Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Monday, March 31, 2014

Bàn về Tự do học thuật

Bàn về Tự do học thuật


Ngày nay, khi bàn về cải cách giáo dục Đại học, mọi người thường nhắc đến nhiều yếu tố cần thiết cho sự phát triển của bậc học này, trong đó có yếu tố Tự do học thuật. Đây có thể được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất đảm bảo Đại học đi đầu trong việc nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới, mở rộng kho tri thức chung của nhân loại và góp phần định hướng cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, vì lịch sử phát triển của giáo dục Đại học Việt Nam thời hiện đại còn khá ngắn và đây lại là 1 khái niệm có nguồn gốc từ phương Tây, nên không phải ai cũng hiểu rõ về khái niệm này. Vì vậy, bài viết này muốn bàn luận vài nét về khái niệm Tự do học thuật nói chung, và liên hệ nó với bối cảnh cải cách giáo dục Đại học ở Việt Nam hiện nay.

Theo từ điển Bách khoa toàn thư Britannica, "Tự do học thuật là quyền tự do giảng dạy, học tập, và theo đuổi tri thức và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên mà không bị can thiệp vô lý hay bị giới hạn bởi luật pháp, các quy định của cơ sở giáo dục, hoặc áp lực của công chúng". Theo đó, những yếu tố cơ bản của tự do học thuật đối với giảng viên bao gồm quyền tự do trong việc tìm hiểu bất cứ chủ đề tri thức nào mà mình quan tâm, quyền trình bày những khám phá của mình cho sinh viên, đồng nghiệp, và những người khác biết, quyền công bố bằng cách xuất bản những số liệu và kết luận của mình mà không bị kiểm soát hay kiểm duyệt, và quyền giảng dạy theo cách mà mình thấy phù hợp về mặt chuyên môn; Đối với sinh viên, đó là quyền tự do học tập và nghiên cứu những gì mình quan tâm và quyền đưa ra những kết luận của chính mình, cũng như quyền biểu đạt những ý kiến của mình. Nhiều trường Đại học nổi tiếng trên thế giới đã lấy Tự do học thuật như là 1 tiêu chí hàng đầu cho hoạt động của mình. Lấy ví dụ như ở Đại học Kyoto của Nhật Bản, nơi tôi đã từng du học trước đây, tinh thần Tự do học thuật rất được coi trọng, ở đó SV. và GV. có thể theo đuổi bất kỳ chủ đề nghiên cứu nào, miễn là nó có ý nghĩa và được cộng đồng khoa học công nhận. Ngoài ra, SV. cũng có thể tự do thành lập hay tham gia bất kỳ câu lạc bộ học thuật nào theo sở thích mà không bị cản trở bởi những lý do hành chính hay chính trị nào. 

Tinh thần cốt lõi của Tự do học thuật là biến Đại học trở thành một môi trường lý tưởng cho học tập và nghiên cứu, ở đó chỉ có tri thức được tôn thờ. Mọi quan điểm, học thuyết, tư tưởng đều được nghiên cứu và trao đổi một cách nghiêm túc, thẳng thắn, cởi mở để tìm ra được những tri thức đúng đắn, nhằm ứng dụng vào cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Ở đó, không có khái niệm gọi là vùng cấm hay nhạy cảm không được đụng đến. Mọi tri thức đều phải được kiểm chứng và đánh giá dưới nhãn quan khoa học. Nói đến đây, tôi lại nhớ đến 1 câu truyện cổ ở phương Tây về Cây tri thức, trên đó có những trái cấm mà con người không được đụng vào, nếu chạm vào thì sẽ bị trừng phạt. Nhưng vì quá tò mò, nên loài người đã chạm vào những trái cấm đó, và ăn nó. Sau khi ăn, con người đã có được tri thức để có thể phân biệt được đúng-sai, phải-trái và thoát khỏi tình trạng mông muội như trước đây. Theo câu truyện, sau đó, con người phải bị trừng phạt, nhưng có lẽ đó là cái giá phải trả để con người có thể tiếp cận được tri thức, vượt qua được sự ngu dốt vốn có và trở nên trưởng thành hơn. Cũng như vậy, hành trình đến với Tự do học thuật là tiến trình lâu dài và đầy gian khổ, nhưng nếu Tự do học thuật không được đảm bảo, thì con người không thể đến gần với chân lý và kho tàng tri thức của nhân loại không thể được phát triển như ngày nay.

Từ định nghĩa trên, đối chiếu với bối cảnh Việt Nam, ta nhận thấy nhiều quy định hiện nay của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục Đại học ở Việt Nam chưa đảm bảo nguyên tắc Tự do học thuật này. Tư duy quản lý ở Việt Nam từ trung ương đến cơ sở vẫn còn nặng về thủ tục hành chính theo kiểu "xin cho". Đại học ở Việt Nam chưa được xem là 1 đơn vị độc lập có quyền tự chủ về hoạt động giáo dục và nghiên cứu như ở các nước phát triển. Mọi vấn đề của đại học từ tuyển sinh, mở ngành, công nhận kết quả, cấu trúc chương trình, giáo trình, cách đánh giá, ngân sách hoạt động... đều phải thông qua Bộ GD-ĐT & các cơ quan quản lý nhà nước. Lấy ví dụ về quá trình tái thiết kế chương trình đào tạo ở trường ĐHBK TP.HCM theo mô hình CDIO, một mô hình tiên tiến về xây dựng CTĐT trên thế giới hiện nay. Thế nhưng, trong quá trình triển khai dự án tái thiết kế này, các thầy cô phụ trách đã gặp không ít khó khăn vì đụng phải những vùng cấm, những khối kiến thức lỗi thời, không còn giá trị, nhưng không được phép thay đổi, và phải giữ nguyên trong cấu trúc chương trình vì những quy định cứng của Bộ GD-ĐT. Và còn rất nhiều vấn đề khác sẽ mãi mãi không thể cải tiến được trong giáo dục Đại học, nếu tư tưởng về Tự do học thuật chưa được tôn trọng bởi đội ngũ GV. Đại học và những người làm công tác quản lý giáo dục.

