Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label duckien. Show all posts
Showing posts with label duckien. Show all posts

Tuesday, February 27, 2024

Quốc vương Hữu Đức

 

Quốc vương Hữu Đức


Trong thời quá khứ vô lượng kiếp xa xưa, có đức Phật ra đời hiệu là Hoan-Hỷ Tăng-Ích Như-Lai. Lúc bấy giờ đất nước thái bình thạnh trị, dân chúng ấm no hạnh phúc an vui vô cùng, chẳng khác hạnh phúc của chư Bồ-Tát cõi nước Cực-Lạc. Ðức Phật Hoan-Hỷ Tăng-Ích trụ ở đời rất lâu, đến khi cơ duyên độ sanh viên mãn, Ngài nhập Niết-bàn ở thành Câu-Thi-Na, rừng Ta-La Song-Thọ. Sau khi Phật Tăng-Ích nhập Niết-bàn, chánh pháp còn ở đời rất lâu đến vô lượng ức năm. 

Vào lúc chánh pháp chỉ còn 40 năm cuối, bấy giờ có vị tỳ-kheo tên là Giác-Ðức trì giới thanh tịnh, đồ chúng dự nghe đông đảo. Tỳ-kheo Giác-Ðức khuyên cấm các tỳ kheo không được chứa nuôi tôi tớ, trâu bò, heo dê cùng những vật phi pháp. Ðiều nầy khiến cho các tỳ-kheo phá giới oán ghét tìm cách phá phách hãm hại tỳ-kheo Giác-Ðức. Lúc bấy giờ Quốc-vương Hữu-Ðức biết được sự việc như vậy. Vì lòng hộ trì chánh pháp, nên nhà vua đem quân lính đến bảo vệ tỳ-kheo Giác-Ðức an toàn thoát khỏi nạn.

Bọn tỳ-kheo phá giới kia tức giận gây chiến với nhà vua, làm cho nhà vua bị thương nặng. Thấy cảnh đau lòng, tỳ-kheo Giác-Ðức an ủi nhà vua rồi khen: "Lành thay! Lành thay! Vua vì hộ trì chánh pháp mà không tiếc thân mạng. Ðời sau thân vua sẽ là vô lượng pháp khí". Nghe xong lời tán thán ấy, nhà vua hoan hỷ thân tâm nhẹ nhàng, rồi tắt thở, thần thức sanh về cõi Phật A-Súc làm đệ tử thứ nhất của Phật nầy. 

Quân lính theo vua chiến đấu với bọn ác tăng và những người tùy hỷ khen ngợi tinh thần vị pháp vong thân của nhà vua đều được tâm Bồ-đề bất thối chuyển, sau khi chết đều được sanh về cõi Phật A-Súc. Còn tỳ-kheo Giác-Ðức sau khi mạng chung cũng được sanh về cõi Phật A-Súc làm đệ tử thứ hai trong chúng Thanh-văn của đức Phật nầy".

Khi thuật câu chuyện trên đây xong, đức Thích-Ca Như-Lai gọi ngài Ca-Diếp nói: "Nầy Ca-Diếp! Vị Quốc-vương Hữu-Ðức kia chính là tiền thân của ta. Còn tỳ-kheo Giác-Ðức chính là tiền thân của Ca-Diếp đó vậy.

Bài học: Ở thời mạt pháp, nơi mà ma chướng nhiều hơn thuận duyên, người tu cần nổ lực tinh tấn trong việc tu tập đạo pháp và bảo vệ chánh pháp. Trong câu chuyện này, nhà vua Hữu Đức vì hộ pháp mà phải mất mạng, nhưng đó là cái chết đẹp, mang lại sự tái sanh ở cảnh giới tốt lành. Tỳ kheo Giác Đức là biểu tượng đáng khen ngợi cho người tu hành, vì đã khéo léo hộ trì, giữ gìn chánh pháp cho đời sau. Chúng ta đang sống trong thời mạt pháp, cần nổ lực tu tập, vượt qua chướng duyên, để có thể hoằng pháp, lợi sanh và tránh những ma lực, chướng ngại của thời đại.


(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Saturday, January 6, 2024

TÌM PHẬT NƠI ĐÂU?



TÌM PHẬT NƠI ĐÂU?


"Nhược dĩ sắc kiến ngã,

Dĩ âm thanh cầu ngã,

Thị nhân hành tà đạo,

Bất năng kiến Như Lai" (*)


Lời ngài còn vang vọng

Mà chúng sanh mê mờ

Tìm ngài nơi "cọng tóc"

Tìm xá lợi - ngu ngơ...


Phật là tâm tỉnh thức

Là đại trí, đại từ

Vọng tâm - chưa chịu dứt

Làm sao thấy Chân Như?


Hãy đọc kinh Kalama

Ngài dạy chớ vội tin

Dùng chánh niệm quán chiếu

Mọi sự sẽ hiện hình


Thời mạt pháp khó tu

Thật giả, đám mây mù

Chánh niệm và tỉnh thức

Là phương pháp chắc thật


Niệm Phật sẽ thấy Phật

Niệm Ma chỉ toàn Ma

Phật - Ma bởi tại ta

Trí tuệ Ba la mật


Sắc tức thị là không

Không tức thị là sắc

Giác ngộ thôi vướng mắc

Phật chẳng ngoài chẳng trong...


Ai thường quán tánh không

Sẽ thấy trăng, thấy Phật


Đức Kiên

---

(*) Bốn câu trong kinh Kim Cang, nghĩa là "Nếu lấy hình tướng mà tìm ta, Lấy âm thanh mà cầu ta, Đó là người hành tà đạo, Không thể thấy được Như Lai".

Tuesday, December 12, 2023

DƯỢC SƯ PHẬT

 


DƯỢC SƯ PHẬT


Mười hai đại nguyện Dược Sư
Cứu bao bệnh khổ tiêu trừ nạn tai
Dược Sư Lưu Ly Như Lai
Hào quang chiếu sáng trong ngoài trước sau
Cúi đầu đảnh lễ nguyện cầu
Tiêu tai diên thọ, tội sâu tiêu trừ
Ngu si - bừng sáng chân như
Nạn tai hết sạch, bệnh trừ tâm an
Thuốc là lời dạy ngàn vàng
Quay đầu niệm Phật, ách nàn rụng rơi
Vượt qua nạn khổ ở đời
Bởi tâm sám hối, chẳng rời Phật tâm
Vô minh hết, khỏi mê lầm
Chánh niệm tỉnh thức, dứt mầm tham sân
Phật là bậc đại y thần
Chữa bao bệnh khổ - độ thân độ đời
Muốn qua bến giác người ơi
Mau mau niệm Phật, chẳng rời… thuốc hay.

