Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label baibao. Show all posts
Showing posts with label baibao. Show all posts

Thursday, August 9, 2012

Vài góp ý cải tiến hệ thống xe buýt Tp.HCM


Vài góp ý cải tiến hệ thống xe buýt Tp.HCM 

Gần đây có dịp đi xe buýt nhiều, do phải về quê thăm vợ con, nên cũng có điều kiện hiểu thêm về hệ thống xe buýt đô thị ở TP.HCM. Có thể đánh giá chung là so với trước đây, hệ thống xe buýt ở TP.HCM đã có nhiều cải tiến, như: số tuyến nhiều hơn, cung cách phục vụ chuyên nghiệp hơn, thông tin và bản đồ các tuyến nhiều hơn... Tuy nhiên, đó là so với trước đây thôi, chứ so với yêu cầu về chất lượng của một hệ thống xe buýt hiện đại thì cũng còn nhiều vấn đề cần cải tiến, như: hệ thống thông tin, hình thức vé, cơ sở vật chất và cách thức lên xuống xe... Qua kinh nghiệm đi tuyến xe buýt trước nay, cùng với những quan sát gần đây khi đi tuyến Sài Gòn-Củ Chi và Củ Chi-Hậu Nghĩa, tôi có thể rút ra một số vấn đề cần cải tiến. Ngoài ra, bằng việc đối chiếu, so sánh với hệ thống xe buýt ở Kyoto, Nhật Bản, mà tôi cũng có điều kiện đi nhiều trong thời gian du học, hy vọng sẽ có thể rút ra một số góp ý giúp cải tiến sự vận hành của hệ thống xe buýt ở TP. HCM nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Vấn đề đầu tiên đối với hệ thống xe buýt Tp. HCM hiện tại là hệ thống thông tin còn thiếu và chưa rõ ràng. Lấy ví dụ, khi muốn tra cứu tuyến xe buýt, khách đi xe lần đầu sẽ rất vất vả vì không biết phải tìm kiếm thông tin ở đâu để trả lời rất nhiều thắc mắc, như: đi xe số mấy, đón xe chỗ nào, lúc mấy giờ, có cần phải đổi chuyến hay không... Những thông tin như thế chưa được in và phát một cách rộng rãi tại các bến xe ở TP.HCM. Hiện tại, để tra cứu tuyến xe, hành khách thường phải hỏi thăm người quen biết, hoặc tự mình tra cứu trên các bảng mô tả tuyến đường ở các trạm xe buýt. Tuy nhiên, thông tin chỉ dẫn thường khó đọc và không đầy đủ. Gần đây hơn, hành khách có thể tra cứu các thông tin trên ở website của công ty xe buýt, tuy nhiên thông tin cũng ở dạng liệt kê các tuyến đường đi qua, mà chưa được tích hợp với hệ thống bản đồ trực tuyến và kết nối với các phương tiện giao thông công cộng khác. So với Việt Nam, hệ thống thông tin xe buýt của Nhật tốt hơn hẳn. Ở Nhật, các thông tin về tuyến xe buýt thường được in rõ ràng, đầy đủ và được phát miễn phí ở các bến xe, trung tâm thông tin. Ngoài số lượng phong phú, chất lượng thông tin của các Bản đồ tuyến xe buýt cũng hơn hẳn ta. Thay vì chỉ liệt kê tên đường đi qua của mỗi tuyến, một bản đồ tuyến đường xe buýt được sử dụng biểu diễn lộ trình của các tuyến xe buýt đi qua trạm đó, với mỗi tuyến là một màu khác nhau. Bản đồ này được in to, rõ tại mỗi trạm dừng và trên các tờ rơi được phát miễn phí ở các trạm thông tin khắp thành phố. Hơn nữa, khi bạn đến bất kỳ trạm xe buýt nào, bạn sẽ biết được giờ chạy của tuyến xe mình quan tâm, và biết được còn phải đợi bao nhiêu phút nữa. Ngoài ra, việc tra cứu tuyến đường ở Nhật được thực hiện rất dễ dàng từ website hệ thống thông tin giao thông tích hợp của thành phố. Từ hệ thống này, chỉ cần đưa vào điểm xuất phát, giờ khởi hành và điểm đến, hệ thống sẽ tìm ra các phưong tiện giao thông có thể đi, tuyến xe cần đi, thời gian đi và giá vé tương ứng. Điều này giúp cho hành khách tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức tra cứu, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đi lại bằng các phương tiện vận chuyển công cộng của thành phố.

