Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label vulan. Show all posts
Showing posts with label vulan. Show all posts

Thursday, August 15, 2024

Nhớ mẹ


Nhớ mẹ 

Vu Lan tháng bảy lại về rồi 
Mưa buồn lặng lẽ phận mồ côi 
Nương tựa về đâu khi vắng mẹ 
Mất mẹ rồi-mất cả bầu trời 

Đảnh lễ Phật đà-nguyện bình an 
Cửu Huyền thất tổ nơi suối vàng 
Nương ánh từ quang-đồng giải thoát 
Siêu sanh tịnh độ cõi lạc bang 

Nhớ lại tích xưa ngài Mục Liên
Lập đàn cứu mẹ-độ oan khiên 
Nêu gương Hiếu hạnh cho hậu thế 
Còn lễ Vu Lan “giải đảo huyền“

Tình mẹ và con nặng xiết bao 
Vì con - mẹ chẳng quản gian lao 
Cứu mẹ - con quyết tìm mọi cách 
Lòng mẹ thương con thật dạt dào 

Mẹ là giọt nước cành dương 
Cho con mật ngọt như đường mía lau
Tình thương của mẹ nhiệm màu 
Hóa thân Bồ tát, bè lau cứu người 
Nhớ mẹ, con ngước nhìn trời 
Đám mây có bóng mẹ ngồi an nhiên 
Làm mưa tưới mát mọi miền
Tay con - dòng máu trinh tuyền còn đây 
Mẹ cha trong máu thân này 
Bất sinh bất diệt tự ngày mẹ sinh
Vu Lan-lễ Phật, tụng kinh 
Nguyện cầu cha mẹ, chúng sinh - an lành!

Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát 

Đức Kiên (Vu Lan 2024)

Thursday, August 17, 2023

Vu Lan nhớ mẹ


Vu Lan nhớ mẹ


Tháng bảy Vu Lan lại trở về

Năm nay vắng mẹ - thật buồn ghê!

Đâu rồi bóng mẹ hiền yêu dấu?

Chỉ thấy mưa buồn khắp nẻo về

Hoa trắng tủi lòng, cài trên áo

Nỗi buồn nhớ mẹ, đọng bờ mi

Mong mẹ siêu sanh về Tịnh Độ

Nguyện cầu sanh chúng thoát bờ mê...


Đức Kiên


Friday, August 12, 2022

Bông hồng tri ân



Bông hồng tri ân 

Vu Lan - cài áo bông hồng
Nhớ về tình mẹ ấm nồng yêu thương 
Làm sao tát cạn đại dương 
Làm sao đo được tình thương mẹ hiền 
Dẫu đi khắp cả mọi miền 
Ơn cha nghĩa mẹ - ưu phiền nặng mang 
Công ơn dưỡng dục mênh mang 
Hy sinh tất cả vì đàn cháu con
Tuổi già tiều tụy héo hon
Làm con nên hiếu, nên tròn nghĩa ân
Mẹ là Phật giữa cõi trần 
Cho con hiểu được trong ngần - yêu thương…

Đức Kiên - Vu Lan 2022

Wednesday, August 3, 2022

ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN

 

ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN

 

Rằm tháng Bảy nhớ ngày báo hiếu

Địa ngục kia ai chịu tội hình

Vu Lan tế độ chúng sinh

Trai đàn chẩn tế - vong linh nương nhờ


Vừa đắc đạo, Mục Liên bỗng nhớ

Mẹ Thanh Đề không rõ nơi đâu

Mắt thần nhìn thấy ngục sâu

Mẹ đang chịu tội, âu sầu bi ai

 

Liền hiện đến, hai tay cơm nước

Nhưng bà đâu hưởng được cơm ngon

Bởi lòng bỏn sẻn vẫn còn

Cơm hóa thành lửa, héo hon hình hài

 

Về hỏi Phật, mới hay ác nghiệp

Muốn thoát ra, cần hiệp chúng tăng

Lập đàn thanh tịnh đêm trăng

Nhờ công đức ấy – siêu thăng tội đồ

 

Lòng thương tưởng chúng sanh chịu khổ

Mục Liên mong cứu độ muôn loài

Thoát ra địa ngục một mai

Nhờ Phật chỉ phép đàn trai – Lan Bồn!

 

Nam mô Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát!


Đức Kiên (Vu Lan 2022)

Friday, August 6, 2021

Ơn cha nghĩa mẹ

 


Ơn cha nghĩa mẹ


Ơn cha cao rộng như trời
Nghĩa mẹ sâu dầy như đất
Đất trời bao la diệu vợi
Tình thương mẹ cha rất thật

Mở mắt đất trời ngạo nghễ
Con người bé nhỏ vô cùng
Nhắm mắt nghĩ tình cha mẹ
Suối nguồn vô thủy vô chung

Bình đẳng tình thương của đất
Bao la lòng mẹ thương con
Ấm áp nắng trời chiếu dọi
Trí cha - ánh sáng con soi

Sống giữa đất trời che chở
Mà quên ơn nghĩa mẹ cha
Khác nào một người trốn nợ
Không tình không nghĩa - xót xa

Ai ơi, có mặt trên đời
Là công mẹ cha nuôi dưỡng
Vạn vật trong đời - vay mượn
Sống sao cho xứng làm người

Bình đẳng, yêu thương hãy học
Chở che, bảo vệ cùng làm
Đáp đền công ơn cha mẹ
Trọn đền ơn nghĩa trời ban...

Đức Kiên (PQT)

Thursday, August 15, 2019

Ơn cha nghĩa mẹ

Ơn cha nghĩa mẹ

Ơn cha cao rộng như trời
Nghĩa mẹ sâu dầy như đất
Đất trời bao la diệu vợi
Tình thương mẹ cha rất thật

Mở mắt đất trời ngạo nghễ
Con người bé nhỏ vô cùng
Nhắm mắt nghĩ tình cha mẹ
Suối nguồn vô thủy vô chung

Bình đẳng tình thương của đất
Bao la lòng mẹ thương con
Ấm áp nắng trời chiếu dọi
Trí cha - ánh sáng con soi

Sống giữa đất trời che chở
Mà quên ơn nghĩa mẹ cha
Khác nào một người trốn nợ
Không tình không nghĩa - xót xa

Ai ơi, có mặt trên đời
Là công mẹ cha nuôi dưỡng
Vạn vật trong đời - vay mượn
Sống sao cho xứng làm người

Bình đẳng, yêu thương hãy học
Chở che, bảo vệ cùng làm
Đáp đền công ơn cha mẹ
Trọn đền ơn nghĩa trời ban...

