thâm trầm vô ngôn

Bánh xe pháp mãi trường tồn
Nhờ người nghe học – pháp môn diệu huyền
Lắng tai nghe tiếng Phật khuyên
Hai ngàn năm trước, vọng miền nhân gian

Lời kinh pháp cú âm vang
Từ bi, trí tuệ – đôi đàng giải phân
Bánh xe pháp vẫn xoay vần
Lắng lòng nghe, tiếng chuông ngân xưa giờ

Lặng im – thính pháp, đến bờ
Cùng nhau tu tập, mê mờ xua tan
Thỉnh mời Phật đến thế gian
Ngồi tòa thuyết giảng – âm vang pháp màu

Chúng con nghe hiểu tin sâu
Nguyện cho chánh pháp – ngàn sau mãi còn…

Đức Kiên (Nguồn: tập thơ Chánh Niệm)

Wednesday, October 2, 2024

Tùy Hỷ

 


TÙY HỶ

 

Tùy hỷ thấy người bố thí

Thật tâm mong mỏi điều lành

Công đức sánh bằng người thí

Bởi tâm thiện đã phát sanh

 

Vui với cái vui người khác

Hoa tâm bừng nở đẹp thay

Mình, người – không hai, không khác

Vô tâm, chánh pháp hiện bày

 

Dẹp bỏ cái tôi nhỏ hẹp

Trừ lòng ích kỷ xưa nay

Hoan hỷ - niềm vui thật đẹp

Không ghen, vui trọn đời này

 

Hạnh phúc nào hơn hoan hỷ

Trên môi Di Lặc mĩm cười

Chắp tay, cúi đầu bạn nhỉ

Nụ cười, an lạc vui tươi… 

 

Đức Kiên (tập thơ Chánh niệm)

Thursday, August 29, 2024

Chuyện tiền thân Bồ tát Địa tạng

 


Chuyện tiền thân Bồ tát Địa tạng

Khoảng thời gian mà đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương giáo hóa chúng sanh có thể gọi là dài nhất so với các đức Phật khác. Đức Phật ấy thọ mạng bốn vạn ức A tăng kỳ kiếp. Trong thời tượng pháp của Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, có một người nữ dòng Bà la môn, trang nghiêm đoan chánh, siêng tu phước thiện, cứu người nghèo đói, được mọi người ngưỡng mộ kính phục. Cha cô đã mất, chỉ còn bà mẹ. Rất tiếc, người mẹ lại tin theo tà giáo, xem thường chánh giáo, làm cho cô gái cảm thấy vô cùng sầu khổ. Cô gái cũng thường khuyên mẹ làm thiện, cải tà quy chánh. Lần lần, bà mẹ cũng sanh khởi một chút lòng tin. Rủi thay, chưa kịp hưởng được ánh sáng lợi ích của chánh pháp, thì bà đột nhiên bị bệnh qua đời.

Cô gái Bà la môn biết rằng mẹ mình lúc còn sống không tin nhơn quả, tạo nhiều nghiệp sát sanh, ác khẩu, v.v… ắt sẽ bị đọa vào ba đường ác. Cô bèn bán tất cả tài sản, lấy tiền mua các loại danh hương, hoa quả, phẩm vật, v.v… đem đến các chùa bố thí cúng dường. Đến một chùa nọ, thấy trong chùa thờ tượng Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, vô cùng trang nghiêm, tướng hảo phi phàm, càng thêm kiền thành cung kính, bèn chí thành đảnh lễ, trong lòng nghĩ thầm: “Đức Phật là bậc thánh đại giác ngộ, có trí tuệ bất khả tư nghì. Nếu như đức Phật còn tại thế gian, con đến hỏi ngài về việc đầu thai của mẹ, ắt ngài sẽ biết rõ.” Nghĩ như thế xong, cô bèn bất giác rơi lệ.

Cô gái đứng trước tượng Phật chiêm ngưỡng rất lâu, bổng nhiên từ trên không trung có âm thanh vọng xuống: “Này hiếu nữ đang khóc kia! Con không nên bi ai quá lắm. Ta sẽ chỉ chỗ sanh của mẹ con.” Vừa xong, không còn nghe âm thanh nào khác. Cô gái cảm thấy rất phấn khởi, vui mừng chắp tay hỏi vọng lên: “Vị thánh nào có lòng thương tưởng đến con như vậy! Từ khi mẹ con mất đến nay, ngày đêm con thương nhớ vô vàn, nhưng không biết đi hỏi ai chỗ đầu thai của mẹ con!”

Lúc đó, trên không lại có âm thanh vang lên: “Hiếu nữ! Ta là Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương mà con đang đảnh lễ. Nhân vì thấy con thương tưởng đến mẹ tha thiết, quá hơn người thường, cho nên ta đến bảo cho con biết.”

Cô gái Bà la môn nghe âm thanh từ bi của đức Phật, cảm động đến đỗi ngã quỵ trên mặt đất, giống như núi đổ. Những người chung quanh bèn đỡ cô dậy, một lúc lâu sau mới tỉnh. Lúc đó, cô gái lại ngước mặt lên không trung thưa rằng: “Nguyện Phật từ bi thương xót! Xin hãy cho biết mẹ con sanh về chỗ nào. Hiện nay, mạng sống của con cũng chẳng còn bao lâu nữa. Xin Phật từ bi thương xót!”

– Hiếu nữ! Con hãy an tâm. Sau khi cúng dường xong, con hãy về nhà, ngồi ngay thẳng, niệm danh hiệu ta, liền có thể biết được mẹ con sanh về chốn nào.

