Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label qltt. Show all posts
Showing posts with label qltt. Show all posts

Saturday, September 29, 2018

HỌC TẬP ĐIỆN TỬ & CHUYỂN GIAO TRI THỨC O VN

E-learning ở một vài trường ĐH trong TP.HCM -
thuc trang va giai phap

1.    E-Learning tại trường ĐHBK

E-learning là sự ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ cách tân trên Internet vào giáo dục (dạy và học) nhằm làm cho công việc giáo dục trở nên dễ dàng, rộng rãi, và hiệu quả hơn. Ưu điểm của e-learning là tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, học mọi lúc mọi nơi, uyển chuyển – linh động, tối ưu, và hệ thống hoá. E-learning phù hợp với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi và nó thực sự nổi trội hơn các phương pháp đào tạo khác. Lợi ích của e-learning đã được công nhận, nhưng ảnh hưởng của nó lên hiệu quả học tập và chuyển giao tri thức từ thầy sang trò vẫn còn chưa được kiểm chứng một cách rõ ràng.
Đại học Bách khoa (ĐHQG-TP.HCM) đã xây dựng hệ thống e-learning (Sakai) để hỗ trợ chương trình đào tạo từ xa từ 2011. Ngoài ra, một hệ thống e-learning khác dựa trên Moodle (một nền tảng mã nguồn mở) cũng đã được cài đặt và triển khai cho các hệ đào tạo khác. Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng tỷ lệ sử dụng e-learning vẫn khá thấp, và hiệu quả thực sự của việc sử dụng e-learning lên học tập và chuyển giao tri thức vẫn chưa được đo lường.
Trên thực tế, số sinh viên đăng ký chương trình đào tạo từ xa giảm dần trong những năm gần đây. Liệu có thể tận dụng thế mạnh của e-learning để cải tiến chất lượng dạy và học và thu hút sinh viên cho chương trình đào tạo từ xa. Theo ban quản trị mạng của ĐHBK, khoảng 50% giảng viên vẫn chưa sử dụng hệ thống e-learning (2016). Điều này làm giảm mức độ tương tác trên hệ thống e-learning. Kết quả là hiệu quả dạy học của ĐHBK cũng bị ảnh hưởng và lợi ích thực sự của e-learning mang lại cũng giảm theo.
Thành quả học tập là kiến thức của học viên, những kỹ năng và thói quen học tập trong một khoá đào tạo và hiệu quả ứng dụng của họ lên công việc của họ. Học tập được xem là những kỹ năng của học viên và kiến thức có được qua trải nghiệm trong quá trình đào tạo. Chuyển giao tri thức là sự thay đổi thói quen của người học lên công việc thông qua kinh nghiệm trong quá trình đào tạo. Từ những nghiên cứu trước, nghiên cứu này muốn đo lường ảnh hưởng của các yếu tố như: Năng lực máy tính tự thân (Computer Self Efficacy), Tính dễ sử dụng (Ease of Use), Nhận thức tính hữu ích (Perceived Usefullnes), Tương tác mặt đối mặt (Face to Face Interaction), Tương tác qua email (Email Interaction) và Sự hiện diện tính xã hội (Social Presence) lên Hiệu quả học tập và Chuyển giao tri thức qua e-learning.
Kết quả nghiên cứu thể hiện 3 yếu tố Nhận thức tính hữu ích & dễ sử dụng, Tương tác mặt đối mặt, và Sự hiện diện tính xã hội có mối quan hệ tuyến tính với Thành quả học tập của sinh viên trong bối cảnh hệ thống e-learning của trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM đang trong tình trạng hoạt động kém hiệu quả.
Dựa trên kết quả nghiên cứu này, một số hàm ý quản lý và khuyến nghị để nâng cao chất lượng học tập và chuyển giao tri thức qua e-learning ở ĐHBK được đề xuất như sau:
·      Làm cho hệ thống e-learning trở nên dễ sử dụng và hữu ích: Bộ phận quản trị mạng và e-learning cần cải tiến các chức năng của hệ thống hiện tại. Một số tính năng nên được tích hợp, như: hỗ trợ trực tuyến, hướng dẫn qua video, giải đáp các câu hỏi thường gặp… Ngoài ra, nên tổ chức các buổi tập huấn sử dụng hệ thống e-learning, đặc biệt là đối với SV. năm nhất và GV. mới. ĐHBK cũng nên dựa vào các phản hồi về chất lượng hệ thống để cải tiến và nâng cấp hệ thống nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu sử dụng.
·      Gia tăng sự hiện diện xã hội trên hệ thống e-learning: BQL. nên áp dụng một vài phương pháp như: tổ chức các sự kiện mà đòi hỏi sự tương tác và chia sẻ trên e-learning, vd: bỏ phiếu, thi online…; gắn kết với forum và phân công admin phụ trách từng chủ đề; tích hợp với portal của ĐHBK & các trang mạng xã hội của trường… Ngoài ra, đưa thêm một vài tính năng tương tác của web 2.0 và hệ thống e-learning, như: blog, chia sẻ video, bình luận…, cũng giúp tang tính xã hội của hệ thống e-learning.
·      Gia tăng tương tác qua e-mail và kỹ năng máy tính của thầy và trò: BQL. cũng cần cung cấp cho SV. một địa chỉ e-mail lâu dài và khuyến khích dùng địa chỉ này để tương tác trên e-learning; tất cả các thông báo từ ĐHBK đến SV. cần gửi qua địa chỉ e-mail này. Tổ chức các khóa huấn luyện, các buổi seminar về nhiều chủ đề liên quan, như: kỹ năng sử dụng máy tính, khai thác hệ thống e-learning cho việc dạy và học, cách tìm kiếm thông tin khoa học, các công cụ/ công nghệ mới…   
·      Rèn luyện kỹ năng tự học cho SV.: Kỹ năng này rất quan trọng đối với SV. đã đi làm, thuộc các chương trình cao học, bằng 2, đào tạo từ xa. Đây cũng là một kỹ năng mềm khá cần thiết trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0. Tổ chức thành một khóa học riêng, hoặc lồng ghép các nội dung này vào các môn học đang có đều hữu ích. Ngoài ra, các kỹ năng này cũng có thể được truyền thụ trong các hoạt động ngoại khóa, như: buổi giới thiệu ngành, các dự án khởi nghiệp, cuộc thi… Việc cung cấp kỹ năng này cho SV. đòi hỏi người thầy cũng phải thay đổi phương pháp giảng dạy và đánh giá, trong đó cần chú trọng: cập nhật nội dung, lấy người học làm trung tâm, sử dụng bài học tình huống, tạo không gian tranh luận mở, học đi đôi với hành…