Vu Lan 2019

Saturday, August 18, 2018

Mùa Vu Lan

Mùa Vu Lan


Vu Lan lại trở về rồi
Trăng tròn vằng vặc sáng ngời trên không
Riêng con hãnh diện trong lòng
Niềm vui rộn rã hoa hồng cài lên
Chuông chùa trầm bổng êm êm
Gió đưa nhè nhẹ, bên thềm hương bay
Hoa hồng cài áo con đây
Món quà vô giá chứa đầy tình thương
Mẹ ơi, gió lạnh còn vương
Nép bên áo mẹ, gió sương ngại gì !

Vân Hà (TTHA)

Monday, August 24, 2015

Tản mạn mùa Vu Lan


Tản mạn mùa Vu Lan

Một mùa Vu Lan (rằm tháng 7) nữa lại đang về. Những cơn mưa mùa hạ làm lòng người như chùng lại, để nhớ về ơn đức của hai đấng sinh thành, để thấy rằng những gì ta làm được để gọi là báo hiếu mẹ cha vẫn là quá nhỏ bé và chưa xứng đáng.

"Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng
Con nuôi cha mẹ kể tháng, kể ngày"

Nếu để lên bàn cân để đong đếm chỉ riêng những giá trị vật chất mà cha mẹ đã dành cho chúng ta, và những gì chúng ta đã làm cho cha mẹ, cũng thấy rõ phần nặng nghiêng hẳn về phía công lao của cha mẹ. Không đúng sao, thử kiểm kê lại xem, một đứa bé khi mới hình thành là đã phải hút chất dinh dưỡng từ mẹ để nên hình nên vóc, những thứ như: xương, huyết, thịt chẳng phải đều là từ mẹ cả đó sao. Vì sinh con, mà xương của mẹ mất bớt Canxi, trở nên nhẹ hơn và đen hơn. Rồi 3 năm bú mớm, bao nhiêu là tốn kém tiền của cha mẹ: tả, sữa, thuốc men, quần áo, thức ăn... Khi lớn hơn một chút, đến tuổi đi học, thì nào là: tiền học phí, quần áo, sách vở, đồ chơi, những thứ linh tinh để ganh đua bè bạn... Bấy nhiêu đó thôi, thử tính sơ sơ từ lớp 1 cho đến khi học xong đại học đã là như núi rồi. Nếu kể thêm chi phí tìm việc làm, dựng vợ, gã chồng, xây nhà... thì còn nhiều hơn nữa. Đó là chưa kể đến những giá trị tinh thần, những lo toan, phiền muộn, thao thức, thương yêu... của cha mẹ dành cho con cái thì không bút mực nào có thể kể hết được. Đứa con nào ngoan hiền, thì cha mẹ cũng đã bạc đầu, phờ phạc vì nuôi con khôn lớn, còn đứa nào bất hiếu, cãi vả, ăn chơi, phá làng phá xóm... thì những tổn thất về vật chất, và tinh thần của cha mẹ không biết còn lớn đến dường nào.

Trong kinh Vu Lan Bồn, đức Phật có dạy, dẫu cho người con có hiếu, muốn báo đáp công ơn cha mẹ bằng cách cõng cha mẹ đi khắp cõi đời, cung phụng ăn mặc, ngủ nghỉ... cũng chưa thể báo đáp được phần nào công đức cha mẹ trong muôn một. Như vậy, mới thấy rằng, hiếu thảo vừa là 1 bổn phận, vừa là 1 lẽ đương nhiên, bởi con cái đã nhận ơn quá lớn từ cha mẹ, thì phải có nghĩa vụ đáp đền, mới đúng đạo làm Người.

Vậy thì, báo hiếu là việc làm cần thiết và cũng thật khó khăn. Nếu muốn báo hiếu mẹ cha thì phải làm sao mới gọi là báo hiếu đúng nghĩa, mới có thể trả bớt phần nào món nợ ân tình của cha mẹ đây? Món nợ tình cảm thì nên được trả bằng tình cảm thì mới tương xứng. Nhưng tình cảm thương yêu ủy mị, quyến luyến buộc ràng của thế gian liệu có phải là đúng cách và có đủ để đền đáp công ơn cha mẹ? Người thế gian, phần nhiều, chỉ chú trọng vào phần vật chất khi báo hiếu cha mẹ, như: chăm sóc, phụng dưỡng, quan tâm về miếng ăn, giấc ngủ, thuốc men... Như thế cũng đã là tốt, nhưng cũng chưa thể đáp đền công lao sinh thành dưỡng dục, như ta đã biết ở trên.

Trong đạo Phật có 1 cách báo hiếu khác với cách báo hiếu của người thế gian, đó là cần hướng dẫn cha mẹ những hiểu biết đúng về chánh pháp, hỗ trợ cha mẹ trong việc tu tập, và sống một cuộc sống hướng thiện, hướng thượng. Chúng ta hãy xem cách đức Phật báo hiếu cha mẹ như thế nào?

Sau khi xuất gia, ngài cố gắng tu tập để thành đạo, tìm ra hướng đi đúng đắn cho bản thân và gặt hái được hoa trái của sự giải thoát. Khi đó, ngài mới trở về tìm gặp vua cha để thuyết pháp cho cha và thân bằng quyến thuộc trong dòng họ, để cha và người thân có thể hiểu biết chánh pháp và biết an vui tu tập hướng về một đời sống đạo đức tốt đẹp. Đó không những là đem lại sự an vui cho cha ngài trong kiếp hiện tại, mà còn là sự đảm bảo vững chắc cho sự an vui dài lâu trong những kiếp sau này. Ngài cũng hướng dẫn cho cha mình, đức vua Tịnh Phạn, về tiến trình chết và phương pháp niệm Phật để được tái sinh ở thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà sau khi qua đời. Còn sự báo hiếu nào hơn là hướng dẫn cha mẹ thấy chánh pháp và giúp cha mẹ thẳng tiến trên con đường tu tập, an lành đến quả vị giải thoát sau này? Đối với mẹ ngài, hoàng hậu Maya, người đã qua đời khi ngài còn rất nhỏ, đức Phật đã dùng thần thông để đi lên cung trời Đao Lợi, nơi bà đã tái sinh ở đó, để thuyết pháp cho bà và mọi người nơi đó trong suốt ba tháng an cư kiết hạ. Từ đó, giúp mẹ hiểu được phương pháp tu tập, an trú trong con đường chánh đạo và biết tu tập theo chánh pháp, để có thể giác ngộ, giải thoát trong tương lai.

