Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label phathoc. Show all posts
Showing posts with label phathoc. Show all posts

Tuesday, December 12, 2023

DƯỢC SƯ PHẬT

 


DƯỢC SƯ PHẬT


Mười hai đại nguyện Dược Sư
Cứu bao bệnh khổ tiêu trừ nạn tai
Dược Sư Lưu Ly Như Lai
Hào quang chiếu sáng trong ngoài trước sau
Cúi đầu đảnh lễ nguyện cầu
Tiêu tai diên thọ, tội sâu tiêu trừ
Ngu si - bừng sáng chân như
Nạn tai hết sạch, bệnh trừ tâm an
Thuốc là lời dạy ngàn vàng
Quay đầu niệm Phật, ách nàn rụng rơi
Vượt qua nạn khổ ở đời
Bởi tâm sám hối, chẳng rời Phật tâm
Vô minh hết, khỏi mê lầm
Chánh niệm tỉnh thức, dứt mầm tham sân
Phật là bậc đại y thần
Chữa bao bệnh khổ - độ thân độ đời
Muốn qua bến giác người ơi
Mau mau niệm Phật, chẳng rời… thuốc hay.

Đức Kiên

Thursday, November 16, 2023

BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG

 


BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG

 

Bố thí mở lòng san sẻ

Giúp người vật chất tấm lòng

Cho đi, thấy mình thêm nhẹ

Chỉ còn thương cảm mênh mông

 

Ý nghĩa cuộc đời là thế

Sống là phụng sự chúng sanh

Nhận – cho, xoay vần chủ thể

Khổ đau, không giúp sao đành

 

Bố thí là đang gửi phước

Vào ngân hàng cõi tâm linh

Những gì trong đời mình được

Là do phước nghiệp tạo sinh

 

Người khôn cho nhiều hơn nhận

Làm tăng phước báu của mình

Muốn được phước nhiều vô tận

Cúng người đức hạnh, vô sinh

 

Bố thí tiền tài cũng tốt

Cho người trí tuệ quý hơn

Vô úy, vô cầu – số một

Chính là bố thí chánh chơn

 

 Nam mô Công đức lâm Bồ tát Ma ha tát!


Đức Kiên

Friday, November 10, 2023

PHÁP HÀNH

PHÁP HÀNH 

Đường công danh chớ đắm tham 
Hướng tâm tu tuệ, siêng làm phúc thay 
Dựng cầu, xây tháp, giúp ngay, 
Cứu người đói khổ, hăng say giúp đời 
Từ bi, hỷ xả, người ơi 
Bốn tâm vô lượng , tu thời chớ quên 
Ngày ngày giữ chí cho bền 
Dẹp dần phiền nào, dựng nền giác tâm 
Tụng kinh, niệm pháp, gieo mầm 
Văn-tư-tu, chớ để tâm nhiễm trần 
Trong ngoài, tu tiến, tâm thân 
Đó là hạnh nguyện chánh chân ở đời 
Bên ngoài phước báo vun bồi 
Bên trong tu dưỡng, sáng ngời chân tâm 
Tham-sân-si nguyện dứt mầm 
Tín-nguyện-hành nhớ trong tâm – mỗi ngày 
Niềm vui đạo pháp – đẹp thay 
Giúp người, mình cũng mỗi ngày an vui 
Trên đường chánh pháp chẳng lùi 
Càng tu càng tiến – nếm mùi giác hương… 

(Nguồn: Đức Kiên - tập thơ Chánh Niệm)

Wednesday, March 22, 2023

Bốn cửa thành

Bốn cửa thành

 

Càng lớn lên, Tất Đạt Đa càng thông minh, học giỏi, và thương yêu mọi người, kể cả những con vật nhỏ bé. Tuy nhiên, lòng tốt và lòng thương người của thái tử làm nhà vua bối rối, luôn nghĩ đến lời tiên đoán của A Tư Đà. Nhà vua quyết định bằng mọi cách không để thái tử nhìn thấy những hình ảnh không vui, có thể làm thái tử từ bỏ những hoa lệ của cung đình vào ngày nào đó.

 

Nhà vua làm  mọi thứ để thái tử hạnh phúc, nhà vua nói với Hòang hậu Ba Xà Ba Đề,― Ta sẽ xây ba cung điện cho thái tử. Cái thứ nhất được làm bằng gỗ thơm, nó sẽ ấm cúng vào mùa đông. Cái thứ hai sẽ được xây bằng đá cẩm thạch, được dùng vào mùa hè. Cái thứ ba sẽ được xây bằng gạch, dùng cho mùa mưa. 

 

Để cuộc sống thoải mái, nhà vua ra lệnh làm một công viên đẹp có hồ nước dễ thương, có thiên nga và cá bơi tung tăng và hoa sen nở rộ. Nhà vua bảo người hầu ― Dọn sạch tất cả những bông hoa héo úa và những chiếc là rụng trong vườn. Nhà vua không muốn thái tử nhìn thấy bất kỳ điều không hài lòng nào. Tất cả người hầu trong cung điện đều trẻ, khỏe và đẹp. Những người phục vụ giải trí trong cung điện được lệnh ca hát và nhảy múa suốt ngày. Họ không được biểu lộ sự mệt mỏi hoặc buồn rầu. Không một người nào nói chuyện về bệnh tật và đau ốm. Vua ra lệnh xây các bức tường quanh cung điện. Lệnh cho lính canh chừngkhông để thái tử Tất Đạt Đa rời khỏi cung điện mà không có lệnh của vua.

