E-learning ở một vài trường ĐH trong TP.HCM -
thuc trang va giai phap
1. E-Learning tại trường ĐHBK
E-learning
là sự ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ cách tân trên Internet
vào giáo dục (dạy và học) nhằm làm cho công việc giáo dục trở nên dễ dàng, rộng
rãi, và hiệu quả hơn. Ưu điểm của e-learning là tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời
gian, học mọi lúc mọi nơi, uyển chuyển – linh động, tối ưu, và hệ thống hoá. E-learning
phù hợp với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi và nó thực sự nổi trội hơn các phương
pháp đào tạo khác. Lợi ích của e-learning đã được công nhận, nhưng ảnh hưởng của
nó lên hiệu quả học tập và chuyển giao tri thức từ thầy sang trò vẫn còn chưa
được kiểm chứng một cách rõ ràng.
Đại học
Bách khoa (ĐHQG-TP.HCM) đã xây dựng hệ thống e-learning (Sakai) để hỗ trợ
chương trình đào tạo từ xa từ 2011. Ngoài ra, một hệ thống e-learning khác dựa
trên Moodle (một nền tảng mã nguồn mở) cũng đã được cài đặt và triển khai cho
các hệ đào tạo khác. Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng tỷ lệ sử dụng e-learning vẫn
khá thấp, và hiệu quả thực sự của việc sử dụng e-learning lên học tập và chuyển
giao tri thức vẫn chưa được đo lường.
Trên thực tế,
số sinh viên đăng ký chương trình đào tạo từ xa giảm dần trong những năm gần
đây. Liệu có thể tận dụng thế mạnh của e-learning để cải tiến chất lượng dạy và
học và thu hút sinh viên cho chương trình đào tạo từ xa. Theo ban quản trị mạng
của ĐHBK, khoảng 50% giảng viên vẫn chưa sử dụng hệ thống e-learning (2016). Điều
này làm giảm mức độ tương tác trên hệ thống e-learning. Kết quả là hiệu quả dạy
học của ĐHBK cũng bị ảnh hưởng và lợi ích thực sự của e-learning mang lại cũng
giảm theo.
Thành quả
học tập là kiến thức của học viên, những kỹ năng và thói quen học
tập trong một khoá đào tạo và hiệu quả ứng dụng của họ lên công
việc của họ. Học tập được xem là những kỹ năng của học viên và
kiến thức có được qua trải nghiệm trong quá trình đào tạo. Chuyển
giao tri thức là sự thay đổi thói quen của người học lên công việc
thông qua kinh nghiệm trong quá trình đào tạo. Từ những nghiên cứu trước, nghiên
cứu này muốn đo lường ảnh hưởng của các yếu tố như: Năng lực máy tính tự thân
(Computer Self Efficacy), Tính dễ sử dụng (Ease of Use), Nhận thức tính hữu ích
(Perceived Usefullnes), Tương tác mặt đối mặt (Face to Face Interaction), Tương
tác qua email (Email Interaction) và Sự hiện diện tính xã hội (Social Presence)
lên Hiệu quả học tập và Chuyển giao tri thức qua e-learning.
Kết quả
nghiên cứu thể hiện 3 yếu tố Nhận thức tính hữu ích & dễ sử dụng, Tương tác
mặt đối mặt, và Sự hiện diện tính xã hội có mối quan hệ tuyến tính với Thành quả
học tập của sinh viên trong bối cảnh hệ thống e-learning của trường Đại học
Bách Khoa Tp.HCM đang trong tình trạng hoạt động kém hiệu quả.
Dựa trên kết
quả nghiên cứu này, một số hàm ý quản lý và khuyến nghị để nâng cao chất lượng
học tập và chuyển giao tri thức qua e-learning ở ĐHBK được đề xuất như sau:
·
Làm cho hệ thống
e-learning trở nên dễ sử dụng và hữu ích: Bộ phận quản trị mạng và e-learning cần
cải tiến các chức năng của hệ thống hiện tại. Một số tính năng nên được tích hợp,
như: hỗ trợ trực tuyến, hướng dẫn qua video, giải đáp các câu hỏi thường gặp…
Ngoài ra, nên tổ chức các buổi tập huấn sử dụng hệ thống e-learning, đặc biệt
là đối với SV. năm nhất và GV. mới. ĐHBK cũng nên dựa vào các phản hồi về chất
lượng hệ thống để cải tiến và nâng cấp hệ thống nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu
sử dụng.
