Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label tap3. Show all posts
Showing posts with label tap3. Show all posts

Tuesday, February 27, 2024

Quốc vương Hữu Đức

 

Quốc vương Hữu Đức


Trong thời quá khứ vô lượng kiếp xa xưa, có đức Phật ra đời hiệu là Hoan-Hỷ Tăng-Ích Như-Lai. Lúc bấy giờ đất nước thái bình thạnh trị, dân chúng ấm no hạnh phúc an vui vô cùng, chẳng khác hạnh phúc của chư Bồ-Tát cõi nước Cực-Lạc. Ðức Phật Hoan-Hỷ Tăng-Ích trụ ở đời rất lâu, đến khi cơ duyên độ sanh viên mãn, Ngài nhập Niết-bàn ở thành Câu-Thi-Na, rừng Ta-La Song-Thọ. Sau khi Phật Tăng-Ích nhập Niết-bàn, chánh pháp còn ở đời rất lâu đến vô lượng ức năm. 

Vào lúc chánh pháp chỉ còn 40 năm cuối, bấy giờ có vị tỳ-kheo tên là Giác-Ðức trì giới thanh tịnh, đồ chúng dự nghe đông đảo. Tỳ-kheo Giác-Ðức khuyên cấm các tỳ kheo không được chứa nuôi tôi tớ, trâu bò, heo dê cùng những vật phi pháp. Ðiều nầy khiến cho các tỳ-kheo phá giới oán ghét tìm cách phá phách hãm hại tỳ-kheo Giác-Ðức. Lúc bấy giờ Quốc-vương Hữu-Ðức biết được sự việc như vậy. Vì lòng hộ trì chánh pháp, nên nhà vua đem quân lính đến bảo vệ tỳ-kheo Giác-Ðức an toàn thoát khỏi nạn.

Bọn tỳ-kheo phá giới kia tức giận gây chiến với nhà vua, làm cho nhà vua bị thương nặng. Thấy cảnh đau lòng, tỳ-kheo Giác-Ðức an ủi nhà vua rồi khen: "Lành thay! Lành thay! Vua vì hộ trì chánh pháp mà không tiếc thân mạng. Ðời sau thân vua sẽ là vô lượng pháp khí". Nghe xong lời tán thán ấy, nhà vua hoan hỷ thân tâm nhẹ nhàng, rồi tắt thở, thần thức sanh về cõi Phật A-Súc làm đệ tử thứ nhất của Phật nầy. 

Quân lính theo vua chiến đấu với bọn ác tăng và những người tùy hỷ khen ngợi tinh thần vị pháp vong thân của nhà vua đều được tâm Bồ-đề bất thối chuyển, sau khi chết đều được sanh về cõi Phật A-Súc. Còn tỳ-kheo Giác-Ðức sau khi mạng chung cũng được sanh về cõi Phật A-Súc làm đệ tử thứ hai trong chúng Thanh-văn của đức Phật nầy".

Khi thuật câu chuyện trên đây xong, đức Thích-Ca Như-Lai gọi ngài Ca-Diếp nói: "Nầy Ca-Diếp! Vị Quốc-vương Hữu-Ðức kia chính là tiền thân của ta. Còn tỳ-kheo Giác-Ðức chính là tiền thân của Ca-Diếp đó vậy.

Bài học: Ở thời mạt pháp, nơi mà ma chướng nhiều hơn thuận duyên, người tu cần nổ lực tinh tấn trong việc tu tập đạo pháp và bảo vệ chánh pháp. Trong câu chuyện này, nhà vua Hữu Đức vì hộ pháp mà phải mất mạng, nhưng đó là cái chết đẹp, mang lại sự tái sanh ở cảnh giới tốt lành. Tỳ kheo Giác Đức là biểu tượng đáng khen ngợi cho người tu hành, vì đã khéo léo hộ trì, giữ gìn chánh pháp cho đời sau. Chúng ta đang sống trong thời mạt pháp, cần nổ lực tu tập, vượt qua chướng duyên, để có thể hoằng pháp, lợi sanh và tránh những ma lực, chướng ngại của thời đại.


