Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Monday, June 28, 2021

TUỔI GIÀ

TUỔI GIÀ


Thân này tuy đẹp sáng, 

Chỗ chất chứa vết thương, 

Và khổ đau, bệnh hoạn, 

Thật biến đổi vô thường.


Sắc này sẽ suy già,

Ổ tật bệnh, mỏng manh, 

Bất tịnh, dễ tan rã, 

Mạng sống cũng hết nhanh.


Người ít nghe kém học, 

Lớn già như trâu đực. 

Tuy thân nó lớn thật, 

Nhưng trí tuệ còi cọc.


Lúc trẻ, không học hỏi, 

Không tích lũy bạc tiền. 

Tuổi già như cò đói, 

Thật vất vả, ưu phiền.

(Nguồn: Thơ Phật cho trẻ em - Đức Kiên)

Friday, June 25, 2021

NÓI TỚI TÍN NHIỆM TỨC LÀ NÓI TỚI ĐỘ TIN CẬY

NÓI TỚI TÍN NHIỆM TỨC LÀ NÓI TỚI ĐỘ TIN CẬY

Quan sát mười người, quan sát một trăm người, có thể nhận ra người nào là người chín chắn, người nào là người trông cậy được. Giao việc cho người này giải quyết thì nhất định là ổn thoả. Giao việc cho người kia làm chắc chắn là sẽ hoàn thành tốt. Ai bộc lộ được những phẩm chất vượt trội, được kỳ vọng hơn so với những người bình thường khác là người được tín nhiệm.

Trong xă hội con người, thường thì nếu không được mọi người đặt lòng tin, không được trọng dụng thì khó mà làm nên trò trống gì.

Thống đốc ngân hàng điều hành khối lượng tiền lớn theo sự uỷ thác tin tưởng của người gửi, của khách hàng. Bộ trưởng, tỉnh trưởng được giao trọng trách đảm bảo lợi ích trong cuộc sống và danh dự của người dân. Do họ được mọi người tín nhiệm, được tin tưởng trọng dụng nên mới có thể hoàn tất được những công việc lớn như vậy trong cuộc sống.

Sản phẩm hàng hoá của các Tổ hợp bách hoá Mitsukoshi hay Daimaru giá cả luôn niêm yết rõ ràng, chất lượng bảo đảm, được người tiêu dùng tín nhiệm, yên tâm mua. Các tác phẩm của nhà văn Takizawa Bakin, chỉ cần thấy tên ông trên sách in là người đọc đă cảm thấy tin tưởng, đặt mua ngay. Vì những nơi này, người này được khách hàng, được độc giả một mực tín nhiệm. Cho nên các cửa hàng của Mitsukoshi, Daimaru rất phát đạt. Sách của Bakin bán rất chạy.

Tầm quan trọng của việc được mọi người tín nhiệm trọng dụng là ở chỗ đó.

Yêu cầu một người có sức lực đủ sức vác nổi một trọng lượng sáu mươi ký lô mang đúng sáu mươi ký lô. Cho người có tài sản trị giá một nghìn yên vay đúng số tiền một nghìn yên. Đó là điều dĩ nhiên. Nó hoàn toàn không liên quan gì tới việc tin tưởng hay tín nhiệm cả. Quan hệ con người trong xă hội đơn giản như vậy. Trên thực tế, có người bình thường chỉ đủ sức lực vác được một khối lượng ba chục ký lô, nhưng người đó chỉ cần ngồi mà cũng có thể làm chuyển động một khối lượng hàng hoá nặng hàng trăm ký lô. Có người, tài sản cá nhân chỉ đáng giá một ngàn yên, nhưng nếu được sự tin tưởng, tín nhiệm của người khác thì người ấy có thể điều hành một khối lượng tiền lên tới hàng triệu triệu yên.

