Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Monday, October 9, 2017

Chuyện con chó



 



Chuyện con chó

Thuở xưa, khi vua Brahamadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát do duyên hành động lợi ích cho bà con như vậy, được sanh làm con chó đầu đàn rất thông minh, sống trong một nghĩa địa lớn với đàn chó hàng trăm con vây quanh.
Một hôm, vua ngự lên xe được trang hoàng đẹp đẽ, được kéo bởi những con ngựa Sindh giống quý, đi đến khu vườn, trọn ngày vui chơi tại đấy, và khi mặt trời lặn, vua mới trở về thành. Yên cương của xe vẫn mắc vào xe, và quân hầu để xe trong sân hoàng cung trọn đêm. Ban đêm, trời mưa, yên cương bị ướt. Các con chó nhà vua thuộc nòi giống tốt, từ trên lầu đi xuống, nhai ăn da và dây cương chiếc xe ấy. Hôm sau, họ báo cáo với vua:
- Thưa Thiên tử, từ những miệng cống chui vào, các con chó đã nhai ăn da và dây cương chiếc xe.
Vua nổi giận, ra lệnh giết tất cả chó mà họ thấy được. Từ đấy trở đi, khởi lên tai nạn lớn cho loài chó. Chúng chạy trốn vào nghĩa địa và đến bên cạnh Bồ-tát. Bồ-tát hỏi:
- Các con tụ họp đông ở đây vì duyên cớ gì?
Chúng đáp:
- Trong nội thành, da và dây cương của chiếc xe vua bị chó nhai ăn. Vua tức giận ra lệnh tàn sát chúng con. Nhiều anh em con bị giết hại. Cuộc khủng bố lớn đã khởi lên.
Bồ-tát suy nghĩ: "Tại một chỗ được bảo vệ như vậy, các con chó ở ngoài không có cơ hội để vào. Ðây là việc làm của đàn chó giống tốt trong nội cung. Nay những con có tội không gặp việc gì, còn những con vô tội lại bị giết. Ta hãy cho vua thấy những con chó có tội kia và cứu mạng sống cho bà con vô tội của ta.
Bồ-tát an ủi:
- Các con chớ sợ, ta sẽ làm cho các con hết sợ hãi. Hãy chờ ở đây cho đến khi ta yết kiến nhà vua.
Rồi ngài hướng tâm đến các Ba-la-mật, đặt hạnh từ bi lên hàng đầu, ngài nguyện: "Không một ai dám quăng đá hay gậy để hại ta". Rồi Bồ-tát một mình đi vào thành.
Sau khi ra lệnh sát hại các con chó, vua ngồi một mình trong pháp đình. Bồ-tát đi đến đây, nhảy thẳng đến dưới chỗ ngồi của vua. Các người hầu cận của vua cố gắng hết sức đuổi ra, nhưng vua ngăn lại. Bồ-tát nghỉ một lát, từ dưới ghế đi ra, đảnh lễ vua rồi hỏi:
- Có phải Ðại vương sai giết hại các loài chó?
- Phải, chính ta.
- Lỗi của chúng là gì, thưa bậc nhơn chủ?
- Chúng nhai ăn đồ da phụ tùng và dây cương ở xe của ta!
- Ngài có biết những con nào đã ăn đồ da không?
- Ta không biết.
- Không biết những con chó nào đã ăn đồ da, lại ra lệnh giết, như vậy không phải lẽ, thưa Ðại Vương.
- Vì các con chó đã ăn đồ da ở xe ta, nên ta ra lệnh tàn sát tất cả con chó thấy được.
- Các người của ngài giết tất cả chó hay có tha chết một số chó?
