Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Tuesday, December 22, 2020

Năm 2020 - một năm "trải nghiệm trực tuyến" đáng nhớ


Năm 2020 - một năm "trải nghiệm trực tuyến" đáng nhớ

Cuối năm, là khoảng thời gian để mỗi người cùng ngẫm nghĩ về một năm đã qua và lên kế hoạch cho một năm sắp tới. Năm 2020 sắp khép lại là một năm gắn liền với đại dịch Covid-19, làm ảnh hưởng tới mọi người, mọi quốc gia. Nói chung, trong năm qua, mọi tổ chức thuộc mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực đều bị xáo trộn và ảnh hưởng ở mức độ nhiều hoặc ít khác nhau. Khi nhìn lại năm vừa qua, một cụm từ hiện ngay lên trong đầu tôi, đó là cụm từ "trải nghiệm trực tuyến". Có thể nói, do ảnh hưởng của virus Corona trên phạm vi toàn cầu, các chính sách giãn cách xã hội của nhiều nước, và các quy định hạn chế tiếp xúc giữa người với người do Covid-19, mà trong năm 2020, rất nhiều hoạt động trên thế giới thực đã buộc phải chuyển qua thế giới ảo, môi trường trực tuyến và không gian mạng Internet. Điều này mang lại cho nhiều người những trải nghiệm trực tuyến vừa bỡ ngỡ, lúng túng và cũng vừa thú vị. Xin chia sẻ lại một số trải nghiệm trực tuyến của tôi trong năm vừa qua như là những ký ức thú vị về một năm dịch bệnh và cũng nhiều biến động.

Đầu tiên, là kinh nghiệm giảng dạy livestream bằng video tương tác qua Youtube, phối hợp với Google Meet theo quy định của trường trong HK2 năm 2019-2020. Ngay sau tết Canh Tý, các trường đồng loạt cho HS-SV nghỉ học từ 1-3 tháng, và một số trường đã triển khai giảng dạy trực tuyến một phần hay toàn phần. Một số trường từ tiểu học đến đại học cũng đã áp dụng hình thức giảng dạy trực tuyến để tránh việc mất bài của học sinh do nghỉ học kéo dài. Trong xu thế đó, ĐHBK Tp.HCM cũng không phải ngoại lệ. Ban đầu, giảng dạy online chỉ giới hạn ở việc upload bài giảng và các video quay sẳn lên hệ thống e-learning của trường cho SV tự học. Nhưng sau đó, trường đã ra quy định yêu cầu tất cả các môn phải triển khai thêm phương thức giảng dạy livestream qua Youtube và tương tác qua Google Meet. Việc triển khai này ban đầu cũng gặp phải một số khó khắn, lúng túng trong việc triển khai, do việc yêu cầu các thầy/cô phải đến studio của trường thay vì thực hiện từ nhà, cộng với việc thiếu truyền thông và đào tạo một cách đầy đủ. Nhưng sau một thời gian, thì mọi việc cũng đâu vào đấy, các thầy/cô và SV cũng dần thích nghi với hình thức giảng dạy và học tập trực tuyến. Đối với tôi, việc triển khai các yêu cầu này không có gì khó khăn lắm vì đúng chuyên môn của mình là lĩnh vực MIS. Tuy nhiên, qua trải nghiệm giảng dạy trực tuyến của mình, tôi cũng nhận thấy một số hạn chế của phương pháp giảng dạy online như: mức độ tập trung và gắn kết của SV chưa cao (những tuần đầu có sự hào hứng thì số lượt xem và làm BT online tốt, nhưng giảm dần ở các tuần sau), mức độ tương tác thấp (số câu hỏi trong các buổi tương tác thường ít và chất lượng câu hỏi thấp do người học không chuẩn bị trước), sự sẳn sàng của người học thấp, khó triển khai các phần thực hành và làm việc nhóm...

Cũng trong HK này, tôi cũng đã tham gia một số phiên bảo vệ đề cương, LVTN trực tuyến qua Google Meet. Nhìn chung, cũng không khác mấy so với phiên bảo vệ truyền thống, nhưng bảo vệ trực tuyến đòi hỏi các thành viên HĐ và SV bảo vệ cũng cần làm quen với các công cụ và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng gặp phải một số trục trặc về kỹ thuật, như: âm thanh không rõ, bị tiếng vang, một vài thành viên bị rớt mạng, chia sẻ màn hình cũng chưa tốt do người dùng chưa quen... Việc hỏi đáp cũng tương đối ổn, mặc dù có đôi chỗ âm thanh bị trễ và có cảm giác người nói không diễn tả được hết ý. Điểm hay của bảo vệ online là có thể ghi lại (record) phiên bảo vệ để nghe hoặc xem lại khi ghi biên bản sau này. Ngoài ra, trong dịp này, tôi cũng có trải nghiệm tham gia 1 phiên bảo vệ LATS mà thầy hướng dẫn ở nước ngoài, kết nối với HĐ thông qua hệ thống trực tuyến chuyên dụng. Với hệ thống này thì chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn khi trao đổi. Đây cũng là một kinh nghiệm thú vị, ở đó, các thành viên HĐ có thể nghe nhận xét và trao đổi trực tuyến với GVHD ở  một khoảng cách địa lý rất xa.

