Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label tet. Show all posts
Showing posts with label tet. Show all posts

Tuesday, February 27, 2024

Khai bút Xuân Giáp Thìn

 


Khai bút Xuân Giáp Thìn

Rồng bay vận hội tới rồi

Giáp Thìn Xuân mới khắp nơi thấy rồng

Tung hoành ngang dọc bầu không

Uy linh, mạnh mẽ nhất trong cõi trần

Nhớ tích xưa Bố Long Quân

Mẹ Âu Cơ đẻ một lần trăm con

Trời mây biển rộng nước non

Quê hương ta đó cháu con giữ gìn

Năm rồng mộng ước thái bình

Ấm no, thịnh vượng, thắm tình quê hương

Mong rồng nước Việt mãi vươn

Bay cao, đem lại phú cường nước nam

Vun trồng cội phúc siêng làm

Xấu xa chừa bỏ, tu tâm mỗi ngày

Xuân về mong ước đổi thay

Dân giàu nước mạnh một ngày không xa

Cầu cho khắp cả nước ta

Yên vui, hạnh phúc – một nhà Rồng Tiên

PQT – mùng 3 Giáp Thìn

Monday, January 30, 2023

Chùm thơ Xuân Quý Mão

 


Mẹ là mùa Xuân

Mỗi năm sinh nhật mẹ
Là mùa Xuân lại về
Nhìn mẹ cười “thật trẻ”
Táo chầu trời nhanh ghê

Phố phường người nhộn nhịp
Chuẩn bị đón Xuân sang
Đem Tết về cho kịp
Mẹ cười – ấm không gian

Hạnh phúc thay còn mẹ
Là còn cả bầu trời
Tình yêu thương rất nhẹ
Hãy trở về vui chơi…

Chúc mẹ luôn mạnh khỏe
Xuân vui đón giao thừa
Cho chúng con điểm tựa
Bình an mỗi Xuân về…

PQT – 23/12 al

***

Khai bút Xuân Quý Mão

Gặp mặt đầu Xuân chúc Tết nhau
Mỉm cười nghe kể chuyện xưa sau
Mong cho thế giới an bình khắp
Nguyện cầu đất nước đổi thay mau
Quý Mão đến mang nhiều may mắn
Tân Xuân về quét sạch thương đau
Tỉnh tâm – nghe tiếng thời gian bước
Chậm lại – mùa Xuân qua rất mau…

PQT- Mùng một-Tết Quý Mão

***

Tết quê

Về quê ăn Tết thật yên bình
Hoa nở khắp vườn – ôi đẹp xinh
Trời xanh chim hót thanh bình quá
Nắng ấm ly trà thật nghĩa tình
Giữ mãi thiện chân – Xuân thường lạc
Gìn đạo chân thường – Tết bên mình
Chúc Xuân an lạc cùng no ấm
Nhà nhà vui đón Tết văn minh…

PQT – mùng 5 Quý Mão

Thursday, February 7, 2019

Khai bút Xuân Kỷ Hợi


Khai bút Xuân Kỷ Hợi

Đầu xuân khai bút viết đôi câu
Chúc đời hạnh phúc hết thương đau
Chúc cho dân tộc luôn đoàn kết
Dựng lại tình thương, bắc nhịp cầu

Mở mắt nhìn ra thế giới to
Bể dâu xoay chuyển biết bao trò
Thịnh suy, thành bại – do tâm cả
Hòa bình thế giới – mãi còn lo

Ngẫm lẽ quê hương, đất nước mình
Vì sao dân tộc mãi điêu linh
Tự do, dân chủ - xa xôi quá
Vật chất lên ngôi, chẳng nghĩa tình…

Lắng lòng năm mới trước Phật đài
Nguyện cầu đất nước sớm đổi thay
Yêu thương, dựng lại tình dân tộc
Thiện lành vun đắp, xấu dẹp ngay…

Mong cho người Việt biết yêu thương
Dẹp bỏ si mê, biết tự cường
Cùng nhau sám hối bao lầm lỗi
Nắm tay - cùng dựng lại quê hương…