Bây giờ tôi đưa ra một số thí dụ. Hăy thử giở sổ sách thu chi của một thương nhân có tiếng là giàu có ra xem sao. So với số thu vào thì số chi ra gấp nhiều lần. Khoản chênh lệch này còn nhiều hơn so với tài sản của anh ta. Hoá ra anh ta còn nghèo hơn cả những người ăn mày không một đồng xu dính túi. Vậy mà tại sao mọi người trong xă hội lại không nhìn anh ta với con mắt như vậy. Chẳng cần phải nói ai cũng biết vì anh ta có được lòng tin của xã hội.

Con người, không phải cứ chỉ cần có năng lực và cũng không phải do có tài sản lớn là có được sự tín nhiệm. Mà sự tín nhiệm có được là kết quả của cả quá trình tích tụ dần dần bởi tài năng và trí tuệ, bởi tấm lòng chính trực, lòng thành thật của người đó.

(Nguồn: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)

Monday, June 14, 2021

CHẠY THEO ĐỘC LẬP VẬT CHẤT SẼ ĐÁNH MẤT ĐỘC LẬP TINH THẦN

CHẠY THEO ĐỘC LẬP VẬT CHẤT SẼ ĐÁNH MẤT ĐỘC LẬP TINH THẦN

Thời gian gần đây, "độc lập không bị trói buộc" là câu nói cửa miệng của nhiều giới trong xã hội. Nhưng phần lớn người ta đều hiểu sai ý nghĩa của nó. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần phải hiểu đúng nghĩa của câu chữ khi dùng. Từ "độc lập" có hai cách hiểu phân biệt nhau. Đó là độc lập hữu hình và độc lập vô hình. Hay còn gọi là độc lập về vật chất và độc lập về tinh thần.

Độc lập về vật chất là mỗi người trong xã hội đều có một gia đình, có nghề nghiệp, tự lo được cuộc sống của bản thân và của gia đình, không phải nhờ vả làm phiền ai. Tức là không phải ngửa tay xin xỏ ai.

Độc lập hữu hình nhìn thấy, nên dễ nhận biết. Còn độc lập vô hình, độc lập về tinh thần rất khó nhận biết vì ý nghĩa sâu sắc của nó và liên quan tới nhiều lãnh vực rộng lớn. Thoạt nhìn có những thứ tưởng như chẳng liên can gì với độc lập, nhưng lại mang sự ràng buộc sâu xa.

Tôi lấy ví dụ từ con người để giải thích cụ thể hơn.

Tục ngữ có câu "Chén thứ nhất, người uống rượu. Chén thứ ba, rượu uống người". Câu tục ngữ này muốn nhắc nhở con người đừng để dục vọng chế ngự mình. Trong xã hội hiện nay, không chỉ có rượu đang chế ngự con người, mà "thiên hình vạn trạng" thứ đang chế ngự, làm cản trở sự độc lập về tinh thần con người. Ví dụ, cái áo lành lặn đang mặc tự nhiên chê lỗi thời không dùng nữa, phải đi cắt may áo mới cho hợp thời. Nhà cửa yên lành đang ở bỗng nhiên chê là chật hẹp, phải kiếm nhà mới cho đủ chỗ để làm phòng yến tiệc thiết đãi bạn bè. Cơm dẻo canh ngọt ở nhà chê là đạm bạc, phải kéo nhau ra ăn tiệm mới là ngon. Hết thứ này tới thứ khác, được một lại muốn mười, lòng ham muốn không bao giờ có giới hạn. Nhiều gia đình trở thành nô lệ của tiền bạc, vật chất.

Chưa hết, có nhiều trường hợp còn bị vật chất của người ngoài chi phối. Đó là, thấy người ta may áo vét thì mình cũng phải may áo vét. Thấy người ta xây nhà hai tầng thì mình cũng phải xây lên thành ba tầng mới chịu. Nhà bạn bè có cái gì thì dù có phải chạy vạy vay mượn nhà mình cũng phải sắm y như vậy. Đồng nghiệp xì xầm về mặt hàng nào là cũng lẳng lặng tìm mua cho bằng được mặt hàng đó. Có người bàn tay vốn đen đúa, sần sùi thô kệch, vậy mà cũng cố đeo nhẫn vàng thật to. Đêm hè oi bức, tắm xong lẽ ra chỉ cần mặc bộ đồ yukata, rồi phe phẩy cái quạt nan cho dịu mát. Vậy mà lại đi vận luôn bộ đồ pyjama dày sụ nóng nực. "Có thế mới giống với Tây chứ". Dù phải "ngậm đắng nuốt cay", người ta vẫn cứ cố miễn sao cho giống người phương Tây, miễn sao không thua kém người khác là được.