Không những chỉ đền đáp ơn đức cha mẹ hiện đời, đức Phật cũng nhiều lần chỉ dạy các đệ tử về mối quan hệ thân thuộc giữa chúng sanh trong thế gian, trong dòng luân hồi sinh tử vô tận, ai cũng có thể đã từng là cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, thân bằng quyến thuộc của nhau trong quá khứ, vì vậy, cần mở rộng lòng thương yêu đến tất cả mọi chúng sanh, như là sự báo hiếu đối với cha mẹ ở những đời xa xưa. Đó cũng là lý do vì sao có tục cúng cô hồn, cúng thí thực vào dịp rằm tháng 7 hàng năm.

Nhân mùa Vu Lan, cùng ôn lại chút xíu về công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn của cha mẹ, để biết rằng trách nhiệm của con cái là rất lớn, còn rất nhiều điều chúng ta phải làm để bày tỏ tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Trước mắt, đó là chúng ta cần phải biết tu tập, an vui, hạnh phúc thì cha mẹ mới có thể yên lòng. Sau nữa, cần phải ứng dụng những điều tu tập trong cuộc sống, biết Phật hóa gia đình, cũng chia sẻ giáo lý của Phật đà với cha mẹ, người thân, để mọi người ngày càng hiểu sâu, tin sâu vào luật nhân quả, con đường bát chánh đạo, và có thể sống hiện pháp lạc trú, để thắng tiến trên con đường tu tập và mang lại lợi lạc cho mọi người xung quanh.

Cầu mong một mùa Vu Lan an lành, hạnh phúc đến với cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, cửu huyền thất tổ! Mong những đóa hoa hiếu hạnh sẽ nở rộ trong mùa Vu Lan báo hiếu này!

Nam mô Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát !

Vu Lan năm Ất Mùi (2015) - PQT

Sunday, August 3, 2014

Đạo Hiếu


Đạo Hiếu

Ai ơ
i, nghĩa mẹ công cha
Làm người nên nhớ mới là hiếu nhân
Mẹ cha - công khó muôn phần
Cho con có mặt - tấm thân trên đời,

Bao nhiêu nước mắt mồ hôi
Gian lao vất vả một đời nuôi con
Tình thương như núi như non
Hy sinh tất cả - cho con nên người

Bao năm con lớn, nên người
Bấy năm lao khổ, mấy mươ
i nhọc nhằn
Lo từng tấm áo, miếng ăn
Ốm đau chăm sóc, khó khăn chẳng màng

Ân cần, khuyên nhủ bảo ban
Dõi theo con trẻ bước đàng công danh
Tuổi đời thấm thoắt trôi nhanh
Vì con bạc mái tóc xanh - một đời

Công cha, nghĩa mẹ, ai ơ
i
Làm sao báo đáp một trời yêu thươ
ng
Cúi xin lạy Phật mười phươ
ng
Mong cho cha mẹ luôn thường an vui

Mùa Vu Lan sắp đến rồi
Tròn câu hiếu đạo ai ơ
i ghi lòng...

PQT

Sunday, August 25, 2013

Chín chữ cù lao



"Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi…"

Hồi nhỏ, tôi thường nghe người lớn mỗi khi dạy con trẻ về sự hiếu thảo, thường nhắc đến cụm từ "chín chữ cù lao" để nói lên nỗi gian lao vất vả của bậc làm cha, làm mẹ để nuôi dạy con khôn lớn thành người. Thú thật, dầu được nghe giải thích vài lần về chín chữ này, nhưng tôi vẫn không tài nào nhớ nỗi. Những chữ Hán ngắn gọn để diễn tả bao nỗi gian lao của cha mẹ, tuy cô đọng, nhưng lại thật khó nhớ. Có lẽ, lúc đó, mình cũng không đủ lớn để hiểu hết nỗi gian lao vất vả của mẹ cha, nên cũng có phần lơ là, không để tâm và chú ý ghi nhớ. Bây giờ, khi đã có con, mới thấm thía thế nào là nỗi gian lao, cực nhọc của bậc làm cha, làm mẹ, lại muốn tìm hiểu về những chữ này và ý nghĩa của chúng, để có thể giảng giải lại cho con, cháu mình hiểu về công ơn cha mẹ, hiểu về đạo hiếu, đạo làm con... như người xưa đã làm.