2.    E-Learning ở một vài trường ĐH trong TP.HCM

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội cho việc học tâp trực tuyến và cũng dẫn đến nhu cầu học tập, giải trí và làm việc mọi lúc mọi nơi. Gần đây, hệ thống e-learning là rất quan trọng đối với bất kỳ đại học nào để nâng cao chất lượng giáo dục và cung cấp cho sinh viên các nguồn học liệu hữu ích và chất lượng cao. Tuy nhiên, làm sao để khuyến khích việc sử dụng e-learning và cải thiện chất lượng học tập thông qua hệ thống e-learning vẫn còn là một thách thức đối với các trường Đại học. Mục đích chính của nghiên cứu này là nhằm tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng e-learning và thành quả học tập của sinh viên các Trường đại học tại TP.HCM.
Từ các nghiên cứu trước, một mô hình nghiên cứu đã được đề xuất, và kiểm định bằng các phương pháp như: phân tích Cronbach alpha, EFA, CFA, và mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) trên phần mềm SPSS và AMOS. Dựa trên phân tích định lượng từ 356 bảng trả lời hợp lệ, kết quả kiểm định mô hình cho thấy 5 nhân tố có tác động tích cực đến việc sử dụng e-learning gồm: hỗ trợ từ Đại học (0.367), kỹ năng máy tính của SV. (0.274), hạ tầng (0.195), nội dung và thiết kế khóa học (0.145), và sự cộng tác của SV. (0.118). Ngoài ra, hiệu quả học tập còn chịu ảnh hưởng của 2 nhân tố là: việc sử dụng e-learning (0.446), và cộng tác của SV. (0.129).
Từ kết quả trên, một vài hàm ý quản lý được đề xuất để cải tiến hiệu quả sử dụng e-learning và gia tăng chất lượng học tập của SV. Đại học qua e-learning như sau:
·      Sự hỗ trợ từ nhà trường có vai trò quan trọng ảnh hưởng mạnh đến việc sử dụng hệ thống e-learning. Nhà trường, cụ thể làm phòng quản lý mạng hay phòng đào tạo chuyên trách phải làm tốt các công việc hỗ trợ sinh viên càng nhiều thì sẽ làm tăng việc sử dụng hệ thống, làm tăng hiệu quả của hệ thống. Điều này sẽ góp phần ảnh hưởng đến thành quả học tập thu được của sinh viên.
·      Kỹ năng máy tính của sinh viên, kinh nghiệm sử dụng máy tính trước kia, sự thành thạo các phần mềm máy tính có ảnh hưởng tích cực lên việc sử dụng hệ thống e-learning. Kỹ năng sử dụng vi tính có thể có được thông qua học tập và thực hành, do vậy nhà trường cần có các buổi hướng dẫn sử dụng các hệ thống thông tin trong nhà trường có liên quan đến sinh viên chi tiết hơn, cụ thể hơn, nhiều hơn,… nhằm đảm bảo tất cả sinh viên đều được trang bị tốt các kỹ năng máy tính cần thiết.
·      Nội dung và thiết kế của các khóa học có ảnh hưởng khá mạnh đến việc sử dụng hệ thống e-learning. Do vậy, việc chuẩn bị các nội dung, thiết kế chương trình học cần được chú trọng đầu tư nhiểu hơn và cung cấp các nội dung học tập đến sinh viên một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác sẽ góp phần làm tăng chất lượng học tập, tăng hiệu quả của hệ thống và thành quả học tập của sinh viên.
·      Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin có ảnh hưởng đến việc sử dụng hệ thống e-learning là điều dễ nhận thấy. Một hạ tầng công nghệ thông tin mạnh, phần cứng máy chủ mạnh, phần mềm an toàn, tin cậy hoạt động ổn định sẽ giúp người dùng sử dụng hệ thống được thuận lợi, nhanh chóng, an tâm khi sử dụng. Do vậy, việc đầu tư nâng cấp các hệ thống máy chủ, phần mềm cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể nhằm đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin của nhà trường luôn luôn phù hợp với xu hướng phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin.
- Nhu cầu tương tác, làm việc cộng tác của các sinh viên với nhau là một nhu cầu thể hiện tính xã hội trong một hệ thống công nghệ thông tin. Ngày nay, nhu cầu này được chứng minh rất rõ với sự bùng nổ của các mạng xã hội với số lượng thành viên cực lớn. Các công cụ tích hợp và hệ thống e-learning hỗ trợ cho sự tương tác, làm việc cộng tác của các sinh viên sẽ giúp giải quyết được nhu cầu cấp thiết này. Trên thị trường có nhiều ứng dụng như Teams của Microsoft hay Hangout của Google hỗ trợ rất mạnh cho điều này với chi phí rất rẽ thậm chí miễn phí nếu sử dụng cho trường học. Việc tăng cường hơn nữa các tính năng hỗ trợ sự tương tác, cộng tác của sinh viên như diễn đàn, hộp chat… trên các hệ thống e-learning hiện nay cần được quan tâm nhiều hơn vì điều này sẽ giúp làm tăng việc sử dụng và hiệu quả hệ thống đồng thời cũng góp phần làm tăng thành quả học tập của sinh viên.

