Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Thursday, August 31, 2023

Chim con về với Phật

 


Chim con về với Phật

 Chú tiểu Minh nhặt được chú chim con lúc chiều khi đang cúng thí thực. Con chim run rẩy sà xuống như chiếc lá khô rơi rụng trong buổi chiều tà. Nó cùng bầy với lũ chim được phóng sanh hồi sáng này. Nhưng lại quá kiệt sức nên không thể bay xa được. Động lòng, chú mang chim về liêu mình để chăm sóc và cho ăn.

Buổi tối lên ngồi học kinh trên giảng đường, chú tiểu mang chim để trên bàn, nơi có ngọn đèn ne-on toả sáng. Hơi ấm của ánh đèn làm cho bộ lông chim khô ráo, và ánh mắt của nó trở nên linh hoạt hơn đôi chút.

Chú tiểu nhìn vào quyển kinh ngâm nga đọc, nhưng mắt cứ cụp xuống, gật gù. Bỗng chú giật mình khi nghe có tiếng chim hót. Mà không, hình như chim đang nói. Một giọng nói thật nhỏ nhẹ mà rõ ràng:

- Chú tiểu ơi! Tôi là loài chim sẻ ra đời chưa bao lâu mà đã bị bắt lui bắt tới đã bao lần rồi. Sáng nay khi được thả, tôi yếu quá nên không thể bay ra khỏi cổng chùa. Nhưng ở đây tôi có thể an tâm vì không sợ bị bắt lại nữa.

Thấy chú tiểu có vẻ ngạc nhiên, chim lại nói tiếp:

- Chú tiểu ở chùa nên không hiểu hết mọi chuyện ở bên ngoài cuộc đời đâu. Tôi và các anh chị mình cùng được sanh ra bên bìa rừng, cạnh một làng quê yên ả. Khi chúng tôi vừa chập chững biết bay liền rơi ngay vào một mẻ lưới của mấy tay chuyên bẫy chim đem bán. Tôi may mắn trôi dạt về tận chợ chim trên thành phố. Sau nhiều ngày bị nhốt chật chội, một hôm có người đến mua chúng tôi đem về chùa nhờ mấy thầy tụng kinh chú nguyện. Sau đó thì được sổ lồng cho bay đi. Khi được tự do tung cánh trên bầu trời, tôi định bay về nơi cánh rừng xưa, để mong sống lại với những cảm giác thân thương của thuở mới lọt lòng. Nhưng trời đất bao la, giữa chốn thị thành muôn lối, tôi không còn tìm thấy đâu lối về quê cũ xa tít mù sương khói, nên đành ở lại làm một kẻ tha hương. Vậy mà…hỡi ơi! Dòng đời là một trò cạm bẫy khôn lường. Một sinh vật nhỏ bé lạc bước như tôi lại dễ dàng sa chân vào những chiếc lưới giăng ra cách sân chùa không bao xa. Tôi bị săn bắt đem bán, rồi được mang đến sân chùa nhiều lần làm vật phóng sanh cầu thọ cho người. Nhờ được nghe quý thầy tụng kinh thuyết giảng mà dần dần tôi thoáng hiểu ra rằng: Đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ. Phật vì muốn trừ tai ách cho chúng sanh nên dạy họ tu phước. Người có tín tâm thì hết lòng làm lành, cứu giúp sinh linh. Và cũng có những người chuyên lợi dung niềm tin của kẻ khác để mưu cầu lợi lộc cho mình. Vậy thì tôi xin hỏi chú tiểu câu này: Như tôi đây bỗng trở thành chiếc cầu nối cho người tu phước và tạo tội, vậy rốt cuộc tôi là kẻ có tội hay có phước?

Bị hỏi bất ngờ, tiểu Minh hơi lúng túng, giây lâu chú mới trả lời:

- À… điều này theo như tôi được biết thì… à... vào thời Phật chưa có tục phóng sanh, nên Phật chỉ nói đến việc giữ giới chớ nên giết hại sanh mạng dù là những loài vật nhỏ nhít. Làm việc phước lành không gì hơn là cứu độ muôn sinh. Và thế là lệ phóng sinh bỗng trở nên một nhu cầu cấp thiết cho người tu cầu phước thọ sau này. Làm phước thì được phước, tạo tội thì chịu tội. Chuyện nhân quả trong kinh Phật đều có nói rõ. Còn như chim nói mình có phước hay tội. Theo tôi nghĩ: khi thọ thân súc sanh là đã mang lấy tội nghiệp từ nhiều đời rồi. Nhưng nay chim được đến chùa, được nghe tụng kinh, lại hiểu rõ tội phước, đó cũng là gieo chút duyên lành giải thoát cho ngày sau. Tôi chỉ có hiểu chừng đó thôi… còn gì nữa thì để tôi đi hỏi sư phụ rồi sẽ trả lời cho chim sau nhé!