(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Wednesday, April 13, 2022

Chim Phượng hoàng

Chim Phượng hoàng

Thuở quá khứ xa xưa, có một kiếp nọ Như-Lai làm chim Phượng-hoàng chúa với năm trăm người vợ đẹp theo hầu hạ, cuộc sống vinh hoa phú quý quyền uy hạnh phúc như thế, tưởng đã êm đềm với ngày tháng trôi qua. Nhưng bỗng một ngày kia Phượng-hoàng chúa bay dạo trên khu rừng già để thưởng ngoạn những hoa thơm trái lạ, chợt thấy một nàng Phượng-hoàng trẻ đẹp sắc xanh da trời với bộ lông tuyệt mỹ, dáng bay dịu dàng, tiếng hót thanh tao, khiến cho Phượng-hoàng chúa khởi tâm đắm sắc, mê mẩn dục tình, bỏ năm trăm vợ hiền trẻ đẹp để theo nàng Phượng-hoàng yêu kiều diễm lệ kia. Nàng Phượng-hoàng trẻ đẹp mới nầy khó tánh, kén ăn kén ở lại thích chiều chuộng, làm cho Phượng-hoàng chúa phải chiều lòng để cho đẹp dạ nàng. Vì thế, ngày ngày Phượng-hoàng chúa phải bay đi khắp đó đây để tìm những trái cây ngon ngọt thơm tốt đem về để làm đẹp lòng nàng Phượng-hoàng tình nhân. 

Lúc bấy giờ Hoàng-hậu thành Vương-Xá đau nặng, nhà vua đã mấy phen cho mời các ngự y, danh y trong nước đến xem bệnh hốt thuốc, nhưng bệnh tình Hoàng-hậu vẫn không thuyên giảm chút nào. Một hôm, Hoàng-hậu bị cơn bệnh hoành hành mê sảng thiếp đi, trong cơn mê sảng chiêm bao thấy có người đến mách rằng, bệnh của lệnh bà chỉ có ăn thịt Phượng-hoàng chúa mới hết, bằng không thì chẳng bao lâu nữa sẽ phải chết. Khi thức giấc, Hoàng-hậu lo sợ khóc lóc đem điềm chiêm bao tâu cho vua nghe. Vua lấy làm lo âu liền triệu tập quần thần để đoán mộng. Các thầy đoán mộng tâu vua rằng: "Nếu căn cứ vào điềm chiêm bao của Hoàng-hậu, thì chỉ còn có cách là ăn thịt chim Phượng-hoàng chúa, hoàng hậu mới hết bệnh". 
Thế rồi, nhà vua truyền lệnh rằng: "Ai bắt được chim Phượng-hoàng chúa về dâng lên vua thì sẽ được trọng thưởng ngàn lượng vàng và gả công chúa làm vợ". 

Khi lệnh nhà vua vừa truyền ra, các người thợ săn vội vã thi đua nhau đi khắp núi rừng để tìm bắt chim Phượng-hoàng chúa với hy vọng được trọng thưởng và được làm chồng công chúa. Những thợ săn không quản ngại ngày đêm đi lùng tìm, họ dùng đủ trăm phương ngàn kế bủa vây khắp nơi để tìm cách bắt cho được Phượng-hoàng chúa. Chẳng bao lâu, một trong số những thợ săn đã theo dõi biết được tông tích nơi ẩn trú của Phượng-hoàng chúa và nàng Phượng-hoàng tình nhân. 

Gã thợ săn này biết rằng con Phượng-hoàng chúa không dễ gì bắt được. Trong lúc suy tư tìm phương cách, thì anh ta nghĩ ra một diệu kế, lấy mật và bánh bột nhồi trộn lẫn nhau rồi tự trét lên thân mình anh ta. Ðồng thời chọn mua trái cây thơm ngọt gắn dính lên khắp mình anh nhìn như một đống trái cây. Xong rồi, gã thợ săn giả trang ngồi yên bất động trên một cành cây cổ thụ, kiên nhẫn đợi chờ mấy ngày liền. 