Đức Kiên

Sunday, November 19, 2023

Mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam



Mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam


Mỗi năm đến ngày nhà giáo

Tưởng về ơn nghĩa cô thầy

Tri ân, những người tải đạo

Tình thương, tri thức đắp xây


Thật ra nghề nào cũng quý

Mỗi người phận sự trong đời

Trân trọng là trong ý nghĩ

Tình thầy trò mãi sáng ngời


Hiểu biết giúp mình khôn lớn

Thầy trao tri thức ban đầu

Học tập mỗi người phấn đấu

Đèn tâm ngày một sáng hơn


Mỗi bước thành công ta đạt

Nhờ bao tri thức đắp xây

Từ thầy cô - ta góp nhặt

Ơn người, ta có hôm nay


Cùng tri ân thầy cô giáo...

Trong trường và cả ngoài đời,

Những người giúp ta thấy đạo

Rèn tâm, mở trí biển khơi...


Mỗi người hãy là ngọn đuốc

Tự làm thầy của chính mình

Học bài đời mình cho thuộc

Nhờ thầy, ta hết... vô minh.


Đức Kiên

Thursday, November 16, 2023

BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG

 


BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG

 

Bố thí mở lòng san sẻ

Giúp người vật chất tấm lòng

Cho đi, thấy mình thêm nhẹ

Chỉ còn thương cảm mênh mông

 

Ý nghĩa cuộc đời là thế

Sống là phụng sự chúng sanh

Nhận – cho, xoay vần chủ thể

Khổ đau, không giúp sao đành

 

Bố thí là đang gửi phước

Vào ngân hàng cõi tâm linh

Những gì trong đời mình được

Là do phước nghiệp tạo sinh

 

Người khôn cho nhiều hơn nhận

Làm tăng phước báu của mình

Muốn được phước nhiều vô tận

Cúng người đức hạnh, vô sinh

 

Bố thí tiền tài cũng tốt

Cho người trí tuệ quý hơn

Vô úy, vô cầu – số một

Chính là bố thí chánh chơn

 

 Nam mô Công đức lâm Bồ tát Ma ha tát!


Đức Kiên

Friday, November 10, 2023

PHÁP HÀNH

PHÁP HÀNH 

Đường công danh chớ đắm tham 
Hướng tâm tu tuệ, siêng làm phúc thay 
Dựng cầu, xây tháp, giúp ngay, 
Cứu người đói khổ, hăng say giúp đời 
Từ bi, hỷ xả, người ơi 
Bốn tâm vô lượng , tu thời chớ quên 
Ngày ngày giữ chí cho bền 
Dẹp dần phiền nào, dựng nền giác tâm 
Tụng kinh, niệm pháp, gieo mầm 
Văn-tư-tu, chớ để tâm nhiễm trần 
Trong ngoài, tu tiến, tâm thân 
Đó là hạnh nguyện chánh chân ở đời 
Bên ngoài phước báo vun bồi 
Bên trong tu dưỡng, sáng ngời chân tâm 
Tham-sân-si nguyện dứt mầm 
Tín-nguyện-hành nhớ trong tâm – mỗi ngày 
Niềm vui đạo pháp – đẹp thay 
Giúp người, mình cũng mỗi ngày an vui 
Trên đường chánh pháp chẳng lùi 
Càng tu càng tiến – nếm mùi giác hương… 

(Nguồn: Đức Kiên - tập thơ Chánh Niệm)

Sunday, September 24, 2023

PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

 


PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

 

 Một xin kính lễ Phật đà

Hai xin ca ngợi chói lòa Như Lai

Ba xin bố thí rộng thay

Bốn xin sám hối tội rày xưa sau

Năm xin tùy hỷ cùng nhau

Sáu xin chánh pháp mãi sau xoay vần

Bảy xin Phật pháp luôn gần

Tám xin tinh tấn chuyên cần học tu

Chín xin tùy thuận trí ngu

Mười xin hồi hướng công phu khắp cùng

Nguyện người thoát khổ vui chung

Phổ hiền thập hạnh nhớ cùng ghi tâm…


(Đức Kiên - tập thơ Chánh Niệm)

Thursday, September 14, 2023

ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

 


ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

 

Tay cầm tích trượng minh châu

Đi vào cảnh khổ, ngục sâu cứu người

Nguyện xưa cứu độ phát lời

“Địa ngục chưa trống, ta thời còn vô” [1]

Cứu cho hết thảy tội đồ

Mới mong thành Phật, hư vô Niết bàn

Tạ ơn lời nguyện ngàn vàng

Chúng sanh tội khổ vô vàn vô biên

Địa ngục thống khổ triền miên

Bởi tâm điên đảo, chướng duyên trùng trùng

Tham sân si não vô cùng

Nhớ niệm Địa tạng, sáng bừng tâm ngay

Địa ngục vượt thoát ngay đây

Minh châu tỏa sáng, đọa đày tiêu tan

Dẹp bao xiềng xích buộc ràng

Đưa người thoát khổ, đường vàng bước đi

Học ngài, quyết dẹp tham si

Dũng lực vượt thoát những khi mê lầm

Minh châu nhớ mãi trong tâm

Địa tạng bồ tát – âm thầm cứu nguy…


Đức Kiên



[1] Đây là lời nguyện của Địa tạng vương Bồ tát

Thursday, August 31, 2023

Chim con về với Phật

 


Chim con về với Phật

 Chú tiểu Minh nhặt được chú chim con lúc chiều khi đang cúng thí thực. Con chim run rẩy sà xuống như chiếc lá khô rơi rụng trong buổi chiều tà. Nó cùng bầy với lũ chim được phóng sanh hồi sáng này. Nhưng lại quá kiệt sức nên không thể bay xa được. Động lòng, chú mang chim về liêu mình để chăm sóc và cho ăn.

Buổi tối lên ngồi học kinh trên giảng đường, chú tiểu mang chim để trên bàn, nơi có ngọn đèn ne-on toả sáng. Hơi ấm của ánh đèn làm cho bộ lông chim khô ráo, và ánh mắt của nó trở nên linh hoạt hơn đôi chút.

