Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label chuhieu. Show all posts
Showing posts with label chuhieu. Show all posts

Thursday, August 11, 2011

Nhân mùa Vu Lan nghĩ về chữ Hiếu


Thời gian trôi qua nhanh thật! Mới đây, mà một mùa Vu Lan nữa lại đã về!

Rằm tháng 7 - Mùa Vu Lan báo hiếu là một mùa lễ có rất nhiều ý nghĩa đối với những người con Phật khắp nơi trên thế giới. Đây là thời điểm mà những người con hiếu thảo thường nghĩ cách để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ bằng cách phụng dưỡng, quan tâm, chăm sóc (nếu còn sống) hoặc làm lễ cầu siêu, phóng sanh, tạo phước để hồi hướng cho cha mẹ (nếu đã mất).

Còn nhớ, ở Nhật mùa Vu Lan gắn liền với lễ O-Bon, 1 trong những ngày lễ lớn ở Nhật. Đây là dịp nghỉ lễ tương đối dài của người Nhật. Vào dịp này, mọi người thường về quê thăm viếng cha mẹ, hoặc đi tảo mộ, thắp hương, cầu nguyện an lành cho những người thân đã mất. Lễ O-Bon còn được kết hợp với nhiều tục lệ như: ngắm đom đóm, bắn pháo hoa, hoặc đốt lửa ở trên núi... với ý nghĩa cầu mong sự giải thoát, siêu thăng cho những người đã mất. Về bản chất, cho dù có khác biệt về văn hóa, xứ sở, lễ Vu Lan vẫn chứa đựng trong nó nét đẹp truyền thống, đó là tôn vinh chữ HIẾU.

Ở Việt Nam mình, từ xưa đến này, tinh thần hiếu thảo của đạo Phật đã hòa quyện với tinh thần truyền thống của dân tộc, như: biết ơn, hiếu kính người già, coi trọng tình cảm gia đình... Đó là một truyền thống quý báu đã được phát triển và duy trì qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Một điểm đặc sắc của chữ Hiếu trong văn hóa Việt Nam là nó đã được mở rộng và khai triển theo nhiều chiều kích ngữ nghĩa khác nhau.

Trong Phật giáo Việt Nam, chữ Hiếu với cha mẹ đã được mở rộng đến hiếu thảo với cha mẹ chín đời, và sau cùng là hiếu thảo với tất cả chúng sanh. Hay nói khác hơn, chữ Hiếu lúc này đồng nghĩa với chữ Từ Bi trong nhà Phật, là thương yêu tất cả mọi người. Trong kinh Vu Lan, có đoạn kể về câu chuyện Đức Phật quỳ lạy đống xương khô khi cùng đệ tử đi qua khu đồng trống. Đệ tử ngạc nhiên mới hỏi Phật vì sao lại làm như thế. Phật trả lời, vì con người trong vô số kiếp tái sinh trên cuộc đời này, nên hầu như ai cũng có ít nhiều quan hệ với nhau, rất có thể trong đống xương khô kia, có xương của cha mẹ nhiều đời của ta trong đó, vì vậy ta mới đảnh lễ. Từ đó, Đức Phật mới triển khai ý nghĩa của chữ Hiếu và 4 trọng ân cần phải báo đáp. Đó là: ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn đất nước và ơn chúng sanh. Chính trên tinh thần chữ Hiếu, mà mỗi người thấy mình sinh ra trên cuộc đời đã nhận được ơn đức rất nhiều, nên cần phải nổ lực tu học, làm việc, đóng góp vào cuộc đời để báo đáp phần nào ơn đức to lớn đó. Vì vậy, đối với người con Phật, hiếu thảo trở thành một đức tính hàng đầu và được xem là một nghĩa vụ đương nhiên của mỗi người, cũng đơn giản như có vay thì có trả vậy.

Trong cuộc sống thế gian, chữ Hiếu của gia đình đã được mở rộng thành hiếu với mọi người trong xã hội, hay nói theo thành ngữ thường nghe trong giới công chức nhà nước là "Trung với nước, Hiếu với dân". Một cách vô tình, hiếu với dân cũng đồng nghĩa với hiếu với tất cả mọi người vậy. Câu này, đặt người dân ở vị trí của "cha mẹ", người công chức phải biết hiếu thảo để đền đáp ơn "cha mẹ", tức người dân, đã đóng thuế nuôi mình vậy. Điều này, quả khác với thực tế nhận thức sai lệch của nhiều công chức hiện nay, coi mình như cha mẹ của dân (quan chi phụ mẫu) và bắt dân phải "hiếu thảo" với mình. Điều này cần phải chấn chỉnh để chữ Hiếu đạt được ý nghĩa trọn vẹn của nó. Đó là một quan hệ 2 chiều, dân sẽ biết ơn nhà nước nếu nhà nước hết lòng phục vụ lợi ích của dân, của nước, đổi lại, nhà nước cũng phải biết ơn nhân dân, vì đó là người đóng thuế để nuôi guồng máy nhà nước hoạt động.

Như vậy, quả là người Việt Nam đã hiểu chữ Hiếu một cách rất là sâu sắc. Ta thấy rằng, hai thành phần cốt lõi trong chữ Hiếu đó là biết ơn và đền ơn. Mà trong thực tế cuộc sống, ta phải nhận ơn từ rất nhiều người để có cuộc sống hôm này. Không chỉ nhận tấm thân từ cha mẹ, mà ta còn nhận rất nhiều thứ về vật chất và cả tinh thần từ mọi người xung quanh để có thể lớn khôn, thành người như ngày hôm nay. Vì vậy, hiếu với tất cả mọi người cũng là điều đương nhiên. Cốt lõi của lòng hiếu thảo là nuôi dưỡng trong tim lòng biết ơn thường trực, lúc nào cũng thấy mình đã và đang được hưởng rất nhiều ơn đức, vì vậy mà càng phải nỗ lực phấn đấu để mong đáp trả những ơn đức đó. Thành ngữ Việt Nam có rất nhiều câu dạy về lòng biết ơn, như: "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "uống nước nhớ nguồn"... Chính từ nền tảng của lòng hiếu thảo, biết ơn đó, mà những đức tính tốt đẹp khác mới đâm hoa, kết trái, và mang lại hương sắc cho đời.

Người Việt Nam càng trọng người có hiếu bao nhiêu, thì càng ghét bọn bất hiếu bấy nhiêu. Vì vậy, ta thường thấy trong các câu chuyện dân gian, kết cục đối với những đứa bất hiếu thường là bị trời đánh chết. Gần đây, hiện tượng quan tham tràn lan, công chức xách nhiễu dân, công an đạp vào mặt dân... là những biểu hiện trái với truyền thống "hiếu với dân" của cha ông ta. Để khắc phục tình trạng này, những người công bộc của dân nên học lại bài học "hiếu với dân" để tránh không bị mang tiếng là quân bất hiếu.

Nhân mùa Vu Lan năm nay, xin chúc mọi người luôn thân tâm an lạc, vạn sự kiết tường như ý! Mong mọi người hãy cùng nhau thắp lên một nén tâm hương, để cùng hiểu thêm ý nghĩa của chữ Hiếu, cũng như áp dụng bài học cao đẹp của lòng biết ơn vào cuộc sống hằng ngày vậy.

Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát!

Mùa Vu Lan - 2011