Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Friday, June 16, 2017

Lời dạy cuối cùng của Đức Phật



(Nguồn: Phim Đức Phật - BK. Modi - tập 54 : Phật nhập Niết Bàn) 
 

Lời dạy cuối cùng của Đức Phật

Tám mươi mùa xuân đã qua từ ngày Phật xuất thế dưới cây Vô ưu. Bấy giờ Ngài vào hạ ở rừng Sa-la trong xứ Câu-ly cách thành Ba-la-nại chừng 120 dặm. Một hôm, Ngài bảo ông A-nan:
– A-nan ơi! Ðạo ta nay đã toàn vẹn. Như xưa ta đã nguyện, nay ta đã đủ bốn chúng trong tăng đoàn, là: tăng, ni, phật tử nam, phật tử nữ và nhiều đệ tử có thể thay ta chuyển xe Pháp. Còn trong dân gian, Ðạo ta truyền khắp nơi. Bây giờ ta có thể rời các người mà ra đi. Vả lại, nay ta cũng đã 80 tuổi rồi. Thân hình ta bây giờ như một cỗ xe đã mòn rã, nếu còn đi được là nhờ những sợi dây ràng rịt các bộ phận với nhau. Ta sẽ mở dây cho chúng tan rã. Thân này ta đã mượn làm xe để chở Pháp, nay xe cũng vừa mòn mà Pháp cũng đã lan khắp, ta còn nấn ná làm gì trong cái thân tiều tụy này nữa? A-nan, trong ba tháng nữa, ta sẽ nhập Nỉết-bàn.
Nghe Phật dạy, ông A-nan gieo năm vóc xuống đất, bạch:
– Thưa Thế Tôn, Ngài thường dạy rằng ai đã giác ngộ thì không thể mất đi được. Nay Thế Tôn là một bậc toàn trí, toàn năng, sao lại còn phải chịu cái luật tầm thường như thế?
Phật nghiêm nét mặt lại hỏi:
– A-nan!  Người bảo cái gì mất mà cái gì còn ? Sao người không nhận được cái gì chơn mà cái gì giả, cái gì tồn tại mà cái gì tiêu hủy? Ta đã nhiều lần dạy rằng, đã có đến thì có đi, có hợp thì có tan, có sanh thì có diệt. A-nan, thân ta không khác thân mọi người; mà thân mọi người làm sao thoát ra ngoài luật vô thường được? Thân ta là giả hp, nó phải tan rã. Nhưng A-nan! Làm sao ngươi thấy một làn sóng tan, ngươi lại bảo nước không còn nữa?
Ông A-nan cũng biết như thế lắm. Nhưng ý nghĩ trong ba tháng nữa, Phật sẽ không còn tại thế để chỉ dạy cho chúng sanh, làm ông bồn chồn tâm trí. Ông đánh bạo nài xin Phật ở lại một lần nữa:
– Bạch Thế Tôn, xin Ngài hãy ở nán lại vì rất nhiều đệ tử còn phải nhờ đến sự chỉ giáo của Thế Tôn để chứng đạo.
– A-nan ơi! Chính vì muốn để cho họ mau chứng đạo mà ta nên đi. Nếu chim mẹ cứ mớm mồi mãi cho con, thì đến bao giờ chim con mới bay được? Gần nửa thế kỷ, họ quanh quẩn bên chân ta, bây giờ phải đến lúc họ rời ta để tự bước tới, như đứa trẻ mới tập đi, phải có một lúc rời tay mẹ.
Tin Phật sắp vào Niết-bàn lan dần như một hơi gió thoát từ hang lạnh. Các đệ tử như đàn cừu tản mác trên cánh đồng Ấn Ðộ, lục tục kéo nhau về để cùng đấng Dẫn Ðường chia ly lần cuối.
Trong mấy tháng ấy tuy thân hình Ngài đã gầy còm, mệt mỏi, Phật vẫn đi truyền giáo như thường. Nhưng Ngài không đi xa, chỉ quanh quẩn trong địa hạt xứ Câu-ly. Ông A-nan thường xin Ngài hãy tịnh dưỡng trong những ngày cuối cùng của Ngài. Nhưng Ngài khoát tay từ chối, mà dạy:
– Thân ta tuy có kém khoẻ, nhưng lòng Từ bi của ta, Trí sáng suốt của ta có kém sút đâu? Ta còn tại thế ngày nào thì ngày ấy phải là ngày không vô ích.
Một hôm, Phật đi thuyết pháp ngang một khu rừng, có một người tên là Thuần-đà, làm nghề đốt than đến quỳ trước Phật:
– Kính lạy Ngài, ở đây làng mạc không có, mà trời sắp đứng trưa, xin Ngài hãy về nhà con ở gần đây thọ trai rồi hãy đi. Con nghe Ngài qua đây nên đã đi hái một thứ nấm rất quý để dâng Ngài, xin Ngài đừng từ chối mà tủi nhục lòng con.
