Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Thursday, August 25, 2011

Tự nguyện

Tự nguyện
Sáng tác: Trương Quốc Khánh
Thể hiện: NSND Trần Khánh

Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm
Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương

Là chim, tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm
Từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền
Là hoa, tôi nở tình yêu ban sớm
Cùng muôn trái tim ngất ngây hoà bình

Là mây, theo làn gió tung bay khắp trời
Nghìn xưa oai hùng đó tôi xin tiếp lời
Là người, xin một lần khi nằm xuống
Nhìn anh em đứng lên phất cao ngọn cờ...


Thursday, August 11, 2011

Nhân mùa Vu Lan nghĩ về chữ Hiếu


Thời gian trôi qua nhanh thật! Mới đây, mà một mùa Vu Lan nữa lại đã về!

Rằm tháng 7 - Mùa Vu Lan báo hiếu là một mùa lễ có rất nhiều ý nghĩa đối với những người con Phật khắp nơi trên thế giới. Đây là thời điểm mà những người con hiếu thảo thường nghĩ cách để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ bằng cách phụng dưỡng, quan tâm, chăm sóc (nếu còn sống) hoặc làm lễ cầu siêu, phóng sanh, tạo phước để hồi hướng cho cha mẹ (nếu đã mất).

Còn nhớ, ở Nhật mùa Vu Lan gắn liền với lễ O-Bon, 1 trong những ngày lễ lớn ở Nhật. Đây là dịp nghỉ lễ tương đối dài của người Nhật. Vào dịp này, mọi người thường về quê thăm viếng cha mẹ, hoặc đi tảo mộ, thắp hương, cầu nguyện an lành cho những người thân đã mất. Lễ O-Bon còn được kết hợp với nhiều tục lệ như: ngắm đom đóm, bắn pháo hoa, hoặc đốt lửa ở trên núi... với ý nghĩa cầu mong sự giải thoát, siêu thăng cho những người đã mất. Về bản chất, cho dù có khác biệt về văn hóa, xứ sở, lễ Vu Lan vẫn chứa đựng trong nó nét đẹp truyền thống, đó là tôn vinh chữ HIẾU.

Ở Việt Nam mình, từ xưa đến này, tinh thần hiếu thảo của đạo Phật đã hòa quyện với tinh thần truyền thống của dân tộc, như: biết ơn, hiếu kính người già, coi trọng tình cảm gia đình... Đó là một truyền thống quý báu đã được phát triển và duy trì qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Một điểm đặc sắc của chữ Hiếu trong văn hóa Việt Nam là nó đã được mở rộng và khai triển theo nhiều chiều kích ngữ nghĩa khác nhau.

Trong Phật giáo Việt Nam, chữ Hiếu với cha mẹ đã được mở rộng đến hiếu thảo với cha mẹ chín đời, và sau cùng là hiếu thảo với tất cả chúng sanh. Hay nói khác hơn, chữ Hiếu lúc này đồng nghĩa với chữ Từ Bi trong nhà Phật, là thương yêu tất cả mọi người. Trong kinh Vu Lan, có đoạn kể về câu chuyện Đức Phật quỳ lạy đống xương khô khi cùng đệ tử đi qua khu đồng trống. Đệ tử ngạc nhiên mới hỏi Phật vì sao lại làm như thế. Phật trả lời, vì con người trong vô số kiếp tái sinh trên cuộc đời này, nên hầu như ai cũng có ít nhiều quan hệ với nhau, rất có thể trong đống xương khô kia, có xương của cha mẹ nhiều đời của ta trong đó, vì vậy ta mới đảnh lễ. Từ đó, Đức Phật mới triển khai ý nghĩa của chữ Hiếu và 4 trọng ân cần phải báo đáp. Đó là: ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn đất nước và ơn chúng sanh. Chính trên tinh thần chữ Hiếu, mà mỗi người thấy mình sinh ra trên cuộc đời đã nhận được ơn đức rất nhiều, nên cần phải nổ lực tu học, làm việc, đóng góp vào cuộc đời để báo đáp phần nào ơn đức to lớn đó. Vì vậy, đối với người con Phật, hiếu thảo trở thành một đức tính hàng đầu và được xem là một nghĩa vụ đương nhiên của mỗi người, cũng đơn giản như có vay thì có trả vậy.