Bỗng vào một buổi mai khi ánh bình minh vừa rạng chiếu chân trời, chim chóc khắp nơi trên cành cây kẽ lá reo hò thi đua nhau bay đi tìm mồi, thì Phượng-hoàng chúa cũng như mọi ngày bay đi tìm trái cây ngon ngọt cho tình nhân. Khi Phượng-hoàng chúa bay qua đám rừng già, thoạt ngửi thấy mùi thơm ngọt thoảng trong gió, liền tìm bay đến chỗ phát ra mùi thơm, lượn mấy vòng trên không quan sát kiếm tìm. Phượng-hoàng nhìn kỹ thì thấy trên cây cổ thụ một đống trái cây thơm tốt, nên lòng rất mừng rỡ tự nhủ rằng: "Ðỡ quá! Sao mà nhiều trái cây ngon ngọt thế nầy! Từ đây ta sẽ không còn phải mất thì giờ khổ công ngày ngày tìm kiếm trái cây cho người yêu quý của ta nữa!" 

Chẳng ngần ngại, Phượng-hoàng đáp nhanh xuống cây cổ thụ quán sát một hồi thấy rõ một khối trái cây tươi tốt thơm ngọt. Tin chắc không còn ngại ngùng e sợ, Phượng-hoàng liền bay đến đậu trên đống trái cây, đúng ngay vị trí bả vai của gã thợ săn ngụy trang kia, miệng vừa cắn trái cây, chân dính mật. Nhanh như chớp, gã thợ săn chụp lấy. Phượng-hoàng kinh hãi thét lên mấy tiếng vùng vẫy. Nhưng đã quá chậm rồi. Phượng-hoàng run rẩy van xin: "Ông ơi! Chắc ông đã phải khổ cực lắm mới bắt được tôi. Vì tôi mà ông đã phải ngồi bất động cực nhọc như thế nầy. Chắc là để đổi lấy điều gì lợi ích lớn lao lắm đây, nên ông mới tốn hao khổ công thế nầy? Nếu ông chịu thả tôi ra, tôi sẽ dẫn chỉ cho ông một núi vàng. Nơi đó, ông sẽ lấy được nhiều vàng, trở thành giàu sang triệu phú. Còn mạng tôi đây có đáng gì đâu! Xin ông thương xót tha cho". 

Gã thợ săn đáp: "Sao lại không đáng? Nhà vua đã hứa rằng, hễ ai bắt được ngươi đem nộp, thì sẽ được thưởng ngàn lượng vàng và được gả công chúa làm vợ. Còn núi vàng kia làm sao bằng công chúa? Bộ ngươi muốn đùa với ta sao chớ?" 

Nói xong, kẻ thợ săn trói chặt Phượng-hoàng đem về dâng nạp lên vua. Ðược chim Phượng-hoàng chúa, nhà vua rất đỗi vui mừng, liền truyền lệnh làm thịt nấu cho Hoàng-hậu ăn để hết bệnh. 
Phượng-hoàng chúa thưa:

"Muôn tâu Thánh-thượng! Thánh thượng là bậc chí tôn trong thiên hạ, ân đức trùm khắp cả bốn phương. Nay vì cứu mạng sống của Hoàng-hậu mà tôi phải hy sinh, thì tôi cũng không lấy gì làm tiếc cái thân mạng hèn hạ nầy. Nhưng tâu Thánh-thượng, tôi vốn biết bùa phép linh thiêng kỳ diệu, có thể cứu Hoàng-hậu ra khỏi ngặt nghèo mà không cần phải ăn thịt tôi. Nếu Thánh-thượng tin thương, thì xin cho một thau nước, tôi sẽ vẽ thần chú linh phù trong nước rồi đem dâng cho Hoàng-hậu uống và tắm thì bệnh hết ngay. Nhược bằng không hiệu nghiệm, tôi xin chịu tội mất mạng cũng chẳng muộn. Còn nếu Hoàng-hậu lành bệnh, xin Ngài thả tôi về lại với núi rừng".

Nhà vua lấy làm ngạc nhiên, nhưng vẫn nhận lời và ra lệnh cận thần bưng thau nước đến. 

