Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label lytuong. Show all posts
Showing posts with label lytuong. Show all posts

Wednesday, March 27, 2024

Sống có lý tưởng - Nền tảng cho một cuộc đời ý nghĩa

Sống có lý tưởng - Nền tảng cho một cuộc đời ý nghĩa

Lý tưởng là ngọn đèn soi đường cho hành động. Có một lý tưởng cao đẹp sẽ giúp mình có một đời sống đẹp đẽ. Người trẻ cần xây dựng cho mình một lý tưởng sống cao đẹp. Ngày nay, chúng ta hay dùng từ “mục tiêu sống”, cũng có ý nghĩa tương tự như vậy. Nhưng lý tưởng thì thường chỉ đến những gì cao rộng, bay bổng, và thường chỉ đến mục tiêu dài hạn của đời người hơn.

Thế nào là sống có lý tưởng?

Lý tưởng là mục tiêu cao đẹp mà con người hướng đến trong cuộc sống. Nó là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ, hành động và giúp ta có định hướng rõ ràng trong tương lai. Sống có lý tưởng không chỉ giúp ta sống tốt hơn mà còn góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Vì vậy, mỗi người cần xác định cho mình một lý tưởng sống, một mẫu hình đê noi theo, một phương thức sống và một mục tiêu hành động của đời mình.

Tại sao cần sống có lý tưởng?

  • Có lý tưởng giúp ta có mục tiêu phấn đấu: Khi có mục tiêu rõ ràng, ta sẽ có động lực để học tập, rèn luyện và không ngừng hoàn thiện bản thân.
  • Có lý tưởng giúp ta vượt qua khó khăn: Khi gặp khó khăn, thử thách, lý tưởng sẽ là nguồn sức mạnh giúp ta đứng lên và tiếp tục tiến bước.
  • Có lý tưởng giúp ta sống có ích cho xã hội: Khi ta sống vì một mục tiêu cao đẹp, ta sẽ cống hiến hết mình cho cộng đồng và tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Làm thế nào để sống có lý tưởng?

  • Xác định lý tưởng phù hợp với bản thân: Lý tưởng phải xuất phát từ chính trái tim và khả năng của mỗi người. Hãy tự hỏi bản thân mình muốn làm gì, có thể làm gì và có giá trị gì cho xã hội. Hãy đọc nhiều câu chuyện về các tấm gương danh nhân, anh hùng, các nhà khoa học, các bậc đạo sư… để tạo cảm hứng lý tưởng cho bản thân.
  • Lập kế hoạch và hành động: Sau khi xác định được lý tưởng, hãy lập kế hoạch cụ thể để thực hiện. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất và kiên trì thực hiện mỗi ngày. Nếu không có kế hoạch và ý chí thực hiện kế hoạch, mọi lý tưởng cao đẹp có khả năng mãi mãi chỉ là ước mơ viễn vông, và không thể trở thành hiện thực.
  • Học hỏi và rèn luyện: Để đạt được lý tưởng, ta cần học hỏi không ngừng và rèn luyện bản thân ngày càng hoàn thiện. Để hiện thực hóa lý tưởng, con người phải hoàn thiện bản thân và vươn lên theo mục tiêu đã chọn. Học hỏi liên tục chính là chìa khóa để mở cánh cửa tri thức và khai phá những tiềm năng bên trong của mỗi người. Nhờ học hỏi, một người có thể tiến bộ hơn và làm được nhiều việc mà trước đây không thể.
  • Kiên trì và không ngừng nỗ lực: Con đường đến với lý tưởng không hề bằng phẳng. Sẽ có những lúc ta gặp khó khăn, thử thách và muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, hãy kiên trì và không ngừng nỗ lực, bạn sẽ đạt được thành công. Kiên trì và nhẫn nại là chìa khóa cho mọi thành công. Người có ý chí và quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu mình đã chọn sẽ xứng đáng được nhận phần thưởng cho những nổ lực mình đã bỏ ra.

