Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Thursday, September 30, 2021

Bài giảng đầu tiên

Bài giảng đầu tiên

Sau khi thành đạo, Đức Phật đi tìm năm người bạn đồng tu đã xa lánh ngài trước đây. Ngài tìm thấy họ ở vườn Lộc Uyển gần Be Na Res. Lúc này, họ nghĩ Đức Phật đã từ bỏ ý định tìm kiếm giác ngộ khi ngài nhận thực phẩm do Su Ja Ta cúng dường. Bởi vậy, khi thấy ngài đến gần họ. Họ nói, ― Đấy, Gau Ta Ma đến đấy. Chúng ta không nên nói chuyện với ông ta.

Tuy nhiên, khi Đức Phật đến gần, một luồng hào quang chiếu sáng quanh ngài. Vẻ uy nghi của Ngài gây ấn tượng đến nỗi năm vị đạo sĩ quên rằng họ đã thống nhất với nhau không chào đón ngài. Các đạo sĩ hồ hởi khi gặp ngài. Người đem chậu, người khác xối nước để rửa chân cho ngài. Rồi Đức Phật nói với họ,― Ta đã đạt được sự giác ngộ và ta đến để nói với các ngài chân lý ta đã nhận ra. Đừng gọi ta là Gau Ta Ma nữa. Ta bây giờ đã là Đức Phật. Họ cảm thấy xấu hổ khi đã xa lánh ngài trước đây và cầu xin ngài tha thứ. Rồi họ lắng nghe Đức Phật giảng bài giảng đầu tiên. Ngài dạy, ― Tất cả nỗi khổ đau, sợ hãi và căm thù đều xuất phát từ lòng tham lam. Người không tham lam sẽ không lo sợ. Tham lam làm họ sợ hãi!

Họ bắt đầu hiểu lời dạy của ngài. Sau khi hiểu rõ những lời dạy của Đức Phật, họ xin Đức Phật truyền giới. Đức Phật đồng ý truyền giới và nói rằng, “Hãy là tỳ kheo, đi theo lối sống tu hành để chấm dứt khổ đau”. Họ cạo đầu và mặc áo choàng màu vàng sẫm. Như vậy, Tăng đoàn được thành lập. Sau đó, đức Phật giảng cho họ bài pháp đầu tiên về Bốn Sự thật Cao quý (Tứ Diệu Đế).

Chân lý cao quý thứ nhất: Khổ đau

Đức Phật tìm ra cách giải quyết nổi khổ đau, bắt đầu bằng nhận diện khổ đau có mặt trong cuộc sống. Đây là cái chân lý cao quý thứ nhất trong Bốn chân lý. Nếu mọi người ý thức những gì họ trải qua và quan sát kỹ những gì diễn ra xung quanh, họ sẽ thấy rằng cuộc sống là hoàn toàn khổ đau và không hạnh phúc. Khổ đau có thể là thuộc về tinh thần hoặc thể xác.

Chân lý về khổ đau của sanh, lão, bệnh, tử là không thể tránh khỏi. Một vài người giàu có bây giờ có thể vui sướng, hạnh phúc và được chăm sóc cẩn thận trong cuộc sống, nhưng thời gian, không có gì chắc chắn họ không trải qua khổ đau. Điều tệ hại, không ai có thể chia sẽ nổi đau với người khác. Chẳng hạn, một người đàn ông có thể lo lắng người mẹ của mình đang ngày càng già yếu. Thật ra, anh ấy không thể chịu nổi đau của tuổi tác thay mẹ minh. Cũng vậy nếu một bé trai bị ốm, người mẹ không thể trải qua những cảm giác khó chịu vì bệnh tật thay cho đứa con của mình. Cuối cùng, cả nguời mẹ và người con trai không thể giúp đỡ lẫn nhau trong lúc cái chết cận kề.

Bên cạnh nỗi khổ về mặt thể chất, cũng có những nỗi khổ về tinh thần. Con người cảm thấy cô đơn, buồn và chán nản khi người họ thương yêu xa cách hoặc bị chết. Họ trở nên buồn bực, khó chịu khi đối mặt với những điều họ không thích hoặc những điều họ không hài lòng. Con người cũng khổ đau khi họ không thỏa mãn nhu cầu và ước muốn. Chẳng hạn những thiếu niên, cảm thấy nản chí và giận dữ khi cha mẹ của họ không cho phép họ đi chơi quá khuya hoặc tiêu món tiền quá lớn cho những áo quần thời trang đắt tiền. Ngay cả, người lớn cũng không hạnh phúc nếu họ không đạt được sự giàu có, quyền lực hoặc danh tiếng theo tham vọng của bản thân họ.