Vì vậy, nhân mùa Vu Lan, dành ít thời giờ để tìm hiểu về chín chữ cù lao này. Thời đại Internet, đành phải nhờ đến Bác Google chỉ giúp. Rất may, trên mạng có rất nhiều bài diễn giải ý nghĩa của chín chữ này. Đúng là, trí tuệ tập thể đôi khi cũng hữu ích lắm chứ!  
Chín chữ cù lao bao gồm: Sinh - Cúc – Phủ – Súc – Trường – Dục – Cố – Phục – Phúc.
Nghĩa tiếng Việt là: Đẻ con - Bồng ẳm - Ôm ấp - Bú mớm - Nuôi lớn - Dạy dỗ - Thương nhớ - Bảo bọc - Che chở
1- Sinh : Rõ ràng không ai có mặt trên đời mà không từ cha mẹ sinh . Nhưng để con ra đời bình thường , khỏe mạnh , xinh đẹp , thông minh …rồi nuôi cho con khôn lớn , cha mẹ chịu bao lao đao cực nhọc , phải chuẩn bị từ vật chất , tình cảm đến tinh thần . “ Đặt con vào dạ mà mạ đi tu” .Khi biết mình mang thai , bà mẹ tự nguyện chọn lối sống khắc khổ chẳng khác người tu hành . Ăn uống nói năng kiêng cử , ngủ nghỉ có giờ giấc , đi đứng cẩn thận …hy sinh mọi thú vui , bỏ cả phấn son điểm trang . Lúc sinh nở , người mẹ chịu bao đau đớn đến mức hiểm nguy . Trước đây khi chưa có máy siêu âm , cha mẹ biết bao hồi hộp chờ đợi giây phút trọng đại là lúc đứa con chào đời ; cho đến khi thấy con bình thường , cha mẹ mới yên tâm , và bà mẹ mới nở nụ cười mừng rỡ .
2- Cúc là nâng đỡ . Từ “cục thịt” mới chào đời nặng chừng hai ký cho đến ba ký ..nuôi nấng cho con lớn , cha mẹ dù nghèo cùng túng bấn cũng mọi cách xoay sở , chạy đôn chạy đáo lo cho con không đủ ăn đủ mặc ; không quản ngại nguy hiểm , chịu trăm bề khổ nhục , có khi bị tù tội , thậm chí làm điều bất nhân bất nghĩa chuốc hậu quả đắng cay cũng cam , miễn sao con được sung sướng ! “Nuôi con chẳng quản chi thân . Bên ướt mẹ nằm , bên ráo con lăn”.
3- Phủ là ôm ấp , vuốt ve trìu mến , Để con lớn lên bình thường , cha mẹ không những nuôi con bằng bầu sữa , thức ăn mà đứa con còn tưới tẩm bằng tình cảm thương yêu , trìu mến từ mẹ cha , người thân . Xã hội công nghiệp ngày nay do áp lực đời sống , nhiều trẻ con được mọi tiện nghi mà thiếu sự gần gũi , chăm sóc của cha mẹ , tâm lý bị tổn thương khiến đứa trẻ không phát triển bình thường , dẫn đến trầm cảm , khủng hoản , bất mãn …là nguyên nhân đưa đến bạo động . “Công cha nghĩa mẹ cao dày . Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ”.
4- Súc là bú móm , cho ăn . Trước đây ba bốn mươi năm không bà mẹ nào không cho con bú và nhai mớm thức ăn , sú nước cho con uống . Sữa mẹ không những là thức ăn đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển đứa trẻ mà còn có sức đề kháng hữu hiệu với vi khuẩn xâm nhập cơ thể , giúp sự tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất của em bé được dễ dàng . Cho con bú còn hàm dưỡng ngồn tình cảm , tinh thần người mẹ trao truyền cho con qua cử chỉ nâng niu khi ẵm bồng , khi đưa bầu vú vào miệng con . Do xu thế thời đại bảo vệ sắc đẹp hay không có thì giờ nhiều , bà mẹ ngày nay cho rằng cho con bú không hợp thời , ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ . Mặc dù được bồi bổ bằng thức ăn chọn lọc và sau74 cao cấp mà trẻ em vẫn thường bị mắc các chứng bệnh về đường ruột , trầm cảm …có nguyên nhân từ không được bú sữa mẹ trong sự yêu thương trìu mến của người mẹ . “Nhớ ơn chín chữ cù lao . Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình”.
5- Trưởng là nuôi lớn . Đây là qua 1trinh2 đầy gian nan vất vả của cha mẹ nuôi con đến trưởng thành . Có đứa trẻ nào không còi cọc , đau ốm trở mình khóc đêm khiến cha mẹ “năm canh chày thức đủ năm canh”. Con có bề nào cha mẹ mất ăn bỏ ngủ chạy đôn chạy đáo tìm thầy thuốc , không có tiền bạc cũng vay mượn chữa chạy cho con qua khỏi . Tìm trường , chọn thầy trang bị cho con kiến thức học rộng biết nhiều , có công danh sự nghiệp ; mở mày mở mặt với bạn bè , thiên hạ . Đến lúc con cái trưởng thành cha mẹ lo dựng vợ gả chồng : Con cái nên gia thất trăm bề yên ổn cha mẹ vẫn chưa yên lòng , còn lo toan đến cả cháu chắt . “Mẹ già trăm tuổi tóc sương-Lo con tám chục năm trường chưa yên!”
6- Dục là dạy dỗ . Cha mẹ là người thầy đầu đời về tình yêu thương , sự trìu mến . Tiếng cha , tiếng mẹ …bập bẹ tiếng nói đầu đời , âm thanh biết bao du dương , ấn tượng ! hướng dẫn con những bước chập chững , truyền đạt cho con điếu hay lẽ phải , kiến thức sơ đẳng về thế giới chung quanh . Từ ai nếu không phải cha mẹ ? “ Dạy con từ thuở còn thơ – Mong con lanh lợi mẹ cha yên lòng”.
7- Cố là trông nôm , đoái hoài . Cha mẹ luôn quan tâm theo dõi con , mỗii bước tiến dù nhỏ bé của con cũng là niềm hạnh phúc lo lớn của cha mẹ . Những bước chập chững đầu tiên , tiếng nói bặp bẹ đầu đời , chứng kiến khả năng đi đứng nói nghe …khác nào điều kỳ diệu . Cha mẹ mới thực sự yên tâm con đủ đầy khả năng bình thường . Một giác quan có thể bị khiếm khuyết là biết mấy bất hạnh thiệt thòi cho con , cũng là nỗi khổ tột cùng của cha mẹ . Và vất vả khổ cực đến mấy cha mẹ cũng không từ nan , đêm ngày lo lắng , tìm thấy hỏi thuốc khắp nơi lùng sục chạy chữa cho con .
8- Phục là ôm ấp trở đi trở lại . Để con được sung sướng hạnh phúc , cha mẹ tùy thuộc vào khả năng , năng khiếu của con để uốn nắn , dạy dỗ , hướng con đi vào nghành nghề phù hợp . Tuy thế trong thực tế không phải lúc nào cũng được như ý . Không thiếu trường hợp con cái chống trái cha mẹ , theo sự lôi kéo của bạn bè rơi vào tù tội , ảnh hưởng xấu đến uy tín gia đình . Hoặc giả khi có sự nghiệp con cái bôn ba danh lợi , chạy theo tiếng gọi tình yêu vô tình để cha mẹ già mòn mỏi đợi mong . Thế nhưng cha mẹ nào nỡ từ bỏ con , ngược lại luôn theo dõi bảo bọc chở che dầu con có thế nào . Con đi cải tạo cha mẹ lo lắng xách bới , con còn ngồi tù cha mẹ còn chưa yên ! Trường hợp đặc biệt con cái chọn đường tu học giải thoát , cha mẹ thuận phục cho con “ cát ái ly gia” mà dư luận thế gian cho là không thực hiện nghĩa vụ làm con đối với cha mẹ . Thật ra mục tiêu học giải thoát của người xuất gia tu hành chân chính gắn liền với hạnh nguyên cứu độ chúng sinh trong đó có cha mẹ , ông bà nhiểu đời . Trên cơ sở đó gia đình sẽ an vui , xã hội được ổn định . Qua đó , là người con , bậc tu hành đã thực sự báo đáp thâm ân của cha mẹ , ông bà . “Công cha nghĩa mẹ cao vời – Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta” .
9- Phúc là bao bọc , che chở . Cha mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc cho con cái , không chỉ trong đời sống vật chất mà cả đời sống tình cảm tinh thấn ; từ đó tạo ra mọi thuận lợi cho con được chấp cánh để bay xa vươn cao . Với duyên lành thuận buồm xuôi gió , con cái đi lên theo tiếng gọi công danh sự nghiệp , có khi bỏ quên cha mẹ . Nhưng nếu gặp khi không may vấp ngã , thất bại trước phong ba bão táp mà con phải quay về …cha mẹ vẫn sẳn sàng dang rộng vòng tay che chở . “Còn cha gót đỏ như  son . Mai đây cha mất gót con đen sì !”
Nhớ và suy nghĩ cặn kẽ về chín chữ cù lao, sẽ giúp chúng ta hiểu được phần nào công lao gian khó của cha mẹ, không quản vất vả, gian lao cả một đời, sẳn sàng hy sinh cả vật chất và tinh thần, miễn sao con khôn lớn, nên người, thành công và hạnh phúc là cha mẹ mãn nguyện.