Cô gái cúng dường xong, tuân theo lời đức Phật, bèn trở về nhà, dùng lòng hiếu thảo tha thiết nhớ mẹ, ngồi ngay ngắn, niệm danh hiệu của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Trải qua một ngày đêm, bổng nhiên cảm thấy thân mình đến một bờ biển. Nước trong biển sôi sùng sục. Trên mặt biển có nhiều ác thú, chó sắt, rắn sắt, v.v…, đang chạy tới lui, rượt đuổi vô số nam nữ đang trồi hụp. Lại có những quỷ dạ xoa nhiều tay, nhiều mắt, nhiều đầu, răng nanh chỉa ra như gươm, hành hạ tội nhân làm cho họ cực kỳ thống khổ! Cảnh tượng hãi hùng, không ai dám nhìn lâu. Đang lúc cô gái chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp xảy ra, bổng có một quỷ vương tên là Vô Độc đến gần cung kính vái chào: “Thánh nữ! Cô vì cớ gì mà đến nơi này?”

Cô gái cảm thấy rất kỳ quái, bèn hỏi quỷ vương: “Xin hỏi đây là chốn nào?”

– Đây là tầng biển thứ nhất ở phía tây núi Đại Thiết Vi.

– Nghe nói trong núi Thiết Vi có địa ngục, điều này có đúng không?

– Dạ đúng như thế!

– Nếu vậy, tại sao hiện nay tôi lại đến đuợc chốn này?

– Có hai nguyên nhân đến được địa ngục. Nếu không nhờ uy đức thần lực của chư Phật Bồ tát, thì phải do ác nghiệp lực chiêu cảm. Ngoài ra, không cách nào đến được chốn này.

– Nước trong biển tại sao lại sôi sùng sục? Những kẻ kia vì cớ gì mà bị ác thú rượt đuổi như vậy?

– Đây là những chúng sanh tạo ác ở cõi Nam Diêm Phù Đề, vừa mới chết trong vòng bốn mươi chín ngày, không có bà con thân thuộc tu tập công đức để cứu vớt khổ nạn cho họ. Bọn họ lúc sống cũng không tích tập thiện nhân, căn cứ vào những ác nghiệp mà họ đã tạo, chiêu cảm quả báo địa ngục, tự nhiên trước tiên phải đến biển này. Tại phía đông biển này, cách đây khoảng mười vạn do tuần, lại có một biển nữa, những điều thống khổ phải chịu lại còn gấp bội. Qua phía đông nữa, lại có một biển, sự khổ ở đó lại tăng gấp bội. Đây gọi là nghiệp hải, do thân, khẩu, ý tạo nghiệp ác chiêu cảm.

– Như vậy, địa ngục còn ở nơi nào nữa?

– Địa ngục ở trong ba biển vừa nói. Mỗi biển đều có trăm ngàn đại địa ngục khác nhau. Trong mỗi đại địa ngục có mười tám đại địa ngục, hình phạt thống khổ nhất, lại có năm trăm trung địa ngục và trăm ngàn tiểu địa ngục. Trong mỗi ngục đều có vô lượng sự thống khổ.

– Mẹ tôi mới chết chưa được bao lâu, không rõ thần hồn hiện ở chốn nào?

– Thánh nữ! Mẹ cô tên họ là gì?

– Cha mẹ tôi dòng dõi Bà la môn. Cha tôi tên Thi La Thiện Hiện, mẹ tôi tên Duyệt Đế Lợi.

Vô Độc nghe đến tên Duyệt Đế Lợi, bèn vội chắp tay thưa: “Thánh nữ! Xin cô hãy an tâm trở về, không cần phải lo lắng nữa. Tội nhân Duyệt Đế Lợi đã được sanh lên trời ba ngày rồi. Nghe nói nhờ cô tu phước cúng dường chùa tháp thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Ngày hôm đó không những bà ấy được thoát khổ, mà nhiều tội nhân trong địa ngục cũng được sanh lên trời ».

Vô Độc nói xong, bèn chắp tay cáo từ. Cô gái Bà la môn dường như tỉnh mộng. Nhớ lại câu chuyện trong giấc chiêm bao, bèn đến trước tháp thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, thành kính phát nguyện: « Nguyện cho đến cùng tận đời vị lai, con sẽ thiết lập mọi phương tiện, cứu độ tất cả tội khổ chúng sanh đều được giải thoát ». Sau khi phát nguyện, cô ta bèn chuyên tâm tinh tiến tu tập phước đức. Người con gái ấy chính là một tiền thân của đức Bồ Tát Địa Tạng. Còn quỷ vương Vô Độc là tiền thân của Bồ Tát Tài Thủ.