Ngoài ra, thảm họa thiên nhiên như là động đất, lũ lụt, hỏa hoạn có thể gây ra nhiều khổ đau cho con người. Con người có thể đối mặt với những khó khăn gây ra bởi chiến tranh và bất bình đẳng trong xã hội.

Những rắc rối có thể xảy ra trong lớp học. Khi bạn đang cố gắng học bài, nhưng lớp quá ồn ào hoặc bạn bè đang cố quấy rầy bạn, bạn sẽ cảm thấy không hài lòng và giận dữ. Đôi khi, rắc rối có thể do chính bản thân bạn gây ra. Khi bạn không qua được kì thi, nó sẽ làm cho bạn cảm thấy đau buồn và thất vọng.

Chân lý cao quý thứ hai : Nguyên nhân của khổ

Nguyên nhân của khổ đau là lòng tham và sự ích kỷ. Đức Phật đã nhận ra nguyên nhân của khổ đau là tham lam và ích kỷ. Con người muốn tất cả mọi thứ và muốn giữ nó bên mình mãi mãi. Tuy nhiên, lòng tham là không có giới hạn, nó giống như cái thùng không có đáy, không thể làm đầy được. Nếu bạn càng ham muốn nhiều, thì bạn càng gặp nhiều khổ đau trong cuộc sống. Bởi vậy, những ước muốn, nhu cầu không có giới hạn của chúng ta là nguyên nhân gây ra khổ đau.

Nhiều trẻ em khi dùng sô cô la đã khăng khăng xin thêm. Khi họ không xin được, họ cảm thấy buồn chán và thậm chí giận dữ. Cho dù chúng biết rằng ăn quá nhiều sẽ làm đau bụng hoặc đau răng, nhưng chúng vẫn đòi ăn thêm.

Những điều chúng ta mong muốn phần lớn đều có thể gây ra khổ đau cho chúng ta.

Chân lý cao quý thứ ba: Hạnh phúc

Để có cuộc sống hạnh phúc, chấm dứt khổ đau, các ham muốn ích kỷ phải được loại bỏ. Nó như ngọn lửa được dập tắt khi mà chúng ta không cho thêm nhiên liệu vào. Những điều không hạnh phúc sẽ chấm dứt khi năng lượng dành cho sự ham muốn ích kỷ đã được loại bỏ. Khi ham muốn ích kỷ đã hoàn toàn bị loại bỏ thì không còn đau khổ nào nữa. Ý thức của chúng ta sẽ ở trạng thái hoàn toàn thanh thản. Chúng ta sẽ luôn luôn hạnh phúc. Đức Phật gọi trạng thái hạnh phúc cao nhất là Niết Bàn. Đây là trạng thái sung sướng và thanh thản. Nó là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời.

Chân lý cao quý thứ tư: Con đường thoát khổ

Để đạt được hạnh phúc, con người phải đi theo con đường thoát khổ, đó là thực hành con đường chính đạo 8 nhánh, hay còn gọi là Tám điều cao quý (Bát chánh đạo) như sau:

1. Chánh kiến: Hiểu đúng có nghĩa là hiểu chính xác bản chất của sự vật hoặc hiện tượng. Mặc khác, cho dù chúng ta có quan điểm của chúng ta về sự vật hoặc hiện tượng, nhưng không phải lúc nào cũng luôn luôn đúng. Nếu chúng ta hiểu mọi vật đúng bản chất, chúng ta sẽ sống hạnh phúc hơn và cuộc sống có ý nghĩa hơn. Chẳng hạn, nếu người học sinh hiểu rằng bản thân họ sẽ có lợi ích từ việc học thì người học sinh đó sẽ chăm chỉ và cố gắng làm bài tốt hơn. Khi họ học tốt, cha mẹ và thầy giáo của họ sẽ hạnh phúc.