Đọc kinh Vu Lan, nghe Phật kể về mười ân đức của mẹ khi mang nặng, đẻ đau, chăm lo miếng ăn, giấc ngủ, kể cả vì con mà cam chịu làm những điều tội ác. Thật là cao cả, thật là vĩ đại. Đúng là, trong cuộc sống này, không có gì có thể sánh bằng công ơn to lớn của cha mẹ đối với con cái. Vậy nên mới nói

"Nước biển mênh mông, không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng, không phủ kín công cha"

Thế cho nên, làm con mà bất hiếu, không hiểu biết công ơn cha mẹ, không biết đền đáp thâm ân này, thậm chí còn làm cha mẹ buồn lòng, tổn thương, thì đúng là một tội ác rất lớn. Trong đạo Phật, tội bất hiếu được xem là 1 trong những tội trọng, và phải chịu đọa vào địa ngục vô gián. Một loại địa ngục phải chịu nhiều hình phạt khổ sở, lâu dài và không có gián đoạn. Cho dù, muốn báo đáp công ơn cha mẹ, theo kinh Vu Lan, cũng không dễ gì báo đáp. Huống hồ, đã không nhớ nghĩ đến việc báo đáp, mà còn làm khổ cha, khổ mẹ thì thật là quá lắm!

Nhân mùa Vu Lan, mùa báo hiếu, mong rằng, những người con hãy nhớ đến chín chữ cù lao, và suy niệm về công đức cao dày của mẹ cha, mà cùng thể hiện hiếu đạo. Đó mới xứng đáng với chữ "Người" viết hoa, và cũng là mong mõi lớn nhất của các bậc làm cha mẹ, đó là con mình khôn lớn thành Người.

Chúc mọi người một mùa Vu Lan an lạc, hạnh phúc và tràn đầy hiếu tâm!
Nam mô Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát

Tuesday, August 13, 2013

Vu Lan Bồn


Vu Lan Bồn

Rằm tháng bảy người ơi nên nhớ
Vu Lan Bồn - cứu độ mẹ cha
Cúi đầu kính lạy Phật Đà
Chỉ phép tế độ, quỷ ma nương nhờ...

Cúng cô hồn, tục xưa một thuở
Cầu siêu sanh, thất tổ cửu huyền
Nhớ gương hiếu hạnh Mục Liên
Thần thông, chẳng thể cứu liền mẹ đâu

Ác nghiệp cũ từ lâu khó gỡ
Phải nương nhờ hiệp lực chư tăng
Phép thần mới đủ công năng
Chiếu soi, bừng tỉnh, tối tăm ngục đài

Mong cho nhân thế hôm nay
Vu Lan nhớ đến ơn dầy song thân
Vì ta, cực khổ tấm thân
Vì ta, héo hắt tinh thần sớm hôm
Chớ sinh oán trách, dỗi hờn
Chớ làm cha mẹ héo mòn khổ đau
Dù cho gánh nặng hai đầu
Mẹ cha khắp chốn, cũng đâu đáp đền
Còn cha, còn mẹ hiện tiền
Hãy lo hiếu dưỡng, đáp đền nghĩa ân
Nếu như cha mẹ vãng phần
Làm nhiều công đức, thâm ân hướng về

Hiếu là đạo vượt biển mê
Trăng rằm tỏa sáng, nẻo về chơn tâm...

PQT
(Vu Lan - 2013)

Friday, August 24, 2012

Bông hồng cài áo

Gần tới rằm tháng 7, mùa Vu Lan báo hiếu, tự nhiên thích nghe lại bài Bông Hồng Cài Áo, nên post lại ở đây, để nhắc nhở bản thân và mọi người là một mùa Vu Lan lại về. Vào mùa báo hiếu này, mọi người nên tự ngẫm lại xem liệu mình đã làm được gì để báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn của cha mẹ hay chưa, nếu chưa thì hãy cố gắng thực hiện một việc gì đó dù là nhỏ nhoi nhất. Chúc mọi người 1 mùa Vu Lan an lạc, hạnh phúc!

Thursday, August 11, 2011

Nhân mùa Vu Lan nghĩ về chữ Hiếu


Thời gian trôi qua nhanh thật! Mới đây, mà một mùa Vu Lan nữa lại đã về!

Rằm tháng 7 - Mùa Vu Lan báo hiếu là một mùa lễ có rất nhiều ý nghĩa đối với những người con Phật khắp nơi trên thế giới. Đây là thời điểm mà những người con hiếu thảo thường nghĩ cách để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ bằng cách phụng dưỡng, quan tâm, chăm sóc (nếu còn sống) hoặc làm lễ cầu siêu, phóng sanh, tạo phước để hồi hướng cho cha mẹ (nếu đã mất).

Còn nhớ, ở Nhật mùa Vu Lan gắn liền với lễ O-Bon, 1 trong những ngày lễ lớn ở Nhật. Đây là dịp nghỉ lễ tương đối dài của người Nhật. Vào dịp này, mọi người thường về quê thăm viếng cha mẹ, hoặc đi tảo mộ, thắp hương, cầu nguyện an lành cho những người thân đã mất. Lễ O-Bon còn được kết hợp với nhiều tục lệ như: ngắm đom đóm, bắn pháo hoa, hoặc đốt lửa ở trên núi... với ý nghĩa cầu mong sự giải thoát, siêu thăng cho những người đã mất. Về bản chất, cho dù có khác biệt về văn hóa, xứ sở, lễ Vu Lan vẫn chứa đựng trong nó nét đẹp truyền thống, đó là tôn vinh chữ HIẾU.

Ở Việt Nam mình, từ xưa đến này, tinh thần hiếu thảo của đạo Phật đã hòa quyện với tinh thần truyền thống của dân tộc, như: biết ơn, hiếu kính người già, coi trọng tình cảm gia đình... Đó là một truyền thống quý báu đã được phát triển và duy trì qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Một điểm đặc sắc của chữ Hiếu trong văn hóa Việt Nam là nó đã được mở rộng và khai triển theo nhiều chiều kích ngữ nghĩa khác nhau.