Bài học: Bồ Tát Địa Tạng chính là biểu tượng của lòng đại bi, ngài có đại nguyện cứu khổ tội nhân trong địa ngục : « Địa ngục chưa trống không, ta quyết không thành Phật ! ». Nhiều tiền thân của ngài đều thể hiện lòng hiếu thảo rất lớn. Đó là tấm gương mà người con Phật cần noi theo. Theo truyền thuyết, ngài cũng thường bảo hộ trẻ nhỏ, và các bà mẹ khi sanh nở.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên)

Thursday, August 15, 2024

Nhớ mẹ


Nhớ mẹ 

Vu Lan tháng bảy lại về rồi 
Mưa buồn lặng lẽ phận mồ côi 
Nương tựa về đâu khi vắng mẹ 
Mất mẹ rồi-mất cả bầu trời 

Đảnh lễ Phật đà-nguyện bình an 
Cửu Huyền thất tổ nơi suối vàng 
Nương ánh từ quang-đồng giải thoát 
Siêu sanh tịnh độ cõi lạc bang 

Nhớ lại tích xưa ngài Mục Liên
Lập đàn cứu mẹ-độ oan khiên 
Nêu gương Hiếu hạnh cho hậu thế 
Còn lễ Vu Lan “giải đảo huyền“

Tình mẹ và con nặng xiết bao 
Vì con - mẹ chẳng quản gian lao 
Cứu mẹ - con quyết tìm mọi cách 
Lòng mẹ thương con thật dạt dào 

Mẹ là giọt nước cành dương 
Cho con mật ngọt như đường mía lau
Tình thương của mẹ nhiệm màu 
Hóa thân Bồ tát, bè lau cứu người 
Nhớ mẹ, con ngước nhìn trời 
Đám mây có bóng mẹ ngồi an nhiên 
Làm mưa tưới mát mọi miền
Tay con - dòng máu trinh tuyền còn đây 
Mẹ cha trong máu thân này 
Bất sinh bất diệt tự ngày mẹ sinh
Vu Lan-lễ Phật, tụng kinh 
Nguyện cầu cha mẹ, chúng sinh - an lành!

Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát 

Đức Kiên (Vu Lan 2024)

Tuesday, July 30, 2024

SÁM HỐI

 

SÁM HỐI

Chắp tay con niệm Phật đà
Thành tâm sám hối, tâm ma xưa giờ
Vô minh, tham giận, nghi ngờ
Gây bao lầm lỗi - đôi bờ tử sinh
Nào hay, biển khổ do mình
Đắm mê, sân hận – tội tình thế gian
Ý luôn trôi nổi lan man
Đắm chìm qua lại đôi đàng khổ vui
Bởi tâm mê đã quen rồi
Khổ cho là sướng, sướng thời chẳng an
Miệng thường nói dối, đôi đàng
Thị phi đàm luận, trăm ngàn đắng cay
Nguyện xin chừa bỏ từ nay
Nói lời ái ngữ, thẳng ngay thiện lành
Vì mê, nghiệp ác thường hành
Gieo bao tội khổ, oán sanh nghiệp dầy
Từ nay xin nguyện đổi thay
Dừng tâm vọng niệm, đổi ngay tâm mình
Quán tâm, chú ý, giữ gìn
Hễ tâm niệm khởi, lặng nhìn sẽ thôi
Chú tâm hơi thở, dáng ngồi
Vào ra, niệm Phật, tâm thôi đắm chìm
Nói làm, thận trọng tinh chuyên
Giới luật suy xét, hành thiền muôn nơi
Nguyện xin sửa lỗi, Phật ơi
A Di Đà Phật, con thời quy y!

Đức Kiên

(Tập thơ Chánh Niệm)

Tuesday, July 16, 2024

ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

 


ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

 

Tay cầm tích trượng minh châu

Đi vào cảnh khổ, ngục sâu cứu người

Nguyện xưa cứu độ phát lời

“Địa ngục chưa trống, ta thời còn vô” [1]

Cứu cho hết thảy tội đồ

Mới mong thành Phật, hư vô Niết bàn

Tạ ơn lời nguyện ngàn vàng

Chúng sanh tội khổ vô vàn vô biên

Địa ngục thống khổ triền miên

Bởi tâm điên đảo, chướng duyên trùng trùng

Tham sân si não vô cùng

Nhớ niệm Địa tạng, sáng bừng tâm ngay

Địa ngục vượt thoát ngay đây

Minh châu tỏa sáng, đọa đày tiêu tan

Dẹp bao xiềng xích buộc ràng

Đưa người thoát khổ, đường vàng bước đi

Học ngài, quyết dẹp tham si

Dũng lực vượt thoát những khi mê lầm

Minh châu nhớ mãi trong tâm

Địa tạng bồ tát – âm thầm cứu nguy…



[1] Đây là lời nguyện của Địa tạng vương Bồ tát

Wednesday, May 29, 2024

Phú Lâu Na

Hình ảnh vị sư Minh Tuệ đi khất thực với hạnh dầu đà khắp nước Việt Nam đã thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian gần đây. Khi nghe một đoạn ngài trả lời phỏng vấn về liệu có những trở ngại gì trên bước đường hành đạo, ngài cho biết sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn như: không có ai cúng dường, bị cản trở, phỉ báng, đánh đập, thậm chí cả việc có thể mất mạng ở đâu đó trên hành trình. Thật cảm phục và chợt nhớ đến câu chuyện về ngài Phú Lâu Na khi quyết tâm lên đường hành đạo ở một xứ sở hung bạo. Xin mời mọi người cùng đọc lại để thêm hiểu và tin tưởng vào con đường mà thầy đã chọn.

Phú Lâu Na

Mùa Ðông đã tàn, khí trời dần dần ấm áp. Dưới ánh sáng bình minh, muôn cánh hoa đang vươn mình phô sắc. Trên cành, chim chóc đã rời tổ cất tiếng hát trong trẻo, như để chào mừng ánh sáng đã trở về, hay để tiễn chân nhà Ðạo sĩ sắp lên đường quên mình vì Ðạo.

Trong thành Ba La Nại ngôi Tịnh xá Trúc Lâm kiến trúc trên một canh đồi rộng rãi, cây cối um tùm tĩnh mịch dần dần hiện rõ trong đám sương mù.