Tóm lại, sống có lý tưởng là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Hãy tìm cho mình một lý tưởng cao đẹp và nỗ lực hết mình để thực hiện. Chắc chắn bạn sẽ có một cuộc sống ý nghĩa và thành công. Chúc các bạn trẻ Việt Nam luôn giữ cho mình ngọn lửa nhiệt huyết và sống có lý tưởng!

Friday, March 12, 2010

BÌNH ĐẲNG – LÝ TƯỞNG CHUNG CỦA MỌI XÃ HỘI


BÌNH ĐẲNG – LÝ TƯỞNG CHUNG CỦA MỌI XÃ HỘI

Ngay trong câu đầu tiên của Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng", chúng ta đã gặp ngay hai chữ “bình đẳng”. Ý tưởng về sự bình đẳng này được trích dẫn từ tuyên ngôn độc lập của Mỹ, và cũng được nhắc đến trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp, cho thấy “bình đẳng” là một nguyên lý căn bản được chấp nhận bởi mọi quốc gia, mọi dân tộc. Như vậy, “bình đẳng” là một khái niệm chung của cả nhân loại, nó hướng đến việc khẳng định quyền lợi ngang nhau của mọi người, mọi đối tượng, mọi nhóm người trong xã hội. Nó chính là mục tiêu phấn đấu của mọi dân tộc, mọi xã hội tiến bộ, và là lý tưởng chung của mọi cuộc cách mạng trên thế giới.

Trong lịch sử loài người, sau mỗi cuộc cách mạng thì xã hội trở nên bình đẳng hơn về một phương diện nào đó. Chẳng hạn, cách mạng giải phóng nô lệ xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa chủ và nô lệ, cách mạng công nghiệp và nền cộng hòa xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa tầng lớp vua chúa và thường dân, cách mạng thuộc địa xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa các nước thuộc địa và thực dân… Bên cạnh những thay đổi lớn mang tính cách mạng đó, trong suốt quá trình phát triển xã hội, cũng có rất nhiều những phong trào nhỏ hơn đóng góp vào mục tiêu làm cho xã hội trở nên bình đẳng hơn, tiến bộ hơn, như : phong trào nam nữ bình quyền ; đòi bình đẳng trong việc bỏ phiếu, tranh cử ; bảo vệ quyền lợi của những người thiểu số, khuyết tật ; tranh đòi bình đẳng trong lập hội, làm báo, truyền tin… ; thúc đẩy giảm bớt khoảng cách giữa người giàu - người nghèo, chủ - thợ, nước giàu – nước nghèo, nông thôn – thành thị…

Tuy nhiên, để thực hiện được lý tưởng bình đẳng xã hội, điều đầu tiên là chúng ta phải hiểu đúng khái niệm này. Nhiều người hiểu lầm bình đẳng là san bằng, làm cho ai cũng như ai, nên dẫn đến những chính sách xã hội sai lầm, mang tính quá khích, mà chúng ta đã từng thấy trong quá khứ. Điều đầu tiên cần phải khẳng định, bình đẳng ở đây có nghĩa là bình đẳng về cơ hội, nghĩa là mọi người đều được tạo một cơ hội như nhau để phấn đấu và vươn lên trong xã hội, nếu ai nổ lực nhiều hơn, học giỏi hơn, làm việc hiệu quả hơn, tất nhiên sẽ thu hoạch được nhiều lợi ích hơn. Chẳng hạn, như xã hội Mỹ đã tạo được điều kiện bình đẳng để một người da đen, nếu có tài năng, cũng có thể được bầu làm tổng thống, như trường hợp của tổng thống Obama hiện tại. Hơn nữa, bình đẳng cũng nhắm đến việc chiếu cố cho những nhóm người có điều kiện khó khăn hơn những người khác, chẳng hạn: người nghèo, người già, trẻ em, người tàn tật, dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu vùng xa… sao cho giảm bớt những khó khăn của họ.