Chim thở dài, thều thào:

- Tôi đâu còn sống để đợi chú đi hỏi sư phụ. Có điều tôi cũng tự nhận biết rằng: Dù đời sống ngắn ngủi. Thân này lại mang nhiều tội nghiệp. Nhưng loài súc sanh như tôi vẫn có quyền và những giá trị riêng của nó. Ít nhiều chúng tôi đã khơi dậy chút từ tâm nơi lòng người và giúp họ có được một niềm tin sâu sắc vào những điều làm phước tu thiện. Còn với ai vì cuộc sống nên phải lợi dụng niềm tin của người cùng sự vụng dại của những con vật nhỏ bé này, thì tôi cũng có góp phần giúp họ trong việc tồn tại mưu sinh. Một bên vì đời sống tâm linh. Một bên vì nhu cầu hiện tại. Ai cũng tìm thấy mục đích thiết thực của mình. Như vậy tôi cũng làm được điều lợi ích cho đời, cho người. Tội phước dẫu vô hình. Nhưng tôi vẫn tin là phước này sẽ diệt được tội chướng kia. Thế nên hôm nay tôi mới được trở về nơi đây, được chết trong niềm tin chánh đạo.

Chú tiểu chợt tỉnh dậy khi nghe có tiếng động vang lên từ bên ngoài. Trời đêm tĩnh lặng. Ngọn đèn điện vẫn toả sáng một góc phòng. Và trên bàn học, chú chim sẻ đã chết tự bao giờ. Trong giấc chiêm bao chập chờn, câu chuyện về tội phước chưa cạn lời, nhưng chim ắt sẽ hài lòng ra đi trong sự nhẹ nhàng thanh thản. Chú chim con đã về với Phật. Tiểu Minh khẽ nói và thầm chú nguyện cho nó.

Những lời nói của chú chim con, dù chỉ thoáng qua trong giấc mộng, cũng giúp cho tiểu Minh hiểu sâu hơn về sự sống của muôn vật. Một sinh vật dù bé bỏng cũng mong muốn được sống chan hoà, cùng góp sức vươn lên một cách hoàn thiện. Khi lòng người luôn biết hướng đến những điều tốt đẹp vì hạnh phúc của muôn loài, thì thế giới này sẽ không còn cảnh nồi da nấu thịt, ỷ mạnh hiếp yếu, cậy lớn hiếp bé. Từ đó mà nhân sinh cùng vạn vật được chung sống trong niềm an lạc vô biên, đầy tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Bài học: Câu chuyện trên về tâm sự của chú chim phóng sinh giúp chúng ta hiểu về nhân quả tội phước trong cuộc đời. Nếu chúng ta làm việc gì với tâm ý trong sạch thì sẽ có phước báu, còn nếu làm việc gì với tâm ý nhiễm ô, sẽ mang lại tội về sau. Người phóng sinh được phước vì muốn mang lại tự do cho chim, còn người bẫy chim để bán thì mang tội vì sinh sống bằng nghề nghiệp không chơn chánh. Tuy nhiên, việc mua chim phóng sinh vô tình đã tạo ra nhu cầu, và động cơ cho người bẫy chim để bán. Vì vậy, cũng gián tiếp gây tội. Chính vì vậy, ngày nay, nhiều chùa không khuyến khích phóng sinh, mà khuyến khích Phật tử nên nuôi dưỡng sự sống. Chúng ta cần biết tôn trọng sự cân bằng sinh thái và yêu quý thế giới tự nhiên.

(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Sunday, August 27, 2023

Nghĩ về chữ Hiếu qua Sự tích Bà chúa Ba


Nghĩ về chữ Hiếu qua Sự tích Bà chúa Ba

Đạo Phật đi vào lòng người không phải vì phần xuất thế¸ cao siêu, mầu nhiệm của con đường đạt đến chân như, mà có lẽ vì phần nhập thế đầy tính người: Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa, Từ Bi… Trong mọi hạnh lành đó, chữ Hiếu và chữ Nhân được dân gian đề cao bởi nó bao gồm cả 2 ý nghĩa: tự lợi và lợi tha. Khi một vị tu hành đắc đạo vị đó có thể độ cho người thân của mình : gồm 2 đấng sinh thành, anh chị em, thân bằng quyến thuộc và hơn nữa có thể độ tất cả chúng sinh còn trầm luân trong bể khổ trần gian. 