Lúc bây giờ Ðức Thế Tôn đang an tọa trong Tịnh xá Trúc Lâm, dùng đạo nhãn thấy dân chúng ở nước Rô Na Ba Răn Ta đang chịu nhiều điều thống khổ dưới quyền thống trị của nhà cầm quyền Kê Hoa Ðà người Bà La Môn giáo. Người ấy đã dùng bạo thế lực sẵn có trong tay, ép buộc dân chúng phải tôn thờ Phạm Thiên và ngược đãi bắt bớ những người chống đối lại.

Trước hành động bạo ác và bất công ấy, Ðức Thế Tôn thương hại cho Kê Hoa Ðà là một nhà trí thức mà hiện tại không có người hướng dẫn sáng suốt tương lai không tránh khỏi ác báo trong ba đường.

Bấy giờ Ðức Thế Tôn thấy trong hàng đệ tử, chỉ có Tôn giả Phú Lâu Na là người có thiện duyên với dân chúng xứ ấy nên sai đến đó để giáo hóa.

Ðức Thế Tôn biết rằng: Trên con đường truyền bá Chánh Pháp dắt người trở về con đường tươi sáng của ánh đạo Từ bi, tôn giả Phú lâu Na sẽ gặp nhiều trở ngại thử thách của đối thủ.

Biết vậy, nên Ðức Thế Tôn gọi Tôn giả Phú lâu Na đến dạy rằng: “Dân xứ ấy và Kê Hoa Ðà độc ác lắm, ta sợ ngươi không đủ can đảm để chịu đựng”

- Tôn giả Phú lâu Na đáp: “Bạch Thế Tôn, con nguyện đem hết năng lực để làm tròn sứ mạng”.

- Nếu đến đó bị chửi mắng, thì ngươi nghĩ sao?

- Con nghĩ, những lời chửi mắng kia cũng như những tặng phẩm nếu họ đem đến tặng cho con, con không nhận, họ sẽ mang về. Và con nghĩ rằng, những người ấy còn hiền từ lắm, vì họ chỉ chửi mắng mà không nhận nước con.

- Nếu họ đem nhận nước ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ là những người tối dạ, và chỉ nhận nước mà không lấy đá ném vào đầu con.

- Nếu họ dùng đá ném vào đầu ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ rất tốt vì chỉ lấy đá ném vào đầu mà không dùng gậy đập con.

- Nếu họ dùng gậy đập ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ rất hiền từ vì chỉ dùng gậy đập mà không giam cầm, ngăn cản bước đường truyền đạo của con.

- Nếu họ giam cầm ngươi?

- Con nghĩ rằng, những người ấy rất tử tế, vì họ giúp con có thời gian tịnh dưỡng để nung luyện thêm ý chí, mà không dùng gươm đâm chém con.

- Nếu họ lấy gươm đâm chém ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ rất tốt bụng, vì chỉ đâm chém mà không giết chết con.

- Nếu họ giết chết ngươi?

- Bạch Thế Tôn, con rất vui mừng, vì những người kia đã dùng tâm từ bi giúp cho con sớm thoát khỏi tấm thân giả tạm đau khổ này, để chóng thành quả vị Vô Thượng Giác.

Ðức Thế Tôn dạy: “Hay thay! Hay thay! Phú Lâu Na ngươi đã có một ý chí mạnh mẽ. Ngươi đã biết khinh thường thân mạng để phụng sự chân lý. Ngươi thật là một người đệ tử trung kiên của ta, đáng thay ta đến xứ ấy truyền bá Chánh pháp hướng mọi người trở về con đường sáng đầy an lạc và giải thoát”.

Tôn giả Phú Lâu Na đảnh lễ, vâng lời Phật dạy rồi từ giã lên đường sang xứ Rô Na Ba Răn Ta.

Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi- tập 2-Đức Kiên

Wednesday, May 15, 2024

Phật ra đời



Phật ra đời

Từ trời Đâu Suất hóa sinh,
Hộ Minh bồ tát hiện hình Như Lai
Tháng tư trăng nở hoa khai
Hoa sen đỡ bước hình hài đản sinh
Từ đây một cuộc hành trình
Vén màn tăm tối, tự mình chứng tu
Sáu năm khổ hạnh mịt mù
Tìm ra trung đạo tiến tu giữa đời
Tháng tư trăng sáng đạo ngời
Người thành chánh giác độ đời trầm luân
Lập tăng, độ chúng chuyên cần
Tình thương, trí tuệ, xa gần tỏa hương
Chúng sinh quy ngưỡng mười phương
Sáu đường ba cõi về nương bóng từ
Chắp tay kính lễ chân như
Hào quang tỏa khắp, lòng từ lan xa
Hai ngàn năm đã trôi qua
Chúng sanh còn hưởng mưa hoa đạo vàng
Tháng tư ngài nhập Niết bàn
Trở về tịch tịnh, lời vàng còn lưu
Giới là thầy, gắng công phu
Học theo lời dạy, ngục tù thoát ra
Tìm về nẻo sáng Phật đà
Gặp nhau ở hội Long Hoa… sau này
Nam mô, kính lễ bậc thầy
Thích Ca từ phụ… nhân ngày đản sinh
Cầu cho hết cả sinh linh
Làm lành, lánh ác, an bình trong tâm
Mỗi ngày Phật tánh nẩy mầm
Hoa khai thấy Phật, pháp âm mãi còn…