Trong thời điểm cao trào của dịch Covid-19, một số buổi họp bộ môn và họp khoa cũng phải được tiến hành online. Việc họp online nói chung là có chất lượng tốt hơn so với giảng dạy, vì quy mô nhỏ hơn, và các thầy/cô cũng đã quen sử dụng công cụ sau 1 HK triển khai giảng dạy tương tác. Ngoài ra, ở 2 học kỳ vừa qua, tôi cũng chủ động sử dụng phương pháp họp trực tuyến qua Google Meet để tổ chức họp lớp giữa GVCN với các SV trong lớp mà tôi chủ nhiệm. Việc họp tỏ ra thuận tiện, vì cả thầy và trò đểu có thể kết nối từ bất cứ nơi nào theo lịch họp đã định. Tuy nhiên, cũng có một vài vấn đề gặp phải, đó là: một vài SV kết nối nhưng không nghe và đi làm việc gì khác (việc này cũng gặp phải khi họp khoa), hoặc tham gia thiếu tích cực khiến chất lượng thảo luận thấp và việc hỏi đáp rất ít, không được như buổi họp trên thế giới thực. Ngoài ra, một số tiếng ồn hoặc trục trặc kỹ thuật cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng buổi họp.

Đến khoảng tháng 8, tôi lại có dịp  được trải nghiêm tham gia một khóa học In-Country Workshop tổ chức trực tuyến do ĐHBK Tp.HCM phối hợp với ĐH. Arizona (Mỹ) với chủ đề về "phát triển kỹ năng giảng dạy trực tuyến và xây dựng hệ sinh thái trực tuyến". Nội dung khóa workshop khá sát và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, so với các workshop truyền thống, thì workshop trực tuyến trên môi trường Zoom có vẻ khó tiếp thu hơn cho người tham dự, mặc dù chất lượng đường truyền và hệ thống kỹ thuật tương đối ổn. Cảm giác chung của tôi là có một khoảng cách "vô hình" giữa người dạy và người học khiến việc tương tác bị hạn chế và workshop không đạt được chất lượng như kỳ vọng. Trên thực tế, các giảng viên từ ĐH. Arizona đã sử dụng và chia sẻ khá nhiều kỹ thuật hỗ trợ cho việc học trực tuyến, như: Kahoot, case study, survey, sandbox trên e-learning, Q&A... , nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa cao. Có lẽ hiểu được hạn chế này, ban tổ chức đã sử dụng hệ thống trợ giảng (TA) tại chỗ để nâng cao hiệu quả buổi học, như: giải đáp một số thắc mắc và hướng dẫn hoạt động..., nhưng có vẻ các TA vẫn chưa hoàn thành tốt vai trò kết nối giữa giảng viên và người học. Hy vọng, ở những khóa học trực tuyến trong tương lai, ban tổ chức và đội ngũ TA sẽ làm tốt hơn vai trò của mình ở khâu kết nối này.

Đến tháng 11/2020, tôi lại có dịp trải nghiệm tham gia một Hội nghị quốc tế trực tuyến do Changwon National University (Hàn Quốc) tổ chức với vai trò là điều phối phiên thảo luận. Hội nghị được chuẩn bị khá chu đáo, với nhiều bài tham dự từ các nước, như: Hàn Quốc, Taiwan, Phillipine, Indonesia, Thailand, Vietnam... Các tác giả phải gửi ppt bài trình bày đến ban tổ chức từ ít nhất 1 tuần trước. Trước buổi Hội nghị chính thức, các diễn giả/ chair cũng phải kết nối và thử nghiệm hệ thống Zoom để xem có trục trặc gì hay không. Nhìn chung, là chất lượng kỹ thuật rất tốt. Tuy nhiên, các bài trình bày trực tuyến có cảm giác hơi thiếu hấp dẫn, và việc trao đổi, hỏi đáp còn khá ít và kém sinh động hơn so với một phiên Hội nghị trên thế giới thực. Dù sao, trải nghiệm tham gia Hội nghị quốc tế trực tuyến từ nhà cũng khá thú vị, giúp mình có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc điều phối các tương tác và hỏi đáp trên môi trường trực tuyến.

Ngoài ra, trong năm 2020, phương tiện trực tuyến cũng được tôi sử dụng để trao đổi với các sinh viên, học viên, đối tác nước ngoài qua các hoạt động, như: hướng dẫn luận văn, hướng dẫn thực tập tốt nghiệp, hướng dẫn (mentor) cho một nhóm khởi nghiệp ở Singapore, hướng dẫn cho 1 nhóm SV tham gia cuộc thi trực tuyến ERPSIM Friendly Global do SAP UCC tổ chức. Các cuộc thi, buổi trao đổi, và gặp mặt online này, dù có ít nhiều bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu do chưa quen, nhưng cũng đem lại nhiều kinh nghiệm thú vị cho các bên tham gia.