Chú tiểu nhìn vào quyển kinh ngâm nga đọc, nhưng mắt cứ cụp xuống, gật gù. Bỗng chú giật mình khi nghe có tiếng chim hót. Mà không, hình như chim đang nói. Một giọng nói thật nhỏ nhẹ mà rõ ràng:

- Chú tiểu ơi! Tôi là loài chim sẻ ra đời chưa bao lâu mà đã bị bắt lui bắt tới đã bao lần rồi. Sáng nay khi được thả, tôi yếu quá nên không thể bay ra khỏi cổng chùa. Nhưng ở đây tôi có thể an tâm vì không sợ bị bắt lại nữa.

Thấy chú tiểu có vẻ ngạc nhiên, chim lại nói tiếp:

- Chú tiểu ở chùa nên không hiểu hết mọi chuyện ở bên ngoài cuộc đời đâu. Tôi và các anh chị mình cùng được sanh ra bên bìa rừng, cạnh một làng quê yên ả. Khi chúng tôi vừa chập chững biết bay liền rơi ngay vào một mẻ lưới của mấy tay chuyên bẫy chim đem bán. Tôi may mắn trôi dạt về tận chợ chim trên thành phố. Sau nhiều ngày bị nhốt chật chội, một hôm có người đến mua chúng tôi đem về chùa nhờ mấy thầy tụng kinh chú nguyện. Sau đó thì được sổ lồng cho bay đi. Khi được tự do tung cánh trên bầu trời, tôi định bay về nơi cánh rừng xưa, để mong sống lại với những cảm giác thân thương của thuở mới lọt lòng. Nhưng trời đất bao la, giữa chốn thị thành muôn lối, tôi không còn tìm thấy đâu lối về quê cũ xa tít mù sương khói, nên đành ở lại làm một kẻ tha hương. Vậy mà…hỡi ơi! Dòng đời là một trò cạm bẫy khôn lường. Một sinh vật nhỏ bé lạc bước như tôi lại dễ dàng sa chân vào những chiếc lưới giăng ra cách sân chùa không bao xa. Tôi bị săn bắt đem bán, rồi được mang đến sân chùa nhiều lần làm vật phóng sanh cầu thọ cho người. Nhờ được nghe quý thầy tụng kinh thuyết giảng mà dần dần tôi thoáng hiểu ra rằng: Đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ. Phật vì muốn trừ tai ách cho chúng sanh nên dạy họ tu phước. Người có tín tâm thì hết lòng làm lành, cứu giúp sinh linh. Và cũng có những người chuyên lợi dung niềm tin của kẻ khác để mưu cầu lợi lộc cho mình. Vậy thì tôi xin hỏi chú tiểu câu này: Như tôi đây bỗng trở thành chiếc cầu nối cho người tu phước và tạo tội, vậy rốt cuộc tôi là kẻ có tội hay có phước?

Bị hỏi bất ngờ, tiểu Minh hơi lúng túng, giây lâu chú mới trả lời:

- À… điều này theo như tôi được biết thì… à... vào thời Phật chưa có tục phóng sanh, nên Phật chỉ nói đến việc giữ giới chớ nên giết hại sanh mạng dù là những loài vật nhỏ nhít. Làm việc phước lành không gì hơn là cứu độ muôn sinh. Và thế là lệ phóng sinh bỗng trở nên một nhu cầu cấp thiết cho người tu cầu phước thọ sau này. Làm phước thì được phước, tạo tội thì chịu tội. Chuyện nhân quả trong kinh Phật đều có nói rõ. Còn như chim nói mình có phước hay tội. Theo tôi nghĩ: khi thọ thân súc sanh là đã mang lấy tội nghiệp từ nhiều đời rồi. Nhưng nay chim được đến chùa, được nghe tụng kinh, lại hiểu rõ tội phước, đó cũng là gieo chút duyên lành giải thoát cho ngày sau. Tôi chỉ có hiểu chừng đó thôi… còn gì nữa thì để tôi đi hỏi sư phụ rồi sẽ trả lời cho chim sau nhé!

Chim thở dài, thều thào:

- Tôi đâu còn sống để đợi chú đi hỏi sư phụ. Có điều tôi cũng tự nhận biết rằng: Dù đời sống ngắn ngủi. Thân này lại mang nhiều tội nghiệp. Nhưng loài súc sanh như tôi vẫn có quyền và những giá trị riêng của nó. Ít nhiều chúng tôi đã khơi dậy chút từ tâm nơi lòng người và giúp họ có được một niềm tin sâu sắc vào những điều làm phước tu thiện. Còn với ai vì cuộc sống nên phải lợi dụng niềm tin của người cùng sự vụng dại của những con vật nhỏ bé này, thì tôi cũng có góp phần giúp họ trong việc tồn tại mưu sinh. Một bên vì đời sống tâm linh. Một bên vì nhu cầu hiện tại. Ai cũng tìm thấy mục đích thiết thực của mình. Như vậy tôi cũng làm được điều lợi ích cho đời, cho người. Tội phước dẫu vô hình. Nhưng tôi vẫn tin là phước này sẽ diệt được tội chướng kia. Thế nên hôm nay tôi mới được trở về nơi đây, được chết trong niềm tin chánh đạo.

Chú tiểu chợt tỉnh dậy khi nghe có tiếng động vang lên từ bên ngoài. Trời đêm tĩnh lặng. Ngọn đèn điện vẫn toả sáng một góc phòng. Và trên bàn học, chú chim sẻ đã chết tự bao giờ. Trong giấc chiêm bao chập chờn, câu chuyện về tội phước chưa cạn lời, nhưng chim ắt sẽ hài lòng ra đi trong sự nhẹ nhàng thanh thản. Chú chim con đã về với Phật. Tiểu Minh khẽ nói và thầm chú nguyện cho nó.