Wednesday, September 14, 2016

Sáng tạo, đổi mới trong nền kinh tế tri thức

Sáng tạo, đổi mới trong nền kinh tế tri thức

Toàn cầu hóa và sự thay đổi nhanh chóng của khoa học kỹ thuật đã khiến mọi thứ nhanh chóng trở nên lạc hậu, và không còn phù hợp nữa, nếu không đổi mới, thay thế thì chúng có thể trở thành những rào cản cho sự phát triển và tiến bộ của tổ chức và xã hội. Nhu cầu đổi mới này không chỉ giới hạn ở các tổ chức kinh doanh, mà nó đã nhanh chóng mở rộng cả về phạm vi (quốc gia, khu vực, quốc tế), và cả về lĩnh vực (chính trị, văn hóa, xã hội…). 
Theo Stiglitz, một nhà kinh tế lớn của World Bank, ngày nay, tri thức đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo phúc lợi xã hội. Vì vậy, cần phải xem xét các vấn đề phát triển kinh tế dưới góc nhìn tri thức, ở đó, giáo dục đóng một vai trò dẫn dắt cho sự phát triển. Trong nền kinh tế tri thức đó, sáng tạo và đổi mới là cực kỳ quan trọng.
Hơn nữa, theo Savage (1996) trong tác phẩm “Fifth Generation Management”, xã hội loài người đang bước vào làn sóng thứ 3 của sự phát triển: làn sóng thứ 1 là thời đại Nông nghiệp, sự giàu có đặt trên việc sở hữu đất đai; làn sóng thứ 2 là thời đại Công nghiệp, sự thịnh vượng dựa trên sự sở hữu vốn tư bản; và làn sóng thứ 3 là thời đại Tri thức, sự thịnh vượng đặt trên việc sở hữu tri thức và khả năng sử dụng tri thức để tạo ra và cải tiến các sản phẩm và dịch vụ. Chính vì vậy, ở thời đại này, quốc gia nào tạo được nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn vốn trí tuệ (phát triển giáo dục, thu hút nhiều nhân tài hơn, khuyến khích sáng tạo…) và biến nó thành giá trị nhằm phát triển đất nước thì sẽ có được vị thế cao trong cộng đồng quốc tế.
Sáng tạo và đổi mới là 2 khái niệm thường đi liền với nhau và có ý nghĩa tương đồng với nhau. Tuy nhiên, đổi mới thường chỉ đến những thay đổi về phương pháp hoặc quy trình ở phạm vi tổ chức hoặc quốc gia, còn sáng tạo thường chỉ đến năng lực tạo ra tri thức mới của cá nhân (Boulden, 2004). Thuật ngữ “đổi mới sáng tạo” khi gộp chung thường được hiểu là quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ và quy trình mới nhằm tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tính cạnh tranh trên thị trường. Đổi mới sáng tạo (Innovation) cũng là quá trình biến những ý tưởng mới, kiến thức mới thành các sản phẩm, dịch vụ và quy trình mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động và xã hội. Nói tóm lại, đổi mới & sáng tạo chính là hoạt động tạo ra tri thức mới, làm phát triển nguồn vốn trí tuệ, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, dịch vụ, tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống.
Trong các nghiên cứu hàn lâm, “đổi mới” thường được phân thành 2 loại là: đổi mới tiệm tiến (incremental innovation), và đổi mới đột phá (disruptive innovation). Đổi mới tiệm tiến chỉ đến các sáng kiến, cải cách, sửa đổi nhỏ để hoàn thiện dần sản phẩm, quy trình. Còn đổi mới đột phá chỉ đến các thay đổi mang tính cách mạng, như là: công nghệ, giải pháp, sản phẩm mới hoàn toàn, nó góp phần thay đổi thị trường, tạo ra cách tiếp cận mới, hoặc thay đổi thang giá trị sẳn có.
Ở Nhật, có một thuật ngữ tương tự như đổi mới tiệm tiến, đó là "Kaizen". Tuy nhiên, kaizen đã được phát triển và trở thành một triết lý được áp dụng một cách sinh động trong nhiều công ty, tổ chức của Nhật Bản. Về mặt từ nguyên, “Kai” có nghĩa là “thay đổi”, còn Zen có nghĩa là “trở nên tốt hơn”. Triết lý Kaizen đề ra 5 yếu tố nền tảng và 3 nguyên lý. Năm yếu tố nền tảng của Kaizen bao gồm: (1) Làm việc nhóm (Teamwork), (2) Kỷ luật tự thân (Personal discipline), (3) Phát huy ý chí (Improved morale), (4) Vòng tròn chất lượng (Quality circles), (5) Đề xuất cải tiến (Suggestions for improvement). Ngoài ra, kaizen còn phát triển 3 nguyên lý là: (1) Loại bỏ lãng phí và kém hiệu quả, (2) Áp dụng nguyên tắc 5S (gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, trật tự, kỷ luật) cho quản lý văn phòng và gia đình, và (3) Chuẩn hóa.
Ở Việt Nam, ta thường nghe nhiều đến cụm từ "đổi mới", đặc biệt là liên quan đến chính sách mở cửa nền kinh tế từ những năm 1980. Tuy nhiên, khái niệm “đổi mới” thường có ý nghĩa vĩ mô, ở phạm vi nhà nước, mà ít gắn với các hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi, khái niệm “sáng kiến”, “sáng tạo” lại thường được hiểu ở khía cạnh vi mô, gắn trực tiếp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 