Trong cuộc sống thế gian, chữ Hiếu của gia đình đã được mở rộng thành hiếu với mọi người trong xã hội, hay nói theo thành ngữ thường nghe trong giới công chức nhà nước là "Trung với nước, Hiếu với dân". Một cách vô tình, hiếu với dân cũng đồng nghĩa với hiếu với tất cả mọi người vậy. Câu này, đặt người dân ở vị trí của "cha mẹ", người công chức phải biết hiếu thảo để đền đáp ơn "cha mẹ", tức người dân, đã đóng thuế nuôi mình vậy. Điều này, quả khác với thực tế nhận thức sai lệch của nhiều công chức hiện nay, coi mình như cha mẹ của dân (quan chi phụ mẫu) và bắt dân phải "hiếu thảo" với mình. Điều này cần phải chấn chỉnh để chữ Hiếu đạt được ý nghĩa trọn vẹn của nó. Đó là một quan hệ 2 chiều, dân sẽ biết ơn nhà nước nếu nhà nước hết lòng phục vụ lợi ích của dân, của nước, đổi lại, nhà nước cũng phải biết ơn nhân dân, vì đó là người đóng thuế để nuôi guồng máy nhà nước hoạt động.

Như vậy, quả là người Việt Nam đã hiểu chữ Hiếu một cách rất là sâu sắc. Ta thấy rằng, hai thành phần cốt lõi trong chữ Hiếu đó là biết ơn và đền ơn. Mà trong thực tế cuộc sống, ta phải nhận ơn từ rất nhiều người để có cuộc sống hôm này. Không chỉ nhận tấm thân từ cha mẹ, mà ta còn nhận rất nhiều thứ về vật chất và cả tinh thần từ mọi người xung quanh để có thể lớn khôn, thành người như ngày hôm nay. Vì vậy, hiếu với tất cả mọi người cũng là điều đương nhiên. Cốt lõi của lòng hiếu thảo là nuôi dưỡng trong tim lòng biết ơn thường trực, lúc nào cũng thấy mình đã và đang được hưởng rất nhiều ơn đức, vì vậy mà càng phải nỗ lực phấn đấu để mong đáp trả những ơn đức đó. Thành ngữ Việt Nam có rất nhiều câu dạy về lòng biết ơn, như: "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "uống nước nhớ nguồn"... Chính từ nền tảng của lòng hiếu thảo, biết ơn đó, mà những đức tính tốt đẹp khác mới đâm hoa, kết trái, và mang lại hương sắc cho đời.

Người Việt Nam càng trọng người có hiếu bao nhiêu, thì càng ghét bọn bất hiếu bấy nhiêu. Vì vậy, ta thường thấy trong các câu chuyện dân gian, kết cục đối với những đứa bất hiếu thường là bị trời đánh chết. Gần đây, hiện tượng quan tham tràn lan, công chức xách nhiễu dân, công an đạp vào mặt dân... là những biểu hiện trái với truyền thống "hiếu với dân" của cha ông ta. Để khắc phục tình trạng này, những người công bộc của dân nên học lại bài học "hiếu với dân" để tránh không bị mang tiếng là quân bất hiếu.

Nhân mùa Vu Lan năm nay, xin chúc mọi người luôn thân tâm an lạc, vạn sự kiết tường như ý! Mong mọi người hãy cùng nhau thắp lên một nén tâm hương, để cùng hiểu thêm ý nghĩa của chữ Hiếu, cũng như áp dụng bài học cao đẹp của lòng biết ơn vào cuộc sống hằng ngày vậy.

Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát!