Trong Phật giáo Việt Nam, chữ Hiếu với cha mẹ đã được mở rộng đến hiếu thảo với cha mẹ chín đời, và sau cùng là hiếu thảo với tất cả chúng sanh. Hay nói khác hơn, chữ Hiếu lúc này đồng nghĩa với chữ Từ Bi trong nhà Phật, là thương yêu tất cả mọi người. Trong kinh Vu Lan, có đoạn kể về câu chuyện Đức Phật quỳ lạy đống xương khô khi cùng đệ tử đi qua khu đồng trống. Đệ tử ngạc nhiên mới hỏi Phật vì sao lại làm như thế. Phật trả lời, vì con người trong vô số kiếp tái sinh trên cuộc đời này, nên hầu như ai cũng có ít nhiều quan hệ với nhau, rất có thể trong đống xương khô kia, có xương của cha mẹ nhiều đời của ta trong đó, vì vậy ta mới đảnh lễ. Từ đó, Đức Phật mới triển khai ý nghĩa của chữ Hiếu và 4 trọng ân cần phải báo đáp. Đó là: ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn đất nước và ơn chúng sanh. Chính trên tinh thần chữ Hiếu, mà mỗi người thấy mình sinh ra trên cuộc đời đã nhận được ơn đức rất nhiều, nên cần phải nổ lực tu học, làm việc, đóng góp vào cuộc đời để báo đáp phần nào ơn đức to lớn đó. Vì vậy, đối với người con Phật, hiếu thảo trở thành một đức tính hàng đầu và được xem là một nghĩa vụ đương nhiên của mỗi người, cũng đơn giản như có vay thì có trả vậy.

Trong cuộc sống thế gian, chữ Hiếu của gia đình đã được mở rộng thành hiếu với mọi người trong xã hội, hay nói theo thành ngữ thường nghe trong giới công chức nhà nước là "Trung với nước, Hiếu với dân". Một cách vô tình, hiếu với dân cũng đồng nghĩa với hiếu với tất cả mọi người vậy. Câu này, đặt người dân ở vị trí của "cha mẹ", người công chức phải biết hiếu thảo để đền đáp ơn "cha mẹ", tức người dân, đã đóng thuế nuôi mình vậy. Điều này, quả khác với thực tế nhận thức sai lệch của nhiều công chức hiện nay, coi mình như cha mẹ của dân (quan chi phụ mẫu) và bắt dân phải "hiếu thảo" với mình. Điều này cần phải chấn chỉnh để chữ Hiếu đạt được ý nghĩa trọn vẹn của nó. Đó là một quan hệ 2 chiều, dân sẽ biết ơn nhà nước nếu nhà nước hết lòng phục vụ lợi ích của dân, của nước, đổi lại, nhà nước cũng phải biết ơn nhân dân, vì đó là người đóng thuế để nuôi guồng máy nhà nước hoạt động.

Như vậy, quả là người Việt Nam đã hiểu chữ Hiếu một cách rất là sâu sắc. Ta thấy rằng, hai thành phần cốt lõi trong chữ Hiếu đó là biết ơn và đền ơn. Mà trong thực tế cuộc sống, ta phải nhận ơn từ rất nhiều người để có cuộc sống hôm này. Không chỉ nhận tấm thân từ cha mẹ, mà ta còn nhận rất nhiều thứ về vật chất và cả tinh thần từ mọi người xung quanh để có thể lớn khôn, thành người như ngày hôm nay. Vì vậy, hiếu với tất cả mọi người cũng là điều đương nhiên. Cốt lõi của lòng hiếu thảo là nuôi dưỡng trong tim lòng biết ơn thường trực, lúc nào cũng thấy mình đã và đang được hưởng rất nhiều ơn đức, vì vậy mà càng phải nỗ lực phấn đấu để mong đáp trả những ơn đức đó. Thành ngữ Việt Nam có rất nhiều câu dạy về lòng biết ơn, như: "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "uống nước nhớ nguồn"... Chính từ nền tảng của lòng hiếu thảo, biết ơn đó, mà những đức tính tốt đẹp khác mới đâm hoa, kết trái, và mang lại hương sắc cho đời.

Người Việt Nam càng trọng người có hiếu bao nhiêu, thì càng ghét bọn bất hiếu bấy nhiêu. Vì vậy, ta thường thấy trong các câu chuyện dân gian, kết cục đối với những đứa bất hiếu thường là bị trời đánh chết. Gần đây, hiện tượng quan tham tràn lan, công chức xách nhiễu dân, công an đạp vào mặt dân... là những biểu hiện trái với truyền thống "hiếu với dân" của cha ông ta. Để khắc phục tình trạng này, những người công bộc của dân nên học lại bài học "hiếu với dân" để tránh không bị mang tiếng là quân bất hiếu.

Nhân mùa Vu Lan năm nay, xin chúc mọi người luôn thân tâm an lạc, vạn sự kiết tường như ý! Mong mọi người hãy cùng nhau thắp lên một nén tâm hương, để cùng hiểu thêm ý nghĩa của chữ Hiếu, cũng như áp dụng bài học cao đẹp của lòng biết ơn vào cuộc sống hằng ngày vậy.

Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát!

Mùa Vu Lan - 2011

Thursday, August 19, 2010

Rằm Tháng Bảy - Lễ hội Vu Lan


Sắp tới rằm tháng bảy, lễ hội Vu Lan theo truyền thống của Phật giáo, chợt nhớ về tục lệ cúng cô hồn của Việt Nam. Lễ hội Vu Lan có nhiều sự kiện và ý nghĩa to lớn trong Phật giáo, như là: kết thúc mùa an cư kiết hạ, cúng thí thực cho các cô hồn, truyền thống báo hiếu... Nhắc đến ngày này, mọi người thường nhớ đến tục lệ bông hồng cài áo, báo hiếu cha mẹ. Câu chuyện gắn với ngày lễ này là việc ngài Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu mẹ đang chịu tội. Dù được xem là đệ tử thần thông đệ nhất của Phật, nhưng cũng không cứu được mẹ. Phải nhờ Phật chỉ cách cúng chư tăng, và nhờ sức mạnh của tập thể tăng chúng, lập đàn cầu siêu mới cứu được mẹ ngài. Từ đó về sau, truyền thống cúng cô hồn vào dịp rằm tháng bảy mới bắt đầu xuất hiện và được duy trì đến ngày nay. Nhớ lại hồi còn nhỏ, ấn tượng của tôi về ngày Vu Lan là lúc lũ trẻ trong xóm xúm nhau trước một mâm cúng cô hồn của một nhà nào đó, để chờ dành được những món đồ cúng sẽ được ném ra đường sau khi cúng xong. Chỉ là những thứ bánh kẹo bình thường, nhưng đối với lũ trẻ, đó là những chiến lợi phẩm, và là một sự kiện thú vị đối với chúng. Vài dòng dông dài để nhắc nhở mọi người rằm tháng bảy sắp về, để cùng nhau nhớ về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và cố gắng sống tốt để đền đáp công ơn to lớn đó.