Một thế kỷ trước, cụ Phan Bội Châu đã đến Nhật tiếp thu triết lý kaizen và đề xướng phong trào Duy Tân ở nước ta. Rất tiếc là phong trào Duy Tân kéo dài không lâu, nên cũng chưa tạo được thay đổi nào đáng kể, và chưa tạo được ảnh hưởng sâu rộng trong lối suy nghĩ và lối sống của người Việt Nam. Để tiếp nối ý nguyện đó, đồng thời đưa đất nước phát triển trong thời đại tri thức này, việc khuyến khích đổi mới sáng tạo, ở cả phạm vi nhà nước và doanh nghiệp là cấp bách hơn bao giờ hếtđối với sự tồn tại và phát triển của đất nước. Lúc này, nếu không đổi mới, cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận nhìn thấy đất nước mình sẽ tụt hậu ngày càng xa trong cuộc tranh đua quốc tế, mà tốc độ và mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Thời đại ngày nay đòi hỏi chúng ta phải hành động một cách nhanh chóng, dứt khoát và không thể chần chừ hơn nữa, bởi nếu chần chừ trong việc đổi mới nghĩa là chúng ta đã có tội với các thế hệ cha ông vì đã không thực hiện được mong mỏi của các vị, và cũng có tội cả với các thế hệ con cháu sau này khi để đất nước ngày càng tụt hậu so với các nước khác trên thế giới.
Trách nhiệm to lớn này đặt lên vai tất cả mọi người Việt Nam, đặc biệt là trông chờ ở thế hệ trẻ, những người có đầu óc dám đổi mới, biết học hỏi, tiếp thu tri thức khoa học và công nghệ, tạo ra những giá trị độc sáng dựa trên tri thức và óc sáng tạo, đưa đất nước vững bước phát triển đi lên theo kịp với các nước tiên tiến trên thế giới. Chỉ có con đường đổi mới và sáng tạo không ngừng mới có thể đưa đất nước cất cánh đi lên, mang lại sự thịnh vượng, ấm no cho cả dân tộc, và giúp người Việt Nam có thể hãnh diện “sánh vai” cùng bạn bè năm châu, bốn biển, như ước vọng muôn thuở của cha ông ta.
Nhiều nghiên cứu trước (Nonaka & ctg., 2010; Carr, 2013) đã chỉ ra rằng năng lực sáng tạo của cá nhân không những phụ thuộc vào kiến thức của họ, mà còn phụ thuộc vào khả năng tư duy và nhìn nhận vấn đề một cách khác biệt, từ đó khám phá ra cách thức mới hoặc phương pháp mới để giải quyết vấn đề. Ở mức độ tổ chức, năng lực đổi mới sáng tạo gắn liền với quá trình quản lý nguồn vốn tri thức, và biến nó thành các giá trị của tổ chức dưới dạng sáng chế và sáng kiến. Sáng chế và sáng kiến là 2 khái niệm khá gần gũi và thường được hiểu giống nhau. Tuy nhiên, cụ thể hơn, sáng chế là chỉ đến 1 giải pháp cho 1 vấn đề kỹ thuật (có thể là 1 ý tưởng đổi mới, hoặc 1 mô hình hoặc sản phẩm mẫu vận hành được); còn sáng kiến là chỉ đến việc chuyển sáng chế thành các sản phẩm hoặc quy trình có thể bán được trên thị trường (Cục SHTT, 2008). Ngày nay, để nâng cao năng lực sáng tạo, các tổ chức đều phải đầu tư đáng kể vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời, phải tạo ra một môi trường văn hóa cởi mở, thân thiện và có chính sách hỗ trợ hoạt động sáng tạo của các cá nhân trong tổ chức.
Trong nền kinh tế ngày nay, việc quản lý sáng kiến trong công ty đòi hỏi nhà quản lý phải có một kiến thức vững vàng về hệ thống sáng chế để đảm bảo công ty có thể thu được lợi ích tối đa từ khả năng đổi mới và sáng tạo của mình. Ngoài ra, tổ chức cần xây dựng quan hệ đối tác có lợi (bao gồm: quy chế bảo mật, quy chế quản trị tài sản trí tuệ, hợp đồng chuyển giao công nghệ, mua/ bán li xăng…) với các chủ thể sáng chế và cần tránh việc sử dụng trái phép công nghệ do người khác sở hữu. Khác với trước đây, nhiều sáng kiến ngày nay rất phức tạp và phải dựa trên nhiều sáng chế thuộc sở hữu của nhiều chủ sở hữu sáng chế khác nhau.
Đứng từ góc độ luật về sở hữu trí tuệ, đầu ra của quá trình sáng tạo và đổi mới chính là những sản phẩm trí tuệ, chúng được tạo ra theo một chuỗi giá trị bên trong 1 tổ chức, bao gồm: hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), sản xuất, bán hàng & tiếp thị… hoặc liên tổ chức, như: nghiên cứu & phát triển, chuyển giao tri thức (đại học, viện nghiên cứu), thử nghiệm, sản xuất & tiêu thụ (doanh nghiệp). Tuy nhiên, để được bảo hộ bởi luật sở hữu trí tuệ và mang lại giá trị cho tổ chức, các ý tưởng, sáng kiến phải biến thành các tài sản trí tuệ, được đăng ký bảo hộ với cơ quản quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, dưới các hình thức như: quyền tác giả, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, bí mật kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu …
Đối với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, một ý tưởng sản phẩm, quy trình hay công nghệ mới muốn được bảo hộ, cần phải thỏa mãn các tiêu chí, trong đó 2 tiêu chí quan trọng nhất là tính sáng tạotính mới. Tính sáng tạo được hiểu là đối tượng phải chưa được công bố và có khác biệt đáng kể với những đối tượng đã được bộc lộ công khai trước đó. Tính mới được hiểu là đối tượng cần bảo hộ phải không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực đó (điều này đòi hỏi sự nổ lực, kiến thức, và khả năng tư duy của tác giả).