Mùa Vu Lan - 2011

Tuesday, August 2, 2011

Việt Nam Sử Lược

Vừa rồi, nhân đọc bài báo "Điểm thi môn sử thấp không ngờ" trên Tuổi Trẻ Online (26/7/2011) lòng chợt buồn nhưng không quá ngạc nhiên. Bài báo nói về tỷ lệ cao bất thường của thí sinh có điểm dưới trung bình môn Sử trong kết quả thi tuyển sinh Đại Học năm nay. Qua bài báo, ta biết được "nhiều trường ĐH có trên 98% bài thi môn sử dưới điểm trung bình. Thậm chí có trường chỉ một thí sinh đạt điểm trung bình môn sử". Đó là một kết quả bất thường phản ánh việc giáo dục môn Lịch sử ở nước ta đang có vấn đề nghiêm trọng.
Sở dĩ, vấn đề này không gây bất ngờ cho tôi bởi nó đã được cảnh báo bởi nhiều nhà giáo dục có tâm huyết từ nhiều năm nay. Đó là thực trạng học sinh thờ ơ với môn Sử, kiến thức về lịch sử nước nhà thì mơ hồ trong khi lịch sử Tàu thì lại rất rõ, việc phân phối chương trình giáo khoa Sử không phù hợp với các cấp lớp... Trong khi đó những nhà quản lý giáo dục của ta mãi chạy theo những phong trào này nọ, đề ra những chỉ tiêu xa vời thiếu thực tế, trong khi đời sống nhà giáo không được cải thiện, việc xã hội hóa giáo dục gắn liền với việc tăng thu từ phụ huynh hay đẩy gánh nặng trách nhiệm về phía người dân... Vì vậy, kết quả trên chính là phản ánh một thực tế hiển nhiên, như có nhân ắt có quả. Nó cho thấy một góc nhìn về thực trạng giáo dục của Việt Nam đang xuống cấp như thế nào.
Tuy nhiên, có một điều làm tôi buồn và ngạc nhiên hơn đó là khi đọc bài trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ GDĐT trên báo SGGP (30/7/2011), ông xem kết quả trên là bình thường, và nước nào mà chẳng vậy. Điều này, có nghĩa là đối với ông, người đứng đầu ngành giáo dục, thì vấn đề trên chẳng có gì là nghiêm trọng, và không có gì cần phải chỉnh sửa, thay đổi cả.
Buồn vì thấy rằng thực trạng "dốt sử" ở nước ta đã được cụ Trần Trọng Kim nói đến trong Việt Nam Sử Lược từ rất lâu rồi, nhưng xem ra những lời nhắc nhở của cụ vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.
Chép lại lời tựa trong cuốn Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim, để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc học và hiểu lịch sử nước nhà, hiểu được giá trị của môn lịch sử đối với việc giáo dục lòng yêu nước, đến sự tồn vong và phát triển của cả dân tộc và đất nước.

=========================

Lời Tựa Việt Nam Sử Lược

Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này.

Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình mới có lòng yêu nước yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng, để vun đắp thêm vào cái nền xã hội của tiên tổ đã xây dựng nên mà để lại cho mình. Bởi những lẽ ấy cho nên phàm dân tộc nào đã có đủ cơ quan và thể lệ làm cho một nước độc lập, thì cũng có sử cả. Nước Việt ta khởi đầu có sử từ đời nhà Trần, vào quãng thế kỷ thứ XIII. Từ đó trở đi nhà nào lên làm vua cũng trọng sự làm sử. Nhưng cái lối làm sử của ta theo lối biên niên của Tàu, nghĩa là năm nào tháng nào có chuyện gì quan trọng thì nhà làm sử chép vào sách. Mà chép một cách rất vắn tắt cốt để ghi lấy chuyện ấy mà thôi, chứ không giải thích cái gốc ngọn và sự liên can việc ấy với việc khác là thế nào.