Vào năm 16 tuổi, Thái tử tất Đạt Đa lập gia đinh với công chúa trẻ đẹp có tên là Da Du Ða  La. Công chúa yêu thương và chăm sóc cho thái tử. Thái tử tiếp tục sống cuộc sống vương gia gần 13 năm sau khi lập gia đình. Thái tử đã được bảo bọc để không biết được những khó khăn trong cuộc sống ở ngòai cung thành. Thái tử hoàn tòan hài lòng với cuộc sống tráng lệ của ngài. 

 

Sống trong thế giới không có gì ngoài hạnh phúc và tiếng cười. Tuy nhiên, một ngày kia, thái tử muốn khám phá những gì đang diễn ra bên ngoài cung điện. 

 

Khi nghe tin như vậy, nhà vua ra lệnh cho mọi người trong thành phố,― Tất cả nhà cửa dọc hai bên đường phải dọn dẹp và trang hoàng. Mọi người đốt trầm thơm và mặc áo quần màu sắc rực rỡ. Tất cả người xin ăn, người già và người ốm phải ở trong nhà cho đến khi thái tử trở về cung điện.

 

Người đánh xe trung thành của thái tử tên là Cha- Nac, đưa thái tử đi ra ngòai cung điện từ cổng phía Nam. Khi đám đông thành kính nhìn thấy thái tử yêu mến của họ, họ rải hoa và tung hô ngưỡng mộ. Tất Đạt Đa đã vui mừng thấy họ được hạnh phúc. 

 

Ngay lúc đó, một người già xuất hiện bên đường. Thái tử ngạc nhiên khi nhìn thấy một người già. Thái tử hỏi người đánh xe của mình, “Người gì mà tóc trắng và lưng gù như vậy? Mắt của ông ta lim dim, cơ thể của ông ta run lẩy bẩy. Ông ta bước đi bằng cách lê những bước chân khó nhọc theo cái gậy. Thân hình của ông ta bị thay đổi hay ông ta luôn có hình dạng như vậy? Hãy nói cho ta nghe, Cha-Nac”.

 

Cha-Nac tránh trả lời sự thật, “Đây không phải là việc của thái tử. Xin đừng bận tâm về chuyện đó”.

 

Thái tử vẫn khăng khăng hỏi Cha-Nac – “Chỉ có mỗi ông ấy như vậy? hay  tất cả chúng ta đều  như vậy?”

 

Lúc này, Cha-Nac chân thành trả lời, “Thưa ngài, chúng ta đều như vậy. Một khi thái tử còn trẻ, tóc sẽ đen và răng trắng. Thời gian trôi đi, thân thể sẽ già nua. Nó xảy ra với mọi người”. 

 

Nghe những lời này, thái tử giật bắn người. Tóc thái tử dựng ngược lên. Thái tử run vì sợ hãi, như con thú hoảng sợ khi thấy sấm chớp. Thái tử lắc đầu,― “Làm sao con người có thể vui sướng khi tuổi già hủy hoại tất cả?’ Thái tử nói với người đánh xe,― “Nhanh quay trở lại cung điện, biết rằng tuổi già sẽ gọi đến ta, làm sao ta có thể vui với núi rừng được”.

 

Vâng lệnh thái tử, Cha-Nac đánh xe nhanh như gió trở về cung điện.

 

Tất Đạt Đa không thể quên hình ảnh người già. Thái tử suy nghĩ suốt ngày đêm và không thể tìm ra đựoc sự thanh thản trong tâm hồn. Thái tử nói suy nghĩ của mình với Da Du Đa La, “Khi nhìn người già, tất cả những điều tốt đẹp trong thành phố dường như biến mất. Những nét đẹp và nụ cười trong cung điện không thực sự tồn tại với ta. Ta muốn đi thăm thành phố lần nữa để xem nó thực sự như thế nào. Để thấy người bình thường sống như thế nào”. 

 

Nhà vua không thể chịu nổi khi nhìn thấy con mình không vui, ngài đồng ý cho thái tử ra ngoài thành một lần nữa. Tất Đạt Đa và Cha-Nac đóng giả thành một thương nhân đánh xe đi vào thành phố theo hướng Đông. Lần đầu tiên thái tử thấy người bình thường sống thế nào trong vương quốc của mình. Thái tử thanh thản quan sát những người thợ rèn và những người làm đố sành sứ đang làm việc. Thái tử nói chuyện với với các thương nhân giàu có trong cửa hàng nguy nga của họ. Thái tử nói chuyện với những người thợ làm bánh mì. Đột nhiên, thái tử thấy nhìn thấy một người bị bệnh đang nằm dưới đất rên la và cúi gập người vì đau đớn. Thái tử đến bên ông ta và nâng đầu người đàn ông bị đau vào lòng, ― “Cha-Nac, chuyện gì đã xảy ra với người đàn ông này?”

Cha-nac vội vàng ― “Thưa ngài, đừng chạm vào ông ta! Ông ta bị bệnh truyền nhiễm. Hãy đặt ông ta nằm xuống nếu không thái tử sẽ bị nhiễm bệnh”. 

Thái tử lại hỏi ― “Chỉ có người đàn ông này bị bệnh hay tất cả mọi người đều bị bệnh như vậy, Cha-Nac? Vợ ta và cha ta cũng sẽ bị bệnh ư? »

 

Cha-Nac trả lời ― « Thưa Ngài, đó là điều tất nhiên xảy ra với mọi người. Mọi người trong thế gian đôi lần bị ốm. Bệnh tật xảy ra bất kỳ lúc nào trong cuộc đời ».