2. Chánh tư duy: Nghĩ đúng có nghĩa là suy nghĩ một cách đúng đắn. Những người nuôi dưỡng ý thức tham lam hoặc giận dữ, dễ dàng đối mặt các rắc rối. Nhưng nếu chúng ta nghĩ đúng, chúng ta sẽ nỗ lực làm việc đến cùng cho những việc đúng đắn. Chẳng hạn, nếu học sinh luôn suy nghĩ đúng đắn, họ sẽ biết lười biếng có thể làm cho họ thi rớt. Điều này có nghĩa sẽ tốn thêm một năm học khác để học lại những nội dung đã học. Vì vậy họ quyết định làm việc chăm chỉ, hơn là có thái độ gắt gỏng không bằng lòng với các bài tập ở trường.

3. Chánh ngữ: Nói đúng có nghĩa là tránh nói dối, nói cường điệu, nói huyên thuyên, nói xấu sau lưng, nói ám chỉ, nói những lời nặng nề. Nói lời nặng nề có thể làm tổn thương hơn bất kỳ vũ khí nào. Một câu nói lịch sự có thể làm thay đổi trái tim của một người nhẫn tâm phạm tội. Điều này cho thấy tác dụng trong cách chúng ta nói chuyện. Đức Phật nói, ― Nói lời làm hài lòng như sự dịu ngọt của mật ong, nói lời chân thật nó đẹp như bông hoa và nói lời thô bạo là một thứ rác ruởi. Bởi vậy, chúng ta sẽ nói lời chân thật, có nghĩa và có thiện chí.

4. Chánh nghiệp: Hành động đúng có nghĩa là không làm tổn thương, hủy hoại cuộc sống của bất kỳ sinh vật nào. Không ăn cắp hoặc không lạm dụng tình dục làm tổn hại người khác.

5. Chánh mạng: Phương kế sinh nhai đúng, có nghĩa là không sống bằng các công việc gây hại đến cuộc sống của kẻ khác. Đức Phật không khuyến khích các Phật tử làm các công việc liên quan đến: hàng giả, vũ khí, động vật phục vụ tiêu khiển, các thức uống độc hại, và ma túy, Đức Phật nói ― Không kiếm tiền bằng cách làm tổn thương kẻ khác. Không tìm kiếm hạnh phúc bởi làm cho kẻ khác đau khổ.

6. Chánh tinh tấn: Nỗ lực đúng có nghĩa là cố gắng làm chúng ta trở thành người tốt hơn. Chẳng hạn, học tập chăm chỉ ở trường và từ bỏ những thói quen xấu như là lười biếng, nóng nảy, hút thuốc lá và sử dụng ma túy.

7. Chánh niệm: Sự quan tâm & nhớ nghĩ đúng đắn, có nghĩa là chúng ta luôn ý thức và ân cần chu đáo. Chúng ta sẽ luôn ý thức về điều chúng ta suy nghĩ, điều chúng ta nói và điều chúng ta làm. Chúng ta phải tập trung vào mọi thứ chúng ta đang làm để chúng ta có thể làm tốt. Chẳng hạn, nếu chúng ta tập trung trong lớp học, chúng ta sẽ không bỏ sót những điều thầy giảng.

8. Chánh định: Suy nghĩ, thiền định một cách đúng đắn, có nghĩa là chúng ta giữ cho tâm chúng ta vững chắc và bình thản với mục đích nhìn rõ về bản chất của sự vật. Đây là thực tập tinh thần có thể giúp cho chúng ta trở nên hiểu biết và là người hạnh phúc hơn nữa.

Làm theo Tám điều cao quý (Bát chánh đạo) có thể giúp chúng ta ngăn ngừa những rắc rối hoặc xử lý với bất kỳ những rắc rối nào, để có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nếu chúng ta làm theo nó, chúng ta luôn đi trên đường có ít đau khổ và dẫn đếnhạnh phúc.

