Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Tuesday, April 21, 2020

Bảy đóa sen thơm

Bảy đóa sen thơm

Từ vườn Lâm Tỳ Ni
Hơn hai ngàn năm trước
Đức Thế Tôn đã bước
Bảy đóa sen diệu kỳ.

Nâng đỡ bước người đi
Mở ra đường chân lý,
Bước vững vàng thanh tịnh
Trong giáo pháp hòa bình.

Ta bà thành Tịnh độ,
Theo bước chân tỉnh ngộ.
Từng bước nở hoa sen,
Từng bước sáng ánh đèn.

Trước lễ đài Phật đản,
Nguyện cất bước lên đàng,
Nguyện bước chân sen nở,
Tịnh hóa cõi mê mờ.

Chắp tay sen lễ Phật
Xin nguyện thanh tịnh lòng
Bước từng bước thong dong
Trên con đường chân thật.

Đức Kiên (PQT)

Sunday, April 5, 2020

Từ vấn đề giảng dạy livestream nhìn lại vai trò con người trong chuyển đổi số

Từ vấn đề giảng dạy livestream nhìn lại vai trò con người trong chuyển đổi số

Ngày nay, xã hội đang bước vào kỷ nguyên Công nghiệp 4.0, ở đó sự tiến bộ của công nghệ đóng vai trò then chốt cho sự thành bại của mọi tổ chức. Chính vì vậy, cụm từ “chuyển đổi số” ngày càng được nhắc đến nhiều hơn như là một tiến trình chuyển đổi tất yếu của mọi tổ chức trong việc ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là CNTT-VT. Tuy nhiên, nói đến chuyển đổi số, nhiều người hay lầm tưởng chỉ cần chú trọng đến khía cạnh công nghệ là đủ, mà không cần quan tâm đến khía cạnh con người. Mắc phải sai lầm này, một số trường ĐH đang triển khai giảng dạy livestream tại studio của trường một cách ồ ạt như một giải pháp đối phó với dịch bệnh, bất chấp sự lo ngại về an toàn dịch bệnh từ GV, cũng như hiệu quả thực tế từ đánh giá của SV. Thực tế, nhiều kết quả nghiên cứu và thực tiễn cho thấy con người mới đóng vai trò then chốt trong sự thành bại của các dự án chuyển đổi số. Bài viết này sẽ làm rõ hơn điều đó.

Theo Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Vì vậy, mọi dự án ứng dụng CNTT-VT ở các tổ chức đều thuộc quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số là tất yếu và có thể nhỏ hay lớn tuỳ theo quy mô của dự án. Tuy nhiên, cần hiểu rằng quản lý chuyển đổi (transformation) rất khác so với quản lý thay đổi (change) bởi chúng ta không thể biết trước kết quả của quá trình chuyển đổi sẽ ảnh hưởng thế nào đến hành vi khách hàng, nhân viên, cũng như mô hình kinh doanh. Vì vậy, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi một cách tiếp cận khác và thường được ví như hình ảnh con sâu lột xác để trở thành con bướm.

Trong chuyển đổi số, công nghệ là phần dễ thấy nhưng không phải là tất cả. Theo Westerman và ctg. (2014), trong cuốn “Leading Digital: Turning Technology into Business Transformation”, chính khách hàng, nhân viên và nhà quản lý mới là yếu tố quyết định cho việc chuyển đổi số thành công. Khi phân tích các DN thành công trong chuyển đổi số, hay còn được gọi là bậc thầy kỹ thuật số (digital master), các tác giả nhận thấy chính năng lực công nghệ và năng lực lãnh đạo là 2 khía cạnh quan trọng giúp phân biệt Digital master và các DN khác. Trong đó, năng lực công nghệ thể hiện ở trãi nghiệm khách hàng tốt hơn, quy trình nội bộ tốt hơn và mô hình kinh doanh hiệu quả hơn. Năng lực lãnh đạo thể hiện ở Tầm nhìn, Sự gắn kết nhân viên, Văn hoá cởi mở, và Mối quan hệ hỗ tương giữa bộ phận công nghệ và kinh doanh.