Trên thực tế, mô hình quản lý trói buộc như trên đã tỏ ra thiếu hiệu quả, và kiềm hãm sự phát triển của hoạt động giáo dục và NCKH. Điều này thể hiện cụ thể ở nhiều mặt, như: GV. không có hứng thú làm NCKH, chất lượng đào tạo thấp, năng lực của SV. tốt nghiệp không đáp ứng nhu cầu xã hội, và sản phẩm giáo dục thường bị đánh giá thấp bởi các doanh nghiệp sử dụng lao động... Hiện tượng thiếu tin tưởng của các bậc phụ huynh đối với hệ thống giáo dục trong nước khi cho con em đi "tỵ nạn giáo dục" ngày càng phổ biến, các biểu hiện tiêu cực trong ngành giáo dục ngày càng nhiều về số lượng và càng nghiêm trọng về bản chất... đều là những chỉ dấu cho thấy giáo dục Đại học Việt Nam hiện có quá nhiều vấn đề, và rơi vào tình trạng khủng hoảng toàn diện. Chính vì vậy, có 1 sự đồng thuận rất lớn trong xã hội là cần phải có 1 cuộc cải cách toàn diện ngành Giáo dục. Phải thay đổi toàn bộ, từ triết lý giáo dục, tư duy quản lý, giáo trình, cách đánh giá, cho đến các chính sách cụ thể... mới mong có thể cải thiện chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, điểm then chốt nhất của đợt cải cách giáo dục này là phải tạo điều kiện để đảm bảo môi trường tự do học thuật cho các trường Đại học. Có như vậy, mới tạo ra những tiền đề căn bản và điều kiện cần thiết cho những thay đổi sâu rộng hơn trong ngành Giáo dục.

Một ví dụ gần đây về sự thiếu tự do học thuật trong môi trường Đại học Việt Nam đó là hiện tượng can thiệp thô bạo của cơ quan quản lý vào hoạt động học thuật qua "vụ án Nhã Thuyên". Một luận văn thạc sỹ của tác giả có bút danh là Nhã Thuyên đã được bảo vệ tại ĐH Sư Phạm Hà Nội, và đạt điểm xuất sắc cách đây 4 năm. Nay, đã bị đem ra đánh giá lại dưới lăng kính chính trị. Mặc dù, về mặt khoa học, hội đồng đánh giá lại cũng không chỉ ra được sai phạm nào về mặt lập luận, phương pháp, quá trình thu thập dữ liệu, cũng như cách phân tích của đề tài, nhưng kết quả cuối cùng là luận văn bị đánh rớt và văn bằng thạc sỹ bị thu hồi, chỉ vì luận văn nghiên cứu về 1 chủ đề nhạy cảm về mặt chính trị. Chủ đề nghiên cứu của luận văn là về khía cạnh văn hóa của phong trào đòi hỏi tự do trong sáng tác và xuất bản của nhóm "Mở miệng". Đây là 1 nhóm nhà văn/ nhà thơ tự do, chủ trương các tác phẩm văn học phải được tự do xuất bản và không bị kiểm duyệt bởi bất cứ ai. Họ đã lập ra nhà xuất bản "Giấy vụn" để xuất bản các tác phẩm của các thành viên trong nhóm, mà không phải thông qua sự kiểm duyệt của cơ quan kiểm soát văn hóa nhà nước. Gần đây, hoạt động của nhóm này cũng đã gây được sự chú ý của dư luận quốc tế, và 1 vài cây bút của nhóm đã được trao giải thưởng về tự do sáng tác và xuất bản. Có lẽ, đây là lý do chính mà luận văn của Nhã Thuyên đã bị đem ra "xét lại" một cách thô bạo và thiếu khoa học. Thực tế, điều này chỉ chứng tỏ môi trường giáo dục Đại học Việt Nam chưa thật sự có Tự do học thuật. Đại học chưa phải là thành trì vững chắc nhất cho những tâm hồn khát khao chân lý và là nơi bất khả xâm phạm để các nhà trí thức có thể yên tâm nghiên cứu, sáng tạo mà không lo sợ "phạm húy" hay bị đem ra "đấu tố" một ngày nào đó. Nếu thực trạng này vẫn còn duy trì, thì mọi nổ lực cải cách giáo dục đại học Việt Nam sẽ không đạt được kết quả như kỳ vọng của xã hội. Bởi, bỏ qua tự do học thuật, mọi vấn đề cải cách chỉ giải quyết được phần ngọn mà không chạm đến được phần gốc rễ, hay nguyên nhân cốt lõi của nó.

Tuy nhiên, cũng cần biết rằng đòi hỏi về tự do học thuật trong môi trường Đại học Việt Nam không có nghĩa là các sinh hoạt nghiên cứu, giảng dạy ở Đại học sẽ không bị trói buộc bởi bất kỳ điều gì. Đương nhiên, tự do học thuật cũng phải có giới hạn của nó, nhưng đó không phải là các giới hạn hành chính hay chính trị, mà là các giới hạn dựa trên các tiêu chí khách quan và khoa học. Thực tế, trong một môi trường tự do học thuật, các ràng buộc, như là: phương pháp làm việc khoa học, đạo đức nghiên cứu, đánh giá của đồng nghiệp... còn là những rào cản chặt chẽ và khó khăn hơn đối với những người làm công tác sáng tạo và NCKH thật sự.

Từ những nhận định trên, đòi hỏi các nhà giáo dục và những người làm công tác quản lý giáo dục ở Việt Nam cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về cam kết của mình đối với Tự do học thuật. Liệu người Việt Nam có thực sự khao khát tri thức, và sẳn sàng tiếp cận tri thức bằng mọi giá hay không? Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thay đổi những thói quen lâu nay trong cách nghĩ, cách làm của chúng ta, để có thể đảm bảo sự Tự do học thuật trong môi trường Đại học. Câu trả lời phải đến từ các nhà quản lý giáo dục, cộng đồng GV., SV., các nhà nghiên cứu và những người làm công tác NCKH hiện nay ở Việt Nam. Cần nhớ rằng, để các ĐH. phương Tây đạt được mức độ tự do học thuật như ngày nay, đòi hỏi họ phải trải qua một thời gian dài để đấu tranh và chiến thắng các thế lực vô minh, phản khoa học, đến từ tôn giáo/ chính trị. Những thế lực mạnh mẽ này luôn muốn can thiệp vào sinh hoạt học thuật của môi trường ĐH và cản trở sự tự do học thuật đúng nghĩa.

Chỉ có một môi trường Tự do học thuật thật sự mới có thể đảm bảo Đại học làm tốt vai trò của nó trong thời đại tri thức, là cái nôi ươm mầm cho những đóa hoa tri thức, cho sự sáng tạo các tư tưởng mới và cho khát vọng vươn tới những chân trời tri thức mới lạ. Nếu thật tâm muốn thay đổi, chúng ta phải biết vượt qua những rào cản hiện tại, cho dù phải vượt qua bao gian khó, hiểm nguy, để có thể hái được trái cấm trên cây tri thức của nhân loại. Có như thế, thì Đại học mới có thể tạo ra những người trí thức đúng nghĩa, có năng lực sáng tạo, tự chủ, tự tin trong việc tìm kiếm tri thức và giải quyết các vấn đề đầy khó khăn và phức tạp mà thời đại đang đặt ra. Hy vọng, một ngày gần đây, "Tự do học thuật" sẽ là 1 cụm từ được hãnh diện ghi trong các Sứ mạng và Định hướng phát triển của các trường Đại học hàng đầu Việt Nam. Mong lắm thay!

