Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Tuesday, December 22, 2020

Năm 2020 - một năm "trải nghiệm trực tuyến" đáng nhớ


Năm 2020 - một năm "trải nghiệm trực tuyến" đáng nhớ

Cuối năm, là khoảng thời gian để mỗi người cùng ngẫm nghĩ về một năm đã qua và lên kế hoạch cho một năm sắp tới. Năm 2020 sắp khép lại là một năm gắn liền với đại dịch Covid-19, làm ảnh hưởng tới mọi người, mọi quốc gia. Nói chung, trong năm qua, mọi tổ chức thuộc mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực đều bị xáo trộn và ảnh hưởng ở mức độ nhiều hoặc ít khác nhau. Khi nhìn lại năm vừa qua, một cụm từ hiện ngay lên trong đầu tôi, đó là cụm từ "trải nghiệm trực tuyến". Có thể nói, do ảnh hưởng của virus Corona trên phạm vi toàn cầu, các chính sách giãn cách xã hội của nhiều nước, và các quy định hạn chế tiếp xúc giữa người với người do Covid-19, mà trong năm 2020, rất nhiều hoạt động trên thế giới thực đã buộc phải chuyển qua thế giới ảo, môi trường trực tuyến và không gian mạng Internet. Điều này mang lại cho nhiều người những trải nghiệm trực tuyến vừa bỡ ngỡ, lúng túng và cũng vừa thú vị. Xin chia sẻ lại một số trải nghiệm trực tuyến của tôi trong năm vừa qua như là những ký ức thú vị về một năm dịch bệnh và cũng nhiều biến động.

Đầu tiên, là kinh nghiệm giảng dạy livestream bằng video tương tác qua Youtube, phối hợp với Google Meet theo quy định của trường trong HK2 năm 2019-2020. Ngay sau tết Canh Tý, các trường đồng loạt cho HS-SV nghỉ học từ 1-3 tháng, và một số trường đã triển khai giảng dạy trực tuyến một phần hay toàn phần. Một số trường từ tiểu học đến đại học cũng đã áp dụng hình thức giảng dạy trực tuyến để tránh việc mất bài của học sinh do nghỉ học kéo dài. Trong xu thế đó, ĐHBK Tp.HCM cũng không phải ngoại lệ. Ban đầu, giảng dạy online chỉ giới hạn ở việc upload bài giảng và các video quay sẳn lên hệ thống e-learning của trường cho SV tự học. Nhưng sau đó, trường đã ra quy định yêu cầu tất cả các môn phải triển khai thêm phương thức giảng dạy livestream qua Youtube và tương tác qua Google Meet. Việc triển khai này ban đầu cũng gặp phải một số khó khắn, lúng túng trong việc triển khai, do việc yêu cầu các thầy/cô phải đến studio của trường thay vì thực hiện từ nhà, cộng với việc thiếu truyền thông và đào tạo một cách đầy đủ. Nhưng sau một thời gian, thì mọi việc cũng đâu vào đấy, các thầy/cô và SV cũng dần thích nghi với hình thức giảng dạy và học tập trực tuyến. Đối với tôi, việc triển khai các yêu cầu này không có gì khó khăn lắm vì đúng chuyên môn của mình là lĩnh vực MIS. Tuy nhiên, qua trải nghiệm giảng dạy trực tuyến của mình, tôi cũng nhận thấy một số hạn chế của phương pháp giảng dạy online như: mức độ tập trung và gắn kết của SV chưa cao (những tuần đầu có sự hào hứng thì số lượt xem và làm BT online tốt, nhưng giảm dần ở các tuần sau), mức độ tương tác thấp (số câu hỏi trong các buổi tương tác thường ít và chất lượng câu hỏi thấp do người học không chuẩn bị trước), sự sẳn sàng của người học thấp, khó triển khai các phần thực hành và làm việc nhóm...