Nhà làm sử lại là người làm quan, vua sai coi việc chép sử, cho nên dẫu thế nào sự chép sử cũng không được tự do, thường có ý thiên vị về nhà vua, thành ra trong sử chỉ cần chép những chuyện quan hệ đến nhà vua, hơn là những chuyện quan hệ đến sự tiến hóa của nhân dân trong nước. Vả, xưa nay ta vẫn chịu quyền chuyên chế, vẫn cho việc nhà vua là việc nước. Cả nước chỉ cốt ở một họ làm vua, cho nên nhà làm sử cứ theo cái chủ nghĩa ấy mà chép sử, thành ra sử đời nào cũng chỉ nói chuyện những vua đời ấy mà thôi. Bởi vậy xem sử ta thật là tẻ, mà thường không có ích lợi cho sự học vấn là mấy.

Sử của mình đã không hay, mà người mình lại không mấy người biết sử. Là vì cái cách học tập của mình làm cho người mình không có thể biết được sử nước mình. Bất kỳ lớn nhỏ, hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu,chứ không học sử nước nhà. Rồi thơ phú văn chương gì cũng lấy điển tích ở sử Tàu, chứ chuyện nước mình thì nhất thiết không nói đến. Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ mọn không cần phải biết làm gì. Ấy cũng là vì xưa nay mình không có quốc văn, chung thân chỉ đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm hóa, chứ tự mình thì không có cái gì là cái đặc sắc, thành ra thật rõ như câu phương ngôn: "Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng!" Cái sự học vấn của mình như thế, cái cảm tình của người trong nước như thế, bảo rằng lòng vì dân vì nước mở mang ra làm sao được?

Nhưng dẫu thế nào mặc lòng, nước ta đã có sử ta thì cũng có thể bởi đó mà biết được những sự đã qua ở nước ta, và có thể bởi đó mà khảo cứu được nhiều việc quan hệ đến vận mệnh nước mình từ xưa đến nay xoay vần ra làm sao. Hiềm vì sử nước ta thì làm bằng chữ Nho cả, mà chữ Nho thì từ rày trở đi chắc rồi mỗi ngày một kém đi. Hiện nay số người đọc được chữ Nho còn nhiều, mà trong nước còn không có mấy người biết được chuyện nước nhà, huống chi mai sau này chữ Nho bỏ không học nữa, thì sự khảo cứu về những việc quan hệ đến lịch sử nước mình sẽ khó biết bao nhiêu!

Nay nhân sự học ở nước ta đã thay đổi, chữ quốc ngữ đã phổ thông cả trong nước, chi bằng ta lấy tiếng nước nhà mà kể chuyện nước nhà, ta soạn ra bộ Việt Nam Sử Lược, xếp đặt theo thứ tự, chia ra từng thời đại, đặt thành chương, thành mục rõ ràng, để ai ai cũng có thể xem được sử, ai ai cũng có thể hiểu được chuyện, khiến cho sự học sử của người mình được tiện lợi hơn trước.

Bộ Việt Nam Sử Lược này, soạn giả chia ra làm 5 thời đại:

Thời đại thứ nhất là Thượng Cổ thời đại, kể từ họ Hồng Bàng cho đến hết đời nhà Triệu. Trong thời đại ấy, từ chương thứ III, bàn về xã hội nước Tàu trước đời nhà Tần, phần nhiều là những chuyện hoang đường, huyền hoặc cả. Những nhà chép sử đời trước cũng theo tục truyền mà chép lại, chứ không có di tích gì mà khảo cứu cho đích xác. Tuy vậy, soạn giả cũng cứ theo sử cũ mà chép lại, rồi cũng phê bình một đôi câu để tỏ cho độc giả biết rằng những chuyện ấy không nên cho là xác thực.