Trong Kinh Phổ Môn, Đức Phật Thích Ca đã nói về hạnh nguyện độ sinh của Đức Quán Thế Âm và vô số hóa thân của Ngài thể hiện bằng tướng nghìn mắt, nghìn tay có nghĩa là Ngài có đầy đủ thần thông để nghe thấy và cứu giúp những ai niệm danh hiệu Ngài trong lúc nguy nan, đau khổ. Dân gian thường gọi Ngài là “Đức Phật Bà” và mỗi khi gặp nguy hiểm hay tuyệt vọng khổ đau, người ta thường thành tâm niệm danh hiệu của Ngài là “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát” thì đều cảm thấy an tâm đôi khi thoát khỏi nạn tai một cách mầu nhiệm. Có lẽ là do tâm thành của người niệm đã chiêu cảm với nguyện lực của Đại Bồ Tát Quan Thế Âm chăng?

Câu truyện truyền thuyết về Phật Bà Quan Âm Diệu Thiện trong kinh Lăng Nghiêm có ghi lại. Đó là phép phật nhiệm mầu, lạ lùng để cảm hoá vua Trang Vương giác ngộ chánh đạo, vừa cứu Ngài khỏi căn bệnh hiểm nghèo, vừa đưa người thoát khỏi chốn trầm luân sinh tử, vừa cho Ngài thấy được sự thiên biến vạn hoá của người đã đắc đạo. Thật là phi thường! Ngày nay, ở các chùa thường tạo hình tượng Ngài với hình tướng nghìn tay, nghìn mắt mang ý nghĩa : “Phép Phật linh thiêng, mầu nhiệm tưởng như không mà lại có, tưởng như có mà thật ra chỉ là giả tướng nhất thời. Không nên cố châùp để vướng mắc lỗi lầm, luôn làm điều thiện để tạo công đức hồi hướng cho chúng sinh và xả bỏ mọi ý tưởng yêu ghét.”

Đối với đạo Phật, thực hành hiếu thảo là con đường giải thoát theo chánh pháp, là con đường của mọi người Phật tử. Không có lòng hiếu thảo với cha mẹ thì không thể gọi là một người Phật tử chân chính được. Là người Phật tử, chúng ta luôn thực hành các thiện pháp, mà trong kinh "Nhẫn nhục" nói rằng : "Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu". Vì vậy, báo hiếu là bản chất của người Phật tử và đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người Phật tử Việt Nam. 

Quan niệm về đạo hiếu của nhà Phật được đề cập đến trong nhiều kinh, luận, nhưng thể hiện rõ nét, phổ biến nhất qua hai cuốn kinh : Kinh Vu Lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ. Đây là hai bộ kinh mà không người Phật tử nào không biết, thường được đọc, tụng vào dịp tháng bảy, lễ Vu Lan. Kinh Vu lan nói về Ngài Mục Kiền Liên, một đệ tử ưu tú của Đức Phật, sau khi đắc đạo, thấy mẹ của mình sống trong cảnh giới quỷ đói, thân hình tiều tuỵ khổ sở. Ngài sử dụng thần thông của mình, đưa bát cơm dâng cho mẹ. Mẹ Ngài được cơm, lòng tham khởi lên, nên cơm chưa tới miệng đã hóa ra lửa, nên không ăn được. Từ đó, Ngài xin Phật chỉ phương cách cứu mẹ và cho phép các phật tử sau này được thực hành phương pháp báo hiếu cha mẹ bằng cách cúng dường Vu – Lan - Bồn để báo đáp ơn cha mẹ. Đức Phật khen ngợi và chấp thuận. Cũng từ đó, ngày rằm tháng bảy là ngày báo hiếu truyền thống cuả Phật Giáo. 

Nhân dịp rằm tháng bảy, mùa Đại lễ Vu Lan, mùa báo hiếu, chúng ta cùng nhắc nhở nhau ý nghĩa cao quý của Ngày Đại lễ, mùa xá tội vong nhân… để thắp nén hương lòng, hồi hướng công đức cho cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp được siêu sinh tịnh độ, cho cha mẹ hiện tiền của chúng ta được đạo tâm tăng trưởng, cho hạt giống bồ đề mọc lên tươi tốt, cho hạnh từ bi, bố thí, nhẫn nhục, trì giới… phủ khắp bầu trời trần gian này, để hạt giống trí huệ bừng nở xua đi bóng tối của hận thù, vô minh và đau khổ. Xin cài lên áo anh, áo chị… đóa hoa hồng của lòng yêu thương để cùng tưởng nhớ, về cha mẹ của mình trong mùa báo hiếu.