Bài học: Học Phật cần phải hiểu rõ về bốn chân lý cao quý, đó là: Cuộc đời là khổ, Nguyên nhân của khổ là do thói quen xấu, Có thể chấm dứt khổ đau và đạt hạnh phúc, Con đường đưa đến hạnh phúc chính là con đường Bát chánh đạo.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên) 

Sunday, September 19, 2021

Em hãy im lặng

 


Em hãy im lặng

Năm xửa năm xưa, gần mấy mươi triệu năm về trước, trái đất còn chưa có loài người, chỉ có cầm thú sinh sống bên nhau hài hòa, dễ thương. Lúc ấy, trái đất còn nguyên vẹn sự tinh khôi, không bị ô nhiễm một chút nào cho nên cỏ rất ngọt, lá rất ngon. Các loài thú này ưa ăn cỏ, ăn rong rêu, ăn lá non ở các bụi cây.

Do bao nhiêu trận động đất dữ dội, do núi lửa bùng nổ liên miên và do sự va chạm của những tảng đá trời khổng lồ nên trái đất như một cơ thể non nớt của một em bé đang lớn lên để trưởng thành. Bởi vậy, trái đất chưa có nhiều cây cối to lớn mà chỉ toàn là cỏ non, hoa dại, rong rêu và bụi nhỏ. Thế mà, không hiểu vì sao lại có một cây sồi thật to lớn, che rộng mấy mươi mẫu đất. Hồi đó, vòm khí quyển vừa mới hình thành cho nên trái đất còn lạnh lắm, nhất là vào lúc ban đêm. Cái lạnh băng giá tê buốt thấu xương! Các loài thú vật thường nương náu, sinh sống bên nhau cho ấm áp ở dưới gốc cây cổ thụ này. Con nai nằm ngủ một bên con cọp. Con thỏ ngủ trên vai con chó sói. Con chim đậu trên thân hình con rắn. Nghĩa là tất cả mọi loài thú vật sống chung hoà hợp bên nhau như anh em ruột thịt.

Cạnh bên cây sồi vĩ đại lại có một tảng đá cổ, chỉ lớn bằng con sư tử nhưng hình thù kỳ lạ, dung mạo khả ái, đoan nghiêm. Không ai biết rõ tảng đá này có mặt từ lúc nào? Có thể nó ngồi dưới gốc cây cổ thụ này không biết bao nhiêu triệu năm rồi. Có thể tuổi đá cũng là tuổi của trái đất. Mỗi buổi sáng tinh sương, tảng đá thường phát ra ba âm thanh kỳ diệu. Đó là “hãy im lặng”, “hãy bình tĩnh”, “hãy bên nhau”. Âm thanh vang dội đầm ấm và thiêng liêng đến mức nào! Mỗi lúc như thế, các loài thú thức dậy lắng lòng để nghe tiếng đá. Chẳng ai bảo ai, tất cả loài thú ngồi yên vừa theo dõi hơi thở, vừa nhìn mặt trời lên, vừa nghe tiếng đá thì thầm. Ngày nào cũng như ngày nào, chúng thức dậy đúng lúc âm thanh kỳ diệu ấy vang lên. Nhờ thế, tâm hồn loài thú trở nên hiền lành và hồn nhiên như tuổi thơ.

Sau khi ông mặt trời vừa ló ra khỏi dãy núi, bọn thú cùng nhau đi tìm thức ăn ở các ngọn đồi xa xa, ở nơi các con sông và nơi các bến nước. Thỉnh thoảng dừng lại, chúng vui chơi, đùa giỡn, đuổi bắt với nhau một cách thích thú, hồn nhiên, vô tư như các em thiếu nhi bây giờ. Con sư tử đuổi theo con nai. Con thỏ ngồi trên lưng con cọp. Con sóc đu nơi hai chân của con chim đại bàng để bay lên cao. Bọn thú chơi đùa với nhau thật vui vẻ và hạnh phúc. Tiếng cười, tiếng nói vang lên đến tận trời xanh. Chúng yêu thương nhau, bảo hộ cho nhau, ăn chung, ngủ chung thật là dễ thương.

Một hôm, con nai ham chơi, chạy nhanh quá nên bị trượt chân chảy máu, vì vậy nó phải cà nhắc cà thọt đi tìm một nơi yên tĩnh để trị thương.