Tóm lại, cả năm 2020 đã mang đến cho tôi nhiều cơ hội trải nghiệm trực tuyến, với nhiều vị trí khác nhau: giảng viên, học viên, thành viên HĐ, GVCN, họp với đồng nghiệp, nhà tư vấn, nhà nghiên cứu... Đó là chưa kể đến những trải nghiệm ở vai trò người tiêu dùng khi mua sắm và thanh toán trực tuyến ở các website, ứng dụng thương mại điện tử. Cho dù ở vị trí nào, việc thành thạo công cụ là điều kiện cần thiết cho việc nâng cao hiệu quả trải nghiệm trực tuyến. Tuy nhiên, công cụ chỉ là điều kiện cần, chứ không phải là yếu tố then chốt cho sự thành công của một hoạt động trực tuyến. Điều quan trọng nhất đó là nội dung, kiến thức, và hoạt động tương tác giữa các bên tham gia mới quyết định chất lượng của các hoạt động và trải nghiệm trực tuyến trên thực tế. Ông bà ta thường nói "trong cái rủi có cái may", có lẽ cũng đúng. Chính trong hoàn cảnh rủi ro của dịch bệnh Covid-19, mà chúng ta mới có dịp trải nghiệm nhiều hoạt động trực tuyến đến vậy chỉ trong 1 năm ngắn ngủi. Đây là những kinh nghiệm quý giá, để chúng ta có một tầm nhìn về tổ chức, về môi trường sống trong kỷ nguyên số, một khái niệm mà trước giờ chúng ta vẫn đề cập đến một cách mơ hồ qua cụm từ "cách mạng công nghiệp 4". Hy vọng, những trải nghiệm này sẽ tạo cảm hứng cho chúng ta đẩy mạnh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số ở phạm vi tổ chức và cả quốc gia, để trong tương lai, chúng ta có thể thật sự gặt hái được những lợi ích to lớn mà Internet và cuộc cách mạng kỹ thuật số mang lại. 

Nhân dịp cuối năm, chuẩn bị bước sang năm mới, hy vọng những khó khăn, dịch bệnh, thiên tai, rủi ro của năm cũ cũng sẽ qua đi nhanh chóng. Chúc cho mọi người, mọi nhà cùng đón một năm mới 2021 an lành, thịnh vượng, thành công và hạnh phúc!

PQ. Trung

Friday, December 11, 2020

Ý nghĩa thời gian


 Ý nghĩa thời gian


Rồi anh trở thành một ông già
Trên thành phố này
Đi dưới những hàng cây
Năm xưa chúng ta qua đó

Em sẽ trở thành một bà già
Lưng còng tóc bạc da mồi sương
Lớp bụi thời gian sẽ phủ che tất cả
Chỉ còn ký ức trong bóng đêm nhạt nhoà

Dòng sông năm xưa lặng lẽ trôi
Mang theo những nụ hoa vàng
Tiếng cười em bay trong thinh không
Ngày ấy đã xa rồi

Chúng ta sẽ lặng lẽ từ biệt nhau
Lần cuối
Anh đi vào cõi vô cùng
Không có gì hối tiếc
Em sẽ về, khơi lại chút kỷ niệm
Tàn phai hoa gấm
Đừng khóc nhé! Em yêu!
Như một chút mặt trời trong nước
Một chút nắng mặt trời
Trên đại dương mênh mông…

Phạm Trường Linh

Saturday, December 5, 2020

LÀM THẾ NÀO ĐỂ HUN ĐÚC VÀ GÌN GIỮ ĐƯỢC CHÍ KHÍ ĐỘC LẬP VÀ TỰ DO

LÀM THẾ NÀO ĐỂ HUN ĐÚC VÀ GÌN GIỮ ĐƯỢC CHÍ KHÍ ĐỘC LẬP VÀ TỰ DO

(Đọc để tự nhủ, mỗi khi nghe ai nói "Nhân dân đừng lo, mọi việc để nhà nước lo cho")

Để bảo vệ độc lập cho đất nước trước hiểm họa ngoại bang, toàn thể quốc dân phải ý thức được tinh thần Độc lập và Tự do, trên dưới một lòng, coi vận mệnh Tổ quốc như vận mệnh của bản thân, đem hết tinh thần và trách nhiệm với tư cách là người Nhật Bản ra phục vụ.

Người Anh coi nước Anh là Tổ quốc thì người Nhật chúng ta cũng phải coi Nhật Bản là Tổ quốc. Đất đai của Tổ quốc là đất đai của mình, phải giữ gìn nó như giữ gìn nhà mình vậy, sẵn sàng dâng hiến tính mạng và tài sản. Như thế mới là đại nghĩa để báo đáp cho đất nước.