Tết Kỷ Hợi – 2019
PQT

Thursday, January 23, 2014

Những điều cần biết đầu xuân Năm Giáp Ngọ-2014

Những điều cần biết đầu xuân Năm Giáp Ngọ-2014 


Đây là những năm đầu thiên niên kỷ, là giai đoạn mở đầu một đại vận, cho đât nước và con người, cho nên năm 2014 vẫn có một ý nghĩa quan trọng. Vừa là năm mới, xuân mới, vừa là những năm đầu thế kỷ, đầu thiên kỷ mới … và trong tâm thức cộng đồng ngươi Việt, mỗi năm là một tiểu vận, ai ai cũng tin vào vận hội mới, chu kỳ mới… những khó khăn, đau khổ… rồi sẽ qua đi, những may mắn, hạnh phúc, điều tốt lành sẽ đến.

Thế cho nên, hàng năm Tết đến, mọi người chúc nhau biết bao điều tốt đẹp, như an khang thịnh vượng, hạnh phúc, may mắn, thành đạt và như ý… Cái sức mạnh tinh thần ấy đã trở thành truyền thống, hàng năm, Tết đến dù ở bất cứ đâu, ai ai cũng quay trở về mái ấm gia đình, …Để góp phần bảo tồn Tết truyền thống còn giữ được sự thiêng liêng, giữ gìn một chút vốn liếng văn hoá… xin gởi đến quí vị một đôi điều để cùng trân trọng, giữ gìn và vui hưởng ngày Tết.

1. Ngày 30 Tết : Được xem là ngày Tết, vì nhà cửa đã được tươm tất, chưng dọn xong. Việc chưng dọn nhà cửa đẹp và sạch, sắp xếp bàn thờ gia tiên với nhang đèn, trái cây… không phải chỉ là thuần tuý vấn đề vệ sinh hay vui xuân mà thực chất, còn để chuẩn bị một tâm thế, một nghi thức có tính truyền thống để thân tâm được an lạc và thanh tịnh. Trong ngày cuối năm đó, tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình mà chúng ta sẽ tiến hành buổi cúng gia tiên cuối năm, hoặc trưa hoặc chiều ngày 30, gọi là mời đón ông bà về ăn Tết. Trong buổi đó, ngoài gia đình chủ nhà, còn mời anh chị em, chú bác… đến cùng đón ông bà.

2. Đón giao thừa :
- Trước 23h30’, tất cả tụ họp đầy đủ ở nhà. Chuẩn bị đầy đủ các món đồ cúng giao thừa như : 2 đèn cầy, 3 chung trà (rượu, nước trong, trà nóng), hoa (vạn thọ, cúc…), trái cây (dưa hấu, dừa xiêm, quít, ngũ quả…), xôi chè đậu xanh, bánh mứt… nói chung là lễ vật tinh khiết. Lưu ý : vật quý, tiền, vàng… thường cất vô tủ và mùng 2 Tết mới được lấy ra để giữ tài lộc suốt năm. Tiền mừng tuổi người già, trẻ nhỏ, tiền tiêu dùng… nhớ lấy ra trước.
- Đúng 0h (giờ phút thiêng liêng nhất) thì sắp bàn hương án để cúng, bàn thờ đặt trước cửa nhà, cửa ngõ, cửa cổng. Ai đứng cúng cũng được, thắp nhang khấn vái trời đất, cầu mọi điều tốt đẹp trong năm mới. Cúng Phật và chư thiên cũng ý nghĩa đó. Cũng có người khấn trời đất xong cũng khấn vái tổ tiên… đều tốt. Phải giữ không khí trang nghiêm, vui vẻ. Nhang tàn một chút thì lui đèn, gia đình quây quần ăn xôi chè, bánh mứt, uống trà, và chúc nhau những điều tốt đẹp.
- Tục lệ ta cũng kiêng cữ những lời nhảm nhí, nói gở, gây gỗ, đổ vỡ, giận dữ … Người hiểu biết ít, mới cho là mê tín dị đoan. Thực ra điều này giúp ta luôn làm chủ được mình, thực hành ái ngữ (nói lời tốt đẹp, thiện ý) kiềm chế sân si, thực hiện hạnh từ bi, giữ gìn sự điềm đạm trong tâm.

