Dạo này bận rộn nhiều việc, đôi lúc không có thời giờ để lang thang đọc tin tức và cập nhật blog. Càng bận rộn, càng thấy ý nghĩa của sự thảnh thơi, và càng trân quý những giây phút mình có thể sống cho riêng mình, lang thang trên facebook, hay thả hồn theo áng mây trời và làm thơ... Buồn buồn search trên google từ khóa "bận rộn" và đọc được bài dưới đây của BS. Đỗ Hồng Ngọc, một cây bút có nhiều bài viết thú vị mà mình đã từng đọc trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo. Xin phép copy lại ở đây và chia sẻ cùng mọi người.
---
Người ta phỏng vấn một bà gìa gần 90 tuổi rằng nếu được sống lại cuộc đời đã qua một lần nữa, bà sẽ sống như thế nào?
- “Nếu được sống lại cuộc đời đã qua lần nữa- bà già nói- thì tôi sẽ dám…phạm nhiều sai lầm hơn. Tôi sẽ ngờ nghệch hơn là tôi đã ngờ nghệch trong cuộc đời này. Tôi sẽ thảnh thơi hơn, linh hoạt hơn. Tôi sẽ coi ít thứ nghiêm chỉnh hơn. Tôi sẽ trèo núi lội đèo nhiều hơn, bơi lội nhiều hơn…Tôi sẽ ăn nhiều…kem hơn. Dĩ nhiên tôi sẽ gặp nhiều rắc rối hơn nhưng tôi sẽ thực tế hơn là chỉ mơ mộng. Tôi sẽ bớt…lành mạnh hơn. Ôi, tôi đã có những khoảnh khắc của đời mình và tôi muốn có nhiều hơn những khảnh khắc đó, cái nọ nối cái kia, cái nọ tiếp cái kia thay vì tôi cứ sống để chờ đợi…Nếu tôi được sống lại cuộc đời đã qua lần nữa tôi sẽ đi chân không nhiều hơn, sẽ bớt mang theo dù và dầu nóng, bình thủy các thứ…Tôi sẽ hái nhiều hoa cúc hơn…”.
Thỉnh thoảng có lẽ ta cũng nên tự hỏi mình một câu như vậy. Có phải ta cũng thường sống trong nhớ tiếc hoặc đợi chờ, mà quên đi cái quà tặng quý báu của cuộc sống chính là sự hiện diện của ngày hôm nay, của giây phút này, của ở đây và bây giờ. Tiếng Anh có một từ khá tuyệt: present, vừa có nghĩa là hiện tại, sự hiện diện, có mặt, lại vừa có nghĩa là món quà. Ta nghe nơi này nơi khác người ta luôn nói, không có thì giờ, không có thì giờ. Đến nỗi một nhà thơ phải kêu lên:
…Không có thì giờ!
Chim lấy đâu mà về tổ.
Tôi lấy đâu mà làm thơ.
Em lấy đâu mà đọc những bài thơ tôi sắp viết!
(Nguyên Sa).