Đương nhiên, chính trị là công việc của chính phủ, nhân dân sống trong nền chính trị ấy. Nhưng chính phủ hay nhân dân, chẳng qua là sự phân chia vai trò, phân chia vị trí để mỗi bên gánh vác, chỉ khác nhau trong công việc mà thôi.

Không có đạo lý nào cho phép chúng ta với tư cách là con người lại khoanh tay ngồi nhìn, bỏ mặc hay phó thác cho chính phủ giải quyết vận mệnh đất nước trước nguy cơ trọng đại liên quan tới sự tồn vong của Tổ quốc.

Tên, họ của chúng ta là "người Nhật Bản". Chức trách của chúng ta là "chức trách của người Nhật Bản". Với tư cách đó, chúng ta mang trên mình bổn phận của quốc dân - quốc dân Nhật Bản. Hơn thế nữa, chúng ta đang được quyền tự do sinh sống, tự do hành động tại Nhật Bản. Vậy thì, đi đôi với quyền lợi đó, đương nhiên chúng ta phải có nghĩa vụ và trách nhiệm.

(Nguồn: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)

Tuesday, November 17, 2020

Khi thầy viết bảng


Khi thầy viết bảng


"Khi thầy viết bảng

Bụi phấn rơi rơi..."

Nhớ hoài bài hát

Thương thầy, thầy ơi!


Thầy trao tri thức

Mắt em sáng ngời

Từng dòng phấn trắng

Tình thầy không vơi


Dẫu đời đen bạc

Vẫn nhớ lời thầy

Giữ gìn đạo đức

Trí rèn thêm hay


Học là ngọn đuốc

Thầy đã chỉ đường

Trò xin gắng sức

Soi sáng quê hương


Thầy trò chung bước

Trên đường tương lai

Mong sao đất nước

Sáng bừng... một mai!


PQT - 11/2020




Tuesday, November 10, 2020

Mừng sinh nhật QLCN


Mừng sinh nhật QLCN

Ba mươi năm một chặng đường
Quản lý công nghiệp - tình thương thuở nào
Thầy trò gắn bó vui sao
Học hành, nghiên cứu, xiết bao ân tình

Ba mươi năm một hành trình
Đổi mới, mở cửa - nước mình vươn lên
Đắp xây tri thức dựng nền
Bách Khoa - Quản lý làm nên anh tài

Dựng xây thế hệ ngày mai
Cầu nối tri thức, mỗi ngày vươn xa
Bao nhiêu thế hệ đi qua
Nhớ về Quản lý, ngôi nhà thân thương

Hành trang: tri thức, tình thương
Để trò nhớ mãi, mái trường Bách Khoa
Nhân ngày sinh nhật của khoa
Chúc khoa vẫn mãi khúc ca tuổi hồng

Chúc nhiều hạnh phúc, thành công
Thầy trò Quản lý, một lòng sắt son
Bao nhiêu ước vọng vuông tròn
Sáng tạo, đổi mới, mãi còn tiến xa...

PQT - 11/2020

Thursday, November 5, 2020

KHÔNG CÓ GÌ ĐÁNG SỢ HƠN LÀ NGU DỐT

KHÔNG CÓ GÌ ĐÁNG SỢ HƠN LÀ NGU DỐT

(Trích: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)

Đoạn trên, đứng trên góc độ của người dân, tôi đă bàn luận về "quyền lợi" theo như sự suy nghĩ của tôi.

Thế nhưng đứng trên góc độ chính quyền để nhìn nhận, trường hợp dùng người thì phải thấy được sự khác nhau ở mỗi người, phải suy xét kỹ khi áp dụng luật pháp.

Người này được coi là nhân dân, người kia được coi là quan chức chính quyền, nhưng đứng ở vị trí nào cũng đều là người Nhật. Và người Nhật phân chia công việc lẫn nhau, lập ra chính phủ đại diện cho nhân dân. Nhân dân và chính phủ thỏa thuận với nhau để chính phủ soạn thảo, ban hành các đạo luật, nhân dân dựa trên các đạo luật đó làm ăn sinh sống.

Hiện nay, người dân của thời Minh Trị đă ký thoả ước với chính phủ tuân theo các luật pháp hiện hành. Quốc pháp đặt ra có thể không làm hài lòng tất cả mọi cá nhân, nhưng không vì thế mà chúng ta lại hành động tuỳ tiện, mà hăy kiên nhẫn trong việc sửa đổi nó. Nghĩa vụ của người dân là thực hiện thật đúng luật, tôn trọng và bảo vệ luật.