Vấn đề thứ hai là hình thức phát hành vé xe. Ở TP. HCM hiện chỉ có 2 loại vé là vé xe tháng và vé đi từng lượt, đều dưới dạng giấy in. Vé lượt được bán cho hành khách trên từng lượt đi bởi nhân viên soát vé, còn vé tháng có thể mua tại các quầy vé hoặc mua trên xe. Còn ở Nhật, hành khách có thể mua vé trên xe, tại quầy bán vé ở các nhà ga, hoặc các máy bán vé tự động, và hình thức vé thì rất phong phú. Chẳng hạn, hành khách có thể trả tiền trực tiếp khi đi xe, mua vé ngày, vé tuần, vé tháng hoặc vé dạng thẻ trả trước và có thể nạp tiền về sau. Với vé ngày, hành khách có thể lên xuống xe buýt bao nhiêu lượt trong ngày cũng được. Ngoài ra, còn có các dạng vé khuyến khích du lịch, cho phép hành khách đi lại bằng nhiều phương tiện trong 1 khoảng thời gian hoặc trong 1 khu du lịch. Điều này có lợi cho cả du khách và các hãng vận tải, khách có thể tiết kiệm chi phí đi lại nhờ các vé loại này, còn các tuyến xe thì tăng thêm lượng khách.

Vấn đề thứ ba là cơ sở vật chất, trang thiết bị trên xe, đây cũng là lĩnh vực có nhiều vấn đề cần cải tiến nhất. Đầu tiên, đó là vấn đề giữ gìn vệ sinh trên xe. Có thể nói cảm giác chung là xe buýt không được sạch, máy lạnh không đủ mát, thiếu các ghế ngồi dành riêng cho người già, tàn tật và phụ nữ mang thai. Nếu không được làm vệ sinh thường xuyên, khó có thể đảm bảo chất lượng phục vụ và duy trì hình ảnh chất lượng cao. Việc vệ sinh xe còn phải gắn liền với việc kiểm tra định kỳ nệm chỗ ngồi, tấm trãi sàn, màn che nắng, cung cấp các thông tin hướng dẫn trên xe... Khi xe quá đông, cần bố trí chỗ đứng thoải mái, có tay cầm phù hợp với chiều cao người Việt Nam. Khi trời mưa, cần có miếng dậm chân ở lối lên để hạn chế sàn xe bị dính dơ. Ngoài ra, cũng cần bổ sung các hướng dẫn bằng tiếng Anh hoặc hình vẽ để khách nước ngoài có thể hiểu được. Việc phát triển các tuyến xe buýt mới nối liền các khu vực có nhu cầu đi lại nhiều hoặc tăng mật độ một số tuyến đông khách cũng cần được cân nhắc để thoả mãn hơn nữa nhu cầu đi lại của khách.