 

Nghe điều này, thái tử cảm thấy đau xót trong tim,― “Bệnh tật có thể đến bất cứ lúc nào. Như vậy chưa có ai có thể hạnh phúc và vui sướng”. Rồi thái tử vào xe ngựa, ra lệnh cho Cha-Nac quay trở về nhà. 

 

Tất Đạt Đa trở về cung điện với cảm giác nặng trĩu của sự thất vọng trong lòng. Khi thấy con trai buồn bã như vậy, nhà vua cho thái tử đi thăm công viên ở bên ngoài cung điện ở hướng Bắc. Trong lúc này, Tất Đạt Đa nhìn thấy một xác chết. Từ trước đến nay, Tất Đạt Đa không bao giờ nhìn thấy người chết, thái tử hỏi Cha-Nac, “Có gì bất thường với người này?”

Cha-nac đáp: “Thưa ngài, ông ấy đã chết. Ông ấy không còn cảm nhận điều gì nữa”.

Tất Đạt Đa hỏi, “Ta cũng như vậy? Con trai của nhà vua cũng sẽ chết như người đàn ông này?”

Cha-Nac trả lời ― “Vâng, mọi sinh  vật  đều phải chết. Không một người nào có thể tránh cái chết”.

Tất Đạt Đa vô cùng sửng sốt, thở dài, “Tất cả mọi người biết rằng họ sẽ chết, họ chưa bao giờ có cuộc sống bình yên”.

 

Thái tử ra lệnh người đánh xe trở về nhà. Đây không phải là lần đi chơi thoải mái. Cuộc sống có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào. Làm sao ta có thể vui sướng cho bản thân ta.

 

Tại cung điện, Tất Đạt Đa suy ngẫm về những điều đã thấy. Thật khủng khiếp để biết rằng mọi người sẽ chết vào ngày nào đó và không một người nào có thể tránh khỏi.

 

Bấy  giờ,  Tất Đạt Đa đã  biết con người bên ngoài cung điện sống thế nào. Những người ăn xin nằm dọc đường, xin thức ăn. Trẻ em  mặc những cái áo rách bươm đang rên la trên đường  phố. Người già, người bị bệnh và người nghèo đang chờ cái chết hiu quạnh. Trong khi, người giàu sống trong những ngôi nhà đẹp mà không chăm sóc cuộc sống người

nghèo.

 

Tất Đạt Đa tự hỏi, ― “Những người này có hy vọng gì khi sống? Thậm chí người giàu cũng đau khổ vì tuổi già, bệnh tật và cái chết. Mọi người sinh ra trong thế giới này đều phải đau khổ như vậy. Đau khổ của họ bắt đầu ngay từ lúc mới sinh. Ta phải tìm ra con đường để giúp họ ».

 

Trong chuyến đi thăm bên ngoài cung điện lần thứ tư, thái tử và Cha-Nac cưỡi ngựa đi qua cổng phía Tây. Họ đi ngang qua vị đạo sĩ mặc áo choàng rách rưới.  Nhìn thấy sự tỉnh lặng và thanh bình của đạo sĩ, thái tử hỏi, « Người này là ai? ».

Cha-Nac giải thích với thái tử, « Ông ta là một đạo sĩ đang hành đạo. Ông ta bỏ nhà cửa và nông trại và sự giàu có, Ông ta theo cuộc sống đơn giản và thanh bình cho bản thân ông ta. Ông ta hy vọng sẽ tìm ra chân lý và vượt qua những đau khổ trong thế giới này ».

Tất Đạt Đa, mỉm cười. ― « Ta sẽ trở thành tu sĩ  như ông ta. Đột nhiên, họ nhận được tin từ cung điện ― Công chúa vừa sinh hạ con trai cho thái tử! ». Tất Đạt Đa rất hạnh phúc khi nghe công chúa sinh hạ con trai, nhưng giờ đây, thái tử sẽ khó khăn hơn để thực hiện ước mơ trở thành đạo sĩ. Tên của người con trai là La Hầu La.


(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên - NXB. Hồng Đức)

Wednesday, February 8, 2023

TU TÂM

 


TU TÂM

 

Tâm là gốc tội

Nên cần phải tu

Luân hồi chìm nổi

Bởi tâm mịt mù

 

Quay về nương tựa

Uốn nắn tâm xưa

Nhận ra bản chất

Tham sân xin chừa

 

Tâm vốn không hình

Dẫn dắt chúng sinh

Thành ma thành Phật

Cũng bởi tâm mình

 

Bởi tâm điên đảo

Chạy theo vọng tình

Đắm mê hư ảo

Nổi chìm lênh đênh

 

Cầm dây hơi thở

Chăn trâu - tâm mình

Chẳng rời chẳng hở

Trâu nằm lặng thinh

 

An ban thủ ý

Thở vào thở ra

Lắng dừng tâm ý

Đưa tâm về nhà

 

Đã về đã tới

Bây giờ ở đây

Trâu nằm yên đợi

An vui nơi này

 

Tu tâm thuần thục

Quên trâu quên người

Tâm đà nhiếp phục

Tháng ngày rong chơi

 

Không giẫm lúa gạo

Tùy duyên giúp đời

Thong dong nếp đạo

Niết bàn thảnh thơi…

 

Đức Kiên - 2022

Tuesday, January 17, 2023

Tứ Chánh Cần

Tứ Chánh Cần


Làm người ai chẳng có khi
Đam mê lầm lỡ chỉ vì ham vui
Tham sân si hận nào nguôi
Nghiệp kia ác báo ngậm ngùi kiếp xưa
Hiểu ra, hành giả ngăn ngừa
Chặt cành cây ác, trổ hoa thiện lành
Tâm hiền, phước báo trổ sanh
Ngày ngày nuôi dưỡng căn lành sớm hôm
Năm điều gìn giữ, luyện ôn
Sát sanh, trộm cắp, vọng ngôn, rượu chè
Tà dâm nhớ phải kiêng dè
Ấy là ngăn cấm, răn đe ác thần.