Nhưng thử nhìn lại xem, không ít người trong nhân dân dưới thời Minh Trị vô học, mù chữ, cái thiện cái ác không phân biệt nỗi, chỉ biết ăn xong rồi lại ngủ, "vô công rồi nghề". Không những thế, thường đă ngu dốt lại hay tham vọng, tìm mọi cách lừa đảo, luồn lách luật pháp, không cần hiểu ý nghĩa của luật pháp, không cần biết đến nghĩa vụ của bản thân, chỉ biết đẻ cho thật nhiều con nhưng lại không hề chăm sóc, dạy dỗ chúng.

Những kẻ ngu dốt đó không hề biết xấu hổ và con cái của họ khi lớn lên cũng chẳng có ích gì cho đất nước, trái lại chỉ là gánh nặng, nỗi khổ cho xã hội. Xã hội mà toàn là những con người như vậy thì có đem đạo lý ra giảng giải cũng vô ích, chỉ còn cách buộc phải làm là dùng sức mạnh để răn đe, để trấn áp những hành động bạo lực, hành vi quậy phá, phá rối mà thôi. Và đó cũng là lý do khiến cho các chính phủ chuyên chế, chính phủ độc tài được thể tồn tại trên thế giới.

Chính quyền Mạc phủ ở nước ta đã vậy, các chính quyền ở một số nước châu Á cũng có khác là bao.

Có thể nói, nền chính trị hà khắc không chỉ là tội do một bạo chúa hay những kẻ nắm quyền lực gây ra, mà còn là lỗi ở chính người dân chúng ta, do vô học do ngu dốt nên mới dẫn tới thảm họa cho chính mình.

Đâm thuê chém mướn, giết người cướp của, kéo bè kéo cánh tụ họp nổi loạn, chà đạp lên mọi pháp luật..., không một vụ việc nào trong số những hiện tượng trên đây lại được coi là hành động của con người có học cả. Vậy mà chúng đang là hình ảnh hiện thời của xã hội Minh Trị chúng ta. Trong xã hội toàn là "giặc dân" như thế này dẫu có vời tới Đức Phật hay Khổng Tử thì hai ngài có lẽ cũng đành phải bó tay. Để cai trị chắc phải dùng tới chế độ chính trị tàn bạo chuyên chế. Nhưng tôi tin rằng không người dân nào lại muốn được cai trị bằng chế độ chính trị hà khắc cả.

Ngay bây giờ chúng ta phải học, mài dũa tài năng và nhân cách, phải có thực lực để đứng vững trên địa vị và tư cách bình đẳng, để đấu tranh với những sai trái của chính quyền.

Đây cũng chính là mục đích của học vấn tôi muốn khuyên các bạn.

Tháng 11 năm Minh Trị thứ sáu (tức năm 1872)

Sunday, November 1, 2020

Gương nhi nữ


Gương nhi nữ

Kỷ niệm lễ Hai Bà Trưng - mùng 6 tháng 2

Sầu nào hơn người dân mất nước
Buồn nào hơn nguyện ước không tròn
Tàn đêm một bóng mõi mòn
Hãi hùng từng khắc, chẳng ngon giấc nồng

Hung tin đến rằng - chồng đã thác
Gươm thiêng nào rạch nát lòng ta?
Ngẩn ngơ suối lệ chan hòa
Nửa đêm khấn nguyện, thù nhà khắc ghi

Giận thay kẻ cuồng si bạo ác
Chị cùng em gánh vác, chung lòng
Một bên là nợ núi sông
Một bên tình nghĩa vợ chồng nặng mang

Giận thay kẻ lòng lang dạ thú
Nỡ hại người không rủ lòng thương
Muôn dân khổ sở trăm đường
Thù nhà nợ nước, vấn vương bên lòng

Chị: Trưng Trắc, quyết mong rửa hận
Cùng họ Tô một trận sống còn
Trước là bảo vệ nước non
Sau là giữ vẹn lòng son cùng chồng

Em: Trưng Nhị, gánh gồng chung sức
Quyết vùng lên, đánh thức kẻ mê
Tàn quân chúng kéo nhau về
Tả tơi manh giáp, ủ ê mặt sầu

Thôi hết mộng, gồm thâu báu vật
Bắt dân Nam mò ngọc, tìm voi
Chỉ thua một trận mà thôi
Thế là danh tiếng đành trôi theo dòng

Ba xuân chẳn, một lòng dựng nước
Chị cùng em, nguyện ước vuông tròn
Tô bồi xây đắp giang sơn
Cho người oan thác không hờn tủi riêng

Xuân năm ấy, hồn thiêng liệt nữ
Thề cùng nhau vẹn giữ tiết danh
Gương xưa truyền tụng sử xanh
Trên dòng sông Hát uy danh sáng ngời

Đôi liệt nữ, đời đời sống mãi
Đêm Mê Linh, khúc khải hoàn ca
Còn vang dội khắp gần xa
Người người ghi nhớ, hai bà nghìn năm

Vân Hà (TTHA)

Saturday, October 24, 2020

HỌC ĐỂ HIỂU "TRÁCH NHIỆM" CỦA BẢN THÂN

HỌC ĐỂ HIỂU "TRÁCH NHIỆM" CỦA BẢN THÂN

Như tôi đă nói ở trên kia, "độc lập và tự do" dựa trên đạo lý của Trời đă trở thành nguyên tắc trong từng người cũng như của cả quốc gia chúng ta. Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc này thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng không sợ, huống hồ chúng ta lại phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?