Những lời nói của chú chim con, dù chỉ thoáng qua trong giấc mộng, cũng giúp cho tiểu Minh hiểu sâu hơn về sự sống của muôn vật. Một sinh vật dù bé bỏng cũng mong muốn được sống chan hoà, cùng góp sức vươn lên một cách hoàn thiện. Khi lòng người luôn biết hướng đến những điều tốt đẹp vì hạnh phúc của muôn loài, thì thế giới này sẽ không còn cảnh nồi da nấu thịt, ỷ mạnh hiếp yếu, cậy lớn hiếp bé. Từ đó mà nhân sinh cùng vạn vật được chung sống trong niềm an lạc vô biên, đầy tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Bài học: Câu chuyện trên về tâm sự của chú chim phóng sinh giúp chúng ta hiểu về nhân quả tội phước trong cuộc đời. Nếu chúng ta làm việc gì với tâm ý trong sạch thì sẽ có phước báu, còn nếu làm việc gì với tâm ý nhiễm ô, sẽ mang lại tội về sau. Người phóng sinh được phước vì muốn mang lại tự do cho chim, còn người bẫy chim để bán thì mang tội vì sinh sống bằng nghề nghiệp không chơn chánh. Tuy nhiên, việc mua chim phóng sinh vô tình đã tạo ra nhu cầu, và động cơ cho người bẫy chim để bán. Vì vậy, cũng gián tiếp gây tội. Chính vì vậy, ngày nay, nhiều chùa không khuyến khích phóng sinh, mà khuyến khích Phật tử nên nuôi dưỡng sự sống. Chúng ta cần biết tôn trọng sự cân bằng sinh thái và yêu quý thế giới tự nhiên.

(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Thursday, August 17, 2023

Vu Lan nhớ mẹ


Vu Lan nhớ mẹ


Tháng bảy Vu Lan lại trở về

Năm nay vắng mẹ - thật buồn ghê!

Đâu rồi bóng mẹ hiền yêu dấu?

Chỉ thấy mưa buồn khắp nẻo về

Hoa trắng tủi lòng, cài trên áo

Nỗi buồn nhớ mẹ, đọng bờ mi

Mong mẹ siêu sanh về Tịnh Độ

Nguyện cầu sanh chúng thoát bờ mê...


Đức Kiên


Monday, June 26, 2023

Tuổi già

 


TUỔI GIÀ

 

Thân này tuy đẹp sáng,
Chỗ chất chứa vết thương,
Và khổ đau, bệnh hoạn,
Thật biến đổi vô thường.

Sắc này sẽ suy già,
Ổ tật bệnh, mỏng manh,
Bất tịnh, dễ tan rã,
Mạng sống cũng hết nhanh.

Người ít nghe kém học,
Lớn già như trâu đực.
Tuy thân nó lớn thật,
Nhưng trí tuệ còi cọc.

Lúc trẻ, không học hỏi,
Không tích lũy bạc tiền.
Tuổi già như cò đói,
Thật vất vả, ưu phiền.

(Đức Kiên - Thơ Phật cho trẻ em)

Saturday, June 17, 2023

Thanh tịnh

 


THANH TỊNH

Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp, sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Ðến thánh địa chư Thiên.

Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp, sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Chẳng trở lại sanh già.

Bậc trí theo tuần tự.
Từng sát na trừ dần
Như thợ vàng lọc bụi
Trừ cấu uế nơi mình.

(Nguồn: Thơ Phật cho trẻ em - Đức Kiên)

Sunday, May 28, 2023

XƯNG TỤNG NHƯ LAI


XƯNG TỤNG NHƯ LAI


Ngàn năm nở đóa Ưu đàm

Như Lai – chánh đẳng, phi phàm đản sanh 

Như hoa sen giữa bùn tanh

Vươn lên khoe sắc, tịnh thanh giữa trần 

Tỏa hương giác ngộ xa gần

Hào quang Đức Phật, sáng bừng thế gian 

Từ bi, trí tuệ - muôn vàn

Chữa lành căn bệnh thế gian mê mờ 

Tình thương yêu, chẳng bến bờ

Ban vui, cứu khổ, nghi ngờ dẹp tan 

Cho bao liều thuốc tâm an

Những lời pháp bảo – chứa chan ân tình 

Quay về nương tựa chính mình

Khơi lòng tự tín, vọng tình vượt qua

Xây tịnh độ cõi ta bà

Chiến tranh dập tắt - lòng ta yên bình 

Giúp người như giúp chính mình

Lục hòa – tứ nhiếp, cộng sinh an lành 

Ngăn điều ác, siêng làm lành

Giữ gìn tâm ý tịnh thanh – chân thường 

Tùy duyên, thuận pháp – chẳng vương 

Thiên biến, vạn hóa – vẫn thường tâm không 

Thỏng tay vào giữa đám đông

Như như bất động – tâm không... mĩm cười 

Ngợi ca Ngài cả một đời

Cũng không nói hết một trời công ơn...


Đức Kiên (mùa Phật đản 2023)

Saturday, May 20, 2023

BƯỚC CHÂN TỈNH THỨC

 


BƯỚC CHÂN TỈNH THỨC

 

Con bước nhẹ, bàn chân hôn mặt đất

Ôi thần thông, bao phép lạ hiện bày

Quán hơi thở, từng bước chân tỉnh thức

Vội vàng chi, đã về đã tới đây…

 

Ôi kỳ diệu, những bước chân em bé

Đang tập đi, những bước nhỏ đầu tiên

Hãy trở về, từng bước đi thật khẽ

Bỗng đâu đây, thoang thoảng gió hương thiền

 

Cùng tiếp xúc bao la lòng đất mẹ

Đã chở che, nâng đỡ bước con người

Bước tỉnh thức, sẽ thấy lòng rất nhẹ

Bao âu lo, phiền muôn – cũng đều vơi

 

Hãy bước đi, đóa sen hồng đỡ bước

Như Bụt đi khi cất bước vào đời

Gieo hạnh phúc giữa biển đời xuôi ngược

Mỗi bước chân – là an lạc thảnh thơi…

 

Đức Kiên - 2022

Tuesday, April 11, 2023

VUI ĐẠO CÕI TRẦN

 


VUI ĐẠO CÕI TRẦN

 

“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Nếu đói thì ăn, mệt ngủ liền

Trong nhà đầy báu, thôi tìm kiếm

Đối cảnh, vô tâm, khỏi hỏi thiền” [1]

 

Vô tâm đối cảnh – chính là thiền

Tỉnh lặng – đèn tâm chiếu mọi miền

Thỏng tay vào chợ, hồn thơ thới

Viên dung, vô ngại – chẳng ưu phiền

 

Giữa chợ mà tu mới thật thiền

Sóng gió ba đào, chẳng đảo điên

Gìn câu Phật hiệu, kỳ quang chiếu

Diệu giác tròn đầy, hiện cảnh tiên…

 

Trần gian nào khác cõi Phật hiền

Oán thân bình đẳng giữa hiện tiền

Bất nhị - chẳng rơi vào điên đảo

An vui lẽ đạo, giấc tùy miên…


Đức Kiên



[1] Bốn câu cuối trong “Cư trần Lạc đạo phú” của Trần Nhân Tông

Wednesday, March 22, 2023

Bốn cửa thành

Bốn cửa thành

 

Càng lớn lên, Tất Đạt Đa càng thông minh, học giỏi, và thương yêu mọi người, kể cả những con vật nhỏ bé. Tuy nhiên, lòng tốt và lòng thương người của thái tử làm nhà vua bối rối, luôn nghĩ đến lời tiên đoán của A Tư Đà. Nhà vua quyết định bằng mọi cách không để thái tử nhìn thấy những hình ảnh không vui, có thể làm thái tử từ bỏ những hoa lệ của cung đình vào ngày nào đó.