Vân Hà (TTHA)


(*) Tứ chánh cần: là 4 điều người Phật tử cần siêng năng thực hiện để tiến tu, bao gồm: Việc ác đã làm thì không làm nữa, Việc ác chưa làm thì kiên quyết không phạm, Việc lành chưa làm thì cố gắng làm, Việc lành đã làm thì càng làm nhiều hơn nữa.

Saturday, December 31, 2022

Ánh sáng giác ngộ


Ánh sáng giác ngộ


Bình minh vừa chớm đằng đông

Hào quang tỏa sáng vầng hồng thánh nhân

Nhạc trời réo rắt xa gần

Phật đà giác ngộ - sáng bừng nhân gian

Trần gian đón ánh đạo vàng

Từ bi ngài vén bức màn vô minh

Đẹp thay cõi Phật hiện hình

Khắp nơi tăm tối, chúng sinh reo mừng

Như hoa nở thắm mùa xuân

Nắng về tươi tốt, tưng bừng chồi non

Tuệ khai, mê muội chẳng còn

Tình thương thắp sáng, giận hờn tiêu tan

Từ ngài giác ngộ đạo vàng

Ta bà chuyển hóa - đạo tràng muôn nơi...


(Đức Kiên)

Friday, December 23, 2022

Chánh Niệm

 


CHÁNH NIỆM

 

Tỉnh thức lặng trong - luôn nhớ

Chiếu soi khắp cả trong ngoài

Chuyên chú vào từng hơi thở

Đèn tâm tỏa sáng không lay

 

Niệm Phật, Pháp, Tăng thường trụ

Quán thân – tâm – cảnh ngay đây

Đi đứng ngồi nằm an trú

A Di Đà mỗi phút giây

 

Nhớ đừng chê khinh Phật tánh

Mỗi người mỗi hạt minh châu

Hãy mau trở về đường chánh

Gia tài tiếp nhận – nên giàu

 

Mỗi ngày dùng viên ngọc quý

Thấy ra sự thật xưa sau

Trở về giữ gìn tâm ý

Pháp thân hiển hiện sạch làu

 

Hãy thôi làm thân cùng tử

Nhắc mình kho báu trong tâm

An vui – đã về đã tới

Bồ đề tâm đã nảy mầm…

 

(Đức Kiên)

Tuesday, October 18, 2022

ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT

 


ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT

 

Bồ tát Đại Thế Chí

Trong Tây phương tam thánh

Luôn cứu độ chúng sanh

Vượt hết thảy mê si

 

Tay ngài cầm sen xanh

Chiếu ánh sáng trong lành

Soi đường nơi tăm tối

Đến chúng sanh mọi loài

 

Niệm ngài sanh trí tuệ

Niệm ngài thoát bến mê

Quán âm và Thế chí

Tây phương - nhớ nẻo về

 

Hạnh nguyện Bi – Trí – Dũng

Ngài có đại oai thần

Lưới mê – ngài xuyên thủng

Chiếu soi – tuệ nở bừng.

 

Đại Tinh tấn Bồ tát

Cũng là danh hiệu ngài

Cúi đầu con nguyện học

Không biếng lười từ nay…

 

Đức Kiên

Friday, October 7, 2022

PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

 


PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

 

Một xin kính lễ Phật đà

Hai xin ca ngợi chói lòa Như Lai

Ba xin bố thí rộng thay

Bốn xin sám hối tội rày xưa sau

Năm xin tùy hỷ cùng nhau

Sáu xin chánh pháp mãi sau xoay vần

Bảy xin Phật pháp luôn gần

Tám xin tinh tấn chuyên cần học tu

Chín xin tùy thuận trí ngu

Mười xin hồi hướng công phu khắp cùng

Nguyện người thoát khổ vui chung

Phổ hiền thập hạnh nhớ cùng ghi tâm…

Đức Kiên - 2022

Tuesday, August 30, 2022

ĐI

 


ĐI

(Phạm Trường Linh)

Đã đi - thì đã đi chưa?

Bến sông quằn quại, có chừa ai đâu

Đã đi từ buổi ban đầu

Đường quanh lối lạc, con hầu … nguyên sơ

Tuý sinh tử mộng từng giờ,

Chợt nghe tiếng mẹ bên bờ… trăm năm.

Đã đi - thì đã đi rồi,

Quay nhìn xóm cũ, lòng bồi hồi quên,

Đã qua xanh suốt một miền

Chướng duyên phiền não bên triền tử sinh

Tánh qua tâm dứt chửa đành

Ma ha Bát nhã... trời xanh yên bình...