Đức Kiên – Mùa Phật đản, 2024

Wednesday, May 1, 2024

MỜI PHẬT SỐNG ĐỜI

 


MỜI PHẬT SỐNG ĐỜI

 

Con mong Phật mãi sống đời

Để cho Phật pháp muôn nơi trường tồn

Phật là tánh giác trong con

Mỗi ngày mỗi phút sắt son giữ gìn

Ngộ ra Phật tính trong mình

Ngồi nằm đi đứng, nói nhìn - vô tâm

Tuỳ duyên thuận pháp không lầm

Hiện pháp lạc trú, Phật tâm chẳng rời

Yêu thương, chính trực ở đời

Hiểu thương, thỉnh Phật về chơi cõi trần

Giữ tâm gìn ý trong ngần

Từ bi hỷ xả - Phật gần trong ta

Biết tu, Phật hiện ta bà

Không tu, đất Phật bỗng xa muôn trùng

Ráng tu, chớ sống buông lung

Cùng nhau mời Phật sống cùng bên ta…

Tuesday, February 27, 2024

Quốc vương Hữu Đức

 

Quốc vương Hữu Đức


Trong thời quá khứ vô lượng kiếp xa xưa, có đức Phật ra đời hiệu là Hoan-Hỷ Tăng-Ích Như-Lai. Lúc bấy giờ đất nước thái bình thạnh trị, dân chúng ấm no hạnh phúc an vui vô cùng, chẳng khác hạnh phúc của chư Bồ-Tát cõi nước Cực-Lạc. Ðức Phật Hoan-Hỷ Tăng-Ích trụ ở đời rất lâu, đến khi cơ duyên độ sanh viên mãn, Ngài nhập Niết-bàn ở thành Câu-Thi-Na, rừng Ta-La Song-Thọ. Sau khi Phật Tăng-Ích nhập Niết-bàn, chánh pháp còn ở đời rất lâu đến vô lượng ức năm. 

Vào lúc chánh pháp chỉ còn 40 năm cuối, bấy giờ có vị tỳ-kheo tên là Giác-Ðức trì giới thanh tịnh, đồ chúng dự nghe đông đảo. Tỳ-kheo Giác-Ðức khuyên cấm các tỳ kheo không được chứa nuôi tôi tớ, trâu bò, heo dê cùng những vật phi pháp. Ðiều nầy khiến cho các tỳ-kheo phá giới oán ghét tìm cách phá phách hãm hại tỳ-kheo Giác-Ðức. Lúc bấy giờ Quốc-vương Hữu-Ðức biết được sự việc như vậy. Vì lòng hộ trì chánh pháp, nên nhà vua đem quân lính đến bảo vệ tỳ-kheo Giác-Ðức an toàn thoát khỏi nạn.

Bọn tỳ-kheo phá giới kia tức giận gây chiến với nhà vua, làm cho nhà vua bị thương nặng. Thấy cảnh đau lòng, tỳ-kheo Giác-Ðức an ủi nhà vua rồi khen: "Lành thay! Lành thay! Vua vì hộ trì chánh pháp mà không tiếc thân mạng. Ðời sau thân vua sẽ là vô lượng pháp khí". Nghe xong lời tán thán ấy, nhà vua hoan hỷ thân tâm nhẹ nhàng, rồi tắt thở, thần thức sanh về cõi Phật A-Súc làm đệ tử thứ nhất của Phật nầy. 

Quân lính theo vua chiến đấu với bọn ác tăng và những người tùy hỷ khen ngợi tinh thần vị pháp vong thân của nhà vua đều được tâm Bồ-đề bất thối chuyển, sau khi chết đều được sanh về cõi Phật A-Súc. Còn tỳ-kheo Giác-Ðức sau khi mạng chung cũng được sanh về cõi Phật A-Súc làm đệ tử thứ hai trong chúng Thanh-văn của đức Phật nầy".

Khi thuật câu chuyện trên đây xong, đức Thích-Ca Như-Lai gọi ngài Ca-Diếp nói: "Nầy Ca-Diếp! Vị Quốc-vương Hữu-Ðức kia chính là tiền thân của ta. Còn tỳ-kheo Giác-Ðức chính là tiền thân của Ca-Diếp đó vậy.

Bài học: Ở thời mạt pháp, nơi mà ma chướng nhiều hơn thuận duyên, người tu cần nổ lực tinh tấn trong việc tu tập đạo pháp và bảo vệ chánh pháp. Trong câu chuyện này, nhà vua Hữu Đức vì hộ pháp mà phải mất mạng, nhưng đó là cái chết đẹp, mang lại sự tái sanh ở cảnh giới tốt lành. Tỳ kheo Giác Đức là biểu tượng đáng khen ngợi cho người tu hành, vì đã khéo léo hộ trì, giữ gìn chánh pháp cho đời sau. Chúng ta đang sống trong thời mạt pháp, cần nổ lực tu tập, vượt qua chướng duyên, để có thể hoằng pháp, lợi sanh và tránh những ma lực, chướng ngại của thời đại.


(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Saturday, January 6, 2024

TÌM PHẬT NƠI ĐÂU?



TÌM PHẬT NƠI ĐÂU?


"Nhược dĩ sắc kiến ngã,

Dĩ âm thanh cầu ngã,

Thị nhân hành tà đạo,

Bất năng kiến Như Lai" (*)


Lời ngài còn vang vọng

Mà chúng sanh mê mờ

Tìm ngài nơi "cọng tóc"

Tìm xá lợi - ngu ngơ...