Tuy vậy, việc bắt chước người khác vẫn còn có thể bỏ qua. Có trường hợp "nhìn gà hoá cuốc" còn nực cười hơn nữa. Nghe đồn bà hàng xóm mới sắm chiếc áo vải tơ thêu chỉ vàng óng ánh, ngay lập tức cũng đặt may một cái áo như vậy. Mặc sang khoe thì hỡi ôi chiếc áo của bà hàng xóm chỉ là cái áo sợi bông thô, điểm một vài đường chỉ mạ lấp lánh chứ có phải là tơ lụa, là sợi vàng ròng gì đâu.

Đến nước này thì cái đang chi phối tinh thần không còn là vật chất của mình, hay vật chất của người khác, mà chính là giấc mộng ảo. Nó đang huỷ hoại dần cuộc sống của bản thân và mỗi gia đình.

Chúng ta phải tự tỉnh ngộ. Mỗi người, hãy tự mình đo thử khoảng cách đến với độc lập về tinh thần còn bao xa?

(Nguồn: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)

Sunday, June 6, 2021

Tiến bộ công nghệ và những mặt trái

 


Tiến bộ công nghệ và những mặt trái

1.     Giới thiệu:

Ngày nay, với sự tiến bộ nhanh chóng của CNTT-VT và cuộc CMCN 4.0, mọi lĩnh vực từ công nghiệp đến đời sống đều chịu ảnh hưởng to lớn của các công nghệ mới này. Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà các công nghệ hiện đại như: di động, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo, robot, Internet vạn vật (IoT), blockchain, xe tự hành, máy in 3D... mang lại cho xã hội hiện đại như: tăng chất lượng cuộc sống, tăng năng suất, tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn, thông minh hơn... Chúng làm thay đổi đáng kể cách mọi người làm việc, học tập, giải trí, kể cả cách suy nghĩ và thói quen sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh những lợi ích, công nghệ cũng có nhiều mặt trái, tác động tiêu cực đến cuộc sống con người, mà nếu không được nhận diện và có giải pháp khắc phục ngay bây giờ thì hậu quả trong tương lai có khi còn to lớn hơn nhiều những lợi ích mà nó mang lại. Tuy khoa học đã đạt được những bước tiến lớn, nhưng công nghệ là con dao hai lưỡi, vì vậy chúng ta cũng cần thận trọng đối với tác động của nó trong tương lai. Khi đọc quyển sách “Muôn kiếp nhân sinh” của tác giả Nguyên Phong [1], trong đó có đoạn cảnh báo về tác hại của công nghệ đối với thế hệ tương lai, thậm chí nó có thể làm biến mất một nền văn minh nếu bị sử dụng sai mục đích, khiến tôi có cảm hứng viết về chủ đề này. Bài viết này sẽ tập trung phân tích những mặt trái của các công nghệ hiện đại đến cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, những người đang ngày càng trở nên lệ thuộc vào các phát minh công nghệ dễ gây nghiện như điện thoại thông minh, máy tính bảng và mạng xã hội.