Thơ tưởng ơn đức của Ngài Mục Kiền Liên & công ơn cha mẹ trong mùa Vu Lan

Thuở tiền kiếp làm nghề đánh cá
Nhờ đại duyên nên đã gặp lành …
Bích Chi Phật, phát tâm thành
Quy y từ đó tín thành thiện tâm.

Đổi nghề khác làm ăn sinh sống
Gieo nhân lành, quả trổ về sau
Hiện tiền gặp Phật chứng mau
Đại A La Hán, phép màu thần thông.

Nhóm ngoại đạo bất đồng quan điểm
Tranh hơn thua thách đố thi tài
Mục Liên tôn giả tỏ bày
Ý hoà đồng duyệt cùng ai phân tường.

Chúng cậy khoẻ cao cường tà thuật
Thách đố Ngài dời núi lấp sông
Mục Liên : đệ nhất thần thông
Núi kia dời hộ, tiếc công xá gì?

Chúng Phạm Chí gan lì đọ sức
Qủy ác kia hàng phục tức thì
Ngại ngùng ngoại đạo ra đi
Bởi không thắng nổi còn gì tương tranh.

Cùng thuở ấy Thế Tôn thuyết pháp
Vườn Kỳ Đà phương bắc xa xôi
Phật âm vang động khắp trời
Bạt già hoá độ cùng người giác tha.

Liên Hoa Sắc cùng là tứ chúng
Cám ơn Ngài tạo đúng cơ duyên
Giúp người dứt hẳn não phiền
Quả nhân tiền kiếp trổ liền hôm nay.

Nếu chẳng khéo chẳng xoay từ trước
Nghiệp ác kia đeo đẳng muôn đời
Tạo thêm quả phúc sáng ngời
Thay vào ác nghiệp chuyển dời thiện duyên.

Thần thông đệ nhất : Mục Liên
Hoá thân cứu giúp người hiền, người ngay.

Cũng ngày ấy trên đường hoằng pháp
Cùng Thế Tôn khất thực thường khi
Thấy xương trắng thật lạ kỳ
Thế Tôn đảnh lễ, ven mi lệ tràn.

Cả tứ chúng ngỡ ngàng e ngại
Cúi xin Ngài giải toả nguồn cơn:
Cớ sao đảnh lễ , Thế Tôn ?
Xương kia lẫn lộn bởi cơn cớ gì ?

Đức Phật tổ từ bi giải thích :
“Đống xương này xương, của chúng sinh
Nhiều đời nhiều kiếp phiêu linh
Là thân quyến thuộc của mình kiếp xưa.

Ta đảnh lễ cũng chưa tạ hết
Ơn sinh thành, dưỡng dục cù lao
Mẹ, cha từ những kiếp nào
Bây giờ trông thấy lệ trào xót xa !

Xương trắng kia đúng là nam tử
Sắc thâm đen là nữ đó thôi
Bởi sinh con , mẹ dưỡng nuôi
Máu kia thành sữa mẹ vui trong lòng.

Con càng lớn mẹ mong chờ mãi
Ngày thành thân chi mỹ , trưởng thành
Mẹ già bạc hết tóc xanh
Để con thắm sắc như cành hoa xuân.

Bao khó nhọc gian truân nào ngại
Miễn sao con khôn lớn nên người
Mẹ cha vất vả nào nguôi
Công ơn trời biển xin người chớ quên”.

Nghe Thế Tôn không quên từ mẫu
Mục Kiền Liên nghĩ : dẫu bây giờ…
Mẹ cha dù vẫn kính thờ
Nhưng đà khuất bóng, biết giờ nơi đâu?

Lòng chí hiếu khấn cầu Tam Bảo
Hiển thần thông tìm mẹ Thanh Đề
Mẹ ngài ác nghiệp gần kề
Thác sanh địa ngục A Tỳ khổ thay !

Thương mẹ đói thảo ngay hiếu tử
Mục Kiền Liên dâng thử cơm chay
Mẹ người chụp vội ăn ngay
Hỡi ôi, hoá lửa cũng hoài phí thôi !

Bụng tuy đói… nhưng rồi đói lả
Cơm chưa ăn đã hoá thành than
Chỉ vì hiện kiếp vương mang
Khinh thường tăng chúng, phô phang tài hèn.

Nghiệp quả ấy nhiều phen tích trữ
Thác đi rồi nghiệp dữ còn theo
Sân si, keo bẩn, gieo neo
Ác tâm chưa dứt còn đeo đẳng hoài.