Phật là tâm tỉnh thức

Là đại trí, đại từ

Vọng tâm - chưa chịu dứt

Làm sao thấy Chân Như?


Hãy đọc kinh Kalama

Ngài dạy chớ vội tin

Dùng chánh niệm quán chiếu

Mọi sự sẽ hiện hình


Thời mạt pháp khó tu

Thật giả, đám mây mù

Chánh niệm và tỉnh thức

Là phương pháp chắc thật


Niệm Phật sẽ thấy Phật

Niệm Ma chỉ toàn Ma

Phật - Ma bởi tại ta

Trí tuệ Ba la mật


Sắc tức thị là không

Không tức thị là sắc

Giác ngộ thôi vướng mắc

Phật chẳng ngoài chẳng trong...


Ai thường quán tánh không

Sẽ thấy trăng, thấy Phật


Đức Kiên

---

(*) Bốn câu trong kinh Kim Cang, nghĩa là "Nếu lấy hình tướng mà tìm ta, Lấy âm thanh mà cầu ta, Đó là người hành tà đạo, Không thể thấy được Như Lai".

Tuesday, December 12, 2023

DƯỢC SƯ PHẬT

 


DƯỢC SƯ PHẬT


Mười hai đại nguyện Dược Sư
Cứu bao bệnh khổ tiêu trừ nạn tai
Dược Sư Lưu Ly Như Lai
Hào quang chiếu sáng trong ngoài trước sau
Cúi đầu đảnh lễ nguyện cầu
Tiêu tai diên thọ, tội sâu tiêu trừ
Ngu si - bừng sáng chân như
Nạn tai hết sạch, bệnh trừ tâm an
Thuốc là lời dạy ngàn vàng
Quay đầu niệm Phật, ách nàn rụng rơi
Vượt qua nạn khổ ở đời
Bởi tâm sám hối, chẳng rời Phật tâm
Vô minh hết, khỏi mê lầm
Chánh niệm tỉnh thức, dứt mầm tham sân
Phật là bậc đại y thần
Chữa bao bệnh khổ - độ thân độ đời
Muốn qua bến giác người ơi
Mau mau niệm Phật, chẳng rời… thuốc hay.

Đức Kiên

Sunday, November 19, 2023

Mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam



Mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam


Mỗi năm đến ngày nhà giáo

Tưởng về ơn nghĩa cô thầy

Tri ân, những người tải đạo

Tình thương, tri thức đắp xây


Thật ra nghề nào cũng quý

Mỗi người phận sự trong đời

Trân trọng là trong ý nghĩ

Tình thầy trò mãi sáng ngời


Hiểu biết giúp mình khôn lớn

Thầy trao tri thức ban đầu

Học tập mỗi người phấn đấu

Đèn tâm ngày một sáng hơn


Mỗi bước thành công ta đạt

Nhờ bao tri thức đắp xây

Từ thầy cô - ta góp nhặt

Ơn người, ta có hôm nay


Cùng tri ân thầy cô giáo...

Trong trường và cả ngoài đời,

Những người giúp ta thấy đạo

Rèn tâm, mở trí biển khơi...


Mỗi người hãy là ngọn đuốc

Tự làm thầy của chính mình

Học bài đời mình cho thuộc

Nhờ thầy, ta hết... vô minh.


Đức Kiên

Thursday, November 16, 2023

BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG

 


BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG

 

Bố thí mở lòng san sẻ

Giúp người vật chất tấm lòng

Cho đi, thấy mình thêm nhẹ

Chỉ còn thương cảm mênh mông

 

Ý nghĩa cuộc đời là thế

Sống là phụng sự chúng sanh

Nhận – cho, xoay vần chủ thể

Khổ đau, không giúp sao đành

 

Bố thí là đang gửi phước

Vào ngân hàng cõi tâm linh

Những gì trong đời mình được

Là do phước nghiệp tạo sinh

 

Người khôn cho nhiều hơn nhận

Làm tăng phước báu của mình

Muốn được phước nhiều vô tận

Cúng người đức hạnh, vô sinh

 

Bố thí tiền tài cũng tốt

Cho người trí tuệ quý hơn

Vô úy, vô cầu – số một

Chính là bố thí chánh chơn

 

 Nam mô Công đức lâm Bồ tát Ma ha tát!


Đức Kiên

Friday, November 10, 2023

PHÁP HÀNH

PHÁP HÀNH 

Đường công danh chớ đắm tham 
Hướng tâm tu tuệ, siêng làm phúc thay 
Dựng cầu, xây tháp, giúp ngay, 
Cứu người đói khổ, hăng say giúp đời 
Từ bi, hỷ xả, người ơi 
Bốn tâm vô lượng , tu thời chớ quên 
Ngày ngày giữ chí cho bền 
Dẹp dần phiền nào, dựng nền giác tâm 
Tụng kinh, niệm pháp, gieo mầm 
Văn-tư-tu, chớ để tâm nhiễm trần 
Trong ngoài, tu tiến, tâm thân 
Đó là hạnh nguyện chánh chân ở đời 
Bên ngoài phước báo vun bồi 
Bên trong tu dưỡng, sáng ngời chân tâm 
Tham-sân-si nguyện dứt mầm 
Tín-nguyện-hành nhớ trong tâm – mỗi ngày 
Niềm vui đạo pháp – đẹp thay 
Giúp người, mình cũng mỗi ngày an vui 
Trên đường chánh pháp chẳng lùi 
Càng tu càng tiến – nếm mùi giác hương… 