Ở đây, đối tượng chịu tác động bởi công nghệ chính là con người, như là cá nhân hoặc tập thể (tổ chức, xã hội). Theo WHO [2], sức khỏe con người chịu ảnh hưởng bởi: môi trường, thể chất và tinh thần, trong đó, tinh thần bao gồm khả năng nhận thức và cảm xúc. Vì vậy, để bao quát hết các tác động tiêu cực của công nghệ đến con người và xã hội trong kỷ nguyên số, chúng ta sẽ xem xét tác động của công nghệ hiện đại đối với cá nhân, tổ chức và xã hội ở bốn khía cạnh sau: khả năng hiểu biết (nhận thức), khả năng cảm xúc (tâm lý), sức khỏe thể chất (vật lý), và môi trường xung quanh. Một số tác hại của các công nghệ mới đến cuộc sống đã được nhận diện trong một số nghiên cứu trước và có thể được tóm tắt trong bảng sau:

Bảng 1. Một số các hại của công nghệ đối với cá nhân, tổ chức và xã hội

 

Cá nhân

Tổ chức

Xã hội

Nhận thức/ Tri thức

giảm độ tập trung

không phân biệt được thật-ảo, đúng-sai

mất khả năng ra quyết định

 lệ thuộc giải thuật

thông tin giả lan tràn

hiện tượng thao túng dữ liệu/thông tin

Tâm lý/ Cảm xúc

hội chứng tự kỷ

khó kiểm soát cảm xúc

giảm tương tác người-người

xã hội bị cơ giới hoá

đạo đức suy giảm

Vật lý/    Thể chất

sức khỏe suy kiệt

tật về mắt

- mệt mỏi, uể oải

căng thẳng, stress

-  tỷ lệ thất nghiệp tăng

tội phạm tăng

Môi trường

ô nhiễm từ trường và sóng vô tuyến

cạnh tranh ngày càng khốc liệt

con người bị thống trị bởi máy móc

2.     Ảnh hưởng đến cá nhân:

Xét ví dụ về ảnh hưởng của điện thoại thông minh và máy tính bảng, trên phương diện công nghệ thì đó là một phát minh tuyệt vời, nhưng chúng ta cũng cần xét đến hệ quả của nó. Đối với giới trẻ, thay vì chú tâm vào việc học, chúng chỉ biết theo dõi mọi thứ qua điện thoại thông minh và bị “thôi miên” trong một “thế giới ảo” qua màn hình nhỏ bé này. Những người trẻ ngày nay như đều bị một loại “ma lực” hấp dẫn, rút hết sinh lực và trí thông minh của chúng. Các nhà sản xuất công nghệ thường tự hào coi đó là văn minh, là tiến bộ mà không biết rằng thế hệ tương lai sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho những phát minh mà họ coi là kỳ diệu này. Khi quan sát các lớp học ở các trường đại học, dễ dàng nhận thấy các sinh viên ngày nay không còn chăm chỉ học như trước, nhiều em đến lớp nhưng vẫn bị xao lãng bởi điện thoại thông minh, không chú tâm vào những điều đang được giảng dạy. Thầy/cô thường phải nhắc nhở họ chăm chú nghe bài giảng nhưng chỉ vài phút sau, một số sinh viên lại lén lút rút điện thoại thông minh ra, lướt Facebook, rồi gửi tin nhắn cho nhau.

Hiện nay, một số phụ huynh đã bắt đầu đặt vấn đề về việc trẻ em nghiện Internet, video game, làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và sự phát triển bình thường của trẻ [3]. Nhiều phụ huynh đã cho các bé tiếp xúc máy tính bảng từ rất sớm, với lý do giúp con học tiếng Anh và xem nó như một công cụ giữ trẻ thay mình. Điều này, vô hình chung đã gây tác hại rất lớn đến khả năng nhận thức, cảm xúc và tương tác của trẻ sau này. Tệ hơn nữa là những video game, và những video quảng cáo trên mạng đã dạy cho trẻ những hành vi kỳ lạ, khác thường, khó lòng tưởng tượng được. Chúng học cách bắn giết, cướp bóc trong những cuộc phiêu lưu của “thế giới ảo”, rồi về sau không còn biết rõ đâu là thật và đâu là ảo nữa. Do đó, chúng sẽ mất đi khả năng phân biệt đúng sai. Từ những đứa trẻ cho đến những thanh niên lớn tuổi, ai ai cũng say mê với những điều nguy hại này. Những người trẻ chưa biết phân biệt tốt xấu, chưa được dạy bảo cẩn thận nên dễ dàng trở thành nạn nhân của thứ “ma lực” này. Chúng dán tai, dán mắt vào chiếc điện thoại nhỏ bé và quên đi tất cả mọi sự xảy ra chung quanh, bởi vì chúng chỉ biết sống trong “thế giới ảo” mà thôi. Có những đứa trẻ quên ăn, quên ngủ và sống trong “thế giới ảo” này, do đó chúng không thể trưởng thành, không có trách nhiệm với thế giới chung quanh, trở nên dửng dưng vô cảm, vì đầu óc của chúng đã bị “thôi miên” rồi. Nếu việc tiếp xúc với các công nghệ này kéo dài sẽ gây tác hại cả về tâm lý và thể chất của trẻ. Thực tế, nhiều số liệu thống kê [4] cho thấy trong xã hội hiện đại, ngày càng nhiều trẻ mắc các chứng bệnh như: tự kỷ, béo phì, cận thị, tăng động… Mà một trong những nguyên nhân là sự tiếp xúc quá sớm và quá nhiều với những công nghệ có khả năng gây nghiện như trên.