Cũng trong HK này, tôi cũng đã tham gia một số phiên bảo vệ đề cương, LVTN trực tuyến qua Google Meet. Nhìn chung, cũng không khác mấy so với phiên bảo vệ truyền thống, nhưng bảo vệ trực tuyến đòi hỏi các thành viên HĐ và SV bảo vệ cũng cần làm quen với các công cụ và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng gặp phải một số trục trặc về kỹ thuật, như: âm thanh không rõ, bị tiếng vang, một vài thành viên bị rớt mạng, chia sẻ màn hình cũng chưa tốt do người dùng chưa quen... Việc hỏi đáp cũng tương đối ổn, mặc dù có đôi chỗ âm thanh bị trễ và có cảm giác người nói không diễn tả được hết ý. Điểm hay của bảo vệ online là có thể ghi lại (record) phiên bảo vệ để nghe hoặc xem lại khi ghi biên bản sau này. Ngoài ra, trong dịp này, tôi cũng có trải nghiệm tham gia 1 phiên bảo vệ LATS mà thầy hướng dẫn ở nước ngoài, kết nối với HĐ thông qua hệ thống trực tuyến chuyên dụng. Với hệ thống này thì chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn khi trao đổi. Đây cũng là một kinh nghiệm thú vị, ở đó, các thành viên HĐ có thể nghe nhận xét và trao đổi trực tuyến với GVHD ở  một khoảng cách địa lý rất xa.

Trong thời điểm cao trào của dịch Covid-19, một số buổi họp bộ môn và họp khoa cũng phải được tiến hành online. Việc họp online nói chung là có chất lượng tốt hơn so với giảng dạy, vì quy mô nhỏ hơn, và các thầy/cô cũng đã quen sử dụng công cụ sau 1 HK triển khai giảng dạy tương tác. Ngoài ra, ở 2 học kỳ vừa qua, tôi cũng chủ động sử dụng phương pháp họp trực tuyến qua Google Meet để tổ chức họp lớp giữa GVCN với các SV trong lớp mà tôi chủ nhiệm. Việc họp tỏ ra thuận tiện, vì cả thầy và trò đểu có thể kết nối từ bất cứ nơi nào theo lịch họp đã định. Tuy nhiên, cũng có một vài vấn đề gặp phải, đó là: một vài SV kết nối nhưng không nghe và đi làm việc gì khác (việc này cũng gặp phải khi họp khoa), hoặc tham gia thiếu tích cực khiến chất lượng thảo luận thấp và việc hỏi đáp rất ít, không được như buổi họp trên thế giới thực. Ngoài ra, một số tiếng ồn hoặc trục trặc kỹ thuật cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng buổi họp.

Đến khoảng tháng 8, tôi lại có dịp  được trải nghiêm tham gia một khóa học In-Country Workshop tổ chức trực tuyến do ĐHBK Tp.HCM phối hợp với ĐH. Arizona (Mỹ) với chủ đề về "phát triển kỹ năng giảng dạy trực tuyến và xây dựng hệ sinh thái trực tuyến". Nội dung khóa workshop khá sát và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, so với các workshop truyền thống, thì workshop trực tuyến trên môi trường Zoom có vẻ khó tiếp thu hơn cho người tham dự, mặc dù chất lượng đường truyền và hệ thống kỹ thuật tương đối ổn. Cảm giác chung của tôi là có một khoảng cách "vô hình" giữa người dạy và người học khiến việc tương tác bị hạn chế và workshop không đạt được chất lượng như kỳ vọng. Trên thực tế, các giảng viên từ ĐH. Arizona đã sử dụng và chia sẻ khá nhiều kỹ thuật hỗ trợ cho việc học trực tuyến, như: Kahoot, case study, survey, sandbox trên e-learning, Q&A... , nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa cao. Có lẽ hiểu được hạn chế này, ban tổ chức đã sử dụng hệ thống trợ giảng (TA) tại chỗ để nâng cao hiệu quả buổi học, như: giải đáp một số thắc mắc và hướng dẫn hoạt động..., nhưng có vẻ các TA vẫn chưa hoàn thành tốt vai trò kết nối giữa giảng viên và người học. Hy vọng, ở những khóa học trực tuyến trong tương lai, ban tổ chức và đội ngũ TA sẽ làm tốt hơn vai trò của mình ở khâu kết nối này.