(2011)

Tuesday, July 26, 2022

TÙY DUYÊN THUẬN PHÁP

 


TÙY DUYÊN THUẬN PHÁP

 

Hằng sống tùy duyên thuận pháp

Là không ngang trái người ơi

Biết tu, lẽ đời dung nạp

Như dòng nước chảy khắp nơi

 

Thuận duyên giúp ta đỡ nhọc

Nghịch duyên nhẫn nhịn sẽ thôi

Thuận nghịch đều là bài học

Chuyên cần, đạo nghiệp vun bồi

 

Sống giữa cuộc đời vô nhiễm

Tâm không phiền não, thảnh thơi

Như đóa sen hồng mầu nhiệm

Vươn cao giữa chốn bùn hôi

 

Vui sống trong từng khoảnh khắc

Chánh niệm dầu giữa chợ đời

Thị phi, trò đời – cứ mặc

Tinh cần, an trú thảnh thơi

 

Giúp người, chẳng nề mỏi nhọc

Hết lòng chia sẻ điều hay

Như trăng - tùy duyên thuận pháp

Chân như – lẽ thật hiện bày.

 

Đức Kiên

Monday, June 27, 2022

BÁT CHÁNH ĐẠO

 


BÁT CHÁNH ĐẠO

 

Con đường chánh đạo tám ngành

Đức Phật đã dạy chúng sanh nương nhờ

Chánh kiến thấy đúng chẳng ngờ

Tỉnh lặng sáng tỏ mây mờ tiêu tan

Chánh tư duy – tránh lan man

Suy nghĩ đúng đắn, vén màn giả chân

Chánh ngữ, lời nói trong ngần

Xây dựng thương hiểu, tình thân trong ngoài

Chánh nghiệp, hành động không sai

Làm lành lánh ác, vun bồi thiện duyên

Chánh mạng, nghề nghiệp tinh chuyên

Giữ gìn ngũ giới, tránh miền ác nhơn

Chánh tinh tấn, nhớ tinh cần

Siêng tu chánh đạo, vượt dần tham si

Chánh niệm, Phật hiệu nhớ ghi

Pháp thân quán tưởng, chẳng đi sai đường

Chánh định, kiên cố tâm vương

Thảnh thơi an trú, tâm thường định an

Ai ơi, chánh đạo đường vàng

Đưa ta thoát cõi thế gian – ngậm ngùi.

Đức Kiên

Monday, June 6, 2022

Gia Tài Của Mẹ

Gia Tài Của Mẹ 

Ba mẹ nào cũng từng thao thức làm sao để lại một cái gì cho con cái. Thông thường, đa số bậc cha mẹ muốn để lại một gia tài đồ sộ, nhiều nhà cửa, lắm ruộng đất và tiền bạc cho con cái. Họ không muốn con cái phải lâm vào tình trạng nghèo khổ, thiếu thốn trong tương lai. Bởi vậy, suốt một đời, ba mẹ chịu cực, chịu khổ lam lũ làm việc. Miễn sao xây dựng nên một cơ ngơi càng to lớn, càng nhiều tiền bạc trong ngân hàng càng tốt. Có lúc cũng vì con cái mà ba mẹ phải làm những nghề nghiệp không được lương thiện. Vậy, ta mới biết được tấm lòng hy sinh, thương yêu vô bờ bến của ba mẹ dành cho con cái.

Sau khi ba mẹ mất, đa số của cải không phải do các con làm ra bằng mồ hôi, nước mắt thì chúng tiêu xài thoải mái. Những đứa con nhà giàu thường nhác học, ỷ lại, tiêu tiền như nước, không thể chịu nổi cực khổ. Đã có nhiều trường hợp, con nhà giàu đi theo con đường chơi bời, trụy lạc.Vì vậy, dù của cải lớn cách mấy, cuối cùng các con cũng tiêu sạch hết trong một đời. 

Cũng có các bậc cha mẹ không muốn để lại gia tài vật chất, mà muốn để lại cho con cháu phúc đức của mình. Họ thường nói: “Tôi sống là để phúc cho con cháu.” Những bậc cha mẹ này cố gắng sống đời lương thiện, làm phúc, tạo đức bằng cách giúp đỡ người nghèo, kẻ neo đơn, người bệnh tật, chăm nuôi trẻ mồ côi. Họ không phải là những người giàu có, nhưng có miếng ăn nào thì họ đều chia sẻ với những kẻ thiếu thốn, người bất hạnh. Họ ăn ở với nhau có tình có nghĩa. Bởi sẵn tấm lòng thương người, vợ biết lắng nghe chồng, chồng biết nâng đỡ cho vợ. Vợ chồng biết chấp nhận lỗi lầm của nhau. Mỗi khi chồng nóng giận lớn tiếng, thì vợ giữ im lặng. Mỗi khi vợ cằn nhằn thì chồng giữ nét bình tĩnh, vui vẻ. Vợ chồng để thật nhiều thì giờ chăm sóc, tâm tình, hướng dẫn cho con cái như tâm tình với những người bạn. Tình thương trong họ quá lớn, cho nên nó ảnh hưởng tới đời sống con cái. Sống gần ba mẹ, các con cảm nhận được tấm lòng độ lượng, thương người của ba mẹ, cái hạnh phúc của ba mẹ, sự bình tĩnh trong lúc hướng dẫn các con, vì vậy các con tự động biết thương người nghèo khổ và học những đức tính tốt kia của ba mẹ. 

Một bên để lại tài sản vật chất, tiền bạc đồ sộ. Một bên để lại tình thương đối với người nghèo khổ, để lại hạnh phúc của chính ba mẹ, để lại những kỷ niệm trong những lúc chăm sóc, dạy dỗ, thương yêu các con. Tất cả đều là phát xuất từ tình thương bao la của ba mẹ. Nhưng, các bậc ba mẹ thử đặt lại câu hỏi: “Gia tài nào của ba mẹ là quí báu hơn? Món quà nào cho con từ ba mẹ là quan trọng hơn?” 