- Những con chó nòi giống tốt trong cung của ta được khỏi chết!
- Tâu Ðại vương, vừa rồi ngài nói ra lệnh giết tất cả con chó mà họ thấy được vì chúng đã ăn đồ da ở xe của ngài. Nhưng nay ngài lại nói những con chó giống tốt trong cung của ngài được khỏi chết! Sự việc là vậy, ngài đã thực hành theo bốn sở hành vô lý: thiên vị, ghét bỏ, ngu si và sợ hãi. Hành động vô lý như vậy là không chính đáng, không phải là phép vua. Vì vua, trong khi xử kiện, cần phải giống như cán cân. Nay các con chó nòi giống tốt được khỏi chết, còn các con chó yếu đuối lại bị giết. Sự việc như vậy, thì đây không phải sự giết hại không thiên vị tất cả loài chó mà chỉ là sự giết hại các loài chó yếu đuối thôi!
Nói xong, bậc Ðại Sĩ, với âm thanh dịu ngọt bảo vua:
- Tâu Ðại vương, sở hành của ngài không phải là công lý.
Rồi thuyết pháp cho vua, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Những con chó lớn lên
Trong cung điện nhà vua,
Thuộc loài nòi giống tốt,
Có dung sắc, sức mạnh,
Chúng khỏi bị giết hại.
Chỉ chúng tôi bị giết.
Ðây không giết tất cả;
Chỉ giết kẻ yếu hèn.
Nghe Bồ-tát nói, vua bèn hỏi:
- Này chó hiền trí, ngươi có biết ai đã ăn da ở xe ta không?
- Vâng, tôi có biết
- Ai đã ăn?
- Chính những con chó nòi giống tốt trong cung của ngài!
- Làm thế nào biết được chúng đã ăn?
- Tôi sẽ nêu rõ chính chúng đã ăn.
- Này chó hiền trí, hãy nói rõ đi.
- Hãy cho gọi các con chó nòi giống tốt trong cung của ngài, cho đem một ít nước sữa và cỏ dabba đến đây.
Vua làm theo lời yêu cầu. Rồi bậc Ðại Sĩ nói:
- Hãy cho nghiền nát cỏ này trong nước sữa và cho những con chó ấy uống.
Vua làm theo như vậy. Khi đang uống, các con chó liền nôn ra những miếng da.
- Ôi! Thật giống như đức Phật toàn tri xử kiện!
Vua reo mừng, liền tỏ lòng tôn kính Bồ-tát bằng cách dâng cúng cái lọng trắng. Nhưng Bồ-tát thuyết pháp cho vua với mười câu kệ về pháp hành, mở đầu với câu:
- Hãy hành Chánh pháp! Thưa bậc Ðại vương thuộc dòng Sát-đế-lỵ, từ nay trở đi, Ðại vương chớ phóng dật!
Sau khi khuyên nhà vua giữ Năm giới, Bồ-tát trả lại vua cái lọng trắng.
Nghe lời bậc Ðại Sĩ thuyết pháp, vua tha chết cho mọi loài chúng sanh, rồi ra lệnh cung cấp cho tất cả loài chó, bắt đầu từ Bồ-tát, cơm ăn thường xuyên giống như thức ăn của vua. Tuân theo lời Bồ-tát khuyến giáo cho đến trọn đời, vua làm các phước đức như bố thí, giữ giới v.v..., vì vậy sau khi mạng chung, vua sanh lên cõi trời. Lời "Khuyến giáo của con Chó" tồn tại đến mười ngàn năm. Còn Bồ-tát sống đến hết thọ mạng, rồi đi theo nghiệp của mình.
Thời ấy, nhà vua là Ànanda, hội chúng của đức Phật là bầy chó hiền lành, còn con chó hiền trí là Như Lai vậy.