Lý tưởng bình đẳng dựa trên nguyên lý căn bản là con người sinh ra đều như nhau, đều có chung dòng máu đỏ và nước mắt mặn, và đều xứng đáng được hưởng quyền lợi như nhau. Mọi ranh giới như: giai cấp, màu da, chủng tộc, giới tính, trình độ, địa vị… không thể quyết định và thay đổi bản chất bình đẳng giữa mọi người.

Từ nguyên lý này, mọi quy định, luật lệ, thiết chế xã hội đều nhằm mục tiêu đảm bảo sự bình đẳng giữa mọi người trong xã hội. Xã hội càng tiến bộ thì tính bình đẳng giữa mọi công dân càng cao. Chẳng hạn, trong một xã hội dân chủ pháp trị, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, kể cả tổng thống, nếu vi phạm pháp luật cũng phải ra tòa như một thường dân. Chính vì vậy, trong xã hội hiện đại ngày nay, vai trò của quốc hội, cơ quan lập pháp, thường trở nên rất quan trọng, bởi nhiệm vụ chính của nó là thiết lập nên những quy định, điều luật nhằm đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong xã hội. Ở đó, phải tập hợp những người đại diện cho đủ mọi thành phần trong xã hội, họ có nhiệm vụ đề xuất và bỏ phiếu thông qua những điều luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho địa phương hoặc thành phần mà họ đại diện. Hiện nay, ở nước ta, đại biểu quốc hội đa phần là đảng viên cộng sản, vì vậy chưa thể đảm bảo được sự bình đẳng giữa những đảng viên đảng cộng sản và những người ngoài đảng. Điều này cần phải được điều chỉnh để lý tưởng bình đẳng ở nước ta được thực hiện tốt hơn.

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế, sự bất bình đẳng giữa người giàu - người nghèo đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, cần phải sớm khắc phục để đảm bảo xã hội phát triển bền vững và ổn định. Hơn nữa, một số quan niệm phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại, như: giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, quan chức chính phủ và thường dân, đảng viên và người ngoài đảng… cũng làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Để khắc phục điều này, cần phải xây dựng một nền tảng dân chủ pháp trị vững mạnh, dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Đặt quốc hội, cơ quan lập pháp lên vị trí cao nhất, xây dựng cơ chế bầu cử quốc hội sao cho tập hợp được tiếng nói của tất cả mọi thành phần của đất nước. Mọi công dân, tổ chức nhà nước hay tư nhân đều phải hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật và hiến pháp do quốc hội xây dựng. Tăng cường vai trò của báo chí trong việc phản ánh các sự việc bất công. Phải có cơ chế kiểm tra, giám sát và đảm bảo minh bạch thông tin. Người dân thuộc mọi thành phần phải được quyền biết và góp phần vào việc ra những quyết định quan trọng liên quan đến đất nước và quyền lợi của mình.

Ngoài ra, cũng cần xây dựng chế độ bảo hiểm, phúc lợi, an sinh xã hội hiệu quả, sao cho đảm bảo được quyền lợi của mọi người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo ổn định cuộc sống của những nhóm người dễ bị tổn thương, như: người già, trẻ em, tàn tật, dân tộc thiểu số, người thất nghiệp…

Nói tóm lại, bình đẳng là mục tiêu ban đầu và lâu dài của mọi nổ lực xây dựng xã hội. Nó chính là thước đo trình độ văn minh và tiến bộ của một đất nước. Trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam ngày nay, mục tiêu bình đẳng cũng cần đặt lên hàng đầu, bởi xét cho cùng, việc phát triển đất nước là nhằm mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân, và điều này sẽ không thể nào đạt được nếu thiếu sự bình đẳng. Mong rằng, lý tưởng bình đẳng sẽ trở thành ngọn đèn soi sáng cho các chính sách phát triển đất nước và xã hội bình đẳng sớm trở thành hiện thực trên quê hương Việt Nam.

PQT - 3/2010