Trong xu thế chú trọng vào sáng tạo và đổi mới đó, một khái niệm cũng có liên quan và được thảo luận nhiều trong thời gian gần đây là sáng nghiệp (entrepreuneuship). Có thể xem sáng nghiệp/ khởi nghiệp là mức cao nhất của quá trình đổi mới và sáng tạo, bởi nó không chỉ hướng tới việc cải tiến quy trình, công nghệ, hay tạo ra một sản phẩm/ dịch vụ mới, mà nó còn hướng tới việc đem những ý tưởng mới vào kinh doanh, hoặc lập ra một doanh nghiệp mới dựa trên những sáng kiến, hoặc những kết quả thu được từ quá trình sáng tạo, đổi mới. Ngày nay, các trường đại học, viện nghiên cứu và chính phủ đều bắt đầu đề cập đến tầm quan trọng của khởi nghiệp, và thúc đẩy đào tạo về khởi nghiệp nhằm tạo ra sự năng động của nền kinh tế, và đảm bảo sự cạnh tranh hiệu quả trong thế kỷ 21.
(Nguồn: Giáo Trình Quản lý Tri Thức, NXB. Xây dựng, 2016)
---
PS. Bạn nào quan tâm đến lĩnh vực này có thể tìm đọc Giáo trình trên ở quầy sách ĐHBK nhé!