 

Nhà vua làm  mọi thứ để thái tử hạnh phúc, nhà vua nói với Hòang hậu Ba Xà Ba Đề,― Ta sẽ xây ba cung điện cho thái tử. Cái thứ nhất được làm bằng gỗ thơm, nó sẽ ấm cúng vào mùa đông. Cái thứ hai sẽ được xây bằng đá cẩm thạch, được dùng vào mùa hè. Cái thứ ba sẽ được xây bằng gạch, dùng cho mùa mưa. 

 

Để cuộc sống thoải mái, nhà vua ra lệnh làm một công viên đẹp có hồ nước dễ thương, có thiên nga và cá bơi tung tăng và hoa sen nở rộ. Nhà vua bảo người hầu ― Dọn sạch tất cả những bông hoa héo úa và những chiếc là rụng trong vườn. Nhà vua không muốn thái tử nhìn thấy bất kỳ điều không hài lòng nào. Tất cả người hầu trong cung điện đều trẻ, khỏe và đẹp. Những người phục vụ giải trí trong cung điện được lệnh ca hát và nhảy múa suốt ngày. Họ không được biểu lộ sự mệt mỏi hoặc buồn rầu. Không một người nào nói chuyện về bệnh tật và đau ốm. Vua ra lệnh xây các bức tường quanh cung điện. Lệnh cho lính canh chừngkhông để thái tử Tất Đạt Đa rời khỏi cung điện mà không có lệnh của vua.

Vào năm 16 tuổi, Thái tử tất Đạt Đa lập gia đinh với công chúa trẻ đẹp có tên là Da Du Ða  La. Công chúa yêu thương và chăm sóc cho thái tử. Thái tử tiếp tục sống cuộc sống vương gia gần 13 năm sau khi lập gia đình. Thái tử đã được bảo bọc để không biết được những khó khăn trong cuộc sống ở ngòai cung thành. Thái tử hoàn tòan hài lòng với cuộc sống tráng lệ của ngài. 

 

Sống trong thế giới không có gì ngoài hạnh phúc và tiếng cười. Tuy nhiên, một ngày kia, thái tử muốn khám phá những gì đang diễn ra bên ngoài cung điện. 

 

Khi nghe tin như vậy, nhà vua ra lệnh cho mọi người trong thành phố,― Tất cả nhà cửa dọc hai bên đường phải dọn dẹp và trang hoàng. Mọi người đốt trầm thơm và mặc áo quần màu sắc rực rỡ. Tất cả người xin ăn, người già và người ốm phải ở trong nhà cho đến khi thái tử trở về cung điện.

 

Người đánh xe trung thành của thái tử tên là Cha- Nac, đưa thái tử đi ra ngòai cung điện từ cổng phía Nam. Khi đám đông thành kính nhìn thấy thái tử yêu mến của họ, họ rải hoa và tung hô ngưỡng mộ. Tất Đạt Đa đã vui mừng thấy họ được hạnh phúc. 

 

Ngay lúc đó, một người già xuất hiện bên đường. Thái tử ngạc nhiên khi nhìn thấy một người già. Thái tử hỏi người đánh xe của mình, “Người gì mà tóc trắng và lưng gù như vậy? Mắt của ông ta lim dim, cơ thể của ông ta run lẩy bẩy. Ông ta bước đi bằng cách lê những bước chân khó nhọc theo cái gậy. Thân hình của ông ta bị thay đổi hay ông ta luôn có hình dạng như vậy? Hãy nói cho ta nghe, Cha-Nac”.

 

Cha-Nac tránh trả lời sự thật, “Đây không phải là việc của thái tử. Xin đừng bận tâm về chuyện đó”.

 

Thái tử vẫn khăng khăng hỏi Cha-Nac – “Chỉ có mỗi ông ấy như vậy? hay  tất cả chúng ta đều  như vậy?”

 

Lúc này, Cha-Nac chân thành trả lời, “Thưa ngài, chúng ta đều như vậy. Một khi thái tử còn trẻ, tóc sẽ đen và răng trắng. Thời gian trôi đi, thân thể sẽ già nua. Nó xảy ra với mọi người”. 

 

Nghe những lời này, thái tử giật bắn người. Tóc thái tử dựng ngược lên. Thái tử run vì sợ hãi, như con thú hoảng sợ khi thấy sấm chớp. Thái tử lắc đầu,― “Làm sao con người có thể vui sướng khi tuổi già hủy hoại tất cả?’ Thái tử nói với người đánh xe,― “Nhanh quay trở lại cung điện, biết rằng tuổi già sẽ gọi đến ta, làm sao ta có thể vui với núi rừng được”.

 

Vâng lệnh thái tử, Cha-Nac đánh xe nhanh như gió trở về cung điện.

 

Tất Đạt Đa không thể quên hình ảnh người già. Thái tử suy nghĩ suốt ngày đêm và không thể tìm ra đựoc sự thanh thản trong tâm hồn. Thái tử nói suy nghĩ của mình với Da Du Đa La, “Khi nhìn người già, tất cả những điều tốt đẹp trong thành phố dường như biến mất. Những nét đẹp và nụ cười trong cung điện không thực sự tồn tại với ta. Ta muốn đi thăm thành phố lần nữa để xem nó thực sự như thế nào. Để thấy người bình thường sống như thế nào”. 