Sài Gòn, 3/ 2014.
TS. Phạm Quốc Trung, Khoa QLCN, ĐHBK TP.HCM

Sunday, March 16, 2014

Hoa Vương

Hoa Vương

Ngày xửa, ngày xưa có một Minh Quân cai trị một quốc gia thanh bình trù phú. Moị việc đều xuôi chèo mát mái, ngoaị trừ một điều là dù tuổi đã khá cao, nhà Vua hiền đức của chúng ta vẫn chưa có được Hoàng nam nối dõi.

Một bữa tốt trời đức Vua cho yết bảng, truyền lệnh cho vời các đồng tử lên 7 đến 12 vào sân rồng cho Ngài tuyển chọn ngườikế nghiệp. Các thần dân của đức Vua trong số tuổi ấn định lũ lượt kéo nhau về kinh đăng ký. Bất kể gia tộc sang hèn, nghèo giàu mỗi cậubé đều được nhận một hạt giống tí tẹo. Các thí sinh phải đem hạt giống về tự tay gieo trồng và chăm bón. Ðến bao giờ hạt giống nẩy mầm, nứt lộc, đâm chồi, ra nụ kết hoa thì sẽ mang đến Hoàng cung dự thí.

Ngày khảo thí được ấn định vào đêm rằm tháng tám, chậu hoa nào được đức Vua chấm giải nhất thì người gieo trồng nó sẽ được vào cung làm Hoàng tử. Người sẽ kế vị đức Vua sau này. Cái ngày chờ đợi đó đã đến, vườn ngự uyển chất đày các lẳnghoa do thí sinh đem nộp, không chê vào đâu được, vì loài hoa nào cũng rực rỡ ngát hương. Nhưng đức Vua và Hoàng hậu xem chừng vẫn chưa chọn được thứ nào vừa mắt.

Cuối cùng một chú bé khoảng 8 tuổi, áo quần rách rưới nhưng mặt mũi dễ thương, xin được vào chầu đức Vua của chú. Mọi người cười ồ khi thấy chú khư khư ôm một cái chậu bằng đất nung chứa đày phân và rác bẩn. Vị thần dân tí hon này qùy trước bệ rồng, nước mắt chảy quanh, sụt sịt nói:
- Muôn tâu, con đã làm hết sức mình, con đã chọn chiếc chậu lành lặn nhất, để vào đó thứ đất mịn nhất, trộn vào đất thứ phân đã hoai và tốt nhất... rồi mới đặt hạt giống của đức Vua ban cho con vào đó... Con đã phơi sương ủ nắng và tưới nước cho nó... Vậy mà nó không chịu nứt cái mầm nào cả.
Ðức Vua nghe xong không dấu được sự xúc động, ôm chầm lấy cậu bé reo:
- Ôi! Con chính là vị Hoàng tử mà ta chờ đợi.
Mọi người kinh ngạc lẫn bất bình. Ðức Vua vuốt râu mỉm cười giải thích:
- Tất cả các hạt giống trao cho thí sinh đều đã được hấp chín... Nó chỉ có thể nở hoa trung thực mà thôi...
Ðưa tay chỉ chiếc chậu đầy đất bẩn của chú bé dân giả, đứcVua tiếp:
- Ðóa hoa trung thực ấy chỉ đâm chồi nẩy lộc trong mỗi một chiếc chậu này. Con người đã gieo trồng được loại hoa ấy, nhất định sẽ là vị anh quân mà đất nước ta chờ đợi.

Ðức Vua đã không lầm trong sự lựa chọn ấy.

(Sưu tầm)

Monday, February 17, 2014

Tần Hoài Dạ Bạc

Hôm nay 17/2, kỷ niệm 35 năm ngày quân Trung Quốc xâm lăng biên giới phía bắc nước ta. Khoảng 6 vạn binh sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc ngắn ngày, nhưng thảm khốc này.

Vừa rồi, rất cám ơn một số nhân sĩ trí thức ở Hà Nội đã tổ chức tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc ở vườn hoa gần tượng đài Lý Thái Tổ vào sáng CN 16/2/2014. Đây là hành động thật ý nghĩa và đáng quý!

Tuy nhiên, buổi lễ tưởng niệm này đã bị quấy nhiễu bởi 1 nhóm người nhảy múa, hát hò ở cùng địa điểm và thời gian. Cảm thấy buồn và xấu hổ cho nhóm người này!

Chợt nhớ tới bài thơ Tần hoài Dạ bạc của Đỗ Mục, kể về cảnh những ca nhi vui vẻ đờn ca, hát xướng trong 1 quán rượu ở bến Tần Hoài, mà không hay biết về nỗi nhục mất nước. Đáng thương lắm thay!

Hình như, vườn hoa ở Hà Nội đâu có gần quán rượu, và những người nhảy nhót nọ cũng thuộc hàng U50, U60, đâu phải là phường "ca nhi". Điều này, càng khiến nỗi đau của những người có tấm lòng với đất nước, muốn tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống 35 năm trước để bảo vệ đất nước, càng trở nên thấm thía hơn!

Tần Hoài Dạ Bạc – Đỗ Mục


Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa

Bến Tần Hoài


Khói lồng trên nước, trăng lồng cát
Bến Tần Hoài nằm cạnh tửu gia,
Ca nhi đâu biết hờn vong quốc
Vẫn vui hoài khúc Hậu Đình Hoa

(Phạm Trường Linh)

Friday, February 7, 2014

KHAI BÚT ĐẦU XUÂN GIÁP NGỌ 2014


KHAI BÚT ĐẦU XUÂN GIÁP NGỌ 2014


Ngựa bay - vượt mọi gian truân
Cùng nhau vực dậy tinh thần Đông A
Nghìn năm đại vận thăng hoa
Con Hồng cháu Lạc – một nhà Việt Nam
Canh tân đất nước, cùng làm
Gieo trồng thiện phước, nâu lam gốc nhà

Giữ gìn chánh niệm trong ta
Nói lời ái ngữ, nhà nhà an vui
Siêng năng, tinh tiến người ơi
Diệt trừ cái ác, cho đời nở hoa
Mùa xuân hiện ở lòng ta
Gieo trồng hạnh phúc, chan hòa yêu thương