Về mặt thói quen sinh hoạt, công nghệ cũng tạo ra những thói quen xấu, nhất là ở giới thanh thiếu niên, chẳng hạn như: thức khuya để tán gẫu, xem livestream/ video/ film online, sống trong thế giới ảo, dành nhiều thời gian để lên mạng xã hội, ít giao tiếp mặt đối mặt… Điều này, làm phá hủy đồng hồ sinh học bình thường do thói quen sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ. Chính thói quen đó đã lấy đi giấc ngủ yên bình, làm tổn hại sức khỏe, gây nguy cơ cao đối với các chứng bệnh thời đại, như: cận thị, béo phì, trầm cảm, hay nóng giận và suy giảm trí nhớ… Hơn nữa, tiếp xúc nhiều với sóng điện thoại vô tuyến cũng được cho là một trong các nguyên nhân gây các chứng bệnh như: mất ngủ, ung thư, vô sinh… [4]

3.     Ảnh hưởng đến tổ chức và xã hội:

Về mặt tổ chức, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau một cách khốc liệt trong việc đổi mới công nghệ, sản phẩm và mô hình kinh doanh. Sự cạnh tranh gay gắt này vừa là động lực cho sự phát triển, vừa là nguyên nhân cho sự đầu tư ồ ạt và thiếu thận trọng vào các công nghệ mới nhằm dành thế tiên phong. Việc này tạo ra những rủi ro lớn cho xã hội khi sử dụng các sản phẩm dựa trên những công nghệ bị lỗi hoặc chưa trưởng thành. Thử tưởng tượng, vì cạnh tranh mà các hãng dược đưa ra thị trường những loại thuốc có những tác dụng phụ chưa được kiểm định đầy đủ đối với sức khỏe con người, hay các xe hơi tự lái sử dụng các giải thuật AI có lỗi được bán rộng rãi thì hậu quả sẽ như thế nào. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp sẽ tạo áp lực ngày càng lớn lên đội ngũ quản lý và nhân viên, khiến họ thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mõi và dễ nổi giận. Điều này, lại làm giảm hứng thú trong công việc, kéo theo năng suất giảm, giảm khả năng đổi mới, sáng tạo. Hơn nữa, việc tương tác nhiều với máy móc cũng làm giảm tương tác trên thế giới thực, từ đó làm giảm sự gắn kết và niềm vui trong công việc. Việc ra quyết định được hỗ trợ rất lớn bởi các hệ thống thông tin kinh doanh dựa trên công nghệ data mining và khoa học dữ liệu vừa giúp nhà quản lý ra được các quyết định thông minh hơn, vừa khiến họ ngày các lệ thuộc vào các dữ liệu và báo cáo tạo sinh từ hệ thống. Tệ hơn nữa, một số nhà quản lý quá lệ thuộc vào máy móc đến nỗi mất khả năng ra quyết định khi không thể kết nối với hệ thống hoặc hệ thống gặp sự cố. Chất lượng báo cáo để ra quyết định còn lệ thuộc vào chất lượng dữ liệu đầu vào và giải thuật được nạp vào hệ thống, những thứ mà nhà quản lý không làm chủ được.