Quả đúng như vậy. Sau khi Hoàng-hậu uống và tắm nước linh phù xong, thì cảm thấy mạnh khỏe và sắc diện Hoàng-hậu trở nên trẻ đẹp hơn trước. Nỗi sầu lo ưu buồn của nhà vua và của cả hoàng triều cũng liền theo đó không còn nữa. Ðược tin Hoàng-hậu bình phục như thường, từ trong thành nội cho đến ngoài nhân gian, khắp mọi cõi lòng tràn ngập nguồn vui. 

Sau khi Hoàng-hậu trở nên mạnh khỏe trẻ đẹp hơn xưa, nhà vua vô cùng mừng rỡ và thầm khen tài nghệ thần bí của Phượng-hoàng. Nhà vua muốn giữ Phượng-hoàng ở lại hoàng cung. Nhưng trước đó nhà vua đã hứa thả Phượng-hoàng về với núi rừng, khi Hoàng-hậu lành bệnh. Trong lúc đó, Phượng-hoàng để thử ý nhà vua, xem có con thiết tha cần mình nữa không, nên xin nhà vua giữ lời hứa. Riêng về nhà vua lúc nầy thì mãi bận vui với Hoàng-hậu, nên chẳng còn để ý tới Phượng-hoàng nữa. 

Trước khi rời khỏi cung vua để bay về núi rừng sống lại cuộc đời mây nước trời cao rừng thẳm bao la, Phượng-hoàng còn tâu với vua lần chót rằng: "Muôn tâu Bệ-hạ! Ðể trả ơn Bệ-hạ tha sống, xin Bệ-hạ cho phép tôi được đáp xuống hồ sen bán nguyệt đọc thần chú linh phù, để nhân dân trong nước của Ngài nếu ai có bệnh tật mà uống nước hồ nầy thì cũng sẽ được tiêu trừ". Nhà vua cả mừng bằng lòng ngay. Từ đấy, nhân dân trong nước, hễ ai có bệnh tật gì đến xin lấy nước hồ sen uống thì đều được lành bệnh ngay. 

Phượng-hoàng bay đậu trên nóc cung điện bái chào nhà vua và hoàng triều lần cuối trước khi từ biệt. Từ trên nóc cung điện, Phượng-hoàng nói lớn lên rằng:

"Trên đời nầy có ba kẻ điên: Kẻ thứ nhất là tôi, kẻ thứ nhì là gã thợ săn, và kẻ thứ ba là Bệ-hạ". 

Nói xong thấy nhà vua và cả hoàng triều nhìn chim Phượng-hoàng với dáng điệu ngơ ngác ngạc nhiên, Phượng-hoàng liền nói tiếp:

"Chư Phật đã từng nói, nữ sắc cắt giết mạng người. Tôi vì mê sắc đẹp của tình nhân mà bội bạc bỏ năm trăm người vợ hiền chung tình ngày đêm săn sóc cho tôi. Tôi vốn là vua của loài Phượng-hoàng, trời cao mây nước vốn là giang sơn của tôi. Thế mà vì nữ sắc, tôi phải ngày ngày đem thân làm tôi mọi đi kiếm tìm thức ăn ngon ngọt để về cung phụng cho một con Phượng-hoàng mái, để đến nỗi phải rơi vào tay gã thợ săn xuýt nữa toi mạng. Ấy là tôi điên. 

Còn gã thợ săn kia, tôi đã thật tình khẩn khoản chỉ núi vàng cho gã để đổi lấy mạng sống của tôi, để gã trở nên người giàu sang triệu phú. Nhưng gã vì quá ước mơ được lấy công chúa. Lời hứa của đàn bà chẳng khác sương sáng cành hoa, mây chiều lãng đãng, có chắc gì đâu? Nghe thì hay ho êm dịu, thấy thì đẹp như hoa nở bướm lượn, nhưng tất cả đều là ảo tưởng huyễn mộng, không có gì thật cả. Sự nghiệp danh giá của kẻ nam nhi sẽ lại tan tành trong nháy mắt vì nữ sắc. Như gã thợ săn kia, vì nghe lời hứa của nhà vua, say sưa sẽ được công chúa, mà mất cả núi vàng, mất cả giàu sang và mất cả công chúa. Ấy là kẻ điên thứ hai. 