Bài học: Là người lãnh đạo cần giữ được đạo công bằng, bởi một quyết định của người lãnh đạo sẽ gây ảnh hưởng tốt/ xấu lên rất nhiều người. Trong câu chuyện trên, nhà vua đã không công bằng khi ra lệnh sát hại tất cả những con chó trong thành vì nghi chúng ăn da ở xe của vua, nhưng lại không đụng đến những con chó quý tộc. Nhờ tài trí của Bồ tát, mà nhà vua đã tìm ra thủ phạm chính là những con chó quý tộc, và trả lại công bằng cho các con chó trong thành. Sau khi nghe theo lời con chó Bồ tát, nhà vua đã làm nhiều việc tốt, nhờ đó mà tăng trưởng phước đức và mang lại nhiều lợi lạc cho bản thân và thần dân trăm họ. Vì vậy, việc tu dưỡng đạo đức, và làm nhiều việc lành nên là bài học cho mọi nhà lãnh đạo trên thế giới.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3)

Thursday, October 5, 2017

Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3



LỜI NÓI ĐẦU

Sau khi xuất bản tập 1 và 2 « Những mu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi », tác giả đã nhận được nhiều phản hồi, góp ý tích cực và khuyến khích tiếp tục mở rộng các câu chuyện Phật giáo hướng tới các đối tượng thanh thiếu niên, những đối tượng rất quan trọng trong việc truyền bá Phật pháp. Nhận thấy, tác dụng tích cực của những mẫu chuyện này không những đối với các em ở lứa tuổi mầm non, thiếu nhimà còn có tác dụng tích cực đối với các vị phụ huynh trong công tác giáo dục con trẻ, tác giả đã mạnh dạn tiếp tục sưu tầm và hoàn thiện tập 3, với mong muốn bổ túc những câu chuyện hay còn thiếu ở các tập trước, đề cập nhiều hơn đến các chuyện tiền thân của Đức Phật, việc học, hiểu và ứng dụng Phật pháp ở tuổi thanh thiếu niên, cũng như các bài học ứng dụng gắn liền với cuộc sống học tập và vui chơi của các em.
Trung thành với mục tiêu ban đầulà giáo dục trẻ, nên các câu chuyện được chọn lọc trong tuyển tập này tiếp tục dựa trên tiêu chí ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với tâm lý thanh thiếu niên.Đồng thời, thông qua những câu chuyện trong tập 3 này, các khái niệm Phật học căn bản cũng sẽ được giới thiệu, như : Vô thường, Vô ngã, Nhân quả, Nghiệp báo, Bố thí, Ngũ giới, Tịnh độ… Cuối mỗi câu chuyện đều có phần Bài học liên hệ với những giáo lý căn bản của đạo Phật, sẽ giúp trẻ nhớ, hiểu rõ và có thể áp dụng những bài học này vào cuộc sống. Từ hiểu biết này, hy vọng trẻ có thể tự mình tìm đọc để hiểu thêm về Phật pháp và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày của mình ở trường và ở nhà.
Cấu trúc tập 3 được chia thành 4 phần, gồm: Chuyện tiền thân Đức Phật, Phật pháp và tuổi trẻ, Chuyện loài vật, và Phật pháp ứng dụng. Bên cạnh các câu chuyện gắn liền với Đức Phật và Phật pháp, một số truyện về loài vật, cổ tích Việt Nam cũng được đưa vào nhằm giúp các em cảm thấy vui thích qua các hình ảnh thân thương của các loài vật, giúp các em hiểu hơn về thế giới tự nhiên, cũng như phát triển lòng yêu thiên nhiên, và biết bảo vệ môi trường sống. Chúc các em nhỏ và các bậc phụ huynh có những niềm vui khi đọc cuốn sách này, và ứng dụng được những điều Phật dạy trong cuộc sống để gia đình luôn an lạc và hạnh phúc !
Nhân đây, cũng xin bày tỏ lòng biết ơn đối với các tác giả, tác phẩm, hình vẽ đã được sử dụngtrong tuyển tập này, mà tác giả không có điều kiện liên lạc và xin phép. Xin gửi tặng món quà này đến mẹ, bà xã và các con, những người luôn bên cạnh động viên, và khuyến khích tôi hoàn thành tập sách này. 
Mong tiếp tục nhận được sự hưởng ứng từ các em thiếu nhi và các bậc phụ huynh đối với Những mu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi tập 3 này. Rất mong nhận được các góp ý để bổ khuyết cho lần tái bản sau được hoàn thiện hơn. Mọi góp ý xin gửi về địa chỉ e-mail: pqtrung@gmail.com

Tác giả kính bút,
Đức Kiên (Phạm Quốc Trung)


MỤC LỤC

Friday, August 25, 2017

Mây và sóng

Clouds And Waves

TAGORE

Mother, the folk who live up in the clouds call out to me
“We play from the time we wake till the day ends.
We play with the golden down, we play with the silver moon”.
I ask, “But, how am I to get up to you?” They answer, “Come to the edge of the earth, lift up your hands to the sky, and you will be taken up into the clouds”.
“My mother is waiting for me at home”, I say, “how can I leave her and come?”
Then they smile and float away.