Thời đại thứ nhì là Bắc Thuộc thời đại, kể từ khi vua Vũ Đế nhà Hán lấy đất Nam Việt của nhà Triệu, cho đến đời Ngũ Quí, ở bên ta có họ Khúc và họ Ngô xướng lên sự độc lập. Những công việc trong thời đại ấy, thì sử cũ của nước ta chép rất là sơ lược lắm. Vì rằng trong thời đại Bắc Thuộc, người mình chưa được tiến hóa, sự học hành còn kém, sách vở không có, cho nên về sau những nhà làm sử của ta chép đến thời đại này cũng không kê cứu vào đâu được, chỉ theo sử Tàu mà chép lại thôi. Vả, người Tàu lúc ấy vẫn cho mình là một xứ biên địa dã man, thường không ai lưu tâm đến, cho nên những chuyện chép ở trong sử, cũng sơ lược lắm, mà đại để cũng chỉ chép những chuyện cai trị, chuyện giặc giã, chứ các công việc khác thì không nói đến.

Thời đại Bắc Thuộc dai dẳng đến hơn một nghìn năm, mà trong thời đại ấy dân tình thế tục ở nước mình thế nào, thì bấy giờ ta không rõ lắm, nhưng có 1 điều ta nên biết là từ đó trở đi, người mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách rất sâu xa, dẫu về sau có giải thoát được cái vòng phụ thuộc nước Tàu nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh hưởng của Tàu. Cái ảnh hưởng ấy lâu ngày đã trở thành ra cái quốc túy của mình, dẫu ngày nay có muốn trừ bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy gội cho sạch được. Những nhà chính trị toan sự đổi cũ thay mới cũng nên lưu tâm về việc ấy, thì sự biến cải mới có công hiệu vậy.

Thời đại thứ ba là thời đại Tự Chủ, kể từ nhà Ngô, nhà Đinh cho đến sơ-diệp nhà Hậu Lê. Nước mình từ thời đại ấy về sau là một nước dộc lập, tuy đối với nước Tàu vẫn phải xưng thần và chịu cống, nhưng kỳ thực là không ai xâm phạm đến cái quyền tự chủ của mình. Buổi đầu, nhà Đinh, nhà Lê mới dấy lên; còn phải xây đắp cái nền tự chủ cho vững bền, phải lo sửa sang việc võ bị để chống với kẻ thù nghịch, cho nên sự văn học không được mở mang lắm. Về sau đến đời nhà Lý, nhà Trần, công việc ở trong nước đã thành nền nếp, kẻ cừu địch ở ngoài cũng không quấy nhiễu nữa, lại có nhiều vua hiền tôi giỏi nối nhau mà lo việc nước, cho nên từ đó trở đi việc chính trị, việc tôn giáo và việc học vấn mỗi ngày một khai hóa ra, làm cho nước ta thành một nước có thế lực, bắc có thể chống được với Tàu, nam có thể mở rộng thêm bờ cõi. Nhà Lý và nhà Trần lại có công gây nên cái quốc hồn mạnh mẽ, khiến cho về sau đến đời Trần mạt, nhân khi họ Hồ quấy rối, người Tàu đã toan đường kiêm tính, người mình biết đồng tâm hiệp lực mà khôi phục lại giang sơn nhà. Kế đến nhà Lê, trong khoảng một trăm năm về buổi đầu, nước mình cũng có thể gọi là thịnh trị, nhất là về những năm Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497), thì sự văn trị và võ công đã là rực rỡ lắm. Nhưng về sau gặp những hôn quân dung chúa, việc triều chính đổ nát, kẻ gian thần dấy loạn. Mối binh đao gây nên từ đó, người trong nước đánh giết lẫn nhau, làm thành ra nam bắc chia rẽ, vua chúa tranh quyền. Ấy thật là một cuộc biến lớn ở trong nước vậy.