Nếu ba mẹ để lại vừa một gia tài vật chất to lớn, vừa trao truyền lại tình thương với những giá trị tinh thần, thì phúc đức cho con cái biết mấy! Tiền bạc vật chất cũng cần thiết trong đời sống, nhưng con cái có thể tự xây dựng nên bằng hai bàn tay làm lụng của chúng. Nhưng tình thương, hạnh phúc gia đình không thể đi làm lụng ở các xưởng hãng mà có được. Tình thường phát xuất từ con tim của ba mẹ, hạnh phúc gia đình biểu lộ trong đời sống bằng lời nói, hành động và tư duy của ba mẹ và con cái. Trái tim ba mẹ rung động như thế nào, thì các con đều cảm nhận như thế. Ba mẹ thương người thì con cái cũng thương người. Ba mẹ keo kiệt thì con cái cũng keo kiệt. Ba mẹ nóng giận thì con cái cũng nóng giận. Ba mẹ thương nhau thì con cái cũng thương nhau. Ba mẹ cãi vã, làm khổ nhau thì lớn lên lập gia đình con cái cũng hành xử như thế. 

Tóm lại, sự sống của ba mẹ sẽ được tiếp nối nơi sự sống của con cái. Đó là gia tài của mẹ để lại cho con. Tất cả đời sống vật chất tuy cần thiết, nhưng không có nghĩa lý gì nữa, sau khi ba mẹ nằm xuống trong lòng đất. Chỉ còn lại tình thương yêu trong tâm hồn của con cái sẽ tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác.

(Nguồn: trích trong Món Quà Nào Cho Con - Chân Pháp Đăng) 

Friday, January 14, 2022

TU TÂM

 


TU TÂM

 

Tâm là gốc tội

Nên cần phải tu

Luân hồi chìm nổi

Bởi tâm mịt mù

 

Quay về nương tựa

Uốn nắn tâm xưa

Nhận ra bản chất

Tham sân xin chừa

 

Tâm vốn không hình

Dẫn dắt chúng sinh

Thành ma thành Phật

Cũng bởi tâm mình

 

Bởi tâm điên đảo

Chạy theo vọng tình

Đắm mê hư ảo

Nổi chìm lênh đênh

 

Cầm dây hơi thở

Chăn trâu - tâm mình

Chẳng rời chẳng hở

Trâu nằm lặng thinh

 

An ban thủ ý

Thở vào thở ra

Lắng dừng tâm ý

Đưa tâm về nhà

 

Đã về đã tới

Bây giờ ở đây

Trâu nằm yên đợi

An vui nơi này

 

Tu tâm thuần thục

Quên trâu quên người

Tâm đà nhiếp phục

Tháng ngày rong chơi

 

Không giẫm lúa gạo

Tùy duyên giúp đời

Thong dong nếp đạo

Niết bàn thảnh thơi…


Đức Kiên

 

Thursday, November 25, 2021

BÁT CHÁNH ĐẠO

 


BÁT CHÁNH ĐẠO

Con đường chánh đạo tám ngành

Đức Phật đã dạy chúng sanh nương nhờ

Chánh kiến thấy đúng chẳng ngờ

Tỉnh lặng sáng tỏ mây mờ tiêu tan

Chánh tư duy – tránh lan man

Suy nghĩ đúng đắn, vén màn giả chân

Chánh ngữ, lời nói trong ngần

Xây dựng thương hiểu, tình thân trong ngoài

Chánh nghiệp, hành động không sai

Làm lành lánh ác, vun bồi thiện duyên

Chánh mạng, nghề nghiệp tinh chuyên

Giữ gìn ngũ giới, tránh miền ác nhơn

Chánh tinh tấn, nhớ tinh cần

Siêng tu chánh đạo, vượt dần tham si

Chánh niệm, Phật hiệu nhớ ghi

Pháp thân quán tưởng, chẳng đi sai đường

Chánh định, kiên cố tâm vương

Thảnh thơi an trú, tâm thường định an

Ai ơi, chánh đạo đường vàng

Đưa ta thoát cõi thế gian – ngậm ngùi.   

PQT - 2021

Tuesday, September 14, 2021

50 Bài tụng Duy Biểu (3)

Các thức cảm giác 

28. Năm thức cảm giác sanh
Dựa trên dòng ý thức
Phát hiện riêng hoặc chung
Như sóng nương trên nước 

29. Tánh cảnh và hiện lượng
Có ba tánh đầy đủ
Nhờ vào tịnh sắc căn
Và cảm giác trung khu

30. Tâm sở là biến hành
Biệt cảnh, thiện, đại tùy
Trung tùy hai phiền não
Và cả tham, sân, si 

Bản chất thực tại 

31. Thức luôn luôn bao hàm
Chủ thể và đối tượng
Tự, tha, trong và ngoài
Đều chỉ là ý niệm 

32. Thức gồm có ba phần
Kiến, tướng và tự thể
Chủng tử và tâm hành
Tất cả đều như thế

33. Sinh diệt tùy nhân duyên
Thức vốn là biểu biệt
Kiến và tướng nương nhau
Năng biệt và sở biệt 

34. Nơi tự biểu, cộng biểu
Ngã, vô ngã không hai
Luân hồi mỗi sát na
Bập bềnh sinh tử hải 

35. Thời, không và bốn đại
Đều do thức hiện bày
Tương tức và tương nhập
Dị thục từng phút giây 

36. Nhân duyên đủ biểu hiện
Nhân duyên khuyết ẩn tàng
Không đi cũng không đến
Không có cũng không không 

37. Hạt giống sinh hiện hành
Đó gọi là nhân duyên
Chủ thể nương đối tượng
Ta gọi sở duyên duyên 

38. Điều kiện thuận hay nghịch
Đều là tăng thượng duyên
Vô gián duyên thứ tư
Là liên tục chuyển biến 

