Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label letotnghiep. Show all posts
Showing posts with label letotnghiep. Show all posts

Thursday, April 28, 2022

Vài suy nghĩ nhân dự một buổi lễ tốt nghiệp

Vài suy nghĩ nhân dự một buổi lễ tốt nghiệp

Sáng nay, khoa QLCN tổ chức lễ tốt nghiệp cho các tân cử nhân tốt nghiệp trong năm nay và cho cả SV tốt nghiệp năm ngoái nhưng chưa nhận bằng. Năm nay, ngoài buổi lễ chung của trường, mỗi khoa đều có 1 ngày riêng để trao bằng cho SV khoa mình, mục tiêu để bớt đông theo yêu cầu phòng tránh Covid-19 và cũng để không khí buổi lễ trang nghiêm và gần gũi hơn. Năm ngoái, do dịch bệnh, phần lớn SV không được nhận bằng ở 1 buổi lễ trang trọng như vậy, điều này tạo nhiều hụt hẩng cho các bạn SV đã tốt nghiệp. Vì vậy, buổi lễ năm nay cũng là 1 điểm được đánh giá là cải tiến tích cực từ phía nhà trường, khi biết lắng nghe ý kiến của SV, rút kinh nghiệm từ năm trước.

Khác với mọi năm, năm nay, các thầy cô trong khoa đều được mời tham dự và phải mặc lễ phục để ngồi trên sân khấu chứng kiến buổi lễ phát bằng. Điều này, cũng là 1 cải tiến khá hay, mà một số trường nước ngoài đã áp dụng. Nó làm cho buổi lễ trang trọng hơn và giúp các phụ huynh và tân cử nhân thấy được tập thể giảng viên đã từng giảng dạy trong suốt 4 năm học qua, làm tăng ý nghĩa của buổi lễ.

Nội dung buổi lễ nhìn chung cũng ngắn gọn, không quá dài dòng. Ban tổ chức cũng đã có nhiều cố gắng để tạo sinh động cho buổi lễ, như: tạo các video clip chia sẻ cảm xúc, phỏng vấn, văn nghệ, trao học bổng, rồi đến phát bằng và chụp hình lưu niệm.

Bên cạnh những điểm tích cực như đã kể trên, cũng có 1 vài điểm cần suy nghĩ như sau:

- Cách nói chuyện của MC có phần máy móc, khiến cho người nghe không cảm nhận được cảm xúc của người nói. Lẽ ra ở một buổi lễ cấp khoa như vậy, việc chia sẻ, trao đổi nên nhẹ nhàng, tình cảm, tránh rập khuôn thì sẽ tạo ra không khí gần gũi, ấm áp và nhiều cảm xúc hơn.

- Một vài tiết mục trao bằng theo tập thể chưa được chuẩn bị kỹ, nên có sự lúng túng trong việc bố trí chỗ đứng của người nhận và cách thức trao bằng của người trao, làm kéo dài thời gian và tạo cảm giác thiếu chuyên nghiệp. Điều này có thể cải tiến trong các buổi lễ sau, bằng việc sắp xếp trước, hướng dẫn và tập luyện.

- Về việc nhận bằng của từng tân cử nhân, hầu hết các bạn khi lên nhận bằng đều quên việc cúi chào tập thể thầy cô đang ngồi chứng kiến, điều này thể hiện 1 văn hóa ứng xử chưa tốt. Tôi thử đếm trong hơn 100 bạn lên nhận bằng, chỉ có khoảng 10 bạn cúi chào thầy cô khi bước lên bục nhận bằng, và chỉ có 5 bạn cúi chào thầy cô sau khi đã nhận bằng và trở về chỗ đứng bên dưới. Điều này tương phản với con số thống kê 90% tân cử nhân có việc làm ngay khi ra trường như thầy trưởng khoa đã chia sẻ trong bài diễn văn khai mạc. Phải chăng, vì quá vui trong ngày trọng đại này, mà các bạn để quên mất 1 hành động nhỏ là thể hiện lòng biết ơn đối với tập thể thầy cô của mình. Điều này, thiết nghĩ không cần hướng dẫn, bởi nó thể hiện suy nghĩ và tình cảm thật sự của mỗi người. Nên chăng, ở những năm sau, tân cử nhân khi lên sân khấu nên cúi chào các thầy cô đang chứng kiến trước khi đến nhận bằng, và khi rời khỏi sân khấu với tấm bằng trên tay, cũng nên cúi chào tri ân các thầy cô của mình, thì sẽ hay hơn.   

Ghi chép nhanh lại một vài suy nghĩ sau buổi lễ. Hy vọng, các bạn SV khóa sau có thể qua đó rút kinh nghiệm để việc tổ chức ngày lễ tốt nghiệp ở các năm sau được hay hơn và trọn vẹn hơn. Chúc các tân cử nhân nhà QLCN luôn vững bước, tự tin trong cuộc sống, và bên cạnh hành trang tri thức đã có, sẽ học được thêm nhiều bài học quý giá về tình người, và giá trị sống. 

SG, 28/04/2022 - PQT