Các bạn khác vẫn còn tiếp tục chơi các trò chơi hấp dẫn. Chỉ có con cọp cảm thấy bất an trong lòng. Lần đầu tiên, cọp ngửi được mùi tanh của máu, và cơ thể của nó chuyển biến, rung động dữ dội, có một sự thèm khát mãnh liệt đang xảy ra trong lòng. Tự nhiên, nó muốn vồ lấy con nai đang bị thương. May quá, nó dừng lại được cái ý tưởng ấy. Con nai là bạn thân của nó mà. Con cọp không thể nào hiểu nổi cái cảm giác quái lạ này. Con cọp đang đau khổ bởi sự thèm khát mạnh mẽ này, do đó nó tìm một nơi yên tĩnh để ôm ấp để chở che. Nó đi đến bên bờ hồ vừa ngồi xuống vừa thở để xét lại lòng mình. Hơi thở tuy có phần hổn hển nhưng cũng đủ làm cho nó bình an trở lại. Nó nhớ tới những ngày anh em sống bên nhau, chơi đùa với nhau, ngủ chung dưới gốc cây, thương yêu nhau như thể tay chân. Nó sực hiểu ra rằng tại sao tảng đá thường phát ra ba âm kỳ diệu là “hãy im lặng”, “hãy bình tĩnh”, “hãy bên nhau”. Hãy bình tĩnh! Đúng rồi. Hãy bên nhau bởi vì nó thương con nai lắm. Tuy hiểu như thế, nhưng sự thèm thuồng này sao mà mạnh quá! Con cọp tiếp tục ngồi yên theo hơi thở để làm lắng xuống cảm xúc thèm thuồng này. Cọp đâu có ngờ rằng tâm trạng của báo, hổ, gấu, rắn cũng như thế. Các bạn hình như cũng đang ngồi im lặng, bình tĩnh mà ôm ấp cảm xúc như con cọp.

Lần đầu tiên ngửi được mùi máu, các loài thú này đều cảm thấy nong nóng trong cơ thể, có một sự chuyển động âm thầm trong xương thịt. Bọn thú răng nhọn này bắt đầu cảm thấy ngờ ngợ mỗi khi tới gần nhau, có một chút gì bất an, sợ hãi, lo âu trong lòng đối với các con thú khác. Đặc biệt, chúng cảm thấy có một sự thèm khát đang sôi sục trong thân thể cho nên nước miếng cứ tuôn trào ra.

Cũng vậy, các con thú nhỏ bé hiền lành cảm thấy sờ sợ các bạn to lớn hơn. Không biết tại sao cái nhìn của anh cọp sao hung dữ quá. Cái nhìn của chó sói sao mà đáng nghi quá. Do vậy, các con thú bé nhỏ, hiền lành này bắt đầu lánh xa các bạn to lớn kia.

Một hôm, tụi nai, sóc, thỏ tìm thấy một con cá bị ai ăn hết thịt chỉ còn bộ xương sườn. Chúng cảm thấy tội nghiệp cho con cá! Lá non trên các bụi cây cũng thiếu người hái ăn. Bãi cỏ non chẳng còn ai vui chơi như ngày trước nữa. Cái hồ mát mẻ bên kia đồi cũng ít người bơi lội hoặc qua lại. Không khí quanh đây có vẻ không được an ổn lắm.

Từ đó, chúng bắt đầu lánh xa, không còn trở về ở bên cội cây cổ thụ nữa. Các con thú dữ khác như cọp, beo, gấu, chó sói bắt đầu rình bắt các con thú bé nhỏ, hiền lành. Họ bị cơn thèm khát chinh phục và quên đi tình bạn bè, nghĩa anh em. Họ nghe theo tiếng gọi của bản năng, tập khí của chủng loại để rình bắt các bạn hiền lành, yếu đuối đã một thời sống bên nhau dưới gốc cây cổ thụ.

Cây sồi vẫn còn đó đang dang rộng tàng cây che chở cho muôn thú. Tảng đá cổ vẫn đứng yên bất động và mỗi buổi sáng vẫn thường phát ra ba âm thanh vi diệu, nhưng các con thú kia không còn có khả năng để lắng nghe các âm thanh ấy nữa. Một bên sợ hãi cố xa lánh, một bên thèm thuồng rình rập đã chi phối hết tâm hồn của họ.Từ đây, trái đất xinh đẹp này không còn nghe tiếng cười đùa, vui chơi của các loài thú nữa, thay bằng những tiếng kêu la, than khóc của sự tàn nhẫn bởi lòng tham lam.