Giờ đây, chúng ta đă xác lập được tinh thần cơ bản: mọi người dân đều bình đẳng, vì thế chúng ta hăy yên tâm phát huy mọi khả năng sức lực và trí tuệ của mình.

Mỗi người đều có mỗi bổn phận, do đó phải tự vun đắp tài năng, rèn luyện nhân cách sao cho xứng đáng với bổn phận đó. Để làm được điều này, ai ai cũng phải học chữ, học ngôn ngữ. Có chữ, biết ngôn ngữ sẽ lư giải được mọi đạo lý của sự vật.

Nói đến đây chắc các bạn sẽ hiểu giúp tôi rằng: Học vấn là vấn đề cấp bách biết nhường nào.

Hiện nay, tầng lớp thường dân cũng đă sánh vai ngang hàng với tầng lớp Võ sĩ (samurai), cho nên con đường được lựa chọn vào các chức vụ trong chính quyền cũng mở ra cho chúng ta nếu chúng ta có tài.

Chúng ta phải tự giác trước bổn phận của bản thân, không chạy theo những hành động rồ dại, phải cẩn trọng.

Tôi chắc rằng không ai đáng thương hại hơn là những người vô tri thức, những người không hiểu lẽ phải, và cũng không ai khó giao tiếp hơn những người ấy. Vì không có tri thức, không có năng lực tự thức tỉnh nên họ căm ghét oán giận những người giàu có chính đáng, đôi khi họ tập hợp thành bầu đoàn đi đánh cướp.

Bản thân họ được pháp luật bảo vệ, nhưng hễ cứ cảm thấy bất lợi cho mình thì họ lại thản nhiên vi phạm, ngang nhiên phá luật.

Lại không có ít người, có được chút ít tài sản, tiền bạc thì chỉ lo tích trữ, cất giấu, không bao giờ suy nghĩ đầu tư cho con cháu học hành. Vì thế con cháu họ chỉ biết ăn chơi, lêu lổng, dốt nát và cứ thế tiêu pha tàn phá tài sản của ông cha mình.

Đối với nhũng người như vậy, không thể mang đạo lý ra để giảng giải mà chỉ có cách là dùng uy lực đe doạ chứ không có cách nào khác. Ám chỉ điều này, người phương Tây có câu tục ngữ: "Dân ngu tự chuốc lấy chính sách bạo tàn." Người dân tử tế nghiêm túc thì chính phủ cũng buộc phải tử tế nghiêm túc.

Nước Nhật chúng ta có dân, trên dân có chính phủ. Phẩm cách của dân rơi vào vòng ngu tối, vô học thức, luật pháp của chính phủ cũng trở nên hà khắc. Nhưng nếu quốc dân có chí học hành, tiếp thu văn minh thì không có cách nào khác, chính phủ cũng sẽ quảng đại, nhân đạo.

Luật nước hà khắc hay quảng đại hoàn toàn tuỳ thuộc vào thái độ, phẩm cách của quốc dân.

Có người dân nào lại mong muốn một chế độ chính trị tàn bạo?

Có người dân nào lại mong muốn cho đất nước kém phát triển?

Có người dân nào lại mong cho nước mình bị ngoại bang khinh miệt?

Không và không thể có. Đó chính là tình con người trong mỗi chúng ta.

Nếu như ai ai cũng một lòng một dạ báo đáp cho Tổ quốc, nơi mình sinh thành thì chúng ta không bao giờ phải lo nghĩ hay bất an đến tương lai, đến tiền đồ của Nhật Bản. Mục đích của chúng ta chỉ có một: giữ gìn hoà b́ình cho đất nước.

Do vậy, điều quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác là mỗi người chúng ta ai ai cũng phải học hành, mở mang kiến thức, mài giũa tài năng, nhân cách sao cho xứng đáng với bổn phận của mình.

Ngược lại, chính phủ phải có trách nhiệm soạn thảo và thông báo đến mọi người dân những chính sách dễ hiểu. Mục tiêu duy nhất cho chính phủ là phải mang lại cuộc sống ấm no yên ổn cho dân.

Những lời về học vấn mà tôi khuyên nhủ các bạn cũng chỉ nhằm tới điều này.

Nhân dịp khai trương "Keio Nghĩa thục" tại quê tôi, huyện Nakatsu tỉnh Oita, tôi chấp bút viết chương này đưa cho bạn bè, đồng hương xem. Nhiều bạn hữu, sau khi đọc xong, nói với tôi rằng: Bài này không chỉ cho bạn bè, đồng hương mà nên gởi tới bạn đọc gần xa nữa, như vậy sẽ có hiệu quả hơn, nên tôi đã cho in thành nhiều bản để các bạn cùng đọc.