Thời đại thứ tư là Nam Bắc phân tranh, kể từ khi nhà Mạc làm sự thoán đoạt cho đến nhà Tây Sơn. Trước thì nam Lê, bắc Mạc, sau thì Nguyễn nam, Trịnh bắc, sự cạnh tranh càng ngày càng kịch liệt, lòng ghen ghét càng ngày càng dữ dội. Nghĩa vua tôi mỏng mảnh, đạo cương thường chểnh mảng: nước đã có vua lại có chúa. Trong Nam ngoài Bắc mỗi nơi một giang sơn, công việc ở đâu, chủ trương ở đấy. Tuy vậy việc sửa đổi ở ngoài Bắc cũng có nhiều việc hay, mà việc khai khẩn trong Nam thật là ích lợi. Nhưng cuộc thành bại ai đâu dám chắc, cơn gió bụi khởi đầu từ núi Tây Sơn, làm đổ nát cả ngôi vua cùng nghiệp chúa. Anh em nhà Tây Sơn vẫy vùng không được 20 năm, thì bản triều nhà Nguyễn lại trung hưng lên, mà đem giang sơn về một mối, lập thành cái cảnh tượng nước Việt Nam ta ngày nay vậy.

Thời đại thứ năm là Cận Kim thời đại, kể từ vua Thế Tổ bản triều cho đến cuộc Bảo Hộ bây giờ. Vua Thế Tổ khởi đầu giao thiệp với nước Pháp Lan Tây để mượn thế lực mà đánh Tây Sơn. Nhưng về sau vì những vua con cháu Ngài đổi chính sách khác, nghiêm cấm đạo Thiên Chúa và đóng cửa không cho ngoại quốc vào buôn bán. Những đình thần thì nhiều người trí lự hẹp hòi, cứ nghiễm nhiên tự phụ, không chịu theo thời mà thay đổi. Đối với những nước ngoại dương, thì thường hay gây nên sự bất hòa, làm cho nước Pháp phải dùng binh lực để bênh vực quyền lợi của mình. Vì những chính sách ấy cho nên mới thành ra có cuộc Bảo Hộ. (?)

Đại khái đó là những mục lớn trong những phần mà soạn giả đã theo từng thời đại để đặt ra. Soạn giả đã cố sức xem xét và góp nhặt những sự ghi chép ở các sách chữ Nho và chữ Pháp, hoặc nhữNg chuyện rải rác ở các dã sử, rồi đem trích bỏ những sự huyền hoặc đi mà soạn ra bộ sách này, cốt để người đồng bang ta biết được chuyện nước nhà mà không tin nhảm những sự huyễn hoặc. Thời đại nào nhân vật ấy và tư tưởng ấy, soạn giả cứ bình tĩnh cố theo cho đúng sự thực. Thỉnh thoảng có một đôi nơi soạn giả có đem ý kiến riêng của mình mà bàn với độc giả, thí dụ như chỗ bàn về danh hiệu nhà Tây Sơn thì thiết tưởng rằng sử là của chung cả quốc dân, chớ không phải riêng cho một nhà một họ nào, cho nên mới phải lấy công lý mà xét đoán mọi việc và không vị tình riêng để phạm đến lẽ công bằng vậy.

Độc giả cũng nên biết cho rằng bộ sử này là bộ Sử Lược chỉ cốt ghi chép những chuyện trọng yếu để hãy tạm giúp cho những người hiếu học có sẵn quyển sách mà xem cho tiện. Còn như việc làm thành ra bộ sử thật là đích đáng, kê cứu và phê bình rất tường tận, thì xin để dành cho những bậc tài danh sau này sẽ ra công mà giúp cho nước ta về việc học sử. Bây giờ ta chưa có áo lụa, ta hãy mặc tạm áo vải, tuy nó xấu xí nhưng nó có thể làm cho ta đỡ rét. Nghĩa là ta hãy làm thế nào cho những thiếu niên nước ta ngày nay ai cũng có thể biết một đôi chút sự tích nước nhà, cho khỏi tủi quốc hồn. Ấy là cái mục đích của soạn giả, chỉ có thế thôi. Nếu cái mục đích ấy mà có thể tới được thì tưởng bộ sách này là bộ sách có ích vậy.

Trần Trọng Kim