An vui lẽ đạo chân thường
Tu tâm là gốc, bốn phương thái hòa… 
Lặng nhìn Xuân giữa rừng hoa
Mĩm cười, Di Lặc hiện ra giữa đời
Mong cho sống dậy tình người
Mùa xuân vạn hạnh, sáng ngời đạo tâm…

PQT - Mùng 8 Xuân Giáp Ngọ

Thursday, January 23, 2014

Những điều cần biết đầu xuân Năm Giáp Ngọ-2014

Những điều cần biết đầu xuân Năm Giáp Ngọ-2014 


Đây là những năm đầu thiên niên kỷ, là giai đoạn mở đầu một đại vận, cho đât nước và con người, cho nên năm 2014 vẫn có một ý nghĩa quan trọng. Vừa là năm mới, xuân mới, vừa là những năm đầu thế kỷ, đầu thiên kỷ mới … và trong tâm thức cộng đồng ngươi Việt, mỗi năm là một tiểu vận, ai ai cũng tin vào vận hội mới, chu kỳ mới… những khó khăn, đau khổ… rồi sẽ qua đi, những may mắn, hạnh phúc, điều tốt lành sẽ đến.

Thế cho nên, hàng năm Tết đến, mọi người chúc nhau biết bao điều tốt đẹp, như an khang thịnh vượng, hạnh phúc, may mắn, thành đạt và như ý… Cái sức mạnh tinh thần ấy đã trở thành truyền thống, hàng năm, Tết đến dù ở bất cứ đâu, ai ai cũng quay trở về mái ấm gia đình, …Để góp phần bảo tồn Tết truyền thống còn giữ được sự thiêng liêng, giữ gìn một chút vốn liếng văn hoá… xin gởi đến quí vị một đôi điều để cùng trân trọng, giữ gìn và vui hưởng ngày Tết.

1. Ngày 30 Tết : Được xem là ngày Tết, vì nhà cửa đã được tươm tất, chưng dọn xong. Việc chưng dọn nhà cửa đẹp và sạch, sắp xếp bàn thờ gia tiên với nhang đèn, trái cây… không phải chỉ là thuần tuý vấn đề vệ sinh hay vui xuân mà thực chất, còn để chuẩn bị một tâm thế, một nghi thức có tính truyền thống để thân tâm được an lạc và thanh tịnh. Trong ngày cuối năm đó, tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình mà chúng ta sẽ tiến hành buổi cúng gia tiên cuối năm, hoặc trưa hoặc chiều ngày 30, gọi là mời đón ông bà về ăn Tết. Trong buổi đó, ngoài gia đình chủ nhà, còn mời anh chị em, chú bác… đến cùng đón ông bà.

2. Đón giao thừa :
- Trước 23h30’, tất cả tụ họp đầy đủ ở nhà. Chuẩn bị đầy đủ các món đồ cúng giao thừa như : 2 đèn cầy, 3 chung trà (rượu, nước trong, trà nóng), hoa (vạn thọ, cúc…), trái cây (dưa hấu, dừa xiêm, quít, ngũ quả…), xôi chè đậu xanh, bánh mứt… nói chung là lễ vật tinh khiết. Lưu ý : vật quý, tiền, vàng… thường cất vô tủ và mùng 2 Tết mới được lấy ra để giữ tài lộc suốt năm. Tiền mừng tuổi người già, trẻ nhỏ, tiền tiêu dùng… nhớ lấy ra trước.
- Đúng 0h (giờ phút thiêng liêng nhất) thì sắp bàn hương án để cúng, bàn thờ đặt trước cửa nhà, cửa ngõ, cửa cổng. Ai đứng cúng cũng được, thắp nhang khấn vái trời đất, cầu mọi điều tốt đẹp trong năm mới. Cúng Phật và chư thiên cũng ý nghĩa đó. Cũng có người khấn trời đất xong cũng khấn vái tổ tiên… đều tốt. Phải giữ không khí trang nghiêm, vui vẻ. Nhang tàn một chút thì lui đèn, gia đình quây quần ăn xôi chè, bánh mứt, uống trà, và chúc nhau những điều tốt đẹp.
- Tục lệ ta cũng kiêng cữ những lời nhảm nhí, nói gở, gây gỗ, đổ vỡ, giận dữ … Người hiểu biết ít, mới cho là mê tín dị đoan. Thực ra điều này giúp ta luôn làm chủ được mình, thực hành ái ngữ (nói lời tốt đẹp, thiện ý) kiềm chế sân si, thực hiện hạnh từ bi, giữ gìn sự điềm đạm trong tâm.

3. Mùng 1 : Tết ông bà, cha mẹ, sui gia, đoàn tụ về đại gia đình, cúng vái tổ tiên, chúc tết ông bà, cha mẹ tại thế, mừng tuổi, chú bác cô dì đều được cả.
 • Giờ xuất hành tốt: từ trưa đến chiều tối đều tốt (11h-21h), có thể xuất hành đi chùa hái lộc, không hạn định số người đi, khi trở về nhà xem như đã xông đất.
 • Giờ xuất hành buổi sáng : (7h-9h) Giờ này không đẹp bằng buổi chiều, nhưng cũng tạm được.
 • 8h – 12h : cúng Tổ tiên, gia đình ăn cơm đầu năm. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ chúc mừng và lì xì cho con cháu.
 • Trong ngày mùng 1 Tết, sáng mùng một nên ăn chay một buổi, nếu hoàn cảnh không tiện, thì ăn chay một bữa sáng, để thân tâm thanh tịnh, mừng xuân có thể uống chút rượu nhưng không say sưa, về nhà trước 22h. Ngày xuân, đi đâu cũng không được la cà, mau chóng về nhà để được vui xuân cùng ông bà và gia quyến.
 • Nhắc lại : “Đêm 30, ních chặt cửa càn khôn, kẻo ma vương đưa quỷ tới, Sáng mùng 1, rộng mở cửa từ bi, đón vạn hạnh bước vô nhà.”

4. Mùng 2 : Tết họ hàng, quyến thuộc, bạn hữu.
• Cúng kiến ông bà, thăm viếng thân quyến, bạn hữu, tiếp khách... Đi chợ đầu năm, khai bút…
• Những giờ tốt : 11h-13h, 13h-17h.
• Nếu làm ăn, thì bắt đầu cúng Ông Địa, Thần Tài từ 3 – 16 âm lịch.