But I know a nicer game than that, mother
I shall be the cloud and you the moon.
I shall cover you with both my hands, and our house-top will be the blue sky.

The folk who live in the waves call out to me
“We sing from morning till night; on and on we travel and know not where we pass.”
I ask, “But, how am I to j oin you?” They tell me,”Come to the edge of the shore and stand with your eyes tight shut, and you will be carried out upon the waves.”

I say, “My mother always wants me at home in the evening …how can I leave her and go?”
Then they smile, dance and pass by.

But I know a better game than that.
I will be the waves and you will be strange shore.
I shall roll on and on, and on, and break upon your lap with laughter.
And no one in the world will know where we both are.



Bản dịch - Mây và sóng

Thơ Tagore - Trong tập thơ Trăng Lưỡi Liềm (The Crescent Moon,năm 1913)
Tặng em và các con

Mẹ ơi !
Kìa ai đang gọi con trên mây,
Chúng ta vui chơi đến hết ngày,
Dưới ánh trăng vàng, trên sóng bạc,
Nhưng làm sao tôi đến được đây ?

Họ trả lời con : “Hãy đi ngay,
Cuối nẻo đất, trời mây đang gọi”
Nhưng con nói : “Mẹ tôi đang đợi,
Tôi thể nào, bỏ được mẹ sao ?”

Họ mỉm cười và lao đi mất,
Nhưng con còn biết một trò hay :
Mẹ làm trăng, con sẽ làm mây,
Con sẽ ôm choàng mẹ với bàn tay,
Còn mái nhà ta là trời xanh bát ngát

Mẹ ơi !
Kìa ai đang gọi con trên sóng rì rào,
“Ta ca hát sớm chiều và đi xa mãi mãi,
Không biết rằng sẽ đi qua nơi đâu”.

“Nhưng làm sao cho tôi đến được?”
“Con hãy mau ra mặt biển đi,
Nhắm mắt vào và sóng cuốn con đi” .
Lời mẹ dặn hằng đêm tôi đang nhớ
“Lòng con sao rời mẹ cho đành?”

Họ mỉm cười và dần đi khuất,
Nhưng con còn biết một trò chơi,
Con làm sóng, mẹ, mặt biển khơi,
Con lăn mãi, vui cười bên gối mẹ,

Và không ai có mặt trên đời,
Lại biết được khoảng trời mẹ con ta đang sống !

PHẠM TRƯỜNG LINH

Saturday, July 22, 2017

Miên man về "Sắc tức thị không"

Miên man về "Sắc tức thị không"

