Thắc mắc của vua A Xà Thế
Vua A Xà Thế sau
khi quy y theo Phật đã rất nhiệt tâm trong việc tu học, thường suy tư, tìm hiểu
và ứng dụng lời Phật dạy vào việc trị quốc, an dân. Vì vậy, đất nước an bình,
thịnh trị. Tuy nhiên, việc vua
A Xà Thế theo Phật, thay đổi quan điểm trong việc trị quốc theo hướng nhân từ, không sát hại đã gặp phải sự bài bác,
chống đối của các vị Bà La Môn.
Nhân sự việc 2 binh
sĩ bỏ nhiệm vụ để trở thành tỳ kheo trong tăng đoàn của Phật, các vị Bà La Môn
chất vấn vua A Xà Thế rằng, nếu ai cũng muốn thực hiện theo lời Phật dạy là
không sát hại thì lấy ai chiến đấu bảo vệ đất nước và giữ gìn trị an?
Vua A Xà Thế bối
rối trước tình huống này, nên đến xin ý kiến Phật để tìm cách hóa giải mâu thuẫn với các vị Bà La Môn, và cũng để giải quyết những khúc mắc trong lòng mình. Sau khi nghe những
khúc mắc của vua A Xà Thế về mâu thuẫn giữa nguyên lý bất hại với nhu cầu chiến
đấu, trừng phạt để bảo vệ sự an nguy của đất nước, Đức Phật bèn kể một câu chuyện như sau.
Ngày xưa, ở một
vương quốc nọ, có một con rắn chúa sinh sống trong ngôi đền cổ. Con rắn này
thường bò vào làng và cắn chết nhiều người, nên nó đã trở thành nổi kinh hoàng
của mọi người. Không ai dám đến gần ngôi
đền và khu vực xung quanh.
Một hôm nọ, có vị
đạo sĩ từ phương xa đến và dừng chân trú đêm lại trong
ngôi đền đó. Con rắn chúa đã bò đến gần vị đạo sĩ, và định cắn như mọi khi. Tuy
nhiên, vị đạo sĩ là người đã có giác ngộ, nên
ngài đã dùng tâm từ để cảm hoá con rắn chúa. Ngài đã giảng giải cho nó nghe về nghiệp báo, khiến nó nhận ra
lỗi lầm do lòng tham sân si. Nó đã xin quy y với ngài, hứa giữ gìn ngũ giới và
nguyện sẽ từ bỏ con đường sát
hại.
Từ đó, con rắn trở
nên hiền lành, không còn cắn ai nữa. Tuy thế, dần dần mọi người trong làng
không còn sợ hãi con rắn, và còn xem
thường nó nữa. Chẳng những vậy, nó lại bị lũ trẻ con trong làng chọc phá, dùng gậy
gộc đánh một cách rất thảm thương. Con rắn phải trốn vào hang đá vào ban ngày,
và ban đêm mới đi ra kiếm ăn. Nó chỉ ăn những thứ cỏ cây, sỏi đá mà không dám
giết hại bất kỳ loài vật nào như đã hứa với vị đạo sĩ.
Một ngày kia, vị
đạo sĩ trở lại ngôi làng đó, thấy tình cảnh thảm thương của con rắn, ngài nói
với nó: "Ta chỉ bảo ngươi không cắn người, chứ đâu bảo ngươi phải từ bỏ
bản chất của mình. Ngươi vẫn có thể khò khè làm họ sợ để tự vệ chứ".
Kể đến đây, Đức
Phật dạy vua A Xà Thế về trách nhiệm của người cầm quyền, nên dùng tâm nhân từ,
công bằng đối xử với mọi người. Khi cần thiết vẫn có
thể trừng phạt người phạm lỗi, và vẫn có thể duy trì quân đội để bảo vệ đất
nước.
Ngài dạy thêm, điều quan trọng của việc tu tập là đi trên con đường
trung đạo, không quá phóng túng, nhưng cũng không
quá khắc khổ, cần linh động để ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh, tránh việc cố
chấp, quá cứng nhắc trong ứng xử.
Ngoài ra, Đức Phật
cũng chỉ cho vua A Xà Thế về bảy
nguyên tắc để duy trì hòa bình, giải quyết mâu
thuẫn, tranh chấp phát sinh, đó là:
1/ hai bên cần ngồi
đối diện với nhau, cùng nổ lực giải quyết vấn đề.
2/ mỗi bên trình
bày vấn đề một cách rõ ràng, bình tĩnh tìm hiểu và ghi nhớ nguyên nhân của vấn
đề.
3/ cần dùng trí tuệ
khách quan/ công bằng xem xét từng vấn đề, sáng tạo trong việc tìm giải pháp.
4/ nếu nhận thấy
điểm sai của mình thì chủ động xin lỗi, không cố chấp cãi bướng. Sẵn lòng tha
thứ cho người và cho mình về những khuyết điểm.
5/ mọi quyết sách
cần được sự tán đồng của người dân, nếu sau khi đọc lớn 3 lần quyết định trước
công chúng mà không ai phản đối, thì mới được ban hành quyết định đó.
6/ trong quá trình
giải quyết mâu thuẫn, các bên cần phải tuân theo quy tắc chung đã đặt ra.
7/ cần mời một
người lớn tuổi, có uy tín đứng ra làm trọng tài/ trung gian hoà giải giữa 2
bên.
Phật nói tiếp, nếu đại vương thực hành theo bảy nguyên tắc trên, mọi tranh chấp sẽ có thể được hóa giải, mở ra con
đường của hoà bình, an lạc và cùng chung sống giữa mọi người. Nghe xong, vua A Xà
Thế vui mừng, tán thán Đức Phật, xin tuân theo lời chỉ dạy và trở về cung.
Bài học: Khi áp dụng lời Phật dạy vào cuộc
sống, cần linh động, nên theo tinh thần trung đạo. Nguyên lý bất hại chỉ mang
tính tương đối, nên cố gắng tránh sát hại đến mức tối đa. Trong một số tình
huống bất khả kháng, việc trừng phạt, hay tiêu diệt kẻ ác để bảo vệ an bình của
người thiện một cách công tâm cũng không vi phạm nguyên lý này.
(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3)
No comments:
Post a Comment