5. Mùng 3 : Tết thầy, tiễn đưa ông bà (tạ vàng hay hoá vàng).
• Những giờ tốt : 9h-11h, 19h-23h.
• Cúng tạ vàng : Bữa cơm đại gia đình cúng tiễn ông bà, hóa vàng, dán lộc trong nhà. Cơm nước xong có thể hạ nêu, vui chơi trong tháng xuân.

6. Mùng 4, 5, 6, 7 : Họp mặt, vui chơi.

7. Mùng 5, 8, 9, 11, 13, 15, 16 có thể khai trương. Mùng 8 khai trương, khai trường, khởi sự công việc làm ăn đều tốt. Từ mùng 4 có thể vui xuân đi chơi xa.

Chúc tất cả thân hữu, quyến thuộc… một năm mới Giáp Ngọ An khang, Thịnh đạt và Hạnh phúc!

Tuesday, January 14, 2014

Tưởng niệm 74 chiến sĩ hy sinh bảo vệ Hoàng Sa 19/1/1974

Cách đây 40 năm, giặc Tàu đã ngang nhiên xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sau 1 trận hải chiến bất cân sức, 74 chiến sĩ Việt Nam đã nằm xuống mãi mãi như những anh hùng vệ quốc. Đây chính là chứng tích về sự xâm chiếm bất hợp pháp của Trung Quốc đối với vùng biển và đảo của Việt Nam, và sẽ là chứng cớ để tố cáo tội ác của họ ra trước tòa án quốc tế trong tương lai. Người Tàu có tật hay chối, những sự thật rành rành như việc xâm chiếm Tây Tạng, cả thế giới đều biết, mà họ vẫn ngang nhiên tuyên bố đó là đất của họ. Vì vậy, chúng ta cần phải buộc họ công nhận sự thật không thể chối cãi bằng cách công bố thật nhiều chứng cứ ra khắp thế giới và yêu cầu họ phải chấp nhận luật chơi chung của thế giới trong thế kỷ 21.

Nhân dịp 40 năm ngày mất Hoàng Sa, người Việt khắp nơi trên thế giới nên phát động phong trào đòi lại đảo, và lật tẩy bộ mặt cướp nước, xâm chiếm biển đảo của người Trung Quốc cho cả thế giới cùng biết. Đó chính là hành động thiết thực để tri ân những anh hùng đã ngã xuống và góp phần vào công cuộc tranh đấu pháp lý, đòi lại biển đảo quê hương.


Tưởng niệm 74 chiến sĩ hy sinh bảo vệ Hoàng Sa - 19/1/1974

Hoàng Sa một dãi cát vàng
40 năm trước máu loang sóng gầm
Giặc Tàu cướp đảo lấn xâm
74 chiến sĩ quyết nằm lại đây 
Ngàn năm lịch sử phơi bày
Đảo vàng còn đó nước mây Lạc Hồng
Giữ gìn non nước cha ông
Bao đời dân Việt quyết không chịu lùi
Hoàng Sa quyết giữ quyết đòi
Biển Đông giành lại, sáng ngời nước Nam...

Niềm tin, công lý, ta làm
Giặc Tàu ỷ mạnh, lòng tham vô chừng
Đạo trời, công lý bất dung
Gian tham, tàn ác, cuối cùng bại vong
Xưa nay phi nghĩa chớ mong
74 tử sĩ hoà trong đất này
Chứng xưa, tội ác hôm nay
Ác giả ác báo - một ngày không xa
Đảo vàng về lại nước ta
Toàn dân chung hát khúc ca Thái Bình...

PQT
(Kỷ niệm 40 năm ngày mất đảo Hoàng Sa - 19/1/1974)

Sunday, December 29, 2013

Thơ Xuân

Thơ Xuân


Phạm Trường Linh
Mấy nghìn năm lịch sử, mấy thăng trầm
Lại mở đầu bằng một trang sử mới

Năm cũ đã qua,
Thế nước còn đen cơn bĩ cực
Ngày xuân mới đến,
cơ trời đã chuyển vận hanh thông

Vượt chướng duyên phiền não, đến bờ không,
Tâm thường lạc giữa muà xuân vạn hạnh
Hoa lại nở, ngoài hiên đêm một nhánh
Đạo vô cùng, trong nhất niệm bất sinh,
Bốn mùa vần chuyển chung quanh
Xuân sinh thu liễm … tàn đêm đến ngày

Chút tình non nước vơi đầy
Lòng xuân man mác biết ngày nào đây.

(Bài thơ Xuân chào thế kỷ 21)

Saturday, November 30, 2013

Quản lý quy trình từ góc nhìn thực tế


Quản lý Quy trình từ góc nhìn thực tế

Quản lý quy trình kinh doanh (business process management) là một vấn đề rất quan trọng đối với các tổ chức muốn chuẩn hóa quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng như ISO, hay chuẩn bị điều kiện cho việc triển khai các hệ thống thông tin quản lý. Sâu xa hơn, việc quản lý quy trình có thể giúp nhà quản lý hiểu được toàn bộ chuỗi giá trị của tổ chức mình, xác định các khuyết điểm và vấn đề tồn đọng, qua đó thiết kế/ cải tiến các quy trình đang có theo hướng tối ưu hóa, mang lại giá trị nhiều hơn cho khách hàng (đối tượng phục vụ). Khi giảng về vấn đề này, tôi thường tập trung nói về các bước thực hiện và các kỹ thuật để quản lý quy trình, như: các công cụ mô hình hóa, cách phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình, cách áp dụng CNTT để giải quyết 1 số vấn đề của quy trình hiện tại..., nhưng chưa chú trọng đến tinh thần của việc cải tiến quy trình, là hướng tới khách hàng, mục tiêu là làm tăng giá trị của sản phẩm/ dịch vụ cung cấp và làm cho khách hàng hài lòng hơn. Mọi đề xuất cải tiến quy trình đều phải lấy khách hàng làm điểm tham chiếu chính, đây mới là tinh thần cốt lõi của việc quản lý quy trình.

Trên thực tế, ta thấy nhiều quy trình được thiết kế chỉ nhằm mang lại thuận lợi cho nhà cung cấp dịch vụ, hay nhiều tổ chức vì quá tự tin vào các hệ thống thông tin áp dụng, mà lại không nhận ra rằng nó có những quy trình gây phiền hà cho khách hàng, làm giảm hiệu quả của hệ thống. Gần đây, khi quan sát một số vấn đề trong cuộc sống thực tế liên quan đến thiết kế và vận hành quy trình, tôi càng thấy rõ hơn điều cốt lõi trong quản lý quy trình chính là làm sao có thể mang lại giá trị nhiều hơn cho khách hàng, chứ không phải chỉ là vấn đề mô hình hóa và cải tiến mô hình như mình đã giảng cho SV.