(Nguồn: Đức Kiên - tập thơ Chánh Niệm)

Sunday, September 24, 2023

PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

 


PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

 

 Một xin kính lễ Phật đà

Hai xin ca ngợi chói lòa Như Lai

Ba xin bố thí rộng thay

Bốn xin sám hối tội rày xưa sau

Năm xin tùy hỷ cùng nhau

Sáu xin chánh pháp mãi sau xoay vần

Bảy xin Phật pháp luôn gần

Tám xin tinh tấn chuyên cần học tu

Chín xin tùy thuận trí ngu

Mười xin hồi hướng công phu khắp cùng

Nguyện người thoát khổ vui chung

Phổ hiền thập hạnh nhớ cùng ghi tâm…


(Đức Kiên - tập thơ Chánh Niệm)

Thursday, September 14, 2023

ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

 


ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

 

Tay cầm tích trượng minh châu

Đi vào cảnh khổ, ngục sâu cứu người

Nguyện xưa cứu độ phát lời

“Địa ngục chưa trống, ta thời còn vô” [1]

Cứu cho hết thảy tội đồ

Mới mong thành Phật, hư vô Niết bàn

Tạ ơn lời nguyện ngàn vàng

Chúng sanh tội khổ vô vàn vô biên

Địa ngục thống khổ triền miên

Bởi tâm điên đảo, chướng duyên trùng trùng

Tham sân si não vô cùng

Nhớ niệm Địa tạng, sáng bừng tâm ngay

Địa ngục vượt thoát ngay đây

Minh châu tỏa sáng, đọa đày tiêu tan

Dẹp bao xiềng xích buộc ràng

Đưa người thoát khổ, đường vàng bước đi

Học ngài, quyết dẹp tham si

Dũng lực vượt thoát những khi mê lầm

Minh châu nhớ mãi trong tâm

Địa tạng bồ tát – âm thầm cứu nguy…


Đức Kiên



[1] Đây là lời nguyện của Địa tạng vương Bồ tát

Thursday, August 31, 2023

Chim con về với Phật

 


Chim con về với Phật

 Chú tiểu Minh nhặt được chú chim con lúc chiều khi đang cúng thí thực. Con chim run rẩy sà xuống như chiếc lá khô rơi rụng trong buổi chiều tà. Nó cùng bầy với lũ chim được phóng sanh hồi sáng này. Nhưng lại quá kiệt sức nên không thể bay xa được. Động lòng, chú mang chim về liêu mình để chăm sóc và cho ăn.

Buổi tối lên ngồi học kinh trên giảng đường, chú tiểu mang chim để trên bàn, nơi có ngọn đèn ne-on toả sáng. Hơi ấm của ánh đèn làm cho bộ lông chim khô ráo, và ánh mắt của nó trở nên linh hoạt hơn đôi chút.

Chú tiểu nhìn vào quyển kinh ngâm nga đọc, nhưng mắt cứ cụp xuống, gật gù. Bỗng chú giật mình khi nghe có tiếng chim hót. Mà không, hình như chim đang nói. Một giọng nói thật nhỏ nhẹ mà rõ ràng:

- Chú tiểu ơi! Tôi là loài chim sẻ ra đời chưa bao lâu mà đã bị bắt lui bắt tới đã bao lần rồi. Sáng nay khi được thả, tôi yếu quá nên không thể bay ra khỏi cổng chùa. Nhưng ở đây tôi có thể an tâm vì không sợ bị bắt lại nữa.

Thấy chú tiểu có vẻ ngạc nhiên, chim lại nói tiếp:

- Chú tiểu ở chùa nên không hiểu hết mọi chuyện ở bên ngoài cuộc đời đâu. Tôi và các anh chị mình cùng được sanh ra bên bìa rừng, cạnh một làng quê yên ả. Khi chúng tôi vừa chập chững biết bay liền rơi ngay vào một mẻ lưới của mấy tay chuyên bẫy chim đem bán. Tôi may mắn trôi dạt về tận chợ chim trên thành phố. Sau nhiều ngày bị nhốt chật chội, một hôm có người đến mua chúng tôi đem về chùa nhờ mấy thầy tụng kinh chú nguyện. Sau đó thì được sổ lồng cho bay đi. Khi được tự do tung cánh trên bầu trời, tôi định bay về nơi cánh rừng xưa, để mong sống lại với những cảm giác thân thương của thuở mới lọt lòng. Nhưng trời đất bao la, giữa chốn thị thành muôn lối, tôi không còn tìm thấy đâu lối về quê cũ xa tít mù sương khói, nên đành ở lại làm một kẻ tha hương. Vậy mà…hỡi ơi! Dòng đời là một trò cạm bẫy khôn lường. Một sinh vật nhỏ bé lạc bước như tôi lại dễ dàng sa chân vào những chiếc lưới giăng ra cách sân chùa không bao xa. Tôi bị săn bắt đem bán, rồi được mang đến sân chùa nhiều lần làm vật phóng sanh cầu thọ cho người. Nhờ được nghe quý thầy tụng kinh thuyết giảng mà dần dần tôi thoáng hiểu ra rằng: Đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ. Phật vì muốn trừ tai ách cho chúng sanh nên dạy họ tu phước. Người có tín tâm thì hết lòng làm lành, cứu giúp sinh linh. Và cũng có những người chuyên lợi dung niềm tin của kẻ khác để mưu cầu lợi lộc cho mình. Vậy thì tôi xin hỏi chú tiểu câu này: Như tôi đây bỗng trở thành chiếc cầu nối cho người tu phước và tạo tội, vậy rốt cuộc tôi là kẻ có tội hay có phước?