Vấn đề sau cùng là cách thức lên xuống xe. Hiện nay, trên mỗi xe buýt ở Việt Nam thường có 2 người là Bác tài và nhân viên phụ trách thu tiền, nhân viên này còn làm nhiệm vụ hỏi xem khách xuống chỗ nào để nhắc Bác tài dừng xe cho khách xuống. Tuy nhiên, số lượng khách thì nhiều, nên không thể nào nhớ hết được. Vì vậy, cách làm thông thường là khi đến trạm nào hay có khách xuống, nhân viên này sẽ hỏi lớn lên xem trên xe có ai xuống trạm XYZ này hay không, nếu có thì nhắc Bác tài dừng xe. Cách làm này thường dẫn đến sự ồn ào trên xe và đôi khi khách bị đi lố trạm vì trạm khách cần xuống bị quên hỏi. Ở Nhật, trên xe buýt chỉ có một mình Bác tài, nhưng việc lên xuống xe vẫn rất hiệu quả và yên ả. Cách làm như sau, trên xe có một bảng thông tin điện tử để thông báo tên trạm sắp tới và các đoạn băng ghi âm sẳn để hướng dẫn các địa điểm khách có thể xuống và chuyển sang các tuyến khác. Trên mỗi ghế ngồi đều có một nút nhấn, nếu khách muốn xuống trạm tới chỉ việc nhấn nút này, khi đó đèn báo hiệu sẽ bật đỏ và Bác tài biết sẽ dừng ở trạm kế. Ngoài ra, với máy thu tiền và đổi tiền được gắn trên xe, khiến cho khách hàng dễ dàng trả tiền trước khi xuống xe, và bác tài có thể kiểm soát được việc trả tiền. Vì vậy, mọi việc diễn tra một cách trật tự và không có một tiếng ồn, chỉ trừ tiếng Cám ơn của Bác tài và hành khách.

Nói tóm lại, trên đây là một vài ghi nhận nhanh về cách vận hành thực tế của một vài tuyến xe buýt ở TP. HCM và một vài gợi ý cải tiến dựa vào kinh nghiệm khi đi xe buýt ở Kyoto, Nhật Bản. Các gợi ý tập trung ở 4 khía cạnh chính: cải thiện hệ thống thông tin xe buýt, mở rộng loại hình vé, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ, và cải tiến hình thức thông tin về nhu cầu xuống xe của khách. Có thể những góp ý này chưa thật đầy đủ, nhưng hy vọng chúng có thể giúp ích được phần nào cho những người làm công tác quản lý vận hành hệ thống xe buýt ở Việt Nam. Từ đó, làm cơ sở để nghiên cứu kỹ hơn và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng của thành phố theo chuẩn khu vực và quốc tế, để có thể đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và tăng hiệu năng vận tải cho các hãng xe buýt.

TS. Phạm Quốc Trung,
Khoa Quản lý Công nghiệp, ĐHBK TP.HCM

Saturday, May 8, 2010

MỨC ĐỘ TRƯỞNG THÀNH VỀ CNTT-VT CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ

MỨC ĐỘ TRƯỞNG THÀNH VỀ CNTT-VT
CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ

Phạm Quốc Trung
Khoa Quản lý Công nghiệp, Đai học Bách khoa Tp.HCM, Việt Nam
pqtrung@sim.hcmut.edu.vn

(Tóm lược bài báo khoa học đã đăng ở Hội nghi KHCN ĐHBK Tp.HCM lần 11 - 2009)

TÓM TẮT

Bài báo này giới thiệu 1 mô hình để đo mức độ trưởng thành về công nghệ thông tin-viễn thông (CNTT-VT) của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Bốn yếu tố chính của mô hình là: Hạ tầng, Ứng dụng, Nhân lực và Chính sách CNTT-VT. Dựa trên phân tích xu hướng, bài báo đề xuất lộ trình 5 giai đoạn về mức độ phát triển CNTT-VT trong DNVVN là: Chưa ứng dụng, Mức căn bản, Phổ biến, Ứng dụng web và Hướng tri thức. Trong đó Hướng tri thức là mức độ phát triển cao nhất. Ngoài ra, một bảng câu hỏi cũng được thiết lập để đo lường mức độ trưởng thành về CNTT-VT của DNVVN, và đã được áp dụng thực tế cho việc đánh giá các DNVVN ở Việt Nam. Công cụ này rất hữu ích cho các DNVVN để đánh giá hiện trạng của mình. Đây có thể là bước đầu tiên nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản l‎í theo hướng tri thức trong thời đại tri thức.