Bài kinh Bát nhã được xem là một trong những bài kinh quan trọng nhất của Phật giáo. Chính vì vậy nó thường được gọi là tâm kinh, hay kinh nằm lòng, và được đọc tụng trong hầu hết các khoá lễ hằng ngày và các nghi lễ quan trọng của đạo Phật Việt Nam.
Ai trong chúng ta nếu đã từng nghe qua bài kinh này đều thường nhớ được những đoạn điệp khúc khá ấn tượng : "Xá lợi tử ơi, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc ...", hay "...tướng không của các pháp không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt...". Đọc xuông thì dễ, nhưng hiểu được ý nghĩa của nó đòi hỏi chúng ta phải suy tư và thực hành kỹ lưỡng. Hiểu được ý nghĩa của tâm kinh cũng tức là hiểu được tinh ba giáo lý của Phật. Dưới đây tôi xin chia sẻ đôi điều suy nghĩ của cá nhân về những câu kinh trên. Hy vọng những suy nghĩ này phù hợp với giáo nghĩa của chư Phật và giúp ích chút đỉnh cho những ai hữu duyên, và muốn hiểu thêm về Bát nhã tâm kinh.
Trước hết, có lẽ tôi đặc biệt lưu tâm đến các đoạn trên của Bát nhã tâm kinh khi học đến định luật bảo toàn năng lượng trong chương trình vật lý bậc phổ thông. Khi đọc thuộc lòng đoạn "năng lượng không mất đi mà cũng không tự sinh ta, nó chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác, hoặc truyền từ vật này sang vật khác", tự nhiên tôi cảm thấy có sự tương đồng rất lớn giữa định luật này và những câu kinh Bát nhã ở trên.
Phải chăng "tướng không của các pháp" trong đoạn kinh trên là tên gọi khác của năng lượng? Nếu nhìn bằng con mắt của vật lý học, vạn vật trong thế giới này đều gồm 2 phần là : vật chất hữu hình và năng lượng vô hình. Khi chưa khám phá ra thuyết tương đối, con người cho rằng vật chất và năng lượng là khác nhau và tách rời nhau. Nhưng dưới ánh sáng của thuyết tương đối, chúng ta biết rằng năng lượng và vật chất là 2 mặt biểu hiện của cùng 1 sự vật. Với công thức E=Mc^2, Einstein đã chứng minh mối quan hệ giữa vật chất và năng lượng một cách hùng hồn. Phần hữu hình của vạn vật được biểu diễn bằng khối lượng M trong công thức trên, còn phần vô hình hay tướng không của vạn pháp được biểu diễn bởi năng lượng E trong công thức trên. Nói cách khác, công thức trên chính là diễn tả ý nghĩa "sắc tức thị không" trong câu kinh Bát nhã. Sắc chính là phần vật chất hữu hình, còn không chính là phần năng lượng vô hình của vạn pháp. Đó chính là 2 mặt của cùng sự vật, hiện tượng. Vật chất khi tích tụ năng lượng thì hữu hình, khi giải phóng năng lượng thì trở thành vô hình. Nó không mất đi, vẫn còn đó, đợi nhân duyên đầy đủ lại biểu hiện dưới dạng vật chất trở lại. Và nếu đọc lại định luật bảo toàn năng lượng thì nó hoàn toàn trùng khớp với đoạn "thị chư pháp không tướng bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm..." trong tâm kinh. Ôi quả thật là chân lý! Điều mà đến nay các nhà khoa học mới thấy, thì cách nay 2500 năm Đức Phật đã phát biểu một cách rõ ràng như vậy. Ngài quả là một nhà khoa học vĩ đại!