Thương mẹ già đêm ngày ray rứt
Mục Kiền Liên cầu Đức Bổn Sư :
Làm sao giúp mẹ giải trừ
Tiêu tan tai ách, an cư cõi lành ?

Đức Thế Tôn không đành lòng thấy
Chúng sanh kia dù quấy kiếp xưa
Bây giờ khổ mấy cho vừa ?
Dạy ngài cứ độ đến mùa an cư.

Rằm tháng bảy nhờ Sư tế dộ
Lập đàn tràng cứu khổ hồn oan
Là ngày tự tứ chư Tăng
Mười phương Tam Bảo giải nàn chúng sanh.

Nghe Thế Tôn vì mình chỉ dẫn
Mục Kiền Liên ngơ ngẩn khôn cầm…
Lệ rơi mẫu tử tình thâm
Nguyện cầu cho mẹ , Pháp âm vang rền.

Nhờ con hiếu mẹ liền ra khỏi
Chốn ngục tù khổ ải trầm luân
Phúc lành cho cả chúng sinh
Đều ra khỏi chốn u minh, đoạ đày.

Mùa Vu Lan là ngày đáng nhớ
Mục Kiền Liên đại hiếu thuở xưa
Nhờ ân đức ấy bây giờ
Khi hoa hồng nở báo mùa Vu Lan.

Khắp nơi nơi rộn ràng nô nức
Lên chùa xin tổ chức nguyện cầu
Hiện tiền cha mẹ sống lâu
Những ai đã khuất qua mau khổ nàn.

Thật đúng nghĩa Vu Lan : báo hiếu
Cũng là ngày tự tứ chư Tăng
Mười phương Tam Bảo thường hằng
Khắp nơi còn ánh đạo vàng mãi soi…

Vân Hà (Trần Thị Hồng Anh)

(Nguồn: Sự tích Bà chúa Ba - Vân Hà)

Thursday, August 17, 2023

Vu Lan nhớ mẹ


Vu Lan nhớ mẹ


Tháng bảy Vu Lan lại trở về

Năm nay vắng mẹ - thật buồn ghê!

Đâu rồi bóng mẹ hiền yêu dấu?

Chỉ thấy mưa buồn khắp nẻo về

Hoa trắng tủi lòng, cài trên áo

Nỗi buồn nhớ mẹ, đọng bờ mi

Mong mẹ siêu sanh về Tịnh Độ

Nguyện cầu sanh chúng thoát bờ mê...


Đức Kiên


Friday, August 11, 2023

Từ biệt

Từ biệt


Ngày mai đây, khi nắng chiều ngừng đổ
Ta ra đi trước nỗi khổ con người
Không oán hờn, môi nở nụ cười tươi
Chân thẳng tiến, mắt ngời niềm hy vọng

Ta ra đi tâm không hề xao động
Lòng thảnh thơi, nuôi thiện chí ban đầu
Nhìn người thân đang lã chã dòng châu
Ta lưu luyến, nhưng... thôi đành cất bước

Ta ra đi, để vun trồng cội phước
Với nguyện lành, cứu độ kẻ thân yêu
Ta ra đi, khi tắt nắng buổi chiều
Người thân mến, còn đang say giấc mộng

Ta ra đi, cho thế nhân được sống
Nhường cuộc đời về thế giới bên kia
Và giờ đây ta sống lúc về khuya
Tâm linh đã không còn trong thể xác

Nhưng ta vẫn như bao nhiêu người khác
Ta vẫn buồn, vẫn lạnh lúc mưa rơi
Ta vẫn xem và nhìn thấy cõi đời
Đang chuyển biến, vô thường trong cuộc sống

Và lòng ta cũng đôi lần cảm động
Nhìn người thân quyến luyến xác thân ta
Bao khổ đau dồn dập chốn mê hà
Dù hiểu rõ, ta không sao nói được

Ta nhớ tiếc, đôi khi thầm ao ước
Về cảnh xưa, dù chốc lát biệt ly
Khuyên người thân hãy trừ dứt sân si
Bình thản lại, lo vun trồng cội phước

Nhưng không được như lòng ta ao ước
Đã lỡ rồi khi đặt bước lên đường
Thôi, từ nay ta gắng dẹp tình thương
Thành chánh quả, ta sẽ về cứu độ

Còn nơi kia, xác thân ta dưới mộ
Mảnh hình hài tan rã với thời gian
Dù khổ đau, nhục thể chẳng ai màng
Chào tất cả, ta đi rời bến khổ...

Vân Hà (TTHA)