·
Gia tăng sự hiện diện xã hội trên hệ thống e-learning:
BQL. nên áp dụng một vài phương pháp như: tổ chức các sự kiện mà đòi hỏi sự
tương tác và chia sẻ trên e-learning, vd: bỏ phiếu, thi online…; gắn kết với
forum và phân công admin phụ trách từng chủ đề; tích hợp với portal của ĐHBK
& các trang mạng xã hội của trường… Ngoài ra, đưa thêm một vài tính năng
tương tác của web 2.0 và hệ thống e-learning, như: blog, chia sẻ video, bình luận…,
cũng giúp tang tính xã hội của hệ thống e-learning.
·
Gia tăng tương tác qua e-mail và kỹ năng máy tính của
thầy và trò: BQL. cũng cần cung cấp cho SV. một địa chỉ e-mail lâu dài và khuyến
khích dùng địa chỉ này để tương tác trên e-learning; tất cả các thông báo từ
ĐHBK đến SV. cần gửi qua địa chỉ e-mail này. Tổ chức các khóa huấn luyện, các
buổi seminar về nhiều chủ đề liên quan, như: kỹ năng sử dụng máy tính, khai
thác hệ thống e-learning cho việc dạy và học, cách tìm kiếm thông tin khoa học,
các công cụ/ công nghệ mới…
·
Rèn luyện kỹ năng tự học cho SV.: Kỹ năng này rất quan
trọng đối với SV. đã đi làm, thuộc các chương trình cao học, bằng 2, đào tạo từ
xa. Đây cũng là một kỹ năng mềm khá cần thiết trong bối cảnh công nghệ thay đổi
nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0. Tổ chức thành một khóa học riêng, hoặc
lồng ghép các nội dung này vào các môn học đang có đều hữu ích. Ngoài ra, các kỹ
năng này cũng có thể được truyền thụ trong các hoạt động ngoại khóa, như: buổi
giới thiệu ngành, các dự án khởi nghiệp, cuộc thi… Việc cung cấp kỹ năng này
cho SV. đòi hỏi người thầy cũng phải thay đổi phương pháp giảng dạy và đánh
giá, trong đó cần chú trọng: cập nhật nội dung, lấy người học làm trung tâm, sử
dụng bài học tình huống, tạo không gian tranh luận mở, học đi đôi với hành…
2. E-Learning ở một vài trường ĐH trong TP.HCM
Cuộc cách mạng
công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội cho việc học tâp trực tuyến và cũng dẫn
đến nhu cầu học tập, giải trí và làm việc mọi lúc mọi nơi. Gần đây, hệ thống
e-learning là rất quan trọng đối với bất kỳ đại học nào để nâng cao chất lượng
giáo dục và cung cấp cho sinh viên các nguồn học liệu hữu ích và chất lượng
cao. Tuy nhiên, làm sao để khuyến khích việc sử dụng e-learning và cải thiện chất
lượng học tập thông qua hệ thống e-learning vẫn còn là một thách thức đối với
các trường Đại học. Mục đích chính của nghiên cứu này là nhằm tìm hiểu các yếu
tố ảnh hưởng đến việc sử dụng e-learning và thành quả học tập của sinh viên các
Trường đại học tại TP.HCM.
Từ các
nghiên cứu trước, một mô hình nghiên cứu đã được đề xuất, và kiểm định bằng các
phương pháp như: phân tích Cronbach alpha, EFA, CFA, và mô hình cấu trúc tuyến
tính (SEM) trên phần mềm SPSS và AMOS. Dựa trên phân tích định lượng từ 356 bảng
trả lời hợp lệ, kết quả kiểm định mô hình cho thấy 5 nhân tố có tác động tích cực
đến việc sử dụng e-learning gồm: hỗ trợ từ Đại học (0.367), kỹ năng máy tính của
SV. (0.274), hạ tầng (0.195), nội dung và thiết kế khóa học (0.145), và sự cộng
tác của SV. (0.118). Ngoài ra, hiệu quả học tập còn chịu ảnh hưởng của 2 nhân tố
là: việc sử dụng e-learning (0.446), và cộng tác của SV. (0.129).