 

Nhà vua không thể chịu nổi khi nhìn thấy con mình không vui, ngài đồng ý cho thái tử ra ngoài thành một lần nữa. Tất Đạt Đa và Cha-Nac đóng giả thành một thương nhân đánh xe đi vào thành phố theo hướng Đông. Lần đầu tiên thái tử thấy người bình thường sống thế nào trong vương quốc của mình. Thái tử thanh thản quan sát những người thợ rèn và những người làm đố sành sứ đang làm việc. Thái tử nói chuyện với với các thương nhân giàu có trong cửa hàng nguy nga của họ. Thái tử nói chuyện với những người thợ làm bánh mì. Đột nhiên, thái tử thấy nhìn thấy một người bị bệnh đang nằm dưới đất rên la và cúi gập người vì đau đớn. Thái tử đến bên ông ta và nâng đầu người đàn ông bị đau vào lòng, ― “Cha-Nac, chuyện gì đã xảy ra với người đàn ông này?”

Cha-nac vội vàng ― “Thưa ngài, đừng chạm vào ông ta! Ông ta bị bệnh truyền nhiễm. Hãy đặt ông ta nằm xuống nếu không thái tử sẽ bị nhiễm bệnh”. 

Thái tử lại hỏi ― “Chỉ có người đàn ông này bị bệnh hay tất cả mọi người đều bị bệnh như vậy, Cha-Nac? Vợ ta và cha ta cũng sẽ bị bệnh ư? »

 

Cha-Nac trả lời ― « Thưa Ngài, đó là điều tất nhiên xảy ra với mọi người. Mọi người trong thế gian đôi lần bị ốm. Bệnh tật xảy ra bất kỳ lúc nào trong cuộc đời ».

 

Nghe điều này, thái tử cảm thấy đau xót trong tim,― “Bệnh tật có thể đến bất cứ lúc nào. Như vậy chưa có ai có thể hạnh phúc và vui sướng”. Rồi thái tử vào xe ngựa, ra lệnh cho Cha-Nac quay trở về nhà. 

 

Tất Đạt Đa trở về cung điện với cảm giác nặng trĩu của sự thất vọng trong lòng. Khi thấy con trai buồn bã như vậy, nhà vua cho thái tử đi thăm công viên ở bên ngoài cung điện ở hướng Bắc. Trong lúc này, Tất Đạt Đa nhìn thấy một xác chết. Từ trước đến nay, Tất Đạt Đa không bao giờ nhìn thấy người chết, thái tử hỏi Cha-Nac, “Có gì bất thường với người này?”

Cha-nac đáp: “Thưa ngài, ông ấy đã chết. Ông ấy không còn cảm nhận điều gì nữa”.

Tất Đạt Đa hỏi, “Ta cũng như vậy? Con trai của nhà vua cũng sẽ chết như người đàn ông này?”

Cha-Nac trả lời ― “Vâng, mọi sinh  vật  đều phải chết. Không một người nào có thể tránh cái chết”.

Tất Đạt Đa vô cùng sửng sốt, thở dài, “Tất cả mọi người biết rằng họ sẽ chết, họ chưa bao giờ có cuộc sống bình yên”.

 

Thái tử ra lệnh người đánh xe trở về nhà. Đây không phải là lần đi chơi thoải mái. Cuộc sống có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào. Làm sao ta có thể vui sướng cho bản thân ta.

 

Tại cung điện, Tất Đạt Đa suy ngẫm về những điều đã thấy. Thật khủng khiếp để biết rằng mọi người sẽ chết vào ngày nào đó và không một người nào có thể tránh khỏi.

 

Bấy  giờ,  Tất Đạt Đa đã  biết con người bên ngoài cung điện sống thế nào. Những người ăn xin nằm dọc đường, xin thức ăn. Trẻ em  mặc những cái áo rách bươm đang rên la trên đường  phố. Người già, người bị bệnh và người nghèo đang chờ cái chết hiu quạnh. Trong khi, người giàu sống trong những ngôi nhà đẹp mà không chăm sóc cuộc sống người

nghèo.

 

Tất Đạt Đa tự hỏi, ― “Những người này có hy vọng gì khi sống? Thậm chí người giàu cũng đau khổ vì tuổi già, bệnh tật và cái chết. Mọi người sinh ra trong thế giới này đều phải đau khổ như vậy. Đau khổ của họ bắt đầu ngay từ lúc mới sinh. Ta phải tìm ra con đường để giúp họ ».

 

Trong chuyến đi thăm bên ngoài cung điện lần thứ tư, thái tử và Cha-Nac cưỡi ngựa đi qua cổng phía Tây. Họ đi ngang qua vị đạo sĩ mặc áo choàng rách rưới.  Nhìn thấy sự tỉnh lặng và thanh bình của đạo sĩ, thái tử hỏi, « Người này là ai? ».

Cha-Nac giải thích với thái tử, « Ông ta là một đạo sĩ đang hành đạo. Ông ta bỏ nhà cửa và nông trại và sự giàu có, Ông ta theo cuộc sống đơn giản và thanh bình cho bản thân ông ta. Ông ta hy vọng sẽ tìm ra chân lý và vượt qua những đau khổ trong thế giới này ».

Tất Đạt Đa, mỉm cười. ― « Ta sẽ trở thành tu sĩ  như ông ta. Đột nhiên, họ nhận được tin từ cung điện ― Công chúa vừa sinh hạ con trai cho thái tử! ». Tất Đạt Đa rất hạnh phúc khi nghe công chúa sinh hạ con trai, nhưng giờ đây, thái tử sẽ khó khăn hơn để thực hiện ước mơ trở thành đạo sĩ. Tên của người con trai là La Hầu La.


(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên - NXB. Hồng Đức)

Friday, March 10, 2023

QUAY VỀ NƯƠNG TỰA

 


QUAY VỀ NƯƠNG TỰA

 

“Quay về nương tựa

Hải đảo tự thân”

Lời thầy còn đó

Ấm áp thật gần

 

Tự mình thắp đuốc

Khơi đèn trí tuệ

Học hoài chẳng thuộc

Bao giờ hết mê?

 

Bụt là chánh niệm

Soi sáng xa, gần

Bước chân, chẳng nhiễm

Vào, ra, tinh cần

 

Tự mình tu tập

Lấy pháp làm thầy

Tử sinh nguy cấp

Gắng tu từng ngày

 

Bước chân chánh niệm

Hơi thở, nụ cười

Hiện pháp lạc trú

Thân, tâm - an vui

 

Con xin quay về nương tựa

Bụt, Pháp, Tăng nơi tự tánh.