Phật im lặng cùng các đệ tử đi theo ông Thuần-đà. Ðến nhà, những thức ngon vị lạ đã dọn la liệt trên bàn dài, ông Thuần-đà lại bưng lên để trước mặt Phật một bát nấm, hơi lên nghi ngút.
Phật thọ trai xong, phán với các đệ tử:
– Bát nấm này có độc, các ngươi hãy đem đổ đi không nên ăn.
Ông Thuần-đà kinh hãi, vật mình lăn khóc bên chân Phật. Phật dạy: “Ngươi không nên than khóc, cũng đừng hối hận. Phải vui sướng lên, vì ngươi đã được cúng dường bữa cơm cuối cùng cho ta. Có hai bữa ăn đáng kỷ niệm nhất, lần đầu là của nàng Tu-xà-đa cúng dường ta trước khi ta thành Ðạo và bữa cơm này, trước khi ta vào Niết bàn”.
Phật từ giã ông Thuần-đà, cùng các đệ tử ra đi được một đỗi đường, Ngài nghe trong mình khó ở, Phật đưa bình bát và chiếc võng cho A-nan:
– A-nan ! hãy mang bình bát dùm ta và tìm hai cây Sa-la ở trên đồi kia, treo võng lên cho ta nằm nghỉ.
Phật đến bên cây Sa-la, nằm xuống võng. Ðầu Ngài trở về hướng Bắc, mình nghiêng về tay phải, hai chân tréo vào nhau. Trước mặt đấng Ngài chói lọi một mặt trời tròn xoe và đỏ rực. Hoa trắng lác đác rơi dọc theo mình Ngài trên thảm cỏ xanh. Hương ở đâu bay lại, thơm ngát cả khu rừng.
Nhưng đấng Từ bi chưa đi vội. Ngài sai một Tỷ kheo đi báo tin Ngài sắp nhập diệt cho các đệ tử và dân chúng ở rải rác trong thành hay.
Trong số các người đến kính viếng, có một ông già thuộc phái Bà-la-môn, tên Tu-bạt-đà-la đến xin ông A-nan cho được đến gần Ngài hỏi đạo. Ông A-nan không cho, bảo rằng Ngài đang mệt. Nhưng Tu-bạt-đà-la cứ nài nỉ xin vào. Lời qua tiếng lại, Phật nghe được, liền bảo ông A-nan cứ để cho vào. Tu-bạt-đà-la đến sụp lạy bên chân Phật, thưa :
– Lạy đấng Sáng suốt, con thường nghe đạo Ngài rất thâm diệu, nhưng con cũng thường nghe bọn ngoại đạo bảo chỉ có đạo của họ là hợp chân lý. Như thế thì con biết tin theo ai?
Phật dịu dàng dạy:
– Ngươi đừng tin theo ai cả. Ngươi chỉ nên theo lý trí của ngươi mà phán đoán. Ngươi hãy đem thuyết của ta so sánh với những thuyết của ngoại đạo, xem pháp nào thực sự mang lại an vui, hạnh phúc, rồi ngươi sẽ biết nên tin bên nào mà bỏ bên nào.
Ông Tu-bạt-đà-la sụp xuống ôm chân Phật, khóc kể: 
– Ôi rộng rãi thay lời nói của đấng Từ bi! Con chưa từng nghe một đấng truyền giáo nào dạy như Ngài! Nhưng ôi! Con đến quá chậm, Ngài sắp nhập diệt rồi, con biết nhờ ai để tu tập?
Phật để tay lên đầu ông, dạy:
– Người hãy yên tâm. Ta sẽ độ cho người. Còn sự tu tập sẽ có các đệ tử ta chỉ giáo cho.
Ông Tu-bạt-đà-la là người cuối cùng được đấng Từ bi nhận làm đệ tử khi Ngài còn tại thế.
Các đệ tử những bậc vua chúa và dân gian đến mỗi lúc mỗi đông. Họ kính cẩn cúi đầu đứng quanh Ngài. Nhưng bỗng giữa bầu không khí im lặng, nấc lên vài tiếng khóc. Phật dạy:
– Ðừng ai thương tiếc ta như thế! Hãy bình tĩnh trong buổi chia ly này! Các người ơi! Các người còn nhớ những lời ta dạy chăng ? Ta thường bảo thân thể bao giờ cũng tan rã, những vật người đời yêu thương, gìn giữ tất rồi có ngày phải chia cách. Làm sao trên thế giới chuyển di, lại có vật không thay đổi? Ai tìm thấy lại được hình dáng đã vẽ trên mặt nước?
– Hỡi các tỷ kheo! Ở đây các người là hạng được nghe rất nhiều giáo pháp của ta, các người phải chứng tỏ sự hiểu biết của các người bằng những cử chỉ, nhất là giữa lúc này. Bao lâu nay các người rất gần gũi với ta, trong hành động cũng như trong ý tưởng, vậy bây giờ không nên vì tình cảm ủy mị, hẹp hòi của các người trong một lúc mà trở thành xa lạ với ta. Ðừng ai thương tiếc ta như thế!