3. Mùng 1 : Tết ông bà, cha mẹ, sui gia, đoàn tụ về đại gia đình, cúng vái tổ tiên, chúc tết ông bà, cha mẹ tại thế, mừng tuổi, chú bác cô dì đều được cả.
 • Giờ xuất hành tốt: từ trưa đến chiều tối đều tốt (11h-21h), có thể xuất hành đi chùa hái lộc, không hạn định số người đi, khi trở về nhà xem như đã xông đất.
 • Giờ xuất hành buổi sáng : (7h-9h) Giờ này không đẹp bằng buổi chiều, nhưng cũng tạm được.
 • 8h – 12h : cúng Tổ tiên, gia đình ăn cơm đầu năm. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ chúc mừng và lì xì cho con cháu.
 • Trong ngày mùng 1 Tết, sáng mùng một nên ăn chay một buổi, nếu hoàn cảnh không tiện, thì ăn chay một bữa sáng, để thân tâm thanh tịnh, mừng xuân có thể uống chút rượu nhưng không say sưa, về nhà trước 22h. Ngày xuân, đi đâu cũng không được la cà, mau chóng về nhà để được vui xuân cùng ông bà và gia quyến.
 • Nhắc lại : “Đêm 30, ních chặt cửa càn khôn, kẻo ma vương đưa quỷ tới, Sáng mùng 1, rộng mở cửa từ bi, đón vạn hạnh bước vô nhà.”

4. Mùng 2 : Tết họ hàng, quyến thuộc, bạn hữu.
• Cúng kiến ông bà, thăm viếng thân quyến, bạn hữu, tiếp khách... Đi chợ đầu năm, khai bút…
• Những giờ tốt : 11h-13h, 13h-17h.
• Nếu làm ăn, thì bắt đầu cúng Ông Địa, Thần Tài từ 3 – 16 âm lịch.

5. Mùng 3 : Tết thầy, tiễn đưa ông bà (tạ vàng hay hoá vàng).
• Những giờ tốt : 9h-11h, 19h-23h.
• Cúng tạ vàng : Bữa cơm đại gia đình cúng tiễn ông bà, hóa vàng, dán lộc trong nhà. Cơm nước xong có thể hạ nêu, vui chơi trong tháng xuân.

6. Mùng 4, 5, 6, 7 : Họp mặt, vui chơi.

7. Mùng 5, 8, 9, 11, 13, 15, 16 có thể khai trương. Mùng 8 khai trương, khai trường, khởi sự công việc làm ăn đều tốt. Từ mùng 4 có thể vui xuân đi chơi xa.

Chúc tất cả thân hữu, quyến thuộc… một năm mới Giáp Ngọ An khang, Thịnh đạt và Hạnh phúc!

Monday, February 11, 2013

Xuân Quý Tỵ 2013

Xuân Quý Tỵ 2013

Xuân về cho cúc trổ bông
Cho mai kết nụ cho hồng ngát hương
Cho người sống lại yêu thương
Cho đời thêm đẹp, phố phường thêm xinh

Xuân về tô điểm quê mình
Ước mong năm mới dân tình sướng hơn
Ước sao hết lũ bất nhân
Đồng quê lại thắm tình thân lại đầy

Còn trời còn nước non này
Đắp xây đổi mới mỗi ngày đẹp hơn
Mỗi người góp sức một phần
Nước nhà đẹp mãi mùa Xuân lòng người...

Mùng 2 Tết Quý Tỵ - 2013
PQT

Tuesday, February 5, 2013

Những điều cần biết đầu xuân


Lúc trước, năm nào cũng đến dịp này, Bố thường bấm quẻ và soạn cẩm nang đầu xuân để tặng thân hữu, bạn bè. Nay lục lại file này, bắt chước sư phụ sủ quẻ đầu năm và gửi tặng mọi người cẩm nang đầu xuân để đọc chơi ngày Tết. Chúc mọi người 1 năm mới Thành công và Hạnh phúc !