Friday, February 24, 2023

ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

 


ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

 

Tay cầm tích trượng minh châu

Đi vào cảnh khổ, ngục sâu cứu người

Nguyện xưa cứu độ phát lời

“Địa ngục chưa trống, ta thời còn vô” [1]

Cứu cho hết thảy tội đồ

Mới mong thành Phật, hư vô Niết bàn

Tạ ơn lời nguyện ngàn vàng

Chúng sanh tội khổ vô vàn vô biên

Địa ngục thống khổ triền miên

Bởi tâm điên đảo, chướng duyên trùng trùng

Tham sân si não vô cùng

Nhớ niệm Địa tạng, sáng bừng tâm ngay

Địa ngục vượt thoát ngay đây

Minh châu tỏa sáng, đọa đày tiêu tan

Dẹp bao xiềng xích buộc ràng

Đưa người thoát khổ, đường vàng bước đi

Học ngài, quyết dẹp tham si

Dũng lực vượt thoát những khi mê lầm

Minh châu nhớ mãi trong tâm

Địa tạng bồ tát – âm thầm cứu nguy…



[1] Đây là lời nguyện của Địa tạng vương Bồ tát

Wednesday, February 8, 2023

TU TÂM

 


TU TÂM

 

Tâm là gốc tội

Nên cần phải tu

Luân hồi chìm nổi

Bởi tâm mịt mù

 

Quay về nương tựa

Uốn nắn tâm xưa

Nhận ra bản chất

Tham sân xin chừa

 

Tâm vốn không hình

Dẫn dắt chúng sinh

Thành ma thành Phật

Cũng bởi tâm mình

 

Bởi tâm điên đảo

Chạy theo vọng tình

Đắm mê hư ảo

Nổi chìm lênh đênh

 

Cầm dây hơi thở

Chăn trâu - tâm mình

Chẳng rời chẳng hở

Trâu nằm lặng thinh

 

An ban thủ ý

Thở vào thở ra

Lắng dừng tâm ý

Đưa tâm về nhà

 

Đã về đã tới

Bây giờ ở đây

Trâu nằm yên đợi

An vui nơi này

 

Tu tâm thuần thục

Quên trâu quên người

Tâm đà nhiếp phục

Tháng ngày rong chơi

 

Không giẫm lúa gạo

Tùy duyên giúp đời

Thong dong nếp đạo

Niết bàn thảnh thơi…

 

Đức Kiên - 2022

Saturday, January 7, 2023

Sự tích quả dưa hấu

 

Sự tích quả dưa hấu

 

Ngày xưa có một người trẻ tuổi tên là Mai An Tiêm. Chàng là người ở một nước đâu tận vùng biển phía Nam, bị bán làm nô lệ. Một hôm, chàng bị bọn lái buôn chở đến bán cho Hùng Vương. Mai An Tiêm học nói tiếng Việt rất chóng. Chàng nhớ nhiều chuyện, biết nhiều điều thường thức, lại lắm tài nghề. Càng ngày vua càng yêu dấu, không lúc nào rời.

Năm ba mươi lăm tuổi, chàng làm quan hầu cận, có một ngôi nhà riêng ở gần cung vua. Vợ Mai An Tiêm là con gái nuôi của vua đã sinh được một trai lên năm tuổi. Mai An Tiêm có đủ mọi người hầu hạ, trong nhà của ngon vật lạ không thiếu thứ gì. Tuy oai quyền không lớn lắm nhưng chàng được mọi người sợ phục. Nhiều kẻ vẫn thường lui tới cầu cạnh. Nhưng thấy Mai An Tiêm có địa vị cao, cũng không hiếm gì những kẻ sinh lòng ghen ghét.

Một hôm, trong một bữa tiệc đãi các quan khách, giữa lúc mọi người không ngớt lời xưng tụng mình, Mai An Tiêm nhún nhường bảo họ:

- Có gì đâu ! Tất cả mọi thứ trong nhà này đều là phước báo kiếp trước của tôi cả !

Mai An Tiêm nói rất tự nhiên. Bởi vì tôn giáo xứ sở chàng bảo rằng cái sướng cái khổ hiện tại là kết quả của sự ăn ở tốt hay xấu của tiền kiếp. Nhưng trong số người dự tiệc có mấy viên quan hầu gần vua, vốn ghét chàng từ lâu. Chụp lấy câu nói mà họ cho là ngạo mạn đó, họ bèn vội vàng về tâu cho vua biết.

Vua Hùng nghe nói vô cùng giận dữ. Vua gầm lên:

- Chà! Thằng láo! Hôm nay nó nói thế, ngày mai nó còn tuôn ra những lời bất kính đến đâu. Quân nô lệ phản trắc! Giam cổ nó lại cho ta!

Buổi chiều hôm ấy, Mai An Tiêm bị bắt bỏ vào ngục tối. Bấy giờ chàng mới hiểu chàng lỡ lời. Mai An Tiêm tự bảo: "Nếu từ nay trở đi ta bị đày đọa là vì kiếp trước ta đã cư xử không phải".

Trong khi đó thì ở triều, các quan họp bàn để xử án Mai An Tiêm. Nhiều người đề nghị xử tử. Có người đề nghị cắt gót chân. Nhưng lời tâu của một ông quan già làm cho Hùng Vương chú ý:

- Hắn bị tội chết là đúng. Nhưng trước khi hắn chết ta nên bắt hắn phải nhận ra một cách thấm thía rằng những của cải của hắn đây là do ơn trời biển của bệ hạ chứ chả phải là vật tiền thân nào cả. Tôi nghe ngoài cửa Nga-sơn có một hòn đảo. Cho hắn ra đấy với một hai tháng lương để hắn ngồi ngẫm nghĩ về "phước báo kiếp trước" của hắn trước khi tắt thở.

Vua Hùng gật đầu chấp thuận. Nhưng sau khi ra lệnh, vua còn dặn: "Cho hắn lương vừa đủ dùng trong một mùa, nghe không".

Hôm đi đày, tuy ai nấy hết lời can ngăn nhưng vợ Mai An Tiêm vẫn nhất quyết theo chồng ra hải đảo. Nàng bồng cả con trai đi theo. Tất cả mọi người đều cho là việc rồ dại. Còn nàng thì tin ở lời chồng:  "Trời sinh voi trời sinh cỏ. Lo gì!".

Nhưng khi bước chân lên bãi cát hoang vu mịt mù, người thiếu phụ đó cũng không ngăn nổi cảm giác tủi thân, nức nở gục vào vai chồng:

- Chúng ta đành chết mất ở đây thôi.