Bài học: Loài người ngày nay cần trở về với thiên nhiên, để thấy mình và muôn loài là cùng một bản thể, để có thể lắng nghe tiếng của đá “hãy im lặng, hãy bình tĩnh, hãy bên nhau”. Phật đã dạy, trong vạn kiếp luân hồi, chúng ta đã từng là anh em, cha mẹ, bằng hữu với muôn loại chúng sinh. Vì vậy cần biết yêu thương, ngừng giết hại, tàn phá môi sinh, và hãy học lại bài học “cùng chung sống”.


(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Tuesday, September 14, 2021

50 Bài tụng Duy Biểu (3)

Các thức cảm giác 

28. Năm thức cảm giác sanh
Dựa trên dòng ý thức
Phát hiện riêng hoặc chung
Như sóng nương trên nước 

29. Tánh cảnh và hiện lượng
Có ba tánh đầy đủ
Nhờ vào tịnh sắc căn
Và cảm giác trung khu

30. Tâm sở là biến hành
Biệt cảnh, thiện, đại tùy
Trung tùy hai phiền não
Và cả tham, sân, si 

Bản chất thực tại 

31. Thức luôn luôn bao hàm
Chủ thể và đối tượng
Tự, tha, trong và ngoài
Đều chỉ là ý niệm 

32. Thức gồm có ba phần
Kiến, tướng và tự thể
Chủng tử và tâm hành
Tất cả đều như thế

33. Sinh diệt tùy nhân duyên
Thức vốn là biểu biệt
Kiến và tướng nương nhau
Năng biệt và sở biệt 

34. Nơi tự biểu, cộng biểu
Ngã, vô ngã không hai
Luân hồi mỗi sát na
Bập bềnh sinh tử hải 

35. Thời, không và bốn đại
Đều do thức hiện bày
Tương tức và tương nhập
Dị thục từng phút giây 

36. Nhân duyên đủ biểu hiện
Nhân duyên khuyết ẩn tàng
Không đi cũng không đến
Không có cũng không không 

37. Hạt giống sinh hiện hành
Đó gọi là nhân duyên
Chủ thể nương đối tượng
Ta gọi sở duyên duyên 

38. Điều kiện thuận hay nghịch
Đều là tăng thượng duyên
Vô gián duyên thứ tư
Là liên tục chuyển biến 

39. Nhân duyên có hai mặt
Vọng thức và Chân tâm
Vọng thức vì biến kế
Chân tâm do viên thành 

40. Biến kế huân vô minh
Kéo theo luân hồi, khổ
Viên thành mở tuệ giác
Hiển lộ cảnh Chân như 

Con đường tu tập 

41. Quán chiếu tính Y tha
Vô minh thành tuệ giác
Luân hồi và Chân như
Tuy hai mà thành một 

42. Trong rác sẵn có hoa
Trong hoa sẵn có rác
Hoa và rác không hai
Giác và mê tương tức 

43. Không trốn chạy tử sinh
Quán chiếu cần niệm lực
Thấy được tính Y tha
Là chứng nhập tương tức 

44. Nương hơi thở Chánh niệm
Tưới hạt giống Bồ đề
Chánh kiến là đóa hoa
Nở trên vùng ý thức 

45. Như ánh sáng mặt trời
Chiếu soi loài cây cảnh
Chánh niệm khi thắp lên
Chuyển hóa mọi tâm hành 

46. Nhận diện để chuyển hóa
Nội kết và tùy miên
Khi tập khí không còn
Quả chuyển y hiển hiện 

47. Phút hiện tại thu nhiếp
Quá khứ và vị lai
Bí quyết của chuyển y
Nằm trong giây hiện tại 

48. Tu tập và chuyển hóa
Trong đời sống hàng ngày
Nương tựa vào tăng đoàn
Công phu mau nhìn thấy 

49. Không sinh cũng không diệt
Sinh tử là Niết bàn
Sở đắc là vô đắc
Không nắm cũng không buông 

50. Lướt trên sóng sinh tử
Thuyền từ dạo bến mê
Nụ cười vô úy nở
Phiền não tức Bồ đề.

(Nguồn: Duy Biểu Học - thầy Nhất Hạnh)