Wednesday, October 27, 2010

Cách tiếp cận QLTT để cải tiến năng suất lao động của DNVN

KM Approach for Improving the Labor Productivity
of Vietnamese Enterprise
(Quoc Trung Pham and Yoshinori Hara)

In knowledge society, knowledge management (KM) is more and more considered the best strategy for improving the labor productivity of an enterprise. However, the effectiveness of KM on labor productivity is not known exactly, especially since it depends on the development level of a country.
To find a solution based on KM approach for improving the labor productivity of Vietnamese enterprise, a new model is proposed, which includes knowledge capability, technology capability, KM, employee satisfaction and labor productivity. By analyzing data from Vietnamese enterprises, the model is tested and suggestions for improving the labor productivity of Vietnamese enterprises are made.
Some results of data analysis are: KM doesn’t have a direct effectiveness on labor productivity, but employee satisfaction positively affects the labor productivity of Vietnamese enterprises; Technology capability is the most important capability influencing KM, employee satisfaction and labor productivity; KM has a strong effect on employee satisfaction.
Further, some suggestions for improving the labor productivity of Vietnamese enterprises are: organizing frequent meetings for shortening cultural gap between managers and employees, replacing old machines combined with improving employees’ self learning skill, improving innovation capability by creating an open culture for encouraging employees to voice their opinions.


Friday, October 8, 2010

Nhu cầu quản lý tri thức trong DNVVN


Nhu cầu quản lý tri thức trong DNVVN

Phạm Quốc Trung, NCS. ngành Kinh Tế, ĐH. Kyoto, Nhật Bản


Khi đề cập đến doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), mọi người thường nghĩ đến những khó khăn mà họ gặp phải, như: thiếu vốn, thiếu nhân lực, công nghệ lạc hậu, quản lý yếu kém, bị đối xử bất bình đẳng… Tuy nhiên, trong thời đại tri thức và toàn cầu hóa ngày nay, DNVVN cũng có những thế mạnh riêng và cũng cần phải áp dụng mô hình quản lý hiện đại như quản lý tri thức (QLTT) để có thể tồn tại và cạnh tranh hiệu quả với các doanh nghiệp lớn hơn. Bài viết này nhằm chỉ ra nhu cầu áp dụng QLTT trong các DNVVN là rất cần thiết ở Việt Nam và cả ở phạm vi thế giới.