1. GIỚI THIỆU

Trong các tổ chức hiện đại, tri thức là một trong những yếu tố thành công quan trọng. Đặc biệt trong kỷ nguyên công nghệ thông tin và tri thức, nếu tổ chức nào quản lý tốt tài nguyên tri thức của mình, tổ chức đó sẽ có được lơi thế cạnh tranh và đảm bảo được sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong quản lý tri thức là chia sẻ tri thức trong tổ chức, một vấn đề phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của hạ tầng CNTT-VT của tổ chức đó.
Hơn nữa, với sự phát triển nhanh chóng của CNTT-VT, thương mại điện tử và xu thế toàn cầu hóa, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ngày càng trở nên quan trọng. Ngày nay, DNVVN là bộ phận rất lớn và đóng góp hơn 50% vào tổng GDP của toàn thế giới. So với các doanh nghiệp lớn, DNVVN nhanh hơn, dễ thay đổi và thích nghi hơn với nhu cầu thị trường và áp lực của nền kinh tế. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng giúp các DNVVN trở thành động lực chính cho sự đổi mới của nền kinh tế.
Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp lớn, DNVVN không có đủ nguồn lực cho việc đầu tư và phát triển hạ tầng CNTT-VT của mình. Những nhà quản lý các DNVVN thường không biết loại ứng dụng CNTT-VT nào phù hợp với họ, phải nên bắt đầu từ đâu hay có nên triển khai các hệ thống thông tin hiện đại như ERP (hệ thống quản lý nguồn lực doanh nghiệp), KMS (hệ quản lý tri thức)… hay không? Để trả lời những câu hỏi này, họ cần phải biết hiện trạng ứng dụng CNTT-VT của mình như thế nào. Chỉ khi biết được tình trạng hiện tại, họ mới có thể quyết định loại ứng dụng CNTT-VT nào là phù hợp, tại sao và khi nào thì nên triển khai để đạt được hiệu quả kinh doanh tốt hơn.
Trong xu thế của toàn cầu hóa, một công cụ cần thiết để đo lường độ trưởng thành CNTT-VT là cực kỳ quan trọng. Biết được tình trạng hiện tại, tích hợp các ứng dụng CNTT-VT phù hợp với các tiến trình kinh doanh vào đúng thời điểm, các DNVVN có thể cải thiện năng lực cạnh tranh và phát triển khả năng đổi mới của mình, sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, những yếu tố rất quan trọng để tồn tại và phát triển trong một xã hội tri thức. Mục tiêu của bài báo này nhằm xây dựng 1 công cụ để đo lường mức độ trưởng thành về CNTT-VT của DNVVN và áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

2. ĐỊNH NGHĨA VÀ MÔ HÌNH ĐO LƯỜNG ĐỘ TRƯỞNG THÀNH CNTT-VT

DNVVN (doanh nghiệp vừa và nhỏ) : có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm này, tùy từng khu vực và quốc gia, trong bài báo này, chúng tôi sử dụng định nghĩa của Liên hiệp Châu Âu, cũng được sử dụng khá phổ biến trên thế giới, đó là “DNVVN là các doanh nghiệp có ít hơn 250 nhân viên”. Định nghĩa này có khác biệt chút đỉnh với định nghĩa đang sử dụng tại Việt Nam, nhưng với định nghĩa này, số lượng DNVVN vẫn là bộ phận lớn nhất trong tổng số các doanh nghiệp hiện tại của Việt Nam.
Độ trưởng thành về CNTT-VT: ‘Độ trưởng thành’ là trạng thái phát triển hoàn thiện, còn, ‘CNTT-VT’ là viết tắt của Công nghệ thông tin - Viễn thông, vì vậy, ‘Độ trưởng thành về CNTT-VT’ là trạng thái của một doanh nghiệp khi nó đạt đến mức độ hoàn thiện trong việc ứng dụng CNTT-VT trong hoạt động kinh doanh của mình.
Theo mô hình về Độ trưởng thành về Quản lý tri thức (Kochikar, 2000), có 5 cấp độ trưởng thành của 1 tổ chức là: Mặc nhiên, Phản ứng, Nhận thức, Chắc chắn và Chia sẻ. Những cấp độ này tập trung vào sự hoàn thiện của các kỹ năng nhân sự và tiến trình kinh doanh. Khái niệm Độ trưởng thành về CNTT-VT dựa trên mô hình này, và bổ sung thêm 2 yếu tố, đó là sự hoàn thiện về công nghệ và chính sách.
Nói chung, để đo lường Độ trưởng thành về CNTT-VT, mô hình sau đây được sử dụng, trong đó 4 yếu tố chính là: Chính sách CNTT-VT, Hạ tầng CNTT-VT, Ứng dụng CNTT-VT và Nhân sự CNTT-VT.