RẰM THÁNG BẢY - VU LAN

Thoáng chốc Vu Lan lại đã về
Mưa buồn quạnh quẽ bước đường quê
Thắp hương cúng khấn siêu thân quyến
Đốt giấy bạc vàng độ kẻ mê
Lễ Phật mong đền ơn cha mẹ
Nghe kinh khó đáp nghĩa muôn bề
Mong nhờ ân đức – tai ương khỏi
Thoát nợ trần gian – vẹn câu thề.

Saturday, August 29, 2009

Ơn Nghĩa Sinh Thành

Ơn Nghĩa Sinh Thành
Sáng tác: Dương Thiệu Tước

Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Em ơi hãy nhớ năm xưa
Những ngày còn thơ
Công ai nuôi dưỡng.

Công đức sinh thành
Người hỡi đừng quên
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra.

Người ơi, làm người ở trên đời
Nhớ công người sinh dưỡng
Đó mới là hiền nhân.
Vì đâu, anh nên người tài ba
Hãy nhớ công sinh thành
Vì ai, mà có ta?

Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra




Friday, August 21, 2009

Vài suy nghĩ nhân mùa Vu Lan báo hiếu

Vài suy nghĩ nhân mùa Vu Lan báo hiếu

Hằng năm, cứ vào dịp rằm tháng 7 (15/7 âm lịch), là mùa lễ hội Vu Lan, là dịp để những người con hiếu thảo tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Lòng hiếu thảo có thể được thể hiện bằng nhiều cách, nhưng phổ biến nhất vẫn là đến chùa thắp hương, lễ Phật và cầu mong mọi điều an lành đến cho cha mẹ hiện tiền cũng như đã quá vãng. Đây là 1 phong tục rất hay của người Phật tử ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước châu Á khác.

Ở nhiều nước, họ có những ngày riêng để tưởng nhớ về công ơn cha mẹ, như là ngày Mother’s Day hoặc ngày Father’s Day. Ở nước ta, hình như chưa có một ngày lễ chính thức để thể hiện lòng biết ơn với cha mẹ, vì vậy nên chăng, chúng ta hãy dựa vào ngày Vu Lan báo hiếu của đạo Phật để phát triển thành ngày tưởng nhớ công đức cha mẹ cho tất cả mọi người Việt Nam. Thiết nghĩ, điều này cũng phù hợp với truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay, vì việc nhớ ơn, báo hiếu là một truyền thống tốt đẹp không chỉ của những người con Phật mà còn là của chung toàn thể dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam, dù thuộc truyền thống tôn giáo nào hoặc không có tôn giáo, thì đều xem việc thờ cúng ông bà tổ tiên là một nghĩa cử cần thiết để thể hiện lòng hiếu thảo. Chính vì thế, một số người còn gọi đó là Đạo Ông Bà, hay là một truyền thống tâm linh gốc của dân tộc Việt Nam gắn liền với chữ Hiếu.

Để ngày Vu Lan có thể trở thành ngày Hiếu thảo của dân tộc, ngày nhớ ơn công đức sinh thành dưỡng dục cho đúng nghĩa, chúng ta cần một cái nhìn rộng hơn và một ít điều chỉnh về những thói quen và suy nghĩ của mọi người về ngày lễ này:

1/ Tục lệ bông hồng cài áo: đây là 1 tục lệ rất đẹp được du nhập từ truyền thống của người Nhật Bản, vào ngày Mother’s Day, những người còn mẹ thường được cài lên áo một bông hoa đỏ, những người mất mẹ thì cài lên áo bông hoa trắng để mỗi người nhận thấy được sự có mặt của mẹ trên đời là rất thiêng liêng. Thế nhưng, nếu áp dụng rập khuôn như thế, chúng ta vô tình quên mất rằng, để có mặt trên đời này thì không chỉ có mẹ mà còn cần phải có người cha nữa, vì vậy nên chăng, tục lệ này nên điều chỉnh một chút để thể hiện được sự cân bằng này. Chẳng hạn, hoa hồng đỏ chỉ cài lên ngực áo những người con mà cha mẹ vẫn còn sống, và hoa hồng trắng dành cho những người con mà cha hoặc mẹ đã qua đời. Làm như vậy để lòng hiếu được thể hiện trọn vẹn y‎ nghĩa của nó, bởi vì công cha hay nghĩa mẹ đều to lớn và cao cả như nhau, nếu chẳng may mất cha hay mẹ thì đều là mất mát to lớn cả.
“Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

2/ Nên hướng tới người sống nhiều hơn người chết: có lẽ vì ngày lễ Vu Lan bắt nguồn từ truyền thuyết ngài Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ chịu tội khổ trong địa ngục, nên ngày lễ này thường gắn liền với việc cầu siêu, cúng cô hồn, và chăm lo cho người thân đã mất nhiều hơn. Tuy nhiên, ta biết rằng, sự hiếu thảo của người con đối với cha mẹ cần phải được thể hiện qua những lời nói, hành động cụ thể, đặc biệt là khi cha mẹ còn sống, để người vui lòng và cảm nhận được lòng biết ơn của con cái đối với mình. Những việc làm hiếu thảo cụ thể như: thường xuyên quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ cha mẹ về vật chất và tinh thần, chăm sóc những lúc đau ốm bệnh tật… Tôi còn nhớ một bài thơ dịch từ tiếng Anh nói lên mong muốn của người mẹ được đón nhận tình cảm yêu thương từ người con, như sau:
“Nếu có bao giờ con yêu mẹ
Thì hãy yêu khi mẹ còn đây
Còn biết được những lời tình cảm
Ngọt ngào êm dịu đến cuồng say
*
Hãy yêu đi khi mẹ còn biết
Đừng để đến lúc mẹ ra đi
Ghi lời yêu dấu lên bia đá
Mỹ từ lên phiến đá vô tri
*
Hãy nói lên lời con muốn nói
Đừng để đến lúc mẹ ngủ say
Một giấc ngủ chẳng bao giờ dậy
Ngàn năm ngăn cách chẳng ngày mai…”