---


Những điều cần biết đầu xuân
Năm Quý Tỵ-2013



Đây là những năm đầu thiên niên kỷ, là giai đoạn mở đầu một đại vận, cho đât nước và con người, cho nên năm 2013 vẫn  có một ý nghĩa quan trọng. Vừa là năm mới, xuân mới, vừa là những năm đầu thế kỷ, đầu thiên kỷ mới … và trong tâm thức cộng đồng ngươi Việt, mỗi năm là một tiểu vận, ai ai cũng tin vào vận hội mới, chu kỳ mới… những khó khăn, đau khổ… rồi sẽ qua đi, những may mắn, hạnh phúc, điều tốt lành sẽ đến.

Thế cho nên, hàng năm Tết đến, mọi người chúc nhau biết bao điều tốt đẹp, như an khang thịnh vượng, hạnh phúc, may mắn, thành đạt và như ý… Cái sức mạnh tinh thần ấy đã trở thành truyền thống, hàng năm, Tết đến dù ở bất cứ đâu, ai ai cũng quay trở về mái ấm gia đình,  …Để góp phần bảo tồn Tết truyền thống còn giữ được sự thiêng liêng, giữ gìn một chút vốn liếng văn hoá… xin gởi đến quí vị một đôi điều để cùng trân trọng, giữ gìn và vui hưởng ngày Tết.

1. Ngày 29 Tết : Được xem là ngày Tết, vì nhà cửa đã được tươm tất, chưng dọn xong. Việc chưng dọn nhà cửa đẹp và sạch, sắp xếp bàn thờ gia tiên với nhang đèn, trái cây… không phải chỉ là thuần tuý vấn đề vệ sinh hay vui xuân mà thực chất, còn để chuẩn bị một tâm thế, một nghi thức có tính truyền thống để thân tâm được an lạc và thanh tịnh. Trong ngày cuối năm đó, tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình mà chúng ta sẽ tiến hành buổi cúng gia tiên cuối năm, hoặc trưa hoặc chiều ngày 30, gọi là mời đón ông bà về ăn Tết. Trong buổi đó, ngoài gia đình chủ nhà, còn mời anh chị em, chú bác… đến cùng đón ông bà.

2. Đón giao thừa :
Trước 23h30’, tất cả tụ họp đầy đủ ở nhà. Chuẩn bị đầy đủ các món đồ cúng giao thừa như : 2 đèn cầy, 3 chung trà (rượu, nước trong, trà nóng), hoa (vạn thọ, cúc…), trái cây (dưa hấu, dừa xiêm, quít, ngũ quả…), xôi chè đậu xanh, bánh mứt… nói chung là lễ vật tinh khiết. Lưu ý : vật quý, tiền, vàng… thường cất vô tủ và mùng 2 Tết mới được lấy ra để giữ tài lộc suốt năm. Tiền mừng tuổi người già, trẻ nhỏ, tiền tiêu dùng…   nhớ lấy ra trước.
Đúng 0h (giờ phút thiêng liêng nhất) thì sắp bàn hương án để cúng, bàn thờ đặt trước cửa nhà, cửa ngõ, cửa cổng. Ai đứng cúng cũng được, thắp nhang khấn vái trời đất, cầu mọi điều tốt đẹp trong năm mới. Cúng Phật và chư thiên cũng ý nghĩa đó. Cũng có người khấn trời đất xong cũng khấn vái tổ tiên… đều tốt. Phải giữ không khí trang nghiêm, vui vẻ. Nhang tàn một chút thì lui đèn, gia đình quây quần ăn xôi chè, bánh mứt, uống trà, và chúc nhau những điều tốt đẹp.
Tục lệ ta cũng kiêng cữ những lời nhảm nhí, nói gở, gây gỗ, đổ vỡ, giận dữ … Người hiểu biết ít, mới cho là mê tín dị đoan. Thực ra điều này giúp ta luôn làm chủ được mình, thực hành ái ngữ (nói lời tốt đẹp, thiện ý) kiềm chế sân si, thực hiện hạnh từ bi, giữ gìn sự điềm đạm trong tâm.