1. Tầm quan trọng của tri thức trong thời đại ngày nay

Trong thế kỷ 21, tri thức ngày càng trở nên quan trọng cho việc phát triển bền vững của một doanh nghiệp cũng như của một quốc gia. Trong các tổ chức hiện đại, tri thức được xem là một trong những yếu tố thành công chủ yếu và quản lý tri thức trở thành một chiến lược cạnh tranh hiệu quả nhất.

Ngày nay, cả thế giới đang bước vào kỷ nguyên thông tin và tri thức, ở đó, tổ chức hay quốc gia nào quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tri thức của mình sẽ có được những lợi thế cạnh tranh nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của tổ chức hay quốc gia của mình.

Ngoài ra, theo Stiglitz, một nhà kinh tế lớn của World Bank, tri thức đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo phúc lợi xã hội. Ông ta còn đề nghị cần phải xem xét các vấn đề phát triển dưới góc nhìn tri thức, ở đó, giáo dục đóng một vai trò dẫn dắt cho sự phát triển. Trong nền kinh tế tri thức đó, sáng tạo là cực kỳ quan trọng, vì vậy các doanh nghiệp nhỏ có thể cung cấp những nền tảng cho sự đổi mới của xã hội tốt hơn nhiều so với các doanh nghiệp to lớn cồng kềnh.

2. Vai trò ngày càng quan trọng của DNVVN

Ngày nay, DNVVN (doanh nghiệp có dưới 300 nhân viên) chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số các doanh nghiệp trên thế giới (#95% tổng số doanh nghiệp). Ở Việt Nam, số lượng DNVVN là 98% và đóng góp hơn 50% vào tổng GDP. Vì vậy, DNVVN ngày càng quan trọng và trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và cả thế giới. Trong đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, mọi người đều nhận thấy vai trò quan trọng của DNVVN trong việc tạo ra việc làm, duy trì tính năng động của thị trường lao động, hay thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương và các quốc gia.

Hơn nữa, với sự phát triển nhanh chóng của CNTT-VT (công nghệ thông tin – viễn thông), thương mại điện tử và trào lưu toàn cầu hóa, DNVVN càng đóng một vai trò quan trọng trong việc gắn kết chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ còn hỗ trợ các DNVVN trở thành yếu tố chính cho sự đổi mới kinh tế. Khác với các doanh nghiệp lớn, DNVVN dễ dàng thay đổi và thích nghi nhanh chóng hơn với những nhu cầu của thị trường và áp lực của nền kinh tế. Trên thực tế, có một số DNVVN đã có thể cạnh tranh một cách hiệu quả với các doanh nghiệp lớn trong thế giới số ngày nay dựa trên chính tri thức và năng lực đổi mới của mình.

3. Quản lý tri thức trong DNVVN – một nhu cầu bắt buộc

Trong xã hội tri thức, trước sau gì, các DNVVN cũng phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác dựa trên tri thức của mình và khả năng biến các tri thức đó thành giá trị thông qua sản phẩm hay dịch vụ. Trong kỷ nguyên tri thức và nền kinh tế toàn cầu hóa, DNVVN sẽ phải tự thích nghi với điều kiện mới để có thể tồn tại và phát triển. Bởi vì làn sóng của kỷ nguyên tri thức đang đến và sẽ ảnh hưởng đồng đều đến mọi tổ chức và mọi quốc gia, DNVVN cũng không tránh khỏi ảnh hưởng đó. Chính vì vậy, QLTT sẽ trở nên quan trọng đối với DNVVN cũng như đối với doanh nghiệp lớn. Điều này đòi hỏi DNVVN phải chủ động áp dụng QLTT để có thể đối phó hiệu quả với những thay đổi đó.

Mặt khác, toàn cầu hóa cũng khiến cho thế giới trở nên phẳng hơn và xu thế cạnh tranh dựa trên tri thức sẽ nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới. Ở Nhật Bản, một nước công nghiệp phát triển, DNVVN cũng được xem là nguồn lực của đổi mới và đảm bảo sự phát triển bền vững. Chính phủ Nhật cũng ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho việc đổi mới công nghệ, sản phẩm và dịch vụ ở các DNVVN, từ đó giúp các doanh nghiệp này có thể cạnh tranh một cách hiệu quả trong nền kinh tế tri thức. Vì vậy, để có thể tồn tại và phát triển, các DNVVN ở một nước đang phát triển như Việt Nam buộc phải áp dụng QLTT mới có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp của các nước phát triển dựa trên sức mạnh tri thức và khả năng đổi mới của mình.

Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp lớn, hầu hết các DNVVN đều không có đủ nguồn lực cho việc đầu tư vào nghiên cứu-phát triển, áp dụng công nghệ mới, hay triển khai hệ QLTT. Do đó, đòi hỏi một nổ lực rất lớn từ phía các DNVVN cũng như sự hỗ trợ từ chính phủ để biến các DNVVN thành những doanh nghiệp hướng tri thức. Điều quan trọng trước mắt là các DNVVN cần phải biết rõ hiện trạng của mình, cải thiện mức độ trưởng thành về CNTT-VT, và áp dụng một cách tiếp cận QLTT phù hợp. Có như vậy, DNVVN mới có thể cải thiện năng lực cạnh tranh và khả năng đổi mới của mình. Từ đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực tri thức và con người của mình, đảm bảo khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững trong một xã hội tri thức.

4. Thực trạng quản lý tri thức trong DNVVN của Việt Nam

Cùng với sự đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước, DNVVN ở Việt Nam cũng có sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt là từ sau khi có luật Doanh Nghiệp vào năm 2000. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu gần đây, mặc dù có sự phát triển ấn tượng, nhưng DNVVN vẫn còn rất yếu về nhiều mặt, như: thiếu sự gắn kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, năng lực cạnh tranh yếu, ít đổi mới, nhân sự không ổn định, và chưa sẳn sàng cho việc hội nhập.

Theo Vũ Hồng Dân, Trung Tâm Năng Suất Chất Lượng Việt Nam, DNVVN của Việt Nam dần nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ chính phủ nhưng chưa nhiều, như là: có văn phòng hỗ trợ DNVVN, một số chính sách hỗ trợ phát triển DNVVN… Với sự hỗ trợ đó, việc ứng dụng QLTT trong DNVVN sẽ dần được thúc đẩy và triển khai nhiều hơn. Tuy nhiên hiệu quả đạt được còn thấp, đến nay, việc áp dụng QLTT trong DNVVN ở nước ta còn rất ít và số trường hợp triển khai thành công hệ QLTT trong thực tế chưa thấy được ghi nhận.

Dựa trên một nghiên cứu trước đây của chúng tôi (2009), mức độ ứng dụng QLTT trong các DN Việt Nam nói chung là ở mức trung bình (3.5/ 5). Mức độ này cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã sẳn sàng cho các giải pháp QLTT. Ngoài ra, với đà phát triển nhanh chóng của ứng dụng CNTT-VT trong các doanh nghiệp, như: SCM, CRM, ERP, mạng xã hội…, thì việc triển khai hệ QLTT vào thời điểm hiện nay là thích hợp. Càng sớm triển khai các giải pháp QLTT thì các DNVVN sẽ càng sớm tạo được lợi thế cạnh tranh và đảm bảo được sự phát triển bền vững của mình. Tuy nhiên, việc triển khai thành công một hệ QLTT là một bài toán khó cho các DNVVN về nhiều mặt, như: sự nhận thức, nguồn lực, công nghệ, quá trình triển khai... Phải có một quyết tâm và chiến lược đúng đắn từ phía doanh nghiệp, cũng như sự khuyến khích, hỗ trợ từ phía chính phủ thì mới có thể vượt qua những khó khăn và áp dụng thành công QLTT.

Tóm lại, tri thức là một tài sản vô giá mà mỗi doanh nghiệp, mỗi đất nước phải biết cách quản lý để có thể cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong một xã hội tri thức. Với xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển của CNTT-VT, việc áp dụng QLTT trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNVVN, trở thành một nhu cầu bắt buộc. Chính các DNVVN phải nhận lấy trách nhiệm tiên phong trong việc ứng dụng QLTT để có thể chuyển mình theo chiều hướng tri thức, tăng cường được năng lực cạnh tranh dựa trên tri thức, phát huy nguồn lực con người, và tận dụng được sức mạnh của CNTT-VT. Áp dụng thành công QLTT trong DNVVN chính là chìa khóa để mở cánh cửa của nền kinh tế tri thức.