Lấy ví dụ về việc triển khai giảng dạy trực tuyến ở các trường Đại học nhằm đối phó với dịch Covid-19 hiện nay. Đây là quá trình chuyển đổi số tất yếu phải diễn ra, nhưng không phải từ sự chủ động của các trường mà là phản ứng bị động để đối phó với dịch bệnh. Chính vì vậy, nhiều trường đã thiếu sự chuẩn bị cần thiết, cũng như rơi vào sai lầm của việc xem thường yếu tố con người của các nhà quản lý. Vì chỉ chú ý vào cải thiện năng lực công nghệ mà quên khía cạnh năng lực lãnh đạo khiến cho việc chuyển đổi số ở các trường gặp rất nhiều trở ngại và không phát huy hiệu quả của việc dạy và học online. Một số vấn đề có thể kể ra như: SV thiếu cam kết cho việc tự học, GV lo ngại cho sự an toàn phòng dịch nên không sẵn sàng dạy livestream tại các studio của trường, chia nhỏ bài giảng đòi hỏi nhiều nổ lực soạn bài, GV lớn tuổi khó sử dụng thành thạo công cụ, văn hoá thiếu sự cởi mở và lãnh đạo chưa thích nghi cho phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh... Hơn nữa, một số quyết định của lãnh đạo nhà trường còn mang tính chủ quan, duy ý chí mà không cân nhắc lợi hại của chọn lựa từ nhiều góc nhìn khác nhau, khiến cho việc triển khai mất đi ý nghĩa tích cực của nó.

Để khắc phục các trở ngại trên, đảm bảo sự thành công của quá trình chuyển đổi số, lãnh đạo các trường ĐH cần phải chú ý củng cố năng lực lãnh đạo số song song với quá trình nâng cao năng lực số. Trên hết, cần phải thay đổi tầm nhìn, xây dựng văn hoá số, ở đó, phải cởi mở, chấp nhận lắng nghe, thảo luận, tạo sự đồng lòng, gắn kết của đội ngũ, để cùng tìm giải pháp tốt nhất cho hoàn cảnh của mình. Trước mắt, là giải quyết nhu cầu học tập online hiệu quả nhằm đối phó dịch bệnh, xa hơn là chuyển đổi thành trường đại học số và ứng dụng thêm nhiều công nghệ tiến bộ trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Phải đặt an toàn sức khỏe của GV, NV và SV lên hàng đầu trong mọi quyết sách. Đối với lao động tri thức như ở trường ĐH, chỉ có trong môi trường an toàn về sức khỏe, thoải mái về tinh thần thì việc dạy và học mới phát huy hết hiệu quả của nó.

Chuyển đổi số đòi hỏi những người lãnh đạo có tâm và có tầm để có thể dẫn dắt quá trình chuyển đổi. Trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh hiện nay, người lãnh đạo không những phải hiểu rõ về yêu cầu cần thiết để đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số mà còn phải hiểu rằng chuyển đổi số là thành quả lâu dài của một tập thể hơn là việc hoàn tất một dự án ngắn hạn. Vì vậy, để thu được lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số, rất mong các nhà lãnh đạo nên chú ý nhiều hơn đến yếu tố con người, một khía cạnh quan trọng làm nên sức mạnh của trường ĐH trong nền kinh tế tri thức.

Chúc mọi người luôn bình an, mạnh khỏe vượt qua mùa đại dịch. Chúc các trường ĐH ở Việt Nam thực hiện thành công việc chuyển đổi số và giáo dục Việt Nam sẽ chuyển mình mạnh mẽ sau cú hích Covid-19 này.

PGS. TS. Phạm Quốc Trung



Thursday, April 2, 2020

Lễ hội xưa

Lễ hội xưa

Lễ hội xưa

Tiếng khèn dìu dặt khoan thai
Trống đồng vào hội những ngày xa xưa
Nam thanh nữ tú đong đưa
Nhịp chày khoan nhặt cũng vừa trống canh
Đoàn người khố dệt mong manh
Cùng chung điệu hát, họp thành lời ca
Hồn nhiên cuộc sống chan hòa
Nếp hương: cất rượu, săn gà: mồi ngon
Hóa thân lông vũ xoay tròn
Đàn chim xòe cánh lên non ngút ngàn
Cụ già: dùi trống vang vang
Bắt đầu lễ hội cả làng múa vui
Âm vang réo rắt đầy lùi
Nhọc nhằn, vất vả, chảy xuôi theo dòng
Mồ hôi rớt xuống thành sông
Chảy về nguồn cội, những dòng yêu thương
Cho người hiểu nghĩa "Quê hương"
Kể từ ngày ấy, vấn vương muôn đời

Vân Hà (TTHA)