Còn Bệ-hạ được một danh y cứu sống Hoàng-hậu, cứu bệnh tật muôn dân, đem lại sự an lành cho thiên hạ. Ấy thế mà Bệ-hạ để cho danh y ấy ra đi không một lời khẩn khoản nài nỉ, không một chút tiếc nuối. Bệ-hạ chỉ biết vui với Hoàng-hậu, sẵn sàng chém đầu bất cứ ai, miễn là được Hoàng-hậu vui vẻ bên vua. Nếu tôi không có thần chú linh phù thì chắc cái đầu tôi cũng bay đi rồi, và giờ nầy thân tôi đã vào bụng Hoàng-hậu. Thế có phải Bệ-hạ là kẻ điên thứ ba không?"

Nói xong, Phượng-hoàng cất cánh bay cao vào khoảng trời mây bao la cao rộng xanh biếc. 

Thuật câu chuyện xong, đức Phật nói với đại chúng rằng: "Người thợ săn trong mẩu chuyện mà ta mới vừa kể chính là tiền thân của Ðề-Bà Ðạt-Ða. Còn Hoàng-hậu đòi ăn thịt chim Phượng-hoàng kia chính là tiền thân vợ của Ðề-Bà Ðạt-Ða ngày nay. Nhà vua thuở đó chính là tiền thân của Xá-Lợi-Phất. Chim Phượng-hoàng chính là tiền thân của Như-Lai đây vậy". 

Ðức Phật còn nói tiếp, thuở ấy, tuy đọa làm thân súc sanh, nhưng ta đã phát tâm tu Bồ-Tát hạnh, hành Bồ-Tát đạo với tâm từ bi hỷ xả cứu độ thế nhân. Chẳng qua vì một niệm mê đắm sắc dục mà ta đã phải lụy thân làm kiếp con Phượng-hoàng.

Bài học: Không nên đắm mê sắc dục, bởi đó là nguyên nhân của khổ đau và nhiều tai nạn trong cuộc sống. Ái dục dễ làm con người mê đắm và sa đọa, trôi lăn trong nhiều kiếp luân hồi. Nhưng bản chất của ái dục thì vui ít, khổ nhiều, và chẳng mấy khi được thỏa mãn. Người tu học cần “thiểu dục, tri túc”, tránh xa các cám dỗ của ái dục để có thể an ổn, và đạt được chân hạnh phúc, giải thoát. Trong câu chuyện trên, cả chim Phượng hoàng, gã thợ săn và nhà Vua đều là nạn nhân của ái dục, dẫn đến trí tuệ mê mờ và hành động không sáng suốt (được chim Phượng hoàng ví như 3 kẻ điên). Vì vậy, người tu cần tránh xa ngũ dục (tài, danh, sắc, thực, thùy), đặc biệt là sắc dục là thứ dễ khiến con người ta điên đảo và trầm luân sanh tử.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Sunday, September 19, 2021

Em hãy im lặng

 


Em hãy im lặng

Năm xửa năm xưa, gần mấy mươi triệu năm về trước, trái đất còn chưa có loài người, chỉ có cầm thú sinh sống bên nhau hài hòa, dễ thương. Lúc ấy, trái đất còn nguyên vẹn sự tinh khôi, không bị ô nhiễm một chút nào cho nên cỏ rất ngọt, lá rất ngon. Các loài thú này ưa ăn cỏ, ăn rong rêu, ăn lá non ở các bụi cây.