H.1. Mô hình đo lường mức độ trưởng thành về CNTT-VT của doanh nghiệp

Dựa trên một phân loại trong nghiên cứu trước đây về sự phát triển CNTT-VT của DNVVN (Chesser & Skok, 2000), với những điều chỉnh cho phù hợp với các xu hướng phát triển gần đây, cũng như đánh giá các điều kiện cho sự trưởng thành về Quản lý tri thức, một mức độ phát triển cao về CNTT-VT của doanh nghiệp trong xã hội tri thức, một lộ trình gồm năm giai đoạn được đề xuất như sau:
• Chưa ứng dụng – hiện tại chưa sử dụng CNTT-VT trong doanh nghiệp
• Mức căn bản – bao gồm các ứng dụng văn phòng và một số phần mềm căn bản
• Phổ biến – mở rộng việc kết nối mạng và triển khai những ứng dụng trong kinh doanh
• Ứng dụng web – áp dụng thương mại điện tử với nhiều ứng dụng dựa trên nền web
• Hướng tri thức – tích hợp các ứng dụng, sử dụng phối hợp nhiều công cụ CNTT-VT phục vụ đổi mới và quản lý tri thức.
Ở mức độ trưởng thành cao nhất về CNTT-VT, mức Hướng tri thức, các đặc tính cơ bản của doanh nghiệp sẽ thay đổi như sau : hạ tầng CNTT-VT sẽ hướng đến việc gia tăng kết nối và di động thông qua việc sử dụng các thiết bị không dây và điện thoại di động; ứng dụng CNTT-VT sẽ hướng đến việc tích hợp các hệ thống thông tin và các mô hình kinh doanh để tạo thành doanh nghiệp điện tử; kỹ năng nhân sự sẽ đạt đến trình độ cao, làm chủ những kỹ năng phức tạp và chú trọng nhiều đến sáng tạo, đổi mới; chính sách CNTT-VT sẽ thay đổi để trở nên năng động hơn và sử dụng nguồn lực ngoài nhiều hơn.

3. KẾT QUẢ PHÂN TÍCH DỮ LIỆU

Một bảng câu hỏi được xây dựng dựa trên các đặc trưng của 5 mức độ về hoàn thiện CNTT-VT trong các doanh nghiệp. Từ bảng câu hỏi này, một cuộc thăm dò đã được thực hiện trên thực tế để thử nghiệm công cụ và đo lường mức độ trưởng thành về CNTT-VT của các DNVVN ở Tp.HCM trong thời gian 3 tháng (12/2008 - 2/2009). Cỡ mẫu được chọn là 150 doanh nghiệp, chọn ngẫu nhiên từ cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Kết quả phản hồi là 57,3% (86 doanh nghiệp).
Các kết quả có thể tóm tắt như sau: chỉ số trưởng thành về CNTT-VT của doanh nghiệp Việt Nam hiện ở mức độ trung bình (Phổ biến) và cần phải được cải thiện hơn nữa. 8% ở mức Chưa ứng dụng, 30% ở mức Căn bản, 32% ở mức Phổ biến, 28% ở mức Ứng dụng web, và 2% ở mức Hướng tri thức. Đối với các DNVVN, chỉ số trưởng thành CNTT-VT cao nhất thuộc nhóm doanh nghiệp có từ 200-300 nhân viên. Theo loại hình doanh nghiệp, các công ty liên doanh có mức độ trưởng thành cao nhất (0.7), và các công ty tư nhân có mức độ trưởng thành thấp nhất (0.4). Không có sự khác biệt đáng kể giữa các ngành nghề kinh doanh về mức độ trưởng thành CNTT-VT. Khi so sánh với các yếu tố khác của chỉ số này, yếu tố nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Việt Nam hiện ở mức độ thấp nhất, và nên được tập trung cải thiện trong thời gian tới để nâng cao mức độ trưởng thành về CNTT-VT của từng doanh nghiệp.
Khi so sánh mối tương quan giữa chỉ số trưởng thành về CNTT-VT và sự hài lòng của nhân viên, một yếu tố ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, kết quả cho thấy có mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa 2 yếu tố này, nghĩa là mức độ trưởng thành về CNTT-VT càng cao thì sự hài lòng của nhân viên càng cao.