Ngài gọi ông A-nan lại gần Ngài, để tay lên đầu ông, vỗ về:
– A-nan ơi! Trong các đệ tử, ông là người luôn luôn ở bên cạnh ta, và giúp đỡ ta nhiều nhất, ông là đệ tử rất xứng đáng với ta. Trong việc truyền giáo, công đức của ông không phải nhỏ. Vậy trước khi nhập diệt, ta có lời cảm ơn ông. Từ đây trên đường đi truyền giáo, bước chân ta không còn vang dội bên bước chân ông nữa, nhưng đừng vì thế mà buồn; chúng ta dù có xa nhau cũng chỉ ở hình dáng chứ còn tâm ta vẫn hoà nhịp với tâm ông trong cái đạo rộng lớn. Ông hãy tu tập để nhận rõ chân tâm, rồi sẽ gặp ta ở mọi chỗ. Thôi ông hãy đứng dậy!
Sau đó, Phật nhìn ra, hỏi đại chúng:
– Ở đây có ai không hiểu hay còn nghi ngờ điều gì về giáo lý của ta thì cứ hỏi, ta sẽ trả lời. Ðừng để khi ta nhập diệt rồi lại ân hận là không còn ai để giảng giải.
Mọi ngườỉ đều im lặng nhìn nhau. Phật lại bảo:
– Nếu các người vì sợ làm mệt ta, hay vì nể ta mà không dám hỏi thẳng thì hãy bàn bạc cùng nhau, khi nào không thể giải quyết được, ta sẽ giúp cho.
Nhưng đại chúng vẫn im lặng. Ông A-nan bạch:
– Kính bạch Như Lai! Ðạo Ngài sáng tỏ như mặt trời. Những lời Ngài dạy cặn kẽ từng gang tấc! Những điều đáng nói, Ngài đã dạy cho hết cả rồi chúng con không còn điều gì nghi ngại nữa. Duy, chúng con xin Ngài dạy cho biết sau khi Ngài nhập diệt rồi, chúng con phải làm những lễ nghi gì để cho xứng với thi hài của một đức Phật?
Phật dạy: “Các người đừng bận tâm đến việe ấy. Các người hãy chuyên tâm đến sự giải thoát của các người. Đấy chính là một cách sùng bái ta.
– Hỡi những ai vì hoàn cảnh mà không thể xuất gia, các người hãy luôn luôn nhớ đến đạo ta! Phải tinh tấn mãi mãi để thoát ra khỏi lưới dục vọng mà chứng Ðạo!
– Này, các người phải tự thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Các người hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Ðừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác! Ðừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác!
– Các người làm như thế là biết ơn ta, là nhớ tưởng đến ta. Và hỡi các Tỷ kheo! Các người có thêm một bổn phận là truyền đạo ta, thay ta để đưa đường chỉ lối cho mọi người. Các người phải tìm hiểu đến cùng tột những nghĩa lý sâu xa, mầu nhiệm của giáo pháp ta để làm lợi lạc cho chúng sanh! Các người phải luôn luôn vượt lên những trở lực để mãi mãi truyền thừa Ðạo ta cho đến vô cùng tận.
– Nếu các người để cho đạo Giải thoát của ta suy tàn, ấy là các người mất ta, và các người sẽ làm mất các người!
– Nếu các người vẫn trung thành với những lời dạy của ta, ấy là các người nhớ ơn ta, ấy là các người tôn sùng ta. Nếu các người làm cho đạo Từ bi của ta mỗi ngày một thịnh mãn, ấy là các người gần ta, và ta sẽ luôn ở bên cạnh các người.
– Này các Tỷ kheo! Các người đừng nghe dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quý báu. Chỉ có chân lý của Ðạo ta là bất di bất dịch.
– Hãy tinh tấn lên để giải thoát, hỡi các người rất thân yêu của ta!” 

Bài học: Hãy ghi nhớ những lời dạy cuối cùng của Đức Phật để duy trì sự tinh tấn trong việc tu tập. Ngài dạy – “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Cả đời ngài luôn vì mục đích mang lại hạnh phúc và giác ngộ cho chúng sinh. Hãy nhớ đến hạnh nguyện của Ngài, mà tinh tấn tu tập, mở rộng trí tuệ và lòng yêu thương, đó chính là cách đền đáp ơn đức cao dầy của Đức Phật.

(Nguồn: Mẩu chuyện Phật giáo dành cho Thiếu nhi - tập 2)

No comments:

Post a Comment