Thursday, September 9, 2021

50 Bài tụng Duy Biểu (2)

Mạc Na thức 

16. Hạt giống của vô minh
Của triền sử ái nhiễm
Quấy động thành vọng thức
Khi danh sắc hiện hành 

17. Nương vào A-lại-gia
Phát hiện thức Mạt-na
Tác dụng là tư lượng
Níu lấy tàng làm ngã 

18. Đối tượng của Mạt-na
Là ngã tướng đới chất
Phát sinh từ giao thoa
Giữa Ý và Tàng thức 

19. Vì sáu chuyển thức khác
Đóng vai nhiễm tịnh y
Vừa thẩm lại vừa hằng
Hữu phú mà vô ký 

20. Tương ưng năm biến hành
Bốn phiền não và tuệ
Cùng tám thứ đại tùy
Đều hữu phú vô ký 

21. Cũng như bóng theo hình
Mạt-na theo tàng mãi
Là cơ chế tự tồn
Là bản năng dục ái

22. Sơ địa khi đạt tới
Dứt phiền não, sở tri
Bát địa hết câu sinh
A-lại-gia phóng khí 

Ý thức 

23. Nương vào ý làm căn
Pháp trần làm đối tượng
Ý thức được phát sinh
Phạm vi nhận thức rộng 

24. Thông ba tánh ba lượng
Tiếp thu cả ba cảnh
Dù thiện, ác, bất định
Biệt cảnh và biến hành 

25. Là gốc của thân khẩu
Có thẩm mà không hằng
Tạo tác nghiệp dần mãn
Đóng vai kẻ gieo trồng 

26. Ý thức thường hiện hành
Trừ trong trời vô tưởng
Trong hai định vô tâm
Ngủ say và bất tỉnh

27. Năm trạng thái ý thức
Là tán vị, độc đầu
Trong định hoặc điên loạn
Cùng trường hợp ngũ câu 

(Nguồn: Duy Biểu Học - Thầy Nhất Hạnh)

Friday, September 3, 2021

50 Bài tụng Duy Biểu

 50 Bài tụng Duy Biểu (1)

Tàng thức 

1. Tâm là đất gieo hạt
Mọi hạt giống chứa đầy
Tâm địa cũng chính là
Toàn thể hạt giống ấy 

2. Hạt giống có nhiều loại
Sinh tử và Niết bàn
Mê ngộ và khổ vui
Danh xưng và tướng trạng 

3. Hạt giống của thân tâm
Giới, địa và thế gian
Tất cả được cất chứa
Nên thức gọi là tàng 

4. Có hạt giống sẵn có
Có hạt giống trao truyền
Huân tập thời thơ ấu
Cả thời gian thai nghén 

5. Từ gia đình, bè bạn
Nơi xã hội học đường
Hạt giống nào cũng có
Tính cách riêng và chung 

6. Giá trị một đời người
Tùy thuộc vào phẩm chất
Mọi hạt giống đang nằm
Trong chiều sâu tâm thức 

7. Tác dụng A-lại-gia
Là tiếp nhận duy trì
Và làm biểu hiện ra
Hạt giống cùng tập khí 

8. Biểu biệt A-lại-gia
Là thế giới tánh cảnh
Độc ảnh và đới chất
Mười tám giới hình thành 

9. Tất cả mọi hiện hình
Đều tự biểu cộng biểu
Dị thục khi dự vào
Giới và địa cũng thế 

10. Là vô phú vô ký
Vừa chuyển lại vừa hằng
Tàng thức luôn tương ưng
Năm tâm sở biến hành 

11. Tuy vô thường vô ngã
Tàng thức vẫn gồm thu
Mọi pháp trong thế gian
Hữu lậu và vô lậu 

12. Hạt giống sanh hạt giống
Hạt giống sanh hiện hành
Hiện hành sanh hiện hành
Hiện hành sanh hạt giống

13. Hạt giống hay hiện hành
Đều tương tức tương nhập
Một do tất cả thành
Tất cả đều do một 

14. Tàng không một không khác
Không chung cũng không riêng
Một và khác nương nhau
Chung và riêng triển chuyển.

15. Vô minh diệt minh sanh
Tàng chuyển thành vô lậu
Gương trí soi mười phương
Bạch tịnh và vô cấu.

(Nguồn: Duy Biểu Học - Thầy Nhất Hạnh)