Nhân ngày Nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, đưa vợ con về quê chơi.
Rảnh rỗi, tận hưởng không khí thanh nhàn ở miền quê, mới cảm được thú vui thanh nhàn của người xưa.
Tìm đọc và post lại bài Cảnh Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm để chia sẻ niềm vui đó với mọi người.
Cảnh Nhàn
Một mai, một cuốc một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao
(BẠCH VÂN QUỐC NGỮ THI)
Chú Thích :
Mai : dt, một loại nông cụ như xẻng,cuốc dùng để đào lỗ, xúc đất.
Chốn lao xao : nơi ồn ào, huyên áo, chỉ cảnh xã hội đông đảo, bon chen danh lợi…
Măng trúc : dt, măng tre. Giá : mầm đậu tươi non do ngâm ủ đậu xanh mà thành dùng để làm rau.
Bình Giảng :
Về các bài thơ tả cảnh nhàn xưa của các bậc tiên nho, thì đây là bài tả cảnh nhàn một cách rõ rệt, cụ thể nhất. Ta đã từng thấy các bài cảnh nhàn của danh thần Nguyễn Trãi khi lui về qui ẩn ở Chí Linh. Nhưng ở đây, ta không thấy nỗi buồn chán của kẻ trượng phu bất mãn vì thân thế hay thời thế. Tác giả đã mô tả cảnh nhàn với niềm vui thanh thản, an lòng và không còn vọng động. Ta cũng biết rằng tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà nho hạnh đạt, được triều đại nhà Mạc hết sức trân trọng, ưu đãi, song vì thời thế có lúc không thuận lợi, đạo khó hành, nên về ẩn cư nơi thôn dã. Ngoài ra ông lại là người học rộng am hiểu Kinh Dịch, hiểu lẽ xuất xử , giỏi văn chương, sống giữa buổi loạn ly. Khuynh hướng an nhàn là điều dễ hiểu. Cái khí vị toát lên trong thơ ông là sự điềm tĩnh, hiền hoà, thanh thản của một nhà nho tiên phong đạo cốt, từng trải việc đời, nhưng xem danh lợi như áng phù vân. Đó cũng là hình ảnh đẹp về con đường xuất xử .
Bố cục bài thơ cũng là bố cục theo Đường luật, thất ngôn bát cú :
Câu 1-2 : Công việc nhàn hạ của tác giả.
Câu 3-4 : Vui thích bằng lòng với cảnh an nhàn.
Câu 5-6 : Cuộc sống bình dị, thanh đạm trong cảnh thanh nhàn.
Câu 7-8 : Phong độ thoát vòng tục luỵ của người ở ẩn.
Bài thơ toát lên được cuộc sống khoáng đạt của một ẩn sĩ sống thanh thản giữa tạo vật thiên nhiên, như bản đàn tuyệt diệu Trang Tử Nam Hoa kinh. Chữ nhàn được thấy ở đây không chỉ là cái nhàn vật chất, hưởng thụ, làm tê liệt hình hài, là cái hình thức tầm thường, thô thiển của chữ nhàn, mà cái nhàn ở đây là sự thanh thoát ở tinh thần, không màng đến lợi danh, không màng đến sự sống xa hoa với “tâm vô dục vô cầu”, vì những trò đời được mất hơn thua chỉ là áng phù vân, là giấc mộng nam kha :
Rượu đến gốc cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao
Ngay mở đầu bài, tác giả đã nêu bật được hình ảnh một cuộc sống ở nông thôn, giữa đất trời cao rộng, cũng có vẻ khá bận rộn khi làm vườn, trồng hoa, khi câu cá… nhưng lại rất tự do khoáng đạt :
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Giữa cuộc sống sôi động, hơn thua và huyên náo ở ngoài kia, tác giả tự nhận mình là người dại, để phân biệt với bao kẻ khôn ngoan đang lặn hụp trong trường danh lợi :
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Cái chốn lao xao ấy, chốn của những kẻ khôn ngoan, ta không còn bận lòng đến nữa để vui lòng làm kẻ dại về chốn không lao xao, yên bình và phẳng lặng, để sống hoà cùng thiên nhiên, mùa nào thức nấy, theo từng nhịp độ của thời gian “xuân sinh hạ trưởng thu liễm đông tàng” :
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Tác giả đã để lòng mình hoà với thiên nhiên bốn mùa vần xoay và trong những lúc thích thú, vui vẻ chan hoà cũng biết thưởng thức chút niềm vui trần thế :
Rượu đến gốc cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao
Cái vòng danh lợi phú quí, mà phần lớn loài người đang lao vào bon chen đấu tranh khốc liệt để đạt được thì đối với tác giả chỉ có ý nghĩa như một giấc chiêm bao: ngắn lắm và phù du lắm, không còn đủ sức quyến rũ những tâm hồn ở ngoài vòng danh lợi.
Nét độc đáo ở đây là cốt cách tự tại, điềm tĩnh, thanh thản của nhà thơ. Ngay cả câu 3-4 có dùng phép phản ngữ ngụ ý trào phúng “ta dại, người khôn”nhưng không quá mỉa mai, khe khắt, mà còn có ý vị “lạc thiên, an mệnh” của tư tưởng Lão Trang.
Tóm lại bài Cảnh Nhàn của tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm sáng tác trong
thời kỳ cáo quan về ở ẩn, ý thơ trong sáng, lời lẽ bình dị, tư tưởng thông suốt êm xuôi, ngoài việc bộc lộ tư tưởng tình cảm tác giả, bài thơ còn đánh dấu một cố gắng thoát ly ảnh hưởng khuôn sáo thi tứ Trung Hoa mà tiến đến một ngôn ngữ thi ca dân tộc .
No comments:
Post a Comment