Như vậy, điều Phật nói rất tương đồng với những gì mà khoa học hiện đại phát hiện được. Đó phải chăng là lý do mà nhà vật lý học nổi tiếng của TK 20 Einstein đã hết lời ca ngợi Phật giáo. Ông đã xem Phật giáo như tôn giáo của khoa học. Bát nhã tâm kinh vì vậy xứng đáng được gọi là bài kinh của trí tuệ, bởi nó giúp chúng ta thấy được chân lý như thật về vũ trụ vạn pháp. 
Kinh Bát nhã còn viết "Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách". Nếu thực hành thâm sâu trí tuệ đáo bỉ ngạn này, sẽ soi thấy 5 uẩn cấu tạo nên thân tâm của chúng ta (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều là không, nhờ đó mà vượt qua hết mọi khổ đau, ách nạn. Tại sao chúng ta ngày nào cũng đọc Bát nhã mà khổ đau vẫn còn nhiều, ách nạn vẫn ngập tràn, vẫn chưa thể vượt qua để đến bờ an vui? Có lẽ lý do chính là chúng ta mới đọc trên miệng mà chưa thực hành thâm sâu bài kinh này. Như vậy làm sao để "hành thâm Bát nhã" đây?
Đây chính là quá trình tu học của mỗi người trong cuộc sống, bởi từ hiểu đến hành là một khoảng cách. Phật dạy pháp của ngài như là thuốc chữa lành bệnh khổ của chúng sanh, nhưng nếu chỉ cầm thuốc trong tay mà không uống thì không hết bệnh được. Cũng vậy, nếu chúng ta hiểu Bát nhã, mà không thực hành thì cũng không thể vượt thoát khổ đau, đến bờ hạnh phúc được. Thực hành Bát nhã đòi hỏi chúng ta hiểu được tánh không và tướng không của vạn pháp trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Khi đối diện với khổ đau, cần quán chiếu bản chất sâu xa của khổ: khổ từ đâu mà có? Ai khổ? Nếu thấy rõ "sắc tức thị không" thì sẽ thấy người đang đau khổ cũng là không, mà cái tâm niệm khổ đau cũng không nốt. Người chịu khổ đã không thì nổi khổ cũng không, vậy là vượt qua mọi khổ ách rồi còn gì. Bởi thấy được tính vô ngã của vạn pháp, nên ngay đó không còn sợ hãi, khổ đau nữa.
Sở dĩ con người thấy khổ là chắc thực và triền miên là bởi không thấy được cái tôi là giả tạm, hư dối. Họ cho rằng thân ta là chắc thật, tâm ta là thường còn, mà không biết lẽ vô thường. Cần nhìn thấy mọi thứ là do duyên sinh, và cũng do duyên mà tan biến. Sắc và không là 2 mặt của một đồng tiền, nhìn sắc phải thấy không, nhìn không cần biết sắc. Nếu thấy được như vậy thì không đau khổ khi đối diện với sống chết, không còn sợ hãi nữa. Bởi sống và chết là 2 mặt biểu hiện của cùng thực tại, chết không phải là mất, bởi năng lượng không sinh ra cũng không mất đi, nó chỉ tạm ẩn để chờ đợi nhân duyên và biểu hiện ở một dạng khác mà thôi. Nếu luôn duy trì được cái thấy như vậy về vô ngã, vô thường, duyên sinh của vạn pháp trong cuộc sống, tức là đã có thể hành thâm bát nhã, đã có đức tính của ngài Quán tự tại Bồ tát, và có thể thong dong dạo chơi trong cõi ta bà rồi vậy.
Hy vọng, mỗi chúng ta hãy học và hành Bát nhã tâm kinh bằng tinh thần của nhà khoa học vật lý. Để hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu kinh "Sắc tức thị không" trong bài kinh trí tuệ đáo bỉ ngạn, và áp dụng nó một cách thường xuyên khi đối diện với mọi hoàn cảnh trong cuộc đời, để có thể vượt thoát khổ ách, nếm được hương thơm của đóa hoa giải thoát, giác ngộ ngay trong đời sống hiện tại. Nào, hãy cùng tôi tụng đọc tâm kinh Bát nhã mỗi ngày bạn nhé!
Gate, gate, paragate, parasangate, bodhi, svaha!