4. KẾT LUẬN

Nói chung, một doanh nghiệp khó có thể triển khai hệ thống quản lý tri thức mà không có 1 hạ tầng CNTT-VT phù hợp và những ứng dụng CNTT-VT trước đó. Hơn nữa, để nâng cao năng lực cạnh tranh của DNVVN, điều quan trọng là phải áp dụng những ứng dụng CNTT-VT phù hợp vào đúng thời điểm hơn là sử dụng các hệ thống thông tin hiện đại nhất. Bài báo này đóng góp vào khía cạnh thực tế của việc xây dựng một hệ thống quản lý tri thức bằng bước đi đầu tiên, đó là đo lường mức độ trưởng thành về CNTT-VT của doanh nghiệp. Dựa trên kết quả đo lường này, các DNVVN có thể lập ra 1 kế hoạch để cải thiện mức độ trưởng thành về CNTT-VT của mình để đạt dần đến mức cao nhất là Hướng tri thức, nhằm có thể sử dụng nguồn lực tri thức của mình ngày càng hiệu quả hơn, phục vụ cho các mục tiêu phát triển trong tương lai.
Ngoài ra, một bảng câu hỏi cũng đã được xây dựng, dựa trên danh sách các yếu tố cần thiết cho sự trưởng thành về CNTT-VT, như là một công cụ để áp dụng trong thực tế. Sử dụng công cụ này, một cuộc thăm dò thực tế đã được tiến hành đối với một số DNVVN của Việt Nam. Kết quả thu được giúp hiểu được phần nào về mức độ trưởng thành về CNTT-VT của các doanh nghiệp hiện nay.
Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế của công cụ này và cần được cải tiến hơn nữa trong tương lai. Các gợi ý cho những cải tiến hơn nữa là: tìm ra một công thức tính toán chỉ số tổng hợp về độ trưởng thành CNTT-VT theo trọng số, nghiên cứu các kế hoạch hành động phù hợp để cải tiến độ trưởng thành về CNTT-VT của DNVVN, đo lường và theo dõi mức độ trưởng thành về CNTT-VT của các DNVVN theo thời gian cho từng ngành, từng quốc gia để hỗ trợ việc ra chính sách của chính phủ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chesser, M. & Skok, W., Road-map for Successful IT Transfer for Small Businesses, ACM, (2000).
2. EIU - The Economist & IBM Institute for Business Value, E-Readiness Report, EIU, (2007).
3. European Commission, The New SME Definition, Enterprise & Industry Publication, (2004).
4. International Telecommunication Union, Global ICT Opportunity Index Report, ITU, (2007).
5. Kim, S. & Lee, H., The impact of Organizational Context & Information Technology on employee Knowledge-Sharing Capabilities, Public Administration Review, (2006).
6. Kochikar, V.P. , The Knowledge Management Maturity Model: A Staged Framework for Leveraging Knowledge, KMWorld 2000, (2000).
7. United Nations , Measuring ICT: the Global Status of ICT Indicators, UN-ICT, (2005).
8. Vietnam National ICT Office, Vietnam ICT Index 2006, VAIP, (2006).
9. World Bank Institution, Knowledge Innovation & Knowledge Economy Index, WB, (2007).
10. World Economy Forum, Network Readiness Index Report, WEF, (2007).