Ví dụ thực tế đầu tiên, đó là khi đọc trên báo chí về phát biểu của một số quan chức về tình trạng xả lũ của các thủy điện ở miền Trung là "đúng quy trình", mặc dù hậu quả nhãn tiền là quy trình đó đã gây ngập lụt nghiêm trọng, dẫn đến chết nhiều mạng người. Khi phát biểu câu này, có lẽ giả định trong đầu của các vị quan chức này là mọi quy trình đã được thiết kế là đúng. Chính vì vậy, họ cho rằng không có gì sai khi thực hiện theo đúng quy trình, dù cho kết quả có dẫn đến lụt lội, chết người đi chăng nữa. Điều này xuất phát từ 1 giả định sai, bởi vì không có quy trình nào là đúng/ sai tuyệt đối, mà chỉ có quy trình tốt/ không tốt theo nghĩa mang lại lợi ích/ giảm thiểu thiệt hại cho người dân (đối tượng lãnh hậu quả do việc xả lũ của các hồ thủy điện). Hiện nay, chính phủ cũng có 1 vài biện pháp như là cứu trợ đồng bào lũ lụt, khắc phục hậu quả, hạn chế việc xây dựng thủy điện mới..., đó là những biện pháp đúng nhưng chưa đủ. Điều cần thiết hiện nay là chính quyền các cấp cần nhận ra là quy trình xả lũ hiện nay của các hồ thủy điện là 1 quy trình không tốt, bởi nó gây ra thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng của người dân, và cần phải gấp rút cải tiến quy trình xả lũ hiện tại, sao cho, những lần xả lũ tới sẽ không gây ra thiệt hại như thế nữa.

Khó khăn của việc quản lý quy trình đó là cần phải nhìn thấy sự liên quan với nhau của nhiều bộ phận trong cùng 1 quy trình, chứ không phải chỉ giải quyết bài toán trong 1 phạm vi hẹp của 1 hồ thủy điện. Cụ thể, ở đây, quy trình xả lũ tốt cần sự phối hợp của tất cả các nhà máy thủy điện trên cùng 1 con sông, các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các cấp quản lý ngành, chính quyền địa phương, và người dân ở khu vực đó. Vấn đề xả lũ hiện nay đòi hỏi phải có 1 cơ quan làm nhiệm vụ điều phối hoạt động xả lũ dựa trên thông tin về mực nước của các hồ thủy điện, thông tin dự báo về lượng mưa, thông tin về mực nước sông và nhu cầu sử dụng nước của người dân. Dựa trên các thông tin này, cơ quan điều phối sẽ lập kế hoạch xả lũ tối ưu, đồng thời sẽ là đầu mối thông tin đến chính quyền và người dân ở khu vực bị ảnh hưởng để biết về kế hoạch này. Ngoài ra, về lâu dài, cơ quan này cũng phải làm nhiệm vụ đưa ra các nguyên tắc, quy định chung và các giải pháp để đảm bảo an toàn các hồ chứa, giảm thiểu thiệt hại của việc xả lũ, kiểm tra việc tuân thủ các quy định vận hành an toàn, và xử phạt các đơn vị vi phạm các quy tắc đó. Theo tôi nghĩ, nếu các quan chức thực lòng lo cho an nguy và tính mạng của người dân, thì không nên có những phát biểu theo kiểu chối bỏ trách nhiệm như trên, mà nên có những kế hoạch và hành động thiết thực để mùa lũ sang năm sẽ không có những cảnh thiên tai và nhân tai song hành như hiện tại.

Ví dụ thứ hai, đó là kinh nghiệm đi cắt Internet MegaVNN của gia đình. Số là, trước đây tôi đăng ký sử dụng dịch vụ MegaVNN với gói khuyến mãi giảm giá 20%, nhưng phải sử dụng trong 1 năm rưỡi. Tuy nhiên, hiện nay, gia đình tôi đã đăng ký 1 gói dịch vụ khác với tốc độ nhanh hơn. Vì vậy, dư ra 1 đường Internet cần phải bỏ bớt. Thế nhưng khi tôi yêu cầu hủy bỏ dịch vụ MegaVNN, công ty VNPT yêu cầu tôi phải trả lại số tiền khuyến mãi của 15 tháng đã sử dụng, còn không thì phải đợi đến hết 18 tháng mới được cắt. Tôi đề nghị cho tôi đóng tiền 3 tháng còn lại rồi cắt hợp đồng, thì cô nhân viên trả lời quy trình của HTTT hiện tại không cho phép làm như vậy. Vấn đề đặt ra ở đây là, quy trình hiện tại của HTTT của VNPT đã thiết kế thiếu chức năng kết thúc hợp đồng trước thời hạn của khách. Khách hàng phải có 2 chọn lựa kết thúc: (1) đóng nốt số tiền còn lại cho hết hợp đồng, và (2) đền trả số tiền đã được khuyến mãi. Đây là nhu cầu có thực của khách hàng, và HTTT cần phải thiết kế để đáp ứng nhu cầu này, chứ không phải bắt khách hàng chịu khó đóng tiền thêm vài tháng nữa cho hết hạn rồi mới được cắt hợp đồng. Khi tôi giải thích vấn đề này và yêu cầu cô nhân viên tư vấn góp ý lại với bộ phận IT để cải tiến hệ thống, thì cô không hiểu vấn đề và cho tôi là một khách hàng khó tính (chắc cô cũng nghĩ rằng cô đang làm đúng quy trình). Có lẽ xuất phát từ giả định sai lầm là HTTT cô đang sử dụng là 1 hệ thống rất hiện đại, và mọi quy trình thiết kế là đúng, và cô chỉ cần làm theo quy trình là xong. Nhưng giả định đó là sai, vì quy trình thiết kế hiện tại không hướng tới việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng, và không tạo ra sự thuận tiện cho khách hàng. Mặc dù, sau 3 tháng đóng tiền, cuối cùng tôi cũng cắt được hợp đồng, nhưng vì sự bất tiện này, có lẽ VNPT đã mất đi 1 khách hàng, và sẽ mất thêm nhiều khách hàng nữa nếu không cải tiến quy trình. Đó là thiệt hại rất lớn, mà nhân viên phục vụ và người thiết kế quy trình của VNPT không nhận thấy được.

