Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label doclaptinhthan. Show all posts
Showing posts with label doclaptinhthan. Show all posts

Monday, June 14, 2021

CHẠY THEO ĐỘC LẬP VẬT CHẤT SẼ ĐÁNH MẤT ĐỘC LẬP TINH THẦN

CHẠY THEO ĐỘC LẬP VẬT CHẤT SẼ ĐÁNH MẤT ĐỘC LẬP TINH THẦN

Thời gian gần đây, "độc lập không bị trói buộc" là câu nói cửa miệng của nhiều giới trong xã hội. Nhưng phần lớn người ta đều hiểu sai ý nghĩa của nó. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần phải hiểu đúng nghĩa của câu chữ khi dùng. Từ "độc lập" có hai cách hiểu phân biệt nhau. Đó là độc lập hữu hình và độc lập vô hình. Hay còn gọi là độc lập về vật chất và độc lập về tinh thần.

Độc lập về vật chất là mỗi người trong xã hội đều có một gia đình, có nghề nghiệp, tự lo được cuộc sống của bản thân và của gia đình, không phải nhờ vả làm phiền ai. Tức là không phải ngửa tay xin xỏ ai.

Độc lập hữu hình nhìn thấy, nên dễ nhận biết. Còn độc lập vô hình, độc lập về tinh thần rất khó nhận biết vì ý nghĩa sâu sắc của nó và liên quan tới nhiều lãnh vực rộng lớn. Thoạt nhìn có những thứ tưởng như chẳng liên can gì với độc lập, nhưng lại mang sự ràng buộc sâu xa.

Tôi lấy ví dụ từ con người để giải thích cụ thể hơn.

Tục ngữ có câu "Chén thứ nhất, người uống rượu. Chén thứ ba, rượu uống người". Câu tục ngữ này muốn nhắc nhở con người đừng để dục vọng chế ngự mình. Trong xã hội hiện nay, không chỉ có rượu đang chế ngự con người, mà "thiên hình vạn trạng" thứ đang chế ngự, làm cản trở sự độc lập về tinh thần con người. Ví dụ, cái áo lành lặn đang mặc tự nhiên chê lỗi thời không dùng nữa, phải đi cắt may áo mới cho hợp thời. Nhà cửa yên lành đang ở bỗng nhiên chê là chật hẹp, phải kiếm nhà mới cho đủ chỗ để làm phòng yến tiệc thiết đãi bạn bè. Cơm dẻo canh ngọt ở nhà chê là đạm bạc, phải kéo nhau ra ăn tiệm mới là ngon. Hết thứ này tới thứ khác, được một lại muốn mười, lòng ham muốn không bao giờ có giới hạn. Nhiều gia đình trở thành nô lệ của tiền bạc, vật chất.

Chưa hết, có nhiều trường hợp còn bị vật chất của người ngoài chi phối. Đó là, thấy người ta may áo vét thì mình cũng phải may áo vét. Thấy người ta xây nhà hai tầng thì mình cũng phải xây lên thành ba tầng mới chịu. Nhà bạn bè có cái gì thì dù có phải chạy vạy vay mượn nhà mình cũng phải sắm y như vậy. Đồng nghiệp xì xầm về mặt hàng nào là cũng lẳng lặng tìm mua cho bằng được mặt hàng đó. Có người bàn tay vốn đen đúa, sần sùi thô kệch, vậy mà cũng cố đeo nhẫn vàng thật to. Đêm hè oi bức, tắm xong lẽ ra chỉ cần mặc bộ đồ yukata, rồi phe phẩy cái quạt nan cho dịu mát. Vậy mà lại đi vận luôn bộ đồ pyjama dày sụ nóng nực. "Có thế mới giống với Tây chứ". Dù phải "ngậm đắng nuốt cay", người ta vẫn cứ cố miễn sao cho giống người phương Tây, miễn sao không thua kém người khác là được.

Tuy vậy, việc bắt chước người khác vẫn còn có thể bỏ qua. Có trường hợp "nhìn gà hoá cuốc" còn nực cười hơn nữa. Nghe đồn bà hàng xóm mới sắm chiếc áo vải tơ thêu chỉ vàng óng ánh, ngay lập tức cũng đặt may một cái áo như vậy. Mặc sang khoe thì hỡi ôi chiếc áo của bà hàng xóm chỉ là cái áo sợi bông thô, điểm một vài đường chỉ mạ lấp lánh chứ có phải là tơ lụa, là sợi vàng ròng gì đâu.

Đến nước này thì cái đang chi phối tinh thần không còn là vật chất của mình, hay vật chất của người khác, mà chính là giấc mộng ảo. Nó đang huỷ hoại dần cuộc sống của bản thân và mỗi gia đình.

Chúng ta phải tự tỉnh ngộ. Mỗi người, hãy tự mình đo thử khoảng cách đến với độc lập về tinh thần còn bao xa?

(Nguồn: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)