Đó là vài suy nghĩ về ‎y nghĩa cao đẹp của ngày Vu Lan báo hiếu trong đạo Phật, và mong rằng ngày này sẽ trở thành một ngày lễ chung để tưởng nhớ công ơn cha mẹ cho mọi người Việt Nam. Sao cho, cứ đến ngày này, mỗi người Việt Nam đều lắng lòng để tưởng nhớ đến cha mẹ mình, những gian lao vất vả của hai đấng sinh thành, đã cho ta có mặt trên cuộc đời này, nuôi ta lớn khôn, dạy ta nên người và sẳn sàng hy sinh cả cuộc đời vì tương lai và sự nghiệp của chúng ta. Ơn đức ấy, công lao ấy rất to lớn, rất cần được trân trọng và tưởng nhớ, dù chỉ một ngày trong năm. Để mỗi người con có dịp biểu hiện lòng hiếu kính của mình đối với cha mẹ, nếu cha mẹ còn sống thì chăm lo thăm hỏi, hoặc nếu chẳng may cha mẹ đã qua đời, thì hãy làm những việc công đức để hồi hướng và cầu mong cha mẹ siêu sanh vào những cảnh giới an lạc. Mỗi chúng ta hãy cùng thắp nén tâm hương trong mùa vu lan cho hoa hiếu thảo được ngát hương và truyền thống Hiếu đạo của dân tộc được bảo tồn và phát triển.

Friday, August 14, 2009

Vài nét về lễ hội Obon của Nhật Bản

Gozan Okuribi (五山送り火)Image via Wikipedia

Obon (お盆) hay Bon (), còn được biết đến như là "Ngày của người chết", là một phong tục của người Nhật theo Phật giáo để tưởng niệm những người thân đã qua đời. Phong tục Phật giáo này đã phát triển thành ngày lễ đoàn tụ gia đình, là thời điểm mọi người trở về quê cha đất tổ để thăm viếng và chăm sóc, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên. Đây cũng là thời điểm mà linh hồn của các người đã mất được phép trở về thăm con cháu. Lễ hội này, còn được gọi là Lễ hội của những con thuyền, đã được tổ chức ở Nhật hơn 500 năm và thường gắn liền với 1 điệu múa dân gian, có tên là Bon-Odori.

Lễ hội Obon kéo dài trong 3 ngày, tuy nhiên ngày bắt đầu có khác biệt đôi chút ở những vùng khác nhau của Nhật Bản. Khi người Nhật bỏ âm lịch để chuyển sang sử dụng dương lịch vào đầu thời kỳ Minh Trị, việc điều chỉnh tương ứng ở các địa phương có sự khác biệt, dẫn đến 3 thời điểm khác nhau cho ngày Obon. "Shichigatsu Bon" (Bon tháng bảy) thì tổ chức vào ngày 15 tháng 7 dương lịch ở các vùng như Tokyo, Yokohama và Tohoku. "Hatchigatsu Bon" (Bon tháng tám) thì tổ chức vào ngày 15 tháng 8 dương lịch, và là thời điểm chung nhất ở khắp nước Nhật. "Kyu Bon" (Bon cũ) được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch ở các vùng như phía bắc Kanto, Chugoku, Shikoku, và các đảo ở phía tây nam. Những ngày này không được xem là ngày nghỉ lễ chính thức ở Nhật Bản, nhưng theo phong tục người dân vẫn được cho phép nghỉ.

Obon có một số nét tương đồng với lễ kỷ niêm của người Mexico có tên là el Día de los Muertos, như là những phong tục liên quan đến đoàn tụ gia đình và chăm sóc mộ phần tổ tiên.

Obon là dạng viết tắt của Ullambana
(Japanese: 于蘭盆會 or 盂蘭盆會, urabon'e). Nó có nguồn gốc từ tiếng Sanskrit có nghĩa là "treo ngược lên" và chỉ đến một sự giải thoát to lớn. Người Nhật tin rằng ngày này những người chết có thể được thoát khỏi cảnh khổ của việc bị treo ngược trong địa ngục do những tội ác từ đời trước.

Bon Odori bắt nguồn từ câu chuyện về Mục Kiền Liên (Mokuren), một đệ tử của đức Phật, người đã sử dụng thần thông của mình để tìm kiếm mẹ của mình. Ông đã nhìn thấy mẹ mình bị rơi vào cảnh giới quỷ đói và đang chịu khổ. Rất đau khổ, ông tìm đến Phật và hỏi ngài cách để cứu mẹ khỏi địa ngục. Phật đã hướng dẫn ông dâng cúng lễ vật lên chư tăng, những vị vừa hoàn tất 3 tháng an cư kiết hạ, vào ngày 15 tháng 7. Vị đệ tử đã làm theo và nhờ đó, đã nhìn thấy mẹ mình được giải thoát. Ông cũng thấy được bản chất rộng rãi thật sự của mẹ mình và những hy sinh to lớn mà bà đã dành cho ông. Ông cảm thấy hạnh phúc vì mẹ mình đã được giải thoát và biết ơn công lao của mẹ mình nên đã nhảy múa một cách vui mừng. Điệu múa Bon Odori bắt nguồn từ hành động nhảy múa vui vẻ này, đó là thời điểm mà những tổ tiên và sự hy sinh của họ được tưởng nhớ và trân trọng. Xem thêm: Kinh Vu Lan Bồn (Ullambana Sutra)

Vì lễ hội Obon thường diễn ra trong cái nóng của mùa hè, những người tham dự thường mặc trang phục truyền thống yukata, một loại kimono với chất liệu vải mỏng và mát. Có rất nhiều hoạt động trong lễ hội Obon, như là: các cuộc đi chơi ngoài trời, các trò chơi dân gian, và nhiều món ăn mùa hè, đặc biệt là dưa hấu.

Lễ hội kết thúc với nghi thức Toro Nagashi , hay thả các thuyền giấy. Các con thuyền bằng giấy được xếp và thả theo các con sông như là biểu tượng để tiễn đưa linh hồn những người quá cố trở về thế giới của họ. Lễ hội này thường kết thúc với những đợt biểu diễn bắn pháo bông rất đẹp mắt.

(Nguồn: wikipedia.org)
Reblog this post [with Zemanta]

Monday, October 6, 2008

Bông Hồng Cài Áo

Bông Hồng Cài Áo
Vietsciences-Thích Nhất Hạnh 03/05/05

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi , héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến :
Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời !
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.
Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức :
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau.
Ngon biết bao ! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay ? hay là tơ trời đâu la miên ?) trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp mật, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận.
Công cha như núi Thái sơn,
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra .
Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương.
Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.
Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ ( Mother's Day ) ngày chúa nhật thứ nhì của tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.
Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.
Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!"
Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi ngừơi cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.
Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận.
Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa!
Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: Đời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.
Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi.
Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.
Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết -- tôi không giảng luân lý đạo đức -- rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương". Để chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.
Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ.
Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.
(1962)