Từ một số ví dụ trên, ta cần thấy ra bản chất của việc quản lý quy trình, phải xem đó là 1 cách tiếp cận có tính hệ thống, nhằm nắm bắt được bản chất và mối quan hệ của các quy trình nghiệp vụ hiện tại, giúp nhà quản lý học tập về hệ thống và tìm ra những khuyết điểm của quy trình hiện tại, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp cải tiến quy trình, nhằm mang lại giá trị nhiều hơn cho đối tượng phục vụ. Ta cũng có thể áp dụng nguyên tắc này khi xem xét cải tiến, thay đổi quy trình ở bối cảnh vĩ mô, như là: tái cấu trúc nền kinh tế, hay là sửa đổi luật pháp, hiến pháp... Nếu ta chỉ đề xuất thay đổi chung chung, mà không xác định chính xác điểm tham chiếu của những thay đổi chính sách vĩ mô là người dân, thì có khi những thay đổi đề xuất lại gây ra bất lợi cho người dân, dẫn đến những "lỗi cơ chế" hay "lỗi hệ thống", làm người dân thêm bất mãn và hạn chế sự phát triển của đất nước, mà nguyên nhân phần lớn do việc thiết kế quy trình không tốt hay chỉ xuất phát từ lợi ích của nhà quản lý, hay các nhóm lợi ích, mà quên mất điểm tham chiếu là sự hài lòng của khách hàng (người dân).

Trên thực tế, có nhiều chính sách quản lý của nhà nước, hay nhiều điều luật trong bộ luật, hay hiến pháp rất bất cập, gây nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong khi thực hiện, và cũng được người dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học phản ánh rất nhiều, nhưng vẫn chưa được khắc phục. Ví dụ: luật đất đai quy định về "sở hữu toàn dân" là nguyên nhân gây ra hiện tượng dân oan ngày càng tăng trong cả nước, luật quy định doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo là nguyên nhân cho việc đối xử bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế... Tuy nhiên, những quy định sai lầm này sẽ không thể được sửa chữa nếu cơ quan hành pháp và lập pháp không nhận ra những giả định sai lầm bấy lâu nay. Giả định đó là, mọi quy trình hiện có là đúng, và chỉ cần thực hiện theo đó là hết trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Để sửa chữa sai lầm này, nhà nước cần phải thấy mình là 1 đơn vị cung cấp dịch vụ công, và mọi quy định của nhà nước phải làm hài lòng người dân, chính là khách hàng, người đã đóng thuế nuôi dưỡng guồng máy nhà nước để phục vụ cho mình. Vì vậy, các nhân viên công quyền cần phải nhận ra giả định sai lầm trên, các cơ quan nhà nước cần phải rà soát lại các quy trình của các dịch vụ công hiện có, phải nhận ra những quy trình tốt để phát huy (theo nghĩa là mang lại giá trị nhiều hơn cho người người dân, làm người dân hài lòng hơn) và những quy trình không tốt để cải tiến (tức là gây thiệt hại cho người dân, làm họ bất mãn). Và như vậy, khi sửa đổi quy trình, quy định, luật lệ hay hiến pháp cần phải lấy thước đo là sự hài lòng của người dân, chứ không phải là sự hài lòng của nhà nước hay của đảng cầm quyền. Vì vậy, khi đọc bài báo hôm qua cho thấy quốc hội đã bấm nút thông qua hiến pháp sửa đổi với những quy định gây nhiều bất lợi cho dân vẫn chưa được sửa, bài báo dùng những cụm từ "hân hoan", "thành công tốt đẹp", nhưng sao tôi vẫn cảm thấy không vui vì biết rằng "lỗi cơ chế" hay "lỗi hệ thống" vẫn còn đó.

Mong rằng, những thay đổi sắp tới liên quan đến quy trình, chính sách, quy định của nhà nước sẽ áp dụng tốt việc quản lý quy trình và khắc phục được khuyết điểm hiện nay. Sao cho, mọi cơ quan công quyền đều biết lấy người dân làm mốc tham chiếu cho mọi cải tiến chính sách. Được như vậy, thì những cụm từ "hân hoan" không phải chỉ được nói ra từ cửa miệng của các quan chức, mà sẽ là niềm vui thực sự của người dân có liên quan đến chính sách đó.

TS. Phạm Quốc Trung

Thursday, November 14, 2013

Đạo làm thầy

 










Đạo làm thầy

"Trước cửa tương lai chọn nghề thầy giáo
Chẳng màng công danh, chẳng vì cơm áo,
Chỉ vì tương lai và niềm hy vọng
Hôm nay trồng người, cho trăm năm sau" (*)

Đạo làm thầy - gian khổ, chẳng dễ đâu
Bước chân vào nghề giáo, chớ mong cầu
Trí phải sáng, tâm trong, và kiên nhẫn
Mới gọi là Thầy, đúng nghĩa trước sau.

Nước muốn mạnh, giáo dục càng phải vững
Đạo muốn hành, đức cần phải chấn hưng
Thầy lương thiện, khơi sáng Chân, Thiện, Mỹ
Trò giỏi giang, xã hội mới thêm mừng...

Truyền tri thức, ngọn lửa hồng sáng mãi
Trao niềm tin, hy vọng đến ngày mai
Niềm vui chung, thầy và trò góp sức
Dựng quê hương, đất nước mãi lâu dài...

Ngày nhà giáo, mỗi người nên suy nghĩ
Đạo làm thầy, lý tưởng rọi đường đi
Người trí thức, phải gắng lòng tu dưỡng
Đền ơn nhà, nợ nước - phải làm gì?

Ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11/2013
PQT

---
(*) Trích "Vẫn sáng trong tăm tối" của nhà thơ Phạm Trường Linh


Thursday, October 17, 2013

Tư tưởng lấy dân làm gốc của người xưa

Ngày nay, cả thế giới đang chuyển động theo 1 trào lưu dân chủ, với nghĩa lấy "dân làm gốc" cho mọi quyết định quan trọng của quốc gia. Vì vậy, dân chủ hóa là 1 xu thế tất yếu và không thể đảo ngược được. Vấn đề ở đây là, khái niệm dân chủ vẫn chưa được hiểu rõ (hoặc cố tình không hiểu?) bởi một số người. Lấy ví dụ, một số quốc gia độc tài, bất chấp ý kiến của người dân, nhưng lúc nào cũng tự cho là "mình cực kỳ dân chủ", một số nước lại lý giải là nước mình có một loại dân chủ đặc thù, khác với dân chủ phương Tây. Đặc biệt, gần đây có 1 số người trong nước khá dị ứng khi nghe đến 2 từ dân chủ, lớn tiếng phê phán các tổ chức quốc tế khi nói đến những vi phạm nhân quyền của nước mình, thậm chí còn dùng chữ "bọn rân chủ" để nhạo báng những ai cổ xúy cho quyền của người dân.