Tháng 2 năm Minh Trị thứ năm (tức năm 1871)
(Nguồn: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)

Wednesday, October 14, 2020

Em hãy im lặng

 


Em hãy im lặng

Năm xửa năm xưa, gần mấy mươi triệu năm về trước, trái đất còn chưa có loài người, chỉ có cầm thú sinh sống bên nhau hài hòa, dễ thương. Lúc ấy, trái đất còn nguyên vẹn sự tinh khôi, không bị ô nhiễm một chút nào cho nên cỏ rất ngọt, lá rất ngon. Các loài thú này ưa ăn cỏ, ăn rong rêu, ăn lá non ở các bụi cây.

Do bao nhiêu trận động đất dữ dội, do núi lửa bùng nổ liên miên và do sự va chạm của những tảng đá trời khổng lồ nên trái đất như một cơ thể non nớt của một em bé đang lớn lên để trưởng thành. Bởi vậy, trái đất chưa có nhiều cây cối to lớn mà chỉ toàn là cỏ non, hoa dại, rong rêu và bụi nhỏ. Thế mà, không hiểu vì sao lại có một cây sồi thật to lớn, che rộng mấy mươi mẫu đất. Hồi đó, vòm khí quyển vừa mới hình thành cho nên trái đất còn lạnh lắm, nhất là vào lúc ban đêm. Cái lạnh băng giá tê buốt thấu xương! Các loài thú vật thường nương náu, sinh sống bên nhau cho ấm áp ở dưới gốc cây cổ thụ này. Con nai nằm ngủ một bên con cọp. Con thỏ ngủ trên vai con chó sói. Con chim đậu trên thân hình con rắn. Nghĩa là tất cả mọi loài thú vật sống chung hoà hợp bên nhau như anh em ruột thịt.

Cạnh bên cây sồi vĩ đại lại có một tảng đá cổ, chỉ lớn bằng con sư tử nhưng hình thù kỳ lạ, dung mạo khả ái, đoan nghiêm. Không ai biết rõ tảng đá này có mặt từ lúc nào? Có thể nó ngồi dưới gốc cây cổ thụ này không biết bao nhiêu triệu năm rồi. Có thể tuổi đá cũng là tuổi của trái đất. Mỗi buổi sáng tinh sương, tảng đá thường phát ra ba âm thanh kỳ diệu. Đó là “hãy im lặng”, “hãy bình tĩnh”, “hãy bên nhau”. Âm thanh vang dội đầm ấm và thiêng liêng đến mức nào! Mỗi lúc như thế, các loài thú thức dậy lắng lòng để nghe tiếng đá. Chẳng ai bảo ai, tất cả loài thú ngồi yên vừa theo dõi hơi thở, vừa nhìn mặt trời lên, vừa nghe tiếng đá thì thầm. Ngày nào cũng như ngày nào, chúng thức dậy đúng lúc âm thanh kỳ diệu ấy vang lên. Nhờ thế, tâm hồn loài thú trở nên hiền lành và hồn nhiên như tuổi thơ.

Sau khi ông mặt trời vừa ló ra khỏi dãy núi, bọn thú cùng nhau đi tìm thức ăn ở các ngọn đồi xa xa, ở nơi các con sông và nơi các bến nước. Thỉnh thoảng dừng lại, chúng vui chơi, đùa giỡn, đuổi bắt với nhau một cách thích thú, hồn nhiên, vô tư như các em thiếu nhi bây giờ. Con sư tử đuổi theo con nai. Con thỏ ngồi trên lưng con cọp. Con sóc đu nơi hai chân của con chim đại bàng để bay lên cao. Bọn thú chơi đùa với nhau thật vui vẻ và hạnh phúc. Tiếng cười, tiếng nói vang lên đến tận trời xanh. Chúng yêu thương nhau, bảo hộ cho nhau, ăn chung, ngủ chung thật là dễ thương.

Một hôm, con nai ham chơi, chạy nhanh quá nên bị trượt chân chảy máu, vì vậy nó phải cà nhắc cà thọt đi tìm một nơi yên tĩnh để trị thương.