Về mặt xã hội, phân tích dữ liệu lớn đã giúp các doanh nghiệp trong việc hiểu rõ hơn khách hàng, đưa ra các chiến lược tiếp thị thu hút khách hàng tiềm năng và gia tăng doanh số bán hàng. Càng nhiều dữ liệu tổng hợp liên quan đến người dùng, họ càng dễ bị thuyết phục, chi phối và thâu tóm [5]. Điều này, sẽ khiến cho người dùng suy nghĩ, hành xử theo tác động của các công ty quảng cáo, tiêu thụ quá mức cần thiết mà không nhận thức được. Tuy nhiên, khi nhiều người biết rằng họ đang bị theo dõi, họ sẽ bắt đầu thay đổi hành vi của bản thân. Đó là lý do tại sao, ngày nay, lòng tin của người dùng đối với các hệ thống thương mại điện tử sụt giảm đáng kể. Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tin giả hơn, thông tin ít tin cậy hơn, và người dùng cũng trở nên thận trọng hơn trên Internet. Bên cạnh đó, sự tiến bộ của công nghệ tự động hóa và robot sẽ dẫn đến nguy cơ thất nghiệp, thiếu việc làm. Ở nhiều nước, số lượng công nhân bị cắt giảm ngày càng tăng, tỷ lệ thất nghiệp tăng, kéo theo các bất ổn về mặt xã hội, như: tỷ lệ nghèo đói và tội phạm tăng, làn sóng bất mãn cũng ngày càng tăng nếu không được giải quyết một cách ổn thỏa. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra ở các quốc gia kém phát triển khác, khi máy móc sẽ dần thay thế lao động chân tay. Không chỉ ở lĩnh vực sản xuất mà còn ở các lĩnh vực dịch vụ và trong đời sống hàng ngày, ví dụ như: robot giúp việc nhà, xe không người lái, máy bán hàng, máy thu tiền… Tất cả các công việc thủ công có thể dần được thay thế bằng công nghệ vừa giúp tăng sự tiện nghi của đời sống hiện đại, vừa làm ảnh hưởng đến cuộc sống của một bộ phận lao động. Không có việc làm đồng nghĩa với việc không kiếm được tiền để trang trải cuộc sống, chất lượng cuộc sống đối với họ sẽ giảm [8]. Điều này, đòi hỏi nổ lực chuyển đổi công việc của từng người lao động và sự hỗ trợ của các chính phủ qua các chính sách như: đào tạo lại, cơ cấu lại lao động, thông tin dự báo, cải cách bảo hiểm xã hội, phân bổ lại dân cư…

Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học sinh học và điện tử, người ta có thể ghép những tế bào của động vật vào cơ thể con người, hay đặt vào cơ thể con người những thiết bị gọi là “trí tuệ nhân tạo” khiến họ phát triển những khả năng mà người thường không thể làm được. Về mặt nào đó, có thể coi những việc làm đó là tạo ra “nửa người, nửa siêu nhân” (cyborg) cũng được. Điều này sẽ tạo ra những thách thức to lớn vượt qua khả năng nhận thức của con người. Nếu như robot hoặc cyborg trong tương lai có khả năng thông minh hơn con người, thì việc con người bị thống trị bởi những cổ máy siêu nhiên do chính mình tạo ra không còn là chuyện khoa học viễn tưởng nữa. Và khi đó, hậu quả sẽ thế nào chúng ta sẽ không thể lường trước được. Trong cuộc nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) trong phòng thí nghiệm tại Đại học Carnegie Mellon, những con robot “vô tri giác” lại có thể tìm cách lừa nhau để thắng cuộc – không phải bằng việc đoán trước nước cờ của đối thủ, mà tìm cách lừa bịp lẫn nhau và đây là điều các nhà khoa học không hề lập trình cho chúng [6]. Chắc mọi người vẫn còn nhớ về robot Sophia, robot đầu tiên được Ả rập cấp quyền công dân, đã trả lời phỏng vấn thông minh như thế nào và đã đưa ra lời nói đùa là “sẽ tiêu diệt loài người” [7]. Với đà tiến bộ của công nghệ robot và AI, việc robot sẽ trở nên phổ biến và ảnh hưởng đáng kể đến xã hội loài người là điều sẽ xảy ra. Khi đó, việc xã hội bị thống trị bởi robot vô cảm hoặc thiểu số người thiếu đạo đức có khả năng điều khiển robot là một viễn cảnh cần phải nghĩ đến. Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến biết bao nền văn minh đã bị lụi tàn vì những tiến bộ về mặt công nghệ vật chất, mà thiếu sự dẫn dắt của đạo đức, tâm linh và cảm xúc.