39. Nhân duyên có hai mặt
Vọng thức và Chân tâm
Vọng thức vì biến kế
Chân tâm do viên thành 

40. Biến kế huân vô minh
Kéo theo luân hồi, khổ
Viên thành mở tuệ giác
Hiển lộ cảnh Chân như 

Con đường tu tập 

41. Quán chiếu tính Y tha
Vô minh thành tuệ giác
Luân hồi và Chân như
Tuy hai mà thành một 

42. Trong rác sẵn có hoa
Trong hoa sẵn có rác
Hoa và rác không hai
Giác và mê tương tức 

43. Không trốn chạy tử sinh
Quán chiếu cần niệm lực
Thấy được tính Y tha
Là chứng nhập tương tức 

44. Nương hơi thở Chánh niệm
Tưới hạt giống Bồ đề
Chánh kiến là đóa hoa
Nở trên vùng ý thức 

45. Như ánh sáng mặt trời
Chiếu soi loài cây cảnh
Chánh niệm khi thắp lên
Chuyển hóa mọi tâm hành 

46. Nhận diện để chuyển hóa
Nội kết và tùy miên
Khi tập khí không còn
Quả chuyển y hiển hiện 

47. Phút hiện tại thu nhiếp
Quá khứ và vị lai
Bí quyết của chuyển y
Nằm trong giây hiện tại 

48. Tu tập và chuyển hóa
Trong đời sống hàng ngày
Nương tựa vào tăng đoàn
Công phu mau nhìn thấy 

49. Không sinh cũng không diệt
Sinh tử là Niết bàn
Sở đắc là vô đắc
Không nắm cũng không buông 

50. Lướt trên sóng sinh tử
Thuyền từ dạo bến mê
Nụ cười vô úy nở
Phiền não tức Bồ đề.

(Nguồn: Duy Biểu Học - thầy Nhất Hạnh)

Thursday, September 9, 2021

50 Bài tụng Duy Biểu (2)

Mạc Na thức 

16. Hạt giống của vô minh
Của triền sử ái nhiễm
Quấy động thành vọng thức
Khi danh sắc hiện hành 

17. Nương vào A-lại-gia
Phát hiện thức Mạt-na
Tác dụng là tư lượng
Níu lấy tàng làm ngã 

18. Đối tượng của Mạt-na
Là ngã tướng đới chất
Phát sinh từ giao thoa
Giữa Ý và Tàng thức 

19. Vì sáu chuyển thức khác
Đóng vai nhiễm tịnh y
Vừa thẩm lại vừa hằng
Hữu phú mà vô ký 

20. Tương ưng năm biến hành
Bốn phiền não và tuệ
Cùng tám thứ đại tùy
Đều hữu phú vô ký 

21. Cũng như bóng theo hình
Mạt-na theo tàng mãi
Là cơ chế tự tồn
Là bản năng dục ái

22. Sơ địa khi đạt tới
Dứt phiền não, sở tri
Bát địa hết câu sinh
A-lại-gia phóng khí 

Ý thức 

23. Nương vào ý làm căn
Pháp trần làm đối tượng
Ý thức được phát sinh
Phạm vi nhận thức rộng 

24. Thông ba tánh ba lượng
Tiếp thu cả ba cảnh
Dù thiện, ác, bất định
Biệt cảnh và biến hành 

25. Là gốc của thân khẩu
Có thẩm mà không hằng
Tạo tác nghiệp dần mãn
Đóng vai kẻ gieo trồng 

26. Ý thức thường hiện hành
Trừ trong trời vô tưởng
Trong hai định vô tâm
Ngủ say và bất tỉnh

27. Năm trạng thái ý thức
Là tán vị, độc đầu
Trong định hoặc điên loạn
Cùng trường hợp ngũ câu 

(Nguồn: Duy Biểu Học - Thầy Nhất Hạnh)