Các bạn khác vẫn còn tiếp tục chơi các trò chơi hấp dẫn. Chỉ có con cọp cảm thấy bất an trong lòng. Lần đầu tiên, cọp ngửi được mùi tanh của máu, và cơ thể của nó chuyển biến, rung động dữ dội, có một sự thèm khát mãnh liệt đang xảy ra trong lòng. Tự nhiên, nó muốn vồ lấy con nai đang bị thương. May quá, nó dừng lại được cái ý tưởng ấy. Con nai là bạn thân của nó mà. Con cọp không thể nào hiểu nổi cái cảm giác quái lạ này. Con cọp đang đau khổ bởi sự thèm khát mạnh mẽ này, do đó nó tìm một nơi yên tĩnh để ôm ấp để chở che. Nó đi đến bên bờ hồ vừa ngồi xuống vừa thở để xét lại lòng mình. Hơi thở tuy có phần hổn hển nhưng cũng đủ làm cho nó bình an trở lại. Nó nhớ tới những ngày anh em sống bên nhau, chơi đùa với nhau, ngủ chung dưới gốc cây, thương yêu nhau như thể tay chân. Nó sực hiểu ra rằng tại sao tảng đá thường phát ra ba âm kỳ diệu là “hãy im lặng”, “hãy bình tĩnh”, “hãy bên nhau”. Hãy bình tĩnh! Đúng rồi. Hãy bên nhau bởi vì nó thương con nai lắm. Tuy hiểu như thế, nhưng sự thèm thuồng này sao mà mạnh quá! Con cọp tiếp tục ngồi yên theo hơi thở để làm lắng xuống cảm xúc thèm thuồng này. Cọp đâu có ngờ rằng tâm trạng của báo, hổ, gấu, rắn cũng như thế. Các bạn hình như cũng đang ngồi im lặng, bình tĩnh mà ôm ấp cảm xúc như con cọp.

Lần đầu tiên ngửi được mùi máu, các loài thú này đều cảm thấy nong nóng trong cơ thể, có một sự chuyển động âm thầm trong xương thịt. Bọn thú răng nhọn này bắt đầu cảm thấy ngờ ngợ mỗi khi tới gần nhau, có một chút gì bất an, sợ hãi, lo âu trong lòng đối với các con thú khác. Đặc biệt, chúng cảm thấy có một sự thèm khát đang sôi sục trong thân thể cho nên nước miếng cứ tuôn trào ra.

Cũng vậy, các con thú nhỏ bé hiền lành cảm thấy sờ sợ các bạn to lớn hơn. Không biết tại sao cái nhìn của anh cọp sao hung dữ quá. Cái nhìn của chó sói sao mà đáng nghi quá. Do vậy, các con thú bé nhỏ, hiền lành này bắt đầu lánh xa các bạn to lớn kia.

Một hôm, tụi nai, sóc, thỏ tìm thấy một con cá bị ai ăn hết thịt chỉ còn bộ xương sườn. Chúng cảm thấy tội nghiệp cho con cá! Lá non trên các bụi cây cũng thiếu người hái ăn. Bãi cỏ non chẳng còn ai vui chơi như ngày trước nữa. Cái hồ mát mẻ bên kia đồi cũng ít người bơi lội hoặc qua lại. Không khí quanh đây có vẻ không được an ổn lắm.

Từ đó, chúng bắt đầu lánh xa, không còn trở về ở bên cội cây cổ thụ nữa. Các con thú dữ khác như cọp, beo, gấu, chó sói bắt đầu rình bắt các con thú bé nhỏ, hiền lành. Họ bị cơn thèm khát chinh phục và quên đi tình bạn bè, nghĩa anh em. Họ nghe theo tiếng gọi của bản năng, tập khí của chủng loại để rình bắt các bạn hiền lành, yếu đuối đã một thời sống bên nhau dưới gốc cây cổ thụ.

Cây sồi vẫn còn đó đang dang rộng tàng cây che chở cho muôn thú. Tảng đá cổ vẫn đứng yên bất động và mỗi buổi sáng vẫn thường phát ra ba âm thanh vi diệu, nhưng các con thú kia không còn có khả năng để lắng nghe các âm thanh ấy nữa. Một bên sợ hãi cố xa lánh, một bên thèm thuồng rình rập đã chi phối hết tâm hồn của họ.Từ đây, trái đất xinh đẹp này không còn nghe tiếng cười đùa, vui chơi của các loài thú nữa, thay bằng những tiếng kêu la, than khóc của sự tàn nhẫn bởi lòng tham lam.

Bài học: Loài người ngày nay cần trở về với thiên nhiên, để thấy mình và muôn loài là cùng một bản thể, để có thể lắng nghe tiếng của đá “hãy im lặng, hãy bình tĩnh, hãy bên nhau”. Phật đã dạy, trong vạn kiếp luân hồi, chúng ta đã từng là anh em, cha mẹ, bằng hữu với muôn loại chúng sinh. Vì vậy cần biết yêu thương, ngừng giết hại, tàn phá môi sinh, và hãy học lại bài học “cùng chung sống”.


(Nguồn: Những mẫu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3)

Sunday, October 4, 2020

TỰ THẮNG MÌNH

 


TỰ THẮNG MÌNH

 

Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng.

Tự thắng, tốt đẹp hơn,
Hơn chiến thắng người khác.
Người khéo điều phục mình,
Thường sống tự chế ngự.

Chiến thắng bản thân mình
Là chiến công đẹp nhất!

(Nguồn: Thơ Phật cho trẻ em - Đức Kiên)