4.     Một số giải pháp hạn chế tác hại của công nghệ:

Mặc dù một số người đã nhận thức được các mặt trái của công nghệ đến bản thân, gia đình, tổ chức, xã hội và môi trường mình đang sống, nhưng chưa ai tìm được giải pháp hợp lý cho các vấn đề nêu trên, như: sự nghiện smartphone của giới trẻ, sự phát triển nhanh chóng của AI và robot, sự suy giảm về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, sự gia tăng của các chứng bệnh thời đại, sự dẫn dắt của xã hội vật chất, tiêu thụ quá mức… Để hạn chế một số tác hại của công nghệ, và hướng tới một xã hội tương lai phát triển bền vững, lành mạnh trên nền tảng của công nghệ điều trước tiên cần phải giúp mọi người nhận thức một cách đầy đủ về lợi ích và tác hại của công nghệ lên mọi mặt của đời sống. Trên cơ sở nhận thức đó, mọi người từ các doanh nghiệp, chính phủ, người dân cần phải chủ động thay đổi hành vi, thói quen của mình một cách phù hợp theo hướng cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, để có thể khai thác lợi ích của công nghệ và hạn chế các tác hại của nó đến bản thân, tổ chức và môi trường xung quanh mình. Điều cần thiết là phải đảm bảo con người làm chủ được công nghệ, phải hiểu được mục tiêu tối thượng của mọi tiến bộ công nghệ là để phục vụ đời sống hướng thượng của con người và mang lại một xã hội yên bình, hạnh phúc.

Từ phân tích trên, một vài đề nghị ở phạm vi cá nhân, gia đình có thể thực hiện như sau: 

-          Hạn chế việc sử dụng thiết bị thông minh của bản thân và con em trong nhà, cần có thời gian biểu và nguyên tắc sử dụng thiết bị công nghệ một cách hợp lý.

-          Nên dành nhiều thời gian để sinh hoạt chung, chơi thể thao, ngồi thiền, dã ngoại…

-          Cẩn trọng khi chia sẻ thông tin trên Internet và mạng xã hội, cần lọc lựa thông tin và rèn luyện các kỹ năng tìm kiếm và đánh giá độ tin cậy của các thông tin nhận được.

-          Cập nhật các thông tin về tiến bộ công nghệ và các cảnh báo về rủi ro, an toàn thông tin nhằm bảo vệ bản thân và gia đình khỏi các tác hại của công nghệ.

Một vài gợi ý chính sách cho chính phủ có thể tóm tắt như sau: 

-    Tăng cường đào tạo về an toàn, rủi ro trong ứng dụng công nghệ và hệ thống thông tin.

-      Có các chính sách đảm bảo sự phát triển cân bằng về trí dục, thể dục và đạo đức.

-   Khuyến khích các đầu tư ứng dụng công nghệ hướng tới sự phát triển bền vững: giảm khí thải, giảm các vấn đề xã hội, nhiên liệu mới, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng sống…

-        Hạn chế hoặc đánh thuế cao đối với các dịch vụ dễ gây nghiện/ có nhiều rủi ro như: game online, video chat, truyền thông xã hội...

-       Có chính sách quản lý về an toàn, an ninh và đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu người dùng.

-    Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới.