Friday, September 3, 2021

50 Bài tụng Duy Biểu

 50 Bài tụng Duy Biểu (1)

Tàng thức 

1. Tâm là đất gieo hạt
Mọi hạt giống chứa đầy
Tâm địa cũng chính là
Toàn thể hạt giống ấy 

2. Hạt giống có nhiều loại
Sinh tử và Niết bàn
Mê ngộ và khổ vui
Danh xưng và tướng trạng 

3. Hạt giống của thân tâm
Giới, địa và thế gian
Tất cả được cất chứa
Nên thức gọi là tàng 

4. Có hạt giống sẵn có
Có hạt giống trao truyền
Huân tập thời thơ ấu
Cả thời gian thai nghén 

5. Từ gia đình, bè bạn
Nơi xã hội học đường
Hạt giống nào cũng có
Tính cách riêng và chung 

6. Giá trị một đời người
Tùy thuộc vào phẩm chất
Mọi hạt giống đang nằm
Trong chiều sâu tâm thức 

7. Tác dụng A-lại-gia
Là tiếp nhận duy trì
Và làm biểu hiện ra
Hạt giống cùng tập khí 

8. Biểu biệt A-lại-gia
Là thế giới tánh cảnh
Độc ảnh và đới chất
Mười tám giới hình thành 

9. Tất cả mọi hiện hình
Đều tự biểu cộng biểu
Dị thục khi dự vào
Giới và địa cũng thế 

10. Là vô phú vô ký
Vừa chuyển lại vừa hằng
Tàng thức luôn tương ưng
Năm tâm sở biến hành 

11. Tuy vô thường vô ngã
Tàng thức vẫn gồm thu
Mọi pháp trong thế gian
Hữu lậu và vô lậu 

12. Hạt giống sanh hạt giống
Hạt giống sanh hiện hành
Hiện hành sanh hiện hành
Hiện hành sanh hạt giống

13. Hạt giống hay hiện hành
Đều tương tức tương nhập
Một do tất cả thành
Tất cả đều do một 

14. Tàng không một không khác
Không chung cũng không riêng
Một và khác nương nhau
Chung và riêng triển chuyển.

15. Vô minh diệt minh sanh
Tàng chuyển thành vô lậu
Gương trí soi mười phương
Bạch tịnh và vô cấu.

(Nguồn: Duy Biểu Học - Thầy Nhất Hạnh)

Saturday, April 3, 2021

Thi Kệ Tiền Bạc



Thi Kệ Tiền Bạc

Phần lớn bị bạc tiền mờ trí
Mấy ai người chủ trị được tâm
Nghèo thì bị bạc làm câm
Giàu thì bị của giam cầm chung thân,
Xưa nay chốn hồng trần như thế
Hơn thua nhau thị ở đồng tiền,
Giòng đời xuôi ngược đảo điên,
Đều do các thứ bạc tiền mà ra,
Thứ tiền bạc người ta tạo nó,
Rồi người ta lại khổ vì tiền,
Không tiền, nói phải cũng điên,
Có tiền, nói quấy cũng thiên nguời ừ.
Trâu bò thì bị người xỏ mũi
Người bị tiền bạc cỡi trên lưng,
Trâu bò chỉ khổ xác thân,
Người thì xác thịt tinh thần khổ luôn.
Khổ đến chết không buông được nó,
Mà người đời lấy đó làm vinh,
Tiền xem trọng, nghĩa xem khinh,
Ngày nay thế giới chỉ tin đồng tiền,
Tiền và bạc không yên được chỗ,
Nay tay này mai ở tay kia,
Người thường vì nó rẽ chia,
Gây ra đổ máu đầm đìa khắp nơi,
Chủ được nó, là đời hạnh phúc,
Nó chủ mình, là mất tự do,
Làm ra để giúp để cho,
Chớ gom góp để bo bo giữ đời,
Đem giúp đỡ cho người chẳng mất,
Cứ bo bo giữ cất, không còn,
Vật mòn biết dụng, không mòn,
Tiền đừng nên bạc, nên tròn nghĩa ân,
Ham tiền bị hư thân lắm kẻ,
Mến bạc, nhiều người nhẹ giá danh,
Gái thì bán mất tiết trinh,
Trai thì trộm cướp hoặc sanh gian hùng,
Thân cho mấy khi lòng mến bạc,
Tình thân kia cũng nát như tương,
Tự mình bóp chết tình thương,
Vẫn chưa sáng mắt bởi vương bạc tiền,
Tiền dùng đúng, tiền hiền như Phật,
Bạc xài lầm, bạc ác hơn ma,
Phật ma cũng tại người ta,
Chứ tiền bạc nó vốn là vô tri,
Nhiều tiền kiếp Mâu Ni giàu có,
Bạc tiền đâu làm khổ được ông,
Nhưng vì nhờ có tiền đồng,
Giúp ông bố thí khắp trong dân làng,
Đó là một trong ngàn công đức,
Phật Thích Ca chất chứa từ xưa,
Dùng tiền như hạn cho mưa,
Biển non đo cũng chẳng vừa đại ân,
Phật xưa cũng xác phàm cõi tạm,
Người cũng tình cũng cảm như ai,
Thế mà người chứng Như lai,
Nhờ lòng bố thí nhờ hay nhân từ.
Phật làm thế nay người làm thế,
Tất nhiên là ngồi kế Phật ngài,
Nhớ câu trọng nghĩa khinh tài,
Tiền tài chớ để nó sai khiến mình,
Ai có của bỉ khinh cũng mặc,
Đừng vì tiền gay gắt với ai,
Có ra thì đỡ xây xài,
Không thì nhịn chiụ chớ cay đắng lòng,
Nghèo thì nhớ lòng trong dạ sạch,
Giàu thì nên bố đức thi ân,
Có dư chớ hưởng riêng thân,
Nên cho kẻ khác lây phần ấm no.
Được như vậy, được kho công đức,
Sống đời đâu khổ cực vì đời,
Trong tâm thường được thảnh thơi,
Tuy trong cõi tục mà đời thần tiên,
Tiên với tục dính liền mặt trái,
Để vậy phàm, lộn lại là tiên,
Cũng thời sử dụng đồng tiền,
Kẻ lo quần chúng, kẻ riêng lo mình.
Lo quần chúng là tình Tiên Phật,
Lo riêng mình là chất phàm nhân,
Tình Tiên Phật, hết trầm luân,
Chất phàm nhân, tất còn thân luân hồi,
Phật phàm có thế thôi đâu khó,
Làm hay không việc đó tại người,
Người đâu, bóng đó không rời,
Ngoái đầu, ngó lại mặt trời thấy ngay.
Ngài Thanh Sĩ