Bị hỏi bất ngờ, tiểu Minh hơi lúng túng, giây lâu chú mới trả lời:

- À… điều này theo như tôi được biết thì… à... vào thời Phật chưa có tục phóng sanh, nên Phật chỉ nói đến việc giữ giới chớ nên giết hại sanh mạng dù là những loài vật nhỏ nhít. Làm việc phước lành không gì hơn là cứu độ muôn sinh. Và thế là lệ phóng sinh bỗng trở nên một nhu cầu cấp thiết cho người tu cầu phước thọ sau này. Làm phước thì được phước, tạo tội thì chịu tội. Chuyện nhân quả trong kinh Phật đều có nói rõ. Còn như chim nói mình có phước hay tội. Theo tôi nghĩ: khi thọ thân súc sanh là đã mang lấy tội nghiệp từ nhiều đời rồi. Nhưng nay chim được đến chùa, được nghe tụng kinh, lại hiểu rõ tội phước, đó cũng là gieo chút duyên lành giải thoát cho ngày sau. Tôi chỉ có hiểu chừng đó thôi… còn gì nữa thì để tôi đi hỏi sư phụ rồi sẽ trả lời cho chim sau nhé!

Chim thở dài, thều thào:

- Tôi đâu còn sống để đợi chú đi hỏi sư phụ. Có điều tôi cũng tự nhận biết rằng: Dù đời sống ngắn ngủi. Thân này lại mang nhiều tội nghiệp. Nhưng loài súc sanh như tôi vẫn có quyền và những giá trị riêng của nó. Ít nhiều chúng tôi đã khơi dậy chút từ tâm nơi lòng người và giúp họ có được một niềm tin sâu sắc vào những điều làm phước tu thiện. Còn với ai vì cuộc sống nên phải lợi dụng niềm tin của người cùng sự vụng dại của những con vật nhỏ bé này, thì tôi cũng có góp phần giúp họ trong việc tồn tại mưu sinh. Một bên vì đời sống tâm linh. Một bên vì nhu cầu hiện tại. Ai cũng tìm thấy mục đích thiết thực của mình. Như vậy tôi cũng làm được điều lợi ích cho đời, cho người. Tội phước dẫu vô hình. Nhưng tôi vẫn tin là phước này sẽ diệt được tội chướng kia. Thế nên hôm nay tôi mới được trở về nơi đây, được chết trong niềm tin chánh đạo.

Chú tiểu chợt tỉnh dậy khi nghe có tiếng động vang lên từ bên ngoài. Trời đêm tĩnh lặng. Ngọn đèn điện vẫn toả sáng một góc phòng. Và trên bàn học, chú chim sẻ đã chết tự bao giờ. Trong giấc chiêm bao chập chờn, câu chuyện về tội phước chưa cạn lời, nhưng chim ắt sẽ hài lòng ra đi trong sự nhẹ nhàng thanh thản. Chú chim con đã về với Phật. Tiểu Minh khẽ nói và thầm chú nguyện cho nó.

Những lời nói của chú chim con, dù chỉ thoáng qua trong giấc mộng, cũng giúp cho tiểu Minh hiểu sâu hơn về sự sống của muôn vật. Một sinh vật dù bé bỏng cũng mong muốn được sống chan hoà, cùng góp sức vươn lên một cách hoàn thiện. Khi lòng người luôn biết hướng đến những điều tốt đẹp vì hạnh phúc của muôn loài, thì thế giới này sẽ không còn cảnh nồi da nấu thịt, ỷ mạnh hiếp yếu, cậy lớn hiếp bé. Từ đó mà nhân sinh cùng vạn vật được chung sống trong niềm an lạc vô biên, đầy tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Bài học: Câu chuyện trên về tâm sự của chú chim phóng sinh giúp chúng ta hiểu về nhân quả tội phước trong cuộc đời. Nếu chúng ta làm việc gì với tâm ý trong sạch thì sẽ có phước báu, còn nếu làm việc gì với tâm ý nhiễm ô, sẽ mang lại tội về sau. Người phóng sinh được phước vì muốn mang lại tự do cho chim, còn người bẫy chim để bán thì mang tội vì sinh sống bằng nghề nghiệp không chơn chánh. Tuy nhiên, việc mua chim phóng sinh vô tình đã tạo ra nhu cầu, và động cơ cho người bẫy chim để bán. Vì vậy, cũng gián tiếp gây tội. Chính vì vậy, ngày nay, nhiều chùa không khuyến khích phóng sinh, mà khuyến khích Phật tử nên nuôi dưỡng sự sống. Chúng ta cần biết tôn trọng sự cân bằng sinh thái và yêu quý thế giới tự nhiên.

(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Thursday, August 17, 2023

Vu Lan nhớ mẹ


Vu Lan nhớ mẹ


Tháng bảy Vu Lan lại trở về

Năm nay vắng mẹ - thật buồn ghê!

Đâu rồi bóng mẹ hiền yêu dấu?

Chỉ thấy mưa buồn khắp nẻo về

Hoa trắng tủi lòng, cài trên áo

Nỗi buồn nhớ mẹ, đọng bờ mi

Mong mẹ siêu sanh về Tịnh Độ

Nguyện cầu sanh chúng thoát bờ mê...


Đức Kiên