(Đức Kiên)

Thursday, July 6, 2017

Thắc mắc của vua A Xà Thế



Thắc mắc của vua A Xà Thế

Vua A Xà Thế sau khi quy y theo Phật đã rất nhiệt tâm trong việc tu học, thường suy tư, tìm hiểu và ứng dụng lời Phật dạy vào việc trị quốc, an dân. Vì vậy, đất nước an bình, thịnh trị. Tuy nhiên, việc vua A Xà Thế theo Phật, thay đổi quan điểm trong việc trị quốc theo hướng nhân từ, không sát hại đã gặp phải sự bài bác, chống đối của các vị Bà La Môn.
Nhân sự việc 2 binh sĩ bỏ nhiệm vụ để trở thành tỳ kheo trong tăng đoàn của Phật, các vị Bà La Môn chất vấn vua A Xà Thế rằng, nếu ai cũng muốn thực hiện theo lời Phật dạy là không sát hại thì lấy ai chiến đấu bảo vệ đất nước và giữ gìn trị an?
Vua A Xà Thế bối rối trước tình huống này, nên đến xin ý kiến Phật để tìm cách hóa giải mâu thuẫn với các vị Bà La Môn, và cũng để giải quyết những khúc mắc trong lòng mình. Sau khi nghe những khúc mắc của vua A Xà Thế về mâu thuẫn giữa nguyên lý bất hại với nhu cầu chiến đấu, trừng phạt để bảo vệ sự an nguy của đất nước, Đức Phật bèn kể một câu chuyện như sau.
Ngày xưa, ở một vương quốc nọ, có một con rắn chúa sinh sống trong ngôi đền cổ. Con rắn này thường bò vào làng và cắn chết nhiều người, nên nó đã trở thành nổi kinh hoàng của mọi người. Không ai dám đến gần ngôi đền và khu vực xung quanh.
Một hôm nọ, có vị đạo sĩ từ phương xa đến và dừng chân trú đêm lại trong ngôi đền đó. Con rắn chúa đã bò đến gần vị đạo sĩ, và định cắn như mọi khi. Tuy nhiên, vị đạo sĩ là người đã có giác ngộ, nên ngài đã dùng tâm từ để cảm hoá con rắn chúa. Ngài đã giảng giải cho nó nghe về nghiệp báo, khiến nó nhận ra lỗi lầm do lòng tham sân si. Nó đã xin quy y với ngài, hứa giữ gìn ngũ giới và nguyện sẽ từ bỏ con đường sát hại.
Từ đó, con rắn trở nên hiền lành, không còn cắn ai nữa. Tuy thế, dần dần mọi người trong làng không còn sợ hãi con rắn, và còn xem thường nó nữa. Chẳng những vậy, nó lại bị lũ trẻ con trong làng chọc phá, dùng gậy gộc đánh một cách rất thảm thương. Con rắn phải trốn vào hang đá vào ban ngày, và ban đêm mới đi ra kiếm ăn. Nó chỉ ăn những thứ cỏ cây, sỏi đá mà không dám giết hại bất kỳ loài vật nào như đã hứa với vị đạo sĩ.
Một ngày kia, vị đạo sĩ trở lại ngôi làng đó, thấy tình cảnh thảm thương của con rắn, ngài nói với nó: "Ta chỉ bảo ngươi không cắn người, chứ đâu bảo ngươi phải từ bỏ bản chất của mình. Ngươi vẫn có thể khò khè làm họ sợ để tự vệ chứ".
Kể đến đây, Đức Phật dạy vua A Xà Thế về trách nhiệm của người cầm quyền, nên dùng tâm nhân từ, công bằng đối xử với mọi người. Khi cần thiết vẫn có thể trừng phạt người phạm lỗi, và vẫn có thể duy trì quân đội để bảo vệ đất nước.
Ngài dạy thêm, điều quan trọng của việc tu tập là đi trên con đường trung đạo, không quá phóng túng, nhưng cũng không quá khắc khổ, cần linh động để ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh, tránh việc cố chấp, quá cứng nhắc trong ứng xử.
Ngoài ra, Đức Phật cũng chỉ cho vua A Xà Thế về bảy nguyên tắc để duy trì hòa bình, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh, đó là:
1/ hai bên cần ngồi đối diện với nhau, cùng nổ lực giải quyết vấn đề.
2/ mỗi bên trình bày vấn đề một cách rõ ràng, bình tĩnh tìm hiểu và ghi nhớ nguyên nhân của vấn đề.
3/ cần dùng trí tuệ khách quan/ công bằng xem xét từng vấn đề, sáng tạo trong việc tìm giải pháp.
4/ nếu nhận thấy điểm sai của mình thì chủ động xin lỗi, không cố chấp cãi bướng. Sẵn lòng tha thứ cho người và cho mình về những khuyết điểm.
5/ mọi quyết sách cần được sự tán đồng của người dân, nếu sau khi đọc lớn 3 lần quyết định trước công chúng mà không ai phản đối, thì mới được ban hành quyết định đó.
6/ trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, các bên cần phải tuân theo quy tắc chung đã đặt ra.
7/ cần mời một người lớn tuổi, có uy tín đứng ra làm trọng tài/ trung gian hoà giải giữa 2 bên.
Phật nói tiếp, nếu đại vương thực hành theo bảy nguyên tắc trên, mọi tranh chấp sẽ có thể được hóa giải, mở ra con đường của hoà bình, an lạc và cùng chung sống giữa mọi người. Nghe xong, vua A Xà Thế vui mừng, tán thán Đức Phật, xin tuân theo lời chỉ dạy và trở về cung.
Bài học: Khi áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, cần linh động, nên theo tinh thần trung đạo. Nguyên lý bất hại chỉ mang tính tương đối, nên cố gắng tránh sát hại đến mức tối đa. Trong một số tình huống bất khả kháng, việc trừng phạt, hay tiêu diệt kẻ ác để bảo vệ an bình của người thiện một cách công tâm cũng không vi phạm nguyên lý này. 
(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3)