5.     Kết luận:

Tóm lại, tiến bộ nhanh chóng của công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích cho xã hội hiện đại, nhưng cũng có nhiều mặt trái, thách thức cần phải nhận diện khắc phục. Sự hiểu biết và tự nhận thức một cách cân bằng về lợi ích và hạn chế của công nghệ sẽ giúp mỗi người có thể tự tin trong việc tận dụng các lợi thế của công nghệ, và hạn chế các rủi ro của nó. Điều này giúp đảm bảo công nghệ được khai thác một cách phù hợp nhằm phục vụ cho lợi ích lâu dài của con người.

Tiến bộ công nghệ cần gắn liền với tiến bộ về nhận thức, cảm xúc và chất lượng môi trường sống. Không thể vì quá say sưa với những thành tựu của công nghệ mang lại cho đời sống vật chất, mà quên đi những tác hại của nó đối với đời sống tinh thần, trí tuệ, cảm xúc và sự phát triển cân bằng của thế hệ tương lai. Đối mặt với đà phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ kỹ thuật số, con người càng cần phải tỉnh táo, nhận thức rõ mình cần phải làm gì ở phạm vi cá nhân, gia đình, tổ chức và xã hội. Những hành động hay chính sách hợp lý vào lúc này sẽ giúp hạn chế được các mặt trái của công nghệ, và khai thác được thế mạnh của nó nhằm nâng cao chất lượng sống và mang lại cho chúng ta một đời sống viên mãn cả về vật chất và tinh thần.

Rất mong bài viết này như một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh về các tác hại của công nghệ đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con em mình, để có những thay đổi phù hợp nhằm hạn chế tác hại của công nghệ mới. Qua đó, tác giả cũng mong muốn cả xã hội hãy cùng chung tay để tìm giải pháp nhằm hướng sự phát triển của công nghệ đến một tương lai xán lạn và bền vững hơn. Nếu không nhận thức được hết các mặt trái của công nghệ mới thì những tiến bộ về mặt vật chất hiện nay chỉ là sự phát triển thiếu định hướng dưới sự dẫn dắt của những nhà tư bản tham lam và các chuyên gia công nghệ thiếu hiểu biết về nền tảng tâm linh, điều đó sẽ dẫn đến các rủi ro rất lớn cho xã hội loài người trong tương lai khi chẳng may công nghệ nằm trong tay của những thế lực hắc ám. Mong sao trong tương lai, loài người có thể cùng chung sống yên bình ở một xã hội tươi đẹp, ở đó con người có thể nắm tay robot như những người bạn trong xứ sở thần tiên như trong Doraemon!

Sài Gòn, 5/6/2021  

PGS. TS. Phạm Quốc Trung – Khoa QLCN, ĐHBK HCM

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyên Phong (2020), Muôn kiếp nhân sinh, NXB. Tổng hợp TP.HCM

[2] WHO, Định nghĩa sức khỏe, nguồn: https://www.who.int/about/who-we-are/frequently-asked-questions

[3] Những tác nhân lợi và hại của thiết bị công nghệ đối với trẻ em, nguồn: https://vnreview.vn/tu-van-may-tinh/-/view_content/content/1217706/nhung-tac-nhan-loi-va-hai-cua-thiet-bi-cong-nghe-doi-voi-tre-em

[4] Tác hại của công nghệ đối với sức khỏe, nguồn: https://suckhoedoisong.vn/tac-hai-cua-cong-nghe-doi-voi-suc-khoe-n124698.html

[5] Ảnh hưởng của AI và công nghệ đối với đời sống xã hội, nguồn: https://tinhte.vn/thread/anh-huong-cua-ai-va-cong-nghe-doi-voi-xa-hoi.3094799/

[6] Các bài viết về KH-CN của GS. John Vũ, nguồn: https://science-technology.vn/

[7] The world’s most viral robot issues new warning: Tech, nguồn: https://finance.yahoo.com/news/

[8] Các xu hướng công nghệ trong CMCN 4.0 và Khuyến nghị chính sách, nguồn: http://trungpham.ultimatefreehost.in/