Do bao nhiêu trận động đất dữ dội, do núi lửa bùng nổ liên miên và do sự va chạm của những tảng đá trời khổng lồ nên trái đất như một cơ thể non nớt của một em bé đang lớn lên để trưởng thành. Bởi vậy, trái đất chưa có nhiều cây cối to lớn mà chỉ toàn là cỏ non, hoa dại, rong rêu và bụi nhỏ. Thế mà, không hiểu vì sao lại có một cây sồi thật to lớn, che rộng mấy mươi mẫu đất. Hồi đó, vòm khí quyển vừa mới hình thành cho nên trái đất còn lạnh lắm, nhất là vào lúc ban đêm. Cái lạnh băng giá tê buốt thấu xương! Các loài thú vật thường nương náu, sinh sống bên nhau cho ấm áp ở dưới gốc cây cổ thụ này. Con nai nằm ngủ một bên con cọp. Con thỏ ngủ trên vai con chó sói. Con chim đậu trên thân hình con rắn. Nghĩa là tất cả mọi loài thú vật sống chung hoà hợp bên nhau như anh em ruột thịt.

Cạnh bên cây sồi vĩ đại lại có một tảng đá cổ, chỉ lớn bằng con sư tử nhưng hình thù kỳ lạ, dung mạo khả ái, đoan nghiêm. Không ai biết rõ tảng đá này có mặt từ lúc nào? Có thể nó ngồi dưới gốc cây cổ thụ này không biết bao nhiêu triệu năm rồi. Có thể tuổi đá cũng là tuổi của trái đất. Mỗi buổi sáng tinh sương, tảng đá thường phát ra ba âm thanh kỳ diệu. Đó là “hãy im lặng”, “hãy bình tĩnh”, “hãy bên nhau”. Âm thanh vang dội đầm ấm và thiêng liêng đến mức nào! Mỗi lúc như thế, các loài thú thức dậy lắng lòng để nghe tiếng đá. Chẳng ai bảo ai, tất cả loài thú ngồi yên vừa theo dõi hơi thở, vừa nhìn mặt trời lên, vừa nghe tiếng đá thì thầm. Ngày nào cũng như ngày nào, chúng thức dậy đúng lúc âm thanh kỳ diệu ấy vang lên. Nhờ thế, tâm hồn loài thú trở nên hiền lành và hồn nhiên như tuổi thơ.

Sau khi ông mặt trời vừa ló ra khỏi dãy núi, bọn thú cùng nhau đi tìm thức ăn ở các ngọn đồi xa xa, ở nơi các con sông và nơi các bến nước. Thỉnh thoảng dừng lại, chúng vui chơi, đùa giỡn, đuổi bắt với nhau một cách thích thú, hồn nhiên, vô tư như các em thiếu nhi bây giờ. Con sư tử đuổi theo con nai. Con thỏ ngồi trên lưng con cọp. Con sóc đu nơi hai chân của con chim đại bàng để bay lên cao. Bọn thú chơi đùa với nhau thật vui vẻ và hạnh phúc. Tiếng cười, tiếng nói vang lên đến tận trời xanh. Chúng yêu thương nhau, bảo hộ cho nhau, ăn chung, ngủ chung thật là dễ thương.

Một hôm, con nai ham chơi, chạy nhanh quá nên bị trượt chân chảy máu, vì vậy nó phải cà nhắc cà thọt đi tìm một nơi yên tĩnh để trị thương.

Các bạn khác vẫn còn tiếp tục chơi các trò chơi hấp dẫn. Chỉ có con cọp cảm thấy bất an trong lòng. Lần đầu tiên, cọp ngửi được mùi tanh của máu, và cơ thể của nó chuyển biến, rung động dữ dội, có một sự thèm khát mãnh liệt đang xảy ra trong lòng. Tự nhiên, nó muốn vồ lấy con nai đang bị thương. May quá, nó dừng lại được cái ý tưởng ấy. Con nai là bạn thân của nó mà. Con cọp không thể nào hiểu nổi cái cảm giác quái lạ này. Con cọp đang đau khổ bởi sự thèm khát mạnh mẽ này, do đó nó tìm một nơi yên tĩnh để ôm ấp để chở che. Nó đi đến bên bờ hồ vừa ngồi xuống vừa thở để xét lại lòng mình. Hơi thở tuy có phần hổn hển nhưng cũng đủ làm cho nó bình an trở lại. Nó nhớ tới những ngày anh em sống bên nhau, chơi đùa với nhau, ngủ chung dưới gốc cây, thương yêu nhau như thể tay chân. Nó sực hiểu ra rằng tại sao tảng đá thường phát ra ba âm kỳ diệu là “hãy im lặng”, “hãy bình tĩnh”, “hãy bên nhau”. Hãy bình tĩnh! Đúng rồi. Hãy bên nhau bởi vì nó thương con nai lắm. Tuy hiểu như thế, nhưng sự thèm thuồng này sao mà mạnh quá! Con cọp tiếp tục ngồi yên theo hơi thở để làm lắng xuống cảm xúc thèm thuồng này. Cọp đâu có ngờ rằng tâm trạng của báo, hổ, gấu, rắn cũng như thế. Các bạn hình như cũng đang ngồi im lặng, bình tĩnh mà ôm ấp cảm xúc như con cọp.