Từ kết quả
trên, một vài hàm ý quản lý được đề xuất để cải tiến hiệu quả sử dụng
e-learning và gia tăng chất lượng học tập của SV. Đại học qua e-learning như
sau:
· Sự hỗ trợ từ nhà trường có vai trò quan trọng ảnh hưởng
mạnh đến việc sử dụng hệ thống e-learning. Nhà trường, cụ thể làm phòng quản lý
mạng hay phòng đào tạo chuyên trách phải làm tốt các công việc hỗ trợ sinh viên
càng nhiều thì sẽ làm tăng việc sử dụng hệ thống, làm tăng hiệu quả của hệ thống.
Điều này sẽ góp phần ảnh hưởng đến thành quả học tập thu được của sinh viên.
· Kỹ năng máy tính của sinh viên, kinh nghiệm sử dụng
máy tính trước kia, sự thành thạo các phần mềm máy tính có ảnh hưởng tích cực
lên việc sử dụng hệ thống e-learning. Kỹ năng sử dụng vi tính có thể có được
thông qua học tập và thực hành, do vậy nhà trường cần có các buổi hướng dẫn sử
dụng các hệ thống thông tin trong nhà trường có liên quan đến sinh viên chi tiết
hơn, cụ thể hơn, nhiều hơn,… nhằm đảm bảo tất cả sinh viên đều được trang bị tốt
các kỹ năng máy tính cần thiết.
· Nội dung và thiết kế của các khóa học có ảnh hưởng khá
mạnh đến việc sử dụng hệ thống e-learning. Do vậy, việc chuẩn bị các nội dung,
thiết kế chương trình học cần được chú trọng đầu tư nhiểu hơn và cung cấp các nội
dung học tập đến sinh viên một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác sẽ góp phần
làm tăng chất lượng học tập, tăng hiệu quả của hệ thống và thành quả học tập của
sinh viên.
· Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin có ảnh hưởng đến việc
sử dụng hệ thống e-learning là điều dễ nhận thấy. Một hạ tầng công nghệ thông
tin mạnh, phần cứng máy chủ mạnh, phần mềm an toàn, tin cậy hoạt động ổn định sẽ
giúp người dùng sử dụng hệ thống được thuận lợi, nhanh chóng, an tâm khi sử dụng.
Do vậy, việc đầu tư nâng cấp các hệ thống máy chủ, phần mềm cần có kế hoạch và
lộ trình cụ thể nhằm đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin của nhà trường luôn
luôn phù hợp với xu hướng phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin.
- Nhu cầu tương tác, làm việc cộng tác của các sinh
viên với nhau là một nhu cầu thể hiện tính xã hội trong một hệ thống công nghệ
thông tin. Ngày nay, nhu cầu này được chứng minh rất rõ với sự bùng nổ của các
mạng xã hội với số lượng thành viên cực lớn. Các công cụ tích hợp và hệ thống
e-learning hỗ trợ cho sự tương tác, làm việc cộng tác của các sinh viên sẽ giúp
giải quyết được nhu cầu cấp thiết này. Trên thị trường có nhiều ứng dụng như
Teams của Microsoft hay Hangout của Google hỗ trợ rất mạnh cho điều này với chi
phí rất rẽ thậm chí miễn phí nếu sử dụng cho trường học. Việc tăng cường hơn nữa
các tính năng hỗ trợ sự tương tác, cộng tác của sinh viên như diễn đàn, hộp
chat… trên các hệ thống e-learning hiện nay cần được quan tâm nhiều hơn vì điều
này sẽ giúp làm tăng việc sử dụng và hiệu quả hệ thống đồng thời cũng góp phần
làm tăng thành quả học tập của sinh viên.
No comments:
Post a Comment