Nhưng có lẽ, lắng lòng lại, thì mình sẽ có thể hiểu 1 cách rất rõ ràng, đơn giản về khái niệm này. Đó là mọi quyết định quan trọng của quốc gia, đất nước phải cân nhắc đến ý kiến và quyền lợi của những người có liên quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng phát biểu: "Dân chủ là để cho dân được mở miệng". Nhưng có lẽ chính xác hơn, không phải chỉ để cho dân được mở miệng, mà chính quyền phải thấy mình là công bộc của dân, phải biết lắng nghe ý kiến quyết định của "ông chủ" là người dân, là người đã đóng thuế nuôi mình. Khái niệm này thật đơn giản, không có sự khác biệt giữa phương Đông hay phương Tây, giữa tư bản hay cộng sản. Chỉ khác chăng, là mình có muốn thực sự tôn trọng quyền của người dân hay không mà thôi.

Vừa qua, đọc 1 đoạn trong cuốn Lối về Sen nở của Thầy Thích Phước Sơn có nói về Đạo đức chính trị của tiền nhân, trong đó có nói về tư tưởng lấy dân làm gốc. Xin trích lại dưới đây để mọi người cùng chiêm nghiệm và suy nghĩ về tư tưởng dân chủ của người xưa. Đây là 1 tư tưởng đã có từ lâu trong lịch sử của Việt Nam, mà tới nay, khi nhắc đến 2 từ "dân chủ", mọi người vẫn còn nghe đâu đây âm vang của Hội nghị Diên Hồng, khi vua phải hỏi ý kiến các bô lão trong cả nước về việc có nên chiến đấu chống giặc dữ xâm lược hay không.

Có lẽ, ngày nay, trong hòa bình và trong công cuộc xây dựng đất nước, chúng ta cũng nên học lại bài học xưa, phải biết thực sự coi dân là gốc, biết thực tâm lắng nghe ý kiến của người dân trong những quyết định quan trọng của đất nước, như: sửa đổi hiến pháp, luật đất đai, vấn đề nông thôn, khai thác tài nguyên, thủy điện, điện hạt nhân, chống tham nhũng.... Có như thế mới chứng minh một cách thuyết phục với thế giới là mình thật sự đang đi trọng lộ trình dân chủ hóa của các quốc gia tiến bộ.

---

Tư tưởng lấy dân làm gốc của người xưa

Kinh qua lịch sử xưa nay, các triều đại huy hoàng đều do những nhà lãnh đạo anh minh gầy dựng. Tài năng và đức độ của họ luôn luôn ngang tầm với trọng trách mà họ gánh vác. Một trong những yếu tố tạo nên sự nghiệp vẻ vang là lòng nhân ái, biết lấy dân làm gốc.

Đức tính này đã bộc lộ khá rõ trong lời di chúc của một vị vua Phật tử là Lý Nhân Tông (1072-1127): “Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên vui, đến khi chết lại khiến cho mọi người mặc áo sô gai, sớm tối khóc than, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, như vậy thiên hạ sẽ nghĩ ta là người thế nào?... Thế nên, việc tang chế chỉ nên ba ngày là bỏ áo trở, dứt khóc than, chôn cất cốt phải kiệm ước, không nên xây lăng mộ mà chỉ để ta hầu bên cạnh Tiên đế là được.” (Sđd, 312)

Một vì vua thần võ sáng suốt, nhân hiếu song toàn, giỏi âm luật, thông lễ nhạc, được thần giúp, người theo, nước  lớn sợ, nước nhỏ mến, suốt 45 năm gầy dựng một giang sơn hùng mạnh, vậy mà đến lúc chết vẫn còn quên mình lo cho dân tộc, bằng lời di chúc khiêm tốn, cẩn trọng và đầy lòng vị tha. Điều đó  cũng dễ hiểu, bởi vì, các bậc minh quân đời  trước không ai là không nghĩ đến dân. Họ ít khi tuyên truyền bằng những khẩu hiệu suông, mà thực lòng chăm lo cho dân bằng những việc làm cụ thể.

Năm 1290, đất nước gặp phải thiên tai, dân chúng bị nạn đói hoành hành, Trần Nhân Tông (1258-1308) xuống chiếu  xuất ngân khố phát chẩn cho người nghèo và tha thuế cho dân. Việc làm ấy phát xuất từ tấm lòng chân thật thương dân, xót xa trước những nỗi khổ của mọi người, đau những nỗi đau của đồng bào đồng loại. Vì vậy mà khi ông mất, dân chúng cảm mến đua nhau đến tham dự đông nghẹt trong buổi lễ rước kim quan nhập tháp, khiến cho kim quan không thể nào di chuyển. Viên quan lo việc lễ tang phải tổ chức những khúc  hát Long ngâm tại nhiều nơi, mọi người thấy lạ, kéo nhau đến xem. Nhờ vậy buổi lễ mới tiến hành viên mãn.

Đức Phật dạy: “Nhân nào thì quả nấy; kính người thì người kính mình, thương người thì người thương mình.” Vua xem dân như con cái, thì dân kính vua như cha mẹ. Trái lại, nếu vua coi dân như cỏ rác thì dân sẽ oán vua như cừu địch. Thế nên, những nhà lãnh đạo nào nếu bị nhân dân bỏ rơi, thì đừng có vội trách  dân mà hãy tự trách mình. Do đó, nếu muốn được nhân dân yêu chuộng, tin tưởng, thì bản thân mình phải trung thực thương dân, không được lừa dối mọi người.

Sau khi chiến thắng quân Minh, giang sơn gom về một mối, quê hương  sạch bóng quân thù, người anh hùng ái vải Lê Lợi đã xuống chiếu miễn thuế cho dân 2 năm, không bắt sưu dịch những người già cả, ban thưởng cho những người con hiếu thảo, và khen tặng những phụ nữ tiết trinh. Chiếu chỉ ấy đã được toàn dân hân hoan đón nhận với tấm lòng cảm phục biết ơn. Bởi vì nhà vua đã thấy được sự cống hiến to lớn của nhân dân cả sinh mệnh  và tài sản cho cuộc kháng chiến đầy cam go, nên đã an ủi và tưởng lệ những công lao cao quí  của họ. Việc làm ấy tuy dễ, nhưng không phải ai cũng làm được, ngoại trừ những nhà lãnh đạo thực  lòng yêu nước, thương dân, biết cái gốc của một quốc gia nằm trong lòng người.

(Trích "Lối Về Sen Nở" - Thích Phước Sơn)