3. Mùng 1 : Tết ông bà, cha mẹ, sui gia, đoàn tụ về đại gia đình, cúng vái tổ tiên, chúc tết ông bà, cha mẹ tại thế, mừng tuổi, chú bác cô dì đều được cả.
Giờ xuất hành tốt và sớm nhất : (0h-3h00’)(Địa Thiên Thái, Địa Trạch Lâm), có thể xuất hành đi chùa hái lộc, không hạn định số người đi, khi trở về nhà xem như đã xông đất.
Giờ xuất hành tốt buổi sáng : (7h-11h) (Địa Phong Thăng, Địa Thủy Sư), rất tốt, có thể xuất hành đi chùa, xông đất, chúc tết, về nội, ngoại, không hạn định số người đi, khi trở về nhà xem như đã xông đất.
Giờ xuất hành buổi chiều : 15h-19h (Địa Thiên Thái, Địa Trạch Lâm), tất cả mọi việc đều tốt.
8h – 12h : cúng Tổ tiên, gia đình ăn cơm đầu năm. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ chúc mừng và lì xì cho con cháu.
Những giờ tốt trong ngày: mở cửa, xuất hành, khai bút đầu năm : 0h-3h, 7h-13h, 15h-19h
Trong ngày mùng 1 Tết, sáng mùng một nên ăn chay một buổi, nếu hoàn cảnh không tiện, thì ăn chay một bữa sáng, để thân tâm thanh tịnh, mừng xuân có thể uống chút rượu nhưng không say sưa, về nhà trước 22h. Ngày xuân, đi đâu cũng không được la cà, mau chóng về nhà để được vui xuân cùng ông bà và gia quyến.
Nhắc lại :
“Đêm 30, ních chặt cửa càn khôn, kẻo ma vương đưa quỷ tới,
Sáng mùng 1, rộng mở cửa từ bi, đón vạn hạnh bước vô nhà.”

4. Mùng 2 : Tết họ hàng, quyến thuộc, bạn hữu.
Cúng kiến ông bà, thăm viếng thân quyến, bạn hữu, tiếp khách... Đi chợ đầu năm, khai bút…
Những giờ tốt : 11h-17h, 17h-21h.
Nếu làm ăn, thì bắt đầu cúng Ông Địa, Thần Tài từ  3 – 16 âm lịch.

5. Mùng 3 : Tết thầy, tiễn đưa ông bà (tạ vàng hay hoá vàng).
Những giờ tốt : 11h-13h.
Cúng tạ vàng : Bữa cơm đại gia đình cúng tiễn ông bà, hóa vàng, dán lộc trong nhà. Cơm nước xong có thể hạ nêu, vui chơi trong tháng xuân.

6. Mùng 4, 5, 6, 7 : Họp mặt, vui chơi.

7. Mùng 6, 9, 10, 14 có thể khai trương. Mùng 9 khai trương, khai trường, khởi sự công việc làm ăn đều tốt. Từ  mùng 4 có thể vui xuân đi chơi xa.

Chúc tất cả thân hữu, quyến thuộc …
một năm mới Quý Tỵ An khang, Thịnh đạt và Vạn hạnh!

Tuesday, February 1, 2011

Chúc mừng năm mới


Đây là năm đầu tiên tôi đón xuân xa nhà, và cũng là thời điểm kết thúc một quá trình học tập nghiên cứu suốt 3 năm qua. Mới ngày nào đặt chân lên đất nước Nhật Bản xa lạ với nhiều bỡ ngỡ, mà giờ đây đã gần 3 năm trôi qua. Nhật Bản bây giờ đối với tôi không còn xa lạ nữa, nhiều tỉnh thành tôi đã đặt chân đến, nhiều danh lam thắng cảnh đã ghé thăm, nhiều bạn bè mới đã gặp gỡ và tiếp xúc... Ba năm trôi qua là biết bao kỷ niệm, buồn có vui có, là biết bao thay đổi ở hoàn cảnh, ở cuộc đời và ở cả lòng người. Vài tháng nữa, là sẽ phải chia tay mảnh đất Kyoto thân thương này rồi. Vậy mới hiểu hết câu thơ "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở,/ Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn"

Đón xuân nơi đất khách quê người mới càng thấm thía hơn nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Bạn bè tuy nhiều, nhưng có mấy ai thật sự là tri âm tri kỷ? Nước Nhật tuy đẹp, nhưng không nơi đâu sánh được với quê nhà, bởi nơi đó còn có gia đình, người thân và kỷ niệm thời thơ ấu.