Đến tháng 11/2020, tôi lại có dịp trải nghiệm tham gia một Hội nghị quốc tế trực tuyến do Changwon National University (Hàn Quốc) tổ chức với vai trò là điều phối phiên thảo luận. Hội nghị được chuẩn bị khá chu đáo, với nhiều bài tham dự từ các nước, như: Hàn Quốc, Taiwan, Phillipine, Indonesia, Thailand, Vietnam... Các tác giả phải gửi ppt bài trình bày đến ban tổ chức từ ít nhất 1 tuần trước. Trước buổi Hội nghị chính thức, các diễn giả/ chair cũng phải kết nối và thử nghiệm hệ thống Zoom để xem có trục trặc gì hay không. Nhìn chung, là chất lượng kỹ thuật rất tốt. Tuy nhiên, các bài trình bày trực tuyến có cảm giác hơi thiếu hấp dẫn, và việc trao đổi, hỏi đáp còn khá ít và kém sinh động hơn so với một phiên Hội nghị trên thế giới thực. Dù sao, trải nghiệm tham gia Hội nghị quốc tế trực tuyến từ nhà cũng khá thú vị, giúp mình có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc điều phối các tương tác và hỏi đáp trên môi trường trực tuyến.

Ngoài ra, trong năm 2020, phương tiện trực tuyến cũng được tôi sử dụng để trao đổi với các sinh viên, học viên, đối tác nước ngoài qua các hoạt động, như: hướng dẫn luận văn, hướng dẫn thực tập tốt nghiệp, hướng dẫn (mentor) cho một nhóm khởi nghiệp ở Singapore, hướng dẫn cho 1 nhóm SV tham gia cuộc thi trực tuyến ERPSIM Friendly Global do SAP UCC tổ chức. Các cuộc thi, buổi trao đổi, và gặp mặt online này, dù có ít nhiều bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu do chưa quen, nhưng cũng đem lại nhiều kinh nghiệm thú vị cho các bên tham gia.

Tóm lại, cả năm 2020 đã mang đến cho tôi nhiều cơ hội trải nghiệm trực tuyến, với nhiều vị trí khác nhau: giảng viên, học viên, thành viên HĐ, GVCN, họp với đồng nghiệp, nhà tư vấn, nhà nghiên cứu... Đó là chưa kể đến những trải nghiệm ở vai trò người tiêu dùng khi mua sắm và thanh toán trực tuyến ở các website, ứng dụng thương mại điện tử. Cho dù ở vị trí nào, việc thành thạo công cụ là điều kiện cần thiết cho việc nâng cao hiệu quả trải nghiệm trực tuyến. Tuy nhiên, công cụ chỉ là điều kiện cần, chứ không phải là yếu tố then chốt cho sự thành công của một hoạt động trực tuyến. Điều quan trọng nhất đó là nội dung, kiến thức, và hoạt động tương tác giữa các bên tham gia mới quyết định chất lượng của các hoạt động và trải nghiệm trực tuyến trên thực tế. Ông bà ta thường nói "trong cái rủi có cái may", có lẽ cũng đúng. Chính trong hoàn cảnh rủi ro của dịch bệnh Covid-19, mà chúng ta mới có dịp trải nghiệm nhiều hoạt động trực tuyến đến vậy chỉ trong 1 năm ngắn ngủi. Đây là những kinh nghiệm quý giá, để chúng ta có một tầm nhìn về tổ chức, về môi trường sống trong kỷ nguyên số, một khái niệm mà trước giờ chúng ta vẫn đề cập đến một cách mơ hồ qua cụm từ "cách mạng công nghiệp 4". Hy vọng, những trải nghiệm này sẽ tạo cảm hứng cho chúng ta đẩy mạnh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số ở phạm vi tổ chức và cả quốc gia, để trong tương lai, chúng ta có thể thật sự gặt hái được những lợi ích to lớn mà Internet và cuộc cách mạng kỹ thuật số mang lại. 

Nhân dịp cuối năm, chuẩn bị bước sang năm mới, hy vọng những khó khăn, dịch bệnh, thiên tai, rủi ro của năm cũ cũng sẽ qua đi nhanh chóng. Chúc cho mọi người, mọi nhà cùng đón một năm mới 2021 an lành, thịnh vượng, thành công và hạnh phúc!

PQ. Trung

No comments:

Post a Comment