Lần đầu tiên ngửi được mùi máu, các loài thú này đều cảm thấy nong nóng trong cơ thể, có một sự chuyển động âm thầm trong xương thịt. Bọn thú răng nhọn này bắt đầu cảm thấy ngờ ngợ mỗi khi tới gần nhau, có một chút gì bất an, sợ hãi, lo âu trong lòng đối với các con thú khác. Đặc biệt, chúng cảm thấy có một sự thèm khát đang sôi sục trong thân thể cho nên nước miếng cứ tuôn trào ra.

Cũng vậy, các con thú nhỏ bé hiền lành cảm thấy sờ sợ các bạn to lớn hơn. Không biết tại sao cái nhìn của anh cọp sao hung dữ quá. Cái nhìn của chó sói sao mà đáng nghi quá. Do vậy, các con thú bé nhỏ, hiền lành này bắt đầu lánh xa các bạn to lớn kia.

Một hôm, tụi nai, sóc, thỏ tìm thấy một con cá bị ai ăn hết thịt chỉ còn bộ xương sườn. Chúng cảm thấy tội nghiệp cho con cá! Lá non trên các bụi cây cũng thiếu người hái ăn. Bãi cỏ non chẳng còn ai vui chơi như ngày trước nữa. Cái hồ mát mẻ bên kia đồi cũng ít người bơi lội hoặc qua lại. Không khí quanh đây có vẻ không được an ổn lắm.

Từ đó, chúng bắt đầu lánh xa, không còn trở về ở bên cội cây cổ thụ nữa. Các con thú dữ khác như cọp, beo, gấu, chó sói bắt đầu rình bắt các con thú bé nhỏ, hiền lành. Họ bị cơn thèm khát chinh phục và quên đi tình bạn bè, nghĩa anh em. Họ nghe theo tiếng gọi của bản năng, tập khí của chủng loại để rình bắt các bạn hiền lành, yếu đuối đã một thời sống bên nhau dưới gốc cây cổ thụ.

Cây sồi vẫn còn đó đang dang rộng tàng cây che chở cho muôn thú. Tảng đá cổ vẫn đứng yên bất động và mỗi buổi sáng vẫn thường phát ra ba âm thanh vi diệu, nhưng các con thú kia không còn có khả năng để lắng nghe các âm thanh ấy nữa. Một bên sợ hãi cố xa lánh, một bên thèm thuồng rình rập đã chi phối hết tâm hồn của họ.Từ đây, trái đất xinh đẹp này không còn nghe tiếng cười đùa, vui chơi của các loài thú nữa, thay bằng những tiếng kêu la, than khóc của sự tàn nhẫn bởi lòng tham lam.

Bài học: Loài người ngày nay cần trở về với thiên nhiên, để thấy mình và muôn loài là cùng một bản thể, để có thể lắng nghe tiếng của đá “hãy im lặng, hãy bình tĩnh, hãy bên nhau”. Phật đã dạy, trong vạn kiếp luân hồi, chúng ta đã từng là anh em, cha mẹ, bằng hữu với muôn loại chúng sinh. Vì vậy cần biết yêu thương, ngừng giết hại, tàn phá môi sinh, và hãy học lại bài học “cùng chung sống”.


(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)