Chỉ còn vài giờ nữa là kết thúc năm Canh Dần và bước sang năm Tân Mão. Trước thềm năm mới xin kính chúc mọi người, những người có duyên gặp gỡ nhau trên thế giới thực hay ảo, một năm mới hạnh phúc, an vui và mọi điều như ý!

Chúc đất nước Việt Nam bước sang một năm mới với nhiều tiến bộ, đổi mới. Mong sao cái Chân, Thiện, Mỹ sẽ đẩy lùi được cái Tham lam, Hung bạo và Ngu muội, để mùa xuân mãi hiện hữu trên môi mỗi người Việt Nam bất kể địa vị, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, chính kiến... nào.

Kyoto, 30 tết Tân Mão - 2011

Saturday, January 8, 2011

XUÂN NHỚ NHÀ


XUÂN NHỚ NHÀ

Xuân này đón tết ở xa quê
Xa xứ lòng ta vẫn hướng về
Nhớ người, nhớ cảnh và luôn cả
Không khí quê nhà – ôi nhớ ghê!

Nhớ cảnh giao thừa cúng tổ tiên
Nhớ cành mai thắm, cúc bên thềm
Nhớ buổi quây quần cùng chúc tết
Uống ngụm trà thơm, ăn mứt sen.

Xuân đến làm ta thêm nhớ em
Nhớ khi trò chuyện, ngắm trời đêm
Nhớ lúc đi chùa, cùng lễ Phật
Mong gia đình hạnh phúc, ấm êm.

Nhớ đám bạn bè cũng đã lâu
Mỗi khi xuân đến vẫn cùng nhau,
Ăn uống, hẹn hò đi chúc tết
Gieo quẻ - xem năm mới thế nào?

Xuân sau thôi cảnh tết xa quê
Về nước - vui xuân, đón tết về
Có còn nhớ cảnh xuân xa xứ
Ngày tết – nôn nao, lại muốn về?

(Tết Tân Mão - 2011)

Friday, February 19, 2010

Mừng xuân Canh Dần - 2010


Mừng xuân Canh Dần - 2010

Canh Dần - năm mới đến rồi
Ngẫm nhìn thế sự, bồi hồi nghĩ suy,
Canh là thay đổi đúng thì,
Dần là tuần tự, chuyển di hợp thời.
Xấu xa - hãy bỏ ai ơi,
Vun trồng cái đẹp, cây đời nở hoa,
Chung tay dựng lại nước nhà,
Vươn vai Phù Đổng, hóa ra Cọp Rồng.
Vừa tròn ngàn tuổi Thăng Long,
Rồng xưa chuyển động, ước mong bao ngày.
Ngàn năm xưa, vận hội này
Trăm đàn chim Việt tung bay khắp trời.
Quê nhà, dạo bước thảnh thơi,
Thái bình, thịnh vượng, cuộc đời yên vui.
Mong cho cái ác phải lùi,
Thiện lành sẽ thắng, luật trời xưa nay.
Canh Dần, xuân mới đổi thay,
Một năm hạnh phúc, tràn đầy an vui…

(Canh Dan - 2010)

Sunday, January 31, 2010

VẬN HỘI MỚI


VẬN HỘI MỚI

Thăng Long yêu dấu, một ngàn năm
Một ngàn năm lẻ, lắm thăng trầm,
Đất nước chuyển mình sang vận mới
Sáng soi văn hiến bốn ngàn năm…
*
Mở đầu vận hội, bao hy vọng
Thái bình, tâm nguyện cả non sông
Cuộc sống yên bình và no ấm
Việt Nam, bỗng chốc hóa thành Rồng
*
Dựng lại cơ đồ của ông cha
Quyết lòng xây đắp nước non nhà
Đoàn kết, xóa tan bao thù hận
Tương lai tươi sáng, chắc không xa
*
Xóa bỏ hận thù, phải thật tâm
Hạt giống thương yêu, sẽ nảy mầm
Thẳng thắn, mở lòng - nghe sự thật
Tự do, dân chủ - chẳng ngoài tâm.
*
Thế giới ngày nay đã chuyển mình
Nước nhà, vào đại vận hồi sinh
Toàn dân chung sức lo việc nước
Sáng mãi ngàn năm đất nước mình…