Tiếng chim và khế ngọt vẫn có đó, ánh nắng và sóng biển vẫn có đó, đèo cao và suối mát vẫn có đó, nhưng…hãy đợi đấy, còn phải dành thì giờ để nhớ nắng hôm qua, mưa năm nọ, tiếng chim ngày cũ, rồi còn dành thì giờ để mong ngóng tương lai, sống trong tương lai như cô nàng Perrette mang bình sữa ra chợ! Ta chờ… lớn. Chờ thi đậu. Chờ thành đạt. Chờ có tiền. Chờ cưới vợ. Chờ đẻ con. Chờ con lớn…Chờ con thi đậu. Cứ thế. Cho đến một hôm thảng thốt: “Rồi tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ, một ngày đầu thu… “ (TCS). Mùa xuân sao không đi hái lộc, mùa hạ sao không dẫn bầy em nhỏ đi tắm sông? “Hạnh phúc rất đơn sơ” vậy mà Khổng Tử suốt đời quần quật chỉ mong được thế đôi lần! Quả thật chúng ta thường sống với dĩ vãng, một thời đã qua hoặc sống với tương lai, một thời chưa tới. Còn hiện tại thì tối tăm mặt mũi; không có thì giờ! Không kịp ăn sáng, không kịp tắm (không kịp thay đồ?). Hộc tốc. Luôn luôn hộc tốc. Nhai ngoàm ngoằm. Đi vội vàng. Thở hào hễn. Và hùng hục. Lâm Ngữ Đường hơn nửa thế kỷ trước đã chê người Mỹ có ba cái tật xấu là luôn muốn tăng hiệu năng, muốn đúng giờ và muốn thành công. Ông nói: “ Họ luôn cau có và quạu quọ vì ba cái tật đó đã cướp đi của họ sự thư nhàn, lại còn làm cho họ luôn bị căng thẳng thần kinh vì luôn cầu toàn trách bị! Viên chủ bút Mỹ lo bạc đầu vì muốn không có một lỗi in nào trong tạp chí của ông ta, còn viên chủ bút Trung Hoa (dĩ nhiên, cách đây hơn nửa thế kỷ!) khôn hơn, để cho độc giả có cái thú tìm ra được ít nhiều lỗi trên báo! Đời sống bây giờ biến người ta thành cái…đồng hồ. Người Mỹ sống như một học sinh tiểu học, giờ nào việc đó, từng giờ từng phút “. Rồi ông kêu lên: Đời sống mà như vậy thì còn giá trị gì nữa (Sống đẹp, LNĐ, bản dịch Nguyễn Hiến Lê). Ngày nay thì các “tật xấu” đó đã toàn cầu hoá, đã trở thành bệnh của thời đại, đến nỗi bây giờ người ta bị cao huyết áp, bị tim mạch, bị trĩ, bị bón….cũng vì không có thì giờ! Nguyễn Công Trứ nói: “So lao tâm lao lực cũng một đàn/ Người trần thế muốn nhàn sao được?” Ý ông là chỉ có tiên mới sướng. Nhưng bây giờ ta cũng có tiền rồi, mà có tiền thì mua tiên cũng được quá đi chứ. Tiện nghi ngày càng cải thiện. Đằng vân giá võ, thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ, thần giao cách cảm không thiếu thứ gì! Bấm cái nút gặp ngay người trong mộng. Trò chuyện với người cách xa nửa vòng trái đất như đang ngồi trước mặt…Thế mà vì sao ta không được “sướng như tiên”? Có lẽ là do cái nhu cầu giả tạo cứ ngày càng dày đặc thêm, cứ nhồi nhét mãi rồi thì đến một lúc tưởng là nhu cầu thật. Đẻ con thì phải đẻ mổ, chọn giờ để mong sau này con được làm vua. Ai cũng làm vua cả thì ai sẽ là thường dân cho vua trị vì? Nhưng vua đâu chẳng thấy chỉ thấy nhiều trẻ thiếu oxy não, liệt thần kinh, bị tâm thần… Các thứ sữa dành cho trẻ con bây giờ thì phải có chất tạo… thông minh. Làm như xưa nay không có các sản phẩm đó thì thế giới chỉ toàn người ngu dốt!
Cho nên Tô Đông Pha mới buông thuyền sông Xích Bích, Bạch Cư Dị mới xuống ngựa dừng chèo ở bến Tầm Dương, và Nguyễn Công Trứ mới… mơ ước:
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi cùng cốc thâm sơn
Nào thơ nào rượu nào địch nào đờn
Đồ thích chí chất đầy trong một túi…
(Kẻ sĩ)
Bây giờ “đồ thích chí” ta còn có thể chất đầy “trong một xe” đời mới, chỉ “không có thì giờ!” thôi vậy!
BS Đỗ Hồng Ngọc
No comments:
Post a Comment