Mai An Tiêm ôm con, bảo vợ:

- Trời luôn luôn có con mắt. Cứ phấn chấn lên. Đừng lo!

Hơn một tháng đầu, đời sống của vợ chồng đã tạm ổn. Nhà ở thì chui trong hốc đá đã được đan phên che sương gió. Nước uống thì đã có suối. Muối không có thì đã có nước biển. Nhưng còn việc kéo dài sự sống? Hai vợ chồng nhìn vào bồ gạo đã vơi:  "Nếu chúng ta có được một nắm hạt giống thì quyết không lo ngại gì cả".

Tự nhiên, một hôm có một đàn chim lớn bay từ phương Tây lại, đậu đen ngòm cả một bãi cát. Rồi chúng bay đến trước mặt hai vợ chồng kêu váng cả lên, thả xuống năm sáu hạt. Ít lâu sau từ những hạt ấy mọc ra một loại cây dây bò lan xanh um cả bãi. Dây bò đến đâu, những quả xanh non mơn mởn nhú ra đến đấy. Ít lâu sau nữa, vợ chồng ra xem thì quả nào quả ấy đã lớn lên như thổi, da xanh mượt, tròn to bằng đầu người. Mai An Tiêm trẩy một quả, bổ ra thấy ruột đỏ hồng, hạt đen nhánh. Vợ chồng con cái cùng nếm thấy vị thanh thanh dịu ngọt. Càng ăn càng mát đến ruột gan. Mai An Tiêm reo lên:

- Ồ! đây là thứ dưa lạ, chưa từng thấy bao giờ. Hãy gọi nó là dưa Tây, vì thứ dưa này được bầy chim đưa từ phương Tây lại, từ đất liền ra cho chúng ta. Trời nuôi sống chúng ta rồi!

Từ hôm đó hai vợ chồng cố trồng thêm cho thật nhiều dưa. Họ trù tính ăn dưa thay cơm để đỡ phải dùng số gạo đã gần kiệt.

Một hôm vợ chồng Mai bắt gặp một chiếc thuyền đánh cá đi lạc ra đảo. Sau khi giúp họ sửa buồm lái để trở về đất liền, Mai còn đưa biếu một số dưa để họ đưa về cho mọi người nếm thử. Mai bảo họ chở gạo ra đổi lấy dưa. Chỉ cách mấy ngày, con thuyền thứ nhất đã đến cắm neo ở bến, chở ra cho hai vợ chồng khá nhiều gạo. Hai bên y ước: một bên nhận lấy số gạo còn một bên xếp dưa xuống thuyền.

Từ đó trở đi, bữa ăn của họ đã khác trước. Ngồi bên nồi cơm trắng hơi lên nghi ngút, vợ Mai An Tiêm ôm lấy con, lẩm bẩm: "Trời nuôi sống chúng ta thực!". Cũng từ hôm đó, hai vợ chồng trồng thêm nhiều dưa nữa. Kết quả là thuyền buôn có, thuyền chài có, lũ lượt ra đỗ ở hải đảo đưa gạo, áo quần, gà lợn, dao búa, lại có cả các thứ hạt giống khác, để đổi lấy dưa.

Những người trong thuyền nói với Mai An Tiêm:

- Thật quả từ xưa chưa hề có loại dưa nào quý đến thế.  Ở vùng chúng tôi ai cũng ao ước được nếm một miếng thứ "dưa hấu" này dù phải đổi bao nhiêu gạo cũng không tiếc.

Ngày ấy người ta tranh nhau mua dưa lấy giống cho nên chỉ trong vài ba năm giống dưa lan tràn khắp nơi. Tên tuổi vợ chồng Mai An Tiêm được truyền đi xa rộng. Dân gọi tôn là "Bố cái dưa Tây".

Lại nói chuyện vua Hùng, một hôm la rầy viên quan hầu đã vì dốt nát để thợ dựng hỏng một ngôi nhà. Vua buột miệng than thở : "Phải chi có Mai An Tiêm thì đâu đến nỗi". Ngày hôm đó vua nhắc mãi đến chàng. Đã hai lần vua cho hỏi Lạc hầu xem hiện giờ Mai An Tiêm đang làm gì ở đâu. Lạc hầu đáp liều: "Chắc hắn không còn nữa!".

Nhưng vua không tin. Vua sai ngay một tên nô khác cấp cho lương ăn và thuyền để hắn vào châu Ái tìm Mai An Tiêm. Một tháng sau, hắn ta mang về cho vua một thuyền đầy dưa Tây và nói:

- Đây là lễ vật của ông bà Mai An Tiêm dâng bệ hạ.

Hắn kể cho vua biết rõ những ngày tân khổ và tình trạng hiện nay của hai vợ chồng Mai An Tiêm. Rồi hắn tâu tiếp:

- Bây giờ, ông bà Mai An Tiêm đã có nhà cửa ở ngoài ấy khá đẹp, có đến hơn mười người hầu hạ, có bãi dưa, có ruộng lúa và rất nhiều lợn gà...

Vua Hùng càng nghe càng sửng sốt. Vua chắt lưỡi bảo mấy viên quan hầu cận ngày nọ đã tố cáo Mai An Tiêm:

- Hắn bảo là vật tiền thân của hắn, thật đúng chứ không sai!

Vua bèn sai một đoàn lính hầu đi đón hai vợ chồng về, cho Mai trở lại chức cũ. Vua lại ban cho hai người con gái hầu để an ủi chàng.

Bây giờ chỗ hải đảo, người ta còn gọi là bãi An Tiêm. Những người kế tiếp công việc của hai vợ chồng Mai An Tiêm trên đảo vẫn còn dòng dõi đông đúc. Họ lập thành làng gọi là làng Mai-An. ở ngôi nhà cũ của Mai An Tiêm thì họ lập đền thờ hai vợ chồng chàng. Nhân dân gọi là "ông bà tổ dưa Tây (hay dưa hấu)".

Bài học : Theo đạo Phật, những gì ta được hưởng trong đời là do phước báo (thiện nghiệp) của ta đã tạo trong quá khứ, những khó khăn ta gặp phải cũng là do nghiệp báo của các hành động xấu trong quá khứ. Vì vậy, cần phải làm việc lành, tránh việc dữ để tạo ra những hoàn cảnh tốt, và được an vui, hạnh phúc trong tương lai.